Friday, 25 April 2025

Death By China

 Death By China – Fentanyl Của Trung Quốc Là Kẻ Thù Số Một Phá Hoại Nước Mỹ...!

Jason Nguyen

 Tui là người từng chứng kiến cảnh đau đớn, vật vã, đi đứng không nổi, khòm lưng... của những người còn rất trẻ là Homeless ở các thành phố thuộc tiểu bang Washington mà nhiều nhất là ở thành phố Seattle. Những người này thường chết sau vài tháng chơi Fentanyl. Có thể thấy âm mưu thâm hiểm và tàn độc của cs TQ đối với Hoa Kỳ nói riêng và đối với các nước phát triển trên thế giới nói chung, về việc sản xuất và tuồn loại ma tuý cực độc này sang các nước khác.

Nên tui rất ủng hộ các chính sách của TT Donald Trump khi đối đầu với cs TQ.

Fentanyl hay thuốc lắc, là chất độc chết người đang tàn phá nước Mỹ, và thủ phạm chính không ai khác chính là Trung Quốc. Năm 2022, có 73.654 người Mỹ chết vì fentanyl, chiếm phần lớn trong số 110.000 ca tử vong do ma túy. Năm 2023, con số vẫn ở mức khủng khiếp: khoảng 70.000 người ra đi, tương đương 70% trong 107.543 ca tử vong quá liều. Đến năm 2024, dữ liệu tạm thời cho thấy 84.100 đến 90.000 ca tử vong do ma túy, với fentanyl là nguyên nhân chính.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố con số "thương vong" lên tới 300.000 mỗi năm, bao gồm cả người chết, người nhập viện, và những người sống sót nhưng bị hủy hoại bởi chất độc này. Đây không chỉ là khủng hoảng y tế, còn là cuộc chiến sinh tử mà Trung Quốc đang âm thầm tiến hành để tiêu diệt nước Mỹ.

Fentanyl không chỉ giết người mà còn biến hàng trăm ngàn người Mỹ thành phế nhân. Dân vô gia cư, từ thành phố lớn như Baltimore, Cleveland đến các thị trấn nhỏ, đang chết mòn vì fentanyl. Họ nghiện ngập, cơ thể suy kiệt, xương cốt hỏng, đầu óc không còn hoạt động, trở thành những cái xác sống. Họ là nạn nhân của chất độc do chính Trung Quốc sản xuất và tuồn vào Mỹ qua các băng đảng Mexico như Sinaloa và CJNG. Hệ thống an sinh xã hội Mỹ oằn mình gánh chịu: chỗ ở, cai nghiện, y tế tất cả đều quá tải vì cơn bão fentanyl từ Trung Quốc.

* Trung Quốc: Kẻ chủ mưu đứng sau thảm họa

Đừng để những lời chối bỏ của Bắc Kinh đánh lừa. Trung Quốc là nguồn gốc của fentanyl. Các hóa chất tiền chất được sản xuất tại những nhà máy ở Vân Nam, vùng hẻo lánh của Trung Quốc, sau đó được vận chuyển qua Mexico và biến thành fentanyl để đầu độc người Mỹ. Báo cáo của Hạ viện Mỹ năm 2024 chỉ rõ: Trung Quốc không chỉ biết mà còn trợ giá, bảo kê các hoạt động này, biến fentanyl thành vũ khí để phá hoại nước Mỹ. Các băng nhóm tội phạm Trung Quốc, được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn, hoạt động khắp thế giới, từ buôn lậu ma túy đến lừa đảo quốc tế, nhằm trục lợi và làm suy yếu kẻ thù. Đây là chiến lược có tính toán, một âm mưu hủy diệt nước Mỹ từ bên trong.

Chính phủ Trung Quốc không chỉ làm ngơ mà còn khuyến khích sản xuất fentanyl. Họ để các công ty hóa chất tự do xuất khẩu tiền chất, bất chấp biết rõ chúng sẽ được dùng để chế fentanyl. Các cảng ở Hồng Kông và các tuyến vận chuyển qua Mexico là đường dây máu của fentanyl, và Bắc Kinh không hề ngăn chặn. Họ tuyên bố "không liên quan", nhưng sự thật là ĐCSTQ đang dùng fentanyl như một công cụ chiến tranh, vừa kiếm tiền vừa phá hoại xã hội Mỹ. Hàng trăm ngàn người Mỹ trở thành nạn nhân, và Trung Quốc vẫn nhởn nhơ.

* Biden yếu kém, Trump quyết chiến

Dưới thời Biden, fentanyl tràn vào Mỹ như nước lũ. Biên giới Mỹ-Mexico bị bỏ ngỏ, các băng đảng buôn lậu tự do hoạt động, và số ca tử vong tăng chóng mặt. Dân Mỹ kêu than, nhưng Biden làm ngơ, thậm chí bị cáo buộc trục lợi từ sự bất lực này. Chính quyền Biden biết Trung Quốc đứng sau nhưng không dám động đến, để mặc Bắc Kinh tung hoành. Sự yếu kém của Biden đã khiến nước Mỹ trả giá bằng máu và nước mắt. Còn gì hơn nữa để diễn tả? Sự thật Biden là kẻ tiếp tay giúp Trung Quốc làm chuyện này không hơn không kém. Làm ngơ là tội ác!

Ngược lại, ngay tuần đầu nắm quyền năm 2025, Trump tuyên chiến với fentanyl và chỉ thẳng mặt Trung Quốc là kẻ thù số một. Ông áp thuế 20% lên hàng hóa Trung Quốc, dùng nguồn thu để hỗ trợ nạn nhân fentanyl và cứu hệ thống an sinh xã hội Mỹ khỏi phá sản. Trump không dừng lại ở lời nói: ông điều quân đội đến biên giới Mỹ-Mexico, triển khai tàu tuần tra và drone quân sự giám sát chặt chẽ trên bộ lẫn ngoài biển. Kết quả? Lượng fentanyl nhập lậu giảm mạnh. Trump còn dọa ném bom các cơ sở sản xuất ma túy ở Mexico nếu chúng tiếp tục là công cụ của Trung Quốc. Đây là cuộc chiến thực sự, không khoan nhượng.

Trung Quốc trả đũa, nhưng Mỹ không lùi bước

Đáp lại, Trung Quốc trơ trẽn tuyên bố không ngăn chặn fentanyl nhập vào Mỹ, tiếp tục để các băng đảng tội phạm – vốn do chính họ dựng lên – tự do hoạt động. Bắc Kinh biết rõ fentanyl là nguồn lợi khổng lồ và là cách để tiêu diệt Mỹ từ bên trong, nên họ không có ý định dừng lại. Căng thẳng leo thang, và Trump đang cân nhắc cắt đứt quan hệ ngoại giao lẫn thương mại với Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh không chịu trách nhiệm, Mỹ sẽ hành động mạnh hơn, từ cấm vận kinh tế đến các biện pháp quân sự.

Fentanyl không chỉ là ma túy, mà là vũ khí "hóa học" trong chiến tranh của Trung Quốc chống lại nước Mỹ. Hàng trăm ngàn người Mỹ đã và đang bị hủy hoại, nhưng Trung Quốc vẫn lạnh lùng tiếp tục. Trump hiểu rõ điều này và đang làm tất cả để bảo vệ nước Mỹ. Cuộc chiến này không chỉ vì sức khỏe người dân, mà còn vì sự sống còn của cả quốc gia trước âm mưu thâm độc của ĐCSTQ...!

Jason Nguyen

Thursday, 24 April 2025

Việt Nam Cộng Hòa

 20 năm và 50 năm vẫn nguyên vẹn giá trị Việt Nam Cộng Hòa  

Trần Doãn Nho

 Như nhiều người cùng thế hệ, tôi đã sống trọn 20 năm trong lòng chế độ Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) và cảm thấy tự hào là người Việt Nam. Nhìn lại, với tôi, đó là một quá khứ thân thuộc, êm đềm, sinh động.

 Hai mươi năm ấy và 50 năm sau, biết bao nước chảy qua ghềnh, qua thác, qua suối, qua cầu, qua sông, qua biển... Trong khoảng thời gian vừa ngắn lại vừa dài dằng dặc đó, tôi trải qua ít nhất là bốn cuộc đời: như một công dân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), như một tù nhân trong trại tù Cộng Sản, như một công dân Việt Nam hạng chót (nếu tôi nhớ không lầm, thì là hạng thứ 14 quy cho những ai bị đi tù "cải tạo") và sau cùng, như một người lưu vong.

Hai mươi năm đầu: giữa chiến tranh và hòa bình, giữa hận thù, nhiễu nhương và hoa mộng, tươi vui, giữa tuyệt vọng và hy vọng.

Năm mươi năm sau: cuộc đời lộn ngược. Nhiều lần. Đối với tôi mà cũng là đối với vô số người. Xem như cộng nghiệp!

Giá trị VNCH

Trong một lần gặp gỡ bà con, một người cháu thuộc thế hệ của những người trưởng thành trong nước sau năm 1975, giáo viên về hưu, thành thật hỏi tôi: "Tại sao đã gần nửa thế kỷ trôi qua rồi mà các chú các bác ở ngoài đó [hải ngoại] vẫn còn giữ mãi thái độ không thân thiện với nhà nước hiện nay vậy?"

Tôi cười, trả lời: ở nước ngoài, chuyện "không thân thiện" hay nói cho rõ ra, chống đối nhà cầm quyền, là chuyện "thường ngày ở huyện," một sinh hoạt vô cùng bình thường như mọi sinh hoạt khác trong xã hội. Trong chế độ dân chủ, cứ phải tâng bốc, ca tụng nhà cầm quyền hay im lặng trước những sai trái của họ mới là điều lạ. Các ông tổng thống, thủ tướng hay các dân biểu nghị sĩ hay bất cứ quan chức nào đương nhiệm vẫn bị dư luận và báo chí phê phán, chỉ trích, thậm chí rủa sả hàng ngày về đủ thứ chuyện (thực cũng như bịa), nhưng chẳng ai bị lên án là phản động, là bán nước hay phá hoại. Người cầm quyền chỉ có một quyền duy nhất: phản bác lại, cũng qua báo chí, hay kiện ra tòa, chứ tuyệt đối không quy chụp và bắt bớ dựa trên các lời phát biểu.

Người cháu gật gù, tỏ ra hiểu. Tôi đoán: hiểu nhưng chưa chắc đã thông. Không sao. Người cháu sống thời của cháu: chịu đựng và làm quen với chịu đựng trở thành một nếp sống, một quán tính sinh tồn. Đụng chạm đến nhà nước, dù đúng hay sai, đều là "taboo," điều cấm kỵ.

Còn tôi, tôi sống thời của tôi. Vâng, thời của tôi! Hai mươi năm và 50 năm với những quãng đời đứt đoạn, chập chờn nổi trôi giữa cuộc thăng trầm.Trong chế độ VNCH, tôi được học hành vui chơi, được mơ ước, được phục vụ, được hưởng thụ và không những thế, tham gia tranh đấu chống lệ thuộc ngoại bang, chống bất công, chống đàn áp, đòi hỏi bầu cử tự do, dân chủ. Và đã từng ăn cơm nhà tù vài lần. Có bênh có chống.

Với tôi, VNCH không hoàn hảo, nhưng rộng mở, có chỗ cho thế hệ chúng tôi mở mang kiến thức đa dạng, có chỗ cho kẻ sĩ và người lương thiện, không cần phải nhịn nhục, bợ đỡ và hô khẩu hiệu để được sống yên thân.Những ưu điểm đó làm nên cái mà tôi gọi là "giá trị VNCH." Còn nhớ, sáng 30 Tháng Tư, 1975, đứng trên đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn, nhìn những chiếc xe tăng bộ đội Cộng Sản chạy vào từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất, tôi bàng hoàng nghe như cả bầu trời sụp xuống. Trời nắng mà tràn đầy bóng tối. Trong phút chốc, VNCH biến mất. Tưởng đã vĩnh viễn đi vào hư vô.

Nhưng không!

Khác với các triều đại ngắn ngủi trước đây, tuy chế độ thì không còn nữa, nhưng giá trị VNCH không biến mất, vẫn tiếp tục kéo dài đến ngày nay, 50 năm sau. Ở hải ngoại, đã đành, mà còn lan tỏa vào trong nước dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Khởi đầu, do những đợt ra đi liên tục làm chấn động lương tâm nhân loại sau năm 1975. Từ đó, dù vì chính trị hay kinh tế, bằng cách vượt biên hay có giấy tờ, dù định cư ở Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Anh hay các nước khác ở Âu Châu, Phi Châu, Á Châu, những người rời bỏ đất nước mang theo tấm lòng của những người sống trong, sống với và yêu mến các giá trị đó. Nói như nhạc sĩ Ngô Thụy Miên trong "Em Còn Nhớ Mùa Xuân," đó là những "hôm qua" và những "mai sau" trong tâm thức "hồi hương:"

"Những thành phố em sẽ đi qua
Đây Ba-Lê, đây Luân Đôn, đây Vienne
Nhưng có đâu bằng Sài Gòn hôm qua
Nhưng có đâu bằng Sài Gòn mai sau
Em có mơ ngày hát câu hồi hương"

"Ra đi" này kéo theo "ra đi" kia. "Ra đi," cuối cùng, không còn có nghĩa là "bỏ đi" mà là để trốn thoát, để gìn giữ và để nối dài. Tôi thích nhóm chữ "VNCH nối dài" của sử gia Tạ Chí Đại Trường. Vâng, có một VNCH nối dài. Đó là sự "nối dài" đầy ý nghĩa của một mô thức xã hội, vừa có tính thừa kế những giá trị có sẵn, vừa được bổ sung thêm những giá trị mới từ văn minh Tây phương. Nó đánh dấu sự tồn tại những nét son của phe thua cuộc.

Người miền Nam ra đi kéo theo người miền Bắc (cũng tìm cách) ra đi. Những đợt ra đi "không có phép" được nối tiếp với những cuộc ra đi "có phép." Cho đến nay, người ta vẫn tiếp tục ra đi, dưới dạng này hay dạng khác. Trong số đó, không thiếu những người đã từng hoạt động cho Cộng Sản và con cháu của họ, kể cả con cháu của nhân vật cao cấp trong chính quyền. Nối dài và nối dài và nối dài...

Những "nối dài" đó khiến cho cộng đồng Việt Nam, trong 50 năm qua, từ những nhóm người tị nạn tả tơi, rách nát trong quá khứ cho đến hiện nay, bành trướng ra, lớn mạnh hơn, có mặt hầu như trên khắp thế giới, hình thành nên một hiện thực chưa hề có trong lịch sử nước nhà: Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại.

Hai chữ "hải ngoại" vừa là một khái niệm địa lý lại vừa đồng nghĩa với một cái gì "khác hẳn" – và trong một số trường hợp, "đối lập" – với (nhà cầm quyền) trong nước. Hiểu cách nào thì hải ngoại cũng là một chỗ dựa, là chỗ bù đắp cho những gì thiếu vắng, thiếu thốn hay bị cấm đoán – cả tinh thần lẫn vật chất – ở trong nước. Hải ngoại động viên, dung chứa, lưu giữ và phổ biến, không những nền văn hóa dân tộc đa dạng, mà còn những tiếng nói phản biện mọi mặt từ trong nước ra toàn thế giới bằng cách thực hiện các cuộc phỏng vấn, phát hành ca khúc, xuất bản các tác phẩm văn chương, các sách biên khảo xã hội và chính trị của họ. Hải ngoại trở thành một đối trọng (contre-poids) cần thiết, góp phần thúc đẩy tiến bộ và cải cách đất nước.

 

Little Saigon – căn cước của một VNCH nối dài

Ở một mặt nào đó, có thể nói hải ngoại là một thực thể Việt Nam khác, phong phú, cởi mở và tự do hơn. Nhất là ở Hoa Kỳ. Với tổng dân số được ước tính hiện nay hơn 2.2 triệu người, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ chiếm khoảng một nửa số người Việt trên toàn thế giới, với một cái tên mà cũng là một nơi chốn đã trở thành biểu tượng để hướng về: Little Saigon.

Little Saigon – "thủ đô" của người Việt tị nạn – bây giờ là ID (căn cước) của một VNCH nối dài. Tuy không phải là một chính quyền, một tổ chức, một cơ cấu, nhưng Little Saigon hoàn toàn mang không khí và hơi thở của những tháng năm VNCH ngày cũ, từ chợ búa, truyền thanh, truyền hình, báo chí cho đến văn chương, âm nhạc và, tất nhiên, lá cờ vàng, bây giờ được xem là "Lá Cờ Tự Do và Di Sản" (Vietnamese Freedom and Heritage Flag) của người Mỹ gốc Việt.

Little Saigon – Sài Gòn Nhỏ – tượng trưng cho sự tồn tại của một Sài Gòn Lớn, vốn là thủ đô của VNCH, đã bị đổi tên. Cứ nhìn những ứng cử viên người Việt ra ứng cử các chức vụ hành pháp và lập pháp (trung ương hay địa phương) trong các cuộc bầu cử Tháng Mười Một, 2024, tại Little Saigon là thấy rõ sự kiện đó: ứng cử viên, dù thuộc đảng nào, cũng đều nêu bật những giá trị VNCH để thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Sự lớn mạnh và ảnh hưởng của nó về nhiều mặt khiến Little Saigon trở thành đề tài nghiên cứu cấp đại học. Chẳng hạn như tiểu luận "Creating a Sense of Place: The Vietnamese-Americans and Little Saigon" của Sanjoy Mazumdar, Shampa Mazumdar, Faye Docuyanan và Colette Marie McLaughlin. Theo các tác giả, ở Hoa Kỳ, hầu hết những nhóm người mới đến định cư đều có nhu cầu phải diễn tả căn cước cộng đồng của họ bằng cách tạo ra một không gian và nơi chốn riêng của họ. Chẳng hạn "Chinatown" (Khu Phố Tàu), "Polish enclave" (Cộng Đồng Ba Lan), "Lebanese enclave" (Cộng Đồng Li-Băng/Lebanon), Germantown (Khu Phố Đức), "Little Havana" (Tiểu Havana/cho người Cuba).

Tương tự, các tác giả cho biết: "Kinh nghiệm của người Việt Nam là câu chuyện về sự đau đớn và mất mát, mất nước, mất nhà, mất gia đình, mất văn hóa và căn cước." Cho nên, Little Saigon xuất hiện như là "trung tâm của căn cước và sự gắn bó của cộng đồng." Nó đã trở nên, "không chỉ là trung tâm thương mãi mà còn là trọng điểm xúc động của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ."

Vì thế, những người Việt nào không cư trú ngay tại Little Saigon, thì đến "Little Saigon giống như thực hiện một cuộc hành hương. Đối với họ, đó là một ngôi nhà thay thế, một ngôi nhà cách xa nhà (a home away from home), một nơi chốn họ có thể dễ dàng đến để có được một chuyến về thăm nhà. (...) Đối với một cộng đồng người tị nạn đã mất quê hương, trong đó có thủ đô Sài Gòn, việc thành lập Little Saigon tượng trưng cho niềm hy vọng từ 'không nhà' (homeless) trở thành 'có nhà' trở lại (a 'home' again). Cuối cùng, chính sự hiện diện của Little Saigon đã truyền tải một cách đầy biểu tượng đến xã hội sở tại khao khát của cộng đồng di dân Việt Nam muốn bám rễ thường trực trên vùng đất tạm dung mới (trong đất Mỹ) trong lúc vẫn duy trì được bản sắc dân tộc riêng của họ thông qua sự chuyển dịch thành công tôn giáo, văn hóa và doanh nghiệp của họ."

Điều thú vị là, Little Saigon này làm phát sinh ra những Little Saigon khác.

Hiện nay, đã có khá nhiều Little Saigon hiện diện tại nhiều địa phương, ở Hoa Kỳ cũng như ở một vài nước khác. Cái tên dễ thương này đã trở thành – hoặc đang được vận động để trở thành – chính thức, như Little Saigon San Jose (California), Little Saigon San Francisco (California), Little Saigon Sacramento (California), Little Saigon Houston (Texas), Little Saigon Vancouver (Canada), Little Saigon in Sydney (Úc), Little Saigon Plaza Bankstown (Úc).

Ở những nơi mà cộng đồng người Việt nhỏ bé hơn, lại sống tản mác, không có đại diện trong chính quyền địa phương để vận động đặt tên, cư dân Việt vẫn tự gọi khu sinh hoạt hay khu thương mại địa phương mình cư trú là Little Saigon. Dần dà, dưới mắt người Mỹ, Little Saigon đồng nghĩa với "Khu Phố Việt." Tại các khu phố này, có nơi tuy chỉ thu gọn trong một vài cơ sở thương mại (đôi khi chỉ là một cái chợ nhỏ), mọi mặt sinh hoạt hằng ngày của chúng đều đậm nét quê hương, hình thành những thỏi nam châm thu hút và quy tụ đồng hương.

"Nền" văn học, báo chí riêng

Nối kết các khu phố Việt rải rác trên toàn thế giới là âm nhạc, báo chí và văn chương, những phương tiện xuyên quốc gia hữu hiệu trong thời đại điện tử. Các nhóm chữ "âm nhạc hải ngoại," "báo chí hải ngoại" hay "văn chương hải ngoại" để chỉ các hoạt động văn hóa của người Việt trên toàn thế giới đã trở thành từ vựng chính thức trong ngôn ngữ Việt Nam hiện nay. Hoạt động của các trung tâm hay cơ sở này quá đa dạng và quá nhiều đến nỗi, chưa người viết nào có đủ điều kiện để tìm biết và liệt kê đầy đủ.

Về mặt âm nhạc và báo chí, ngoài những cái tên vô cùng quen thuộc như Thúy Nga, Asia, Vân Sơn hay Người Việt, Viễn Đông, Việt Báo, Thời Luận, vân vân, nằm ngay trong Little Saigon "thủ đô," còn có nhiều cơ sở âm nhạc và hàng trăm, hàng ngàn tạp chí hay tuần báo, nguyệt san khác (vừa giấy vừa mạng) nằm rải rác trong tất cả các Little Saigon "địa phương," cung cấp món ăn tinh thần cho hàng triệu người Việt.

Về mặt văn chương, tuy không sôi động và gây ảnh hưởng tức thời như hai lãnh vực trên, cộng đồng người Việt hải ngoại đã tạo nên được một "nền" văn học riêng (cả tiếng Việt lẫn Anh hay tiếng Pháp) vô cùng phong phú với một số lượng tác giả, tác phẩm và tạp chí văn chương dồi dào. Đó là một tổng hợp của nhiều dòng văn chương khác nhau: Văn Chương Miền Nam trước 1975, Văn Chương Miền Nam "nối dài," văn chương của những cây bút mới xuất hiện ở hải ngoại, văn chương của những nhà văn phản kháng hay bất đồng chính kiến, vân vân và vân vân.

Có rất nhiều tạp chí văn chương, giấy cũng như mạng: Làng Văn, Ngôn Ngữ, Da Màu, Thư Quán Bản Thảo, Diễn Đàn Thế Kỷ, Gió-O, Đàn Chim Việt, Diễn Đàn Forum, Thất Sơn Châu Đốc, Tân Hình Thức, Tiền Vệ, T. Vấn & Bạn Hữu, Phố Văn, Phạm Cao Hoàng, Trần Thị Nguyệt Mai... Cũng có khá nhiều nhà xuất bản: Tiếng Quê Hương, Văn Mới, Văn Nghệ, Nhân Ảnh, Văn Học Press, Thế Kỷ 21, Da Màu Press, Người Việt Books, Nhà Xuất Bản Trẻ, Anh Thư, Tân Thư, Thư Ấn Quán, Literary Hub...

Các tạp chí và nhà xuất bản này, ngoài việc đăng tải hay tái bản các tác phẩm của Văn Học Miền Nam trước 1975, xuất bản các tác phẩm của các tác giả hải ngoại, còn xuất bản hàng trăm tác phẩm bị cấm của những cây bút, hoặc đã qua đời hoặc còn ở trong nước hay đã thoát ra ngoài như Vũ Thư Hiên, Nguyễn Viện, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Bình Phương, Bùi Ngọc Tấn, Tô Hải, Tiêu Dao Bảo Cự, Hoàng Hưng, Trần Đĩnh, Huy Đức...

Đặc biệt nhất, một số tác giả và tác phẩm văn chương của họ đã đi vào lãnh vực quốc tế (do được viết bằng ngoại ngữ hoặc được chuyển dịch từ tiếng Việt) như Nguyễn Thanh Việt, Ocean Vương (Mỹ), Kim Thúy (Canada), Dương Thu Hương, Trần Thị Hảo (Pháp)... Văn chương hải ngoại, với sức sống mạnh mẽ của nó, hiện đã trở thành một dòng văn học với sắc thái riêng biệt, nhất định sẽ chiếm một vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học Việt Nam.

Người ngoại quốc gọi Tết là "Tết!"

Một điều lý thú khác cũng cần được ghi nhận, đó là ngôn ngữ. Qua một thời gian dài sống chung với nhiều nền văn hóa khác nhau, ngôn ngữ Việt Nam dần dà phổ biến, do đó, một số từ ngữ Việt Nam như "banh mi" (bánh mì), "pho" (phở), "ao dai" (áo dài), "tet" (Tết) trở thành từ vựng có tính cách quốc tế, được đưa vào một số tự điển tiếng Anh, trong đó có Merriam-Webster, Cambridge Dictionary, Oxford English Dictionary, Collins Dictionary, Dictionary.com, vân vân.

Dictionary.com định nghĩa "banh mi" là "a Vietnamese sandwich on a crisp baguette spread with mayonnaise, typically containing pork or chicken and pâté, with pickled vegetables, cucumber, and cilantro" (Một loại bánh mì giòn có phết sốt mayonnaise kẹp thịt heo hoặc thịt gà và pa-tê kèm thêm rau, dưa leo và ngò).

William-Webster định nghĩa "ao dai" là "the traditional dress of Vietnamese women that consists of a long tunic with slits on either side and wide trousers" (Trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam gồm áo dài xẻ hai bên và quần ống rộng).

Riêng chữ "Tet," trước đây, người nước ngoài đã biết đến và sử dụng nó, nhưng để chỉ biến cố Tết Mậu Thân 1968: "Tet Offensive." Bây giờ, chữ Tết với nghĩa phổ thông hơn, cũng đã chính thức được ghi vào tự điển tiếng Anh. Xin ghi lại định nghĩa về chữ "Tet" trong hai tự điển tiếng Anh nổi tiếng:

-Tự điển Merriam-Webster: Tet (noun) là "the Vietnamese New Year observed during the first several days of the lunar calendar beginning at the second new moon after the winter solstice" (Tết là Lễ Mừng Năm Mới của người Việt được tổ chức vào những ngày đầu tiên của âm lịch bắt đầu từ ngày trăng non thứ hai sau ngày đông chí).

-Tự điển Dictionary.com: Tet (noun) là "the Vietnamese New Year celebration, occurring during the first seven days of the first month of the lunar calendar" (Tết là Lễ Mừng Năm Mới của người Việt, diễn ra vào bảy ngày đầu tiên của Tháng Giêng Âm Lịch).

Tết Việt Nam, như thế, đã được tách hẳn khỏi Tết Tàu, "Chinese New Year."Xét cho cùng, theo tôi, đó cũng là một thành tựu. Nhưng không chỉ là thành tựu về mặt ngôn ngữ.

Thành tựu đó gắn liền với nỗ lực bảo vệ truyền thống của mọi người Việt Nam khi bị buộc phải xa rời cội nguồn, chủ yếu là qua hình thức ẩm thực và lễ hội. Trong suốt 50 năm ở xứ người, năm nào cũng như năm nào, ở đâu có người Việt cư ngụ là ở đó có hội Tết, dù nhỏ dù lớn. Tha hương, buồn thì buồn, nhớ thì nhớ, nhưng vẫn ăn mừng: "Ăn" và "Mừng." "Ăn" Tết, "Mừng" Xuân là mang quê hương đến với mình. Đồng thời, cột chặt mình với quê hương. Có Tết là có quê hương. Không kể Little Saigon, nơi mà không khí Tết rộn ràng và rực rỡ mà cao điểm là các cuộc Diễn Hành Tết và Hội Chợ Tết, ở các vùng khác, sinh hoạt Tết đều diễn ra hằng năm, cũng thấm đẫm màu sắc quê hương không kém.

Gia đình tôi sang định cư ở một thành phố nhỏ miền Đông Bắc nước Mỹ, nơi mà Tết bao giờ cũng rơi vào lúc cao điểm của mùa tuyết. Không có Tết nào là vắng tuyết, thậm chí có năm, bão tuyết lớn rơi vào đúng đêm Giao Thừa với lượng tuyết lên đến 10-15 inch. Chữ "Tết," vô hình trung, gắn với và nằm trong chữ "T(uy)ết."

Tết trong tuyết, tuyết trong Tết! Tết và tuyết chỉ cách nhau một bước chân: bước vào, Tết, bước ra, tuyết! Có năm, cúng Giao Thừa xong, muốn cắm một cây nhang ở ngoài trời cũng không được, vì toàn là tuyết và tuyết. Không sao! Dù chỉ là những ngày cuối năm "giả thuyết," những chiều 30 "bịa đặt," những Giao Thừa "tự chế" (biến), những ngày đầu năm "hư cấu," thế nhưng, năm nào gia đình tôi cũng lấy một hay vài ngày nghỉ phép (nghỉ làm, nghỉ học) để "ăn Tết." Mứt bánh thiệp chúc mừng quà cáp tiền lì xì cúng ông Táo cúng Tất Niên đi chợ Tết đi chùa hái lộc đi thăm bạn bè... Có đủ.

Ngoài Tết nhà, là Tết chợ. Không khí Tết dồn vào trong ba, bốn cái chợ, tọa lạc ở những khu riêng biệt, cách xa nhau. Dẫu vậy, đối với cộng đồng Việt Nam nhỏ bé ở đây, chợ là hình ảnh của một quê nhà thu nhỏ. Không thiếu thứ gì: chậu mai, chậu đào, phong pháo, bánh chưng, bánh tét, mứt dừa, mứt khoai, mứt gừng, mứt bí, hạt dưa, bao lì xì, dưa hành, câu đối, lịch coi ngày, hương đèn, hoa quả, nhạc xuân, báo Tết...

Đi chợ cũng là một cách ăn Tết: người người mua sắm, tiếng cười đùa, trò chuyện râm ran hòa cùng với tiếng hát vang vang từ băng nhạc Xuân: "...Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa một chiều Xuân tôi đã hẹn hò... bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng trông bánh chưng chờ trời sáng"... Ngậm ngùi lắng nghe tuổi thơ, lắng nghe quê nhà, lắng nghe xóm giềng qua tiếng trò chuyện lao xao của đồng hương chen chúc, lắng nghe những đói nghèo, lắng nghe những ước mơ đơn sơ và mộc mạc ngày cũ. Quá khứ quê nhà trộn lẫn với hiện tại tha hương.

Ngoài "Tết chợ," là "Tết chùa" hay "Tết nhà thờ," nơi mà tối 30 và ngày Mùng Một, các cơ sở tôn giáo này đều có những chương trình đặc biệt dành trọn cho các sinh hoạt Tết, cũng múa lân, hái lộc, cho tiền lì xì, đốt pháo... Và xôm tụ nhất là "Tết Cộng Đồng." Đây là một lễ hội truyền thống (với đủ thứ sinh hoạt: hội chợ, đánh bài, thi áo dài, thi tiếng Việt, chợ hoa, xổ số, hái lộc, múa lân, đốt pháo...) diễn ra ở nơi công cộng, dành cho không những tất cả cư dân Việt trong vùng, mà còn mở rộng ra chào đón cư dân các sắc tộc khác, với sự tham dự của các viên chức hành pháp và lập pháp địa phương như thị trưởng hay nghị viên Hội Đồng Thành Phố.

Tết Cộng Đồng, một mặt, duy trì và chuyển tải truyền thống văn hóa cho các thế hệ sau và một mặt, giới thiệu và giao thiệp văn hóa Việt Nam với các cộng đồng sắc tộc bạn. Đặc biệt lúc nào cũng có các "ca sĩ Cali" trong chương trình văn nghệ. Sự hiện diện của họ vừa để giúp vui, lại cũng vừa để Little Saigon "địa phương" chia sẻ phần nào không khí rộn ràng của Little Saigon "thủ đô."

Trong suốt hàng chục năm gia đình tôi cư ngụ ở vùng tuyết giá này, mùa Xuân không lúc nào vắng mặt. Đã ấm áp tình đồng hương, lại còn được sống trọn mùi vị và cảnh sắc quê nhà, từ bàn thờ tổ tiên, áo quần truyền thống cho đến mứt, bánh, hoa, pháo, bao lì xì, múa lân và đặc biệt nhất là được sống lại không khí thanh bình tươi vui của một miền Nam trước 1975 với bàn thờ tổ tiên, áo dài, khăn đóng, cờ xí, nhạc lính, nhạc tình, nhạc Xuân... Chẳng thế mà, đám con cháu tôi, dù đa phần sinh trưởng ở xứ người, nhưng vẫn còn rất là Việt Nam. Một niềm an ủi lớn! 

Trần Doãn Nho.

Sunday, 20 April 2025

Tóc Bạc & Sợ Vợ

 Chuyện Vãn: Quanh Chuyện Tóc Bạc & Sợ Vợ

Vương Trùng Dương

 Trong Thiên Long Bát Bộ của nhà văn Kim Dung có nhân vật Chung Vạn Cừu là chủ nhân của Vạn Kiếp cốc vừa bị vợ cắm sừng vừa sợ vợ. Đoàn Chính Thuần là Trấn Nam Vương, em trai Bảo Định Đế Đoàn Chính Minh nước Đại Lý. Đoàn Chính Thuần văn võ song toàn, nổi danh trong chốn võ lâm, đa tình với thói trăng hoa nên chinh phục được những người tình sắc nước hương trời, giỏi võ công.

Nguyễn Tinh Trúc, quái quỷ, ranh mãnh, bướng bỉnh, tiếng đàn Thiên Ma Cầm tấn công địch. Tần Hồng Miên, biệt hiệu Tu La Đao, vẻ đẹp ví như chim sa cá lặn. Lý Thanh La còn được gọi là Vương phu nhân, chủ nhân của Mạn Đà sơn trang, vừa đẹp, tài trí hơn người, võ nghệ cao cường. Cam Bảo Bảo biệt hiệu Tiếu Dược Xoa nhưng tuyệt thế giai nhân, giỏi võ. Khang Mẫn không biết võ công nhưng đẹp và rất hấp dẫn, "đôi mắt mang hình viên đạn" nên khi liếc chàng nào thì hồn xiêu phách tán, bà tự nguyện dâng hiến cho Đoàn Chính Thuần rồi bị chàng lửng lơ con cá vàng nên tìm đến Mã Đại Nguyên, phó bang chủ Cái Bang gọi là Mã phu nhân.

Cam Bảo Bảo tằng tịu với Đoàn Chính Thuần mang thai thì chàng cao bay xa chạy! Trong lúc buồn chán, Cam Bảo Bảo được Chung Vạn Cừu, chủ nhân  Vạn Kiếp Cốc, ngỏ lời yêu thương nên cháp nhận vì nghĩ đến đứa con trong bụng (sau nầy là Chung Linh), nàng quyết định cho con có nơi nương tựa tử tế. Thế nhưng "tình cũ không rủ cũng đến" Chung phu nhân vẫn lén lút hẹn hò với Đoàn Chính Thuần trong mật thất. Cung Vạn Cừu luôn ghen tuông với Đoàn Chính Thuần nhưng sợ Bảo Bảo ra phết, họ Chung cộc cằn thô lỗ nhưng khi Bảo Bảo cau mày tức giận thì Chung Vạn Cừu xẹp như cái bánh tiêu, không dám hó hé lời nào. Chung Vạn Cừu "nuôi con tu hú" mà không hề hay biết, và đầu ông có 2 chiếc sừng to tướng.

Lúc đó, đọc Thiên Long Bát Bộ ngoài chuyện thi tài võ công, chưởng pháp... của những nhân vật lừng danh chốn võ lâm còn thú vị với những chuyện lẩm cẩm sự đời rát thú vị. Mê gái, dại gái như Du Thản Chi. Sợ vợ và bị cắm sừng như Chung Vạn Cừu nên hai nhân vật nầy dùng để ví von cho nhân vật trong cuộc sống.

*

Trong bài viết trước đây Cái Tóc Là Góc Con Người chỉ đề cập đến nữ giới qua những dòng thơ và lời ca còn nam giới chẳng được hân hạnh "góc con người".

Cuối năm 1966, nhà thơ Luân Hoán bước vào quân trường, hình ảnh đầu tiên anh than thở với mái tóc bị "húi" sạch gọi là "tóc ba phân" và nếu đứng xa nhìn có lẽ "ngố" như nhau với tiêu chuẩn ấn định.

Bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng là một trong những bài thơ hay nhất của ông với hình ảnh:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Sau vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm, Quang Dũng bị lên án đã viết những bài thơ ủy mị, tiểu tư sản, thiếu yếu tính giai cấp. Bài thơ Tây Tiến bị lên án "đoàn quân không mọc tóc, quân xanh màu lá" là đả kích, chế diễu bị sốt rét xanh xao đến nổi không còn sợi tóc!...

Kể từ khi bước vào quân trường, sáu thập niên trôi qua, Luân Hoán cũng như tôi, tóc đen đi chỗ khác chơi với lão ông từ hoa râm đến tóc bạc. Và, câu chuyện hớt tóc của tôi:

Nhiều lần "ta lại hẹn ta" uống cà phê xong rồi đi hớt tóc nhưng rồi y chang như bốn câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn.

"Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc

Vô tình ngang một quán cà-phê

Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn

Mải mê tán dóc chẳng cho về..."

Thề rồi buổi chiều ra hớt tóc. Cô thợ hớt tóc  hỏi "Bác có muốn nhuộm tóc không?".

Tôi nói ngày xưa cụ Nguyễn Công Trứ đã khuyên tôi: "... Nhân tình (thế thái) đã biết rồi. Lạt như nước ốc bạc như vôi" nên không nhuộm. Cô hỏi: "Cụ Nguyễn Công Trứ là gì của bác?".

Tôi nói: Cụ là chủ nhân "Làm cây thông đứng giữa trời mà reo", tôi là người quét lá thông cho cụ.

Cô nói: "Tính bác vui vẻ, nếu bác nhuộm tóc thì trông cũng trẻ".

Tôi nói: "Phụ nữ lớn tuổi sợ tóc bạc còn đàn ông hầu hết không sợ tóc bạc mà sợ vợ"

-  Sao vậy bác?

-  Đầu bạc thì vợ không để ý, nếu nhuộm thì vợ nghi ngờ "có vấn đề" mèo chuột cô nào nên vừa lái xe ra khỏi nhà, vợ theo dõi, mở iPhone xem đến đâu, ghé lại nơi nào? Không còn tự do tự tại với cái thú thích lang thang.

-  Bác là nhà văn nên nói chuyện vui quá, chắc ngày xưa bác bay bướm

-  Bướm có bay chỗ nầy chỗ khác nhưng không có hoa nào cho bướm đậu!...

Nơi xứ người, đàn bà khi gặp nhau trò chuyện không đề cập chuyện sợ chồng nhưng cánh đàn ông lại bàn đến "cheveux" (chevuex là tóc, âm tiếng Pháp đọc thành sợ vợ) nên thường dùng tiếng Pháp thay cho tiếng Việt.

Trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du với hình ảnh Thúc Sinh -  đệ nhất cao thủ võ lâm... sợ vợ - vì máu ghen của Hoạn Thư"!

Thúc Sinh cũng là tay chơi khi cứu Thúy Kiều thoát khỏi chốn lầu xanh nhưng khi máu ghen Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh - nổi trận lôi đình, Hoạn Thư ra tay hành hạ Thúy Kiều, người tình của Thúc Sinh làm "trò chơi nhân gian hạ độc" ra hầu rượu cho mình:

"Sinh càng nát ruột tan hồn

Chén mời phải cạn bồ hòn ráo ngay".

Sai Kiều đánh đàn trước mặt như trò tiêu khiển nhưng Thúc Sinh đành ngậm bồ hồn:

"Giọt châu lã chã khôn cầm

Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt sương".

"Sinh đà rát ruột như bào

Nói ra chẳng tiện, trông vào chẳng đang".

Thúc Sinh nhu nhược câm như hến, không dám hó hé, ngăn cản bảo vệ người tình!. Và rồi phủi tay với người tình Thúy Kiều:

"Liệu mà xa chạy cao bay,

Ái ân ta có ngần nầy mà thôi!"

Trong quyển Việt Nam Thi Văn Giảng Luận, Hà Như Chi đã phê bình: "Thúc sinh có thương Kiều nhưng hành vi cử chỉ của chàng chỉ cho ta nhận thấy ở chàng một kẻ mê gái tầm thường, đến lúc không có cách gì gần người đẹp nữa thì chỉ còn biết nuốt nước bọt trông theo mà không làm gì hơn nữa".

Thế là, Hoạn Thư bắt Kiều phải viết tờ cung khai kể lại sự tình. Trong đó, Kiều trình bày nguyện vọng xin được đi tu. Hoạn Thư dĩ nhiên cho xuất gia, tu ở Quan Âm Các ngay sau tư dinh, lấy pháp danh Trạc Tuyền.

"Phật tiền thảm lấp sầu vùi,

Ngày pho thủ tự, đêm nhồi tâm hương...".

Chữ "sợ" theo tự điển: Ở trạng thái không yên lòng vì cho rằng có cái gì đó trực tiếp gây nguy hiểm, tác hại bản thân, không thể chống lại hoặc tránh khỏi. Không yên lòng đo lường trước sự việc xảy ra...  "Sợ vợ là trạng thái tâm lý của người chồng thường được biểu lộ qua ngôn ngữ, cử chỉ hay hành động mà ở đó biểu hiện sự phục tùng của người chồng đối với vợ về một hay nhiều phương diện trong cuộc sống".

Cần phân biệt sợ vợ với tôn trọng vợ, nể vợ, yêu vợ và nhường nhịn vợ. Tôn trọng vợ là sự tương kính với nhau. Nể vợ là cảm thấy khó làm trái ý, làm mất lòng vợ vì lòng quý mến. Yêu vợ là có tình cảm dễ chịu khi tiếp xúc với vợ, muốn gần gũi và thường vì vợ mà hết lòng. Nhường nhịn vợ là chịu phần kém, phần thiệt về mình, để cho vợ được hưởng phần hơn trong quan hệ đối xử.

Còn đối với sợ vợ là biểu hiện sự phục tùng của người chồng đối với vợ. Tuy nhiên, sự phục tùng này có thể xuất phát từ việc kính, nể, tôn trọng, yêu thương, chiều chuộng vợ hoặc có thể ngược lại.

Tục ngữ có câu: "Nhất vợ nhì trời. Lệnh ông không bằng cồng bà".

Ca dao còn có câu:

"Trời ơi ngó xuống mà coi

Vợ tôi nó đánh bằng roi trâm bầu"

Và, ví von lập luận của phe sợ vợ:

"Muốn cho trong ấm ngoài êm

Vợ ta, ta sợ cả đêm lẫn ngày.

Muốn cho êm ấm cửa nhà

Vợ kêu chồng dạ bẩm bà, tôi đây!"

Sợ vợ chẳng có gì lạ, là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Ngày xưa với quan niệm Á Đông thì ít đề cập đến sợ vợ vì giữ Tam Tòng: Tại gia tòng phụ,  xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Và câu tục ngữ "Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng" nên không có chuyện sợ vợ. Vài giai thoại cho rằng sợ vợ có sự khác nhau được ví von như:

Đàn ông Pháp khi sợ vợ thường chui vào hầm rượu vang, uống cho thật say và nằm im. Đến khi tỉnh lại, họ đi kiếm một chai Champagne mang về tạ lỗi.

Đàn ông Anh khi sợ vợ thường kiếm một đám sương mù thật dày đặc để chui vào. Trong đám sương đó, họ lén lút viết đơn xin ly dị và để rồi lén lút đốt đi khi sương tan.

Đàn ông Tây Ban Nha mỗi khi sợ vợ là chán đời đi đánh nhau với bò tót. Sợ càng nhiều, họ đánh lại càng hăng. Kết quả là các nhà vô địch sợ vợ đều ít khi trở về nhà sau mỗi trận đấu, hoặc nếu có trở về thì cũng khiến cho vợ thất vọng tràn trề vì "gia tài còn lại một vòi nước trong".

Đàn ông Ý khi sợ vợ thường chui vào bếp nấu món mỳ ống. Nấu nướng xong, họ bưng lên, rắc cà chua và phó-mát vào, rồi ngồi chờ vợ cho phép mới dám ăn.

Đàn ông Đức mỗi khi bị vợ mắng là ra xe hơi nằm. Chính những lúc tâm hồn u uất, nằm suy nghĩ về những mối tương quan vật chất và tinh thần giữa vợ và xe vậy mà họ làm ra được những chiếc xe hơi nổi tiếng nhất thế giới.

Không thấy đàn ông Mỹ khi sợ vợ thì thế nào? Các cụ ta ở Mỹ khi sợ vợ thì chui vào đâu?

Sợ vợ cũng tùy theo độ tuổi, trung niên (30-40), sồn sồn (50-60), già (70-80), già khú đế (80 trở lên) ... Ở đây chỉ nói về giai đoạn tóc bạc cho vui.

"Tuổi chiều trắng tóc bạc râu

Nhớ em chết dở, sống đau từng ngày!"

(Hà Huyền Chi)

Có lần trong quán cà phê, lúc trà dư tửu hậu, bàn chuyện này, tôi cảm thông và bênh vực "Hội Les Cheveux". Ông bạn già ở xa ghé chơi, thấy tôi hút thước lá liên tục nên hỏi: "Mỗi ngày ông hút bao nhiêu điếu?". Tôi nói: "Trung bình mỗi ngày một gói ba số 5, nhưng khi ngồi trong garage viết lách, làm báo, nghe nhạc thì hút nhiều hơn". Ông ta liến phán: "Thế là ông không sợ vợ, vì không có bà nào để cho chồng hút nhiều như vậy". Tôi trả lời: "Không phải tôi không sợ vợ mà năn nỉ vợ thông cảm vì khi đi tù về, tôi hành nghề vấn thuốc lá, vấn chui mỗi ngày sao cả chục kí lô thuốc rê trong căn phòng nhỏ khói ngập cả căn phòng... thế mà khi đi diện H.O, khám phổi tốt, trong vài người bạn lại bị nám phổi". Ông nói "Chuyện ngày xưa ở trong nước, bà nào cũng đồng tình với chồng hút thuốc thoải mái nhưng qua đây lại ngăn cấm". Thôi thì ăn theo thưở ở theo thời, lỡ "phóng lao theo lao" đã bước vào tuổi tám bó, có còn hơn không!

Đầu năm 1975, Phim Màu Scope: Sợ Vợ Mới Anh Hùng do Mỹ Vân phim sản xuất. Với phim hài vì hai chữ sợ sợ tương phản với anh hùng. Sau nầy ở Mỹ, năm 1989 hài kịch Sợ Vợ Mới Anh Hùng do nghệ sỹ Túy Hồng đạo diễn với: Hùng Cường vai Chú Phón, La Thoại Tân vai  ông chủ, Túy Hồng vai Chị Năm và các diễn viên trong ban kịch Túy Hồng.

Thơ rằng: "Sợ vợ thì mới anh hùng

Nếu không sợ vợ... nửa khùng nửa điên"

(Thử hình dung với cái đài phát thanh trong nhà, suốt ngày đêm xướng ngôn viên cứ ra rả, cằm rằm, than vãn, đàn áp lỗ tai, không khùng điên mới lạ. Ngày trước nói rằng "điếc không sợ súng" nơi chiến trận thì nay "điếc không sợ vợ" trong nhà)

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong bài phiếm Tôi Nhìn Ra Tôi có ta thán về cái già xồng xộc đã đến với mình, và ông tẩn mẩn phân tích diễn biến từ "già" tiến dần đến "già khú" (chắc là hư thúi như dưa khú?), rồi ngất ngưởng leo lên bậc "già khú đế" (hàng vương tước của già khú?) Tuy nhiên người ta có câu "tình yêu không có tuổi". Thế nên dù là già, già khú, hay già khú đế, các cụ vẫn bị thần tình yêu Cupid bắn tên ngay chóc trúng tim, từ chết ngắc đến bị thương nằm la liệt trên chiến trường.

Hôm ngồi uống cà phê gặp ông bạn cũ khá lâu, cùng đi với "phu nhân" (?) cũng loại "già khú", bà thì tóc giả, còn ông nhuộm tóc đen nhưng lông mày và râu không nhuộm nên khuôn mặt nổi bật hai màu trắng, đen... trông cũng ngồ ngộ.

Tôi thích bài viết của nhà văn Tràm Cà Mau với Phiên Phiến Tuổi Già với câu cuối "Tuổi già, cứ phiên phiến với mọi sự, cho khoẻ, cho sướng cái thân già của mình". Chỉ có những lão ông thích của lạ "trâu già gặm cỏ non" mới bày trò "dị dung thuật" trông cũng hơi quái dị! Mài sừng cho lắm cũng là trâu! Với tôi, được sinh ra sao, để vậy, cứ phiên phiến tuổi già... "tri nhàn, tiện nhàn" trong cõi nhân gian.

Little Saigon, April 2025

Vương Trùng Dương