Định luật tuyệt vời của số phận: Bạn tin vào điều gì, điều đó sẽ xảy ra
Minh
Nguyệt
Ngày
cuối cùng của năm 1956, tờ báo Sự Thật đã đăng tải một truyện ngắn. Đài phát
thanh Moscow cũng đồng thời phát sóng toàn văn truyện ngắn này, khiến người dân
nghe xong đều không cầm được nước mắt.Đó chính là truyện ngắn "Số phận một
con người" của nhà văn từng đạt giải Nobel, Sholokhov.
Truyện ngắn kể về cuộc đời đầy đau khổ của một người đàn
ông bình thường tên là Sokolov. Đối mặt với những thử thách liên tiếp của số
phận, Sokolov chưa bao giờ từ bỏ ý chí sinh tồn, nỗ lực vượt qua hết khó khăn
này đến khó khăn khác.
Điều này khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm: Cuộc đời
mỗi người không tránh khỏi những lúc gặp khó khăn, khi bất hạnh ập đến, cuộc
sống hạnh phúc bỗng chốc tan vỡ, bạn sẽ đối mặt như thế nào?
Sokolov bằng chính trải nghiệm của mình đã cho chúng ta
biết: Con người không thể điều khiển số phận của mình, nhưng có thể điều khiển
thái độ đối với số phận. Và bạn tin vào điều gì, điều đó sẽ xảy ra.
Sokolov là một công nhân bình thường, sống một cuộc sống
giản dị với vợ mình. Họ quen nhau khi cùng làm việc trong nhà máy. Lúc đó, gia
đình Sokolov đều chết đói trong nạn đói, anh một mình bơ vơ, không nơi nương
tựa, để sinh tồn, anh đã bán căn nhà ở quê lên tỉnh.
Cũng chính tại đây, anh gặp người vợ cũng là trẻ mồ côi
như mình. Cả hai đều thấu hiểu sâu sắc những cay đắng của cuộc sống, vì vậy
càng trân trọng hạnh phúc khó khăn lắm mới có được này.
Vài năm trôi qua, hai vợ chồng có với nhau một trai hai
gái. Chi tiêu sinh hoạt của gia đình tăng lên, để kiếm thêm tiền nuôi sống gia
đình, Sokolov dồn hết thời gian và sức lực vào công việc.
Nhờ đôi bàn tay cần cù, anh đã dành dụm được một số
tiền, xây một căn nhà mới, còn mua thêm hai con dê. Cuộc sống ngày càng tốt đẹp
hơn, Sokolov tràn đầy những khát khao về một tương lai tươi sáng.
Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang, số phận đã giáng
cho Sokolov một đòn chí mạng: Chiến tranh Vệ quốc bùng nổ. Sokolov nhận lệnh ra
mặt trận.
Anh hiểu rõ, một khi đã ra chiến trường, sinh mệnh chẳng
còn nằm trong tay mình nữa. Vừa mới bước chân vào thiên đường hạnh phúc,
Sokolov lại một lần nữa đối mặt với nguy cơ mất tất cả.
Hay tin chồng phải ra tiền tuyến, người vợ khóc suốt
đêm. Trước lúc lên đường, cô ôm chặt lấy Sokolov, toàn thân run rẩy, miệng lắp
bắp những lời từ biệt. Sokolov vốn đã đau lòng vì phải chia xa, nhìn thấy vợ
như vậy, anh bỗng nhiên nổi giận. Anh đẩy mạnh người thân ra, kiên quyết bước
lên chuyến tàu ra mặt trận.
Khi Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại mới bắt đầu, cuộc chiến
diễn ra vô cùng ác liệt, mỗi ngày đều có rất nhiều người hy sinh dưới làn bom
đạn. Hầu hết những người lính chiến đấu cùng với Sokolov, giống như anh, đều
buộc phải từ bỏ cuộc sống hạnh phúc vốn có của mình để lao vào chiến tranh.
Họ thường khóc lóc viết thư về nhà vào đêm khuya, than
thở về sự tàn khốc của chiến trường, than thở về số phận bất hạnh của mình.
Nhưng Sokolov đã không làm như vậy, theo anh, nước mắt không thể thay đổi được
hiện thực, nếu số phận đã sắp đặt như vậy cho mình thì hãy chấp nhận nó.
Thay vì chìm đắm trong đau buồn mỗi ngày, tốt hơn hết là
nên điều chỉnh tâm lý, chấp nhận hiện thực, làm tốt việc trước mắt. Có người
nói: Phần lớn sự trưởng thành là học cách chấp nhận. Chấp nhận cô đơn thất bại,
chấp nhận sự vô thường của cuộc đời.
Giống như Sokolov, khi chiến tranh cướp đi cuộc sống yên
ổn mà anh khó khăn lắm mới có được, anh không oán trách trời đất, mà chấp nhận
sự sắp đặt của số phận, làm tốt việc trước mắt, từng bước đi ra con đường mới.
Sống ở đời, học cách biến những thăng trầm của số phận
thành chất dinh dưỡng cho sự trưởng thành, mới có thể bước đi trên đường đời
một cách thanh thản hơn.
Trong một trận chiến, Sokolov bị thương và bị bắt, bị áp
giải đến trại tập trung. Trại tập trung của phát xít quả thực có thể được miêu
tả như địa ngục trần gian. Ở đây, những người tù binh bị đối xử như súc vật, bị
lùa đi làm đủ mọi công việc khổ sai. Chỉ cần sơ suất nhỏ là họ sẽ bị đánh đập
dã man, thậm chí bị bắn chết cũng là chuyện thường tình.
Thức ăn của tù binh cũng cực kỳ tồi tệ: mỗi người chỉ
được nhận một trăm năm mươi gam bánh mì thay thế, mà trong đó còn pha một nửa
mùn cưa. Thức ăn không có dinh dưỡng cộng với công việc quá sức, cùng với sự
đánh đập và giết chóc của kẻ thù, khiến cho những người tù binh sống không bằng
chết.
Trong hoàn cảnh này, rất nhiều người đã bị dập tắt ý chí
sinh tồn, trở thành những xác sống vô hồn, chuẩn bị kết thúc cuộc đời mình tại
đây. Nhưng Sokolov chưa bao giờ có suy nghĩ như vậy, ngay từ ngày đầu tiên đặt
chân đến đây, anh đã lên kế hoạch trốn thoát.
Anh đã chạy trốn hai lần, lần đầu tiên là tình cờ phát
hiện ra cơ hội, liều mạng chạy trốn suốt một ngày một đêm, nhưng vẫn bị kẻ thù
bắt lại, sau đó bị tra tấn đến mức máu thịt lẫn lộn.
Đổi lại là người bình thường, có lẽ đã sớm từ bỏ ý định
bỏ trốn, mặc cho kẻ thù sắp đặt. Nhưng Sokolov thì không, cho dù bề ngoài trông
có vẻ bình tĩnh, nhẫn nhịn, nhưng ý nghĩ trốn thoát vẫn luôn cuồng nhiệt nảy nở
trong lòng.
Không ngờ, cơ hội thực sự đến sau hai năm. Hôm đó, anh
được sắp xếp làm tài xế cho một kỹ sư người Đức. Trong một lần làm nhiệm vụ,
anh lái xe đến tiền tuyến, Sokolov sau nhiều năm lại một lần nữa nghe thấy
tiếng pháo đã lâu không gặp.
Tiếng pháo này đã khơi dậy ý chí chiến đấu và lòng yêu
nước nhiệt thành của một người lính, anh quyết định chủ động xuất kích, lợi
dụng cơ hội này để trốn về tổ quốc. Hơn nữa, anh không chỉ muốn trốn thoát một
mình, mà còn định đưa cả kỹ sư người Đức về làm "tù binh" nữa. Lúc
này, một kế hoạch đã âm thầm được ấp ủ trong lòng anh.
Ngày hôm sau, viên kỹ sư ra lệnh cho Sokolov lái xe đưa
mình tới tiền tuyến. Trên đường đi, viên kỹ sư ngồi ở ghế sau ngủ thiếp đi. Nắm
bắt cơ hội, Sokolov lập tức lấy cục tạ đã giấu sẵn ra đánh ngất hắn, rồi dùng
dây điện thoại trói hắn vào ghế xe, đảm bảo hắn không bị ngã xuống.
Sau đó, anh ta thay bộ quân phục Đức đã chuẩn bị từ
trước để ngụy trang. Mọi thứ đã sẵn sàng, anh ta liền tranh thủ cơ hội, lợi
dụng thân phận của viên kỹ sư làm vỏ bọc, lái xe lao qua trận địa tiền tiêu của
quân Đức, bất chấp làn đạn bắn xối xả, lao về phía quân đội Liên Xô. Cuối cùng,
bằng lòng dũng cảm và trí thông minh của mình, anh ta đã thoát khỏi cái lồng
giam cầm đó.
Sống trên đời, giống như Sokolov, chúng ta chắc chắn sẽ
phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thay vì từ bỏ bản thân,
buông xuôi theo dòng đời, chi bằng hãy điều chỉnh tâm lý, tích cực tìm kiếm
giải pháp phá vỡ thế bế tắc, mới có thể tìm thấy lối thoát mới cho cuộc đời.
Như Murakami Haruki đã nói: "Khi bạn đi qua giông bão,
bạn sẽ không còn là người cũ nữa."
Sokolov vừa trở về quê hương đã vội vàng gửi thư về cho
gia đình, nhưng lại bàng hoàng hay tin vợ và con gái mình đã chết trong chiến
tranh từ lâu, chỉ còn lại người con trai duy nhất đang ở ngoài mặt trận.
Chìm trong đau buồn, ông đi khắp nơi tìm kiếm con trai
mình, Anatoly. Khi biết được Anatoly không chỉ còn sống mà còn giữ chức vụ quan
trọng trong quân đội, Sokolov mừng rỡ khôn xiết. Ông bắt đầu mơ về những ngày
tháng yên bình sau chiến tranh bên con trai. Đối với Sokolov, cuộc sống tươi
đẹp tưởng chừng như đã trong tầm tay.
Thế nhưng, khi ông hối hả đến Berlin để gặp con trai,
điều đón chờ ông lại là một tin dữ: ngay trong ngày chiến thắng, Anatoly đã hy
sinh! Hay tin, Sokolov hoàn toàn suy sụp, ông đến quân đội tham dự đám tang
con.
Suốt buổi tang lễ, ông không hề rơi một giọt nước mắt
nào, bởi vì nước mắt trong lòng ông đã cạn khô từ lâu. Số phận đã dập tắt mọi
hy vọng trong cuộc đời ông một cách tàn nhẫn nhất, tước đoạt mọi hạnh phúc và
cố gắng đẩy ông vào vực thẳm tuyệt vọng.
Nhưng Sokolov, dù đau buồn đến đứt ruột, vẫn luôn ấp ủ
hy vọng vào cuộc sống. Sau khi xuất ngũ, ông quyết định rời khỏi nơi đau thương
này để đến một phương trời xa xôi, bắt đầu một cuộc sống mới.
Sokolov đến một thành phố khác và tìm được một công việc
lái xe ở đó. Ông nghĩ rằng phần đời còn lại của mình sẽ trôi qua trong yên bình
và cô độc, nhưng không ngờ bánh xe số phận đã lặng lẽ xoay chuyển vào lúc này.
Thỉnh thoảng, sau những chuyến xe đường dài, Sokolov
thường ghé vào một quán ăn gần nhà. Mấy ngày liên tiếp, ông đều thấy một đứa
trẻ bẩn thỉu ở quán ăn, đôi mắt sáng long lanh của đứa trẻ đã thu hút sự chú ý
của Sokolov.
Thế là ông chủ động bắt chuyện với đứa trẻ. Hoá ra, đứa
trẻ tên là Vanya, sau khi cha mẹ qua đời trong chiến tranh, nó đã lang thang
một mình đến đây. Hoàn cảnh đáng thương của đứa trẻ khiến Sokolov rơi nước mắt,
ông lập tức quyết định nhận nuôi Vanya.
Để đứa trẻ chấp nhận mình, ông nói với Vanya rằng ông
chính là cha của cậu bé, đã tìm kiếm cậu rất lâu mới thấy. Có lẽ vì quá nhớ
cha, Vanya chẳng cần suy nghĩ đã tin ngay, vui sướng ôm chầm lấy Sokolov và hôn
ông không ngớt.
Thế là, hai tâm hồn cô độc gặp nhau sau chiến tranh, họ
lại trở thành người thân duy nhất của nhau. Sự xuất hiện của Vanya đã tô điểm
thêm sắc màu mới cho cuộc sống của Sokolov.
Ông thức giấc giữa đêm, không kìm được mà ngồi dậy, quẹt
một que diêm, ngắm nhìn kỹ khuôn mặt của đứa trẻ và nở nụ cười từ tận đáy lòng;
Ông pha sữa, luộc trứng, nấu đồ ăn nóng cho Vanya... Cuộc sống đơn điệu bỗng
chốc trở nên muôn màu muôn vẻ, trọn vẹn.
Có Vanya bầu bạn, Sokolov cảm nhận được trái tim mình,
vốn đã chai sạn sau bao khổ đau, lại trở nên mềm mại.
Có một câu nói như thế này: "Một người từng chịu
đựng tổn thương nặng nề, không có lý do gì để mãi chìm đắm trong đau khổ khóc
than. Chỉ cần còn sống, họ nên rộng lượng trao đi tình yêu thương của mình,
sưởi ấm những sinh mệnh yếu đuối hơn."
Sokolov sau khi nếm trải đủ cay đắng của cuộc đời, vẫn
sẵn lòng dùng trái tim nhân hậu để sưởi ấm một sinh mệnh khác. Trong quá trình này,
ông không chỉ cứu vớt một đứa trẻ mồ côi khỏi thế giới sắp sụp đổ, mà còn dùng
tình yêu thương để cứu rỗi chính trái tim đầy thương tích của mình.
Sống trên đời, khi bạn cứ mãi chìm đắm trong đau khổ, khóc lóc cho nỗi đau của bản thân, thì nỗi đau ấy sẽ mãi đeo bám bạn. Khi bạn đối xử với thế giới bằng sự tử tế, thế giới sẽ đáp lại bạn bằng những điều tốt đẹp hơn.
Minh
Nguyệt
.
No comments:
Post a Comment