Vị Đạt lai Lạt ma thứ 15 sẽ được chọn như thế nào?
Đỗ Quân (tổng hợp)
Hôm 30 tháng 6, sự kiện mở đầu "Năm Từ Bi", một chuỗi sự kiện quốc tế tôn vinh công việc của Đức Đạt lai Lạt ma Tenzin Gyatso vì hòa bình thế giới và Tây Tạng, đã diễn ra tại chùa Tsuglakhang, Dharamshala với sự tham dự của khoảng 7,000 người. Sự kiện có mặt các vị Lạt Ma nổi bật như Sakya Gongma Rinpoché, Gaden Tri Rinpoche, cùng đại diện Phật giáo, Ấn Độ giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Baha'i, Do Thái giáo, Jain giáo, Sikh giáo và các tôn giáo khác.
Phật
sống
Trong Phật giáo Tây Tạng, khái niệm "Phật sống" (hay
"Tulku" trong tiếng Tây Tạng) chỉ những vị Lạt Ma được công nhận là
hóa thân tái sinh của một bậc thầy giác ngộ hoặc một vị thánh đã đạt được trình
độ tâm linh cao. Họ được xem là tái sinh có chủ đích để tiếp tục sứ mệnh hoằng
dương Phật pháp và cứu độ chúng sinh. Khái niệm này bắt nguồn từ giáo lý về
luân hồi và nghiệp, kết hợp với niềm tin vào khả năng của các bậc giác ngộ kiểm
soát quá trình tái sinh.
"Phật sống" thường được xác định thông qua các dấu hiệu tâm
linh, như giấc mơ, lời tiên tri, hoặc khả năng nhận biết đồ vật của vị tiền
nhiệm. Các vị nổi tiếng như Đạt lai Lạt ma và Ban Thiền Lạt Ma là ví dụ điển
hình. Việc lựa chọn thường bao gồm nghi lễ tôn giáo, tham vấn các bậc thầy và
đôi khi sử dụng phương pháp "Kim bồn" do nhà Thanh thiết lập để bảo
đảm tính công bằng.
Vai trò của
"Phật sống" không chỉ giới hạn trong tôn giáo mà còn ảnh hưởng lớn
đến văn hóa, chính trị và xã hội Tây Tạng. Các vị Phật sống là cầu nối giữa
truyền thống tâm linh và đời sống cộng đồng, dẫn dắt tín đồ qua giáo lý và thực
hành. Tuy nhiên, khái niệm này cũng gây tranh cãi, đặc biệt khi các thế lực
chính trị, như Trung Quốc, can thiệp vào việc công nhận tái sinh vì mục đích
kiểm soát.
Tại sự kiện này, Đức Đạt lai Lạt ma, vị lãnh đạo thần quyền và thế quyền
lưu vong của Tây Tạng nói: "Dù đã 90 tuổi, tôi vẫn khỏe mạnh. Tôi đã cống
hiến cho người Tây Tạng, Phật pháp và thiết lập mối liên kết với mọi người trên
thế giới, thảo luận với các nhà khoa học. Cuộc đời tôi đã mang lại lợi ích cho
nhân loại, và tôi tiếp tục dành phần đời còn lại để phụng sự."
Về vấn đề tái sinh, vị Phật sống thứ 14 của Tây tạng khẳng định:
"Sẽ có một khung kế hoạch để duy trì truyền thống Đạt lai Lạt ma. Tôi sinh
ra ở Domey, học tập ở Lhasa, và quyết tâm tiếp tục phục vụ Phật pháp và chúng
sinh."
Hai ngày sau đó, Đức Đạt lai Lạt ma Tenzin Gyatso đã đưa ra một một
thông điệp qua video.
Người đoạt giải Nobel Hòa bình đã lặp lại rằng Quỹ Gaden Phodrang của
ngài sẽ có toàn quyền lựa chọn người kế nhiệm. Tuyên bố này rõ ràng đã bác bỏ
tuyên bố của Trung Quốc về việc kiểm soát việc tái sinh của nhà lãnh đạo tâm
linh Tây Tạng, chấm dứt những đồn đoán về việc ngài có thể là người cuối cùng
của trường phái Gelug.
Quyết định này mang ý nghĩa tâm linh, văn hóa và địa chính trị sâu sắc,
mở ra một cuộc đối đầu mới với Bắc Kinh và gây ra nhiều phản ứng khác nhau từ
các chính phủ, cộng đồng tôn giáo và các nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế
giới.
Đạt lai Lạt
ma
Đạt lai Lạt ma (Dalai Lama) là một tước hiệu tôn giáo và tâm linh cao
quý trong Phật giáo Tây Tạng, đặc biệt thuộc trường phái Gelug (Mũ Vàng).
"Đạt lai" (Dalai) xuất phát từ tiếng Mông Cổ, nghĩa là
"đại dương", biểu tượng cho sự rộng lớn và sâu sắc của trí tuệ.
"Lạt ma" (Lama) trong tiếng Tây Tạng nghĩa là "bậc thầy"
hoặc "đạo sư". Do đó, "Đạt lai Lạt ma" có thể hiểu là
"Bậc Thầy Đại Dương" hoặc "Đạo sư của Trí tuệ Vô biên".
Danh xưng này được Altan Khan (A nhĩ Thản hãn), một vị vua Mông Cổ trao lần đầu
tiên vào năm 1578 cho Sonam Gyatso, vị Lạt ma thứ ba của dòng Gelug. Ông được
gọi là "Đạt lai Lạt ma thứ 3". Hai vị tiền nhiệm, Gedun Drupa và Gedun
Gyatso, được truy phong là Đạt lai Lạt ma thứ 1 và thứ 2.
Về ý nghĩa và vai trò tâm linh, Đạt lai Lạt ma được coi là hóa thân của
Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara), hiện thân của lòng từ bi, tái sinh để dẫn
dắt chúng sinh và bảo vệ Phật pháp. Từ thế kỷ 17, với Đạt lai Lạt ma thứ 5
(Ngawang Lobsang Gyatso), tước hiệu này còn mang vai trò lãnh đạo chính trị Tây
Tạng, cai quản cả tôn giáo và thế tục cho đến năm 1959, khi Đạt lai Lạt ma thứ
14 phải lưu vong.
Với Tenzin Gyatso, Đạt lai Lạt ma không chỉ là lãnh đạo tinh thần của
người Tây Tạng mà còn là biểu tượng toàn cầu về hòa bình và từ bi. Ngài đã được
trao Giiải Nobel Hòa bình năm 1989.
Quy trình kế vị Đạt lai Lạt ma được chọn thông qua việc tái sinh, dựa
trên các dấu hiệu tâm linh, tiên tri và nghi lễ. Từ thế kỷ 18, nhà Thanh từng
áp dụng phương pháp "Kim bồn" để giám sát việc này. Nhưng với tuyên
bố tuần trước, vị Đạt lai Lạt ma thứ 14 khẳng định rằng Quỹ Gaden Phodrang sẽ
chịu trách nhiệm tìm kiếm và công nhận người kế vị, không chịu sự can thiệp từ
bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Đức Đạt lai
Lạt ma và Truyền thống Tái sinh
Đức Đạt lai Lạt ma đã là nhân vật trung tâm của Phật giáo Tây Tạng trong
hơn 600 năm.
Trong nhiều thế kỷ, việc tìm kiếm hóa thân của Đạt lai Lạt ma là một
tiến trình tâm linh sâu sắc và phức tạp. Khi Đạt lai Lạt ma đương nhiệm qua
đời, các Lạt ma cao cấp và các nhà sư bắt tay vào cuộc tìm kiếm, thường được
hướng dẫn bởi những giấc mơ, điềm báo và hướng khói từ việc hỏa táng. Họ tìm
kiếm một đứa trẻ sinh ra vào khoảng thời gian vị tiền nhiệm qua đời, thể hiện
những phẩm chất phi thường và nhận ra các vật phẩm thuộc về hóa thân trước
đó.
Ra đời ngày 6 tháng 7 năm 1935, tại một ngôi làng hẻo lánh Taktser, tỉnh
Thanh Hải, Tây Tạng, cậu bé Lhamo Dhondup được xác định là Đạt lai Lạt ma thứ
14 khi mới lên hai tuổi. Việc xác nhận được thực hiện qua các dấu hiệu truyền
thống, bao gồm linh kiến của một vị tăng cao cấp và việc cậu bé nhận ra đồ vật
của Đức Đạt lai Lạt ma thứ 13. Được tấn phong chính thức vào năm 1950, Đức Đạt
lai Lạt ma Tenzin Gyatso đảm nhận vai trò lãnh đạo tâm linh và chính trị của
Tây Tạng. Chín năm sau, ngài chạy trốn sang Ấn Độ sau một cuộc nổi dậy thất bại
chống lại sự cai trị của Trung Quốc. Kể từ đó, ngài sống ở Dharamshala, lãnh
đạo chính phủ Tây Tạng lưu vong và vận động cho quyền tự trị và bảo tồn văn hóa
Tây Tạng.
Bình Vàng
"Kim bồn" (hay còn gọi là "bình vàng", "Kim bồn
hòa thượng pháp") là quy trình đặc biệt được nhà Thanh (1644–1912) thiết
lập để lựa chọn các Đạt lai Lạt ma tái sinh, được áp dụng từ cuối thế kỷ 18,
dưới thời vua Càn Long.
Sau khi củng cố quyền lực tại Tây Tạng qua các chiến dịch quân sự, nhà
Thanh nhận thấy cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc lựa chọn các Đạt lai Lạt Ma tái
sinh nhằm tránh các tranh chấp nội bộ trong giới tăng lữ Tây Tạng và ngăn chặn
các thế lực địa phương củng cố quyền lực riêng.
Năm 1792, vua Càn Long ban hành "Điều lệ 29 điểm" để cải tổ hệ
thống quản lý Tây Tạng. Trong đó, phương pháp Kim bồn được chính thức hóa nhằm
chuẩn hóa việc lựa chọn các Lạt ma cao cấp, đặc biệt là Đạt lai Lạt ma và Ban
thiền Lạt ma .
Quy trình này gồm có 4 bước:
1.Các nhà sư cao cấp và hội đồng tìm kiếm tái sinh chọn các ứng viên
tiềm năng (thường là trẻ em được cho là hóa thân của Đạt lai Lạt ma tiền
nhiệm). Họ dựa trên các dấu hiệu tâm linh, giấc mơ, lời tiên tri, hoặc các biểu
hiện đặc biệt của đứa trẻ. Các ứng viên được kiểm tra kỹ lưỡng, bao gồm việc
xác minh các dấu hiệu phù hợp với truyền thống Phật giáo Tây Tạng, như khả năng
nhận ra đồ vật của vị Đạt lai Lạt ma tiền nhiệm.
2.Một chiếc bình vàng được chuẩn bị và đặt tại một địa điểm linh thiêng,
thường là trong chùa Jokhang (Đại Chiêu Tự) ở Lhasa, trước tượng Phật Thích Ca
Mâu Ni. Tên của các ứng viên được viết trên giấy hoặc que tre, bọc trong lụa
vàng, và đặt vào trong bình.
3.Một buổi lễ long trọng có sự tham gia của các vị cao tăng, quan chức
Tây Tạng, và đại diện của triều đình (thường là Amban – Khâm sai đại thần nhà
Thanh đóng tại Lhasa). Một cao tăng hoặc quan chức được chỉ định sẽ rút thăm từ
bình vàng. Ứng viên trên thăm được rút ra được coi là hóa thân tái sinh.
4.Sau cuộc rút thăm, ứng viên được chọn sẽ trải qua các nghi lễ tôn giáo
và kiểm tra thêm để xác nhận tư cách hóa thân. Triều đình nhà Thanh sẽ phê
chuẩn kết quả, và Đạt lai Lạt ma mới được chính thức công nhận.
Kim bồn được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1796 để lựa chọn Đạt lai Lạt
ma thứ 9 (Lungtok Gyatso) cũng được sử dụng cho nhiều vị Đạt lai Lạt ma tái
sinh khác, bao gồm cả Ban thiền Lạt ma.
Sau khi nhà
Thanh sụp đổ (1912), phương pháp Kim bồn không còn được sử dụng chính thức. Tuy
nhiên gần đây nhất, vào tháng 11 năm 1995, phương pháp Bình Vàng đã được dùng
đến để đưa Qoigyijabu (Gyancain Norbu) vào vị trí Ban thiền Lạt ma thứ 11. Hành
động này đã được Trung quốc chấp thuận, nhưng bị Chính phủ Tây Tạng lưu vong
phản đối. Trước đó vào tháng 5, Đức Đạt lai Lạt ma thứ 14, Tenzin Gyatso đã
chọn Gedhun Choekyi Nyima là Ban thiền Lạt ma thứ 11.
Truyền thống Phật giáo Tây Tạng cho rằng các bậc giác ngộ như Đức Đạt
lai Lạt ma có thể lựa chọn nơi tái sinh để tiếp tục công việc tâm linh của
mình.
Tuy nhiên, bối cảnh chính trị đã thay đổi đáng kể sau cuộc xâm lược Tây
Tạng của Trung Quốc vào năm 1950 và việc Đức Đạt lai Lạt ma buộc phải lưu vong
sang Ấn Độ. Kể từ đó, Bắc Kinh ngày càng tìm cách khẳng định quyền kiểm soát
đối với việc tái sinh, coi đó là vấn đề chủ quyền quốc gia chứ không phải tự do
tôn giáo. Lập trường của họ bắt nguồn từ phương pháp xổ số "Kim Bồn"
thời nhà Thanh được giới thiệu vào năm 1793, mà Trung Quốc công nhận để hợp
pháp hóa sự can thiệp của họ.
Minh chứng rõ ràng nhất cho cuộc đấu tranh quyền lực này diễn ra vào năm
1995, khi Đức Đạt lai Lạt ma công nhận cậu bé Gedhun Choekyi Nyima là Ban thiền
Lạt ma thứ 11 (nhân vật cao thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng). Cậu bé Gedhun
Choekyi Nyima này đã bị Trung cộng bắt cóc và cho đến nay không còn ai biết đến
tung tích. Gyaincain Norbu, ứng cử viên của Bắc Kinh được đưa ra sau đó đã bị
người Tây Tạng và cộng đồng quốc tế coi là bất hợp pháp. Người ta cũng lo ngại
một trường hợp tương tự cũng sẽ xảy ra với người kế nhiệm khi Đức Đạt lai Lạt
ma qua đời.
Tuyên bố
của Đức Đạt lai Lạt ma năm 2025
Trong thông điệp video, được trình bày bằng tiếng Tây Tạng tại một buổi
tụ họp ở chùa Tsuglakhang, Đức Đạt lai Lạt ma nhấn mạnh rằng Quỹ Gaden
Phodrang, phối hợp với các lãnh đạo của các truyền thống Phật giáo Tây Tạng, sẽ
tiến hành việc tìm kiếm Đạt lai Lạt ma thứ 15 theo các phương pháp truyền
thống. Ngài trực tiếp thách thức tuyên bố kiểm soát của Trung Quốc khi nói:
"Không ai khác có quyền can thiệp vào vấn đề này".
Tuyên bố của Đức Đạt lai Lạt ma đã giải quyết những mơ hồ trước đó. Vào
năm 2011, ngài gợi ý về khả năng chấm dứt thể chế hoặc thậm chí chọn một người
kế nhiệm trưởng thành qua "hóa thân" trong thời gian ngài còn sống để
tránh khoảng trống lãnh đạo. Tuy nhiên, các cuộc tham vấn với các nhà lãnh đạo
Tây Tạng và những lời kêu gọi từ các Phật tử trên toàn thế giới, bao gồm cả
những người ở Tây Tạng do Trung Quốc kiểm soát, đã thuyết phục ngài duy trì sự
chuyển kiếp truyền thống. Đức Đạt lai Lạt ma cũng lặp lại rằng người kế nhiệm
của mình sẽ được sinh ra trong một "thế giới tự do", ngoài tầm kiểm
soát của Trung Quốc, một lập trường được nhắc lại trong cuốn sách xuất bản
tháng 3 năm 2025 của ngài, Tiếng Nói cho Người Không Có Tiếng Nói.
Cuốn sách tuyên bố rõ ràng rằng những người Cộng sản Trung Quốc, những người
phủ nhận tôn giáo, không có vai trò trong sự tái sinh, kêu gọi người Tây Tạng
từ chối bất kỳ ứng cử viên nào do Bắc Kinh chỉ định.
Samdhong Rinpoche, một giới chức cao cấp của Quỹ Gaden Phodrang, giải
thích rõ rằng người kế nhiệm có thể thuộc bất kỳ giới tính nào và không bị giới
hạn ở quốc tịch Tây Tạng, mở rộng phạm vi tìm kiếm. Penpa Tsering, lãnh đạo của
Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA), nhấn mạnh rằng việc lựa chọn hóa thân
Phật sống sẽ độc lập với sự can thiệp của Trung Quốc, củng cố quyết tâm của
người Tây Tạng trong việc bảo tồn di sản tâm linh và văn hóa của họ.
Cộng đồng người Tây Tạng, cả lưu vong ở nước ngoài và trong Trung Quốc,
đã đoàn kết ủng hộ thông báo của Đức Đạt lai Lạt ma. Hội nghị Tôn giáo Tây Tạng
lần thứ 15, với sự tham gia của 115 Lạt ma và đại diện từ tất cả các trường
phái Phật giáo Tây Tạng chính, đã thông qua một nghị quyết ba điểm vào ngày 2
tháng 7 năm 2025, khẳng định quyền hạn duy nhất của Đức Đạt lai Lạt ma và lên
án sự can thiệp của Trung Quốc. Nghị quyết nhấn mạnh sự đoàn kết của người Tây
Tạng và việc bảo tồn di sản tôn giáo của họ, với sự ủng hộ từ các lãnh đạo như
Sakya Trizin thứ 43 và Gyalwang Karmapa thứ 17. Người Tây Tạng lưu vong, với
khoảng 140,000 người trên toàn cầu, coi thông báo này như một biện pháp bảo vệ
chống lại sự kiểm soát của Trung Quốc, gìn giữ di sản của Đức Đạt lai Lạt ma
như một biểu tượng của bản sắc văn hóa và tâm linh của họ.
Tại Tây Tạng, nơi hơn sáu triệu người Tây Tạng sống dưới sự cai trị của
Trung Quốc, tâm trạng công chúng khó đánh giá do sự đàn áp. Tuy nhiên, các cuộc
biểu tình trước đây, bao gồm hơn 100 vụ tự thiêu kể từ năm 2009, cho thấy sự
phản kháng mạnh mẽ đối với sự kiểm soát của Trung Quốc và lòng trung thành với
Đức Đạt lai Lạt ma. Lời kêu gọi của ngài về việc từ chối người kế nhiệm do Bắc
Kinh chỉ định đã gây được tiếng vang với người Tây Tạng, những người xem ngài
là lãnh đạo tâm linh hợp pháp của họ.
Phản ứng
của Trung Quốc
Phản ứng của Trung Quốc diễn ra nhanh chóng và dễ đoán. Phát ngôn viên
Bộ Ngoại giao Mao Ning lặp lại lập trường của Bắc Kinh rằng việc tái sinh phải
được chính phủ trung ương phê duyệt, viện dẫn nghi thức Bình Vàng và các luật
của Trung Quốc, như Biện pháp Quản lý Tái Sinh của các Phật Sống năm 2007. Bắc
Kinh coi Đức Đạt lai Lạt ma là một người ly khai và nhất quyết rằng người kế
nhiệm phải được chọn trong biên giới Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung
Quốc, bao gồm Tân Hoa Xã, lập luận rằng "Phật sống" không thể tự
quyết định việc tái sinh của mình, định khung quy trình này như một vấn đề do
nhà nước kiểm soát dựa trên tiền lệ thời kỳ phong kiến.
Lập trường này là một phần của chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc
nhằm kiểm soát Phật giáo Tây Tạng và đàn áp bản sắc Tây Tạng. Kể từ khi sáp
nhập Tây Tạng vào năm 1951, Bắc Kinh đã tìm cách làm xói mòn ảnh hưởng của Đức
Đạt lai Lạt ma, cấm hình ảnh của ngài và tuyên truyền rằng ngài là mối đe dọa
đối với sự thống nhất quốc gia. Sự biến mất của vị Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 được
Đức Đạt lai Lạt ma công nhận vào năm 1995, bị thay thế bằng một ứng cử viên do
Trung Quốc chỉ định, là một thí dụ điển hình cho sự can thiệp này. Ban thiền
Lạt ma bị bắt cóc và gia đình của ngài vẫn mất tích, cho thấy Trung
Quốc luôn sẵn sàng thao túng việc kế thừa tôn giáo vì lợi ích chính trị. Các
nhà phân tích, trong đó có Robert Barnett , học giả về Tây Tạng, cho rằng một
Đạt lai Lạt ma do Trung Quốc chọn sẽ thiếu tính hợp pháp đối với người Tây
Tạng, những người phần lớn từ chối quyền hạn của Bắc Kinh trong các vấn đề tâm
linh.
Yêu sách của Trung Quốc về tiền lệ lịch sử bị bác bỏ, viện dẫn việc Bình
Vàng được sử dụng không nhất quán, đáng chú ý là cho Đạt lai Lạt ma thứ 11 và
12, nhưng không áp dụng cho các vị thứ 9, 13, hoặc 14. Truyền thống Tây Tạng ưu
tiên các dấu hiệu tâm linh hơn các nghi thức nhà nước, và việc Đức Đạt lai Lạt
ma sống lưu vong đã làm giảm thêm ảnh hưởng thực tế của Trung Quốc đối với thể
thức này. Việc Bắc Kinh khăng khăng kiểm soát được xem là một nỗ lực để hợp
pháp hóa sự cai trị của họ đối với sáu triệu dân Tây Tạng và chống lại ảnh
hưởng toàn cầu của Đức Đạt lai Lạt ma.
Phản ứng
của thế giới
Ấn Độ, nơi trú ngụ của Đức Đạt lai Lạt ma kể từ năm 1959 và là nơi sinh
sống của gần 85,000 người Tây Tạng lưu vong, là một trong những quốc gia có sự
ủng hộ quan trọng với Đạt lai Lạt ma. Vào ngày 3 tháng 7 năm 2025, ông Kiren
Rijiju, Bộ trưởng Các vấn đề thiểu số của Ấn độ, cũng là một Phật tử thuần
thành, tuyên bố: "Quyết định về người kế nhiệm thuộc về Đức Đạt lai Lạt
ma." Điều này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với lập trường thận
trọng trước đây của Ấn Độ, bị thúc đẩy bởi mối quan hệ tế nhị với Trung Quốc và
đường biên giới chung dài 2,000 dặm. Tuyên bố của ông Rijiju, được 46 nghị sĩ
Ấn Độ lặp lại vào tháng 3 năm 2025, phản ánh áp lực trong nước ngày càng tăng
để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt sau các căng thẳng biên giới
gần đây. Việc Ấn Độ tổ chức chính phủ Tây Tạng lưu vong và hỗ trợ văn hóa cho
Phật giáo Tây Tạng nhấn mạnh lợi ích chiến lược của nước này trong một trình tự
kế thừa tự chủ. Tuy nhiên, New Delhi vẫn thận trọng, cân bằng giữa việc ủng hộ
Đức Đạt lai Lạt ma và quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Câu hỏi về tái sinh có những tác động trong nước đối với Ấn Độ, đặc biệt
ở các bang Himalaya như Ladakh, nơi Phật giáo Tây Tạng có lượng người theo đông
đảo. Một sự kế thừa gây tranh cãi có thể gây ra bất ổn, và một Đạt lai Lạt ma
sinh ra ở Ấn Độ có thể làm phức tạp quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc. Tuy nhiên, sự im
lặng của Ấn Độ về Đức Ban thiền Lạt ma bị bắt cóc cho thấy một phương cách thực
dụng, tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh trong khi ủng hộ quyền tự chủ của
Đức Đạt lai Lạt ma.
Hoa Kỳ ủng hộ quyền của Đức Đạt lai Lạt ma trong việc chọn người kế
nhiệm. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố vào tháng 7 năm 2025
rằng Washington sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc tôn trọng tự do tôn giáo và chấm
dứt can thiệp vào việc kế thừa. Vào năm 2024, Tổng thống khi đó là Joe Biden đã
ký Đạo luật Giải quyết Tây Tạng, thúc ép Bắc Kinh đàm phán với các lãnh đạo Tây
Tạng để có quyền tự trị lớn hơn. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã rõ ràng từ chối vai
trò của Trung Quốc trong việc chọn Đạt lai Lạt ma kế thừa, coi đó là vi phạm
nhân quyền. Lập trường của Hoa Kỳ phù hợp với cuộc cạnh tranh rộng lớn hơn với
Trung Quốc, coi việc kế thừa của Đức Đạt lai Lạt ma như một bài kiểm tra về tự
do tôn giáo và quyền tự quyết của Tây Tạng. Hai quốc gia lân cận, Mông
Cổ và Nepal, cả hai đều có dân số Phật giáo Tây Tạng đáng kể, đối mặt với áp
lực từ Trung Quốc do sự phụ thuộc kinh tế. Một Đạt lai Lạt ma tái sinh ở một
trong hai quốc gia này có thể khiến Bắc Kinh giận dữ, làm phức tạp vị thế ngoại
giao của họ.
Liên minh Châu Âu và các quốc gia phương Tây khác đã bày tỏ lo ngại về
sự can thiệp của Trung Quốc vào các vấn đề tôn giáo, mặc dù phản ứng của họ ít
trực tiếp hơn Hoa Kỳ và Ấn Độ. Ảnh hưởng toàn cầu của Đức Đạt lai Lạt ma, mở
rộng ra ngoài Phật giáo, bảo đảm bảo rằng việc kế thừa của ngài vẫn là một vấn
đề được quốc tế quan tâm, với các nhóm nhân quyền như Ân xá Quốc tế lên án hành
động của Trung Quốc như một cuộc tấn công vào tự do tôn giáo.
Việc các lãnh đạo tôn giáo ngoài Phật giáo Tây Tạng, bao gồm Thiền Tông,
Ấn Độ giáo, Thiên Chúa giáo và nhiều tôn giáo khác đã tham dự sự kiện ở
Dharamshala, cho thấy sự ủng hộ liên tôn cho quyền tự chủ của Đức Đạt lai Lạt
ma.
Nhưng, như đã thấy ở phản ứng tức khắc của Trung cộng đối với tuyên bố
của Đức Đạt lai Lạt ma và những gì Bắc Kinh đã làm với Ban Thiền Lạt ma thứ 11
Gedhun Choekyi Nyima, khi Đức Đạt lai Lạt ma Tenzin Gyatso qua đời, chuyện có
hai Đạt lai Lạt ma thứ 15, là rất có thể. Một do Quỹ Gaden Phodrang lựa chọn
theo phương cách truyền thống và một do Trung quốc lập ra, có thể là sử dụng
Bình Vàng.
Trong một buổi lễ hôm 8 tháng 7, Đức Đạt lai Lạt ma đã đoan chắc rằng
tình trạng sức khỏe của ngài là "tuyệt vời" và nói mình sẽ sống thêm
40 năm nữa – đến 130 tuổi – tức là thêm hai mươi năm nữa so với tiên đoán trước
đây của ngài.
Đỗ Quân (tổng hợp)