Trung Quốc vô thần muốn thách thức truyền thống tái sinh trong Phật giáo Tây Tạng
Lãnh đạo của Phật giáo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma đã
mừng thọ 90 tuổi hôm 06/07 vừa qua và tuyên bố sẽ tái sinh, tiếp nối truyền
thống hàng ngàn năm ở Tây Tạng trong một thế giới tự do, xoá bỏ những nghi ngờ
rằng ngài sẽ là vị Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng. Việc chọn người tiếp nối Đạt Lai
Lạt Ma, một vấn đề tâm linh trong Phật Giáo Tây Tạng, đã trở thành vấn đề chính
trị khi Trung Quốc "phi tôn giáo" muốn can thiệp, tự chọn người kế
vị.
Chi Phương
Với tên khai sinh là Tenzin
Gyatso, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 là vị lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng hưởng thọ lâu
nhất từ 600 năm qua, qua các đời Đạt Lai Lạt Ma. Tự mô tả mình là một "nhà
tu hành đơn thuần," Đạt Lai Lạt Ma được hàng triệu tín đồ tin theo, tôn
thờ ông như là một vị Phật sống, là người bảo hộ cho vùng đất thiêng. Ông đã
phải sống lưu vong, rời khỏi quê hương vào những năm 1950, khi Trung Quốc tiến
hành cuộc đàn áp quân sự, nhằm kiểm soát khu vực này.
Trở thành biểu tượng của khát vọng tự do, trong nhiều năm đấu tranh cho tự do
tôn giáo, vài ngày trước khi bước sang tuổi 90, ông đã dập tắt những đồn đoán
cho rằng mình là vị Đạt Lai Lạt Ma cuối cùng, tuyên bố sẽ có người kế nhiệm khi
ông qua đời. Văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ đạo việc tìm kiếm và công
nhận người kế nhiệm theo truyền thống lâu đời trong Phật giáo Tây Tạng.
Trong Phật Giáo Tây Tạng, tái sinh những tulku là những cao tăng giác ngộ, và
họ lựa chọn quyết định tái sinh để tiếp tục phụng sự chúng sinh. Sau khi chết,
tâm thức sẽ chuyển sang một thân xác mới. Đối với Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền
Lạt Ma (Penchen Lama), hai cao tăng có chức vị cao nhất, việc tái sinh của họ
được quy định rõ ràng. Để tìm ra người được tái sinh, đầu tiên phải dựa trên
những dấu hiệu, những điều đã được tiên tri, những điềm báo và một loạt bài
kiểm tra, ví dụ như xem đứa trẻ có phản ứng với những vật dụng của người tiền
nhiệm hay không.
Để tìm hiểu về truyền thống tái sinh này, cũng như những vấn đề địa chính trị
trước sự can thiệp của Trung Quốc, trong mục tạp chí xã hội tuần này, RFI Tiếng
Việt đã mời các chuyên gia về Tây Tạng, bà Katia Buffetrille, nhà nhân chủng
học, tại trường École Pratique des Hautes Études, và Nicola Schneider, nhà
nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Văn Minh Á Đông (Centre de recherche sur les
civilisations de l'Asie orientale). Cả hai đã nghiên cứu về Tây Tạng từ hơn hai
chục năm qua, với nhiều công trình nghiên cứu về nhân chủng học, cũng như tôn
giáo.
RFI : Đạt Lai Lạt Ma chiếm vị
trí như thế nào trong phật giáo Tây Tạng, và tầm quan trọng của tuyên bố về
việc ngài sẽ tái sinh được đánh giá như thế nào ?
Nicola Schneider : Vào năm 2011, lần đầu tiên người dân Tây
Tạng bầu chọn người đứng đầu chính phủ lưu vong và Đạt Lai Lạt Ma quyết định
rút khỏi chính trường, trao toàn bộ quyền cho chính phủ này. Trước đó, ông vừa
là lãnh tụ tinh thần, vừa là lãnh đạo về mặt chính trị. Năm đó, ông cũng đã
tuyên bố khi 90 tuổi sẽ quyết định liệu có tái sinh hay không. Trong suốt thời
gian này, hầu hết người Tây Tạng và các tín đồ đều mong muốn ông tái sinh. Đó
chính là điều mà ông đã tuyên bố.
Katia Bufetrille : Đối với người dân Tây Tạng, Đạt Lai Lạt
Ma được coi là hiện thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, của lòng từ bi. Có thể nói Đạt
Lai Lạt Ma thứ 14 đã minh chứng cho lòng từ bi, nhân ái đó trong suốt cuộc đời
mình. Vấn đề tái sinh của ngài không chỉ liên quan đến người dân Tây Tạng, đến
Phật tử nói chung, hay liên quan đến tín ngưỡng, bởi vấn đề thuần tuý về tôn
giáo đang trở trành vấn đề chính trị do sự can dự của Trung Quốc vào việc chọn
người kế nhiệm. Dù đã từ bỏ chính trị, sức hút của Đạt Lai Lạt Mai, đã đi nhiều
nơi và gặp nhiều lãnh đạo các nước, dù muốn hay không vẫn bị đặt trên bàn cờ
chính trị.
Nicola Schneider : Có thể nói Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 là một
trường hợp đặc biệt. Không phải tất cả các đời Đạt Lai Lạt Ma đều có tầm ảnh
hưởng quốc tế như ông, dĩ nhiên là vì trước đây thế giới chưa toàn cầu hóa mạnh
mẽ như hiện nay. Riêng ảnh hưởng vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, thông qua việc lên
tiếng vì hòa bình, lòng từ bi, các giá trị đạo đức mang tính phổ quát, đã vượt
ra ngoài phạm vi cộng đồng người Tây Tạng.
Ngày nay, hào quang của ông không chỉ trong thế giới Phật giáo, bao gồm cả các
quốc gia như Việt Nam, mà còn lan rộng hơn thế nữa. Có thể nói ông là một nhân
vật mang tính toàn cầu, thậm chí vượt ra ngoài khuôn khổ của riêng Phật giáo.
RFI : Việc Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
rút khỏi chính trường, ủy quyền cho chính phủ Tây Tạng lưu vong liệu có phải là
cách để dần tách tôn giáo khỏi chính trị ?
Katia Buffetrille : Đó là một quyết định có chủ đích,
nhằm xây dựng một nền dân chủ cho người Tây Tạng. Ông cho rằng mô hình cũ không
còn phù hợp, đặc biệt trong hoàn cảnh lưu vong. Điều đáng nói là ông không hề
được giáo dục theo tư tưởng dân chủ phương Tây, nhưng lại là người chủ động
thúc đẩy dân chủ. Dù ngay từ đầu ông đã phải đối mặt với nhiều chống đối trong
nội bộ, nhưng ông vẫn kiên định.
Nicola Schneider : Dù chính quyền Tây Tạng lưu vong đã trải qua
quá trình thế tục hóa, yếu tố tôn giáo vẫn còn hiện diện trong cơ cấu chính
trị. Quốc Hội Tây Tạng không giống mô hình nghị viện kiểu phương Tây, như
ở Pháp, nơi đại biểu được bầu theo đảng phái hoặc khu vực bầu cử thông thường.
Tại đây, Quốc Hội gồm cả đại biểu thế tục, được bầu theo ba vùng văn hóa lớn
của Tây Tạng: Ü-Tsang (Tây Tạng trung tâm), Kham và Amdo (Tây Tạng phía đông),
và 10 đại biểu đến từ các trường phái Phật giáo lớn, phần lớn là tăng sĩ. Trong
tổng số 45 nghị sĩ, đây là một thiểu số.
Một số người cho rằng điều này cho thấy ảnh hưởng tôn giáo vẫn tồn tại, thậm
chí chỉ trích đó là tàn dư của chế độ thần quyền. Nhưng quan điểm này không phổ
biến. Nhiều người Tây Tạng lập luận rằng việc có các tăng sĩ trong Quốc Hội là
cần thiết: họ không vướng bận đời sống gia đình, có thể dốc toàn tâm toàn lực
cho Tây Tạng.
RFI : Trung Quốc, đã nhiều lần
nhấn mạnh sự tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma phải được Bắc Kinh chấp thuận và người
tái sinh phải ở trên lãnh thổ Trung Quốc, cho rằng việc tái sinh là vấn đề chủ
quyền của nhà nước, việc nội bộ của Bắc Kinh. Vào năm 1995, chính phủ Trung
Quốc đã bổ nhiệm một Đức Ban Thiền Lạt Ma trái ngược với Đức Đạt Lai Lạt Ma
được công nhận hiện nay. Cụ thể, Bắc Kinh đã tìm cách biến việc tái sinh thành
công cụ chính trị, kiểm soát tâm linh Tây Tạng như thế nào ?
Nicola Schneider : Trung Quốc tin rằng nếu kiểm soát được
người kế nhiệm Đạt Lai Lạt Ma, họ sẽ gia tăng ảnh hưởng. Nhưng đó là điều phi
lý, bởi Trung Quốc là một chính quyền Cộng sản, vốn theo chủ nghĩa vô thần. Một
nhà nước vô thần sao lại đặt ra luật lệ về tái sinh, tức là những quy định tôn
giáo, và áp đặt chúng lên một dân tộc không phải người Trung Hoa, có văn hóa và
tín ngưỡng riêng biệt?
Trung Quốc ngày nay đã tự tạo ra một bộ quy tắc riêng để xác định hóa thân tiếp
theo của Đạt Lai Lạt Ma. Họ biện minh điều này dựa trên tiền lệ lịch sử. Đúng
là từng có một số trường hợp trong quá khứ, nhưng đó không phải là Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa như ngày nay. Đó là thời nhà Thanh, triều đại của người Mãn,
vốn không phải người Trung Quốc.
Người dân Tây Tạng vẫn luôn nhấn mạnh, cũng như Đạt Lai Lạt Ma đang cố gắng
truyền đạt trên trường quốc tế rằng quyền quyết định tái sinh phải thuộc về
người Tây Tạng, bởi đây là Phật giáo của họ, là văn hóa và bản sắc của họ.
Không ai từ bên ngoài có thể áp đặt điều đó.
Katia Buffetrille : Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng
"Chiếc bình vàng", một nghi thức do hoàng đế Mãn Thanh Càn Long thiết
lập vào thế kỷ 18 để chọn ra một ứng viên Đạt Lai Lạt Ma thông qua hình thức
bốc thăm. Tuy nhiên, theo một nhân chứng từng có mặt tại đền Jokhang vào thời
điểm đó và sau này đã trốn thoát, việc bốc thăm không hề minh bạch, vì một
trong các thẻ bốc có gắn que dài hơn, giúp dễ dàng nhận ra. Điều này đặt ra
nghi vấn nghiêm trọng về tính công bằng và hợp pháp của nghi thức.
Sự can thiệp của Trung Quốc rất mạnh mẽ, như việc Bảo tàng Guimet (Paris), bảo
tàng nghệ thuật châu Á lớn nhất châu Âu, đã loại bỏ từ "Tây Tạng"
khỏi các triển lãm, thay bằng cụm mơ hồ như "Himalaya và vùng đất
Tuyết" trong một cuộc trưng bày về nhà Đường. Nhiều người cho rằng việc
này nhằm chiều theo yêu cầu của Bắc Kinh. Đây là điều nghiêm trọng, vì nó cho
thấy Trung Quốc đang ảnh hưởng đến cách kể lại lịch sử và văn hóa, ngay cả tại
các bảo tàng quốc gia.
Chiến lược này không chỉ giới hạn ở châu Âu : tại Việt Nam, Nepal và Bhutan,
Bắc Kinh cũng gây áp lực để các nước này dùng từ "Xizang"(phiên âm
Hán ngữ của "Tây Tạng") thay vì "Tibet", giống như thể ta
gọi "France" là "Faguo" theo cách Trung Quốc, trong khi rõ
ràng đó không phải là cách gọi của người bản địa.
RFI : Tại một thế giới ngày càng
bị chia rẽ, các nước tranh nhau giành ảnh hưởng, vai trò của người kế nhiệm Đạt
Lai Lạt Ma sẽ ra sao ? Truyền thống tái sinh và vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 có thể
được duy trì, hay sẽ chấm dứt vòng luân hồi ?
Nicola Schneider : Việc tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma ảnh
hưởng sâu sắc đến đời sống người Tây Tạng. Tuy nhiên, sau khi một Đạt Lai Lạt
Ma qua đời, quá trình tìm hóa thân mới phải mất ít nhất 2 đến 3 năm. Ngay cả
sau đó, người được công nhận là hóa thân của ngài, vốn chỉ là một đứa trẻ, cũng
không thể đảm đương vai trò lãnh đạo tinh thần cho đến khi trưởng thành.
Theo truyền thống, giai đoạn này được điều hành bởi một nhiếp chính (Gyälpo)
không được bầu chọn, nắm quyền thay mặt Đạt Lai Lạt Ma cho đến khi hóa thân đủ
tuổi (khoảng 18 tuổi). Nhưng ngày nay, như đã khẳng định trong cuộc họp báo gần
đây, không còn cần đến nhiếp chính nữa, vì chính quyền Tây Tạng lưu vong đã là
một thể chế dân chủ có đầy đủ quyền lực.
Nếu sau này có một vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 15, ông sẽ không có sức ảnh hưởng về
mặt chính trị, mà chỉ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tinh thần. Đây là điều mà Đạt
Lai Lạt Ma thứ 14 đã tiên liệu từ rất sớm : Ngay từ năm 1969, ông đã công khai
quan điểm tách biệt tôn giáo và chính trị trong tương lai Tây Tạng.
Katia Buffetrille : Đạt Lai Lạt Ma tương lai sẽ gặp nhiều khó
khăn trong việc kế vị, bởi vì vị thứ 14 đã thực sự để lại dấu ấn sâu đậm trong
thời đại của mình. Người kế vị sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt đến tầm vóc đó.
Vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 6, giống như vị thứ 4, sinh ra bên ngoài Tây Tạng, vị thứ
4 sinh ở Mông Cổ, còn vị thứ 6 sinh tại Tawang, Arunachal Pradesh, một vùng
thuộc Ấn Độ nhưng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Vị thứ 6 không hề yêu
thích cuộc sống của một Đạt Lai Lạt Ma; ông thích thơ ca và phụ nữ hơn. Dù vậy,
ông vẫn được người Tây Tạng hết mực tôn kính. Ông không phải là một hành giả
trên con đường giác ngộ, nhưng đã để lại nhiều bài thơ hay và luôn là vị Đạt
Lai Lạt Ma thứ 6 trong lòng người Tây Tạng. Chức vị này không phải là một tước
hiệu có thể nhận hoặc từ bỏ như Giáo hoàng. Khi đã là Đạt Lai Lạt Ma thì suốt
đời đều là như vậy.
Chi Phương
No comments:
Post a Comment