Tuesday 15 October 2024

Liệu nước Mỹ có vượt qua được sự chia rẽ gay gắt trước bầu cử Tổng thống 2024?

Tháng 11/2024 này sẽ diễn ra sự kiện chính trị thu hút sự chú ý của cả thế giới: đó là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 47.

Bối cảnh trước khi diễn ra cuộc bầu cử cho đến lúc này hết sức ồn ào; từ cuộc chiến miệng lưỡi suốt hàng năm trời giữa hai đảng Dân Chủ - Cộng Hòa và những người ủng hộ hai bên; đến vô số những cáo buộc pháp lý đối với ứng viên tổng thống Đảng Cộng Hòa Donald Trump mấy năm gần đây, và sự lục đục trong nội bộ của Đảng Dân Chủ về việc lựa chọn ứng viên tranh cử vào lúc này.

Mới đây nhất là tiếng súng vang lên chiều ngày 13/7 nhắm bắn vào ứng viên Donald Trump đã tạo nên một cơn chấn động toàn thế giới.  

Người ta tự hỏi rằng nước Mỹ liệu có thể vượt qua sự chia rẽ sâu sắc này để thống nhất về tình tự dân tộc, và tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới, để gánh vác sứ mệnh cầm cân nảy mực cho hòa bình và an ninh nhân loại hay không. Thực ra, nếu nhìn lại trong lịch sử chúng ta sẽ thấy một điều rất rõ ràng, đó chính là: sự ưu việt của nước Mỹ không phải ở chỗ quốc gia này không gặp sai lầm, hay chưa từng chia rẽ, mà là tinh thần đổi mới và khả năng vượt lên trên những chia rẽ để cùng nhìn về lợi ích chung của quốc gia. Câu chuyện bầu cử tổng thống Mỹ năm 1800 giữa hai đối thủ vừa là bằng hữu vừa là kẻ thù Thomas Jefferson và John Adams minh chứng điều đó.

Vài nét về Thomas Jefferson và John Adams trong nhóm 'quốc phụ Hoa Kỳ'

Jefferson và Adams thuộc về thế hệ những người tài năng nhất đã tạo lập nền móng cho quốc gia Hoa Kỳ non trẻ. Họ thường được gọi là những người cha của nước Mỹ hay là quốc phụ Hoa Kỳ. Trong danh sách ấy bao gồm những cái tên lừng lẫy như: George Washington, Benjamin Franklin, Alexander Hamilton, John Jay, James Madison, John Adams và Thomas Jefferson. Người nào cũng có vai trò hết sức quan trọng.

Adams, Jefferson, và Franklin làm việc trong Ủy ban Năm người có trách nhiệm soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Hamilton, Madison, và Jay là các tác giả của tập Luận cương Chủ nghĩa Liên bang nhằm ủng hộ việc phê chuẩn Hiến pháp. Jay, Adams và Franklin đã đàm phán Hiệp định Paris (1783) để chính thức chấm dứt Chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ. Washington đóng vai trò vừa là Tổng tư lệnh của Lục quân Lục địa, vừa là chủ tịch của Hội nghị Lập hiến. Washington, Adams, Jefferson, Madison là 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên. Trong khi đó, Jay là Chánh án đầu tiên của Toà án Tối Cao Hoa Kỳ, Hamilton là người đầu tiên giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính, còn Franklin thì trở thành một nhà lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ, và sau này trở thành Thống đốc Thịnh vượng chung Pennsylvania.

 

John Adams là một luật sư và một nhà hoạt động chính trị trước cuộc chiến giành độc lập của 13 bang. Ông là phó Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên dưới thời chính quyền tổng thống Washington và là tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ. Adams là một đại biểu bang Massachusetts đã tới đại hội lục địa và trở thành lãnh đạo chính của cuộc chiến giành độc lập. Ông đã có mặt trong bản phác thảo Tuyên ngôn độc lập năm 1776 và là người ủng hộ hàng đầu của nó trong Quốc hội. Như một nhà ngoại giao trong châu Âu, ông đã giúp đỡ hội nghị Hiệp ước hòa bình với Vương quốc Anh và đảm bảo các khoản vay quan trọng của chính phủ. Adams là tác giả chính của Hiến pháp Massachusetts năm 1780, cái đã ảnh hưởng đến Hiến pháp riêng của Hoa Kỳ.

Thomas Jefferson lại càng là một con người đa tài.

Ngày nay, mỗi lần đọc lên những câu văn bất hủ trong bản "Tuyên ngôn Độc Lập Hoa Kỳ": "Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc..." chúng ta cần nhớ rằng, tác giả chính của nó là Thomas Jefferson.

Jefferson là tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông, lãnh thổ Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi diện tích nhờ mua lại vùng đất Louisiana. Hoa Kỳ cũng khôn ngoan đứng trung lập trong khi các đạo quân của Napoleon đánh chiếm nhiều nơi tại châu Âu.

Ông là một trong các vị kiến trúc sư hàng đầu của thời đại. Chính ông vẽ kiểu cho Điện Capitol của thủ phủ tiểu bang Virginia, vẽ đồ án cho trường Đại Học UVA (University of Virginia) và họa đồ tòa dinh thự Monticello của ông. Ông cũng chơi giỏi đàn vĩ cầm trong các ban nhạc thính phòng và do yêu hội họa, ông đã thu xếp để nhà điêu khắc lừng danh người Pháp Jean Houdon tới Hoa Kỳ nặn tượng cho ông George Washington.

Ông Thomas Jefferson còn là một nhà canh nông, người đã đưa máy đập lúa từ châu Âu vào Hoa Kỳ, ông còn là một nhà khoa học phát minh ra một loại máy cày được nông dân Mỹ dùng trong nhiều năm, ông cũng sáng chế ra đồng hồ bấm giờ.

Ngoài ra, Thomas Jefferson còn là Chủ Tịch của Hội Triết Học Mỹ Quốc, một tổ chức bao gồm nhiều công cuộc khảo cứu khoa học và văn hóa. Bộ sưu tập 6.400 cuốn sách của ông đã là phần chính của Thư Viện Quốc Hội thời đó.

Ông Thomas Jefferson cũng là một luật gia xuất sắc, đã đề nghị nhiều đạo luật hữu ích, viết ra nhiều tác phẩm với tinh thần của một công dân cởi mở, thực tiễn, hướng về đại chúng. Chính nhờ ông mà hiện nay tại Hoa Kỳ, hệ thống tiền tệ theo cách tính thập phân được sử dụng. Đạo luật Dân Quyền (the Bill of Rights) được đưa vào Hiến Pháp Hoa Kỳ là nhờ sự ủng hộ của Jefferson.

Có câu: Chúa phù hộ nước Mỹ - God bless America. Có thể nói, nhóm quốc phụ này bao gồm những người được Chúa lựa chọn và gửi đến để lập nên quốc gia Hoa Kỳ. Nhưng, họ cũng từng có những thời điểm không nên không phải. 

Tình bạn của Adams và Jefferson bắt đầu từ những ngày lập quốc của nước Mỹ. Bất chấp quan điểm chính trị rất khác nhau, hai người vẫn rất trân trọng tài năng và tâm huyết của nhau.

Adams được bầu làm Phó Tổng thống Mỹ dưới quyền Tổng thống Mỹ khi đó là George Washington, trong khi Jefferson được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ. Nhưng lúc này, quan hệ của họ bắt đầu rạn nứt. Nó không xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân mà là vì những khác biệt về lý tưởng trị quốc.

Sau khi Tổng thống Mỹ George Washington không muốn tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, Adams và Jefferson bắt đầu cạnh tranh để đắc cử Tổng thống Mỹ năm 1796. Cả 2 bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề.

Năm đó, Adams trở thành Tổng thống Mỹ nhờ hơn Jefferson 3 phiếu đại cử tri. Hệ thống bầu cử Mỹ năm 1796 kêu gọi người đứng thứ 2 là Jefferson, lên làm Phó Tổng thống Mỹ. Adams chấp nhận đề nghị này và còn ngỏ ý về việc thành lập một liên minh lưỡng đảng mạnh mẽ nhưng bị Jefferson từ chối. Hai người đang bạn hóa thù.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1800 - chuyện xưa vẫn có tính thời sự

Dù Tổng thống Washington phản đối việc thành lập các đảng phái chính trị, Ngoại trưởng Jefferson và Bộ trưởng Tài chính Alexander Hamilton đã trở thành lãnh đạo của 2 đảng đối lập: đảng Dân chủ Cộng hòa và đảng Liên bang. John Adams cũng thuộc đảng Liên bang.

Theo nhiều cách, cuộc bầu cử Mỹ 1800 là một cuộc trưng cầu dân ý về cách phát triển và quản lý quốc gia Hoa Kỳ non trẻ. Adams, Phó Tổng thống Mỹ, được chọn là đại diện cho đảng Liên bang; trong khi Jefferson, Ngoại trưởng Mỹ, đại diện cho đảng Dân chủ Cộng hòa ở phía đối lập.

Vào thời ấy, Đảng Dân chủ Cộng hòa của Jefferson được tổ chức tốt và hoạt động hiệu quả. Trái lại, đảng Liên bang xuất hiện chia rẽ giữa John Adams và Alexander Hamilton. Hamilton viết một bức thư dài 54 trang tố cáo Adams. Không may cho Adams, bức thư này rơi vào tay một thành viên đảng Dân chủ Cộng hòa. Nó được xuất bản và gây tổn thất lớn về uy tín của Adams cùng đảng Liên bang. Nó tương tự như sự chia rẽ trong Đảng Dân chủ hiện nay về tư cách ứng viên đại diện tranh cử tổng thống của ông Joe Biden sau cuộc tranh biện ngày 27/6.

Thực ra, John Adams là người kế thừa những mâu thuẫn về đường lối trị quốc của Alexander Hamilton với Thomas Jefferson khi ông trở thành đại diện của đảng Liên Bang. Trong khi John Adams và người thuộc đảng Liên bang mong muốn xây dựng một chính phủ liên bang mạnh mẽ và một khu vực đô thị phát triển mạnh về sản xuất, thì Jefferson và các thành viên đảng Dân chủ Cộng hòa lại muốn một nước Mỹ phát triển như một nước cộng hòa dựa vào nông nghiệp. 

Xã hội lý tưởng của Thomas Jefferson vào thời đại đó là một quốc gia gồm các chủ trại sinh hoạt dưới sự kiểm soát tối thiểu của chính quyền. Ông tin tưởng rằng đa số người dân có thể tự quản và nên giữ cho chính quyền vừa đơn giản, vừa ít tốn kém. Bởi yêu chuộng tự do, ông đã đấu tranh cho tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo và các tự do dân sự khác.

Quan điểm trị quốc của hai đảng và hai nhân vật đứng đầu đối nhau chan chát. Cũng tương tự như ngày nay, trong khi Đảng Dân Chủ chủ trương chính phủ lớn, tăng cường quy mô, can thiệp vào các chính sách lớn nhỏ, đẩy mạnh sự giám sát đối với người dân trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội... thì Đảng Cộng Hòa chủ trương chính phủ nhỏ, tối thiểu hóa can thiệp vào đời sống xã hội hay quyền người dân - vốn được xem là quyền hiến định, ban hành ít thủ tục hành chính, và trao nhiều quyền tự do cho dân.

Về đối ngoại, trong khi Jefferson và đảng Dân chủ Cộng hòa có thiện cảm với người Pháp, thì Adams và đảng Liên bang lại nghiêng về Anh quốc, họ lo ngại chủ nghĩa cấp tiến ngày càng tăng của Cách mạng Pháp và cố ngăn Hoa Kỳ bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Song Adams và đảng của ông vì thế bị cáo buộc tìm cách hủy bỏ các tác động chính trị của Cuộc chiến giành độc lập Hoa Kỳ và khôi phục chế độ quân chủ. Không may là, Anh và Pháp lại thường ở hai phía xung đột mâu thuẫn nhau.

Nó cũng tương tự như sự đối chọi giữa chính sách đối ngoại cứng rắn và "nước Mỹ trên hết" của ông Donald Trump và Đảng Cộng Hòa ngày nay với quan điểm thỏa hiệp và can thiệp dàn trải của Đảng Dân Chủ. 

"Đạo luật hạn chế Người nước ngoài và chống Kích động nổi loạn" do John Adams ký năm 1798 lại càng là một xung khắc lớn của đôi bên. Các đạo luật hạn chế người nước ngoài khiến người nhập cư khó khăn hơn nếu muốn trở thành công dân Mỹ, điều này tương tự với chủ trương của ông Trump và Đảng Cộng Hòa ngày nay. Nhưng những luật chống nổi loạn có điều khoản hình sự hóa các tuyên bố sai sự thật, chỉ trích chính phủ liên bang, thì lại giống với chủ trương của Đảng Dân Chủ hiện tại. 

Và chính ở chỗ này, là chi tiết khiến cho xung đột giữa đảng Liên bang và Đảng Dân chủ Cộng hòa cùng những người ủng hộ hai bên bùng nổ.

Đạo luật này của John Adams được cho là nhắm hoàn toàn vào đảng đối lập Dân chủ Cộng hòa, vốn chỉ trích kịch liệt Adams và đảng Liên bang, cũng là những người chỉ trích đạo luật, cáo buộc rằng chúng vi phạm quyền tự do ngôn luận quy định trong Tu chính án thứ Nhất.

Giáo sư Jonathan Turley mới đây viết rằng: "Adams đã thể hiện sự sụp đổ đức tin gây sốc nhất sau khi ông trở thành tổng thống. Người đàn ông ca ngợi 'Phẩm giá, Uy nghiêm, Sự cao cả' của Đảng Trà Boston, ngay lập tức quay sang chống lại các đối thủ chính trị của mình bằng một cuộc đàn áp theo 'Đạo luật hạn chế Người nước ngoài và chống Kích động nổi loạn' khét tiếng. Ngay cả các thành viên của Quốc hội cũng không tránh khỏi các vụ bắt giữ khi ông đáp trả cơn thịnh nộ của công dân bằng cơn thịnh nộ của nhà nước.

James Madison và Jefferson đã kinh hoàng trước cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận và thậm chí còn sử dụng mã trong các lá thư để bảo vệ thông tin liên lạc của chính họ. Madison gọi những vụ truy tố này là "quái vật" ẩn náu trong hệ thống pháp luật của chúng ta, xuất hiện trong thời kỳ sợ hãi hoặc tức giận."

Dân chúng trên khắp Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối các đạo luật kể trên vì chúng tước đi các quyền tự do ngôn luận và báo chí, nhất là của đảng Dân Chủ Cộng Hòa và ông Jefferson đã đứng đầu công cuộc chống đối các hạn chế đó.

Ngày nay, tổng thống Joe Biden cũng phản đối quyền tự do ngôn luận không kém khi ủng hộ hệ thống kiểm duyệt chưa từng có mà một tòa án liên bang gọi là "Orwellian".

Chiến dịch tranh cử giữa Adams và Jefferson diễn ra căng thẳng và chia rẽ khi cả 2 bên tung ra những lời buộc tội gay gắt, phỉ báng lẫn nhau và tham gia vào các vụ vu khống, thậm chí ám sát. Jefferson gọi Adams và chính quyền Liên bang của ông là "triều đại của những phù thủy", người ủng hộ Jefferson cho rằng Adams là "kẻ nhiều mặt". Trong khi đó những người Liên bang lên án những người theo Jefferson là "Jacobin" và "kẻ phản bội", họ gọi Jefferson là "kẻ hèn nhát", vô chính phủ và một người không có đức tin. 

Truyền thông cũng đổ thêm dầu vào lửa với những lời lẽ khoa trương quá đáng. Các tờ báo Liên bang thời ấy cũng tuyên bố rằng "Giết người, cướp bóc, hiếp dâm, ngoại tình và loạn luân sẽ được dạy và thực hành một cách công khai, không khí sẽ bị xé toạc bởi tiếng kêu của những người đau khổ, đất đai sẽ đẫm máu, và đất nước sẽ đen kịt vì tội ác."

Còn Jefferson đã cảnh báo rằng, nếu những người theo chủ nghĩa Liên bang được bầu, "xiềng xích, ngục tối, phương tiện di chuyển và có lẽ là giá treo cổ" đang chờ đợi người dân. Những người khác dự đoán rằng dưới thời Adams, họ "sẽ bị xử tử ngay lập tức".

Cũng tương tự như thời nay, Tổng thống Biden và các đồng minh của ông tuyên bố rằng nền dân chủ sẽ chấm dứt nếu Trump đắc cử và theo người dẫn chương trình MSNBC Joe Scarborough, Trump sẽ "vứt bỏ" nền dân chủ. Trong chương trình  "The View" của ABC, người dẫn chương trình Whoopi Goldberg đã cảnh báo các nhà báo và "người đồng tính" rằng Trump đang có kế hoạch tập hợp họ lại và làm họ biến mất. Cựu Dân biểu Liz Cheney, R-Wyo, đã cảnh báo rằng, nếu Trump thắng, thì đây "có thể là lá phiếu thực sự cuối cùng mà bạn được bỏ".

Ngược lại, Trump và các thành viên Đảng Cộng Hòa cũng từng lên án Đảng Dân chủ và tổng thống Biden bằng những lời gay gắt.

Quay trở lại với cuộc bầu cử năm 1800, Thomas Jefferson cuối cùng trở thành Tổng thống Mỹ kế tiếp. Tổng thống sắp mãn nhiệm John Adams chấp nhận trao quyền cho "kẻ thù không đội trời chung" Jefferson của đảng Dân chủ Cộng hòa, nhưng từ chối bắt tay Jefferson.

"Những người cha lập quốc vĩ đại" ở Washington với tài năng trác tuyệt, tâm huyết hiếm có như vậy còn sa đà vào những vụ tranh chấp chính trị gay gắt như thể "Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng". Bởi vì Hoa Kỳ ngay từ buổi đầu lập quốc đã là một đất nước đề cao tự do. Nhưng, hai nhân vật đại diện cho sự chia rẽ nước Mỹ này chẳng lẽ cứ mãi ở hai bên chiến tuyến? Họ cuối cùng đã vượt qua như thế nào?

Không sinh cùng ngày cũng chết cùng ngày

Vào ngày 27/5/1813, cựu Tổng thống Thomas Jefferson viết thư cho cựu Tổng thống John Adams để báo cho ông biết rằng người bạn chung của họ, Tiến sĩ Benjamin Rush, đã qua đời.

Benjamin Rush là một người thuộc nhóm Ái quốc và là bác sĩ từ Philadelphia, chính là người vào năm 1812 đã khởi xướng một đợt thư từ mới để hòa giải hai người bạn cựu tổng thống của ông.

Việc Rush qua đời khiến cho Jefferson phải suy ngẫm về sự ra đi của thế hệ đã tiến hành Cách mạng Mỹ. Ông viết: "Chúng ta rồi cũng sẽ phải ra đi; và điều đó sẽ sớm xảy ra. Tôi tin rằng hiện chỉ còn một vài người trong số chúng ta; ý tôi là những người đã ký bản Tuyên ngôn."

Sau 12 năm im lặng cay đắng, hai người bạn cũ đã nỗ lực để nối lại cuộc trò chuyện của họ về những năm tháng tuổi trẻ ở Philadelphia, nơi cả hai phục vụ tại Quốc hội Lục địa, và Paris, nơi họ phục vụ cùng nhau với tư cách là đại sứ của Hoa Kỳ tại Pháp. Rốt cuộc, họ đã bỏ qua cho nhau vì đều nhớ rằng quốc gia mà họ dâng hiến cả cuộc đời mới là giá trị chung tồn tại vĩnh viễn. 

Trong một lá thư gửi Adam, Jefferson viết: "Cổ tay và ngón tay của tôi bị tê liệt, khiến cho tôi viết chậm và tốn nhiều công sức mới viết được. Thế nhưng, khi viết cho ông, tôi không còn những cảm giác đó mà chỉ nghĩ về những ngày xưa, khi tuổi trẻ và sức khỏe khiến tất cả mọi thứ đều vui tươi".

Tổng cộng hơn 185 lá thư được trao đổi qua lại cho đến khi cả Adams và Jefferson qua đời vào ngày 04/07/1826, ngày kỷ niệm 50 năm bản Tuyên ngôn Độc lập mà cả ba người bạn đã ký vào năm 1776. Jefferson ra đi trước, những lời cuối cùng của ông là dành cho John Adams, ông nói: "Vẫn còn có Adams". Còn những lời cuối cùng của John Adams trước khi qua đời vì bệnh thương hàn là: "Vẫn còn Jefferson". Ông không biết Thomas Jefferson đã mất trước đó vài giờ.

Hai đối thủ không đội trời chung một thời đã ra đi trong cùng một ngày, là ngày 4/7 quốc khánh Hoa Kỳ, sau khi họ đã tha thứ cho nhau. Theo luật sư, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Daniel Webster - người đã viết điếu văn cho cả hai nhân vật một thời vào ngày hôm ấy thì đó là "Sự quan phòng - nghĩa là ơn trên từ Thiên Chúa" rằng "bầu trời sẽ mở ra để đón nhận cả hai cùng một lúc".

Hoa Kỳ vĩ đại không phải vì không phạm sai lầm mà là tinh thần hàn gắn và đổi mới 

 Sự ưu việt của nước Mỹ không phải bởi vì quốc gia này không phạm sai lầm hay chưa từng chia rẽ. Nước Mỹ vĩ đại bởi vì tinh thần đổi mới và khả năng vượt lên trên những chia rẽ để cùng nhìn về lợi ích chung của quốc gia. Điều này đã xảy ra không chỉ một lần vào cuộc bầu cử tổng thống năm 1800 mà nó đã được minh chứng ngay từ buổi đầu lập quốc và vào những thời điểm cam go sau này

Khởi đầu, cuộc chiến tranh giành độc lập không giành được sự ủng hộ của toàn bộ dân chúng 13 bang thuộc địa, họ bị chia rẽ thành hai phe khởi nghĩa và phe trung thành với nhà vua Anh quốc. Quân đội của George Washington đã từng rơi vào hiểm cảnh, có nguy cơ tan rã và bị tiêu diệt bởi sự thờ ơ của dân chúng. Nhưng rồi nước Mỹ đã vượt qua. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1800 tiếp tục là một thời gian sóng gió, song nước Mỹ đã vượt qua. Hoa Kỳ lại tiếp tục bị chia rẽ sau cuộc bầu cử năm 1860 khi 11 tiểu bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam đã tuyên bố ly khai và cuộc nội chiến bắt đầu. Nhưng rồi nước Mỹ đã hàn gắn được vết thương nội chiến và vượt qua. Năm 1968 đầy hỗn loạn cũng tương tự như hoàn cảnh ngày nay với những cuộc biểu tình phản chiến của thanh niên, sự xung đột trong Đảng Dân chủ, những cuộc đọ sức gây thương vong lớn giữa người biểu tình và cảnh sát, những cuộc ám sát đã hạ gục ứng cử viên tổng thống Robert Kennedy và mục sư Martin Luther King v.v. Nhưng nước Mỹ đã vượt qua. Và ngày hôm nay, nước Mỹ có thể vượt qua sự chia rẽ và xung đột sâu sắc để tiếp tục tiến về phía trước hay không?

Có thể lắm chứ, như Thomas Jefferson và John Adams đã cùng nhau vượt qua mối hiềm thù sâu sắc bằng tình yêu nước và sự trân trọng những giá trị Mỹ như trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. 

Nguyên Vũ.

 

No comments:

Post a Comment