Saturday 15 June 2024

Việc chiếm đóng Crimea của Nga ngày càng khó ổn định Liên Thành

 Liên Thành 

Sự kết hợp giữa sự khéo léo của Ukraina và tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp đang khiến việc Nga chiếm đóng Crimea ngày càng khó đứng vững. Đó là nhận định của chuyên gia Olivia Yanchik, trợ lý chương trình tại Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương.

Theo bà, việc vị thế của Nga tiếp tục suy yếu trên bán đảo Crimea là một đòn giáng mạnh vào uy tín của Điện Kremlin và điều này cũng có thể có những tác động thực tế nghiêm trọng đối với tương lai của cuộc chiến.

Trong những tuần gần đây, nguồn cung cấp tên lửa của Mỹ được chờ đợi từ lâu đã cho phép Ukraina đẩy mạnh chiến dịch không kích nhằm vào các cơ sở phòng không của Nga và các mục tiêu quân sự khác trên khắp bán đảo bị chiếm đóng. Điều này diễn ra sau một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa trước đó vào Hạm đội Biển Đen của Nga, buộc phần lớn tàu chiến của Nga phải rút lui khỏi Crimea đến vùng Novorossiysk tương đối an toàn ở Nga (và vùng Caribe).

Các báo cáo về các cuộc không kích mới của Ukraina nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga ở Crimea hiện xuất hiện gần như hàng ngày. Ví dụ, vào ngày 10/6, Ukraina tuyên bố đã tấn công 3 hệ thống phòng không tiên tiến của Nga. Các mục tiêu có giá trị cao khác bao gồm các sân bay, radar, sở chỉ huy và trung tâm liên lạc của Nga. Phần lớn các cuộc tấn công gần đây có thể xảy ra nhờ việc Mỹ chuyển giao tên lửa đạn đạo cấp chiến thuật ATACMS, như một phần của dự luật viện trợ quân sự cuối cùng đã được Quốc hội thông qua vào tháng 4 sau nhiều tháng trì hoãn.

Ngoài việc làm suy yếu dần khả năng phòng thủ của Nga, Ukraina còn tỏ ra có ý định cô lập Crimea bằng cách nhắm mục tiêu vào các kết nối hậu cần của Điện Kremlin tới bán đảo bị chiếm đóng. Theo Bộ Quốc phòng Anh, các cuộc không kích của Ukraina vào cuối tháng 5 đã làm hư hại hai chiếc phà đường sắt ở phía Crimea của eo biển Kerch, khiến chúng tạm thời ngừng hoạt động. Đây là một đòn giáng mạnh khi Matxcova ngày càng phụ thuộc vào các phà này để tiếp tế cho quân đội của mình ở Crimea sau một loạt cuộc tấn công của Ukraina vào cầu Crimean nối bán đảo với Nga.

Cuộc tấn công vào phà gần đây của Ukraina được cho là đã buộc Nga phải nối lại việc vận chuyển vật tư quân sự và nhiên liệu qua Cầu Crimea dễ bị tổn thương. Matxcova đã tìm cách bảo vệ cây cầu khỏi nguy cơ bị tấn công bằng cách triển khai một loạt xà lan bên cạnh hệ thống phòng thủ rộng khắp hiện có. Tuy nhiên, việc Ukraina dễ dàng tấn công các hệ thống phòng không và các trung tâm hậu cần của Nga trên khắp Crimea đã khiến một số người cho rằng việc phá hủy Cầu Crimea giờ đây có thể chỉ còn là vấn đề thời gian.

Điện Kremlin dường như nhận thức rõ về lỗ hổng này. Trong năm qua, các kỹ sư Nga đã xây dựng một loạt tuyến đường sắt chạy từ Nga qua các khu vực bị chiếm đóng trên lục địa Ukraina dọc theo bờ biển Azov tới Crimea. Điều này sẽ giúp Matxcova duy trì kết nối với bán đảo và cung cấp cho lực lượng Nga ở miền nam Ukraina, nhưng các tuyến đường sắt mới cũng sẽ trở thành mục tiêu chính cho tên lửa và du kích Ukraina.

Hiện rõ ràng là khả năng không kích ngày càng tăng của Ukraina đang đặt lực lượng chiếm đóng của Nga ở Crimea vào tình thế bấp bênh. Bằng cách sử dụng tên lửa hành trình do phương Tây cung cấp và thiết bị không người lái hải quân sản xuất trong nước, Ukraina đã thành công trong việc buộc hầu hết Hạm đội Biển Đen của Nga phải rút khỏi cảng Sevastopol ở Crimea. Điều này cũng hạn chế khả năng hoạt động của tàu chiến Nga ở phía Tây Biển Đen.

Giai đoạn tiếp theo của nỗ lực này hiện đang được tiến hành, với việc Ukraina làm suy yếu hệ thống phòng không của Nga một cách có phương pháp và khiến toàn bộ bán đảo có nguy cơ bị tấn công thêm. Ukraina dự kiến sẽ nhận được những chiếc máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên trong những tháng tới, tạo tiền đề cho một chiến dịch không kích rộng lớn hơn nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự còn tồn tại rộng khắp của Nga trên khắp Crimea. Với việc lực lượng phòng không bị suy giảm và các tuyến tiếp tế bị đe dọa, quân đội Nga ở Crimea có thể sớm phải đối mặt với nhận thức rằng vị thế của họ không còn bền vững nữa.

Sự suy giảm sức mạnh của Nga ở Crimea có thể làm ông Putin mất uy tín. Việc chiếm giữ bán đảo năm 2014 đánh dấu sự khởi đầu của cuộc xâm lược Ukraina của Nga và vẫn được nhiều người coi là thành tựu vĩ đại nhất trong sự nghiệp của ông Putin. Với suy nghĩ này, ông có thể sẽ chống lại những lời kêu gọi giảm sự hiện diện quân sự của Nga ở Crimea trừ khi thực sự cần thiết. Tuy nhiên, rõ ràng Crimea không còn là "hàng không mẫu hạm không thể chìm" như trước nữa. Thay vào đó, nó đang trở thành mắt xích yếu trong cuộc xâm lược của Nga mà Ukraina sẽ tiếp tục khai thác.

Người ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc đang tập hợp ở Tokyo

Nguồn: Katsuji Nakazawa, "A new generation of Chinese democracy seekers gathers in Tokyo," Nikkei Asia, 02/06/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

'Nữ thần Dân chủ' đã đến Nhật Bản dự kỷ niệm 35 năm sự kiện Thiên An Môn.

Năm 1905, Tokyo đã trở thành cái nôi của Cách mạng Tân Hợi, cuộc cách mạng lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc, và lập nên nước Trung Hoa Dân Quốc.

Gần 120 năm trôi qua, thủ đô của Nhật Bản một lần nữa nổi lên như căn cứ của một phong trào kêu gọi dân chủ tương tự cho Trung Quốc đại lục và Hong Kong, khi nhiều "chiến binh cách mạng" tương lai của Trung Quốc tập trung tại thành phố này.

Diễn biến đáng ngạc nhiên này đã xảy ra 35 năm sau vụ đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn của chính phủ Trung Quốc đối với những sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ vào ngày 04/06/1989. Khi đó, vụ việc đã khiến quốc tế lên án và dẫn đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Theo thống kê của Nhật Bản, tính đến cuối năm 2023, có hơn 820.000 cư dân Trung Quốc đang sinh sống tại Nhật Bản, tăng 8% so với một năm trước đó. Con số này không bao gồm nhóm người Trung Quốc sống ở Nhật Bản nhưng thường xuyên đi nước ngoài.

Xu hướng này có thể phản ánh mức độ khó khăn của cuộc sống tại Trung Quốc, nơi có một xã hội bị giám sát đến mức cực đoan và nền kinh tế đang trì trệ. Xét đến hai khía cạnh này, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều công dân Trung Quốc ở Nhật Bản đang cố gắng xin thị thực quản lý kinh doanh và thị thực lao động tay nghề cao để có thể ở lại.

Nhiều người trong số những cư dân Trung Quốc ở Nhật Bản này đang mang theo một số tiền đáng kể và mua bất động sản, góp phần làm tăng giá trị bất động sản tại Nhật. Khác với ở Trung Quốc, nơi có thị trường bất động sản đang giảm phát, giá trị bất động sản mới của nhóm người di cư này có thể được bảo vệ tốt hơn ở Nhật Bản.

Trong số những người Trung Quốc di cư sang Nhật Bản có nhiều trí thức, nhà báo, và nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng. Điều này rất đáng chú ý vì nó phản ánh hình mẫu từ gần 120 năm trước, khi Tokyo trở thành cái nôi của Cách mạng Tân Hợi năm 1911 của Trung Quốc.

Trung Quốc Cách mạng Đồng minh Hội, một hiệp hội chính trị thường được biết đến trong tiếng Anh là Chinese Alliance hoặc Chinese United League, đã được thành lập tại Tokyo vào ngày 20/08/1905.

Vào thời điểm đó, những nhân vật hàng đầu của Trung Quốc đang nuôi mộng cách mạng đã đến tập trung tại thủ đô Nhật Bản và bắt tay chuẩn bị cho một cuộc cách mạng thực sự, vì biết rằng họ nằm ngoài tầm đàn áp của nhà Thanh.

Chân dung Tôn Trung Sơn được chụp vào tháng 10/1915 tại Tokyo, nơi ông và những nhà cách mạng khác nằm ngoài tầm với của lực lượng nhà Thanh. © AFP/Jiji

Tại Nhật Bản, nhiều tổ chức cách mạng khác nhau – bao gồm Hưng Trung Hội (Revive China Society), được Tôn Trung Sơn, cha đẻ của Cách mạng Trung Quốc, thành lập ở Hawaii và Hoa Hưng Hội (China Revival Society), do Hoàng Hưng lãnh đạo – đã có thể hợp lực và thành lập Đồng minh Hội.

Người ta kể rằng trời đã mưa rất lớn khi sự kiện thành lập Đồng minh Hội được tổ chức tại một ngôi nhà theo phong cách phương Tây và thu hút hơn 100 người tham dự, bao gồm cả những người từ Trung Quốc. Ba giờ sau, Tôn Trung Sơn được bầu làm lãnh đạo của hội và một cương lĩnh sau này được biết đến với tên gọi Chủ nghĩa Tam Dân đã được thông qua.

Địa điểm tổ chức lễ thành lập nằm trong khu biệt thự của Kihachiro Okura, nhà sáng lập Okura Zaibatsu, một tập đoàn gia đình, và cũng là người đã hỗ trợ tài chính cho Tôn. Giờ đây, khu nhà này đã trở thành The Okura Tokyo, một khách sạn sang trọng, và trong khuôn viên khách sạn có một tượng đá được khánh thành vào năm 2019 để tưởng nhớ sự kiện năm 1905, trên tượng khắc dòng chữ "Cái nôi của Đồng minh Hội."

Bức tượng đá được khánh thành vào năm 2019 trong khuôn viên của một khách sạn sang trọng ở Tokyo, trên có khắc dòng chữ "Cái nôi của Đồng minh Hội." (Ảnh của Katsuji Nakazawa)

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại không muốn nhắc đến việc Tokyo đã từng là căn cứ của cách mạng Trung Quốc.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đồng thời là Tổng Bí thư đảng, ĐCSTQ nắm trong tay một chiếc rìu chính trị sẵn sàng nghiền nát cả lịch sử Cách mạng Cộng sản Trung Quốc năm 1949 và Đài Loan, hòn đảo tự trị tự xưng là Trung Hoa Dân Quốc.

Nhưng, hàng năm, một bức chân dung của Tôn, cha đẻ của Cách mạng Tân Hợi, vẫn được treo cùng với bức chân dung của Mao Trạch Đông, người sáng lập ra "một Trung Quốc mới," Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 01/10, Ngày Quốc Khánh của Trung Quốc.

Cách tượng đài Tokyo khoảng 10 phút đi bộ, tại hội trường bên trong Văn phòng Nghị viên Thứ nhất của Hạ viện Nhật Bản, một sự kiện đã được tổ chức vào thứ Hai ngày 03/06/2024, trước lễ kỷ niệm 35 năm vụ đàn áp Thiên An Môn, để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát năm 1989.

 Khoảng 160 người đã tham dự, trong đó có một nhóm cư dân Trung Quốc đang sống tại Nhật Bản – những người kêu gọi dân chủ hóa Trung Quốc, cũng như các thành viên của Tổ chức Ân xá Quốc tế Nhật Bản và các nghị sĩ Nhật Bản. Những ngọn nến sáng được xếp thành dãy số "8964," có nghĩa là ngày 04/06/1989, ngày diễn ra cuộc đàn áp.

Buổi lễ đã được tổ chức cùng bức tượng Nữ thần Dân chủ "thứ ba," dù chỉ là một bức tượng thu nhỏ.

Bức tượng Nữ thần Dân chủ đầu tiên đã được dựng lên bởi chính những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Bức tượng này sẽ không bao giờ được trưng bày lần nữa ở Trung Quốc vì nó đang bị giám sát nghiêm ngặt.

Bức tượng Nữ thần Dân chủ thứ hai được đặt trong khuôn viên Đại học Trung văn Hồng Kông để tưởng nhớ sự kiện diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Bức tượng Nữ thần Dân chủ tại Hong Kong vào năm 2019, thời điểm xảy ra làn sóng biểu tình phản đối đạo luật cho phép dẫn độ về đại lục. © AFP/Jiji

Năm 2019, khi người dân tổ chức biểu tình rầm rộ ở Hong Kong, thuộc địa cũ của Anh và hiện là đặc khu hành chính của Trung Quốc, bức tượng Nữ thần Dân chủ đã được cho đội mũ bảo hiểm màu vàng, màu tượng trưng cho phong trào biểu tình.

Tuy nhiên, bức tượng ở Hong Kong bị dỡ bỏ đột ngột vào cuối năm 2021. Nó sẽ không bao giờ được phép xuất hiện trở lại ở Hong Kong, nơi luật an ninh quốc gia đã có hiệu lực vào tháng 6/2020 và một sắc lệnh an ninh quốc gia khác vừa có hiệu lực khoảng ba tháng trước.

Điều này giải thích tại sao bức tượng Nữ thần Dân chủ thứ ba lại xuất hiện ở Tokyo, nơi người dân Trung Quốc vẫn có thể tự do bày tỏ quan điểm của mình. Diễn biến này đã mở ra một trang mới trong lịch sử các phong trào dân chủ ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong.

Sự xuất hiện của tượng Nữ thần Dân chủ ở ba nơi đã gợi nhớ đến hành trình của chính Tôn Trung Sơn. Sau khi Khởi nghĩa Quảng Châu lần thứ nhất thất bại vào năm 1895, Tôn buộc phải sống lưu vong. Ông bị chính quyền nhà Thanh truy đuổi và bắt giữ ở London. Sau khi được trả tự do nhờ sự giúp đỡ của một trong những giáo viên cũ của mình, Tôn đã kiên trì tiếp tục các hoạt động cách mạng trong lúc tìm đường đến Nhật Bản, Singapore, Hà Nội, và khu vực ngày nay là Penang của Malaysia, cùng nhiều nơi khác.

Cuộc hành trình đầy gian khổ của ông đã báo trước hoàn cảnh hiện tại mà những người Trung Quốc ủng hộ dân chủ phải đối mặt. Ngày nay, ngay cả sinh viên Trung Quốc sống ở nước ngoài cũng chịu áp lực rất lớn từ chính phủ nước này. Nếu họ chỉ trích hoặc phủ nhận đảng – ngay cả trong khuôn khổ nghiên cứu học thuật – hoặc tham gia vào các cuộc tụ tập ủng hộ dân chủ ở nước chủ nhà, họ sẽ bị giám sát bằng cách này hay cách khác.

Cha mẹ của họ và những người khác vẫn còn ở Trung Quốc cũng sẽ bị chính phủ đàn áp dữ dội.

Nếu bạn so sánh con đường đến Tokyo của các bức tượng Nữ thần Dân chủ ngày nay với hành động của Tôn Trung Sơn vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, dẫn đến sự ra đời của Đồng minh Hội ở Tokyo, bạn có thể rút ra kết luận gì?

Dù "quả cầu pha lê" đặc biệt này không cung cấp một bức tranh rõ ràng về tương lai, nhưng có lẽ nó cho thấy rằng người Trung Quốc ở nước ngoài, các nhà đầu tư, và những người sở hữu thị thực hiện tập trung tại Nhật Bản đang thực hiện một số bước đi quan trọng.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014..

Friday 14 June 2024

Cổ Tích Giữa Đời Thường

 Biển Cát

Công cha như núi Thái Sơn...

Vợ mất khi hai đứa con ông còn nhỏ dại. Thằng anh chỉ mới chín tuổi và con em chỉ vừa lên bảy. Cảnh gà trống nuôi con thật chật vật, khó khăn trăm bề. Nhưng ông không muốn đi bước nữa, phần nhớ thương người vợ đã khuất, phần nữa, sợ 

Mấy đời bánh đúc có xương. Các con đã sớm mồ côi mẹ, ông không muốn chúng chịu thêm nỗi bất hạnh nào nữa. 

 Ông đi dạy ở trường. Trưa ông về nấu cơm nước cho con ăn, đưa con đi học rồi nhờ hàng xóm đón về. Xong, ông lại tất bật chạy trở lại trường cho kịp giờ chiều. Tội nghiệp hai đứa con, tụi nó sớm biết lo, chỉ một vài năm sau là có thể tự đi học , nấu cơm nấu nước nên ông cũng đỡ nhọc nhằn.

 Lúc thằng anh mười bốn tuổi, gia đình bên vợ tổ chức vượt biên, có báo cho ông hay. Mang tiếng là người trong nhà, nhưng cũng phải sòng phẳng, nghĩa là 2 cây cho một đầu người. Lương nhà giáo như ông, kiếm đâu ra cho đủ vàng để nạp? Nhà chỉ có cái ti vi và chiếc xe Honda là đáng giá, ông đem đi bán và vay mượn thêm bạn bè được cả thảy gần 2 cây. Phải năn nỉ đến gãy lưỡi, cậu Hai mới đồng ý cho hai đứa nhỏ đi cùng. Vì tương lai của các con, ông đành rứt ruột xa chúng. May ra chúng được học hành đến nơi đến chốn, được sống đời tự do.

 Nhờ trời thương, chuyến đi của con ông thuận buồm xuôi gió. Đến đảo vài năm, chúng được nhập cư vào Mỹ. Ông đạp chiếc xe cọc cạch đi dạy. Về nhà, ông lủi thủi ra vô một bóng. Buồn hay khổ có nhằm nhò gì đâu, miễn là hai đứa con ông có cuộc sống tốt.

 Lúc đầu thư đi thư về đều đặn, ông gửi niềm thương nhớ vào những trang thư. Sau rồi thỉnh thoảng ông mới nhận được tin con. Nhưng ông tự an ủi là con bận học hành, làm thêm ... Có biết bao nhiêu khó khăn trong đời tha phương.

  Có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Ông bà mình nói thật không sai. Nghề giáo bề ngoài thì đạo mạo, nhưng cái ung nhọt thối tha bên trong thì cũng không kém cạnh những nghề khác. Trường có hai phe nhóm rõ rệt. Hiệu trưởng được bổ nhiệm từ miền Bắc vào. Nên không lạ gì khi những thầy cô giáo không có "gốc gác" như ông lần lượt bị "triệt tiêu".

 Cũng may ông có người bạn dạy ở trung tâm Anh ngữ giới thiệu ông vào đó. Số giờ dạy ở trung tâm không nhiều, nhưng nhờ uy tín trung tâm, ông có thêm một số học sinh để dạy thêm ở nhà. Đất nước bắt đầu "mở cửa", nên việc học ngoại ngữ đã thành một nhu cầu của xã hội.

 Cuộc sống ông đang tạm bình ổn thì được tin thằng Hiếu đưa gia đình về thăm quê hương. Khỏi nói cũng biết ông vui đến chừng nào. Ông lui cui dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế. Trần nhà cao, nên ông phải sang nhà bên cạnh mượn cây thang. 

 - Lấy cây thang làm gì vậy thầy? Anh Bảy ngạc nhiên hỏi.

 Chỉ chờ có thế, ông hí hửng khoe:

 - Tui quét ba cái màng nhện, dọn dẹp nhà cửa đón thằng hai với vợ con nó về chơi đó mà.

Anh Bảy nhiệt tình:

 - Chà, lần này gia đình thằng Hiếu về chắc là thầy vui dữ à. Thôi, thầy để đó, chút tui kêu thằng con đem thang qua quét dọn giúp cho. Thầy có tuổi rồi, đừng trèo leo. 

 - Cảm ơn anh Bảy nghe. Ông cảm động.

 - Có gì đâu, hàng xóm mà thầy.

 Tin thằng con Việt kiều của ông thầy về thăm cha lan nhanh khắp xóm. Ai gặp ông cũng chúc mừng làm ông càng thêm nô nức.

 - Ba bán nhà rồi qua ở với con. Nhà cửa Saigon giờ có giá lắm. Tiền đó con gởi ngân hàng cho ba dưỡng già, khỏi lo gì hết.

 

Ông suy nghĩ lung lắm lời đề nghị của thằng Hiếu. Tính đi tính lại, cuối cùng ông cũng xuội theo ý con. Thôi thì qua đó có cha có con, chẳng phải hơn sao. Xóm nhỏ lại một lần nữa xôn xao. Thủ tục giấy tờ tiến hành thuận lợi. Thoắt đó mà mọi thứ cũng xong. Hôm tiễn ông đi, anh Bảy ngồi trầm ngâm bên tách trà:

 -  Ông thầy qua đó với con tui cũng vui lây. Chỉ lo thầy buồn khi sống ở xứ người . Với lại...

 Anh Bảy bỏ lửng câu nói. Nhưng ông hiểu ý anh bạn già:

 - Hổng sao đâu anh, con mình, mình hiểu tánh ý mà. Tiền bán nhà cũng còn đó cho tôi dưỡng già.

 Vậy là ông khăn gói lên đường. Số tiền bán nhà, ông đã chuyển trước phần lớn cho thằng Hiếu theo cách nó hướng dẫn. Số ít còn lại, đúng quy định của nhà nước, ông mang theo người, định cho con gái. Nhưng Hiếu không chịu:

 - Ba là ba sống với vợ chồng con, chứ đâu có ở với con Út mà đưa cho nó.

 - Ba nghĩ con nào cũng là con. Cho nó một chút cho nó vui. Ông phân trần.

 Vợ Hiếu chen vào:

 - Tiền tụi con giữ đây cũng là giữ cho ba mà, chứ có cho tụi con đâu.

 Đến nước này, ông đành thôi, để cho vui cửa vui nhà. Mà, cửa nhà cũng chỉ vui được khoảng một tháng đầu. Sau đó thì thằng con bắt đầu bóng gió về tiền bill. Nó tắt hết máy sưởi khi đi làm. Mùa đông nhà lạnh lắm, có bữa không chịu nổi, ông bật máy sưởi lên, thì lúc về nó càm ràm suốt tối. Ông thôi không dám bật máy sưởi lần nào nữa, chỉ ráng mặc thêm áo ấm, mang thêm vớ và bao tay. 

 Rồi đến vợ Hiếu nhăn nhó về tiền chợ. Ông buồn lòng lắm. Già rồi, ông ăn uống có bao nhiêu. Miếng cơm ngậm trong miệng chỉ chực nghẹn lại. Buổi sáng trước khi rời nhà, vợ Hiếu kêu ông, dặn:

 - Đồ trong tủ lạnh con để nấu ăn trong tuần. Ba đừng lấy ăn nghe. 

 Ông chưa kịp nói gì thì nó đã bước ra cửa. Buổi trưa, khi mở tủ lạnh định kiếm đồ ăn trưa, ông thấy từng chiếc hộp đựng thức ăn, dán giấy ghi rõ từng ngày: Thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy. Ông đành nhịn đói, chờ đến chiều con dâu về nấu ăn cho cả nhà. 

 Một ngày cuối tuần, Hiếu kêu ông chuẩn bị đồ sang nhà con Út chơi vài bữa. Hiếu đưa ông đến nhà con Út và bảo:

 - Mày để ba ở đây vài bữa, nhường phòng ổng cho ông bà già vợ tao sang chơi nghe.

 Vậy là ông ở nhà con Út. Nói nào ngay, ở đây ông được ăn uống đủ bữa hơn, và có máy sưởi ban ngày ấm áp. Nhưng đến ngày thứ chín thì con Út chở ông về lại nhà anh. Vừa nhác thấy bóng ông, vợ Hiếu mát mẻ:

 - Chà, con gái hiếu thảo ghê. Chăm cha được mấy bữa đó....

 Con Út sừng sộ trả đũa:

 - Ai ăn tiền của ba thì ráng trả nợ ba đi. Tui đâu có giữ cắc nào mà phải nuôi ổng. 

 Nghe hoàn cảnh ông, ông Nhân, một trong những người bạn già của ông đề nghị:

 - Tui bàn với bà xã rồi. Nếu ông muốn thì qua ở với hai vợ chồng tui, rồi mùa hè thì cắt cỏ, mùa đông thì xúc tuyết mướn đắp đổi qua ngày như tui vậy. 

 Thì ông muốn quá đi chớ. Vì còn cách nào nữa đâu. Khi chở ông sang tiểu bang Michigan, Hiếu nói:

 - Là ba đòi đi chứ hổng có ai đuổi ba hết nghe. Mà ba đi rồi thì đừng về lại, vợ con nó hổng vui đâu. 

 - Ừ, thì ba cũng có muốn làm phiền con cái đâu. Ông trả lời xuôi xị.

 Người ta sống được thì mình sống được. Ông nghĩ vậy. Nhưng cả đời ông chỉ quen cầm cục phấn cây viết, chứ có làm việc chân tay bao giờ đâu. Hơn nữa, ông mới vừa sang đây, già cả rồi làm sao thích ứng được khí hậu khắc nghiệt của mùa đông nơi xứ sở băng giá này.

 Ngày đầu tiên làm việc, ông dậy sớm cùng với ông Nhân. Cũng mang ủng, quàng khăn. Cũng áo khoác, găng tay. Chân ông thọc sâu vào lớp tuyết dày. Gió thổi mạnh tốc theo từng cơn buốt tận xương tủy. Trong khi ông Nhân xúc tuyết một cách thành thạo, thì ông lóng ngóng tay chân, đầu óc quay cuồng theo cái rét. Ngày đầu tiên qua đi. Ông tưởng chừng xương cốt mình rệu rã. 

 Cố đến ngày thứ ba, thì ông ngã bệnh. Cái lạnh kinh khủng của mùa đông nơi này đã làm chứng bệnh suyễn kinh niên của ông được dịp bộc phát. Hơi thở ông khò khè như ai kéo ống. Những cơn ho liên tục làm ông gập cong người. Nhưng ông không có bảo hiểm sức khoẻ, cũng không có tiền đi bác sĩ.

 Ông Nhân chạy ra CVS mua thuốc cho ông uống tạm. Bà Nhân hí húi nấu cháo cho ông ăn lấy sức. Hai vợ chồng tận tình chăm sóc ông như người thân. Nhưng họ càng tốt với mình, ông càng thấy áy náy. Ông không muốn mình trở thành gánh nặng của bạn. Họ cũng khó khăn, chứ nào dư dả gì. 

Cuối cùng, ông quyết định trở về nước. May ra còn có đường sống. Chứ xứ lạ quê người, con cái cũng không trông mong được gì... Ông Nhân gọi cho bạn bè, quyên góp được một chút tiền, để ông mua vé máy bay và dằn túi phòng thân.

Ông trở về xóm cũ. Không nhà không cửa. Tứ cố vô thân. May nhờ anh Bảy nghĩ tình cho ở nhờ. 

 - Thôi, ông thầy cứ tạm ở đây. Rồi từ từ tính tiếp. 

 Trước mắt là vậy. Nhưng chỗ dạy ở trung tâm thì đã có người thay thế. Thời buổi khó khăn, kiếm việc làm đâu dễ. Huống chi ông đã già rồi. Số tiền dành dụm cứ vơi dần đi. Lòng ông như có lửa đốt.

 Buổi tối ông ngồi ngoài hiên nhìn qua căn nhà cũ, ánh mắt rưng rưng. Anh Bảy đến bên cạnh lúc nào ông cũng không hay. Mãi đến khi anh ấy cất lời, ông mới giật mình lấy tay lau vội mắt.

- Thôi, đừng buồn nữa ông thầy. Trời cao có mắt mà.

 

Trời có mắt hay không, ông không biết. Ông chỉ thấy trời cao quá và lòng người đổi thay nhiều quá. Nên dẫu là đứa con mình sinh thành dưỡng dục, cũng không làm sao lường hết được lòng. 

 Mà  có lẽ trời có mắt thật. Như những câu chuyện cổ tích, mỗi khi nghe tiếng khóc, thì bụt lại hiện ra và giúp đỡ người hiền. Khi hốc mắt của ông tưởng chừng khô cạn, thì ông Nhân lại gọi điện về báo tin vui. Số là có ông bạn đồng môn qua Mỹ đã lâu theo diện HO. Ông ấy có đứa con làm giám đốc một phân xưởng may mặc. Phân xưởng này hiện đang cần người giữ kho. Công việc thì nhàn, nhưng buồn bởi suốt ngày phải ở trong kho, và kho nằm nơi xa xôi hẻo lánh. Trời ơi, có được chỗ làm nhàn nhã là quý lắm rồi. Còn buồn thì... có gì buồn hơn cuộc đời ông.

Vé máy bay được công ty ứng tiền mua cho ông. Vậy là ông từ giã anh Bảy và lại khăn gói lên đường sang Mỹ. Lần này thì ông có công việc làm đàng hoàng, có bảo hiểm sức khỏe. Ban ngày, cũng có người làm việc với ông trong kho. Họ thay phiên nấu nướng, ăn uống, trò chuyện cùng ông. Máy sưởi được mở suốt mùa đông. Ông thật sự hội nhập vào đời sống Mỹ. 

 Nói chung là kết cuộc có hậu. Nhưng sao đọc câu chuyện viết về cuộc đời mình, ông không cười vui mà lại rưng rưng nước mắt?

 Biển Cát

Wednesday 12 June 2024

Việt Nam, một Romania trong chiến tranh lạnh II ?

Trần Trung Đạo

image.pngTháng 12 Dương lịch là tháng có những ngày lễ lớn nhưng cũng là tháng đánh dấu nhiều biến cố quan trọng đã xảy ra trong lịch sử nhân loại hiện đại. Ngày 25 tháng 12 là ngày Liên Xô chính thức cáo chung (1991) và ngày 25 tháng 12 cũng là ngày chế độ CS Romania sụp đổ (1989).

Ai lật đổ Nicolae Ceausescu?

Không ai khác hơn là nhân dân Romania. Họ là những người đã viết nên trang sử cách mạng đầu tiên ở thành phố Timisoara vào ngày 16 và những trang sử đẫm máu nhưng quyết định ở thủ đô Bucharest từ ngày 21 đến 25.

Nhắc lại, ngày 21 tháng 12, 1989, Nicolae Ceaușescu đọc diễn văn trước hàng trăm ngàn người dân Romania tại Bucharest. Những người tham dự đã được cơ quan tuyên truyền chọn lọc. Họ được lịnh khi nào cần đả đảo các thế lực thù địch đang xâm phạm nội bộ Romania và khi nào cần phải vỗ tay tung hô lãnh tụ Ceausescu. Dĩ nhiên các cán bộ tuyên truyền làm "cò mồi"cài sẵn trong đám đông.

Theo lời kể của một cựu công an CS Mircea Gheorghe với nhóm phóng viên của hãng Bloomberg, mười phút trước khi Ceausescu đọc diễn văn đã có một người dân đứng trên tầng ba của tòa nhà bên cạnh và hô lớn "Tên độc tài phải chết!" (Death to the dictator!). Anh ta bị công an bắt. Không ai biết số phận của người dân can đảm đó ra sao.

Khi Ceaușescu đọc diễn văn mới được hai phút và đám "cò mồi" chưa kịp chuẩn bị hoan hô lãnh tụ, một nhóm công nhân nhà máy điện bỗng la lớn "Timisoara! Timisoara!" để phản đối sự kiện công an CS đàn áp các cuộc biểu tình của hàng ngàn người ở thành phố Timisoara.

Như một làn sóng, những người dân đến lẽ ra để ủng hộ Ceausescu lại là những người đầu tiên khai tử chế độ. Bốn ngày sau vợ chồng Ceausescu bị xử bắn.

https://webmail.dodo.com.au/program/resources/blocked.gif

Vợ chồng Ceausescu bị xử bắn trong một phiên tòa chỉ diễn ra 120 phút!

Người muốn xử bắn Nicolae Ceausescu nhanh chóng là tướng Victor Stanculescu, Bộ trưởng Quốc Phòng tin cẩn của Ceausescu. Ba người lính bắn vợ chồng Ceausescu trước đó cũng đã ký giấy cam kết trung thành với Ceausescu.

Bịnh ung thư quyền lực ăn sâu vào ý thức đã làm Ceausescu quên rằng khái niệm trung thành không có trong xã hội CS.

Ceausescu cũng mù lòa lý trí đến mức trong buổi gặp gỡ Gorbachev chỉ mười ngày trước đó y vẫn nghĩ chế độ CS tại Romania không thể nào sụp đổ bất chấp lời khuyên "đổi mới" của Gorbachev.

Hơn một ngàn người chết trong các cuộc biểu tình và xung đột bạo động giữa phe cách mạng và phe ủng hộ Ceausescu. Dù sao, cách mạng dân chủ Romania đã thành công. Các lãnh đạo thế giới trong đó có Mỹ gởi điện văn hay tuyên bố mừng chính phủ mới.

TỘI ÁC LỚN NHẤT CỦA CEAUSESCU

Ceausescu ngăn cấm việc phá thai không phải vì lý do tôn giáo hay nhân đạo nhưng vì y muốn gia tăng dân số Romania. Điều này dẫn tới tình trạng trẻ em sinh ra nhưng cha mẹ không thể nuôi và được nhà nước khuyến khích gởi con đến các trại mồ côi do nhà nước điều hành.

Bên cạnh các vi phạm nhân quyền trầm trọng mà các chế độ CS đều có, tội đày đọa trẻ em là một tội ác không thể dung tha cho vợ chồng Nicolae Ceausescu.

Khoảng 100 ngàn trẻ em bị suy dinh dưỡng, bịnh tật và không được chăm sóc tại các trung tâm mồ côi. Với số nhân viên nhà nước điều hành các trại mồ côi, trung bình mỗi em được chăm sóc vỏn vẹn 6 phút trong một ngày. Phóng sự điều tra của ký giả Katie Silver ước lượng có tới 170 ngàn trẻ em mồ côi trong tổng số nửa triệu trẻ mồ côi trong cả nước đã bị chế độ bỏ rơi.

VIỆT NAM CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT ROMANIA CỦA CHIẾN TRANH LẠNH II

Ngoài vợ chồng Nicolae Ceausescu và chế độ CS, còn ai khác gián tiếp chịu trách nhiệm cho thảm cảnh của trẻ em Romania?

Có và đó là các nước dân chủ Tây phương.

Các nước dân chủ Tây phương biết rõ tình trạng tại Romania nhiều năm trước cách mạng 1989 nhưng không can thiệp.

Bao vây Liên Xô chứ không phải nhân quyền là mục đích hàng đầu của Mỹ, Anh, Pháp trong quan hệ với Romania.

Khai thác chính sách đối ngoại tương đối độc lập của Romania đối với Liên Xô, một thời gian rất dài các tổng thống Mỹ cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều xem Ceausescu là con cờ cần thiết trong ván cờ Chiến Tranh Lạnh với Liên Xô. TT Richard Nixon viếng thăm chính thức Romania tháng 6, 1969 và ban cho chế độ độc tài này đặc quyền Tối Huệ Quốc (Most-Favored-Nation).

Chính quyền Nixon cũng đã kêu gọi các ngân hàng Mỹ cho Romania vay với điều kiện rộng rãi. Số tiền nhiều tỷ đô la các ngân hàng Mỹ cho Romania vay không tạo nên một hiệu quả kinh tế đáng kể và đã trở thành lãng phí do quản trị kém, tham nhũng, phẩm chất hàng hóa thiếu tiêu chuẩn bán trên thị trường quốc tế.

Khi nợ đến kỳ trả Ceausescu không đủ tiền nên đã áp dụng một chính sách tem phiếu vô cùng hà khắc trên đời sống của người dân Romania.

Dưới chế độ Ceausescu, gia đình nào dự trữ thực phẩm để dùng hơn một tháng sẽ bị phạt từ sáu tháng đến năm năm tù. Chocolate, Cà Phê và thuốc xì gà được xem như xa xí phẩm>. Đài truyền hình chỉ phát hai giờ mỗi ngày. Mùa đông không được mở máy sưởi ấm cao hơn 16 độ C. Các tiệm không được phép bán bóng đèn mạnh hơn 40 watts và các biện pháp khác nhằm kiểm soát đời sống người dân.

Mặc dù hai tổ chức Amnesty International và Helsinki Watch công bố những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Romania, Nicolae Ceausescu vẫn được các chính phủ Mỹ từ Richard Nixon đến Jimmy Carter tiếp đón một cách trang trọng qua ba lần viếng thăm Mỹ vào những năm 1970, 1973 và 1978. TT Jimmy Carter giới thiệu Nicolae Ceausescu như "một lãnh tụ vĩ đại" trong buổi tiếp đón y ngày 12 tháng 4, 1978.

Phải chăng Mỹ cần một CSVN tôn trọng nhân quyền trong Chiến Tranh Lạnh Thái Bình Dương?

Bài học Romania cho những ai quan tâm đến tương lai Việt Nam biết câu trả lời là không.

Ưu tiên hàng đầu của Mỹ và đồng minh là bao vây Trung Cộng và tất cả mục đích khác đều là thứ yếu.

Trong chuyến viếng thăm của Ceausescu đến Mỹ, TT Jimmy Carter có nhắc khéo vấn đề nhân quyền nhưng Ceausescu thẳng thừng đáp lại "Tất cả quyền của con người phải bắt đầu với quyền lao động."

Ceausescu biết TT Carter đưa vấn đề nhân quyền ra để giữ thể diện của một quốc gia đặt trên nền tảng trên các giá trị tự do dân chủ chứ không nhằm trừng phạt Romania. Điều này đang xảy ra cho Việt cộng.

TT Carter là một trong những vị tổng thống nhân từ và đạo đức nhất trong các tổng thống Mỹ nhưng cũng chính TT Carter đã từng viện trợ cho chính phủ liên hiệp Cambodia, trong đó có Pol Pot để chống Việt cộng.

Chính trị và đạo đức là hai lãnh vực không phải lúc nào cũng song hành. Không thể trách Mỹ nhưng cũng đừng quá trông đợi nơi bàn tay Mỹ.

Trong Chiến Tranh Lạnh lần này. Để dựng một phòng tuyến chặn phía nam Tàu cộng, Mỹ và đồng minh có thể sẽ chấp nhận vai trò của đảng Việt cộng trong vị trí tương tự như CS Romania trong Chiến Tranh Lạnh trước.

Romania và Việt Nam có gì giống nhau ?

Tuy nhiên, có một điểm khác giữa Romania và Việt Nam. Phong trào dân chủ Việt Nam mạnh hơn và đông hơn phong trào quần chúng mang tính tự phát của Romania.

Thoạt nhìn, hoạt động của các nhà đấu tranh, các tổ chức đấu tranh Việt Nam còn rời rạc, phân tán và ngay cả chia rẽ. Nhưng những điểm yếu đó cũng là những điểm mạnh. Tổ chức hóa không đúng lúc chỉ giúp cho đảng Việt cộng dễ nhận ra và dễ bề tiêu diệt>. Các nhóm xã hội dân sự, các đoàn thể văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật khác nhau về phương pháp đấu tranh nhưng nếu có một mục đích tối hậu chung nhằm giới hạn bộ máy cầm quyền của đảng CSVN thì trước sau gì họ cũng sẽ gặp nhau.

Điều kiện chính trị thế giới thay đổi nhanh chóng và ảnh hưởng đến các hoạt động đấu tranh vì tự do dân chủ Việt Nam nhưng không phải vì thế mà dòng thác tự do ngừng chảy. Những Lê Đình Lượng, Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Trung Trực , Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội và trên 240 người khác hiện đang ở trong tù và vô số ở ngoài tù vẫn ngày đêm tranh đấu dưới rất nhiều cách, nhiều hình thức vì một mục đích chung mang lại tự do dân chủ cho dân tộc và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Những ai quan tâm đến vận mệnh đất nước dù đang sống ở đâu hãy nỗ lực cho một Timisoara Việt Nam, một Bucharest Việt Nam sớm xảy ra.

Trần Trung Đạo