Chiến lược ba lớp của Trung Quốc cho cuộc thương chiến kéo dài
Bắc Kinh
đang thực hiện một kế hoạch ba lớp: củng cố mặt trận trong nước, gây sức ép với
Mỹ, và tái định vị vị thế trên trường quốc tế.
Khi
cuộc chiến thuế quan Trung-Mỹ bước vào giai đoạn leo thang mới, với việc Trump
2.0 đề xuất tăng thuế mới, đẩy gánh nặng thuế quan thực tế của Mỹ đối với hàng
hóa Trung Quốc lên mức đáng kinh ngạc là 145% và Bắc Kinh đáp trả bằng cách
tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên 125%, các nhà hoạch định chính sách Trung
Quốc đã xóa bỏ mọi ảo tưởng còn sót lại về sự tan băng sắp xảy ra. Các tít báo
có thể tập trung vào thuế quan trả đũa và sự chậm lại của hoạt động vận chuyển
hàng hóa, nhưng nằm sâu bên dưới, một sự thay đổi quan trọng hơn đang diễn ra:
một sự hiệu chỉnh chiến lược dài hạn không nhằm mục đích leo thang với Washington,
mà là chịu đựng nó.
Ngoài
việc đáp trả Washington theo kiểu ăn miếng trả miếng, Trung Quốc đang hành động
thận trọng nhưng có chủ đích để quản lý rủi ro, giảm thiểu thiệt hại, và tái
định vị trên toàn cầu. Chiến lược mới nổi này được tổ chức thành ba lớp phản
ứng đồng tâm. Lớp trong cùng là một nỗ lực toàn diện nhằm ổn định nền kinh tế
trong nước. Lớp ở giữa tập trung vào việc gây áp lực đáp trả Mỹ, có tính toán
và cân nhắc giữa chi phí và lợi ích. Và lớp ngoài cùng hướng đến thế giới rộng
lớn hơn, nơi Trung Quốc đang nỗ lực chống lại sự cô lập về mặt ngoại giao và
tạo dựng không gian cho mình trong một trật tự toàn cầu ngày càng phân cực.
Củng
cố Kinh tế Trung Quốc
Ưu
tiên cấp bách nhất là khả năng phục hồi từ bên trong. Các nhà hoạch định chính
sách Trung Quốc không ảo tưởng rằng việc leo thang thuế quan sẽ sớm lắng dịu.
Theo đó, họ đã tăng cường nỗ lực chuyển hướng sang nhu cầu trong nước – giờ đây
đã được nâng từ mục tiêu kinh tế lên thành mệnh lệnh chiến lược. Sự thay đổi
hướng đến tiêu dùng trong nước, vốn đã được thảo luận từ lâu và thực hiện một
cách không liên tục, giờ đây không còn là tùy chọn nữa: nó đã trở thành biện
pháp phòng bị khả thi duy nhất chống lại sự cưỡng ép từ bên ngoài và hệ thống
đang được huy động để đáp trả.
Về
mặt chính sách, một gói biện pháp sâu rộng đang được triển khai. Trợ cấp trực
tiếp cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, đẩy nhanh việc phân phối phiếu mua
hàng tiêu dùng, các ưu đãi ổn định thị trường bất động sản, tín dụng thuế, và
hỗ trợ tài chính và tiền tệ đang được chuẩn bị để triển khai nhanh chóng. Các
chính quyền địa phương đã được chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ hộ gia đình. Các hạn chế
về thế chấp sẽ được nới lỏng tại hàng chục thành phố. Trợ cấp và tín dụng thuế
sẽ được mở rộng cho dịch vụ chăm sóc trẻ em, giáo dục và chăm sóc người già.
Nhìn
rộng hơn, Bắc Kinh đang định hướng tăng trưởng sang lĩnh vực dịch vụ, vốn ít bị
ảnh hưởng bởi gián đoạn thương mại và có khả năng hấp thụ lao động hơn. Du lịch
trong nước đang âm thầm trở nên cấp thiết hơn, được thúc đẩy bởi các chính sách
thị thực nới lỏng, cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số được cải thiện, và các
chiến dịch được thiết kế riêng nhắm vào nhóm du khách có mức chi tiêu cao.
Các
công cụ tài khóa và tiền tệ cũng đang được sử dụng mạnh mẽ hơn. Ngân hàng trung
ương đã hạ lãi suất cho vay trung hạn và mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng cho
các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về mặt tài khóa, Bắc Kinh đã đẩy mạnh chi tiêu
thâm hụt ngay từ sớm và có thể tăng cường hơn nữa, tùy thuộc vào hậu quả của
thương chiến.
Sự
chuyển đổi trong hoạch định chính sách kinh tế – từ nguyện vọng dài hạn sang
nhu cầu cấp thiết – đã và đang làm thay đổi giọng điệu trong nước. Vẫn chưa rõ
liệu nó có dẫn đến cải cách bền vững hay không; nhiều nhà quan sát vẫn nghi ngờ
không biết các biện pháp mà chính phủ đề xuất có được triển khai hiệu quả. Suy
cho cùng, công bố chính sách là một chuyện – nhưng tài trợ và thực hiện chúng
trên quy mô lớn lại là chuyện khác. Nhưng lần này, các động cơ đang liên kết
với nhau theo những cách mà cuối cùng có thể làm thay đổi tình hình.
Bổ
sung cho những nỗ lực chính sách này là một chiến dịch tuyên truyền được phối
hợp chặt chẽ. Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến tự lực kinh tế và "khả năng
phục hồi quốc gia." Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã làm sống lại các
chủ đề về áp lực nước ngoài và đấu tranh lịch sử, định vị những căng thẳng hiện
tại như một phần trong vòng cung lịch sử dài hơn, thay vì một sự đứt gãy đột
ngột. Mục tiêu rất rõ ràng: quản lý kỳ vọng của công chúng trong bối cảnh biến
động, đồng thời củng cố thông điệp về chiến thắng chính trị.
Đánh
trả Mỹ
Lớp
thứ hai tập trung vào thái độ của Trung Quốc đối với Mỹ. Sau khi tăng thuế đối
với hàng hóa Mỹ lên 125%, Bắc Kinh đã ra hiệu rằng các động thái bổ sung từ
Washington sẽ bị "bỏ qua" – không phải vì chúng không đáng kể, mà vì
ở mức thuế hiện tại, hàng hóa Mỹ đã không còn khả năng cạnh tranh kinh tế ở
Trung Quốc, và ngược lại. Vượt qua ngưỡng đó thì trả đũa ăn miếng trả miếng sẽ
mất đi giá trị chiến lược của nó.
Không
có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đã dùng đến biện pháp trả đũa có tính chọn lọc
hơn. Dù không mới, nhưng các cuộc tấn công có mục tiêu này hiện đang được triển
khai với tốc độ và quy mô vượt xa các đợt trả đũa trước đây. Các cơ quan hải
quan đã tăng cường giám sát các linh kiện hàng không và bán dẫn của Mỹ. Hàng
nhập khẩu nông sản của Mỹ một lần nữa phải đối mặt với những rào cản về mặt hậu
cần. Các công ty Mỹ đang gặp phải những bế tắc mới về mặt pháp lý – ngay khi
Washington có động thái xóa bỏ quy định miễn trừ tối thiểu (de minimis) đối với
các nền tảng thời trang nhanh của Trung Quốc như Shein và Temu .
Dù
Bắc Kinh chưa chính thức gọi những động thái này là hành động trả đũa, nhưng
chúng hoạt động như một tín hiệu chiến lược gửi tới cộng đồng doanh nghiệp Mỹ:
quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc có thể được điều chỉnh – và sẽ được điều
chỉnh.
Hơn
nữa, các hạn chế xuất khẩu đối với các khoáng sản quan trọng đã được triển khai
theo nhiều đợt, bao gồm các hạn chế nhắm vào xuất khẩu gallium, germanium, và
graphite sang Mỹ và các thị trường đồng minh. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa
triển khai đầy đủ các công cụ gây gián đoạn nhất của mình. Các hạn chế xuất
khẩu đối với đất hiếm, tiền chất pin, và thành phần dược phẩm đã được đề cập
trong các cuộc thảo luận chính sách và phương tiện truyền thông nhà nước nhưng
vẫn chỉ được thực hiện một cách có chọn lọc. Lý do là rất thực dụng: Trung Quốc
muốn tránh làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu theo những cách có thể phản tác
dụng trong nước. Nhưng nếu Washington không chú ý đến cảnh báo, thì các nhà
hoạch định chính sách Trung Quốc muốn các quan chức Mỹ cân nhắc đến những hệ
lụy của việc triển khai toàn diện.
Làm
tăng chi phí leo thang của Mỹ trong khi vẫn giữ cánh cửa mở cho ngoại giao đã trở
thành chế độ mặc định của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn đặt cược
vào một đột phá thông qua đàm phán nữa. Các hoạt động ngoại giao cấp thấp vẫn
tiếp tục – thông qua các đại diện doanh nghiệp, đối thoại của các viện chính
sách và các diễn đàn đa phương – nhưng chúng đã mang lại rất ít kết quả. Ở cấp
cao nhất, ngoại giao đã đình trệ hoàn toàn. Bắc Kinh xem cách tiếp cận của
Trump – kỳ vọng các nhà lãnh đạo thế giới đến gặp ông để cầu xin giải pháp – là
không tương thích với mong muốn thể hiện sức mạnh của chính Tập. Trung Quốc
thích ngoại giao từ dưới lên, giải quyết các vấn đề thực chất trước khi Tập
tham gia vào bức tranh. Một cuộc họp cấp cao mà không có những đảm bảo rõ ràng
có nguy cơ dẫn đến tổn thất chính trị bất ngờ – và đó là rủi ro mà Bắc Kinh
không sẵn lòng chấp nhận, đặc biệt là khi xét đến khả năng bị sỉ nhục.
Cách
tiếp cận ngoại giao mang tính cá nhân của Trump – dựa trên hình ảnh chính trị,
đòn bẩy, và những màn trình diễn kịch tính – khiến Trung Quốc khó tin rằng họ
sẽ đạt được thỏa thuận nào sẽ bền vững. Ngay cả một thỏa thuận được soạn thảo
cẩn thận cũng có thể bị hủy bỏ bởi một bài đăng trên mạng xã hội giữa đêm
khuya, một cuộc trò chuyện tình cờ, hoặc một tâm trạng thoáng qua. Đó không
phải là cơ sở cho sự tin tưởng chiến lược. Vì vậy , Bắc Kinh đang chấp nhận
tình hình biến động và lập kế hoạch dài hạn – không phải vì họ thích đối đầu,
mà vì họ không thấy có một lối thoát đáng tin cậy. Tuy nhiên, bất chấp
tình hình bế tắc hiện tại, vẫn có khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ quay trở lại bàn
đàm phán trong những tháng tới.
Lời
kêu gọi của Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới
Lớp
thứ ba trong phản ứng của Trung Quốc diễn ra trên đấu trường toàn cầu. Ở đây,
Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng lợi thế của mình – về mặt chính trị và kinh tế –
bằng cách tăng cường ngoại giao khu vực và tự giới thiệu bản thân là một đối
tác dễ dự đoán hơn, nếu không muốn nói là ít phức tạp hơn.
Hội
nghị Trung ương Đảng gần đây về ngoại giao láng giềng – lần đầu tiên kể từ năm
2013 – không chỉ mang tính biểu tượng. Nó đánh dấu một bước ngoặt hướng tới
việc củng cố quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực như một vùng đệm
chống lại sức ép của các cường quốc. Trong bài phát biểu quan trọng của mình,
Tập đã mô tả quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng là "ở giai
đoạn quan trọng," kêu gọi "những đột phá mới" trong hợp tác.
Thông điệp đó hiện đang củng cố các chuyến thăm của Tập Cận Bình trong tuần này
tới Việt Nam, Malaysia và Campuchia – những quốc gia mà Bắc Kinh đang định vị
mình vừa là đối tác, vừa là đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ.
Nói
thì dễ hơn làm
Tất
nhiên, chiến lược ba lớp này nói thì dễ hơn làm rất nhiều.
Sự
chuyển hướng của Trung Quốc sang nhu cầu trong nước đang vấp phải những trở
ngại cố hữu: bất bình đẳng thu nhập sâu rộng, mạng lưới an sinh xã hội không
đều, chi phí y tế và giáo dục cao, và – quan trọng nhất – một hệ thống tài
chính do nhà nước lãnh đạo, ưu tiên kiểm soát hơn là trao quyền cho người tiêu
dùng. Đây là những rào cản mang tính cấu trúc, không phải bề ngoài. Để vượt qua
chúng, cần phải xem xét lại các ưu tiên cơ bản, từ việc đối xử ưu đãi với các
doanh nghiệp nhà nước đến động lực thúc đẩy đầu tư do nhà nước chỉ đạo. Cải
cách trong các lĩnh vực này đã được hứa hẹn từ lâu, nhưng hiếm khi được thực
hiện.
Trong
khi đó, chủ nghĩa dân tộc vừa là sức mạnh vừa là hạn chế. Trong nước, chính phủ
đã thành công trong việc biến cuộc thương chiến thành một thử thách cho ý chí
của quốc gia. Câu chuyện về "sự bắt nạt của nước ngoài" gây được
tiếng vang sâu sắc với một bộ phận dân chúng được định hình bởi ký ức lịch sử
và lòng tự hào dân tộc. Nhiều người dân Trung Quốc dường như sẵn sàng chịu đựng
khó khăn nếu điều đó có nghĩa là đất nước sẽ đứng vững.
Nhưng
chủ nghĩa dân tộc cũng áp đặt những giới hạn. Nó thu hẹp không gian cho sự thỏa
hiệp và làm tăng cái giá chính trị của sự linh hoạt. Nếu tình cảm của công
chúng trở nên quá cứng rắn, các nhà lãnh đạo có thể thấy mình bị mắc kẹt bởi
chính những câu chuyện mà họ đã xây dựng – đặc biệt là nếu điều kiện kinh tế
xấu đi hoặc động lực toàn cầu thay đổi.
Ngày
nay, thông điệp gửi đến công chúng Trung Quốc là thông điệp về sự tự tin thách
thức: "Chúng ta đã vượt qua những điều tồi tệ hơn – và chúng ta cũng sẽ
vượt qua điều này." Thông điệp đó vẫn có sức nặng. Nhưng việc duy trì nó
không chỉ phụ thuộc vào khả năng phục hồi kinh tế, mà còn phụ thuộc vào khả
năng quản lý kỳ vọng, tránh phản ứng dữ dội, và vạch ra lộ trình vững chắc để
vượt qua bất ổn.
Trên
toàn cầu, Trung Quốc khao khát định vị mình là người bảo vệ của toàn cầu hóa –
một tham vọng cao cả. Tuy nhiên, họ lại bước vào những cuộc trò chuyện này với
gánh nặng là lịch sử ngoại giao sắc bén. Các quốc gia như Australia, Hàn Quốc,
và Philippines đều đã cảm nhận được sự cưỡng ép của Bắc Kinh khi đưa ra lập
trường chính trị xung đột với lợi ích của Trung Quốc. Lịch sử đó không dễ bị
lãng quên.
Nói
rộng hơn, nhiều quốc gia không chọn phe. Sự trở lại của Trump chỉ củng cố xu
hướng này. Họ đang phòng bị nước đôi, không liên kết. Sự khó đoán của Tổng
thống Mỹ đã mở ra không gian mới cho Trung Quốc, nhưng có điều kiện. Nếu Bắc
Kinh muốn nắm bắt thời cơ, họ phải cung cấp nhiều hơn các dự án cơ sở hạ tầng
hoặc khả năng tiếp cận thị trường. Họ phải chứng minh rằng mình có thể là một
đối tác ổn định, công bằng, ngay cả khi bất đồng quan điểm. Điều đó có nghĩa là
lắng nghe nhiều hơn, có thể đoán trước hơn, và các thỏa thuận thực sự có lợi
cho cả hai bên.
Châu
Âu minh họa cho thách thức này. Brussels ngày càng hoài nghi về các chính sách
công nghiệp của Trung Quốc, đặc biệt là về các khoản trợ cấp của nhà nước,
chuyển giao công nghệ bắt buộc, và thiếu minh bạch. Tuy nhiên, nhiều nền kinh
tế châu Âu vẫn gắn chặt với hệ sinh thái sản xuất của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh
có thể thể hiện sự linh hoạt – đặc biệt là về tình trạng dư thừa công suất công
nghiệp – thì họ có thể xây dựng lại các quan hệ kinh doanh hiệu quả hơn. Nhưng
con đường phía trước còn nhiều chông gai.
Điều
tương tự cũng đúng ở Đông Nam Á. Sức hút kinh tế của Trung Quốc rất mạnh, nhưng
nỗi lo lắng mà họ gây ra cũng lớn không kém. Không quốc gia nào trong khu vực
muốn trở thành nạn nhân ngoài dự kiến trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc.
Nếu Bắc Kinh muốn lãnh đạo, trước tiên họ phải thuyết phục mọi người. Và điều
đó bắt đầu bằng sự trấn an, không phải bằng sức mạnh.
Bắc
Kinh cũng phải cải tổ hệ thống pháp lý và quy định của mình để giải quyết những
lo ngại lâu nay về các hoạt động thương mại không công bằng khác, cũng như
những lo ngại mới phát sinh từ sự gia tăng xuất khẩu sang các thị trường này,
vốn đã thúc đẩy các biện pháp phòng vệ thương mại ở cả Brussels và Đông Nam Á.
Các khu vực này hiện lo sợ dòng chảy hàng hóa Trung Quốc lớn hơn nếu thị trường
Mỹ đóng cửa hơn nữa.
Cuối
cùng, ba lớp chiến lược của Trung Quốc được thiết kế không phải để vượt mặt Mỹ,
mà là để tồn tại lâu hơn Mỹ. Các quan chức Trung Quốc không trông chờ vào sự
trở lại trạng thái bình thường trước năm 2018, họ cũng không đặt cược vào một
giải pháp ngoại giao toàn diện. Mục tiêu là duy trì sức mạnh: câu giờ, hạn chế
rủi ro, và điều chỉnh kỳ vọng – trong nước, song phương, và toàn cầu.
Liệu
cách tiếp cận này có bền vững hay không vẫn còn chưa chắc chắn. Có rất nhiều
trở ngại: suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài cảnh giác, và căng thẳng
chưa được giải quyết với các nước láng giềng. Nhưng hiện tại, Bắc Kinh đang
tiến hành theo một logic trong đó thương chiến không phải là một sự bất thường,
mà là một đặc điểm của bối cảnh mới – và đang định hình tư thế của mình cho phù
hợp.
Lizzi C.
Lee là thành viên nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích
Trung Quốc (CCA) của Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI). Bà là người dẫn
chương trình của Wall St TV, một kênh truyền thông Trung Quốc độc lập có trụ sở
tại New York. Bà cũng có bằng Tiến sĩ Kinh tế của MIT.
No comments:
Post a Comment