Tuesday, 28 September 2021

Chuyện "ấy " ở Vương Quốc Dê

 Hiếm có loài vật nào mà khả năng sinh lý được truyền tụng nhiều như dê. Tại các thành phố, quán thịt dê mọc lên như nấm và "ngọc dương" luôn được giới ăn nhậu săn lừng từng bữa.


Đã thưa những cơn gió "đặc sản", Phan Rang những ngày cuối năm nắng dịu. Mờ sáng, lũ dê kêu toáng trong chuồng, đợi chủ của chúng kéo cổng là ào lên núi kiếm ăn. Lão nông Trần Văn Thanh, nhà ở thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, chỉ tay vào đàn dê cười lém lỉnh: "Bầy dê chưa đi ăn vội đâu. Thằng xồm phải "chơi" vài chục cái đã".

Làm tình nhiều hơn ăn.

Dê là loài vật sinh sống bầy đàn nên thường thì sẽ có một con đực đầu đàn. Con đực có trách nhiệm dẫn dắt cả bầy đi ăn, dẫn về và chịu trách nhiệm cai quản các thành viên khác. Con đực đầu đàn còn có chức năng truyền giống cho các con cái sinh sản. Khi con đực đầu đàn già, yếu đi thì sẽ bị con dê đực khác mạnh hơn soán ngôi để chiếm quyền thống lĩnh và "hưởng thụ" số dê cái. Thường thì người ta chỉ nuôi một con đực cho đàn dê khoảng 50 con dê cái. Số dê đực con sẽ bị bán làm thịt, chỉ có con nào đẹp mới giữ lại làm dê giống.

Dê đực giống còn được gọi là dê xồm - một từ gọi tên thành khái niệm cho cả con người, nhất là mấy ông có tật "tay chân ưa táy máy".

 Theo cái nheo mắt của lão nông Trần Văn Thanh, chúng tôi ngỡ ngàng khi từng con dê cái ra khỏi cửa chuồng, chuẩn bị đi ăn đều quấn quýt bên "cụ xồm". Mỗi "em dê" đi ngang, xồm đều nhảy lên ân ái. Dân địa phương gọi là...rèo cái.

"Nhìn thì cứ tưởng dê cái nào cũng được xồm ân sủng, nhưng thiệt ra không phải vậy. Dê cái con sẽ mất khoảng hai tháng để trưởng thanh rồi động dục. Còn dê cái lớn sau sinh vài ngày là động dục liền. Dê cái động dục sẽ tìm dê xồm. Dê đực và dê cái đều có nhu cầu sinh lý khoảng 50 lần một ngày, nhưng dê xồm chỉ quan hệ một lần với con dê cái trong ngày. Nó cũng như đàn ông, thích "em lạ" hơn", lão nông Trần Văn Thanh giải thích vui.

 Ông Thanh cho biết thêm, cả xã có hơn 3.000 dân và số dê nuôi cũng tương ứng trên đầu người. Con dê trở thành sản nghiệp quý giá cho nông dân địa phương thoát nghèo bền vững. Bởi vì hiện nay một ký dê hơi là 100 ngàn đồng. Dê lại là loài sinh sản cực nhanh, mỗi năm có thể sinh tối đa ba lứa, mỗi lứa từ hai đến ba con. Tất cả cũng là do khả năng sinh lý diệu kỳ mà không phải loài vật nào cũng có được.

 Hai tinh hoàn dê xồm to, lúc nào cũng có khả năng xuất tinh và giúp dê cái thụ thai. Ngoài ra, dê cái với hai bầu vú lớn, sữa dê có hàm lượng dinh dưõng cao nên rất tốt cho việc chăm con. Thịt dê, ngọc dương đều có giá với con người.

 

Gặp " vua dê" ở vùng cát trắng

 Phải mất gần 50 cây số đường bộ tính từ nhà ông Trần Văn Thanh, chúng tôi mới tới được trang trại trên núi của ông Phú Minh Tâm - "vua dê" vùng nắng gió ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. Trang trại của ông Tâm nằm ven một sườn núi, đúng cái chất bán sơn địa thích hợp với loài dê. Cảnh vật đẹp mê hồn với dòng suối cạn, chen chúc giữa lô nhô đá trắng và hoang mạc kéo dài, cứ ngỡ như lạc vào sa mạc Mông Cổ với các cao thủ võ lâm trong truyện Kim Dung.

 Đầu những năm 1990, ông Tâm là người Chăm, bàn với vợ người Kinh vào đây mua đất rẻ như mua kem ký. Cả xóm khuyên can, vì đất ấy không ai dám vào, làm sao nuôi dê? Ngoài ra, Ninh Thuận là tỉnh có lượng mưa ít nhất cả nước, suối thì cạn trơ lấy đâu nước uống cho dê mà chăn thả? Ông Tâm âm thầm thuyết phục khi người vợ bắt đầu lung lay ý chí.

 Đó là địa hình bán sơn địa ở Xã Phước Nam có nhiều tàng cây bụi. Con dê ăn lá dưới thấp, khi mùa đông, lá vàng rụng xuống lại tiếp tục là thức ăn dự trữ. Nguồn nước thì có thể khoan giếng để dê uống. Tin vào suy đoán của mình, ông Tâm đã thành công với đàn dê hiện tại của ông hơn 700 con, chia thành bốn trại lớn. Mỗi năm ông xuất chuồng khoảng 300 đến 400 con dê vì không muốn tăng số lượng đàn, khó quản lý. Số tiền thu về cho ông Tâm khoảng 400 triệu đồng.

 

Để tiện cho việc dê cái đẻ, ôngTâm cho xây dựng hệ thống chuồng trại cao hơn mặt đất khoảng 1,5 mét. Ông thuê luôn bốn hộ đồng bào Chăm coi sóc đàn dê vừa hưởng lương vừa hưởng các nguồn lợi nhuận khác từ dê.

Anh Phú Văn Trụ, một người làm công cho ông Tâm, cho biết: với 700 con dê thì chỉ riêng tiền bán phân dê đã là 21 triệu đồng/ tháng. Phân dê được thương lái tìm đến tận nơi, tự gom vào bao, mỗi bao 20 ngàn đồng rồi chở bằng xe tải đem về Đà Lạt chế biến thành phân trồng rau sạch.

"Vì địa hình nuôi dê là sườn núi, mùa gió ở Ninh Thuận là có gió lớn nên dê bị thổi bay xuống vực chết là thường. Đó là rủi ro không tránh được, còn các cái chết khác như dê đẻ bị sót nhau thì không còn chết nữa vì chúng tôi đã có bí quyết của mình", ông Tâm nói.

 Theo ông Tâm, trước đây phương pháp trị sót nhau là bí quyết của ông, còn bây giờ nó là của chung cho người nuôi dê toàn quốc. Vì ông vào Sài Gòn dự hội thảo, đã không ngần ngại tiết lộ kinh nghiệm này. Theo đó, người nuôi dê chỉ cần dùng bàn tay thon nhỏ của phụ nữ mà thọc vào cửa mình dê thụt rửa rồi kéo nhau ra.

Đặc chiêu pín dê pêđê

Anh Xuân Hoài, chủ một lò mổ nổi tiếng ở huyện Ninh Phước, cho biết hiện nay ngọc dương tại địa phương có giá khoảng 250 ngàn đồng. Ngọc dương có nhiều công dụng bồi bổ thận, tăng cường khả năng sinh lý nên rất được quý ông và cả các bà ưa chuộng. Lò mổ của anh mỗi ngày làm thịt khoảng 50 con dê nhưng số lượng ngọc dương vẫn không đủ cung cấp cho nhu cầu khách hàng.

 Để sử dụng ngọc dương tốt nhất thì lúc con dê con sống phải cắt nguyên chùm, chứ cắt tiết rồi thì mọi tinh túy sẽ tan biến theo nỗi sợ hãi của con dê. Dân gian gọi thô nhưng đúng bản chất, đó là sợ... teo dái.

 Tại các thành phố, đô thị trong cả nước, quán thịt dê mọc lên ngày càng nhiều nhưng thực khách thì vẫn đông đảo. Dê núi Ninh Bình thực chất là con dê giống được đem từ Ninh Thuận ra Bắc nuôi. Vú dê cái cũng là một đặc sản luôn thiếu thốn cho thị trường, dẫn theo sự hoài nghi lớn khi nhà hàng nào cũng tuyên bố mình có món này trong thực đơn.

 Ông Bá Văn Tin, Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, cũng là một người nuôi dê có tiếng cho biết thêm, ngọc dương tuy quý nhưng vẫn còn có thứ khác quý hơn từ sản phẩm thịt dê mà không phải ai cũng biết, đó là pín dê pêđê. 

Thấy khách tủm tỉm cười, ông Tin giải thích, con dê cũng như con người, nó có giới tính thứ 3 do bẩm sinh. Con dê đực mỗi ngày xuất tinh vài chục lần đã là một kỳ tích ghê gớm, con dê cái mỗi ngày nhu cầu giao phối cũng tương tự. Nhưng con dê pêđê thì... không xuất đi đâu được nên toàn bộ những gì tinh túy nhất được hấp thụ bên trong nó.

"Chỉ có người sành ăn mới tìm thấy pín dê pêđê. Ăn pín dê pêđê thì sinh lực dồi dào, điều này đã được kiểm chứng bởi rất nhiều người. Dê pê đê là con dê từ khi lọt lòng mẹ đã có tới hai bộ phận sinh dục của cả con đực và con cái. Có thể dùng pín dê pêđê ngâm rượu thêm một thang thuốc Bắc hoặc chế biến món ăn đều tốt. Nó là yếu tố giúp gia đình hạnh phúc đó nghen", ông chủ tịch hội nông dân cười tươi.

 Nắng trôi qua khỏi giàn nho thì đàn dê vừa xong cuộc ái ân bất tận để tràn đi kiếm thức ăn.

Lão nông Trần Văn Thanh lại nheo đôi mắt tuổi thất thập cổ lai hy cười giòn: "Con dê chỉ ăn lá táo, lá nho, lá rừng mà sinh lực tràn trề, còn mấy ông ăn nhậu bây giờ tìm hết thứ này đến thứ khác mà cứ xìu xìu. Suy ra, con người mình cứ thấy con dê là phải gọi bằng sư phụ nhé".

Theo Thanh Nhã

Kiến thức Phổ Thông

 Một bác lớn tuổi bực mình với một cậu Grab Biker:

- Sao tao đợi mày ở đây đến 20 phút mà mày cứ nói đến rồi là sao?

- Dạ, cháu tưởng số 2 Đồng Khởi là Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn nên cháu đứng đó đợi...

- Khổ quá... Mày không biết xem số à?

- Cháu có xem, nhưng chỗ Nhà thờ không có số. Cháu nghĩ số 2 là đầu đường nên chờ mãi. Đang tính báo "Hủy" thì bác gọi lại...

- Mày học hành sao mà đầu đường, cuối đường không biết?

- Dạ, cháu có đi học chứ. Cháu mới tốt nghiệp Đại học Luật bác ạ. Nhưng quê ở Tây Ninh. Giờ tốt nghiệp, xin việc hoài không được, phải chạy Grab kiếm cơm. Bác thông cảm . . .

- Thôi được, chạy đi. Tao dạy mày một lần cho biết nhé. Cái đó gọi là Kiến thức phổ thông, nhưng tao biết gần như 100% người Việt ở Việt Nam không biết. Từ xếp lớn đến thằng chạy xe ôm như mày. Vì có học đâu. 100 anh chạy xe ôm đều không biết trừ những anh tao nói thì biết thôi.

 Nhớ nhé: Trong một đô thị đã có quy định: Mặc nhiên là số nhỏ luôn tính từ sông lên. Ví dụ: Số 2 đường Đồng Khởi là Cà phê Runam tao đang đứng đây là số nhỏ vì nó giáp sông Sài Gòn. Vậy, chỗ mày chờ lúc nãy là ở Nhà thờ Đức Bà là cuối đường Đồng Khởi.

Số lẻ luôn bên tay trái, số chẵn bên tay phải khi mày đứng nhìn từ đầu đường đến cuối đường.

Vậy khách Tây nó nói cho xe đến trung tâm Sài Gòn thì mày chạy đi đâu?

- Dạ... Chắc chạy ra Nguyễn Huệ phải không bác?

- Trật lất. Ở một đô thị, trung tâm là nơi có nhà ga xe lửa chính. Rồi nếu không có thì là Bưu điện Trung tâm. Tức là chỗ Nhà thờ Đức Bà vừa nãy đó.

Trước 1975, trung tâm Sài Gòn là Nhà ga xe lửa ở chỗ gần chợ Bến Thành, chứ không phải là Chợ Bến Thành. Sau năm 1980, nhà ga này dời về Hòa Hưng nên trung tâm Sài Gòn hiện nay là Bưu điện trung tâm Sài Gòn. 

Đó là các kiến thức phổ thông. Mày biết thì đi đâu ở nước ngoài cũng không sợ bị lạc đường. Nó có những quy tắc phổ quát ở đô thị, trong một xã hội văn minh. Phải được dạy dỗ từ bé. Nhưng người ta không làm.

Người ta dạy rất nhiều thứ vô bổ. Người Việt đi nước ngoài khổ lắm. Đi từng đoàn, xem bản đồ không biết, xem la bàn không biết. La hét inh ỏi. Xấu hổ ghê lắm . . .

Trong khi ở các nước khác, trước khi học toán, học lý, họ dạy người ta sống với nhau như thế nào. Gọi là học cách Cư xử, cách Đối nhân xử thế giữa người với người, giữa trẻ với người lớn tuổi.

Rồi dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, nhóm lửa trong điều kiện khó khăn, cách dựng lều, trại, cách bắt cá, cách xử lý thịt sống... Rồi học bơi, học thoát khỏi đám cháy, nhà sập, động đất hay bị bắt cóc... Học cách ứng cứu y tế sơ đẳng... Nhiều lắm... 

Như trẻ con ở Nhật, từ lớp 1 đến lớp 6 chỉ học như vậy. Và một ít chữ. Toán, Lý, Hóa chỉ sau này mới học. Và nếu có năng khiếu có đam mê mới theo một ngành nào đó và học cấp cao hơn. Nhưng trước đó đứa bé đã biết mọi thứ để tự lo cho cuộc sống của mình.

Tao sang Canada... Người ta dạy lắp điện, sửa ống nước, thoát nước với những điều cơ bản từ trong trường phổ thông. Cái gì lo cho bản thân mình chính là phổ thông. Còn ở Việt Nam không có.

Vì vậy, ở Việt Nam làm gì cũng mướn thợ. Ở nước ngoài, người ta ai cũng làm được hết, dù là phụ nữ hay đàn ông, từ điện đến cấp, thoát nước... Chỉ những người muốn công việc chuyên nghiệp và quá bận rộn mới mướn thợ. 

Còn ở Việt Nam, rất nhiều đàn ông không biết lắp điện, không biết sửa ống nước. Vì có được học đâu? Trẻ con Việt Nam yếu về mọi kỹ năng, cái gì cũng không biết. Vì chúng phải bỏ thời giờ để học yêu lãnh tụ, yêu đồng bào. Đó là sự xuẩn ngốc. Vì tình yêu không thể dạy để yêu được.

Tình yêu là một tình cảm tự nhiên và lòng yêu nước cũng tự nhiên dù không dạy cũng vậy.

Hôm qua, thằng cháu ngoại của tao mới vào lớp vỡ lòng về hỏi: Ngoại ơi, tổ quốc là gì hả ngoại, có phải là tổ con chim quốc không ngoại, sao cô giáo dạy phải yêu? Tao nhức đầu quá, chẳng biết giải thích sao.

Sao không dạy cho bọn nó trước hết yêu ông, bà, cha, mẹ, anh chị, bạn bè, kính trọng thầy cô, người lớn trước khi dạy nó những thứ khác? Đầu óc non trẻ của tụi nó sao kham nổi mấy khái niệm xa lắc xa lơ?

Lớn lên, chúng còn mất thì giờ học Toán cao cấp như Vi phân, Tích phân. Mấy đứa sau này làm ca sỹ, nhân viên bán hàng, cầu thủ đá banh như Công Phượng, Quang Hải hay chạy Grab như mày . . . cần gì những thứ này?

Hầu hết đều vứt đi sau khi thi xong, quá lãng phí công sức người dạy lẫn người học. Cái không dùng tới trong đời sống hàng ngày sao gọi được là phổ thông? Nó chỉ nên dạy ở đại học . . .

Còn nhiều thứ vô bổ khác nữa được nhồi nhét vào đầu chúng. Chẳng biết nhằm mục đích gì?

Cách dạy cũng vậy, từ cấp nhỏ đến đại học toàn đọc, chép, thầy cô bảo sao nghe vậy, đứa nào có ý khác một tý, cãi một tý thì mắng là hỗn, láo mặc dù mình sai lè lè! Chẳng khác gì biến chúng thành một lũ cừu dễ bảo.

Giáo dục bây giờ thật tệ hại. Cho nên nói cứ nói mà không có mục tiêu nào đạt được. Đại hội Đảng năm 1976, người ta nói đến 1980 cơ bản biến nước ta thành nước Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá. Và giờ đã 43 năm rồi mà vẫn còn xa vời...

Hôm nọ có một gã chức nhớn mới nói: Giáo dục của ta chưa bao giờ tốt như bây giờ, kể từ thời Vua Hùng đến giờ... Một cậu bé bán vé số đứng cạnh mới hỏi:

- Có đúng không bác?

Ông bác lớn tuổi tự hào trả lời:

- Đúng chứ cháu. Cháu mới 10 tuổi mà biết sử dụng Ipad, Iphone nhoay nhoáy. Bác chắc là Vua Hùng sống lại cũng không giỏi như cháu đâu. Nên mới nói giáo dục của ta bây giờ hơn thời Vua Hùng nhiều lắm . . .

Sưu Tầm

 

 

 

 

 

 


 

Wednesday, 22 September 2021

Một tấm gương

 Khi Charlie Hastell qua đời, ông để lại một người vợ và chín đứa con. Họ sống trong một căn nhà có bốn phòng trên mảnh đất nhỏ. John là  con trai trưởng. Anh đã 16 tuổi, và cao so với lứa tuổi của mình.
Sau khi người cha mất, mẹ John bảo anh phải đảm đương, gánh vác việc gia đình. Vì thế John ra cánh đồng bắp phía sau căn nhà nhỏ. Ở đó còn rất ít bắp và đầy những cỏ dại. Gia đình anh cần bắp và bắp cần chỗ để lớn. John cúi xuống và bắt đầu nhổ cỏ. Tối hôm đó, khi John dùng bữa ăn nhẹ, anh nói với mẹ rằng anh đã dọn sạch một nửa mảnh ruộng. Bà rất ngạc nhiên và lập tức đi ra ngoài nhìn xem những gì anh đã làm. Trong khi nhìn mảnh ruộng, bà nhớ ra lúc trước chồng mình đã có lần bán bắp cho vị thẩm phán Done. Bà cũng nhớ là họ chưa lấy tiền số bắp đó. Bà bảo John đi ngay đến nhà ngài thẩm phán để lấy số tiền đó..

John rất sợ ngài thẩm phán Done. Ông là người giàu nhất tỉnh. Ông sở hữu rất nhiều đất đai và mọi người đều mắc nợ ông ta. Căn nhà bằng đá của ông trông như một tòa lâu đài. John đi đến nhà vị thẩm phán và gõ cửa. Một người đầy tớ ra mở cửa ngay và dẫn John vào văn phòng của vị thẩm phán. Ngài Done đang ngồi tại bàn giấy. Ông là một người cao lớn với khuôn mặt ửng đỏ,  tóc trắng dài và đôi mắt xanh nghiêm nghị. John đứng xoay lưng ra cửa, anh cầm nón bằng cả hai tay.

"Chào John", vị thẩm phán nói. "Cháu muốn gì nào"?
John nói với ngài thẩm phán về số tiền.
"Ồ, vâng". Ông nói, "Xin lỗi nhé. Ta đã quên bẵng chuyện đó".

Ông đứng lên cho tay vào túi và chậm rãi lấy ra một ví tiền bằng da nâu lớn. Ông mở nó, lấy ra một tờ bạc mới và đưa cho John. Rồi ông lại ngồi xuống bàn giấy.

"Cháu và gia đình làm ăn ra sao?". Ông hỏi.

"Cũng được, thưa ngài", John nói. "Cháu không muốn làm phiền ngài về số tiền này, nhưng thực sự là gia đình cháu cần nó".

"Đúng rồi", vị thẩm phán chậm rãi nói. "Đáng lẽ ta phải nhớ điều đó. Ta không nghĩ về nó vì cha cháu đã mắc nợ ta. Ông ấy nợ ta 40 đô la".

John hoàn toàn bị sốc. Anh không thể nghĩ được điều gì để nói. 40 đô la là cả một gia tài đối với anh và gia đình anh.

Ngài thẩm phán nhìn John một lúc và hỏi, "Cháu bao nhiêu tuổi hả, cậu bé?".

"16, thưa ngài".

"Và cháu nghĩ đến khi nào thì có thể trả cho ta số tiền 40 đô la mà cha cháu đã nợ ta?"

Mặt John trắng bệt, anh nói khẽ, "Cháu cũng không biết, thưa ngài".

Vị thẩm phán đứng lên. "Ta hy vọng cháu không giống như cha cháu. Ông ấy là người lười biếng, không bao giờ chịu làm việc chăm chỉ".

Ông đưa tay cho cậu bé.

"Chúc cháu may mắn", ông nói khi bắt tay John. Rồi ông tiễn John ra cửa và chào tạm biệt.

Suốt mùa hè, John làm mướn 40 cent một ngày nơi trang trại của người khác. Ban đầu, không ai muốn mướn anh. Họ nhớ lại cha anh đã lười biếng như thế nào và họ giao việc cho những cậu bé khác. Nhưng John là người làm việc chăm chỉ. Và anh bắt đầu nhận được công việc. Anh làm thuê trên đồng ruộng người khác 6 ngày một tuần. Anh chăm sóc mảnh đất gia đình mình vào mỗi tối và cả ngày Chủ nhật.

Mùa hè năm đó  lần đầu tiên mảnh đất nhỏ đã cung cấp đủ trái cây và rau cho John và gia đình. Thậm chí họ còn có thể mang ra chợ bán bớt. John thường tự hỏi  cha mình làm thế nào mà có thời gian để đi câu. Mùa hè đó, John có rất ít thời gian đi câu. Và khi có thời gian nghỉ ngơi, anh lại nhớ đến 40 đô la nợ ngài thẩm phán Done. Rồi anh lại đi tìm thêm việc để làm.

Lúc đầu anh đưa mẹ hết số tiền mà anh kiếm được. Nhưng sau đó, anh bắt đầu để dành lại vài xu mỗi lúc anh lãnh tiền. Vào cuối tháng Tám, anh đã dành dụm được một đô la. Khi cầm tiền trong tay, lần đầu tiên anh nhận thấy rằng một ngày kia anh sẽ có thể trả hết số tiền mà cha anh đã nợ ngài Done.

Vào giữa tháng Mười, anh đã để dành được 5 đô la để trả cho ngài thẩm phán. Vì thế, một hôm sau bữa ăn nhẹ buổi tối, anh lại đến ngôi nhà lớn bằng đá của ngài thẩm phán. Anh gặp ngài đang ngồi trong văn phòng.

"Hãy ngồi xuống, John", vị thẩm phán nói. "Ta biết cháu đã làm việc rất cực nhọc trong mùa hè này. Ta sẽ rất vui lòng giúp cháu nếu cháu cần tiền vào mùa đông".

John cảm thấy nóng bừng mặt. "Cháu không đến đây để xin một điều gì cả, thưa ngài", anh nói. Anh thọc sâu tay vào túi, lấy tiền ra. "Cháu muốn trả một ít tiền mà cháu đã nợ ngài. Chỉ có 5 đô-la thôi, thưa ngài nó đây". Và anh đưa tiền cho ông ta.

Vị thẩm phán đếm tiền. Rồi ông đi đến bàn giấy, cho nó vào ngăn kéo. "Vào mùa đông này, cháu định sẽ tìm việc ở đâu, John?".

"Cháu không biết, thưa ngài".

Nhiều ngày sau đó, mẹ John bảo anh vào thành phố mua vải. Bà muốn may quần áo ấm cho lũ trẻ vì mùa đông sắp đến.

Trên đường đi vào thành phố, John gặp Seth White -Feather. Seth là người da đỏ và anh ta cũng làm mướn cho các nông trại trong suốt mùa hè. Nhưng vào mùa đông, Seth đi về phía Bắc và biến mất trong những cánh rừng.

Khi họ đi vào thành phố, John nói với Seth rằng anh không có việc gì  làm vào mùa đông. Seth kể cho John nghe là mỗi mùa đông  anh vào rừng đi săn và bẫy thú để lấy lông. Seth kể mùa đông vừa qua anh đã kiếm được 200 đô la.

"200 đô la!" John suy nghĩ. Anh rụt rè nhờ cậy người da đỏ. "Năm nay, tôi có thể đi với anh được không?"

Seth nhìn John nói nghiêm nghị: "Anh có một khẩu súng và vài cái bẫy thú không?".

John lắc đầu. "Không", anh nói: "Nó tốn khoảng bao nhiêu?"

"75 đô-la", người da đỏ trả lời. "Nếu anh có đủ những thứ đó, tôi sẽ chỉ anh cách bắt thú. Tôi sẽ đi trong hai tuần nữa".

Chỉ có một người có thể giúp John. Tối hôm đó, anh đến nhà vị thẩm phán. Căn nhà tối đen, ngoại trừ một ánh đèn vẫn còn sáng ở văn phòng vị thẩm phán. John có thể thấy ông ta đang ngồi tại bàn giấy. Cậu bé gõ nhẹ ở cửa sổ. Ngài Done mở cửa sổ. Khi thấy gương mặt gầy gò của cậu bé, ông hỏi: "Cháu cần gì vậy?".

"Thưa ngài", John nói. "Cháu có thể nói chuyện với ngài được không?".

Vị thẩm phán đóng cửa sổ lại và mở cửa chính. Họ đi vào văn phòng. "Cháu nói nhanh lên, cũng hơi trễ rồi" vị thẩm phán nói.

Trong đời, John chưa bao giờ sợ hãi đến như thế. Anh không thể nghĩ hay nói gì được trong một lúc.

"Hãy nói đi, cậu bé", ông giục anh.

Thế rồi John kể cho ông nghe về Seth, về những bộ lông thú và xin vay tiền vị thẩm phán.

"75 đô la", vị thẩm phán nói. "Cháu yêu cầu ta cho một cậu bé 16 tuổi vay một số tiền lớn thế kia ư?".

"Cháu có thể làm việc đó với 50 đô la. Nhưng nếu ngài nghĩ đó là một ý tưởng ngốc nghếch thì cháu sẽ không làm phiền ngài nữa".

"Im nào", vị thẩm phán nói: "Nếu ta cho cháu mượn tiền, ta muốn biết chắc chắn rằng cháu sẽ không chết đói ở trong rừng, để rồi ta chẳng bao giờ lấy lại được số tiền đó, phải không? Vị thẩm phán nhìn John chăm chú một lát rồi hỏi, "Còn Seth thì sao? Cháu có thể tin tưởng nơi anh ta không?"

John gật đầu và nói: "Anh ta luôn tử tế với cháu"

Vị thẩm phán rút từ bàn ra một tờ giấy và viết vài dòng trên đó. "Hãy ký vào đây". Ông nói khi đã viết xong. "Nội dung ghi cháu hứa sẽ trả cho ta 75 đô la vào mùa xuân tới".

John bối rối thưa với vị thẩm phán rằng anh không biết đọc và viết. "Hãy đánh một cái dấu ở phía dưới tờ giấy thay thế cho tên của cháu", ông nói. "Đây tiền đây, đừng làm mất nó". Ông tiễn John ra cửa và bắt tay anh. "Chúc may mắn. Hãy đến đây ngay khi cháu quay về vào mùa xuân tới nhé".

Vào ngày một tháng Mười Một, John hôn từ biệt mẹ, rời khỏi nhà cùng với Seth. Trên lưng, anh mang một túi lương thực lớn, một khẩu súng và những cái bẫy mà anh đã mua bằng tiền của vị thẩm phán. Anh và người da đỏ đi bộ hàng giờ đến một cái lán nhỏ trong rừng sâu. Seth đã dựng căn nhà nhỏ bé này trước đây nhiều năm.

John đã học hỏi được rất nhiều trong mùa đông đó. Anh học cách săn và đặt bẫy thú hoang, và cách sinh sống ở trong rừng. Thân hình anh trở nên cường tráng vì rừng già đã luyện cho anh sức khỏe và làm cho anh can đảm. John bẫy được rất nhiều thú. Vào đầu tháng Ba, chồng da lông thú đã chất cao gần bằng anh. Seth nói có lẽ John sẽ thu được ít nhất 200 đô la cho những bộ lông thú ấy.

John đã sẵn sàng về nhà, nhưng Seth muốn ở lại tiếp tục săn bắn đến tháng Tư. Vì thế, John quyết định đi về một mình. Seth giúp John gói ghém những bộ da và những cái bẫy để anh có thể mang chúng lên lưng. Rồi, Seth nói:

"Này, bây giờ hãy lắng nghe tôi nói đây. Khi anh băng qua sông, đừng đi trên băng. Những lớp băng rất mỏng. Hãy tìm những nơi băng đã tan, rồi kết những khúc cây lại với nhau thành một chiếc bè. Anh có thể dùng nó để vượt qua sông. Làm cách này thì tốn thêm vài giờ nhưng nó an toàn hơn".

"Vâng, tôi sẽ nghe anh", John nói nhanh. Anh muốn ra đi ngay lập tức.

Ngày hôm đó, khi John đi bộ băng qua rừng, anh bắt đầu nghĩ về tương lai của mình. Anh có thể đi học để biết đọc biết viết. Anh sẽ mua một nông trại lớn hơn cho gia đình. Có thể một ngày nào đó, anh sẽ có quyền lực và cũng được kính nể như ngài thẩm phán.

Gói hàng nặng trên lưng làm anh nghĩ về những gì anh sẽ làm khi trở về nhà. Anh sẽ mua một cái váy mới cho mẹ. Anh sẽ mua đồ chơi cho các em trai và em gái. Và anh sẽ gặp ngài thẩm phán. Trong tâm trí, anh thấy mình đang bước vào phòng của vị thẩm phán. Anh sẽ đếm tiền vào tay vị thẩm phán. John không thể chờ đợi để  trả nốt số tiền còn lại mà cha anh đã mượn.

Lúc xế chiều, chân John bị đau và gói hàng trên lưng anh trở nên quá nặng. Anh vui mừng khi cuối cùng anh đã đến được con sông. Bởi vì điều đó có nghĩa là anh sắp về đến nhà rồi. Anh nhớ lại lời khuyên của Seth. Nhưng, anh đã quá mệt mỏi nên không thể  tìm kiếm nơi băng tan. Anh thấy một cái cây lớn thẳng đứng mọc bên bờ sông. Nó cao đủ để chạm tới bờ bên kia của con sông. John lấy cái rìu ra, từ từ hạ cây xuống. Nó ngã xuống tạo thành một cái cầu bắc qua sông. John đá thử một cái vào cây nhưng nó không nhúc nhích. Anh quyết định sẽ không làm theo những gì Seth đã dặn. Nếu băng qua sông trên cái cây này, anh chỉ mất một giờ thôi. Anh có thể gặp ngài thẩm phán ngay tối hôm đó.

Với chồng lông thú trên lưng và cây súng trong tay, anh bước  trên cái cây ngã. Nó chắc chắn, cứng rắn như đá dưới chân anh. Anh đi được nửa đường thì bỗng nhiên cái thân cây chuyển động. John ngã xuống băng. Băng vỡ ra và John chìm xuống nước. Thậm chí anh không kịp thét lên. John làm rơi súng. Da thú và những cái bẫy tuột khỏi lưng anh. Anh cố gắng chụp lại nhưng dòng nước chảy xiết đã cuốn trôi tất cả. John phá vỡ những tảng băng, và cố hết sức bình sinh để tới được bờ bên kia. Anh đã mất tất cả.
Anh nằm trên tuyết một lúc. Rồi anh đứng dậy, tìm một cây gậy dài, và đi lên đi xuống bờ sông hàng giờ. Anh thọc gậy  qua các tảng băng, tìm kiếm lông thú, những cái bẫy và cây súng. Cuối cùng, anh đành bỏ cuộc..

Anh đến thẳng nhà ngài thẩm phán. Đã khuya rồi, nhưng ngài thẩm phán vẫn còn ngồi trong văn phòng. John gõ cửa và bước vào. Vẫn còn lạnh và ướt, John kể cho ông nghe anh đã làm ngơ trước lời khuyên của Seth như thế nào và việc gì đã xảy ra. Ngài thẩm phán không nói gì cho đến khi John kể xong. Rồi ông nói:

"Mỗi người đều phải học hỏi nhiều thứ. Thật là kém may mắn cho cháu và ta  khi cháu phải học một bài học như vậy. Hãy về nhà đi, cậu bé".

Mùa hè đó, John chăm chỉ làm việc, anh trồng bắp và khoai tây cho gia đình. Anh cũng làm thuê cho các nông trại của người khác, và để dành được 5 đô la trả cho vị thẩm phán. Nhưng anh vẫn còn nợ 30 đô la từ món nợ của cha anh, 75 đô la tiền bẫy và cây súng, tất cả trên 100 đô la. John cảm thấy anh không thể nào trả hết nợ.

Vào tháng Mười, ngài Done nhắn anh:  "John", ông nói. "Cháu đã nợ ta nhiều tiền. Ta nghĩ cách tốt nhất ta có thể lấy lại nó là cho cháu thêm một cơ hội đi săn và bẫy thú nữa vào mùa đông này. Cháu có tự nguyện đi không nếu ta cho cháu mượn thêm 75 đô la khác nữa?"

John đồng ý. Năm nay, anh phải vào rừng một mình vì Seth đã chuyển sang ở khu rừng khác. Nhưng John nhớ tất cả những gì người bạn da đỏ đã chỉ cho anh. Anh ở tại cái lán của Seth, và săn thú hàng ngày trong mùa đông dài và cô đơn đó. Lần này, anh ở lại đến cuối tháng Tư. Lúc đó, anh có nhiều da lông thú đến nỗi phải để lại những cái bẫy. Băng trên sông đã tan ra khi anh đến. Anh làm một cái bè để qua sông mặc dù phải tốn thêm một ngày nữa.

Khi trở về nhà, vị thẩm phán giúp anh bán những bộ lông thú được 300 đô la. John trả cho ông 150 đô la anh đã mượn để mua bẫy và súng. Rồi anh chậm rãi đếm tiền vào tay của ông ta số tiền mà cha anh đã mượn.

Mùa hè đó, John làm việc trên nông trại của gia đình. Anh cũng học đọc và học viết. Trong suốt mười năm kế tiếp, cứ mỗi mùa đông anh vào rừng săn thú. Anh để dành tiền mà anh kiếm được do bán lông thú. Cuối cùng anh dùng nó để mua một nông trại lớn hơn. Thỉnh thoảng, anh đến thăm vị thẩm phán trong căn nhà bằng đá to lớn của ông ta. Ông già này  không còn làm cho anh sợ nữa.

Khi John 30 tuổi, anh trở thành một trong những vị chức sắc thành phố. Và khi ngài thẩm phán mất vào năm đó, ông để lại cho John căn nhà lớn và rất nhiều tiền bạc. Ông cũng để lại cho John một lá thư.

John mở ra và nhìn vào ngày ghi. Vị thẩm phán đã viết thư đó vào cái ngày mà anh đến mượn tiền cho chuyến đi đầu tiên của mình.

"John thân mến!" ngài viết: "Ta đã không bao giờ cho cha cháu mượn tiền vì ta không tin ông ấy. Nhưng ta thích cháu ngay lần đầu tiên gặp cháu. Ta muốn biết chắc rằng cháu không giống như cha cháu. Vì thế ta đã thử. Đó là lý do tại sao ta nói cháu đã nợ ta bốn mươi đô la. Chúc may mắn nhé, John".

Và trong bao thư là 40 đô-la.

dịch theo "Judge" của Walter. D. Edmonds- LeVanQuy

 AB2851B0A13A479799DF37226BC6742F.jpg

 

Tuesday, 21 September 2021

Ngày mai tôi phải đi Viện Dưỡng Lão...

 

Không phải bất đắc dĩ, thì tôi cũng không muốn đi viện dưỡng lão đâu. Nhưng mà từ khi sinh hoạt hàng ngày không còn có thể tự xoay xở, mà con gái vừa làm việc bận rộn vừa phải chăm sóc cháu trai, không rảnh để quan tâm mình, đây dường như là sự lựa chọn duy nhất đối với tôi. 

Điều kiện sống ở viện dưỡng lão không tệ: Một mình một gian phòng sạch sẽ, được lắp các đồ điện đơn giản thực dụng, đầy đủ các loại phương tiện giải trí; đồ ăn cũng ngon miệng; phục vụ rất chu đáo, bày trí xung quanh cũng rất đẹp. 

Tuy nhiên giá cả đắt đỏ, tiền hưu của tôi nhất định không đủ trả. Nhưng tôi còn có nhà riêng của mình, đem bán nó đi, tiền cũng không còn là vấn đề nữa. Nhưng tài sản còn lại, trong tương lai tôi muốn để dành cho con cái. Con cái lại rất hiểu chuyện, chúng nói: "Tài sản của mẹ thì mẹ tùy ý sử dụng, không cần lo cho bọn con". Số tiền còn lại đúng là tôi muốn chuẩn bị để vào viện dưỡng lão. 

Sống trong nhà, kim chỉ cái gì cũng không thiếu, rương hòm, ngăn tủ, ngăn kéo đều đầy ắp các loại đồ dùng. Quần áo bốn mùa, đồ dùng bốn mùa, chồng chất như núi; tôi thích sưu tầm, tem sưu tầm đã thành từng chồng lớn, ấm tử sa cũng đã hơn mười cái. Còn có rất nhiều vật linh tinh cất giấu, nào là ngọc bích, hạt óc chó, vật trang sức. Đặc biệt là sách, cả một mặt tường là giá sách, chật kín đầy ắp; rượu ngon thì Mao Đài, Ngũ Lương, rượu Tây cũng phải mấy bình. 

Còn có nguyên bộ đồ điện gia dụng, dụng cụ nấu nướng, nồi niêu xoong chảo, củi gạo dầu muối, đủ loại đồ gia vị, nhét chật đầy phòng bếp; còn hơn chục cuốn album ảnh, nhìn một phòng tràn đầy đồ vật, tôi cũng thấy phát rầu ! 

Viện dưỡng lão chỉ có một gian phòng, một cái tủ, một cái bàn, một giường, một ghế sô pha, một tủ lạnh, một máy giặt, một TV, một bếp điện từ, một lò vi ba, căn bản không có chỗ để lưu giữ của cải mà mình tích lũy. 

Trong chớp mắt, tôi đột nhiên cảm giác được, những của cải này đều là dư thừa, chúng cũng không thuộc về mình... 

Tôi chẳng qua là nhìn một cái, chơi một chút, dùng một lát, chúng trên thực tế chỉ thuộc về thế giới này, những sinh mệnh lần lượt lướt qua ta, cũng chỉ là quần chúng. 

Cố Cung là của ai, hoàng đế cho rằng là của trẫm đấy, nhưng bây giờ nó là của nhân dân, của xã hội, chỉ có thể trở thành lịch sử.

Tôi bỗng nhiên hiểu ra: Tại sao Bill Gates muốn đem cho toàn bộ tài sản của mình; tại sao Jack Ma tuyên bố muốn tặng toàn bộ đồ cất giữ cho viện bảo tàng? Đó là bởi vì bọn họ hiểu rồi: Tất cả vốn dĩ không phải của họ ! 

Bọn họ chẳng qua là nhìn một cái, chơi một chút, dùng một lát, sinh không mang theo, chết không mang đi, chi bằng tích đức làm việc thiện lưu lại phúc cho con cháu. Đó mới thật là sáng suốt! 

Một phòng đồ đạc của tôi, thật muốn đem hiến tặng, nhưng lại không nỡ. Phải xử lý chúng trở thành một vấn đề khó khăn, con cháu lại chẳng dùng được bao nhiêu. 

Tôi có thể tưởng tượng, lúc cháu mình đối mặt với những bảo bối tôi khổ tâm tích lũy thì sẽ đối xử thế nào: Quần áo chăn đệm toàn bộ đều vứt đi; hơn chục cuốn album quý báu bị đốt bỏ; sách bị coi như phế phẩm bán đi; đồ cất giữ không có hứng thú sẽ bị dọn sạch; đồ gỗ lim trong nhà không dùng, cũng sẽ đem bán giá rẻ. Giống như phần cuối Hồng Lâu Mộng: "Chỉ còn lại trắng xóa một mảnh, thật sạch sẽ !" 

Tôi quay lại nhìn đống quần áo như núi, chỉ lấy vài bộ thích mặc; đồ dùng phòng bếp chỉ chừa lại một bộ nồi niêu chén bát. Sách chọn lấy vài cuốn đáng đọc; ấm tử sa chọn lại một cái để uống trà. Mang theo chứng minh thư, giấy chứng nhận người già, thẻ y tế, hộ khẩu, đương nhiên còn có thẻ ngân hàng, vậy là đủ rồi! 

Đây chính là toàn bộ gia sản của tôi ! Tôi đi rồi, từ biệt hàng xóm, đem trả ngôi nhà này lại cho thế giới này ! 

Đúng vậy, đời người chỉ có thể ngủ một giường, ở một gian phòng, dù nhiều hơn nữa đều là để nhìn chơi. Nhân sinh trên đời, quả thật không cần quá nhiều, đừng quá coi trọng vật chất, bởi vì tất cả cuối cùng đều phải trả lại cho thế giới này ! Chi bằng xem nhiều sách, ở bên cạnh người thân, yêu mến bạn bè bên cạnh, làm cho thế giới này bởi vì có tấm lòng yêu thương của bạn mà trở nên càng tốt đẹp.
 

Tuệ Tâm, theo SOH/tinhhoa.net

 

Sunday, 19 September 2021

Thuốc trị Covid-19

 Hoa Kỳ nghiên cứu thành công thuốc uống điều trị Covid-19 mở ra hy vọng chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới

 Thuốc Molnupiravir mang đến nhiều kỳ vọng cho người dân khắp thế giới.  

Đây là một tin vui với tất cả người dân trên toàn thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Loại thuốc kháng virus có tên Molnupiravir của Mỹ đang là ứng viên tiềm năng nhất cho hy vọng chấm dứt đại dịch Covid-19 trong tương lai gần.

Thuốc Molnupiravir được phát triển bởi sự hợp tác giữa 2 công ty Rigibel (Đức) và Merk (Mỹ). Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã hoàn tất với hiệu quả 100% trên các bệnh nhân Covid-19. Sau 5 ngày, tải lượng virus của bệnh nhân xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cũng gần đi đến chặng cuối với hiệu quả rất tốt, dự kiến sẽ có kết quả ngay trong mùa thu năm nay.

Nếu quá trình nghiên cứu suôn sẻ, thuốc Molnupiravir sẽ được đưa ra thị trường trong 4-5 tháng tới.

Loại thuốc này được nghiên cứu dựa trên thuốc gốc chống lại virus cúm, có tác dụng ức chế sự sao chép của các virus RNA trong đó có SARS-CoV-2 khiến virus không nhân lên và bị đào thải rất nhanh, giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Đặc biệt, thuốc có rất ít tác dụng phụ, phổ biến là nhức đầu, mất ngủ.

Molnupiravir sử dụng dễ dàng qua đường uống, điều trị các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 giai đoạn đầu. Theo đó, mỗi bệnh nhân sẽ uống 2 liều mỗi ngày và duy trì trong 5 ngày ngay tại nhà.

Nếu nghiên cứu pha 3 thành công, trong tương lai việc điều trị SARS-CoV-2 sẽ giống như điều trị các loại cúm khác.

Hiện tại, Chính phủ Mỹ đã chi khoảng 1,2 tỉ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19. Nếu kết quả thành công, FDA của Mỹ sẽ cấp phép cho loại thuốc này.

Từ tháng 3 năm ngoái, sau khi phát hiện hàng triệu con chồn bị chết hàng loạt tại các trang trại ở Hà Lan và Nauy do một chủng coronavirus, nhóm nghiên cứu đã cho chồn sử dụng thuốc Molnupiravir. Kết quả không phát hiện virus trong các con chồn bị bệnh sau 24 giờ. Từ kết quả đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục phát triển, nâng cấp thuốc Molnupiravir để thử nghiệm trên người.

Ngày 9/7 vừa qua, Phòng thí nghiệm Hetero của Ấn Độ cũng đang xin cơ quan quản lý cấp phép thuốc Molnupiravir để sử dụng trong chương trình khẩn cấp sau khi nghiên cứu thử nghiệm ban đầu cho thấy thuốc có tác dụng giảm tỉ lệ nhập viện và tăng tốc độ hồi phục của các bệnh nhân Covid-19 nhẹ.

Mắt Bão

Thursday, 16 September 2021

Ngỗng Canada

 Ngày đó mới về nông trại ở, thấy cái gì hay con gì cũng ngắm.

Hãng cho làm ở nhà, giờ giấc không cần thiết phải theo giờ hành chính nhưng phải hoàn tất project đúng kỳ hạn. Mình tranh thủ làm nên có nhiều thời giờ rảnh để ngắm. 

Buổi chiều nọ đi lại một gốc bụi cây thì thấy con ngỗng Canada đang nằm trong tổ. Mình lại gần nên nó bay đi. Nhìn vào tổ thấy có ba trứng ngỗng to nên cầm ra ngoài khoe. Sau đó bỏ trứng lại nhưng con ngỗng không bay về tổ nữa. Sau này mình mới biết ngỗng mẹ ngửi mùi tay người là nó bỏ. Buộc mình phải đem trứng bỏ trong lò ấp. Khi nở ra thì chỉ có hai con. Còn một trứng thì bị hư. 

Từ đó mình làm mẹ ngỗng Canada. Lúc nào cũng để nó theo mình. Cặp đôi lớn như thổi lúc nào cũng quanh quẩn bên mình. Lớn xác nhưng chưa biết bay dù mình thấy hai đứa nó cũng có thân xác to bằng những con ngoài trời. 

Rồi tháng ngày qua đi, con mình nó cũng biết bay. Mỗi lần thấy ngỗng trời bay đậu gần nhà thì mình bò theo để con mình nó ra gặp bà con cùng giống của nó. Biết đâu nó sẽ theo bầy. Mình quan niệm của thiên nhiên trả về thiên nhiên nếu hợp với hoàn cảnh ưa thích của nó. Cặp con mình cũng bay lại làm quen với bầy. Rồi một ngày cặp con của mình nó vỗ cánh theo bầy. Con nó lượn một vòng nhìn mình lần cuối rồi mất dần về hướng Bắc. 

Nuôi hơn một năm trời, bắt từng con trùng, hái từng ngọn cỏ đút nó ăn nên tình cảm cũng dính liền với nó. Nhớ và thương nó nhiều. 

Rồi tháng ngày bận rộn nên mình cũng quên, thì hai đứa con mình nó bay về. Hơi ngờ ngợ vì nó dẫn thêm năm con khác nữa (con của nó). Lúc đó mình mới biết hai con của mình là đực cái. 

Hai đứa nó lại gần và để mình ôm nó vuốt ve nó. Tuyệt nhiên năm đứa con của nó đứng xa xa nhìn. Mình đem bắp cho hai đứa ăn nhưng con nó không ăn từ tay mình, ngay cả lúc mình giục bắp gần tụi nó, nhưng tụi nhỏ không ăn. Nó lòng vòng bay đi và về trong một tuần rồi bay mất. 

Hàng năm vào cuối tháng 11 thì hai đứa nó về và dẫn theo một bầy ngỗng mỗi năm mỗi nhiều hơn. Cứ thế hai đứa ở nhà một tuần rồi mất dạng.

Mỗi năm mỗi về và năm thứ 14 thì về chỉ một con, nguyên đàn của nó chỉ bay lạng về ngày đầu rồi bay mất. Lính cảm cho mình biết là một đứa bị chết.

Mình bắt đầu đọc sách về loại ngỗng Canada. Loài này chỉ một vợ, một chồng. Nếu một trong hai con chết thì con kia sẽ không bao giờ tìm bạn tình. Trước khi chết bao giờ nó cũng về nơi nguyên thủy của nó.

Nó ở với mình một năm. Nó bay đi bay về và tối ngủ lại nhà. Rồi bỗng nhiên nó chỉ nằm trong tổ không bay đi đâu, mình đem cỏ tươi và nước nhưng nó không ăn. Được ba ngày như vậy thì mình tính đưa đi bác sĩ thú y. Mình nghĩ nó bệnh.... nhưng tối đó mình lại, nó chúi đầu vào lòng mình. Mình ôm nó thật lâu rồi mới vào nhà. Đêm đó nó qua đời , thọ 15 năm.... không ngờ nó nhịn đói, khát để chết.Buồn mấy tháng trời. Giờ mỗi lần thấy ngỗng Canada là nhớ nó.

Tuổi thọ của ngỗng Canada là 25 năm.

Nhớ con quá!

https://www.youtube.com/watch?v=keiH7sDYx2M

 

 

 

Monday, 13 September 2021

Nồi Canh Chua của Má

Đỗ Cường
 Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, đến bữa ăn gia đình thường quây quần bên mâm cơm đạm bạc, không có người ăn trước người ăn sau, bởi nếu như vậy thức ăn sẽ không đủ cả cho gia đình mười người con.
Anh em có một thông lệ ngầm là mỗi tháng phải nấu hai lần canh chua, đó là ngày Ba tôi lãnh lương và ngày anh em chúng tôi đề nghị.
Mỗi lần nghe Ba tôi nói với Má: "Bà ơi mai nấu canh chua nghe bà" dường như đêm đó tôi không ngủ được, thử hỏi một thằng con trai còn non và chưa xanh vừa tròn mười lăm tuổi... ngày mai xách giỏ lẽo đẽo đi chợ với Má, thì ôi thôi "còn có danh gì với núi sông" nữa.
Vào chợ, Má lựa chọn tỉ mỉ, cá phải là cá còn sống, rau phải tươi ngon, trái me không được già hay non quá, khóm mua nguyên trái vừa chín tới, bạc hà mới cắt phải còn mủ, lấy móng tay bấm vào phải xốp...
Việc mua nguyên liệu, Má đã cẩn thận, thì công đoạn nấu nồi canh chua còn công phu hơn nữa, để cạo lớp nhớt trên mình con cá Hú (Ú) phải là nước sôi vừa "reo" sau đó chà xát với muối tránh mùi tanh, cá cắt ra từng khứa bằng nhau để vào rỗ cho ráo nước không được để trên dĩa cá đọng nước sẽ không ngon, trái me cạo sạch và dằm me bên ngoài lấy nước chua tuyệt đối không dằm me trong nồi canh chua, khóm và các rau khác xắt ra đều để thứ tự trong rỗ...
Khi nghe tiếng xe đi làm về của Ba tôi ngoài cửa, Má tôi mới bắt đầu nấu nồi canh chua, Má nói nồi canh chua không được nấu sớm hay trễ quá sẽ mất đi mùi vị của nồi canh chua, giống như trái cây chín tới khi ăn mới cảm nhận được cái ngon của nó.
Tôi không quên được tiếng húp xì sụp, những giọt mồ hôi chảy dài của anh em tôi bên mâm cơm bởi vị ngon của tô canh chua.
"Bà nấu ngon quá" Ba tôi khen.
Nhìn chồng và các con ăn, tôi thấy gương mặt Má tôi hạnh phúc và mãn nguyện.
Có lần Má tôi hỏi:
"Theo con nguyên liệu nào quan trọng nhất của nồi canh chua?".
Tôi liền đáp: "Cá, me, bạc hà phải không Má".
Má từ tốn nói: "Nếu chỉ có cá, me, bạc hà là nguyên liệu chính để quyết định nồi canh chua ngon, theo Má như vậy thì chưa đủ, con thử nghĩ nếu canh chua thiếu chút ớt hay hành, ngò, giá ... thì hương vị của canh chua như thế nào?. Tuy những nguyên liệu đó không sánh được với nguyên liệu khác, nhưng nó là yếu tố quan trọng làm kết dính những mùi vị khác để hình thành nồi canh chua ngon."
Những điều Má tôi nói, giúp tôi hiểu ra được nhiều vấn đề trong đó có việc học của tôi, trong lớp tôi chỉ giỏi toán, lý, hóa, sinh ngữ còn những môn khác tôi không cho là quan trọng.
Từ dạo đó tôi ít đi chơi chăm học hơn những môn kém, đi học về tôi phụ giúp Má nhiều hơn và việc học của tôi tiến bộ.
Tôi nghĩ "Trong cuộc sống có những vật bình thường ở cạnh mình, mình không gìn giữ, trân trọng khi mình cần nó đã thất lạc hay bị mất đi làm mình tiếc nuối khôn nguôi."
Ba năm sau!
Vào một chiều mưa muộn, Má tôi đã bỏ anh em tôi ra đi mãi mãi!
Tạo hóa rất công bằng và oan nghiệt, tạo hóa ban tặng cho tôi một người Mẹ để tôi sống trong yêu thương, giận hờn, vòi vĩnh và tạo hóa đòi lại người Mẹ của tôi, chưa cho anh em tôi đủ trưởng thành để được báo hiếu.
Từ ngày Má mất, gia đình tôi ít tiếng đùa vui, anh em tự chăm sóc cho nhau, đi học về tôi nấu nướng chính cho gia đình. Riêng ba tôi tóc bạc nhiều, ít nói và trầm mặc.
Có những lần tôi chợt thức giấc nửa đêm thấy Ba ngồi ngoài sân nhìn vào cõi xa xăm, tôi biết Ba tôi đang nhớ Má lắm, Ba thật cô đơn như chết nửa tâm hồn.
Tháng năm dần qua, anh em tôi ra đời làm việc, người thành đạt, người công chức, người giáo viên cuộc sống ổn định.
Riêng tôi, hành trang ra đời là nồi canh chua của Má, cái nồi canh chua dân miền Nam ai cũng nấu được, chỉ khác nhau sự nêm nếm, tùy theo khẩu vị mọi người khi ăn xong chỉ khen ngon hay dở mà thôi.
Nồi canh chua của Má cũng dung dị như bao nồi canh chua khác. Nhưng với tôi nồi canh chua của Má lại có tính triết lý dạy cho tôi biết vận dụng trong cuộc sống và ngộ ra được nhiều điều.
Ở công ty, tôi biết coi trọng chị nấu bếp, anh lái xe, người bảo vệ... Tôi không coi tôi là một khúc cá, me và bạc hà để quyết định nồi canh chua, chính họ - ngò, ớt, hành... là những nguyên liệu quan trọng kết dính để phát triển công ty, và tôi đã thành công.
Với con tôi, tôi là người cha, người bạn, người thầy và cả là người em nữa.
Mọi người tin tôi không? "Bố ơiiiiiii tắm con"
" Yes Sirrrrrr " !!!
Được Má chỉ dẫn phương thức nấu nhưng tôi chưa bao giờ nấu được nồi canh chua ngon như Má tôi.
Nhân ngày họp mặt, anh em đề nghị tôi nấu nồi canh chua, tôi tận dụng mọi kỹ năng của mình để hoàn thành nồi canh chua thật to đãi các anh em.
Đang ăn cơm, tôi thấy mọi người ăn trầm ngâm và đăm chiêu, đến khi đứa em út thốt lên một câu "Ăn canh chua làm em nhớ Má!", từng đôi đũa để chầm chậm xuống bàn, mọi người từ từ đứng dậy không nói với nhau lời nào, tôi biết anh em đang hoài niệm lại ngày Má còn sống bên tuổi ấu thơ của chúng tôi.
Nồi canh chua của tôi nhạt nhẽo!
Nồi canh chua tôi nấu dư thừa của người có tiền, còn Má tôi phải đi từ đầu chợ đến cuối chợ trả giá, mua con cá vừa phải, xin thêm người bán cọng ngò trái ớt ... vì túi tiền eo hẹp.
Nồi canh chua, tôi nấu nhanh chóng vì có người giúp việc.
Nồi canh chua của Má tự tay làm có pha mồ hôi và nước mắt vì khói củi cay xè.
Canh chua của tôi vừa ăn có nhạc du dương, còn canh chua của Má chỉ có mồ hôi và tiếng xì xụp, đũa muỗng lanh canh của mười đứa con đang đói.
Canh chua của Má tràn ngập thương yêu có sự đợi chờ chồng và các con về trong hạnh phúc đầy mãn nguyện, còn canh chua của tôi thì mau chóng, no nê và thừa thải.
Má tôi luôn luôn là người ăn sau cùng, có lần nghe thằng Út nói lại với tôi:
"Má mút lại những cái xương cá của anh em mình đó anh!"
Em hỏi Má, Má quay đi chỗ khác và nói
"Tụi con ăn phí quá!"
Đây là bài học có lẽ tôi không bao giờ quên cho đến khi xuôi tay nhắm mắt.
Nếu tôi được một điều ước, tôi sẽ ước Má tôi sống lại để anh em tôi được phụng dưỡng Má, dù tạo hóa có lấy đi bao nhiêu tuổi thọ của tôi cho điều ước đó tôi cũng vui vẻ chấp nhận, mãi được ôm Má vào lòng và gọi hai tiếng
"Má Ơi".