Ngày 02/04 được gọi là « Ngày Giải Phóng » Hoa Kỳ khỏi tình trạng hàng sản xuất ở nước ngoài tràn vào Mỹ, chấm dứt tình trạng thế giới « cướp tài sản và công việc làm của người Mỹ, hủy hoại nền công nghiệp Mỹ». Tổng thống Trump trông cậy vào chiếc đũa thần « thuế đối ứng ». Với Nhà Trắng, thuế hải quan là công cụ hiệu quả nhất để bảo đảm an ninh kinh tế cho Hoa Kỳ đang bị Châu Á và Châu Âu đe dọa.
Thanh Hà
Nhưng 24 giờ đồng hồ
trước khi có hiệu lực vào ngày 02/04/2025, kế hoạch « Giải Phóng » nước Mỹ vẫn
là một ẩn số. Những quốc gia nào, những mặt hàng nào trong tầm ngắm của chính
quyền Trump ? Bên cạnh câu hỏi ai được ai thua trong cuộc chiến thương mại «
toàn diện » này, quan trọng hơn nữa là Washington đang hình thành một trật tự
mới về mậu dịch, để Hoa Kỳ chiếm lại thế thượng phong trước Châu Á và Châu Âu.
Cho đến trước ngày Hoa Kỳ công bố chiến lược thương mại « giải phóng nước Mỹ »,
giao dịch trên các sàn chứng khoán từ Âu sang Á và cả ở Hoa Kỳ đều trong tình
trạng « tê liệt ». Cho đến phút chót, mỗi nhà lãnh đạo tại các quốc gia xuất siêu
sang Hoa Kỳ vẫn kỳ vọng đạt được một thỏa thuận với Washington nhờ có « quan hệ
tốt với tổng thống Trump ». Chỉ có một số rất ít như Canada hay Trung Quốc đã
dứt khoát chọn giải pháp đối đầu.
Trump hay « Mr. 25 % »
Donald Trump sẽ « giải phóng nước Mỹ » như thế nào ? Từ ngày trở lại cầm quyền
hôm 20/01/2025, ông chỉ sử dụng một phương pháp : uy hiếp các quốc gia giao
thương với Hoa Kỳ.
Chủ nhân Nhà Trắng quan niệm những quốc gia có thặng dư mậu dịch với Mỹ là do «
ăn bám » Hoa Kỳ, do « lạm dụng lòng tốt của nước Mỹ ». Danh sách này bao gồm
các nước từ Liên Hiệp Châu Âu đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ ...
Từ đầu tháng 2/2025, Mỹ đã hai lần tăng thuế nhập khẩu nhắm vào hàng Trung Quốc
( 10 rồi 20 %). Từ ngày 12/03/2025, nhôm và thép của thế giới xuất khẩu sang
Hoa Kỳ đã bị đánh thuế 25 %, cho dù các nhà sản xuất ở Mỹ chỉ đủ sức cung ứng
50 % nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Eva Morletto, thông tín viên tại Paris của tờ báo Ý Grazia, trên đài RFI nói
đến hệ quả tai hại khi Mỹ tăng thuế 25 % đánh vào ngành xuất khẩu của Ý: « Rượu
vang của Ý cũng bị nhắm tới, 25 % xuất khẩu của Ý hướng về thị trường Mỹ. Nếu
bị đánh thuế 25 %, thiệt hại đối với các nhà sản xuất của sẽ lên tới 500 triệu
euro. Các mặt hàng xa xỉ cũng bị nhắm tới. Hiện tại, Roma đang cân nhắc giải
pháp nào thích hợp hơn cả để đối phó với chính sách bảo hộ của Donald Trump.
Nguy hiểm ở đây là thị trường bị đẩy vào cảnh bấp bênh, không biết tương lai ra
sao. Các doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư ».
Ba thay đổi lớn
Tình huống lại càng bấp bênh hơn nữa, do trên nguyên tắc, ít nhất ba thay đổi
lớn đánh dấu cột mốc 02/04/2025 : Washington tăng thêm 25 % thuế nhắm vào tất
cả xe hơi sản xuất ở ngoại quốc bán sang Hoa Kỳ. Xe của châu Âu, Hàn Quốc và
Nhật Bản, xe Mỹ sản xuất từ các nhà máy ở Mêhicô, xe Mỹ sử dụng phụ tùng nhập
từ Canada là những nạn nhân hàng đầu.
Canada và Mêhicô, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ (75 % và 80 % xuất
khẩu của hai quốc gia này là để phục vụ thị trường Mỹ), đang lo lắng hơn cả, vì
trên nguyên tắc kể từ ngày 02/04/2025 Washington đánh thuế thêm 25 % vào hàng
của hai quốc gia này xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
« Cái đinh cuối cùng
đóng xuống cỗ quan tài của WTO »
Biện pháp thứ ba là Mỹ
áp dụng chính sách « thuế đối ứng » mà giới trong ngành gọi là « một
quả bom tấn, một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt hay cái đinh cuối cùng đóng
xuống cỗ quan tài của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO ».
Nguyên tắc của loại « vũ khí hủy diệt hàng loạt » này khá đơn
giản : nếu một nước như Ấn Độ áp dụng mức thuế nhập khẩu 40 % vào một mặt hàng
của Mỹ, thì Washington cũng đáp trả « tương ứng » vào cùng mặt hàng này của Ấn
Độ thâm nhập thị trường Hoa Kỳ. Nếu xe của Mỹ bán sang châu Âu bị đánh thuế
5 % thì không có lý do gì xe của châu Âu xuất sang Hoa Kỳ chỉ bị thuế 3,4
%.
Theo thẩm định của Phòng Thương Mại Quốc Tế International Chamber of Commerce
(ICC), trụ sở tại Paris, để áp dụng chính sách « thuế đối ứng » Washington cần
lập tức điều chỉnh mức thuế hải quan của « 13.000 mặt hàng trên thế
giới do các nhà cung cấp từ 200 quốc gia khác nhau » bán sang Hoa Kỳ.
ICC là một tổ chức quy tụ 14 triệu doanh nghiệp xủa 170 quốc gia.
Thuế đối ứng « giải
phóng » nước Mỹ hay chỉ là « bánh vẽ » ?
Donald Trump quả quyết
đánh thuế hàng nhập khẩu cho phép thu về « hàng chục tỷ, thậm chí là cả
ngàn tỷ đô la » cho nước Mỹ. Người Mỹ đã bị « lạm dụng ».
Tổng thống Mỹ dự trù, với món tiền khổng lồ đó, chính phủ sẽ giảm thuế cho các
hộ gia đình và doanh nghiệp, tăng chi phí xã hội và quốc phòng ...
Cố vấn thương mại của Nhà Trắng, Peter Navarro, chừng mực hơn khi cho rằng « dưới
sự dẫn dắt sáng suốt của tổng thống » khi sử dụng các đòn thuế
quan, « ngân sách Hoa Kỳ mỗi năm thu về được thêm 600 tỷ đô la. Đây là
một món tiền rất lớn nếu so sánh với tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ năm 2022
là 3.200 tỷ đô la ».
Trái lại, theo một nghiên cứu của đại học Yale, với mức thuế hải quan 25 %, thu
nhập của các hộ gia đình Mỹ sẽ bị sụt giảm từ 2.700 đô la đến 3.000 đô la mỗi
năm. Tăng thuế 25 % đánh vào trái cây của Mehicô báng sang Hoa Kỳ thì người
tiêu dùng Mỹ sẽ phải mua hoa quả với giá đắt hơn 25 %.
Kịch bản có thể còn tệ hơn nữa nếu như các bạn hàng của Hoa Kỳ « ăn miếng trả
miếng » đáp trả chính sách bảo hộ của ông Trump.
Cái giá mà các doanh nghiệp Mỹ phải trả cũng sẽ đắt không kém. Cho đến ngày
01/04/2025, Canada đã đánh thuế vào 40 tỷ đô la hàng Mỹ và dự trù tăng thuế
nhập khẩu nhắm vào 280 tỷ đô la hàng Mỹ nhập vào Canada. Mêhicô trong thế yếu,
vì xuất khẩu lệ thuộc đến 80 % vào Mỹ, nên đang chờ đợi để đàm phán.
Trung Quốc đã tăng 10 và 15 % thuế nhắm vào hàng Mỹ và thậm chí là « đánh luôn
cả vào nông phẩm của Hoa Kỳ », một điểm nhạy cảm về mặt chính trị đối với
Donald Trump. Châu Âu đã đáp trả biện pháp của Mỹ đánh thuế nhôm thép và tiếp
tục phối hợp tìm cách trả đũa cân xứng.
Nhưng các cố vấn kinh tế và thương mại của Nhà Trắng và tổng thống Hoa Kỳ xem
những tác động này chỉ là tạm thời trước khi kinh tế Mỹ trở lại thời kỳ cực
thịnh.
Lionel Zinsou, chủ tịch trung tâm nghiên cứu Terra Nova, trên đài truyền hình
Arte, ghi nhận Bruxelles cũng có những công cụ để chống lại chính sách bảo hộ
của Hoa Kỳ : « Mỹ luôn nghĩ là họ bị thiệt thòi, Liên Hiệp Châu Âu gây trở ngại
cho tăng trưởng và sự phát triển của Hoa Kỳ. Đúng là về hàng hóa, Mỹ bị thâm
hụt mậu dịch với Châu Âu, nhưng nhìn đến các dịch vụ thì không. Liên Hiệp Châu
Âu lệ thuộc vào công nghệ kỹ thuật số của Hoa Kỳ, vào các hệ thống phân phối
phim của Mỹ ... Nhìn chung, mậu dịch hai chiều tương đối khá cân bằng. Trong
điều kiện đó, Bruxelles cũng có điều kiện để đáp trả các đòn trừng phạt của
Washington. Nếu Châu Âu đáp trả bằng cách trừng phạt các tập đoàn công nghệ số
thì đây sẽ là một vố đau đối với Hoa Kỳ và chính quyền Trump ý thức được điều
đó ».
Bảo hộ : Trump chỉ là
một sự tiếp nối
Grégory Vanel, giáo sư kinh tế Đại Học Kinh Doanh Grenoble, nhấn mạnh về thương
mại, chính sách bảo hộ của ông Trump chỉ là một sự tiếp nối từ nhiều đời tổng
thống Hoa Kỳ : « Donald Trump phần nào là người kế thừa hai thập niên chính
sách đối ngoại của Mỹ với nghi vấn về vị trí của Hoa Kỳ trên bàn cờ thương mại
và kinh tế thế giới. Từ thời tổng thống Barack Obama, khi ông quyết định xoay
trục sang châu Á, đến nay, chúng ta thấy rõ sự đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc,
mà hiển nhiên hơn cả là trên hồ sơ Đài Loan. Washington và Bắc Kinh đọ sức với
nhau về công nghệ bán dẫn. Cũng đã có một sự tiếp nối trong chính sách thương
mại dưới thời chính quyền Biden với chính sách của ông Trump, thể hiện qua
quyết tâm gạt bỏ các định chế đa quốc gia. Về mặt kỹ thuật mà nói thì coi như
Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế đã bị khai tử. Với chính quyền Trump, biện pháp thế
đối ứng là cái đinh cuối cùng đóng vào quan tài để chôn WTO ».
Một trật tự mới về
thương mại toàn cầu
Trả lời đài RFI từ thủ đô Washington, nơi đặt trụ sở quỹ nghiên cứu German
Marshall Fund of the United States, bà Alix Franguel Alves đưa ra một nhận xét
khác, cho rằng chính sách thuế quan của ông Trump trước hết nhằm lấy lại vị trí
trung tâm trên bàn cờ thương mại thế giới, vào lúc mà Hoa Kỳ trong thế nhập
siêu kinh niên, thâm hụt mậu dịch của Mỹ năm 2024 lên tới 3.000 tỷ đô la. Trên
bàn cờ thương mại toàn cầu, Mỹ chỉ còn chiếm 13 %.
« Rất rõ ràng là, đối với Donald Trump, chính sách bảo hộ America Business
First hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của ông về quan hệ quốc tế. Hàng rào quan
thuế là công cụ điều khiển chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với phần còn lại của
thế giới, bất luận đó là đồng minh hay là các đối thủ của Mỹ. Do vậy, chiến
tranh thương mại, theo ông, là một chiến lược cho phép Washington sử dụng tất
cả những công cụ có sẵn trong tay để phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ và bảo đảm an toàn
về kinh tế cho nước Mỹ. Hiểu theo nghĩa đó, Donald Trump đánh thuế hàng nhập
khẩu vào Mỹ không chỉ nhằm thu hẹp nhập siêu hay để làm sống lại cả mảng công
nghiệp của quốc gia này và đưa các nhà máy trở về nước Mỹ. Ông Trump coi đây là
một công cụ, một vũ khí để tự vệ trong bối cảnh địa chính trị nhiễu nhương hiện
nay. Và theo quan điểm của chủ nhân Nhà Trắng, mối đe dọa về thương mại và kinh
tế lớn nhất chính là Châu Âu, là an ninh của châu lục này cũng như chiến tranh
Ukraina ».
Trước chính sách bảo hộ của Mỹ, phần còn lại của thế giới từ Âu sang Á đều đã
có những bước chuẩn bị. Từ năm 2017, Liên Âu đàm phán về 8 thỏa thuận tự do mậu
dịch và vừa khởi động lại đối thoại trong lĩnh vực này với Malaysia.
Trung Quốc chạy nước rút để thông qua những thỏa thuận « đối tác chưa từng có
», nhất là với các nước châu Á. Vào lúc tại Washington, tổng thống Trump ồn ào
đe dọa đánh thuế toàn cầu, Bắc Kinh âm thầm ký kết thêm những thỏa thuận đối
tác khác, như vừa đạt được với quần đảo Cook ở mãi tận Nam Thái Bình Dương.
Trung Quốc cũng vừa khởi động đàm phán với Kirghistan tại Trung Á.
Cũng chính sách bảo hộ này của Mỹ đã thúc đẩy Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc
xích lại gần nhau sau cuộc họp cuối tuần qua tại Seoul, để hướng
tới « đàm phán về một thỏa thuận tự do mậu dịch » giữa ba quốc
gia Đông Bắc Á này.
Thế rồi, trong lúc Hoa Kỳ bắt thế giới phải chạy theo những thông báo « sốc »
gần như hàng ngày của Donald Trump, Bắc Kinh đã từng bước xây dựng mạng lưới
công nghiệp và công nghệ để chuẩn bị đối đầu với Mỹ. Điển hình là Trung Quốc đã
hiện diện trong các lĩnh vực tưởng chừng Hoa Kỳ đang dẫn đầu, như trí tuệ nhân
tạo, với sự xuất hiện bất ngờ của DeepSeek, hay Trung Quốc vừa loan báo đầu tư
đến hơn 40 tỷ đô la để cũng có được bí quyết như của tập đoàn Hà Lan ASML trong
lĩnh vực sản xuất máy chế tạo bọ điện tử tiên tiến nhất.
Sau cùng, khi nước Mỹ khai thác chiến thuật « hù dọa và o ép » các đối tác bằng
sức mạnh kinh tế, thì sau này khó ai có thể trách Trung Quốc cũng dùng lại lá
bài này với các quốc gia trong khu vực, từ Đài Loan đến các quốc gia Đông Nam Á
...
Thanh Hà
No comments:
Post a Comment