Saturday 25 May 2024

Thế mạnh của các tập đoàn sản xuất vũ khí Hàn Quốc

Chiến tranh Ukraina là bệ phóng giúp nền công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc tỏa sáng. Kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc được nhân lên gấp 5 lần từ 2020 đến 2022 và đang gặm nhấm thị phần của Nga tại Trung Đông, châu Âu và nhất là tại Đông Nam Á. Ba Lan không là khách hàng duy nhất trông cậy vào vũ khí xứ Hàn để tăng cường khả năng phòng thủ. Bí quyết nào giúp các đại tập đoàn Hàn Quốc chinh phục thế giới ?

Trong bài viết đăng trên báo Nhật Bản The Diplomat ngày 16/05/2024, Aswin Lin nêu bật 6 yếu tố đang giúp nền công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc cất cánh. Tác giả đang chuẩn bị luận án tiến sĩ tại Đại Học Quốc Lập Chính Trị -Chengchi University, tại Đài Bắc.

Dưới tựa đề « South Korea's Competitive Advantages as a Global Military Supplier - Những lợi thế so sánh giúp Hàn Quốc trở thành một nhà cung cấp thiết bị quân sự toàn cầu », Aswin Lin nhắc lại năm 2022, Ba Lan, (có đường biên giới chung với cạnh Ukraina, Belarus và Nga) đặt mua 14,7 tỷ đô la vũ khí và thiết bị quân sự của Hàn Quốc. Vì sao Vacxava kỳ vọng nhiều vào Seoul như vậy ? Đơn giản bởi vì Hàn Quốc đang nắm giữ 6 chìa khóa mà nhiều đối thủ khác như Pháp, Đức... không có được.  

Cỗ máy công nghiệp hiệu quả

Lợi thế thứ nhất là thời gian « giao hàng rất ngắn » : Mùa xuân 2022 vài tuần sau khi Nga đưa quân xâm chiếm Ukraina, Ba Lan đặt mua trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc. Hợp đồng chính thức được ký kết vào mùa hè năm ấy và đến tháng 12/2022 tại bến cảng Gdynia, tổng thống Andreiz Duda và bộ trưởng Quốc Phòng khi đó đã Mariusz Blaszczak đã chứng kiến lễ tiếp nhận lô hàng đầu tiên gồm 10 xe bọc thép loại K2, 24 hệ thống pháo tự hành K9 của tập đoàn Hanwha. Khác với nhiều đối thủ khác của phương Tây, các tập đoàn sản xuất vũ khí Hàn Quốc « có những mối quan hệ vững chắc và an toàn với các nguồn cung cấp » qua đó chuỗi sản xuất không sợ bị gián đoạn. Nhờ có một mạng lưới công nghiệp khá « rộng », các tên tuổi lớn trong ngành sản xuất và xuất khẩu thiết bị quân sự Hàn Quốc như Hanwha, Huyndai Rotem, KAI ... không bị phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nước ngoài, dễ dàng sử dụng từ các loại phụ tùng cơ bản nhất cho đến linh kiện bán dẫn hay động cơ sản xuất ngay trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Lợi thế thứ nhì là tính « uyển chuyển » của các nhà cung cấp xứ Hàn : khác hẳn với Hoa Kỳ, Seoul dễ dàng cấp giấy phép để các đối tác của mình có thể sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự tại nước ngoài và rồi khách hàng được tùy nghi sử dụng những lô hàng đã mua.

Hàng rẻ và chất lượng cao
Chìa khóa thứ ba và thứ tư hết sức quan trọng mà các tập đoàn Hàn Quốc đang nắm giữ đó là hàng có chất lượng cao nhưng lại giá mềm. Tác giả bài viết nêu lên trường hơp cụ thể : hệ thống pháo tự hành đa nòng của Pháp CAESAR trị giá 7,5 triệu đô la, PzH2000 của Đức là 10 triệu, trong lúc một « ông Thần Sấm K9 Thunder » giá chưa tới 4 triệu.

Vấn đề giá cả mang tính « quyết định đối với những khách hàng mà khả năng tài chính không nhiều, nhưng lại có nhu cầu hiện đại hóa các phương tiện phòng thủ ». Đó là trường hợp của nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, hay một số quốc gia tại Châu Phi như Sénégal và kể cả ở những thị trường rất xa Hàn Quốc như Perou tại châu Mỹ.

Về độ chính xác thì K9 Thunder hiện được coi là loại pháo tự hành tốt nhất của châu Á hiện nay. Nhà nghiên cứu Aswin Lin đại học Đài Loan không ngần ngại cho rằng « mức độ chính xác và tinh vi của một số vũ khí Hàn Quốc không thua gì với hàng của Mỹ ». Thí dụ như hệ thống phóng rocket đa nòng K-239 Chunmoo được giới trong ngành đánh giá là « anh em song sinh với HIMARS của Mỹ và thậm chí là hiệu quả hơn cả HIMARS đến 40 % ».

Khả năng tương thích với NATO

Ưu điểm thứ 5 của ngành công nghệ quốc phòng Hàn Quốc là vũ khí quốc gia này sản xuất ra hoàn toàn tương thích với các trang thiết bị được các nước trong Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương sử dụng, mà chủ yếu đó là các thiết bị do Mỹ chế tạo.

Tác giả bài viết trên báo The Diplomat lưu ý điểm này hết sức quan trọng đối với trường hợp của Ba Lan, bởi ngoài Hàn Quốc thì Hoa Kỳ là nguồn cung cấp quan trọng nhất cho chính quyền Vacxava trong chiến lược phòng thủ. Sản phẩm của các tập đoàn như Huyndai Rotem, KAI (Korea Aerospace Industries) và Hanwha đều được thiết kế với mục đích để có thể sử dụng trong « mọi chiến dịch hỗn hợp với các lực lượng của Hoa Kỳ ».

Tính tương thích đó là « bệ phóng » rất thuận lợi và vũ khí, thiết bị của Hàn Quốc dễ dàng « hội nhập » vào NATO. Đó là chưa kể Hàn Quốc thường xuyên được mời tham gia các cuộc họp của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Seoul là một « đối tác » của NATO và thường xuyên « hợp tác để đối mặt với một số những thách thức về an ninh » như Aswin Lin đã ghi nhận.

Chìa khóa thứ 6 cho phép các tập đoàn Hàn Quốc chen chân vào thị trường vũ khí mà tưởng chừng chỉ có Mỹ, Nga, và một số nước châu Âu và sắp tới đây có thể là cả Trung Quốc làm chủ, đó là « khả năng sản xuất ở quy mô lớn ».

Vào lúc mà nhiều nước phương Tây, như Đức, trong một thời gian dài đã cắt giảm đầu tư vào công nghiệp quốc phòng, thì trái lại Hàn Quốc « càng lúc càng mở rộng tầm hoạt động và nhắm tới một mức độ chính xác càng lúc càng cao ». Seoul trước hết lo tự vệ trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên chẳng ngờ đã tạo được một bước « đột phá » ngoài mong đợi khi mà Hàn Quốc đủ sức chế tạo tất cả các loại vũ khí và thiết bị phục vụ bộ binh, không quân và hải quân.

Aswin Lin đại học Đài Loan nhắc lại chính sự đa dạng trong các nguồn cung cấp này của Hàn Quốc đã thúc đẩy Indonesia ký hợp đồng hơn 1 tỷ đô la với tập đoàn đóng tầu Daewoo Shipbuilding và Marine Engineeing để trang bị ba tàu ngầm chạy bằng dầu diesel. Về phần Huyndai Heavey Industries thì vừa giao tàu khu trục có trang bị hệ thống phóng tên lửa BRP Jose Rizal cho Philippines và trùng tu 9 tàu hộ tống cho Ai Cập.

Không quân của Thái Lan, Indonesia và Irak cũng đặt nhiều tin tưởng vào máy bay trinh sát KAI 6-50. Chương trình phát triển ciến đấu cơ KF-X của Hàn Quốc hoàn toàn đủ khả năng khuynh đảo vị thế của một số đối tác châu Âu như Dassault của Pháp hay dòng Eurofighter Typhoon của châu Âu. Trong lĩnh vực này « Hàn Quốc đã chinh phục được từ Philippines đế, Thái Lan, Malaysia, Perou, Qatar và Senegal ».

Nga mất uy tín  
Theo tác giả bài tham luận trên báo Nhật Bản « xung đột đang diễn ra tại Ukraina, cộng thêm với tình hình tại Trung Đông và căng thẳng leo thang trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương khiến nhu cầu trang bị quân sự tăng mạnh ».

Năm 2000 trong bảng xếp hạng của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế SIPRI, Hàn Quốc đứng hạng thứ 31 trong số các nhà xuất khẩu vũ khí trên thế giới, hai thập niên sau, quốc gia bắc Á này vươn lên đến hàng thứ 7 và chính quyền hiện tại của tổng thống Yoon Suk Yeol đề ra mục tiêu đến năm 2027 Hàn Quốc phải có tên trong 5 quốc gia đứng đầu bảng.

Do tác động chiến tranh Ukraina tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc nhảy vọt từ chưa đầy ba tỷ đô la năm 2020 lên hơn 15,5 tỷ vào năm 2022. Nhật báo Pháp Les Echos tháng 7/2023 nói đến « hiệu ứng Ukraina ». Theo lời giáo sư Ramon Pacheco Pardo giảng dậy tại đại học King's College, Anh Quốc « nhiều nước châu Âu gấp rút tăng cường khả năng phòng thủ từ khi Nga xâm chiếm Ukraina » nhưng thành công của các tập đoàn vũ khí Hàn Quốc không chỉ thu hẹp ở Lục Địa Già : vì những lý do khác nhau, Đông Nam Á, Trung Đông không ngừng quan tâm đến các nhà sản xuất xứ Hàn.

Trước khúc quanh ngày 22/02/2022, vũ khí Nga đã mất dần sức thu hút tại một số quốc gia Đông Nam Á như nhà phân tích Ian Storey, viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS Yusof Ishak tại Singapore ghi nhận. Theo chuyên gia này, « Việt Nam ngừng chương trình hiện đại hóa quân sự và một số nước khác trong khu vực lo ngại trước mối đe doạ CAATA ». Đây là một đạo luật  Mỹ ban hành năm 2017 cho phép Hoa Kỳ trừng phạt kinh tế « một quốc gia, một thực thể có hợp đồng mua bán vũ khí với các doanh nghiệp Nga ». Với cuộc chiến ở Ukraina, « hào quang của các nhà sản xuất vũ khí Nga đã nhạt mờ dần », vừa do Nga bị Âu Mỹ trừng phạt, vừa do những « thành tích không nhiều của quân đội Nga trên mặt trận Ukraina hồi 2022/2023 », Ian Storey kết luận.

Giới trong ngành đồng loạt ghi nhận, các đại tập đoàn Hàn Quốc đã trở thành những đối thủ đáng gờm của các tập đoàn phương Tây và họ « không còn mặc cảm gì nữa » khi tham gia các cuộc đấu thầu.

Với 51 triệu dân, một đội quân gần 600.000 lính, Hàn Quốc dành 2,8 GDP cho ngân sách quốc phòng.

 

 

 

No comments:

Post a Comment