Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 02/04/2025 đã phát động một cuộc tấn công thương mại quy mô lớn với thế giới khi công bố các mức thuế quan rất nặng, đặc biệt nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu và châu Á, trong đó Việt Nam là một trong những nước bị nặng nhất. Quyết định này có nguy cơ bóp nghẹt nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Mỹ.
Như đã được thông báo từ
nhiều tuần nay, sau bài phát biểu dài tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, Donald Trump
đã ký một sắc lệnh thiết lập "thuế quan đối ứng " đối với hàng nhập
khẩu vào Mỹ, với mức tương đương với thuế suất mà các đối tác thương mại của
Washington áp dụng. Tổng thống Trump ca ngợi đây là một "tuyên bố độc lập
về kinh tế" của nước Mỹ.
Trước khi trưng ra danh
sách các đối tác thương mại bị ảnh hưởng, Donald Trump tuyên bố: "Đất nước
chúng ta đã bị cướp bóc, tàn phá, hủy hoại và tàn tạ bởi các quốc gia gần xa,
cả đồng minh lẫn kẻ thù",
Giới quan sát cho đây là
biện pháp bảo hộ mậu dịch của Nhà Trắng, chưa từng có kể từ những năm 1930, bao
gồm mức thuế nhập khẩu tối thiểu bổ sung 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào
Mỹ và các mức thuế cao hơn đối với các quốc gia bị coi là "thù địch thương
mại".
Trung Quốc sẽ phải chịu
mức thuế nhập khẩu mới 34%, cộng thêm vào mức thuế bổ sung 20% đã được chính
quyền Trump áp đặt trước đó. Hàng hóa từ Liên Hiệp Châu Âu sẽ chịu mức thuế
20%, Nhật Bản 24%, Ấn Độ 26% và Việt Nam lên đến 46%. Anh, quốc gia đang đàm
phán một hiệp định thương mại song phương với Mỹ, chỉ bị mức thuế tối thiểu 10%
áp dụng cho tất cả các nước.
Những mức thuế này cũng
nhằm đáp trả các "rào cản phi thuế quan" đối với hàng hóa Mỹ, chẳng
hạn như các tiêu chuẩn vệ sinh hoặc môi trường, theo nguyên tắc "có qua có
lại một cách lịch sự", theo cách nói của Donald Trump.
Nhà Trắng cho biết một
số mặt hàng không bị ảnh hưởng, bao gồm vàng thỏi, dược phẩm, chất bán dẫn,
đồng, gỗ xây dựng, sản phẩm năng lượng và khoáng sản không có sẵn trên đất Mỹ.
Nga và Bắc Triều Tiên
không nằm trong danh sách bị áp thuế, vì theo một quan chức Mỹ, họ không còn là
đối tác thương mại quan trọng.
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ:
"Hãy bình tĩnh"
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ
Scott Bessent cảnh báo các nước không nên trả đũa: "Hãy bình tĩnh, chấp
nhận thực tế và chờ xem tình hình diễn biến thế nào. Nếu các bạn đáp trả, sẽ có
leo thang căng thẳng".
Mêhicô và Canada, hai
nước có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, không nằm trong danh sách mới. Tuy
nhiên, họ vẫn chịu tác động từ mức thuế bổ sung 25% đối với ô tô sản xuất ở
nước ngoài, sẽ có hiệu lực từ hôm nay 03/04.
Mức thuế chung 10% sẽ có
hiệu lực từ ngày 5/4 và các mức thuế cao hơn sẽ được áp dụng từ ngày 9/4.
Donald Trump luôn coi thuế
quan là một "cây đũa thần", có khả năng giúp tái công nghiệp hóa nước
Mỹ, thu hút đầu tư và đẩy mạnh sản xuất ở trong nước, lấy lại cân bằng trong
cán cân thương mại và giảm thâm hụt ngân sách.
Tuy nhiên, lãnh đạo phe
Dân chủ tại Thượng viện, Chuck Schumer, cho rằng chính sách bảo hộ này sẽ khiến
một hộ gia đình trung bình của Mỹ tốn thêm hơn 6.000 đô la mỗi năm do giá hàng
nhập khẩu tăng cao.
Các tập đoàn công nghệ
hàng đầu và các thương hiệu lớn của Mỹ, vốn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại
châu Á, cũng có thể chịu tác động lớn từ các đòn thuế quan
Hoa Kỳ: Những người
ủng hộ Trump tán đồng chính sách thuế quan của tổng thống.
Tại Hoa Kỳ, những người
ủng hộ Donald Trump tán đồng chính sách thuế quan của tổng thống, tuy họ biết
là vật giá sẽ leo thang. Từ Kentucky, thông tín viên Edward Maille gửi về bài
phóng sự :
« Jessica vừa từ nơi làm
việc trở về nhà. Đứng trước cửa nhà, bà cho biết vật giá không ngừng tăng,
nhưng bà không nghi ngờ gì về hiệu quả của các biện pháp mà ông quốc tế ban
hành. Jessica nói : « Tôi nghĩ rằng, về ngắn hạn, thuế quan có thể sẽ có tác
động tới chi phí sinh hoạt, nhưng tôi tin tổng thống Donald Trump là một doanh
nhân, nên ông ấy biết mình đang làm gì ».
Cách nhà bà Jessica vài
km, tại mộ bãi đậu xe của một siêu thị, Joe, một người đàn ông khoảng 60 tuổi,
đang xếp lên xe những hàng hóa mà ông vừa mua. Là người ủng hộ Donald Trump,
ông Joe cũng đã lường trước là giá cả sẽ tăng, nhưng ông cho rằng phải chấp
nhận như thế nếu muốn mọi chuyện tốt đẹp. Joe nói : « Việc làm sẽ trở lại nước
Mỹ, đó là việc làm tại các nhà máy mà trước đây đã bị chuyển ra nước ngoài,
sang Canada hoặc Mêhicô, nơi mà người ta sản xuất ô tô và chuyển sang Mỹ để bán
cho chúng tôi. Chúng tôi cần sản xuất ngay tại Mỹ. Họ sản xuất xe cho họ và
chúng tôi sản xuất cho chúng tôi ».
Thế nhưng một số người
cũng lo sợ về các hậu quả. Albert, một trong số những người hiếm hoi ở đây đã
không bỏ phiếu cho Donald Trump, giận dữ nói : « Thật là quá đáng. Ông ta sẽ
phá hỏng tất cả. Ông ta sẽ chia rẽ mọi quốc gia trên thế giới. Chưa ai làm một
chuyện ngu ngốc như thế. »
Albert chắn chắn Donald Trump sẽ không thể thành công trong việc đưa việc làm
trở lại nước Mỹ. Ông cho rằng các việc làm đó đã vĩnh viễn mất đi».
Thế giới phản ứng có
chừng mực
Ban hành biện pháp đối
phó, phản đối, lên án, đe dọa trả đũa, kêu gọi đối thoại ... là những phản ứng
của các nước bị tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nặng nề. Các phản ứng có mức
độ khác nhau, nhưng phần lớn vẫn thận trọng thay vì ngay lập tức đáp trả mạnh
mẽ, gây leo thang căng thẳng thương mại.
Brazil là một trong số
ít quốc gia có phản ứng đáp trả. Không lâu sau khi Mỹ áp thuế 10% đối với
Brazil, Quốc Hội nước này đã thông qua một đạo luật gọi là "luật đối
ứng" trao cho chính phủ quyền phản ứng trước các rào cản thương mại đối
với hàng xuất khẩu.
Liên Hiệp Châu Âu EU, bị
áp mức thuế 20% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, đã kêu gọi một phản ứng
"có cân nhắc" và nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại thay vì đối
đầu. Một số quan chức EU đề xuất áp dụng các biện pháp trả đũa mang tính chiến
lược, nhưng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến
kinh tế khu vực.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu
Ursula von der Leyen lấy làm tiếc về quyết định của chính quyền Mỹ, nhưng khẳng
định các nước Châu Âu "sẵn sàng phản ứng" và đã bắt đầu làm việc về
"một gói biện pháp đối phó mới" trong trường hợp các cuộc đàm phán
với chính quyền Mỹ thất bại.
Trung Quốc, quốc gia
chịu mức thuế nhập khẩu 34%, đã phản đối mạnh mẽ và tuyên bố sẽ có biện pháp
đáp trả. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng nhấn mạnh mong muốn giải quyết căng thẳng
thông qua các cuộc thảo luận thương mại, thay vì ngay lập tức có hành động trả
đũa mạnh mẽ. Bắc Kinh kêu gọi Hoa Kỳ "ngay lập tức hủy bỏ các mức thuế đơn
phương và giải quyết thỏa đáng các tranh chấp với các đối tác thương mại thông
qua đối thoại công bằng", trong khi Bộ Thương Mại nước này nhấn mạnh các
loại thuế này "gây nguy hiểm cho sự phát triển kinh tế toàn cầu".
Nhật Bản và Ấn Độ, bị
đánh thuế 24% và 26%, đã bày tỏ lo ngại, nhưng vẫn giữ thái độ kiềm chế, trong
khi các quan chức thương mại của hai nước này đang cân nhắc những bước kế tiếp.
Tại Thái Lan, thủ tướng
Paetongtarn Shinawatra hôm nay cho biết họ có "kế hoạch vững vàng" để
ứng phó với mức thuế 36% của Mỹ và hy vọng sẽ đàm phán để giảm mức thuế này,
Việt Nam là một trong
những nước bị áp mức thuế cao nhất. Theo Công thông tin Điện tử
của chính phủ, hôm nay thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp đột xuất
giữa lãnh đạo của chính phủ và các bộ ngành. Ông yêu cầu « lập ngay tổ phản ứng
nhanh để có đối sách chủ động khi Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% với Việt Nam
».
Thủ tướng Canada Mark
Carney, cho rằng mức thuế quan mới sẽ "thay đổi căn bản" thương mại
quốc tế, đã hứa sẽ "chống lại những mức thuế quan này bằng các quyết định
ứng phó ".
Nhìn chung hầu hết lãnh
đạo các nước trên thế giới đều lên tiếng phản đối, tỏ "lấy làm tiếc"
hay đánh giá là "bất công" , "sai lầm lớn" quyết định của
chính quyền Trump áp thuế lên gần như toàn bộ đối tác thương mại của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu về một cuộc chiến thương mại toàn diện ngay lập
tức. Các chính phủ đang cố gắng cân bằng giữa việc bảo vệ lợi ích kinh tế và
tránh leo thang căng thẳng với Washington.
Nỗi bất an của Anh
Quốc
Dù chỉ bị áp thuế quan
10%, Anh Quốc vẫn cảm thấy bất an trước cuộc chiến thương mại toàn cầu do chính
quyền Donald Trump phát động.
Thông tín viên Nguyễn Giang tường thuật từ Luân
Đôn :
"Sáng hôm nay, 03/04, chỉ số các mã chứng khoán ở
sàn giao dịch Luân Đôn đồng loạt đỏ, với cả thị trường FTSE 100 Index sụt 122,4
điểm báo hiệu sự lo ngại lớn của giới đầu tư về kinh tế Anh và mậu dịch toàn
cầu, sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump hào hứng công bố các mức thuế quan cao
từ 10% tới 49% vào hàng hóa từ mọi nước nhập vào Mỹ.
Cảm xúc ở Anh là pha trộn giữa niềm vui và lo âu. Anh chỉ bị thuế quan của Mỹ ở
mức 10%, ngang Singapore và Brazil, nhưng thuế cho ô-tô từ Anh sang Mỹ vẫn bị
mức 25%, đe dọa việc làm của 25 nghìn công nhân trong ngành xe hơi Anh.
Bộ trưởng Thương Mại Jonathan Reynolds chia sẻ quan ngại sâu sắc về việc làm và
doanh thu của ngành sản xuất xe hơi. Ông cũng nói Anh Quốc "thất
vọng" vì không được chính quyền Trump bỏ ra ngoài danh sách áp thuế quan.
Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng chuyển giọng đôi chút, một mặt nói Anh vẫn đặt
ưu tiên cho việc ký được hiệp định mậu dịch với Hoa Kỳ, một mặt, "không
loại trừ biện pháp nào " để bảo vệ doanh nghiệp Anh.
Nhưng giới quan sát nói Anh cần nhận ra nền kinh tế của họ đang bị "hở
sườn" (exposed) rất nhiều, vì trao đổi mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu (EU)
và các nền kinh tế châu Á mới chiếm tỷ trọng lớn, so với thương mại Anh-Mỹ chỉ
chiếm 15,3% xuất khẩu của Anh.
Bức tranh lớn ở châu Âu và hàng chục nền kinh tế châu Á đang xấu đi nhanh
chóng, với hàng rào thuế quan dựng lên nay mai để đáp trả Hoa Kỳ.
Theo tin mới nhất, Donald Trump chưa muốn sang thăm Anh vào tháng Sáu theo lời
mời của Vua Charles III, nên viễn cảnh ký được gì với Mỹ vẫn còn xa, trong khi
các tác động liên đới từ chiến tranh thương mại toàn cầu đã chính thức bắt đầu
từ tuần này, và sẽ nhanh chóng đẩy Anh vào thế yếu đi, khiến Luân Đôn sẽ phải
nhượng bộ chính quyền Trump hơn nữa."
No comments:
Post a Comment