Wednesday 16 September 2015

Bài phát biểu của Thượng Tướng Trung Quốc : Lưu Á Châu



Tôi là người kế tục của văn hóa Trung Hoa, cũng là người phê phán nó. Trước đây, đầu tiên tôi là người kế tục nó, sau đó mới trở thành người phê phán nó. Hiện tại, đầu tiên thì tôi phê phán nó, sau đó mới là người kế tục. Lịch sử của Phương Tây là nền lịch sử cải tà quy chính từ ác trở thành thiện. Lịch sử của Trung Quốc thì ngược lại, là một bộ lịch sử đổi từ thiện sang ác. 

Phương Tây cổ đại thì cái gì cũng cấm, chỉ là không cấm cái bản năng của con người. Ở Trung Quốc thì cái gì cũng không cấm, chỉ cấm độc nhất mỗi bản năng con người. Người Phương Tây có cái hay là thể hiện được bản thân họ, thể hiện được lối tư duy, tư tưởng của cá nhân, dám thể hiện cả bản thân đang lõa thể. 

Người Trung Quốc thì chỉ biết mặc quần áo che ở bên ngoài, đem cả quần áo phủ lên tư tưởng. Việc mặc quần áo dễ hơn là cởi nó ra, người Phương Tây dám biểu đạt góc tối tăm của bản thân, do đó họ sẽ nhận được ánh sáng soi rọi, do đó tư tưởng của họ tung hoành khắp nơi như vó bảo mã. 

Chúng ta lại đi ca tụng vinh quang của bản thân, kết quả thì đem tới ngàn năm tăm tối. Triết gia người Đức Georg Wilhelm Friedrich Hegel đã nói “Trung Quốc không có triết học”. Tôi cho rằng Trung Quốc mấy ngàn năm qua không hề sản sinh ra được tư tưởng gia nào. Tư tưởng gia mà tôi nói tới ở đây là những nhà tư tưởng có cống hiến kiệt xuất cho tiến trình văn minh của nhân loại như Hegel, Socrates, Platon. 

Monday 7 September 2015

Nhậu nhẹt: Căn bệnh nan y của xã hội Việt Nam



Rượu bia dùng trong các bữa ăn hay buổi tiệc là một nét văn hóa ẩm thực của nhiều nước. Nếu chỉ uống một lượng vừa đủ sẽ giúp bữa ăn ngon miệng hơn, kích thích tiêu hóa tốt hơn.

Nhưng nhậu thì khác! Nhậu ở xứ ta có thể thấy ở mọi lúc mọi nơi và uống là chính, ăn chỉ là phụ. “Lai rai” thì còn chấp nhận được chứ nhậu “tới bến” đến say xỉn, mất tự chủ thì quả là tệ nạn.

Không phải tự nhiên các nước đạo Hồi cấm tiệt rượu bia. Chẳng phải vô lý khi một số nước đánh thuế “khủng” vào các loại thức uống chứa cồn. Tôi làm nghề du lịch, có dịp đi khắp đất nước, đến nhiều quốc gia, chẳng thấy ở đâu nhậu nhiều như ở nước ta. Cả nam lẫn nữ, mọi độ tuổi, mọi thành phần đều nhậu. Có người còn nghĩ nhậu là sành điệu, nhậu càng nhiều càng bản lĩnh, tửu lượng ngày càng cao càng được nể phục! Nhậu trở thành “bản sắc văn hóa” (hay tệ nạn - có người gọi là quốc nạn). Số liệu từ các nhà máy rượu bia cho biết bình quân mỗi người Việt Nam uống 15,8 lít bia và 3,9 lít rượu/năm. Nhưng còn rượu lậu, bia chui? Số lượng bia rượu đã được uống chắc chắn còn lớn hơn nhiều. Ở các nước khác chỉ cóquán rượu còn ở nước ta có cả phố nhậu, làng nhậu nằm đan xen với các khu phố văn hóa, trong các phường, xã văn hóa!

Vừa rồi đi Hà Giang, ghé chợ Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, thấy bà con dân tộc uống rượu mà phát hoảng! Rượu uống bằng tô, uống chay, từng “can” 20 lít. Cả đàn ông, đàn bà và thiếu niên, uống say rồi nằm la liệt. Hèn gì thể trạng người miền núi ngày càng quắt lại? Từ mười năm trước, tôi đã từng bàng hoàng khi thấy một bé trai hai tuổi, ở truồng, uống rượu như nước ở bản Tả Phìn - Sapa. Vừa rồi có một đoàn du khách đi xe lửa ra Nha Trang, đoàn chỉ có hơn 20 người mà nốc sạch 15 thùng bia. Đi với bà con nông dân thì họ mang theo mấy can rượu, lên xe là “uống tới bến”. Đến cả thầy giáo, bác sĩ, công an, cán bộ Đoàn, cán bộ Đảng... cũng không hề kém cạnh.
Nhậu, từ sáng tới trưa, từ chiều tới tối, từ chạng vạng đến khuya, kéo theo vô vàn hệ lụy. Không chỉ là “rượu vào lời ra” mà còn tăng độ liều mạng trong mọi hành động, trong giao thông cho đến quan hệ đồng loại và cả đạo đức xã hội.

Có lần, tôi hỏi thăm vài... bợm nhậu: “Sao nhậu dữ vậy?”. “Buồn quá!”. “Thế nhậu có bớt buồn không?”. “Lúc nhậu thì quên”. “Còn sau đó?”. “Càng buồn hơn!”. Vậy thì nhậu làm gì hả Trời? Tháng trước về miền Tây, gặp một em học trò cũ bị chồng nhậu xỉn đánh bầm mặt, vừa khóc vừa kể khổ. Tôi hỏi: “Sao em biết nó nhậu nhiều mà còn lấy?”. “Thầy thử tìm giùm em một thanh niên ở xã này, có ai không nhậu?”. Tôi chỉ biết lặng im.

Đưa du khách nước ngoài qua các phố nhậu, họ chỉ lắc đầu. Chẳng biết là họ thán phục hay ngao ngán? Có mấy người đã đến Việt Nam nhiều lần còn hiểu nhầm rằng “Nhà nước Việt Nam khuyến khích (hoặc ngấm ngầm cổ xúy) người dân uống rượu, bởi chẳng nước nào được uống rượu thoải mái như ở đây??? Nhậu cũng thể hiện sự bế tắc, mất niềm tin vào thực tại và tương lai.
Nhiều người lý giải: “Nhậu là để ngoại giao, để làm ăn, để ký hợp đồng... Không nhậu không được!”. 
Nhưng đó cũng có thể là sự ngụy biện.

Nhậu là con đường ngắn nhất dẫn đến tội ác! Không thể cấm nhậu nhưng có thể hạn chế bằng đánh thuế mạnh vào bia rượu như ở Singapore. Ở đảo quốc sư tử, giá một lon bia bán ngoài đường là 4 đô la Mỹ, còn trong khách sạn 3 sao là 15 đô la Mỹ và không phải chỗ nào cũng có. Giá rượu lại càng đắt và khó mua hơn. Nên cấm bán - uống rượu trong giờ hành chính và phạt thật nặng những kẻ vi phạm, người say xỉn. Và cán bộ, đảng viên lại càng phải nêu gương.

Số tiền mua bia rượu và số tiền phải bỏ ra để khắc phục hậu quả của nhậu (từ bệnh tật đến tai họa, tai nạn...) chắc chắn không nhỏ. Thời gian nhậu nếu dành để học hành, nghỉ ngơi, chơi thể thao, tập thể dục, quan tâm người thân thì chắc hẳn xã hội sẽ bớt nhiễu nhương hỗn loạn. Nghiêm trọng hơn, nhậu không chỉ “đầu độc cả một thế hệ” mà còn làm suy yếu cả một dân tộc.
NGUYỄN VĂN MỸ (THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN)




Saturday 5 September 2015

Tìm kiếm một cái tâm



Buổi trưa, tại sân ga của một thành phố lớn, một người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi đang mướt mồ hôi để vác lên vai túi hành lý lỉnh kỉnh của mình. Trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy hằn lên sự vất vả, cực nhọc của một người lao động thấp kém. Chị đang đưa ánh mắt dường như vô vọng của mình khắp sân ga như để tìm kiếm một thứ gì đấy nhưng sau đấy lại tỏ vẻ thất vọng. Trông chị rất đáng thương.

Trên sân ga, người qua lại tấp nập. Ai đi qua người phụ nữ ấy đều ném về phía chị những cái nhìn ái ngại và thương cảm. Không ai có ý định dừng lại để giúp đỡ chị. Ðặc biệt là những người ăn mặc sang trọng, họ đều đi qua chị với tốc độ rất nhanh, dường như là họ nghĩ nếu đi chậm lại thì chắc chắn người đàn bà đó cũng kéo họ lại để lạy lục, nhờ vả việc gì đó.
- Anh để ý đấy nhé, không biết chừng chị ta sẽ nài nỉ xin tiền hoặc sẽ tìm cách kết bạn với mình để bị chị ta tra tấn trên suốt chuyến đi bằng những câu chuyện vừa dài vừa vô duyên, hoặc như chị ta sẽ mượn mình chiếc khăn mùi xoa để lau mồ hôi mà lau xong thì mình không dám xin lại hay như mượn bình nước uống rồi tu ừng ực thì vài ngụm đã hết veo. Ðúng là người nhà quê.  Một người phụ nữ ăn mặc trông có vẻ sang trọng bĩu môi và nói với người đàn ông cũng có vẻ sang trọng bên cạnh mình.
- Xin chào... xin...

Quả nhiên người phụ nữ tiến lại gần đám đông đang đứng đợi tàu. Nhưng dường như không đợi chị nói hết câu, mọi người đều xua tay và lắc đầu và nhanh chóng lảng ra chỗ khác. Không nản chí, người phụ nữ này lại men theo các cánh cửa sổ của các toa tàu rồi nhảy hẳn lên các toa chưa đến giờ xuất phát. Ði đến toa nào chị cũng mang một khuôn mặt như muốn cầu cứu, trông thật đáng thương và câu duy nhất thốt ra từ miệng người phụ nữ đáng thương này là: “Xin mọi người giúp đỡ cho tôi.”

Những người ngồi trên tàu tỏ ra rất khó chịu với người phụ nữ này. Có người thì xua tay ra hiệu xua đuổi, có người vừa thấy bóng dáng chị ở đầu toa vội lấy tờ báo che mặt giả vờ ngủ. Trên khuôn mặt của người đàn bà ấy lộ rõ vẻ thất vọng, chán nản.
“Mình đâu phải là thằng ăn trộm mà sao mọi người lại xử sự như thế nhỉ?” Người phụ nữ xót xa nghĩ.

Chị ta lại đi qua các toa tàu nhưng không ai muốn nghe chị trình bày hoàn cảnh của mình. Ðúng lúc đó, chị nhìn thấy một chàng trai có dáng vẻ rất thư sinh đang ngồi đọc báo. Chàng trai đang đọc báo rất chăm chú và dường như cậu ta không để ý đến mọi thứ xung quanh.
Nhẹ nhàng đi về phía chàng thanh niên, người phụ nữ cất tiếng nói:
- Xin lỗi cậu, cậu có thể giúp đỡ tôi được không?
Chàng trai bỏ tờ báo xuống, nhìn quanh một lúc rồi nhìn người phụ nữ nông thôn nọ:
- Xin lỗi, chị đang hỏi tôi ạ?
Người phụ nữ gật đầu.
- Xin anh giúp đỡ tôi với, tôi lên thành phố để tìm người bà con, nhưng tìm không ra, tiền bạc lại bị kẻ gian móc hết rồi. Muốn về quê nhưng không biết làm thế nào, cậu có thể mua giúp một tấm vé để tôi về quê không?

Sau khi nghe người phụ nữ đáng thương nói xong, nét mặt chàng thanh niên trông rất lưỡng lự. Dường như anh ta vừa muốn giúp vừa lại không muốn giúp người đàn bà đáng thương đó. Sau một thời gian im lặng, chàng trai bèn đưa tay vào túi quần của mình, khó khăn lắm mới móc ra được một đống tiền lẻ, ngại ngùng đưa cho người phụ nữ.
- Chị cầm lấy đi. Tôi... tôi chỉ còn có chừng này, không biết đủ hay không. Tôi cũng vừa mua vé để về quê nên không còn nhiều. Tôi lên thành phố này để kiếm việc, hy vọng tìm được một công việc kiếm được kha khá, nhưng khi lên thành phố, với tấm bằng trung cấp trong tay thì tôi không thể tìm ra được một việc gì để làm. Chị cầm tạm vậy.

Người phụ nữ rưng rưng cầm lấy những đồng tiền lẻ của chàng trai, khó khăn lắm chị mới thốt lên được hai tiếng “Cám ơn”.
Vừa quay gót đi về phía cuối toa thì chị nghe tiếng gọi với theo của chàng thanh niên nọ. Cậu ta hớt hải đi về phía chị và nói:
- Như thế này vậy, chị cùng quê với em, hay chị lấy tấm vé của em đi vậy.
- Thế còn cậu thì sao? Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.
- Số tiền em vừa đưa cho chị chỉ có thể mua đủ tấm vé xuống ga thứ ba xuất phát từ ga này, như vậy cách nhà em cũng không xa lắm, em có thể đi bộ mà. Chị cứ cầm lấy vé đi, em là con trai, thế nào mà chẳng được. Còn phụ nữ như chị thì không thể đi bộ về nhà trong đêm tối được. Thôi, chúc chị thuận buồm xuôi gió. Nào, đưa cho em đống tiền lẻ nào!

Nói xong, không kịp để người phụ nữ phản ứng gì, chàng trai vội cầm lại số tiền lẻ trong tay người phụ nữ và đưa lại cho chị tấm vé của mình. Sau đấy anh vội vàng đi ra khỏi tàu và đến quầy bán vé. Rất nhanh sau đó, chàng thanh niên lại lên tàu.
Người phụ nữ tiến lại gần phía chàng trai và cất tiếng hỏi:
- Sao cậu lại làm như thế, cậu không hối hận à?
Chàng trai lắc đầu:
- Không, chị ạ.
Trong ánh mắt của người phụ nữ đáng thương nọ ánh lên một niềm vui khôn xiết. Chị cầm tay chàng trai và nói: - Anh bạn trẻ, xuống đây với tôi một lát.
Người phụ nữ kéo chàng trai ra khỏi nhà ga, vẫy một chiếc taxi, tự động mở cửa xe và quay lại nhìn chàng trai:
- Cậu lên xe đi. Hôm nay cậu chính thức là nhân viên của tôi.

Hoá ra, người phụ nữ này là con gái của một ông chủ tập đoàn sản xuất đồ chơi nổi tiếng. Ðể đi tìm một người trợ lý đáng tin cậy, chị đã phải hoá trang và đứng ở sân ga suốt 3 ngày qua.
Chị nói rằng: “Các bạn cho rằng tôi thật ngốc nghếch khi phải làm khổ mình như thế, nhưng thật ra nó thật sự xứng đáng. Khi đứng ở sân ga trong 3 ngày đó, tôi mới nhận ra rằng: Tìm được một người thực sự tốt trong cuộc sống xô bồ này quả là khó. Có thể, chàng thanh niên đó không có trình độ, hiểu biết nhiều như những người tốt nghiệp đại học hoặc cao hơn nữa. Nhưng điều đáng quý nhất và đáng trân trọng nhất là cậu ấy có cái ‘tâm’. Có cái ‘tâm’ trong cuộc sống thì mới có cái ‘tâm’ trong công việc được. Ðấy là thứ mà công ty tôi cần”.

Các bạn thấy đấy, một tấm vé để đổi lấy cả một sự nghiệp sáng lạn. Có thể nhiều người nghĩ đây chỉ là việc ngẫu nhiên, nhưng thực ra trong sự ngẫu nhiên đó lại có tính tất yếu của nó. Rất nhiều người đã có mặt ở trên sân ga, nhưng chỉ có chàng trai đó mới nhận được niềm hạnh phúc bất ngờ như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà anh ta có được một cơ hội tốt đẹp đến như thế mà điều quan trọng là anh đã biết chia sẻ chữ ‘tâm’ của mình cho mọi người xung quanh.
Ðây là một câu chuyện hoàn toàn có thật mà tôi đã nghe được từ giám đốc của tôi.

Quang Ngọc__

Tuesday 1 September 2015

Tại sao những con sông đều chảy những đường vòng ?




Câu trả lời của một vị Thiền Sư: “ sông không đi đường thẳng mà phải đi đường vòng, đơn giản chỉ vì đi đường vòng là chuyện bình thường, đi đường thẳng mới là chuyện khác thường. Bởi trên hành trình của mình, các con sông sẽ phải gặp nhiều và đa dạng trở ngại, có cái vượt qua được, có cái không. Nên con sông chỉ có thể đi vòng để tránh các chướng ngại. Mục đích cuối cùng là hòa vào biển khơi”.

“Cuộc sống của chúng ta cũng như vậy. Khó khăn, trắc trở trong cuộc sống là chuyện bình thường. Không bi quan, tuyệt vọng, không thở dài, buồn phiền hay bỏ cuộc mới là thái độ sống đúng đắn. 
Như dòng sông kia không khuất phục trước gian nan, thử thách, luôn kiên trì tiến về phía trước,  tiến về biển khơi bao la”.

Không có con đường dễ dàng  trong mọi hành trình, gian nan và thử thách chính là thước đo ý nghĩa của điểm đến, chỉ cần kiên trì vượt qua, chúng ta sẽ đến được nơi cần phải đến.