Friday, 28 February 2025

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 25/2/2025

 Newt Gingrich: Tháng mang tính cách mạng nhất của bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống hiện đại nào


Chắc chắn, đây là tháng mang tính cách mạng nhất của bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống hiện đại nào. Điều này vượt xa tốc độ 100 ngày đầu tiên làm việc nổi tiếng của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt.

Tổng thống Trump đã chiêu mộ một nội các đặc biệt, có tinh thần khởi nghiệp gồm những người thông minh, thành đạt. Họ biết cách hoàn thành công việc. Với nỗ lực của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện John Thune và sự quan tâm chu đáo của Phó Tổng thống J.D. Vance đối với các Thượng nghị sĩ và các vị trí được đề cử, 18 trong số 22 đề cử viên do ông Trump chọn đã được Thượng viện chấp thuận chỉ trong 31 ngày.

Chính quyền này đã thực sự nhổ tận gốc việc áp đặt DEI (đa dạng, bình đẳng và hòa nhập), chủ nghĩa thức tỉnh, chủ nghĩa chuyển giới và các kiểu ý thức hệ khác của phe cánh tả mà hầu hết người Mỹ đều phản đối sâu sắc. Tốc độ ban hành các sắc lệnh hành pháp và cắt giảm ngân sách là lịch sử. Trong một tháng, chính quyền Trump đã chấm dứt hoạt động của nhiều cơ quan mà trong đó phát hiện ra hàng tỷ USD chi tiêu điên rồ và tham nhũng.

Sau nhiều thập kỷ các chính trị gia hứa sẽ thu hẹp chính phủ lớn nhưng không làm được, Tổng thống Trump đã tuyển dụng tỷ phú Elon Musk để dứt điểm việc này. Ông Musk là người giàu nhất thế giới – và là một thiên tài về kỹ thuật, công nghệ và thành tựu kinh doanh. Họ đã cùng nhau tạo ra Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE). Ông Musk đã tuyển dụng một nhóm chuyên gia công nghệ thông tin trẻ tuổi tài năng. Những tài năng trẻ này biết cách phân tích các hoạt động của chính phủ bất chấp sự phản kháng và cản trở của bộ máy quan liêu.

Quan hệ đối tác Trump-Musk bắt đầu đạt được hai bước đột phá lịch sử rõ rệt. Đầu tiên, DOGE xác định rõ ràng sự lãng phí, gian lận và chi tiêu cực đoan của cánh tả. Điều này khẳng định niềm tin của người Mỹ bình dân rằng chính phủ có thể bị cắt giảm đáng kể. Thứ hai, lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ có một hệ thống trách nhiệm giải trình, đảm bảo các sắc lệnh hành pháp được thực hiện kịp thời.

Mỗi bước đột phá đều mang tính cách mạng theo cách riêng của nó.

Tổng thống Trump cũng quyết đoán như vậy về vấn đề nhập cư bất hợp pháp và biên giới. Trong vòng ba tuần, tình trạng vượt biên trái phép ở biên giới phía Nam đã giảm đáng kể. Các con số hiện nay giống với biên giới an toàn của 60 năm trước.

Về vấn đề đối ngoại, Tổng thống Trump đã gửi đi một tín hiệu cứng rắn mang tính quyết định. Việc này đã làm rung chuyển giới tinh hoa châu Âu và gây chấn động đến các chính phủ trên khắp hành tinh. Tổng thống Trump đang thay thế hệ thống tinh hoa toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh. Bây giờ, mỗi quốc gia sẽ đột nhiên phải tập trung vào lợi ích của riêng mình mà không mong đợi sự bố thí, cứu trợ hoặc các biện pháp can thiệp khác. Điều này đã gây xôn xao giới tinh hoa thượng lưu trên khắp hành tinh.

Để minh chứng cho sự tự tin và tính quyết liệt của mình, Tổng thống Trump đã cử Phó Tổng thống Vance đến phát biểu tại Paris và Munich. Các bài diễn văn của ông Vance tương đương với những gì người Gruzia gọi là "khoảnh khắc đến với Chúa Jesus". Hầu hết giới tinh hoa châu Âu đều cảm thấy bị xúc phạm sâu sắc – và thực sự thù địch. Mặc dù vẫn có một số người, chẳng hạn như nhà lãnh đạo Phần Lan, đã chỉ ra rằng có rất nhiều sự thật trong những lời cảnh báo của vị Phó Tổng thống Hoa Kỳ. 

Cuối cùng, Tổng thống Trump đã tham gia trực tiếp vào việc giải quyết các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine. Ông cam kết rõ ràng đạt được hòa bình – nhưng ông thừa nhận rằng mỗi cuộc xung đột đòi hỏi một cách tiếp cận riêng. Những nỗ lực của ông trong những tình huống này thách thức mọi giáo điều chính sách đối ngoại của giới tinh hoa kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Cơn lốc các hoạt động và thay đổi mang tính cách mạng này không thể được hiểu một cách riêng lẻ.

Đằng sau tất cả những đột phá này là chín năm rưỡi làm việc. Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 15 tháng 6 năm 2015, khi ứng cử viên tổng thống tiềm năng Donald Trump và phu nhân Melania Trump đi xuống bằng thang cuốn tại Trump Tower.

Ông Trump đã phát triển phong trào MAGA (Làm nước Mỹ Vĩ đại Trở lại) và đấu tranh về vấn đề nhập cư bất hợp pháp trên con đường đánh bại 15 ứng cử viên khác của Đảng Cộng hòa và sau cùng là Ngoại trưởng Hillary Clinton của Đảng Dân chủ để trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. 

Ông đã kiên trì trước vô số lời bôi nhọ, quấy rối, thù địch và khinh miệt. Ông đã đứng vững trước các cuộc tấn công của truyền thông tin giả cánh tả, các cuộc điều tra, kiện tụng và hai vụ ám sát. Hãy nhớ lại khoảnh khắc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã công khai xé nát Diễn văn Liên bang của ông Trump khi ông phát biểu tại lưỡng viện. Hãy nhớ lại bức ảnh chụp chân dung tội phạm đầy thách thức của Tổng thống Trump tại Văn phòng Cảnh sát trưởng Quận Fulton (bây giờ nó được treo một cách tự hào ngay bên ngoài Phòng Bầu dục). Và tất nhiên, hãy nhớ đến lúc khi ông đứng lên ở Butler, Pennsylvania với khuôn mặt đầy máu, dũng cảm kêu gọi những người ủng hộ ông "chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu".

Các phương tiện truyền thông, các chính trị gia (từ cả hai phía), chính phủ và một đội quân các nhóm lợi ích đã thông đồng để phá hoại ông. Họ đã thất bại. Sự chống phá đó chỉ khiến Tổng thống Trump ngày càng tin rằng hệ thống thể chế chính quyền đã bị tha hóa và cần phải được thay thế hoàn toàn.

May mắn thay, bà Linda McMahon và bà Brooke Rollins đã thành lập Viện Chính sách Nước Mỹ Trên Hết. Trong bốn năm, họ đã làm việc để chuẩn bị cho sự trở lại của Tổng thống Trump – và những thay đổi táo bạo, sâu sắc, mạnh mẽ mà nước Mỹ cần.

Gần một thập kỷ làm việc của ông Trump đã đạt đến đỉnh cao là tháng đầu tiên phi thường nhất của bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống hiện đại nào – và vẫn còn nhiều điều hơn thế nữa sắp diễn ra.

 ·      Ông Trump và ông Macron cam kết hợp tác về vấn đề Ukraine


Hôm thứ Hai (24/2) tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tìm cách xoa dịu rạn nứt xuyên Đại Tây Dương về Ukraine. Trong đó, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine sau khi cuộc chiến tranh kéo dài ba năm này kết thúc.

Đón tiếp Tổng thống Macron tại Nhà Trắng vào đúng ngày kỷ niệm ba năm bùng phát cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, Tổng thống Trump cũng cho biết ông mong đợi lãnh đạo Volodymyr Zelensky của Ukraine sẽ đến thăm Hoa Kỳ vào tuần này hoặc tuần tới để ký một thỏa thuận cho phép Washington tiếp cận tài nguyên khoáng sản của Kiev.

Ông Trump ca ngợi ng Macron là "một người đàn ông rất đặc biệt" khi họ bắt tay nhau theo phong cách nam tính đặc trưng tại Phòng Bầu dục. Về phần mình, tổng thống Pháp đã đang tìm cách sử dụng mối quan hệ gần gũi với ông Trump kể từ nhiệm kỳ trước để củng cố sự ủng hộ dành cho Ukraine.

"Tôi nghĩ chúng ta có thể chấm dứt điều đó trong vòng vài tuần — nếu chúng ta thông minh. Nếu chúng ta không thông minh, điều đó sẽ tiếp tục", ông Trump nói về mong muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.

Tổng thống Hoa Kỳ nói thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng "chấp nhận" quân đội châu Âu được triển khai tại Ukraine làm lực lượng đảm bảo cho một thỏa thuận chấm dứt giao tranh.

Ông Trump cũng đã chia sẻ đoạn video họp báo chung của ông với người đồng cấp Pháp trên mạng xã hội Truth Social, cùng dòng bình luận rằng: "Pháp là đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ. Quan hệ đối tác trân quý của chúng ta đã là động lực cho TỰ DO, THỊNH VƯỢNG và HÒA BÌNH ngay từ đầu..."

Ông Macron, nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến thăm ông Trump kể từ khi ông giành lại quyền lực cách đây một tháng, đã gọi các cuộc thảo luận với người đồng cấp Hoa Kỳ là "bước ngoặt" trong nỗ lực hướng tới một cách tiếp cận thống nhất hơn.

Dù vậy, về kết thúc chiến tranh Ukraine, ông Macron đã thúc đẩy một cách tiếp cận thận trọng hơn, có thể bắt đầu bằng một lệnh ngừng bắn và sau đó là một thỏa thuận hòa bình bao gồm các đảm bảo an ninh.

"Chúng tôi muốn hòa bình, ông [Trump] muốn hòa bình. Chúng tôi muốn hòa bình nhanh chóng, nhưng chúng tôi không muốn một thỏa thuận yếu kém", ông Macron nói với các phóng viên khi họp báo chung cùng người đồng cấp Hoa Kỳ.

Ông Marcon nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải được "đánh giá, kiểm tra và xác minh".

Tổng thống Pháp cho biết châu Âu đã sẵn sàng "tăng cường" chi tiêu quốc phòng và nhắc lại rằng châu Âu đã sẵn sàng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình. Nhưng ông cũng nói ông muốn Hoa Kỳ tham gia "mạnh mẽ" vào bất kỳ kế hoạch nào như vậy.

Cả Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer đều cho biết quốc gia của họ sẵn sàng đóng góp quân gìn giữ hòa bình ở Ukraine nếu có một thỏa thuận kết thúc chiến tranh. Ông Starmer dự kiến sẽ tới Nhà Trắng gặp ông Trump vào thứ Năm (27/2).

Ông Macron và ông Starmer dự kiến sẽ yêu cầu ông Trump cung cấp "bảo đảm an ninh vững chắc" cho các lực lượng được triển khai tại Ukraine hậu chiến tranh, và có thể là hậu cần hoặc tình báo.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Mike Waltz đã nói với các phóng viên vào thứ Hai (24/2) rằng "chúng tôi dự kiến sẽ thảo luận khá nhiều về các bảo đảm an ninh mà ông Macron đã đưa ra".

Ông Waltz cho biết ông Trump và ông Macron cũng sẽ thảo luận về vấn đề thương mại nhạy cảm với Liên minh châu Âu, trong đó tổng thống Hoa Kỳ đe dọa áp thuế toàn diện đối với khối này.

* Tổng thống Putin tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ về 'đất hiếm'

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva sẵn sàng hợp tác với Washington để phát triển các mỏ khoáng sản đất hiếm, bao gồm cả ở Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye.

Thỏa thuận 'đất hiếm' mà chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang thúc đẩy với Ukraine "không liên quan" đến Moskva, ông Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Pavel Zarubin của kênh truyền hình Russia 1 vào thứ Hai (24/2).

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng giá trị thực tế của các mỏ khoáng sản đất hiếm của Ukraine vẫn chưa được biết rõ.

Ông Putin cho biết Moskva sẽ tập trung vào việc phát triển khoáng sản đất hiếm của riêng mình, vì tầm quan trọng của chúng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

"Chúng ta sẽ sẵn sàng mời chào các đối tác Hoa Kỳ của chúng ta ... nếu họ thể hiện sự quan tâm đến việc hợp tác cùng nhau", ông Putin nói, đồng thời nhấn mạnh rằng ông muốn nói đến cả các công ty tư nhân và công ty của chính phủ.

Là một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về tài nguyên khoáng sản đất hiếm, Nga sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế để phát triển các mỏ khoáng sản của mình, ông Putin nêu rõ.

"Điều này bao gồm các vùng lãnh thổ mới. Các vùng lãnh thổ lịch sử mới của chúng ta, được trả lại cho Liên bang Nga, cũng có trữ lượng đáng kể", ông Putin nói thêm. 

Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye được sáp nhập Liên bang Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi vào năm 2022. Kiev và các quốc gia phương Tây ủng hộ nước này cho rằng đó là các cuộc trưng cầu dân ý gian lận, trong khi Moskva khẳng định người dân ở các khu vực này muốn là một phần của nước Nga. 

Forbes  vào năm 2023 ước tính tổng giá trị các mỏ khoáng sản của Ukraine là gần 15 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay gần một nửa tổng tài nguyên khoáng sản đó nằm ở các  Donetsk và Lugansk do Nga kiểm soát. 


Nhà lãnh đạo ngoại giao EU ủng hộ việc ông Zelensky từ chối tổ chức bầu cử

Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU), bà Kaja Kallas tuyên bố ủng hộ việc nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky từ chối tổ chức bầu cử tổng thống.

Mặc dù nhiệm kỳ tổng thống năm năm của ông Zelensky đã kết thúc vào tháng 5 năm 2024, nhưng không có cuộc bầu cử mới nào được tổ chức. Ông Zelensky tuyên bố rằng "không phải thời điểm thích hợp" và trích dẫn thiết quân luật để từ chối tổ chức bầu cử. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nói rằng ông không còn coi ông Zelensky là nguyên thủ quốc gia hợp pháp của Ukraine nữa.

Phát biểu vào thứ Hai (24/2) trước cuộc họp của các ngoại trưởng EU tại Brussels, bà Kallas tuyên bố, "không cần phải tổ chức bầu cử" trong thời chiến.

Bà Kallas lưu ý đến cuộc đấu khẩu công khai vào tuần trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố ông Zelensky là "một nhà độc tài không có bầu cử" và cáo buộc ông này đổ tiền viện trợ của Hoa Kỳ vào một "cuộc chiến không thể giành chiến thắng". Tuần trước, ông Trump cũng tuyên bố rằng tỷ lệ ủng hộ đối với ông Zelensky là 4%, và đề xuất nên tổ chức một cuộc bầu cử.

"Ông ấy từ chối tổ chức bầu cử. Ông ấy [có tỷ lệ ủng hộ] thấp trong các cuộc thăm dò thực tế của Ukraine. Làm sao ông ấy có thể [nhận được tỷ lệ ủng hộ] cao khi mọi thành phố đều bị phá hủy?" ông Trump nói, đồng thời cho biết thêm rằng trong khi ấy, Hoa Kỳ đang "đàm phán thành công để chấm dứt chiến tranh với Nga".

Ông Zelensky đáp trả bằng cách tuyên bố rằng ông Trump đang "sống trong một không gian thông tin sai lệch" do Moskva tạo ra.

Đồng tình với ông Zelensky, bà Kallas tuyên bố rằng "rõ ràng là ngôn từ của Nga được thể hiện rất mạnh mẽ" trong tuyên bố của ông Trump. Bà Kallas nhấn mạnh rằng để bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào có hiệu lực, nó sẽ cần phải có sự tham gia của người châu Âu và người Ukraine.

Bà Kallas đã đề cập đến các cuộc đàm phán cấp cao gần đây giữa Hoa Kỳ và Nga tại Ả Rập Saudi, sự kiện đã khiến EU thất vọng. Các quốc gia thành viên EU chỉ trích Washington vì đã gạt Brussels và Kiev sang một bên trong các cuộc đàm phán.

"Bạn có thể thảo luận bất cứ điều gì bạn muốn với Putin, nhưng nếu liên quan đến Ukraine và châu Âu, thì Ukraine và châu Âu cũng phải đồng ý với thỏa thuận này", bà Kallas nói với các nhà báo.

Tuần trước, các báo cáo của các hãng truyền thông đưa tin rằng EU đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự trị giá ít nhất 6,2 tỷ USD cho Ukraine. Gói viện trợ này dự kiến sẽ bao gồm 1,5 triệu quả đạn pháo và hệ thống phòng không – một trong những cam kết viện trợ quân sự lớn nhất của khối kể từ khi chến tranh Nga-Ukraine leo thang vào cuối tháng 2 năm 2022. 

Nga coi ông Zelensky là "bất hợp pháp" và chỉ công nhận quốc hội Ukraine và chủ tịch quốc hội. Các quan chức Nga đã cảnh báo rằng bất kỳ hiệp ước nào mà ông Zelensky ký, đều có thể bị thách thức và đặt câu hỏi về khả năng ký kết các thỏa thuận lâu dài của ông Zelensky.

Thursday, 27 February 2025

Toàn văn thỏa thuận khoáng sản giữa Hoa Kỳ và Ukraine

XÉT RẰNG Hoa Kỳ đã cung cấp hỗ trợ tài chính và vật chất đáng kể cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2 năm 2022;

XÉT RẰNG người dân Hoa Kỳ mong muốn đầu tư cùng với Ukraine trong một đất nước Ukraine tự do, có chủ quyền và an toàn;

XÉT RẰNG Hoa Kỳ và Ukraine mong muốn có một nền hòa bình lâu dài tại Ukraine và một mối quan hệ đối tác bền chặt giữa nhân dân và chính phủ hai nước;

XÉT RẰNG Hoa Kỳ và Ukraine công nhận những đóng góp của Ukraine trong việc củng cố hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách tự nguyện từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới;

XÉT RẰNG Hoa Kỳ và Ukraine mong muốn đảm bảo rằng các quốc gia và cá nhân khác đã hành động bất lợi cho Ukraine trong cuộc xung đột sẽ không được hưởng lợi từ việc tái thiết Ukraine sau một nền hòa bình lâu dài;

 DO ĐÓ, BÂY GIỜ, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Ukraine (mỗi bên được gọi là "Bên tham gia") ký kết Thỏa thuận song phương này Thiết lập các Điều khoản và Điều kiện cho Quỹ đầu tư tái thiết nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Ukraine, như được nêu tại đây.

 1. Chính phủ Ukraine và Hoa Kỳ, với mục tiêu đạt được hòa bình lâu dài tại Ukraine, có ý định thành lập Quỹ đầu tư tái thiết (Quỹ), hợp tác trong Quỹ thông qua quyền sở hữu chung, sẽ được định nghĩa rõ hơn trong Thỏa thuận quỹ. Quyền sở hữu chung sẽ xem xét các khoản đóng góp thực tế của những Người tham gia như được định nghĩa trong Mục 3 và 4. Quỹ sẽ được quản lý chung bởi các đại diện của Chính phủ Ukraine và Chính phủ Hoa Kỳ. Các điều khoản chi tiết hơn liên quan đến việc quản lý và hoạt động của Quỹ sẽ được nêu trong một thỏa thuận tiếp theo (Thỏa thuận quỹ) sẽ được đàm phán ngay sau khi kết thúc Thỏa thuận song phương này. Tỷ lệ sở hữu tối đa của vốn chủ sở hữu và quyền lợi tài chính của Quỹ do Chính phủ Hoa Kỳ nắm giữ và thẩm quyền ra quyết định của các đại diện của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ ở mức độ cho phép theo luật hiện hành của Hoa Kỳ.

Không Bên tham gia nào được bán, chuyển nhượng hoặc xử lý theo cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, bất kỳ phần nào quyền lợi của mình trong Quỹ mà không có sự đồng ý trước bằng văn bản của Bên tham gia kia.

 2. Quỹ sẽ thu thập và tái đầu tư các khoản thu nhập đóng góp cho Quỹ, trừ đi các khoản chi phí mà Quỹ phải chịu, và sẽ kiếm được thu nhập từ việc kiếm tiền trong tương lai từ tất cả các tài sản tài nguyên thiên nhiên có liên quan do Chính phủ Ukraine sở hữu (cho dù do Chính phủ Ukraine sở hữu trực tiếp hay gián tiếp), như được định nghĩa trong Mục 3

 3. Chính phủ Ukraine sẽ đóng góp vào Quỹ 50 phần trăm tổng doanh thu kiếm được từ việc tiền tệ hóa trong tương lai của tất cả các tài sản tài nguyên thiên nhiên có liên quan do Chính phủ Ukraine sở hữu (cho dù do Chính phủ Ukraine sở hữu trực tiếp hay gián tiếp), được định nghĩa là các mỏ khoáng sản, hydrocarbon, dầu, khí đốt tự nhiên và các vật liệu khai thác khác, và cơ sở hạ tầng khác có liên quan đến tài sản tài nguyên thiên nhiên (như các nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng và cơ sở hạ tầng cảng) theo thỏa thuận của cả hai Bên tham gia, như có thể được mô tả thêm trong Thỏa thuận Quỹ. Để tránh nghi ngờ, các nguồn doanh thu trong tương lai như vậy không bao gồm các nguồn doanh thu hiện tại vốn đã là một phần của doanh thu ngân sách chung của Ukraine. Mốc thời gian, phạm vi và tính bền vững của các khoản đóng góp sẽ được xác định thêm trong Thỏa thuận Quỹ.

Quỹ có thể, theo quyết định riêng của mình, ghi có hoặc trả lại cho Chính phủ Ukraine các khoản chi phí thực tế phát sinh từ các dự án mới phát triển mà Quỹ nhận được doanh thu.

Các khoản đóng góp vào Quỹ sẽ được tái đầu tư ít nhất hàng năm tại Ukraine để thúc đẩy sự an toàn, an ninh và thịnh vượng của Ukraine, sẽ được xác định rõ hơn trong Thỏa thuận Quỹ. Thỏa thuận Quỹ cũng sẽ quy định về các khoản phân phối trong tương lai.

 4. Theo luật pháp Hoa Kỳ hiện hành, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ duy trì cam kết tài chính dài hạn cho sự phát triển của một Ukraine ổn định và thịnh vượng về kinh tế. Các đóng góp tiếp theo có thể bao gồm các quỹ, công cụ tài chính và các tài sản hữu hình và vô hình khác quan trọng cho việc tái thiết Ukraine.

 5. Quy trình đầu tư của Quỹ sẽ được thiết kế để đầu tư vào các dự án tại Ukraine và thu hút đầu tư nhằm tăng cường phát triển, chế biến và tiền tệ hóa tất cả các tài sản công và tư của Ukraine bao gồm nhưng không giới hạn ở các mỏ khoáng sản, hydrocarbon, dầu, khí đốt tự nhiên và các vật liệu khai thác khác, cơ sở hạ tầng, cảng và doanh nghiệp nhà nước như có thể được mô tả thêm trong Thỏa thuận Quỹ. Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Ukraine dự định rằng quy trình đầu tư sẽ dẫn đến các cơ hội phân phối thêm tiền và tái đầu tư nhiều hơn, để đảm bảo cung cấp đủ vốn cho việc tái thiết Ukraine như đã nêu trong Thỏa thuận Quỹ.

Những người tham gia có quyền thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ và tối đa hóa giá trị lợi ích kinh tế của họ trong Quỹ.

 6. Thỏa thuận Quỹ sẽ bao gồm các tuyên bố và bảo đảm phù hợp, bao gồm cả những tuyên bố và bảo đảm cần thiết để đảm bảo rằng bất kỳ nghĩa vụ nào mà Chính phủ Ukraine có thể có đối với bên thứ ba, hoặc các nghĩa vụ mà Chính phủ có thể thực hiện trong tương lai, không bán, chuyển nhượng, thế chấp hoặc gây cản trở cho các đóng góp của Chính phủ Ukraine vào Quỹ hoặc các tài sản mà các đóng góp đó có nguồn gốc, hoặc việc Quỹ xử lý các quỹ.

Khi soạn thảo Thỏa thuận Quỹ, các Bên tham gia sẽ nỗ lực tránh xung đột với các nghĩa vụ của Ukraine theo thỏa thuận gia nhập Liên minh Châu Âu hoặc các nghĩa vụ theo thỏa thuận với các tổ chức tài chính quốc tế và các chủ nợ chính thức khác.

 7. Thỏa thuận Quỹ sẽ cung cấp, trong số những điều khác, một xác nhận rằng cả Thỏa thuận Quỹ và các hoạt động được quy định trong đó đều mang tính chất thương mại.

Thỏa thuận Quỹ sẽ được Quốc hội Ukraine phê chuẩn theo Luật Ukraine "Về các điều ước quốc tế của Ukraine".

 8. Thỏa thuận Quỹ sẽ đặc biệt chú ý đến các cơ chế kiểm soát khiến việc làm suy yếu, vi phạm hoặc lách luật trừng phạt và các biện pháp hạn chế khác trở nên bất khả thi.

 9. Văn bản của Thỏa thuận Quỹ sẽ được các nhóm làm việc do đại diện có thẩm quyền của Chính phủ Ukraine và Chính phủ Hoa Kỳ chủ trì phát triển mà không chậm trễ. Những người liên hệ chịu trách nhiệm soạn thảo Thỏa thuận Quỹ trên cơ sở Thỏa thuận Song phương này là: từ Chính phủ Hoa Kỳ: Bộ Tài chính; từ Chính phủ Ukraine: Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế.

 10. Thỏa thuận song phương này và Thỏa thuận quỹ sẽ cấu thành những yếu tố không thể tách rời của cấu trúc các thỏa thuận song phương và đa phương, cũng như các bước cụ thể để thiết lập hòa bình lâu dài, tăng cường khả năng phục hồi an ninh kinh tế và phản ánh các mục tiêu nêu trong phần mở đầu của Thỏa thuận song phương này.

Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ những nỗ lực của Ukraine nhằm đạt được các đảm bảo an ninh cần thiết để thiết lập hòa bình lâu dài. Những người tham gia sẽ tìm cách xác định bất kỳ bước cần thiết nào để bảo vệ các khoản đầu tư chung, như được định nghĩa trong Thỏa thuận Quỹ.

 11. Thỏa thuận song phương này có tính ràng buộc và sẽ được mỗi Bên tham gia thực hiện theo các thủ tục trong nước của mình. Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Ukraine cam kết sẽ tiến hành đàm phán ngay Thỏa thuận Quỹ..

Thỏa thuận khai thác mỏ quặng: Kiev "đưa" Mỹ vào Ukraina ?

 Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể đến Washington ngày 28/02/2025, để ký với nguyên thủ Mỹ Donald Trump thỏa thuận khai thác khoáng sản ở Ukraina. Dù không có điều kiện nào về « bảo đảm an ninh » như mong muốn nhưng vô hình chung, Kiev « đưa » Mỹ vào giúp « bảo vệ » lãnh thổ thông qua điều khoản « một nền hòa bình lâu dài, ủng hộ các nỗ lực bảo đảm an ninh cho Ukraina » và Mỹ sẽ phải bảo vệ công ty và lợi ích kinh tế của mình trên thực địa.

Thu Hằng

Khoáng sản Ukraina giúp Mỹ « thoát » Trung Quốc

Đối với tổng thống Trump, đạt được thỏa thuận khai thác khoáng sản ở Ukraina là một « thắng lợi lớn ». Là nước giàu khoáng sản nhưng lại ít được khai thác do chiến tranh từ ba năm qua, Ukraina trở thành giải pháp giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới với trữ lượng 75% thế giới và là đối thủ địa chính trị của tổng thống Trump. Tháng 12/2024, Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu nhiều loại đất hiếm sang Mỹ, thay cho việc hạn chế được ban hành năm 2023.

Thực ra, theo AP, cả Mỹ và châu Âu đều tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo thẩm định của Mỹ, Ukraina có thể cung cấp đến 50 loại khoáng sản quan trọng, với tổng trữ lượng được báo Washington Post thẩm định vào tháng 08/2022 lên đến 26.000 tỉ đô la.

Ủy Ban Châu Âu xác định Ukraina là nhà cung cấp tiềm năng hơn 20 loại nhiên liệu quan trọng và sẽ giúp tăng cường cho nền kinh tế Liên Âu nếu Ukraina gia nhập khối. Theo nghiên cứu của Viện Nguyên liệu thô quan trọng của Liên Âu (AEI), được trang Conflits trích dẫn ngày 26/02, Ukraina giữ khoảng 7% trữ lượng thế giới về than chì - graphit, 20% trữ lượng của châu Âu về titan, ngoài ra phải kể đến lithium, magan... Tất cả đều quan trọng cho pin điện, linh kiện bán dẫn, quá trình chuyển đổi năng lượng... Ukraina cũng có nhiều mỏ đất hiếm lớn, gồm 17 loại quan trọng được sử đụng sản xuất vũ khí, tua bin gió, linh kiện điện tử...

Nếu một thỏa thuận khai thác khoáng sản được ký tại Washington ngày 28/02, đây cũng có thể coi là một thành công của chính quyền Kiev. Ukraina đã thuyết phục được Mỹ bỏ điều khoản về 500 tỉ đô la mà tổng thống Trump « đòi » trong dự thảo ban đầu vì như vậy « người Ukraina trả nợ đến 10 đời ». Tiếp theo, vô hình chung Kiev « đường đường chính chính » đưa Mỹ vào lãnh thổ Ukraina thông qua thỏa thuận được chính cố vấn an ninh Nhà Trắng Mike Waltz đánh giá « kết nối Mỹ với Ukraina trong tương lai ».

Mỹ sẽ phải bảo đảm an ninh cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Ukraina ?

Thực vậy, đa số nguồn đất hiếm, nhiều mỏ titan và kẽm nằm ở miền đông và miền nam Ukraina, tại những khu vực bị Nga chiếm đóng. Kiev gián tiếp để tổng thống Trump hiểu rằng Washington chẳng có lợi khi để nguồn tài nguyên dồi dào và chưa được khai thác như vậy rơi vào tay Matxcơva, chưa kể đến nguồn uranium, nếu Nga tiếp tục tiến trên chiến trường.

Trả lời BBC ngày 25/02, bà Iryna Suprun, tổng giám đốc công ty tư vấn mỏ Geological Investment Group tại Kiev đánh giá việc khai thác khoáng sản vô cùng khó khăn và tốn kém. Các nguồn đầu tư của Mỹ « giúp (Ukraina) tiếp cận được những công nghệ cần cho ngành công nghiệp khai thác mỏ, được cấp vốn. Điều này còn có nghĩa là sẽ có thêm việc làm, nguồn thu thuế và Ukraina sẽ có được thu nhập từ khai thác mỏ ». Cựu thủ tướng Anh Boris Johnson, được BBC trích dẫn, cũng bác cáo buộc thỏa thuận khai thác khoáng sản ở Ukraina là một « trò lừa đảo » của Mỹ vì « điều mà Ukraina nhận được, đó là cam kết của Mỹ dưới thời tổng thống Trump ủng hộ một Ukraina tự do, chủ quyền và an ninh ».

Cho dù điều kiện Washington « bảo đảm an ninh » được cho là không có trong thỏa thuận nhưng việc các công ty Mỹ, các nhà đầu tư Mỹ có mặt tại Ukraina đã là một bảo đảm an ninh đất nước bị Nga xâm chiếm từ hơn ba năm qua. Washington sẽ không bỏ rơi doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trong trường hợp bị tấn công. Và đối với Ukraina, một thỏa thuận như vậy với Mỹ có thể bảo đảm rằng đồng minh quan trọng nhất sẽ không đóng băng hỗ trợ quân sự.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ các điều khoản về an ninh cho các doanh nghiệp Mỹ tham gia khai thác để đối phó với nguy cơ làm việc ở Ukraina, kể cả trong trường hợp ngừng bắn, cũng như thỏa thuận tài chính nào sẽ được thông qua giữa Ukraina và các doanh nghiệp Mỹ. Và cho dù nếu được ký kết, hoạt động khai thác cũng chưa được tiến hành ngay vì Ukraina không có nhiều dữ liệu địa chất do các mỏ nằm rải rác trên khắp lãnh thổ, trong khi các nghiên cứu hiện tại lại không đầy đủ và hiệu quả. Năm 2021, ngành công nghiệp khai khoáng chiếm khoảng 6,1% GDP của Ukraina và 30% hàng xuất khẩu..

Chuyện Phiếm: Đất nước lạ lùng

 Phan Đức Minh 

 Rời quê hương, đất nước đi định cư ở Hoa Kỳ theo diện... HO 10, sau hơn 12 năm đi tù cải tạo trên núi, trên rừng, bước chân xuống phi trường quốc tế Los Angeles, tôi đã thấy ngay nước Mỹ là một đất nước vĩ đại vô cùng.

Sau đó lên phi cơ nội địa, chúng tôi về phi trường của thành phố San Diego. Cũng vẫn một quang cảnh lộng lẫy, vĩ đại của một đất nước... lạ lùng. Ở đâu cũng thấy hoa lá, cây cỏ xanh tươi, kể cả lúc xe chạy trên xa lộ.

Trên núi, trên đồi, sức mạnh cơ giới và khả năng con người cũng xây dựng được nhà cửa, hãng xưởng. Ở nhiều quốc gia khác thì đồi núi thế này, chắc là chỉ có bỏ hoang, cho... khỉ nó ở. Hay giỏi lắm thì cũng đến trồng ba củ sắn, củ khoai, ăn cầm hơi cho đỡ đói.

Cô học trò cũ lái xe ban đêm, đưa chúng tôi qua những khu phố, những con đường mới rộng lớn, đẹp đẽ làm sao. Sức tiêu thụ điện năng của nước Mỹ cũng vĩ đại luôn, thật ghê gớm, kinh khủng. Ở quê nhà (từ đây xin cứ hiểu là quê nhà dưới triều đại của các quan dép râu, nón cối), người ta cúp điện ban đêm liên tu bất tận, nhà ngói cũng như nhà tranh, không sáng choang, rực rỡ như cái nước "tư bản sừng sỏ này." Sorry! Bị tẩy não, nhồi nhét vô đầu hơn 12 năm trong 5 trại tù cải tạo, lâu quá, quen miệng, tôi hay nói theo ngôn từ của các cán bộ nón cối dép râu nhà ta. Xin... đại xá! Đại xá!

Về gia đình ông bạn để nghỉ ngơi, chuyện trò, ăn uống và ngủ đêm đầu tiên trên đất Mỹ, cái gì tôi cũng thấy lạ lùng hết trơn. Thoạt trông bữa cơm tối đầu tiên trên đất Mỹ được bầy ra trên bàn với đầy đủ mọi thứ... hoa lá cành, tôi đã nhận ra ngay cái tính cách vĩ đại của bữa ăn. Thật vậy, hơn 12 năm lên núi, theo học đủ thập bát ban võ nghệ "Lao Động là Vinh Quang" đói thấy ông cố nội, ăn từ rau rừng, cà dại, lá sắn, cỏ non, con cóc, con nhái, con rắn, con thằn lằn... con gì cũng ăn hết, chỉ trừ có... con dao đi làm rừng và con bù loong là đành chịu chết, không ăn được.

Vợ con nhịn ăn, gồng mình bới xách, đi thăm nuôi, tiếp tế cũng chỉ có thể "cứu nguy dân tộc" đỡ đói được chút chút, Mỹ kêu bằng "a little bit" mà thôi, như ly nước đem đổ xuống biển vậy. Chẳng thấm thía vào đâu, nhưng cũng giúp mình lâu chết hơn mấy thằng bạn mồ côi, vợ bỏ, hoặc là những thằng bạn tù lúc còn mũ mãng cân đai thì có tới hai ba vợ, nhưng lúc đi tù thì vợ này lễ phép nhường quyền thăm nuôi ông chồng chung cho vợ nọ, vợ kia... Cuối cùng chẳng có vợ nào đi thăm, tha hồ tự do mà đói.

Ở trên núi, lúc đói ấy mà vớ được bữa ăn như thế này thì dù có... ăn xong rồi đem bắn bỏ cũng có vô số người... Ô kê là cái chắc! Còn hơn là lao động mút mùa, đói trơ xương mà chẳng biết bao giờ về được.

Mấy hôm sau, cô học trò cũ chở gia đình tôi đi lo ba cái thủ tục giấy tờ này nọ của dân tị nạn chân ướt, chân ráo mới tới định cư tại đất nước Hoa Kỳ. Đường xá, nhà cửa, xe cộ ban ngày, cái gì cũng vĩ đại hết. Chỗ nào cũng là núi với đồi. Vậy mà tư bản đế quốc nó biến thành đường xá, cầu ngang cầu dọc để có lối cho xe mẹ, xe con, xe ông, xe bà có đường mà chạy vì xe nhiều dễ sợ, ớn da gà. Có điều là xe chạy có hàng, có lối, trật tự nhịp nhàng. Mà lạ! Không thấy xe bóp còi Pim! Pim! Tùm lum như hồi còn ở bên nhà, đi xe Taxi loanh quanh, những ngày chuẩn bị đi Mỹ, cứ thấy phía trước, đằng sau đủ thứ xe bóp còi nghe thường quá, hóa quen....

Những ngôi nhà lầu cao ngất, chung quanh toàn là kính, những căn phòng làm việc của người ta nó mới vĩ đại làm sao, mát rượi, rộng mênh mông... Trời đất quỷ thần ơi! Cái cầu tiêu của Mỹ nó mới thật là lạ lùng! Thơm phức, nước nóng, nước lạnh, xà bông, giấy trắng như bông, đủ thứ trên đời. Tôi có quyền xài nó thả dàn, thoải mái, mà không phải trả tiền 200 đồng nếu là... đi tiểu, còn... đi đại thì phải trả 400 đô Hồ như cái hồi gia đình chúng tôi tới Sở Ngoại Vụ ở Sài Gòn làm giấy tờ xuất cảnh. Quanh quanh vùng đó, cứ đi tiểu, đi... đại là đều phải trả tiền hết! Khác nhau nhiều quá!

Ở Mỹ, chỗ nào có người lui tới, dù là công viên, bãi biển, nơi đèo heo hút gió, khỉ ho cò gáy, là y chang phải có những cái thùng đựng rác trong lót bao ni lông đàng hoàng, chớ không như ở xã hội ưu việt bên nhà, người ta quăng ra đường, nơi công cộng đủ thứ trên đời, kể cả rác rến, chuột chết và xin lỗi... cả băng vệ sinh đã xài của... phe ta cũng có! Nhà nước hạn chế: mỗi gia đình một thùng rác nhỏ như cái thùng gánh nước. Nhiều hơn, đổ đi đâu thì đổ. Thế là người ta tìm cách đổ... bậy bạ, lung tung, quăng ra đường, tống xuống lỗ cống.

Sống ở Mỹ hàng chục năm, chưa bao giờ tôi thấy một người đàn ông hay đàn bà, con trai hay con gái, đang đi đường mà lại... hiên ngang và anh dũng đứng... đái vào gốc cây, chân tường nhà người ta, hoặc kín đáo núp vào bụi cây, gốc cối để làm cái việc... xả bầu tâm sự. Ở cái chỗ này, nhất định là... tư bản đế quốc thua xa... cả thước cái xã hội ưu việt của loài người tiến bộ nơi quê hương chúng ta. Ở đó, đi đường, có bị kẹt bầu tâm sự, không có nhà vệ sinh công cộng, mà có thì vô phải trả tiền, cho nên đàn ông, thanh niên có quyền đứng... oai phong lẫm liệt tưới vào gốc cây, chân tường nhà người ta. Không có gì quý hơn Độc Lập, Tự Do! Phe ta cứ việc thoải mái, muốn... tưới vào đâu thì tưới... miễn sao đứng cho công an áo vàng nó trông thấy. Nó mà trông thấy thì cũng mệt chớ bộ! Nó hét: cho coi giấy tờ cá nhân, hết thứ này đến thứ nọ... Nó phạt... cả trăm ngàn như chơi! Nó hỏi đi đâu? Làm chi mà lại... thiếu văn minh như thế? Nó mà biết đang chuẩn bị đi Mỹ thì chết với nó, nó phạt cho sợ luôn, nhớ suốt đời... Nó phạt, nhưng thật ra nó chỉ lấy tiền bỏ túi, đi nhậu chơi... là chính.

Tại Mỹ, tới các cơ quan chính quyền, công sở để làm thủ tục, xin giấy tờ này nọ, ta cứ việc xếp hàng, tới phiên ai, người đó được phục vụ. Tôi không thấy cảnh chen lấn, nhào lui, nhào tới, la lối om sòm, hay dấm dúi đồng lớn, đồng nhỏ cho các nhân viên có trách nhiệm như ở bên nhà với đám công an, cán bộ.

Thi lấy bằng lái xe thì đậu hay rớt biết ngay tại chỗ. Đậu thì vào văn phòng làm thủ tục linh tinh, lấy bằng tạm, về nhà lái xế như điên. Ít ngày sau người ta gửi bằng chính thức về tận nhà. Chẳng phải thì thụt cửa trước, cửa sau, nói nhỏ, nói to với ông này, bà nọ, phong bì dày, phong bì mỏng, đã cái đời rồi mới nắm được cái bằng lái xe trong tay như ở bên mình. Tư bản đế quốc nó phục vụ nhân dân còn hơn phục vụ... ông nội của nó nữa, chớ không như cán bộ nón cối nhà mình hàng ngày vỗ ngực tự xưng là "đầy tớ trung thành của nhân dân" nhưng nhân dân mà chậm chạp trong cái thủ tục "đầu tiên" tức là "tiền đâu" thì chỉ có nước ốm đòn với đám đầy tớ ác ôn côn đồ của nhân dân mà thôi!

Nhân viên các cơ quan công quyền hay tư nhân ở Mỹ đối với khách hàng, thân chủ, tôi thấy hầu hết đều nhã nhặn, lịch sự. Nếu mình biết... đấu láo ngon lành bằng tiếng Mỹ nữa thì lại càng vui vẻ cả làng. Họa hoằn mới thấy một nhân viên... da vàng mũi tẹt, có zen trong người từ hồi còn ở bên nhà, may mắn, sang Mỹ sớm, lúc họ còn thiếu người, thuê đại, có người làm, lại đỡ tốn tiền mướn thông dịch viên, là chưa quen cung cách làm việc văn minh của Mỹ cho nên đôi khi cũng có... hách xì xằng, làm tàng với bà con người mình một chút làm oai, cho nó tăng thêm phần... long trọng. Cái đó có! Nhưng mà hiếm lắm! Cả triệu người, mới thấy có 1 vị như kiểu nớ!

Ở Mỹ hút thuốc thì phiền phức, lôi thôi. Thuốc lá lên giá ào ào, đánh thuế tùm lum, đủ cách ngăn cản, gây khó dễ cho nhân dân khỏi hút thuốc. Coi Ti Vi cũng thấy người ta chê bai, bôi bác cái chuyện hút thuốc, coi ớn cả xương sống, xương sườn... Khi hút thì ngó trước, ngó sau, ra đường, ra cửa, ngó ngang ngó dọc, mắt la mày lét mới dám hút. Ở xã hội ưu việt của ta, ai muốn hút thuốc loại gì thì hút, thuốc thẳng, thuốc cong, thuốc lá... 2 tầng, hút ở đâu cũng được, cứ như cái kiểu... không có gì quý hơn Độc Lập, Tự Do... theo lời của Bác vĩ đại... Phì khói vào đâu cũng... chẳng chết thằng Tây đen nào cả.

Ở Mỹ, cái gì cũng vĩ đại và lạ lùng. Mà lạ thiệt! Giầu có, văn minh vật chất, khoa học kỹ thuật... đúng là số 1 hoàn vũ. Cứu trợ nhân đạo, giúp nạn nhân thiên tai khắp nơi trên thế giới, kể có cả... núi tiền, núi của. Đồ ăn, thức dùng dư sài, quá đát, đổ đi biết bao nhiêu mà kể. Hàng chục triệu người Mỹ khổ sở về cái bịnh obesity vì ăn nhiều quá, phát phì ra, đi đứng không nổi, mở bụng đằng trước, mỡ mông đằng sau, cứ lắc lư con tầu đi... Vậy mà ở mấy cái ngã tư đường, thỉnh thoảng cũng vẫn có mấy anh... râu ria xồm soàm tựa tựa như bà con với đại đồng chí Fidel Castro, lãnh tụ Đảng và nhà nước Cuba, đứng phơi nắng cầm mảnh các-tông xé ra từ cái hộp, viết xiên viết xẹo câu tiếng Mỹ, dịch ra tiếng Việt nhà mình thì đại khái nó là: Xin ông đi qua, xin bà đi lại, làm ơn cho nhà cháu tí giốp vớ vẩn chi chi cũng được, miền sao nhà cháu có được tí bánh mì, patê, xúc xích, hamburger... nhét vô bụng là Ô Kê- Tăng Kù ve- ri oách!

Ở dưới gầm cầu, góc đường, cuối phố lại thấy những người... không chịu ở trong nhà, mà mang đồ nghề, chăn chiếu, mùng mền ra những nơi đó ngủ chơi, không giống ai hết trơn...Lạ thiệt ! Người ta bảo: đó là...dân Homeless !!! Nước Mỹ vĩ đại, giầu sang số 1 hoàn cầu mà lại có cái mục đó!

Ở Mỹ, từ lũ lụt cho đến cháy rừng, cháy núi, cháy nhà, cháy cửa, gió xoáy, bão bùng... cái gì cũng vĩ đại hết trơn. Coi bộ Trời Đất muốn thử coi khoa học, kỹ thuật của nước Mỹ đem ra "chơi nhau" tay đôi với Trời với Đất, xem... Ai thắng ai" Cái lạ nữa là: Bên này đường, cả chục me sừ lính cứu hỏa, xe cảnh sát, chớp đèn tùm lum, kẻ nhào lên, người chui xuống lỗ cống, hết đục lại khoan. Cuối cùng lôi lên một....con chó sắp chết, run lập cập. Người ta reo hò loạn xạ, y như dân Mỹ coi TiVi thấy phi hành gia không gian Neil Armstrong và Edwin Aldin, từ trong phi thuyền Apollo 11 đổ bộ xuống mặt trăng, hồi năm 1969...

Con chó từ dưới lỗ cống, được lính cứu hỏa, cảnh sát, đưa lên xe Ambulance hụ còi tùm lum, chạy vô bệnh viện để mấy ông bà bác sĩ... chó mèo, gà vịt (bác sĩ thú y: veterinary surgeon; veterinarian) đem tài năng, kỹ thuật tân tiến ra tay cứu cho nó thoát khỏi bàn tay thô bạo của Tử Thần đang lăm lăm cầm con dao bầu to bự, đòi cho nó vào nồi niêu xoong chảo, đi một đường rựa mận, hầm xương nấu xáo.

Trong lúc ấy, thì bên kia đường, cách đó không xa, trong một cái bệnh viện sản khoa, mấy Ông Bà bác sĩ khác cũng đem tài năng, kỹ thuật tân tiến ra để cứu, à quên xin lỗi, sorry! để giết và lôi ra mấy đứa con nít còn trong bụng Mẹ, đã bị mấy ông, mấy bà quậy cho nát ra như Tương Tầu. Người ta giết những đứa con nít đó vì lý do: 1 phần nhỏ tí ti là để cứu sống người Mẹ, còn lại cái phần to bự là để tránh cho Bố Mẹ (Bố Mẹ thiệt hay ấm ớ hội tề) chúng nó đỡ khổ, cứ việc sung sướng, thoải mái, hiên ngang và anh dũng... mần sex tới nơi tới chốn mà khỏi phải lo sinh đẻ, nuôi nấng rắc rối, lôi thôi.

Dân chúng thì cứ việc tự do thoải mái xuống đường biểu tình, hò hét, hoan hô, đả đảo, ủng hộ, chống đối việc giết cả triệu con nít theo kiểu như thế. Kể cũng lạ thiệt! Ở Mỹ, lắm anh, lắm chị... một hơi nhảy lên đỉnh cao nghề nghiệp mua vui, giải trí đỡ buồn cho thiên hạ, có khi lượm bạc mỗi năm hàng chục triệu, có khi cả trăm triệu đô la, mà đô Mỹ chớ đâu có phải đô Mao hay đô Hồ, tha hồ ăn chơi, du hí, sex xiếc tùm lum, quăng tiền ào ào qua cửa sổ cũng không hết. Chẳng ai thèm đả động đến cái... lông chân làm gì. Vậy mà Ngài William Jefferson Clinton, tục kêu là Cụ Bill, Tổng Thống Huê Kỳ, tức Ông số 1, Lãnh Tụ Quốc Gia hàng đầu của Thế Giới, Tổng Tư Lệnh Hải Lục Không Quân siêu đại cường quốc Huê Kỳ, quyền cao chức trọng là vậy mà lương mỗi năm (hồi đó) chỉ có 200 ngàn, không đủ cho một cặp...

Movie Stars chơi một màn du lịch cò con ở vùng Địa Trung Hải, Ca-ri-bê, Nam Mỹ hay đánh bài ngay ở Las Vegas. Đã thế, Ông mới chỉ có... lẹo tẹo vớ vẩn với cô nàng Monica Lewinsky (Theo tập tài liệu The Starr Report thì Ngài Bill chưa có lần nào, mần một cú Sexual Intercourse, theo đúng định nghĩa của tự điển Hoa Kỳ) mà Ngài đã xính vính, tí nữa thì tiêu tan cuộc đời, sự nghiệp...

Ở Mỹ, cái lạ ghê gớm kinh khủng đối với Lão Phan, nhà quê, nhà quéo này, có lẽ là cái vụ súng đạn tùm lum, giết người như... cỏ, như rác, dễ dàng như trò đùa ấy thôi! Một anh chàng cãi nhau với vợ đúng vào lúc buổi tối, vợ nó phạt: tối nay ra phòng khách, ngủ ở Sofa nghe chưa! Thế là chàng ta nổi điên, lôi khẩu súng trong ngăn kéo, lên đạn đàng hoàng, chĩa vào mặt vợ quát: ra lệnh, bắt ai ra ngủ Sofa? Cô vợ đang nóng giận hết sợ, chĩa ngón tay vào mặt anh chồng hét: cái người này ra ngủ Sofa, chớ còn ai nữa! Thế là anh chồng nổi máu điên... chĩa súng vào mặt cô vợ và... Mọi sự ra sao, bà con thử đoán tiếp theo.

Súng đạn ở xứ sở này quá ghê gớm, đọc báo in, báo điện tử, coi Ti Vi là cứ thấy bạo lực súng đạn tùm lum, liên  tục khắp nơi. Súng ở đâu mà nhiều thế? Một người có khi sở hữu cả chục khẩu súng, súng lớn, súng nhỏ, súng dài, súng ngắn... đạn dược cả thùng, cứ như lính trận không bằng... Có cả những vụ học sinh, con nít cãi nhau, đánh lộn, rồi lôi súng ở đâu ra bắn chết người tùm lum... Kinh khủng quá... Hiến pháp có cho phép như vậy đâu! Mà họ mua hay lấy đâu ra mà súng kinh khủng như vậy? Không thấy báo chí loan tin... anh hùng hảo hán nào nổ súng, bắn chết đám cồn đồ chuyên dùng  bạo lực súng đạn giết hại con người vô tội, cứu sống người dân hiền lành, tử tế bao giờ... Nếu có, chắc bà con thiên hạ phải tổ chức Lễ Hội để đề cao công ơn cuả những anh hùng kiểu như rùa... Bà con cứ vào các trang mạng gõ đại : những vụ bạo lực súng đạn ghê gớm, kinh hoàng ở Mỹ, là nó hiện ra tùm lum ... kinh hoàng, dễ sợ... Hình ảnh coi cứ như là chiến tranh vậy thôi...Ông chính phủ cũng bó tay, chịu chết... Ông bà quốc hội, nhà trên, nhà dưới cũng... teo, đâu có làm chi được.

Những cái lạ lùng ở nước Mỹ này còn nhiều vô số kể, kể hoài chẳng hết, nhưng người ta chỉ dám thắc mắc thêm một điều là đàn bà, con gái ở Mỹ thường ngày... sài ít quần áo, vải vóc, đơn giản, khiêm tốn, nhẹ nhàng hơn đàn ông, con trai rất nhiều mà sao ở đâu, chỗ nào có bán quần áo là y như....tràn ngập, quần áo đủ kiểu, đủ loại, đủ cỡ dành cho đàn bà con gái. Những ngày big sale 75% off, buy one get one free... thì đàn bà con gái xứ Mỹ lại cứ xô nhau đi mua quần áo nhiều đến mức dễ sợ. Chẳng rõ họ mua về chứa chất ở đâu, để làm chi!

À, còn cai vụ vào những ngôi chợ lớn bé, to... tổ chảng, người ta trông thấy những cái phiếu treo lủng lẳng nơi những bộ quần áo sang đáo để, tưởng như... các quan lãnh đạo ở đất nước nhà ta bây giờ, dưới triều đại... dép râu, nón cối mới dám mua mà lại ghi cái giá... 299 đô 99 cents, vô số món hàng khác lớn nhỏ kiểu nhà giầu, nhà nghèo cũng có ghi giá với cái đuôi 99 cents là sao à... Quảng cáo, cò mồi cho người ta nổi máu, ham rẻ 1 cent hay sao ? Người ta không ghi gịá cắt cổ như ở phíá nhà ta... Có cả cái chỗ...mua hàng về sài... đã đời ông Địa, đem tới trả lui, đổi món hàng khác hay lấy tiền lui về nhậu... cũng Ô Kê... Ở quê nhà mình, ngày nay, dưới triều đại các quan dép râu, nón cối thì cứ ngày Lễ Hội tưng bừng là hàng hoá các loại tăng giá cắt cổ, thì ở Mỹ người ta lại có cái mục... 25, 30, 45 % off... mới hay chớ... Người ta mua cho đả đời, chết bỏ, lắm khi chẳng kịp sài, chất nơi này, nhét vào chỗ kia... Hết chỗ thì đem ra bầy hàng bán... Garage Sale, Moving Sale...Tùm lum Sale... Hồi mới tới đất Mỹ, Lão tôi cũng khoái cái màn... sáng thứ Bảy lái xe đi lang thang mua oở mấy cái chỗ tùm lum Sale nhiều món hàng sài còn  ngon đáo để... Vậy mà mua Sale về xài, nhiều thứ thật đáng... đồng tiền, bát gạo. Quả thực cho tới lúc này, Lão tôi vẫn còn giữ lại những cuốn sách, tài liệu lịch sủ, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh khắp nơi trên thế giới, mua cách đây mấy chục năm, ở mấy cái chỗ... Moving Sale hồi trước. Sau này già cả, lẩm cẩm, ngán quá, bảo con cháu đem cho mấy cái Thư viện điạ phương, nhưng vẫn cố giữ lại một ít. Bây giờ mà coi thì ớn tới tận cổ mà cho đi thì tiếc... của Trời... Lạ thiệt! Đúng là một đất nước lạ lùng!

(San Diego, California)

Phan Đức Minh 

Tuesday, 11 February 2025

Trump vượt Đại-Tây dương !

Nguyễn thị Cỏ May

Trump từ lúc vừa đắc cử chưa kịp vào Bạch ốc, thế giới đã bắt đầu bị động . Âu châu và Pháp như bị lọt vào bẩy . Những va chạm về văn hóa, về kinh tế, về ngoại giao, tất cả làm cho người ta có cảm tưởng như thỏ bị chói mắt bởi ánh đèn pha . Ai cũng nhìn thấy sự việc xảy tới mà không làm gì được .

Sau khi Liên-xô sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt, qua năm 1992, học giả Francis Fukuyama của Huê kỳ hân hoan bảo « Lịch sử kết thúc » (La fin de l'histoire) . Dĩ nhiên Dân chủ Tự do là kẻ chiến thắng cuối cùng .

Nhưng thường dự đoán là khó, nhứt  là dự đoán về tương  lai thế giới !

Thật vậy, thực tế cho thấy từ 3 thập niên qua, lịch sử vẩn chưa kết thúc . Độc tài vẫn tràn lan, cộng sản vẫn sống nhăn răng, và còn  tỏ ra khỏe mạnh nữa . Ở Việt nam, cộng sản còn đưa dân dùi cui lên cai trị . Một thứ chế độ hoàn toàn mới : « cộng sản dùi cui !» .

Khói lửa vẫn hực trời, diệt chủng ở Rwanda, đánh nhau chết bỏ ở Trung-Đông, khủng  bố hồi giáo ở khắp các xứ văn minh tây phương, đánh nhau ở Irak và Afghanistan, phong trào mùa xuân á-rặp, kinh tế xứ Tàu bổng phát triển và hiểm họa tàu, ...

Chiến tranh vẫn chưa hết, độc tài vẫn chưa hết, cộng sản vẫn chưa chết nhưng Dân chủ Tự do thì ngất ngư như con tàu say sóng . 

Chiến tranh chẳng những  chưa hết mà còn đang bùng nổ ở ngay Âu châu . Ukraine là một nước độc lập, đầy đủ chủ quyền, bị Poutine kéo quân tới đánh chiếm ngang ngược mà LHQ, tức cả Thế giới, hoàn toàn bất lực, không thể can thiệp được để bảo vệ luật pháp .

Âu châu và Otan, tổ chức quân sự có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các thành viên, cũng không dám nhìn thẳng để thấy tương lai của chính mình cũng không có gì bảo đảm cả . Chỉ vừa kịp biết, từ nay, Âu châu không còn có thể núp được dưới cây dù của Huê kỳ nữa .

Và bóng của Trump bổng phủ lên khắp Âu châu . Dư luận ở Pháp không ngày nào không nói về Trump .

Nói rỏ là ông Trump đang thật sự ngự trị khắp truyền thông  pháp . Mở tờ báo là có tin về Trump, hình ảnh Trump đang chu miệng, lúc méo, lúc tròn xoe, khi múa tay, hoặc lắc đấu, ...

Trump ở khắp nơi

Từ lúc Trump đắc cử, không ngày nào báo chí pháp không đăng những lời tuyên bố giựt gân của ông ở trang nhứt . Cả hình ảnh . Theo tổng kết của ký giả Mathias Penguilly (L'Express, 06/02/25), thì số bài báo pháp đăng về Trump nhiều hơn cả những thông tin về Thủ tướng pháp đang tại chức !

Có ghê chưa ?

Tin chạy chữ lớn trên trang nhứt «Trump đánh thuế mạnh lên hàng hóa của Canada, Mexique và cả pháp và Âu châu  bán qua Huê kỳ » . Tiếp theo, Trump  «lấy Groenland, từ 1952 thuộc về Đan-mạch, nước đồng minh xưa nay của Huê kỳ, lấy lại kênh đào Panama . Ngày 05/02/25, Trump hứa sẽ biến dải Gaza trở thành « Côte d'Azur » , vùng duyên hải ở phía Đông Nam xứ Pháp, nơi du lịch và hằng năm tổ chức Đại hội Điện ảnh thế giới làm cho bà Susie Wiles, cựu chủ tịch chiến dịch vận động ứng cử của ông nay vừa được bổ nhiệm làm Đổng lý Văn phòng, bị mê hoặc đờ người.

Cứ như thế, mỗi ngày qua, Âu châu bị giựt dậy với một tuyên bố mới, giựt gân mạnh của ông  Tổng  thống huê kỳ. Và cứ mỗi lần nghe ông tuyên bố, người ta tự đặt ra nhiều câu hỏi « không  biết ông ấy có biết rỏ là ông nói điều gì đó hay không và ảnh hưởng của những  điều ông nói đó hay không ? Như có thể làm xáo trộn tình hình địa chánh của bên này Đại Tây dương ? » .

Đối với giới truyền thông âu châu, hiện tượng Trump trở lại Bạch ốc là cả một môi trường quan trọng thuận lợi cho những chuyện đều có thể được .

Tuần này, tuần báo L'Express lại không đăng và bình luận những lời tuyên bố của Trump nữa mà dành riêng số báo khai thác mối quan hệ giữa Trump và Musk, qua những nhận xét của nhiều người chuyên về vấn đề huê kỳ . Dự đoán của họ là cảnh đồng sàng dị mộng của 2 nhà tỷ phú sẽ khó bền vững (CM tôi,  trong 1 bài viết trước đây, có nêu cảnh đồng  sàng dị mộng của 2 nhà tỷ phú) .

  Trong  gần đây, chắc truyền thông  âu châu, cả Tây nữa, sẽ không ồ ạt loan tin về Trump nhiều nữa . Theo tài liệu pháp, báo chí pháp trong 4 tháng trước ngày bầu cử Quốc hội âu châu hồi tháng 6 năm rồi, đã loan tin về Âu châu 4 lần ít hơn khi loan tin về bầu cử tổng thống huê kỳ lúc cuối năm .

Nhận xét làm kinh ngạc nhiều người, nhưng đó không phải là chuyện mới lạ gì . Hồi bầu cử Trump lần thứ nhứt, báo chí tây cũng đã một dịp ầm ỷ, nổi đình nổi đám, suốt thời gian dài . Cả Âu châu nữa .

Theo tài liệu của INA pháp (Institut National de l'Audio-visuel – Viện Quốc gia Nghe-thấy) thì 16 cơ quan truyền thông lớn của Pháp, trong thời gian 01/03/2017 tới 31/01/2021, nói tới tên của Thủ tướng pháp ít hơn tên của ông Trump . Cho tới năm 2020, tên của 2 ông Thủ tướng pháp, Edouard Philippe và Jean Castex, mới được nói tới nhiều nhờ báo chí loan tin về dịch Covid 19 và nhắc tời 2 ông là người có trách nhiệm .

Cụ thể hơn là suốt 2 năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống I, ông Trump xuất hiện trên truyền thông pháp từ 50 tới 60% hơn giới chức chánh phủ pháp . 

Tới tháng 7/2024, lúc Trump chỉ là dự bị ứng  cử tổng  thống huê kỳ, bổng ông chiếm hết mặt báo pháp, TV liên tiếp nói tới, sau khi ông tai qua nạn khỏi sau vụ bị ám sát hụt .

Nhưng điều quan trọng người ta muốn biết là sự xáo trộn thế giới sẽ như thế nào, tới mức độ nào, có thể tác động tới Âu châu do Trump gấy ra trong những  ngày tới ?

Cũng theo báo pháp

Trump là một thứ « dả tưởng » (fiction) . Thực tế, tư bản chỉ muốn kết thúc thứ Dân chủ Tự do hiện còn tồn tại cho tới nay . Theo suy nghĩ của những nhà tư bản trong chánh phủ mới của Trump thì « Dân chủ Tự do là thứ không phải dành cho mọi người . Chỉ những người có quyền, những người mạnh, mới cần tới Tự do » (Theo Peter Thiel, một trong những lý thuyết gia ở Silicon Valley và là người gần gủi với Phó Tổng thống J.D.Vance và cả Musk) .

Theo nhà bình luận pháp Jérôme Leroy, Trump đúng là một thứ nguyên mẫu của sự thô bạo ít khi làm trở ngại những ý muốn của ông, ngay cả những ý muốn rất trẻ con . 

Trump chỉ là một thứ « dả tưởng » . Ông không có thật . Ông là một nhơn vật kỳ lạ, có tính khôi hài, nhưng thứ khôi hài khó làm cho người ta cười được . Như ông nói sẽ biến Gaza trở thành Côte d'Azur, điều này cho thấy ông không suy nghĩ ở mức bình thường và thiếu cái « siêu-ngã » (le surmoi) ở ông !

Cây dù mỹ nay bị lủng

Thế giới bị quá bất ngờ khi phát hiện cặp Trump và Musk liên kết với những nhà tỷ phú kỷ thuật là những người bảo thủ tôn sùng thuyết toàn cầu hóa  hoàn toàn tự do, phi điều lệ, theo nguyên tắc tư bản hiếu chiến, áp đặt kỷ thuật của họ lên cả thế giới theo đường lối của Trump.

Đó là thứ mà các nhà ngiên cúu gọi là «chủ nghĩa kỷ thuật-phong kiến» (Techno-féodalisme) và nó cũng đang chuyển mình biến thành «chủ nghĩa kỷ thuật- đế quốc» (Techno-impérialisme) . Hậu quả của toàn cầu hóa phi điều lệ sẽ vô cùng nguy hại . Thực tế cho thấy chỉ mới đó, nhà tỷ phú kỷ thuật trẻ Mark Zuckerberg đã từng theo Tàu và cả Việt nam về kiểm duyệt thông tin mạng nay vội quay về qui hàng dưới trướng của Trump .

Âu châu đang bị cánh Trump tấn công vì Âu châu chủ trương kinh tế tự do nhưng phải được điều tiết, cả sự toàn cầu hóa cũng vậy, điều ngày đi ngược lại chủ trương của cánh Trump .

Ngoài ra, Âu châu còn bị ảnh hưởng ngày càng nặng hơn của phong trào cực hũu ở Ý với bà Thủ tướng Giorgia Meloni đang cấu kết chặt chẽ với Musk và Trump . Trong lúc đó Pháp ngày càng thêm suy yếu vì những khủng hoảng chánh trị kế tiếp, Anh tự cô lập vì Brexit và Đức đang đợi két quả bầu cửa vào cuối tháng 2 với viển ảnh cực hữu có thể thắng lớn .

Trong hoàn cảnh không còn thuận lợi nữa, Âu châu từ nay phải tự lo củng cố nội lực chung, phải xác định mình là một thực thể địa chánh duy nhứt trước đường lối chánh trị mới của Huê kỳ .

Hơn bao giờ hết, ý nghĩa vì quốc gia, cho quốc gia là trên hết nay không còn nữa . Tương lai của Âu châu phải được quan niệm là giá trị sanh tử chung với nhau một khối . Âu châu phải được đề cao mải mải là cái nôi muôn đời của Dân chủ Tự do, nên không  gì hơn là Âu châu tự tin ở chính mình !

Nguyễn thị Cỏ May.