Chuyện Vãn: Quanh Chuyện Tóc Bạc & Sợ Vợ
Vương Trùng Dương
Nguyễn Tinh Trúc, quái quỷ, ranh mãnh, bướng bỉnh, tiếng đàn Thiên
Ma Cầm tấn công địch. Tần Hồng Miên, biệt hiệu Tu La Đao, vẻ đẹp ví như chim sa
cá lặn. Lý Thanh La còn được gọi là Vương phu nhân, chủ nhân của Mạn Đà sơn
trang, vừa đẹp, tài trí hơn người, võ nghệ cao cường. Cam Bảo Bảo biệt hiệu
Tiếu Dược Xoa nhưng tuyệt thế giai nhân, giỏi võ. Khang Mẫn không biết võ công
nhưng đẹp và rất hấp dẫn, "đôi mắt mang hình viên đạn" nên khi liếc
chàng nào thì hồn xiêu phách tán, bà tự nguyện dâng hiến cho Đoàn Chính Thuần
rồi bị chàng lửng lơ con cá vàng nên tìm đến Mã Đại Nguyên, phó bang chủ Cái
Bang gọi là Mã phu nhân.
Cam Bảo Bảo tằng tịu với Đoàn Chính Thuần mang thai thì chàng cao
bay xa chạy! Trong lúc buồn chán, Cam Bảo Bảo được Chung Vạn Cừu, chủ
nhân Vạn Kiếp Cốc, ngỏ lời yêu thương nên cháp nhận vì nghĩ đến đứa con
trong bụng (sau nầy là Chung Linh), nàng quyết định cho con có nơi nương tựa tử
tế. Thế nhưng "tình cũ không rủ cũng đến" Chung phu nhân vẫn lén lút
hẹn hò với Đoàn Chính Thuần trong mật thất. Cung Vạn Cừu luôn ghen tuông với
Đoàn Chính Thuần nhưng sợ Bảo Bảo ra phết, họ Chung cộc cằn thô lỗ nhưng khi
Bảo Bảo cau mày tức giận thì Chung Vạn Cừu xẹp như cái bánh tiêu, không dám hó
hé lời nào. Chung Vạn Cừu "nuôi con tu hú" mà không hề hay biết, và
đầu ông có 2 chiếc sừng to tướng.
Lúc đó, đọc Thiên Long Bát Bộ ngoài chuyện thi tài võ công, chưởng
pháp... của những nhân vật lừng danh chốn võ lâm còn thú vị với những chuyện
lẩm cẩm sự đời rát thú vị. Mê gái, dại gái như Du Thản Chi. Sợ vợ và bị cắm
sừng như Chung Vạn Cừu nên hai nhân vật nầy dùng để ví von cho nhân vật trong
cuộc sống.
*
Trong bài viết trước đây Cái Tóc Là Góc Con Người chỉ đề cập đến
nữ giới qua những dòng thơ và lời ca còn nam giới chẳng được hân hạnh "góc
con người".
Cuối năm 1966, nhà thơ Luân Hoán bước vào quân trường, hình ảnh
đầu tiên anh than thở với mái tóc bị "húi" sạch gọi là "tóc ba
phân" và nếu đứng xa nhìn có lẽ "ngố" như nhau với tiêu chuẩn ấn
định.
Bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng là một trong những bài thơ
hay nhất của ông với hình ảnh:
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
Sau vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm, Quang Dũng bị lên án đã viết những
bài thơ ủy mị, tiểu tư sản, thiếu yếu tính giai cấp. Bài thơ Tây Tiến bị lên án
"đoàn quân không mọc tóc, quân xanh màu lá" là đả kích, chế diễu bị
sốt rét xanh xao đến nổi không còn sợi tóc!...
Kể từ khi bước vào quân trường, sáu thập niên trôi qua, Luân Hoán
cũng như tôi, tóc đen đi chỗ khác chơi với lão ông từ hoa râm đến tóc bạc. Và,
câu chuyện hớt tóc của tôi:
Nhiều lần "ta lại hẹn ta" uống cà phê xong rồi đi hớt
tóc nhưng rồi y chang như bốn câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn.
"Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc
Vô tình ngang một quán cà-phê
Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn
Mải mê tán dóc chẳng cho về..."
Thề rồi buổi chiều ra hớt tóc. Cô thợ hớt tóc hỏi "Bác
có muốn nhuộm tóc không?".
Tôi nói ngày xưa cụ Nguyễn Công Trứ đã khuyên tôi: "... Nhân
tình (thế thái) đã biết rồi. Lạt như nước ốc bạc như vôi" nên không nhuộm.
Cô hỏi: "Cụ Nguyễn Công Trứ là gì của bác?".
Tôi nói: Cụ là chủ nhân "Làm cây thông đứng giữa trời mà
reo", tôi là người quét lá thông cho cụ.
Cô nói: "Tính bác vui vẻ, nếu bác nhuộm tóc thì trông cũng
trẻ".
Tôi nói: "Phụ nữ lớn tuổi sợ tóc bạc còn đàn ông hầu hết
không sợ tóc bạc mà sợ vợ"
- Sao vậy bác?
- Đầu bạc thì vợ không để ý, nếu nhuộm thì vợ nghi ngờ
"có vấn đề" mèo chuột cô nào nên vừa lái xe ra khỏi nhà, vợ theo dõi,
mở iPhone xem đến đâu, ghé lại nơi nào? Không còn tự do tự tại với cái thú
thích lang thang.
- Bác là nhà văn nên nói chuyện vui quá, chắc ngày xưa bác
bay bướm
- Bướm có bay chỗ nầy chỗ khác nhưng không có hoa nào cho
bướm đậu!...
Nơi xứ người, đàn bà khi gặp nhau trò chuyện không đề cập chuyện
sợ chồng nhưng cánh đàn ông lại bàn đến "cheveux" (chevuex là tóc, âm
tiếng Pháp đọc thành sợ vợ) nên thường dùng tiếng Pháp thay cho tiếng Việt.
Trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du với hình ảnh Thúc Sinh
- đệ nhất cao thủ võ lâm... sợ vợ - vì máu ghen của Hoạn Thư"!
Thúc Sinh cũng là tay chơi khi cứu Thúy Kiều thoát khỏi chốn lầu
xanh nhưng khi máu ghen Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh - nổi trận lôi đình, Hoạn Thư
ra tay hành hạ Thúy Kiều, người tình của Thúc Sinh làm "trò chơi nhân gian
hạ độc" ra hầu rượu cho mình:
"Sinh càng nát ruột tan hồn
Chén mời phải cạn bồ hòn ráo ngay".
Sai Kiều đánh đàn trước mặt như trò tiêu khiển nhưng Thúc Sinh
đành ngậm bồ hồn:
"Giọt châu lã chã khôn cầm
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt sương".
"Sinh đà rát ruột như bào
Nói ra chẳng tiện, trông vào chẳng đang".
Thúc Sinh nhu nhược câm như hến, không dám hó hé, ngăn cản bảo vệ
người tình!. Và rồi phủi tay với người tình Thúy Kiều:
"Liệu mà xa chạy cao bay,
Ái ân ta có ngần nầy mà thôi!"
Trong quyển Việt Nam Thi Văn Giảng Luận, Hà Như Chi đã phê bình:
"Thúc sinh có thương Kiều nhưng hành vi cử chỉ của chàng chỉ cho ta nhận
thấy ở chàng một kẻ mê gái tầm thường, đến lúc không có cách gì gần người đẹp
nữa thì chỉ còn biết nuốt nước bọt trông theo mà không làm gì hơn nữa".
Thế là, Hoạn Thư bắt Kiều phải viết tờ cung khai kể lại sự tình.
Trong đó, Kiều trình bày nguyện vọng xin được đi tu. Hoạn Thư dĩ nhiên cho xuất
gia, tu ở Quan Âm Các ngay sau tư dinh, lấy pháp danh Trạc Tuyền.
"Phật tiền thảm lấp sầu vùi,
Ngày pho thủ tự, đêm nhồi tâm hương...".
Chữ "sợ" theo tự điển: Ở trạng thái không yên lòng vì
cho rằng có cái gì đó trực tiếp gây nguy hiểm, tác hại bản thân, không thể
chống lại hoặc tránh khỏi. Không yên lòng đo lường trước sự việc xảy
ra... "Sợ vợ là trạng thái tâm lý của người chồng thường được biểu
lộ qua ngôn ngữ, cử chỉ hay hành động mà ở đó biểu hiện sự phục tùng của người
chồng đối với vợ về một hay nhiều phương diện trong cuộc sống".
Cần phân biệt sợ vợ với tôn trọng vợ, nể vợ, yêu vợ và nhường nhịn
vợ. Tôn trọng vợ là sự tương kính với nhau. Nể vợ là cảm thấy khó làm trái ý,
làm mất lòng vợ vì lòng quý mến. Yêu vợ là có tình cảm dễ chịu khi tiếp xúc với
vợ, muốn gần gũi và thường vì vợ mà hết lòng. Nhường nhịn vợ là chịu phần kém,
phần thiệt về mình, để cho vợ được hưởng phần hơn trong quan hệ đối xử.
Còn đối với sợ vợ là biểu hiện sự phục tùng của người chồng đối
với vợ. Tuy nhiên, sự phục tùng này có thể xuất phát từ việc kính, nể, tôn
trọng, yêu thương, chiều chuộng vợ hoặc có thể ngược lại.
Tục ngữ có câu: "Nhất vợ nhì trời. Lệnh ông không bằng cồng
bà".
Ca dao còn có câu:
"Trời ơi ngó xuống mà coi
Vợ tôi nó đánh bằng roi trâm bầu"
Và, ví von lập luận của phe sợ vợ:
"Muốn cho trong ấm ngoài êm
Vợ ta, ta sợ cả đêm lẫn ngày.
Muốn cho êm ấm cửa nhà
Vợ kêu chồng dạ bẩm bà, tôi đây!"
Sợ vợ chẳng có gì lạ, là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Ngày
xưa với quan niệm Á Đông thì ít đề cập đến sợ vợ vì giữ Tam Tòng: Tại gia tòng
phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Và câu tục ngữ "Trai năm thê
bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng" nên không có chuyện sợ vợ. Vài giai
thoại cho rằng sợ vợ có sự khác nhau được ví von như:
Đàn ông Pháp khi sợ vợ thường chui vào hầm rượu vang, uống cho
thật say và nằm im. Đến khi tỉnh lại, họ đi kiếm một chai Champagne mang về tạ
lỗi.
Đàn ông Anh khi sợ vợ thường kiếm một đám sương mù thật dày đặc để
chui vào. Trong đám sương đó, họ lén lút viết đơn xin ly dị và để rồi lén lút
đốt đi khi sương tan.
Đàn ông Tây Ban Nha mỗi khi sợ vợ là chán đời đi đánh nhau với bò
tót. Sợ càng nhiều, họ đánh lại càng hăng. Kết quả là các nhà vô địch sợ vợ đều
ít khi trở về nhà sau mỗi trận đấu, hoặc nếu có trở về thì cũng khiến cho vợ
thất vọng tràn trề vì "gia tài còn lại một vòi nước trong".
Đàn ông Ý khi sợ vợ thường chui vào bếp nấu món mỳ ống. Nấu nướng
xong, họ bưng lên, rắc cà chua và phó-mát vào, rồi ngồi chờ vợ cho phép mới dám
ăn.
Đàn ông Đức mỗi khi bị vợ mắng là ra xe hơi nằm. Chính những lúc
tâm hồn u uất, nằm suy nghĩ về những mối tương quan vật chất và tinh thần giữa
vợ và xe vậy mà họ làm ra được những chiếc xe hơi nổi tiếng nhất thế giới.
Không thấy đàn ông Mỹ khi sợ vợ thì thế nào? Các cụ ta ở Mỹ khi sợ
vợ thì chui vào đâu?
Sợ vợ cũng tùy theo độ tuổi, trung niên (30-40), sồn sồn (50-60),
già (70-80), già khú đế (80 trở lên) ... Ở đây chỉ nói về giai đoạn tóc bạc cho
vui.
"Tuổi chiều trắng tóc bạc râu
Nhớ em chết dở, sống đau từng ngày!"
(Hà Huyền Chi)
Có lần trong quán cà phê, lúc trà dư tửu hậu, bàn chuyện này, tôi
cảm thông và bênh vực "Hội Les Cheveux". Ông bạn già ở xa ghé chơi,
thấy tôi hút thước lá liên tục nên hỏi: "Mỗi ngày ông hút bao nhiêu
điếu?". Tôi nói: "Trung bình mỗi ngày một gói ba số 5, nhưng khi ngồi
trong garage viết lách, làm báo, nghe nhạc thì hút nhiều hơn". Ông ta liến
phán: "Thế là ông không sợ vợ, vì không có bà nào để cho chồng hút nhiều
như vậy". Tôi trả lời: "Không phải tôi không sợ vợ mà năn nỉ vợ thông
cảm vì khi đi tù về, tôi hành nghề vấn thuốc lá, vấn chui mỗi ngày sao cả chục
kí lô thuốc rê trong căn phòng nhỏ khói ngập cả căn phòng... thế mà khi đi diện
H.O, khám phổi tốt, trong vài người bạn lại bị nám phổi". Ông nói
"Chuyện ngày xưa ở trong nước, bà nào cũng đồng tình với chồng hút thuốc
thoải mái nhưng qua đây lại ngăn cấm". Thôi thì ăn theo thưở ở theo thời,
lỡ "phóng lao theo lao" đã bước vào tuổi tám bó, có còn hơn không!
Đầu năm 1975, Phim Màu Scope: Sợ Vợ Mới Anh Hùng do Mỹ Vân phim
sản xuất. Với phim hài vì hai chữ sợ sợ tương phản với anh hùng. Sau nầy ở Mỹ,
năm 1989 hài kịch Sợ Vợ Mới Anh Hùng do nghệ sỹ Túy Hồng đạo diễn với: Hùng
Cường vai Chú Phón, La Thoại Tân vai ông chủ, Túy Hồng vai Chị Năm và các
diễn viên trong ban kịch Túy Hồng.
Thơ rằng: "Sợ vợ thì mới anh hùng
Nếu không sợ vợ... nửa khùng nửa điên"
(Thử hình dung với cái đài phát thanh trong nhà, suốt ngày đêm
xướng ngôn viên cứ ra rả, cằm rằm, than vãn, đàn áp lỗ tai, không khùng điên
mới lạ. Ngày trước nói rằng "điếc không sợ súng" nơi chiến trận thì
nay "điếc không sợ vợ" trong nhà)
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong bài phiếm Tôi Nhìn Ra Tôi có ta thán về
cái già xồng xộc đã đến với mình, và ông tẩn mẩn phân tích diễn biến từ
"già" tiến dần đến "già khú" (chắc là hư thúi như dưa
khú?), rồi ngất ngưởng leo lên bậc "già khú đế" (hàng vương tước của
già khú?) Tuy nhiên người ta có câu "tình yêu không có tuổi". Thế nên
dù là già, già khú, hay già khú đế, các cụ vẫn bị thần tình yêu Cupid bắn tên
ngay chóc trúng tim, từ chết ngắc đến bị thương nằm la liệt trên chiến trường.
Hôm ngồi uống cà phê gặp ông bạn cũ khá lâu, cùng đi với "phu
nhân" (?) cũng loại "già khú", bà thì tóc giả, còn ông nhuộm tóc
đen nhưng lông mày và râu không nhuộm nên khuôn mặt nổi bật hai màu trắng,
đen... trông cũng ngồ ngộ.
Tôi thích bài viết của nhà văn Tràm Cà Mau với Phiên Phiến Tuổi
Già với câu cuối "Tuổi già, cứ phiên phiến với mọi sự, cho khoẻ, cho
sướng cái thân già của mình". Chỉ có những lão ông thích của lạ "trâu
già gặm cỏ non" mới bày trò "dị dung thuật" trông cũng hơi quái
dị! Mài sừng cho lắm cũng là trâu! Với tôi, được sinh ra sao, để vậy, cứ phiên
phiến tuổi già... "tri nhàn, tiện nhàn" trong cõi nhân gian.
Little Saigon, April 2025
Vương Trùng Dương
No comments:
Post a Comment