Saturday 18 May 2024

Sự an nguy của châu Âu trong bối cảnh mới

Ngay sau khi Putin tiến hành cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine cách nay hơn hai năm, chính giới quốc tế và các chuyên gia nghiên cứu về Đông Âu và Nga đã phân tích biến cố này theo nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều cuộc tranh luận xoay quanh các chủ điểm như Nga chiếm Ukraine để đe đoạ khối NATO, gây chiến với châu Âu và làm bùng nổ chiến tranh thế giới thứ ba. Tất cả mọi lý giải đều mang ít nhiều thuyết phục.

Đến nay, cuộc chiến Ukraine bước vào năm thứ ba và các triển vọng chiến thắng của Nga trên chiến trường hay ký hoà ước trên bàn hoà đàm với Ukraine đều lâm vào cảnh bế tắc.

Trong mối quan hệ nồng ấm hơn của Nga với Trung Quốc và phức tạp hơn của Trung Quốc với châu Âu, mọi tiên liệu trước đây cần được xét lại cho phù hợp với bối cảnh mới.

Mối đe dọa của Nga

Trước đây, Putin cáo buộc các chính trị gia phương Tây đã nhận định sai lầm khi lo ngại rằng Nga sẽ mở một cuộc tấn công, vì họ dựa trên các nguồn tin sai lệch. Ngược lại, Putin cho rằng, chính phương Tây mới là mối đe dọa nghiêm trọng cho tình trạng an ninh của Nga.

Để đáp lại, phương Tây cố chứng minh Nga là mối nguy hiểm thực sự khi công khai đe dọa khối NATO và châu Âu. Dựa vào các biến chuyển lịch sử thời cận đại, các sử gia nhận định, Nga luôn mang ý định phá hủy trật tự thế giới được hình thành sau Chiến tranh Lạnh và muốn có một trật tự thế giới mới do Nga lãnh đạo.

Bằng chứng cho thấy, Putin đã nhiều lần đưa ra lời tuyên bố minh định về quyền bá chủ châu Âu của Nga. Cụ thể là tháng 12/2021, Nga gửi tối hậu thư tới các quốc gia thuộc khối NATO, kêu gọi không nên thu nhận bất kỳ quốc gia nào làm thành viên cho liên minh, đặc biệt là Ukraine và Georgia.

Ngoài ra, Nga còn lên tiếng yêu cầu NATO rút khỏi tất cả các nước không thuộc NATO trước năm 1997, chủ yếu là các nước thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây.

Về cơ bản, ý thức hệ hiện nay của Nga nhằm khôi phục Đế quốc Nga và chống phương Tây. Do đó, thực tế cho thấy Nga không phải hù dọa, mà sẵn sàng tiến hành chiến tranh để đạt được mục tiêu. Từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Putin cũng lên tiếng ngăn chặn phương Tây trong việc hỗ trợ cho Ukraine bằng cách đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, biến chuyển thuận lợi hơn cho Putin khi trong trường hợp Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ năm 2024 trở thành hiện thực và là mối lo ngại mới của châu Âu. Nếu Trump, vị tổng thống tân cử của Mỹ không thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ khối NATO, châu Âu phải lo việc sản xuất một loại bom hạt nhân "châu Âu" nhằm duy trì khả năng răn đe, chống lại Nga. Nhưng tinh thần hiếu hoà của dân chúng và sự phân hóa trong chính trường châu Âu là một trở ngại cho việc thực hiện dự án này.

Những nước lo lắng nhất

Dĩ nhiên, các nước có nhiều kinh nghiệm trực tiếp với Nga hiện nay hoặc Liên Xô trước đây, đã lên tiếng. Tất cả đang ở trong tình trạng báo động đỏ, đáng kể nhất là Ba Lan, các nước vùng Baltic, Cộng hòa Séc rồi lần lượt đến các nước khác.

Nhiều tiên lượng khác nhau cùng cho rằng, trong vòng 3 đến 5 năm tới, Nga có thể tấn công một quốc gia trong khối NATO và Ba Lan có thể là mục tiêu đầu tiên.

Một phán đoán khác dè dặt hơn khi lập luận rằng Nga cần có nhiều thời gian hơn để gia tăng khả năng quân sự, ước tính Nga cần từ 5-9 năm hoặc 6-9 năm mới có thể bắt đầu tấn công các nước này.

Mọi diễn biến có thể thay đổi, nhanh hoặc chậm hơn, vì tùy thuộc vào các hoạt động kinh tế của Nga nhằm phục vụ cho nhu cầu chiến tranh có phát triển hay không.

Nhưng trước mắt, Nga có thể phát động một chiến dịch tuyên truyền gây phân  hóa trong nội bộ của khối NATO và Liên Âu. Nga hy vọng là sự bất đồng chính kiến sẽ lan rộng và tình tình chín muồi sẽ có lợi cho Nga, thí dụ dân chúng châu Âu sẽ tranh cãi liệu Đức và Pháp có nên hy sinh nhân lực và tài lực cho quyền lợi của Lithuanian (Cộng hòa Liva) hay không. Tùy tình huống, Nga có thể sẽ phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tương tự như tại Ukraine.

Nhưng liệu Nga có khả năng tài trợ để duy trì chiến cuộc mới này trong bao lâu và vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có hỗ trợ gì không. Do đó, mối bang giao Trung Quốc và Nga cần được châu Âu quan tâm nhiều hơn.

Bang giao Trung Quốc và Nga

Putin đang thực hiện chuyến công du ra nước ngoài lần đầu tiên sau khi "tái đắc cử" và gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nguyên thủ quốc gia đã ký tuyên bố chung, nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Putin hãnh diện tuyên bố: "Mối quan hệ Nga-Trung đã đạt đến mức cao nhất và bất chấp tình hình toàn cầu khó khăn, chúng đang trở nên mạnh mẽ hơn".

Thực vậy, Bắc Kinh là đối tác quan trọng nhất của Moscow về mặt kinh tế và chính trị. Trong khi phương Tây đáp trả cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine bằng các biện pháp trừng phạt, thì Bắc Kinh chẳng những không lên án hành động xâm lược này, mà còn nhấn mạnh đến quan điểm trung lập và ủng hộ Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngay trước cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, cả hai nước Nga – Trung đã đồng ý về một tình bạn "không biên giới". Ông Tập, lại một lần nữa, hứa với Putin về sự hợp tác của Trung Quốc trong tình bạn cố hữu.

Moscow và Bắc Kinh sẽ tận dụng cơ hội này để củng cố mối quan hệ đối tác và chia sẻ tham vọng nhằm cải cách trật tự toàn cầu và hình thành một đối trọng với Mỹ.

Dĩ nhiên, Putin quan tâm đến việc tăng cường liên minh để chống lại phương Tây. Sự đoàn kết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Putin xem đó là một cử chỉ để chứng tỏ cho thế giới bên ngoài thấy rằng Moscow không hề bị cô lập. Tuy tuyên bố là Bắc Kinh sẽ đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết tình hình Ukraine, nhưng không có bất kỳ thông tin cụ thể nào về sự hỗ trợ này.

Bang giao Trung Quốc – châu Âu

Chuyến đi châu Âu gần đây của ông Tập tới Pháp, Hungary và Serbia cũng là một yếu tố mới trong bối cảnh có nhiều thay đổi. Dù Trung Quốc ca ngợi chuyến thăm thành công tốt đẹp, nhưng không có một tiến triển nào về chủ đề chiến tranh Ukraine đạt được ở Paris, Budapest hay Belgrade. Châu Âu tiếp tục theo dõi chặt chẽ các tuyên bố của Trung Quốc về cuộc chiến Ukraine.

Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với quân đội Nga. Đồng thời, Nga đang mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, bao gồm cả việc sản xuất tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân.

Nga có gây chiến với NATO không?

Hầu hết các chuyên gia có một nhận định chung là, Nga sẵn sàng gây chiến vì có tham vọng đế quốc và muốn khôi phục quyền lực trong quá khứ.

Về mặt quân sự, Nga hiện đang bị ràng buộc ở Ukraine. Nhưng khi nào chiến cuộc kết thúc do hoà ước hoặc vì bên này hay bên kia chiến thắng, bất kể kết quả đó là gì, thì Nga vẫn tiếp tục phát triển nền kinh tế nhằm phục vụ cho mục tiêu chiến tranh của mình, với tốc độ ngày càng nhanh hơn.

Đó là những điều mà giới quan sát có thể nhận ra qua mức gia tăng sản xuất xe tăng, tên lửa... của Nga. Nhưng thực tế mà Nga không thể che giấu là phải chuyển hướng về nhu cầu nhân sự vì mức tổn thất binh sĩ trong cuộc chiến Ukraine rất nặng nề, nên Nga cần được huy động thêm binh sĩ.

Sự cân bằng quyền lực giữa NATO và Nga

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), ngân sách Nga đầu tư 16% công chi cho quân đội, đó là gần 6% tổng sản phẩm quốc nội. Trong khối NATO đã có nhiều tranh chấp về công chi quốc phòng, vì một số quốc gia thành viên không chi được mức 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng như đã thỏa thuận, chủ đề mà Donald Trump đã từng lên tiếng gay gắt trước đây.

Về cơ bản, khối NATO, với tổng số 3,3 triệu binh sĩ tại ngũ, có vị thế tốt hơn quân đội Nga, đặc biệt là trong cuộc chiến xâm lược Ukraine, Nga đang bị tổn thất hàng trăm ngàn trong số khoảng 1,2 triệu binh sĩ.

Về trang bị vũ khí, Nga cũng gặp khó khăn tương tự như vậy. Trong chiến tranh Ukraine, Nga mất khoảng 3.000 xe tăng chiến đấu, hàng ngàn xe bọc thép, hơn 100 máy bay chiến đấu và một phần đáng kể của Hạm đội Biển Đen. Đó là những tổn thất nặng nề mà Nga phải mất nhiều năm mới có thể bù đắp được, ngay cả khi ngành công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh mẽ.

Về quân đội Đức, nhìn chung, được đánh giá là trang bị tốt, nhưng còn cần phải được cải thiện. Tuy nhiên, không thể nói là bị hỏng hoàn toàn như các cáo buộc, mà bằng chứng là Đức hiện nay có ngân sách quân sự lớn đứng vào hàng thứ bảy trên thế giới.

Tất nhiên, trang bị quốc phòng Đức có nhiều thiếu sót mà quân đội ở nhiều nước khác cũng có cùng một tệ trạng.

Khả năng phòng chống của NATO

Nhìn tổng thể, trước sự bành trướng của Nga, các nước trong khối NATO muốn tái vũ trang với một quy mô lớn và phô trương uy thế. Các cuộc diễn tập khắp nơi cũng nhằm mục đích duy trì và nâng cao khả năng phòng thủ của NATO.

Ngoài ra, cùng với Mỹ, khối NATO và các nước Liên Âu cùng hỗ trợ tài chính và quân viện cho Ukraine. Sức mạnh của quân NATO hiện nay đang được mở rộng ở sườn phía đông và quân đội Đức cũng tham gia chương trình Đông tiến này.

Quân đội Đức cũng có biện pháp riêng nhằm chống Nga mang tên "Kế hoạch hoạt động của Đức". Dự án này nhằm tái phối trí việc cung cấp nhân lực cho quân đội NATO và bảo vệ lãnh thổ.

Một trong số các biện pháp mới này là "trung đoàn an ninh nội địa" sẽ được thiết lập. Trung đoàn này có mục đích ưu tiên là bảo vệ các cơ sở hạ tầng và dân chúng Đức trong trường hợp bị Nga tấn công. Theo kế hoạch, binh sĩ chính quy Đức phải lo tập trung chiến đấu ở sườn phía đông của liên minh NATO, nên sẽ không thể bảo đảm thỏa đáng các nhu cầu nội địa của Đức.

Đức đã bị tấn công như thế nào?

André Bodemann, Trung tướng Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh lãnh thổ Đức lo ngại rằng, hiện nay Đức đang trong "giai đoạn mà chúng ta chưa có chiến tranh, thậm chí chưa có về mặt pháp lý, nhưng chúng ta đã không có hòa bình trong một thời gian dài vì bị đe dọa hằng ngày".

Bodemann nêu ra bốn loại hành vi gây hấn mà hiện nay Đức đang phải đối phó: Tấn công trên mạng, thông tin sai lệch có chủ đích (đặc biệt từ mạng xã hội), hoạt động gián điệp (ví dụ: Do tàu gián điệp của Nga ở Biển Baltic) và phá hoại.

Ví dụ cụ thể là các cuộc tấn công vào tuyến đường sắt và khoan đường ống LNG. Nhưng không phải trong trường hợp tấn công nào cũng có thể chứng minh dễ dàng rằng có sự tham gia trực tiếp của Nga.

Kết luận

Cuối cùng, trong khi các chuyên gia cho biết, Nga cần thời gian từ 5-9 năm hoặc 6-9 năm để tấn công, thì lời cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Đức Boris Pistorius (SPD) là nghiêm túc nhất: Đức phải "sẵn sàng để đối phó với chiến tranh".

Mối an nguy của châu Âu có phần phức tạp hơn vì còn tuỳ thuộc quá nhiều yếu tố khó đoán: Diễn tiến chiến cuộc Ukraine, bầu cử tổng thống Mỹ, sự phát triển của nền kinh tế phục vụ cho chiến tranh của Nga và mối bang giao Nga – Trung.

Đỗ Kiêm Thêm biên dịch.

Trung Quốc đang đi trên dây giữa Nga và Châu Âu

Vào thời điểm chiến tranh Nga và Ukraine bế tắc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Trung Quốc để tìm kiếm sự hỗ trợ. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cũng vừa có chuyến công du tới Châu Âu. Các chuyên gia phân tích rằng, Bắc Kinh đang đi trên dây giữa Nga và Châu Âu, ông Tập sẽ "tự hủy hoại chính mình" nếu ủng hộ ông Putin.

-Ông Putin cần gấp sự hỗ trợ, ông Tập nói 'không kết thành đồng minh'
-Chuyên gia: Nếu ủng hộ ông Putin, Bắc Kinh sẽ tự hủy hoại chính mình
-Liệu ông Putin có đồng ý ngừng bắn trong Thế vận hội Paris 2024?


Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Bắc Kinh vào thứ Năm (ngày 16/5) trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày. Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã chào đón ông Putin bên ngoài tòa nhà Đại lễ đường Nhân dân trên Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó, hai bên hội đàm, ký và công bố "Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Nga về việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới nhân kỷ niệm 75 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao".

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, ông Tập Cận Bình nói rằng nội dung cuộc hội đàm rất phong phú, hai bên sẽ không ngừng tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị dựa trên nguyên tắc "không kết thành đồng minh, không đối đầu, không nhắm mục tiêu vào bên thứ ba".

Còn cơ quan tin tức của Điện Kremlin thông báo rằng, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận chi tiết về mọi vấn đề trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xác định phương hướng chính để phát triển hơn nữa hợp tác thực chất Nga - Trung, cũng như trao đổi quan điểm sâu sắc về các vấn đề khu vực và vấn đề quốc tế cấp bách nhất.

Ông Putin cần gấp sự hỗ trợ, ông Tập nói 'không kết thành đồng minh'
Ông Putin có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào thời điểm Nga tiếp tục mở rộng cuộc tấn công vào Ukraine. Dựa trên dữ liệu của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ở Washington, hãng tin AFP ước tính, trong một tuần qua, quân đội Nga đã chiếm được 278 km2 lãnh thổ Ukraine, giành được thành quả chiến đấu lớn nhất trong một năm rưỡi vừa qua.

Ông Putin rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền Trung Quốc về mọi mặt, bao gồm vũ khí, quân nhu và các vật phẩm chiến lược khác. Sau các lệnh trừng phạt liên tục từ Hoa Kỳ và Châu Âu, Nga đã cắt đứt quan hệ kinh tế với Châu Âu.

Vào ngày 16/5/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ ký kết sau cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. (SERGEI BOBYLYOV/POOL/AFP via Getty Images)
Ông Cô Học Vũ (Gu Xuewu), Giáo sư khoa chính trị học và quan hệ quốc tế tại Đại học Bonn ở Đức, phân tích với DW: "Ông Putin đang cố gắng hết sức để thúc đẩy ấn tượng rằng Trung Quốc và Nga là đối tác chiến lược không chịu hạn chế và có mối quan hệ không thể phá vỡ, nhằm xác nhận trục Nga - Trung với phương Tây".

Về việc ông Putin vừa thay thế Bộ trưởng Quốc phòng, ông Cô cho rằng "Nga hiện đang gặp khó khăn rất lớn trong việc lên kế hoạch cho hành động quân sự tiếp theo (nhắm vào Ukraine). Khó khăn này đã vô tình bộc lộ khi ông ấy (Putin) giải thích về việc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng. Cũng chính là khi quân đội Nga đột phá chiến tuyến từ các hướng, họ cần được hỗ trợ mạnh mẽ về kinh tế và hậu cần thời chiến".

"Hiện tại, khó khăn lớn nhất đối với quân đội Nga là sau khi ngành công nghiệp quân sự [của nước này] chuyển sang hệ thống kinh tế thời chiến, họ có thể không [sản xuất] kịp [so với] tốc độ tiêu hao vũ khí. Họ cần sự hỗ trợ của Trung Quốc".

Chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc bí mật hỗ trợ cho ngành công nghiệp quân sự của Nga. Theo danh sách được Mỹ công bố vào tháng 4 năm nay, đến năm 2023, 90% chip mà Nga nhập khẩu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và được sử dụng để sản xuất tên lửa, xe tăng và máy bay. Trong quý cuối cùng của năm ngoái, 70% máy công cụ được Nga nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc và "có thể được sử dụng" trong sản xuất tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, Giáo sư Cô cho biết, "Chính quyền Bắc Kinh đang có một động thái khác, đó là nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Nga là quan hệ đối tác, nhưng không phải là quan hệ liên minh quân sự...".

So với tuyên bố hai năm trước, tuyên bố chung mà Trung - Nga đưa ra hôm 16/5 không còn đề cập đến "tình hữu nghị giữa hai nước không có điểm cuối và sự hợp tác không có vùng cấm". Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc họp báo mới đây rằng, "sẽ tiếp tục duy trì các nguyên tắc không kết thành đồng minh, không đối đầu, không nhắm mục tiêu vào bên thứ ba".

Nhà Trắng cho biết trong cuộc họp báo hôm 16/5 rằng, chính quyền Mỹ không thấy điều gì mới trong tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Nga.

Từ những bức ảnh được công khai, có thể thấy ông Putin hiếm khi mỉm cười khi ở Bắc Kinh. Nhà bình luận thời sự Chung Nguyên (Zhong Yuan) đã viết một bài báo trên The Epoch Times và phân tích rằng, ông Putin có thể đã không đạt được kết quả như mong đợi trong chuyến thăm của mình. Tuyên bố của cả hai bên có thể đã khiến ông Putin thất vọng. Trung - Nga kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng lại chẳng thấy niềm vui, mối quan hệ giữa hai bên nhìn chung đã lộ rõ bản chất.

Ông Chung Chí Đông (Zhong Zhidong), trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Đài Loan, gần đây nói với The Epoch Times rằng Bắc Kinh có chiến lược hai mặt. Một mặt, họ hy vọng tăng cường quan hệ Trung - Nga để chống lại vòng vây của Hoa Kỳ và Châu Âu; nhưng mặt khác, họ cũng không sẵn sàng vì mối quan hệ Trung - Nga mà làm cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Âu - Mỹ xấu đi, thậm chí có thể còn bị Âu - Mỹ trừng phạt.

Chuyên gia: Nếu ủng hộ ông Putin, Bắc Kinh sẽ tự hủy hoại chính mình
Hoa Kỳ và Châu Âu đã nhiều lần cảnh báo chính quyền Trung Quốc đừng ủng hộ Nga. Khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến thăm Trung Quốc vào tháng 4, ông đã cảnh báo rằng việc Bắc Kinh vận chuyển các linh kiện quan trọng có thể được dùng để sản xuất vũ khí tới Moscow chắc chắn sẽ đổ thêm dầu vào cuộc chiến ở Ukraine; nếu Trung Quốc không dừng tay, Hoa Kỳ sẽ có hành động.

Tuần trước, ông Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm Pháp và 2 nước Châu Âu khác. Trong một tuyên bố, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng cần tôn trọng luật pháp quốc tế, và yêu cầu sự đảm bảo từ Bắc Kinh rằng họ sẽ không hỗ trợ Nga. Hãng tin AFP cho rằng, ông Tập Cận Bình đang "nghe như không nghe".

Hoa Kỳ và Châu Âu đã bắt đầu hành động. Hôm 14/5, ông Biden tuyên bố tăng thuế trên quy mô lớn đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm 7 loại sản phẩm là thép và nhôm, chất bán dẫn, pin, các loại khoáng sản quan trọng, pin mặt trời, cần cẩu từ tàu lên bờ và các sản phẩm y tế. Trong số đó, thuế đối với xe điện đã tăng gấp 4 lần.

Chính quyền Mỹ còn thông báo sẽ chặn hàng nhập khẩu từ 26 công ty dệt may Trung Quốc bị nghi ngờ tham gia lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương.

Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã tiến hành các cuộc điều tra về một số hành vi của chính quyền Trung Quốc. Hôm 17/5, EU công bố mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cán phẳng mạ thiếc hoặc tráng thiếc từ Trung Quốc; trước đó EU cũng đã điều tra các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc cho các nhà sản xuất ô tô điện, tấm pin mặt trời và tua-bin gió, cũng như mở cuộc điều tra về hoạt động mua sắm công liên quan thiết bị y tế có nguồn từ Trung Quốc.

Trên thực tế, Trung Quốc đang rất cần công nghệ, vốn đầu tư và thị trường từ Mỹ và Châu Âu. Trong ba thập kỷ qua, sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc hoàn toàn nhờ vào lợi ích của "toàn cầu hóa". Tuy nhiên, với sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vào năm 2018, chuỗi công nghiệp toàn cầu đã được tái cấu trúc và các công ty nước ngoài đã lần lượt rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Ba năm dịch bệnh Covid-19 đã khiến nền kinh tế Trung Quốc càng trở nên tồi tệ hơn. Bất động sản - ngành chống đỡ cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - tiếp tục tiêu điều, xuất khẩu sụt giảm, nhu cầu trong nước yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao, vốn nước ngoài tháo chạy và hàng loạt vấn đề khác khiến chính quyền Trung Quốc khó chống đỡ nổi.

Ông Cô Học Vũ cho rằng, "Lợi ích kinh tế của Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây. Nếu họ tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Nga, họ sẽ tự hủy hoại chính mình".

Ông Chung Chí Đông cũng cho rằng sự tương tác của chính quyền Trung Quốc với Nga hơi giống như đi trên dây, đây là chính quyền hai mặt.

Liệu ông Putin có đồng ý ngừng bắn trong Thế vận hội Paris 2024?
Về cuộc gặp Tập - Putin này, ông Cô Học Vũ cho rằng một trong những điểm nổi bật chính là liệu ông Putin có đồng ý ngừng bắn trong Thế vận hội Paris hay không. Ông Cô nói: "Khi ông Putin đến lần này, ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ đưa ra yêu cầu với ông ấy, tức là phải có lệnh ngừng bắn trong thời gian diễn ra Thế vận hội".

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã đến thăm Pháp và gặp Tổng thống Pháp Macron. Các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn lời ông Tập Cận Bình nói: Phía Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Pháp, coi Thế vận hội Paris là cơ hội, để khởi xướng lệnh ngừng bắn trên toàn cầu trong thời gian diễn ra Thế vận hội.

Ông Macron và ông Tập Cận Bình cũng đề cập đến điều này trong tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Pháp. Ông Cô nói, "Ông Putin sẽ phải đồng ý với điều kiện này của ông Tập Cận Bình, nếu không đó sẽ là một cái tát lớn vào mặt ông Tập và khiến ông ấy không thể giải thích với thế giới".

Giáo sư Cô phân tích rằng, vì đang cần sự trợ giúp từ phía Trung Quốc nên ông Putin có thể sẽ cho ông Tập Cận Bình thể diện và đồng ý ngừng bắn trong Thế vận hội; nhưng "nếu thông cáo chung Trung - Nga không đề cập đến điều này, có nghĩa là ông Tập Cận Bình đã thất bại. Nếu nhắc đến điều này thì có nghĩa là ông Putin đã chịu khuất phục trước ông Tập".

Cả Paris và Bắc Kinh đều kêu gọi ngừng bắn trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa hè 2024. Theo ông Cô, nếu ông Putin không ngừng bắn, cái gọi là tình hữu nghị Trung - Nga chắc chắn sẽ gặp thử thách gay gắt. Chính quyền Trung Quốc không thể vừa giải quyết những mối lo chồng chất của mình, vừa lo chuyện của Nga, nhưng ít nhất họ có thể làm một chút hành động nhỏ, mang tính tượng trưng để biểu đạt thành ý. Nếu Nga không đồng ý thì sẽ rất khó nói về tương lai.

Đông Phương biên dịch

 

Friday 17 May 2024

5 kịch bản tương lai của nước Nga

 

Năm kịch bản tương lai với nước Nga: Từ ''mô hình Pháp''... đến ''hỗn loạn''


Đã hơn hai năm kể từ đầu cuộc chiến xâm lăng Ukraina của Nga, xung đột vũ trang ở cửa ngõ châu Âu chưa có dấu hiệu chấm dứt. Bất chấp các phản đối mạnh mẽ của một bộ phận cộng đồng quốc tế, nước Nga Putin không từ bỏ tham vọng. Trung Quốc, cường quốc kinh tế số hai thế giới, một mặt khẳng định mong muốn thúc đẩy hòa bình, mặt khác lại dành cho Nga nhiều hậu thuẫn to lớn, đặc biệt về quân sự, theo cáo buộc của phương Tây.

Chiến tranh tại Ukraina không sớm chấm dứt. Bản thân tổng thống Nga gần đây cũng nhấn mạnh chiến dịch quân sự chống Ukraina là cuộc chiến ''lâu dài''. Giữa tháng 5/2024, ngay sau khi tái đắc cử, ông Putin chọn Bắc Kinh làm điểm đến đầu tiên để tìm thêm hậu thuẫn từ quốc gia láng giềng có chung quan điểm chống lại trật tự thế giới định hình từ sau Thế chiến Hai, bị lên án là ''theo mô hình phương Tây''.

Nước Nga trong cuộc đối đầu với phương Tây sẽ biến chuyển ra sao ? Tương lai chiến tranh Ukraina sẽ ra sao ? Sử gia Mỹ Stephen Kotkin, chuyên gia hàng đầu về lịch sử chế độ toàn trị Liên Xô và thời kỳ hậu Liên Xô tại Nga và các nước khối Liên Xô và Đông Âu cũ, trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Foreign Affairs tháng 5-6/2024, đã vạch ra 5 kịch bản tương lai với nước Nga trong trung hạn. Theo tác giả, cho dù không thể loại trừ ''những điều không thể dự đoán'', việc hình dung trước các ''kịch bản'' chuyển biến chính của nước Nga, trong giai đoạn đầy thách thức và hết sức khó lường hiện nay, có thể giúp các nước phương Tây xác định chiến lược ứng xử phù hợp hơn với Nga.  

Kịch bản tươi sáng nhất: Đi theo ''mô hình Pháp''

Sử gia Stephen Kotkin nói đến các kịch bản lần lượt được xếp theo thứ tự, từ sáng sủa nhất đến đen tối, khó lường nhất như sau:

Theo kịch bản được coi là ''thành công nhất'', nước Nga có thể tiếp thu bài học của nước Pháp hậu cách mạng và hậu đế quốc. Pháp được tác giả coi là quốc gia ''có nhiều điểm chung nhất'' với Nga về mặt này, với truyền thống quân chủ và nhà nước trung ương tập quyền. Đi theo con đường của Pháp, Nga có thể tự chuyển hóa thành một ''chế độ dân chủ, pháp quyền''.

Hiển nhiên điều khó khăn với nước Nga là cách mạng Nga đã từng diễn ra ''bạo lực và tàn khốc'' hơn rất nhiều so với cách mạng Pháp và đế chế Nga tồn tại lâu dài hơn nhiều. Nước Pháp đã phải trải qua một tiến trình lâu dài, ngoắt nghéo, mới có được ''các định chế chuyên nghiệp, không thiên vị của một chế độ dân chủ và cộng hòa, với một nền tư pháp, một bộ máy công quyền, một không gian công tự do và mở''. Pháp là ''mô hình hiện thực nhất'' cho một nước Nga ''thịnh vượng và hòa bình''.

Kịch bản tồi tệ nhất: Sụp đổ trong ''hỗn loạn''
Kịch bản được coi là tồi tệ nhất đối với nước Nga và cũng là với thế giới, sử gia Mỹ đặt tên là ''kịch bản hỗn loạn''. Cho đến nay, chế độ Putin dường như đã duy trì được sự ổn định tương đối trong nội bộ nước Nga bất chấp ''cuộc chiến tranh quy mô lớn'' chống Ukraina. Sự sụp đổ của nền kinh tế Nga dưới áp lực trừng phạt của phương Tây đã không xảy ra như một số dự đoán. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm là nước Nga sẽ không rơi vào ''sự sụp đổ hoàn toàn'', như đã từng xảy ra với hai đế chế Nga, đế chế của các Sa hoàng với các cuộc cách mạng năm 1917, và sự tan rã của Liên Xô đầu thập niên 1990. Lịch sử đã cho thấy các quốc gia giống như Nga, với các định chế bị mọt ruỗng và mất uy tín trong xã hội, thường rất ít có khả năng chống chọi lại được những biến động lớn, như binh biến, tai nạn hay phá hoại nhắm vào các cơ sở hạt nhân, hay cái chết của một lãnh đạo.

Gieo rắc hỗn loạn ra bên ngoài, mà chiến tranh tại Ukraina là một ví dụ, và đàn áp các tiếng nói đối lập, với hy vọng giảm bớt nguy cơ hỗn loạn bên trong, sẽ đến lúc nước Nga sẽ phải gánh hậu quả. Tuy nhiên, sự tan vỡ của nước Nga lần này, nếu diễn ra, sẽ không giống như Liên Xô, mà nguy hiểm hơn rất nhiều, bởi bên trong nước Nga không có các đơn vị lãnh thổ tương đối ổn định, như 15 nước Cộng hòa của Liên Xô trước đây. Chưa kể đến nguy cơ Trung Quốc nhân cơ hội này chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ bị mất trước đây vào tay Nga, nhiều khả năng các băng đảng mafia bùng lên khắp nơi. Nguy cơ vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học bị thất thoát là điều đáng sợ nhất, ác mộng vốn đã tránh được vào thời điểm Liên Xô sụp đổ.

Kịch bản tích cực nhiều hơn: Chủ nghĩa dân tộc Nga từ bỏ tham vọng bành trướng
Trong số ba kịch bản còn lại, kịch bản ít tồi tệ nhất đối với nước Nga, theo sử gia Mỹ, là nước Nga ''dân tộc chủ nghĩa'' đối đầu với phương Tây tiếp tục tồn tại, nhưng từ bỏ tham vọng bành trướng. Sự ra đi của lãnh đạo tối cao Putin, do chết bệnh hay từ chức, có thể là tác nhân trực tiếp dẫn đến kịch bản này. Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu khiến nước Nga buộc phải chọn đi theo con đường này chủ yếu là vì ''Nga thừa nhận không còn có đủ phương tiện để đối đầu vĩnh viễn với phương Tây'', cái giá phải trả cho cuộc xâm lăng Ukraina và cuộc đối đầu triệt để với phương Tây là quá lớn, Nga ''có nguy cơ mất hẳn các quan hệ với châu Âu có ý nghĩa sống còn để đổi lấy mối quan hệ phụ thuộc đầy ô nhục vào Trung Quốc.''

Duy trì tham vọng đế quốc, Nga sẽ thành ''chư hầu'' của Bắc Kinh hoặc một ''Bắc Triều Tiên''
Kịch bản tồi tệ hơn với nước Nga là trở thành ''chư hầu của Trung Quốc''. Để tiếp tục tham vọng phục hồi đế chế, Nga ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Về kinh tế, Nga vẫn còn một số lợi thế, chẳng hạn như Trung Quốc vẫn phải mua các động cơ máy bay quân sự của Nga, nhưng về hàng loạt phương diện khác, Matxcơva phải phụ thuộc vào Bắc Kinh. Nền công nghiệp xe hơi của Nga suy tàn do hàng Trung Quốc tràn ngập. Thỏa thuận xây dựng đường ống khí đốt mới từ Siberi qua Mông Cổ, nhiều chục năm ký kết, vẫn chưa hoàn tất. Trung Quốc về cơ bản muốn tránh phụ thuộc Nga về năng lượng, trong bối cảnh các loại hình năng lượng tái tạo mới, như điện gió, điện mặt trời, đang được Trung Quốc phát triển vũ bão, và Trung Quốc cũng đang vượt xa Nga về điện hạt nhân. Sử gia Mỹ cũng ghi nhận khoảng cách rất lớn về văn hóa và chính trị giữa Trung Quốc và Nga. Đa số người Nga thiên về văn hóa châu Âu, người nói tiếng Trung rất ít. Trong đảng Cộng Sản Trung Quốc, rất nhiều thành phần trụ cột vẫn còn ''chưa tha thứ cho việc Matxcơva phá hoại chủ nghĩa Cộng sản tại lục địa Á – Âu và ở Đông Âu''.

Kịch bản đáng chú ý khác với nước Nga, được sử gia Mỹ chú ý, là điện Kremlin tiếp tục dấn sâu hơn trong chính sách đàn áp trong nước, chống lại các nền tảng của quan hệ quốc tế, ngày càng phải dựa nhiều hơn vào Trung Quốc về nhiều mặt để kháng cự lại phương Tây, nhưng cùng lúc vẫn duy trì được khả năng có được đường lối riêng, nhờ một số lá chủ bài, đặc biệt về mặt quân sự, tương tự như quan hệ Bắc Triều Tiên - Trung Quốc. Trong trường hợp này, sử gia Mỹ ví nước Nga như đang trở thành một ''chế độ Bắc Triều Tiên khổng lồ'' cô lập với thế giới.

Sự tái sinh của ''đại cường Âu - Á'' : Một ảo vọng
Đối với học giả Stephen Kotkin, hình dung rõ các kịch bản chính mà nước Nga có thể sẽ phải đi theo trước hết nhằm để công luận đề kháng các tuyên truyền gây ảo tưởng của bộ máy truyền thông nhà nước Nga, và phần nào là của Trung Quốc, về triển vọng tái sinh của nước Nga, như một ''đại cường quốc Âu – Á''. Theo tuyên truyền đó, nước Nga trong một thế giới đa cực mới đang hình thành sẽ thống trị lục địa Á – Âu, và đóng vai trò chủ chốt trên trường quốc tế. Trên thực tế, đại dự án để Nga trở thành một siêu cường ngự trị tại lục địa Á – Âu ''đã thất bại'' ngay cả vào thời kỳ mà ''đế chế Nga'' đang ở đỉnh cao sức mạnh, với việc không chỉ Biển Đen và Biển Baltic thuộc chủ quyền Liên Xô, mà siêu cường cộng sản còn có hàng loạt quốc gia chư hầu.

Giờ đây, bất chấp việc chiếm được khoảng 20% lãnh thổ Ukraina, ''thế giới Nga'' đã thu hẹp. Chưa bao giờ, kể từ Piotr đệ nhất, Nga lại cách xa trung tâm của châu Âu đến như vậy. Và hơn 3 thế kỉ, kể từ khi có mặt bên bờ Thái Bình Dương, chưa bao giờ Nga trở thành một cường quốc châu Á. Ảnh hưởng của Nga với các nước cộng hòa Liên Xô cũ ngày càng suy giảm. Đại đa số người dân các sắc tộc Slave không phải Nga trên thế giới giờ đây hướng hẳn về Liên Âu và NATO. Sử gia Mỹ nhấn mạnh không có gì cho thấy Nga có thể trở lại thành một mô hình hấp dẫn với thế giới.

Vừa cương quyết, vừa mềm dẻo với Nga
Việc hình dung rõ các kịch bản tương lai đối với nước Nga, theo Stephen Kotkin, cũng còn một ý nghĩa quan trọng khác : giúp cho các nước phương Tây xác định được một đường lối ngoại giao ''khôn khéo'', mềm dẻo với Nga, tùy theo việc Nga hướng theo kịch bản nào. Về nguyên tắc, một mặt Mỹ và các đồng minh phải ''phối hợp gây áp lực vừa đủ với Nga'', về mặt quân sự và các mặt khác, cùng lúc ''để ngỏ cánh cửa thương lượng cho phép Nga lùi dần''. Hiểu được các chuyển biến sâu sắc và khó lường hiện nay của nước Nga giúp cho phương Tây mạnh dạn sử dụng các biện pháp có vẻ hết sức ''nghịch lý'' và ''kỳ quặc'', ví dụ như thúc đẩy chính sách ''thân Nga'', ủng hộ các lực lượng dân tộc chủ nghĩa Nga.

Sử gia Stephen Kotkin nhấn mạnh, chính sách này là rất cần thiết, nếu giới tinh hoa Nga lựa chọn con đường ''dân tộc chủ nghĩa'' nhưng từ bỏ chủ nghĩa bành trướng. Để hỗ trợ nước Nga thay đổi theo hướng tốt, chỉ nhất mực ủng hộ ''một chính phủ Nga thân phương Tây'' là hoàn toàn sai lầm. Ngược lại, một ''chủ nghĩa dân tộc Nga'', không triệt để chống phương Tây, sẽ là điều cần hoan nghênh, ủng hộ.

Về ngắn hạn, các đồng minh phương Tây cần giúp Ukraina có được hòa bình ''với những điều kiện thuận lợi''. Và cho dù trước mắt phải chấp nhận duy trì nguyên trạng, nhưng không được công nhận chủ quyền hợp pháp của Nga tại các vùng đất chiếm đóng. Với việc đình chiến như vậy, Putin có thể đạt được mục tiêu trước mắt, nhưng tình hình có thể xoay chuyển sau này, với sự nổi dậy của người Ukraina tại các vùng chiếm đóng.

 

Tuesday 14 May 2024

Thay bộ trưởng Quốc Phòng, Putin chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ?

 Cuộc cải tổ nội các bất ngờ, thay thế bộ trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu bởi một nhà kinh tế, phải chăng cho thấy là tổng thống Vladimir Putin chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraina ?

Thanh Phương
Đúng vào lúc quân đội Nga vừa phát động một đợt tấn công mới vào Kharkiv, cuộc cải tổ nội các "theo sự dàn dựng" của Putin hôm qua là một điều hiếm thấy, cho nên đã thu hút sự chú ý của giới quan sát và báo chí quốc tế.

Nhậm chức từ năm 2012, ông Shoigu phải nhường ghế bộ trưởng Quốc Phòng cho nhà kinh tế Andreï Belousov, để chuyển qua làm thư ký Hội đồng An ninh Nga. Ông Shoigu được biết là người rất thân thiết với chủ nhân điện Kremlin. Cùng với ngoại trưởng Sergei Lavrov, ông được xem là biểu tượng cho sự ổn định của chế độ Putin. Vậy tại sao tổng thống Nga lại thay thế vị bộ trưởng Quốc Phòng vào lúc này ?

Thoạt nhìn thì với việc trở thành thư ký Hội đồng An ninh Nga, có vẻ như ông Shoigu được thăng chức. Nhưng trên thực tế, đó là một sự giáng chức, theo nhận định của kênh truyền hình Anh Sky News, "vì rõ ràng Putin không hài lòng với hướng đi của cuộc chiến Ukraina".

Ông Shoigu đã mất dần uy tín kể từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina và ông đã để chiến sự kéo dài hơn dự kiến. Vị bộ trưởng Quốc Phòng kỳ cựu này cũng đã thường xuyên là đối tượng đả kích của Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn lính đánh thuê Wagner, người đã cầm đầu cuộc nổi loạn bất thành vào tháng 6 năm ngoái, trước khi thiệt mạng trong một tai nạn máy bay bí ẩn.

Nhật báo Anh The Guardian ghi nhận là những tiết lộ về vụ bê bối tham nhũng liên quan đến một trong những cấp phó của ông đã khiến vị thế của ông Shoigu thêm suy yếu. Nhưng thay vì gạt bỏ hoàn toàn, tổng thống Putin đã chuyển ông Shoigu sang làm thư ký Hội đồng An ninh Nga để giữ thể diện cho đồng minh lâu năm của mình và nhất là đảm bảo sự hiện diện của một nhân vật đáng tin cậy trong một cơ quan trọng yếu.

Thay thế ông Shoigu, lãnh đạo bộ Quốc phòng là Andreï Belousov, một nhà kinh tế học và cũng là một nhân vật trung thành với tổng thống Putin. Việc bổ nhiệm ông Belousov cũng nói lên rất nhiều điều về chiến lược của Vladimir Putin đối với Ukraina, cũng như phản ánh sức nặng của cuộc chiến này đối với tài chính của nước Nga.

"Ngân sách của Bộ Quốc phòng và khối an ninh cho đến gần đây là khoảng 3% GDP, sau đó tăng lên 3,4%, gần đây là 6,7% và đang dần dần tăng lên đến mức của thập niên 1980, khi tỷ lệ chi tiêu cho ngân sách quân sự trong nền kinh tế là 7,4%", theo lời phát ngôn viên của điện Kremlin với trang mạng Gazeta.ru của Nga.

Trên trang mạng Kommersant của Nga, nhà phân tích Yevgeny Minchenko giải thích : "Cần phải đưa tình hình tài chính của bộ vào trật tự. Kể từ bây giờ, chiến lược quân sự của chính quyền Nga là giảm thiểu tổn thất. Và để làm được điều này, cần phải chú ý tối đa đến khâu hậu cần."

Nhật báo Mỹ Washington Post nhấn mạnh đến quyết tâm của điện Kremlin "giảm tình trạng tham nhũng phổ biến" trong bộ Quốc Phòng, nhằm bảo đảm rằng các nguồn lực quân sự quan trọng sẽ được đưa ra mặt trận.

Tân bộ trưởng Quốc Phòng Belousov được xem là một nhân vật rất phù hợp với ý kiến cho rằng điện Kremlin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraina, như phân tích của chuyên gia quan hệ quốc tế Jimmy Rushton tại Kiev : Putin tin rằng "để chiến thắng ở Ukraina, phải sản xuất nhiều hơn và lâu hơn Ukraina và các đồng minh phương Tây của Ukraina".

Cho nên, đối với nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, qua việc tổng thống Nga thay thế bộ trưởng Quốc Phòng, phương Tây càng có lý do để tiếp tục trợ giúp Ukraina, cho dù nhiều nhà quan sát xem Nga đang có lợi thế về mặt quân sự đối với Ukraina và lợi thế về mặt chính trị đối với các đồng minh phương Tây của Kiev, những nước ngày càng gặp khó khăn trong việc thích ứng với một cuộc chiến kéo dài ở Ukraina.

Mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc ổn định đến mức nào?

Ngô Viết Quyền (Phóng dịch)

 Lời người dịch:

Nền chính trị Mỹ thật ẩn tàng thâm sâu khó lường, và không dễ ai biết được? Mỗi vị Tổng Thống đắc cử chỉ có thời hạn 4 năm cho một nhiệm kỳ, trong giới hạn thời gian đó, nội chỉ việc để biết thông suốt các cơ quan chìm và nổi trách nhiệm và vận hành guồng máy Chính Phủ xuyên suốt từ hành chánh tới an ninh, quân sự hiển và mật, từ quốc nội tới liên quốc gia  toàn cầu, quả thật là không phải ai cũng có thể có tài bạt thiên hạ để "thiên hạ thùy tri tại chưởng trung" ! Bài học cuộc chiến Quốc – Cộng tại Việt Nam không phải do tự người Việt giải quyết để có chung cuộc ngày 30/4/1975. Cuộc chiến Trung Đông cũng không do tự người dân Iraq, Libya, Kuwait giải quyết. Cuộc chiến Afghanistan cũng không do người dân Afghanistan giải quyết. Gần đây cuộc chiến Israel – Hamas chắc chắn cũng sẽ không do người Do Thái và Palestine giải quyết. Cuộc chiến Russia – Ukraine cũng sẽ không do Tổng Thống Putin và Tổng Thống Zenlensky giải quyết ...Nếu không có Mỹ chủ trì. "Nói" như thế, không có nghĩa là Mỹ có sức lực vạn năng để "bao thầu" hay "chủ chốt", hoặc  trong âm mưu thâm sâu "bày cuộc hý trường"  gây bao tàng thương cho nhân loại, để trục lợi làm giàu mạnh cho nước Mỹ luôn đứng ở vị thế Siêu Cường? Song ánh đuốc soi sáng lý tưởng Tự Do – Dân Chủ vẫn còn kia dù ngọn lửa có khi tỏ, khi mờ vẫn là đích điểm làm thống quan nhân loại. Những vị siêu quyền lực ẩn tàng trong "Long Đàm" thật sự chủ trì vận mệnh nước Mỹ ảnh hưởng tới thế giới cũng phải lên bồn gột rửa tâm trí cho tinh, cho tuyệt kỳ tài để xứng đáng là vì sao bắc đẩu trên bầu trời đêm...? Mong lắm vậy.

    Mối quan hệ trọng yếu nhất giữa Mỹ-Trung Quốc về mặt địa chính trị trên thế giới, trên căn bản là đối địch và thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Xét qua cung cách cư xử mang tính dài hạn về quan hệ giữa hai quốc gia vẫn còn tiêu cực và không có triển vọng cải thiện đáng kể. Chưa hết, kể từ khi TT Mỹ Joe Biden và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình găp nhau tại Hội Nghị Thượng đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (The Asia-Pacific Economic Cooperation – APEC là một nhóm kinh tế gồm 21 quốc gia thành viên, được thành lập vào năm 1989, với mục tiêu chính là thúc đẩy thương mại tự do và phát triển vững bền thông qua các nền kinh tế thuộc các quốc gia này ở vành đai Thái Bình Dương) ở Woodside, California vào tháng 11/2023 thì quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã có vẻ tương đối ổn định giữa cả một biển trời hỗn loạn. Trong những tháng tiếp theo, cả hai bên đã tiếp tục tìm kiếm mối quan hệ ổn định hơn thông qua sự cam kết liên lạc thường xuyên ở cấp cao cũng như các đường lối đối thoại mới khác rộng mở trên nhiều lãnh vực chánh sách. Vào tháng1/2024 Mỹ và Trung Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán quân sự lần đầu tiên sau gần 2 năm gián đoạn. Sau cuộc gặp mặt lần thứ ba giữa Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ là Jake Sullivan và Ngoại trưởng Trung Quốc là Vương Nghị trong vòng chưa đầy một năm; đã có cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 16-17 tháng 1 năm 2024. Vào ngày 2/4/2024 TT Biden và họ Tập lại đã nói chuyện với nhau qua điện thoại và phê chuẩn cam kết tiếp tục sự liên lạc của họ trong việc kiểm soát các căng thẳng. Nó tạo tiền đề cho chuyến đi của Bộ trưởng Tài chánh Mỹ là bà Janet Yellen công du tới Trung Quốc vào đầu tháng 4/2024 – Nơi đây bà đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của Trung Quốc, lãnh đạo địa phương và cấp tỉnh cùng với các nhà kinh tế hàng đầu – cũng như xếp đặt cho chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Mỹ là Antony Blinken. Quân đội cả hai nước hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị sau cùng cho cuộc đối thọai hàng hải và có thể là cuộc gặp gỡ cấp Bộ trưởng tại Hội Nghị ở Shangri-La vào tháng 6/2024 này. Tuy nhiên, trong khi sự liên lạc đối thoại vừa được quản trị tốt hơn so với thời gian trước đây, nhưng mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc còn đang bị căng thẳng do một số điểm dễ bùng nổ lên; khiến có nguy cơ phá vỡ sự êm dịu tương đối vốn đã ưu tiên phổ biến kể từ Hội Nghị ở Woodside, California.

 Bãi cạn Second Thomas:

 Đây là một trong hai cái bẫy sập nguy hiểm, cái khác Hoàng-Trường Sa; các sự kiện gần đây khiến cho sắp xảy ra và có khả năng xảy ra nhất; đối với xung đột quân sự Mỹ-Trung Quốc sau sự kiện ngày 23/3/2024, trong đó các tàu Cảnh Sát Biển Trung Quốc (China Coast Guard) đã dùng vòi rồng áp suất cao bắn vào một tàu của Phillipines đang cố gắng vận chuyển vật liệu xây dựng đến chỗ chiếc tàu mắc cạn và đang rỉ sét: BRP Sierra Madre (tức LT-57 từ Thế Chiến Thứ II) – đây là một tàu vận tải của hải quân Philippines mang tính biểu tượng của nước Philippines, đang được dùng làm nơi đóng quân của một đơn vị nhỏ Thủy Quân Lục Chiến Philippines, được chánh quyền ở Manila, Philippines "cố tình" neo đậu ở Bãi cạn Second Thomas trong vùng Biển Đông từ năm 1999; để khẳng định chủ quyền của Philippines đối với vùng tranh chấp lãnh hải. Bắc Kinh từ chối thẳng thừng, nhất quyết không cho phép bất kỳ một vật liệu xây dựng nào được đem đến chỗ tàu BRP Sierra Madre (LT-57) đang mắc kẹt ở Bãi cạn Second Thomas, và TT Philippines: Ferdinand Marcos Jr. cảm thấy ông ta phải tiếp tục gởi vật liệu để ngăn ngừa nó bị chìm hẳn xuống đáy biển, vì e ngại rằng ông sẽ phải từ bỏ yêu sách quyền lợi của chánh quyền ở Manila. Vụ va chạm mới nhất đã làm bị thương một số thủy thủ Philippines, nhưng cũng đã kịp ngưng lại ngay; nên đã không gây ra tử vong. Các quan chức quốc phòng Mỹ tin rằng nếu như có một thủy thủ Philippines bị thiệt mạng, chánh quyền ở Manila chắc chắn sẽ viện dẫn đến Hiệp Ước Phòng Thủ Chung (Mutual Defense Treaty) với Washington, buộc Mỹ phải gởi lực lượng quân sự hộ tống các tàu tiếp tế của Philippines đến Bãi cạn Second Thomas. Các đầu mối liên lạc của Trung Quốc nói rằng, nếu như điều đó xảy ra, Bắc Kinh sẽ xem xét đến việc kéo chiếc tàu BRP Sierra Madre (LT-57) này ra khỏi rặng san hô, nơi nó mắc cạn ở Biển Đông. Như vậy chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai lực lượng hải quân Mỹ và hải quân Trung Quốc.

 Cuộc cạnh tranh công nghệ:

 Ông Tập nhận thấy nhiều hạn chế của Mỹ ngày càng đè nặng thêm đối với các ngành công nghiệp bán dẫn (semiconductor) và trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến của Trung Quốc – cũng như Mỹ áp lực với các đồng minh của Mỹ bao gồm Nhật Bản, Đức, Hà Lan, và Hàn Quốc phải tuân theo – như là một nỗ lực nhằm kềm chế sự phát triển kinh tế và công nghệ của Trung Quốc. Sự trói buộc này đã gây ảnh hưởng mạnh hơn cả các rào cản thương mại thông thường, các hạn chế về công nghệ luôn được ông Tập Cận Bình chú trọng; vì chúng đánh thẳng vào trọng tâm kinh tế chiến lược của ông Tập muốn đạt đến; các hạn chế về công nghệ cốt ý nhằm buộc ông phải chuyển các nguồn tăng trưởng của Trung Quốc từ việc đầu tư bất động sản và cơ sở hạ tầng sang "các lực lượng sản xuất mới khác". Việc chuyển hướng, nói ra thì dễ lắm, nhưng làm thì than ôi thật là thiên nan, vạn nan. Đúng là "Chú Sam" muốn làm khó nhau đây! Trong một chừng mực nào đó, chánh sách ngăn chặn của Mỹ vẫn tiếp tục tồn tại – và nó sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi sự đồng thuận về mặt an ninh quốc gia của lưỡng đảng Mỹ ở cả hai Thương-Hạ viện; để cố giảm thiểu rủi ro – thì Bắc Kinh cuối cùng sẽ buộc phải trả đũa.

 Thương mại: 

Một điểm mấu chốt đối với các Liên đoàn Lao động Mỹ trong năm bầu cử 2024 của Mỹ. Sự "dư thừa năng lực" công nghiệp của Trung Quốc là chủ đề trọng tâm trong lời kêu gọi của cả TT Joe Biden và ông Tập với chuyến đi Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình của bà Janet Yellen – Bộ trưởng Tài chánh. Lập luận cốt lõi của Washington là Trung Quốc chiếm hữu tới 1/3 sản lượng toàn cầu, nhưng chỉ đạt đến 1/6 lượng tiêu thụ toàn cầu. Kết quả là các công ty được trợ cấp nhiều (hoặc quốc doanh tức hoàn toàn thuộc sở hữu và quyền quản trị bởi nhà nước) của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường phương Tây và toàn cầu với hàng hóa giá rẻ, đặc biệt là trong các lãnh vực quan trọng như xe hơi chạy bằng điện (EV), pin và quang điện mặt trời, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng trên toàn thế giới thông qua chi phí thấp hơn giá cả thị trường, và giảm lượng khí thải bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, nhưng ngược lại đã gây tổn hại cho các nhà sản xuất Mỹ khó cạnh tranh hơn. Những cáo buộc của Mỹ chỉ vang vọng lên trong lỗ hỗng ở Bắc Kinh, trong khi Mỹ đồng loạt cung cấp cho Taiwan Semiconductor Manufacturer Coorporation (TSMC), Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan một khoản tài trợ 6.6 tỷ USD, cùng với một khoản vay khác lên tới 5 tỷ USD; để giúp nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới này; xây dựng các nhà máy ở Tiểu Bang Arizona, nhằm mở rộng nỗ lực của Tổng thống Joe Biden ngõ hầu thúc đẩy sản xuất công nghệ chip quan trọng trong nước. Mặc dù riêng biệt, nhưng nó lại có liên quan về trợ cấp tài chánh, sự trớ trêu của việc Mỹ và cả Châu Âu phàn nàn về việc Trung Quốc đã làm cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu trở nên rẻ hơn, đồng thời phương Tây lại trừng phạt Trung Quốc vì đã không làm hết sức; để khử bớt khí carbon cho nên kinh tế của người Trung Quốc không hề thua kém đối với nhiều dân tộc ở miển Nam toàn cầu. Nhưng hình như tôi hơi bị xa đề thì phải. Họa may các nhà quan sát diễn biến sự việc thực tế với "bộ não" hơn người biết tôi nói đúng.

 Theo quan điểm của Washington, dư thừa công xuất là vấn đề cốt lõi trong mô hình chính sách công nghiệp của Trung Quốc, vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn do ông Tập Cận Bình không muốn thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Do vấn đề chính trị trong năm bầu cử đối với đảng Dân Chủ ở Mỹ, ít nhất một số rào cản tiếp cận thị trường có thể xảy ra trước tháng 11/2024 - cho dù thông qua đánh giá Thương Mục 301 (ghi chú của người dịch: Section 301 của Đạo luật Thương mại ban hành năm 1974 trao quyền cho Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) một loạt trách nhiệm và quyền hạn để điều tra và thực hiện các hành động thích nghi; nhằm thực thi các quyền hạn của Mỹ chiếu theo các Hiệp định Thương mại và úng phó với một số hoạt động ngoại thương nhất định), đối với ngành thép của Trung Quốc, cuộc điều tra bảo mật dữ liệu xe điện (Electric Vehicle - EV) của Trung Quốc hoặc nói đến khả năng sắp xếp lại chánh sách ngoại thương của Trung Quốc – thuế quan hiện đại đối với xe điện (EV) và các hàng nhập khẩu khác. Tuy nhiên, bất cứ điều gì mà TT Biden có thể làm về thương mại đều không là "cái đinh" gì hết, so với nguy cơ leo thang thuế quan ở mức cao ngất ngưởng 60%; mà Bắc Kinh sẽ phải đối mặt, nếu ông Donald Trump trở lại tòa Bạch Ốc

 Đài Loan: 

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã kết luận rằng Tổng Thống đắc cử ở Đài Loan là một kẻ theo chủ nghĩa ly khai không thể tha thứ được và riêng TT Lại Thành Đức cũng nhận thấy chẳng có ích lợi gì khi cố gắng thuyết phục Bắc Kinh bằng cách khác. Việc ông Tập Cận Bình ôm chặt người tiền nhiệm Quốc Dân Đảng của Đải Loan là cựu TT Mã Anh Cửu, trong một cuộc họp cấp cao vào ngày 8/4/2024 tại Bắc Kinh đã không giúp xoa dịu căng thẳng. Bài phát biểu nhậm chức của Tổng Thống Đắc cử: Lại Thành Đức (William Lai) vào ngày 20/5/ 2024 sắp tới; theo đó sẽ tạo tiền đề cho sự xói mòn dần dà các mối quan hệ xuyên eo biển trong 4 năm săp tới. Áp lực sẽ bắt đầu ngay từ mùa hè này khi Trung Quốc đã khởi xướng thường xuyên đưa phi cơ tiến vào vùng tiếp giáp nhận dạng không phận của Đài Loan, nhằm "xóa bỏ" lãnh hải và không phận của hòn đảo này. Mặc dù những động thái này sẽ được hiệu chính và gởi công điện báo trước tới Washington thông qua các phương tiện liên lạc ở hậu trường để hạn chế sự trả đũa của Mỹ, nhưng TT Lại Thành Đức (William Lai) có thể tự leo thang và buộc TT Biden phải đáp trả bằng cách thể hiện quyết tâm ủng hộ Đài Loan, điều này có nguy cơ dẫn đến một chu kỳ leo thang nguy hiểm. Nhưng trong khi những yếu tố khích động này sẽ làm tăng căng thẳng mối quan hệ song phương, nhưng vẫn có rất nhiều lý do; để cả hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc đều muốn duy trì mối quan hệ tương đối ổn định, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 5/11/2024. TT Biden không đủ khả năng để bắt đầu một cuộc chiến mới nữa trong khi ông ấy đang phải đương đầu với hai cuộc chiến "ủy nhiệm" ở nước ngoài – một ở Ukraine, một ở Trung Đông – và còn một cuộc chiến khác ở ngay trong nước. Ông Tập sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức về kinh tế mỗi ngày một lớn hơn ở trong nước; đòi hỏi ông phải thận trọng hơn nhiều về mặt địa chính trị trên thế giới, so với những gì ông có thể làm. Căng thẳng còn được hạn chế kỹ hơn nữa; để tránh không vượt khỏi tầm kiểm soát của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, nhờ sự phụ thuôc lẫn nhau lâu dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vì cả hai sẽ đều không được hưởng lợi từ việc tách rời nhau nhanh quá (góp ý của người dịch:Mỹ và Trung Quốc họ sẽ nương nhau mà sống thoải mái hay huy hoàng là còn tùy thuộc vào "sự biết đủ" của cả hai bên dựa theo mỗi thời kỳ khác biệt), chớ đừng có ai khờ dại vội nghĩ hay nói đến xung đột quân sự.

 Tất nhiên như chúng ta đã thấy cả hai lần, vào năm 2022, với chuyến thăm Đài Loan có chủ đích khiêu khích Trung Quốc của Chủ Tịch Hạ Viện hồi đó là bà Nancy Pelosi và lần thứ hai với sự kiện từ ngày 28 tháng 1 đến ngày 4 tháng 2 năm 2023, một khinh khí cầu ở tầm cao, với kích cỡ lớn màu trắng do Trung Quốc vận hành đã bị phát giác, quan sát rất sít sao trên không phận Bắc Mỹ-Canada bởi phi cơ trinh sát tầm cao U-2S là loại máy bay quân sự duy nhất của Mỹ đang được sử dụng, có thể hoạt động ở độ cao trên 70,000 foot (21,000 m), nhưng không mang theo võ khí. U-2S được chỉ thị để theo dõi khinh khí cầu gián điệp này của Trung Quốc. Sau đó, vào ngày 4/2/2023 nó đã bị bắn hạ ở bên ngoài bờ biển North Carolina (để tránh gây thương tích, thiệt hại vật chất hay khiến thiệt mạng cho người dânbởi tên lửa Sidewinder phóng ra từ máy bay tiêm kích F22 của Không quân Mỹ xuất phát từ Căn cứ Không quân Langley, Virginia. Do đó, những tai nạn bất ngờ hay bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể dễ dàng vượt quá khả năng quản trị căng thẳng cùa các nhà lãnh đạo hai bên. Tuy nhiên, các phương tiện liên lạc nóng (hot line) đã được thiết lập trở lại từ tháng 11/2023; ngõ hầu khiến cho những bùng phát như vậy sẽ ít xảy ra hơn. Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn mối quan hệ của họ trong năm 2024 này sẽ bị thả rơi tự do, thật đáng cảm ơn nhờ cuộc Hội nghị ở Woodside, California vừa qua; mà giờ đây cả hai bên đều có đủ các dữ kiện để tránh né được tình huống bất ổn như thế đó. Mặc dù thỏa thuận tạm ngưng đối địch tại Woodside, California có thể bị bẻ cong, nhưng ít ra thì nó sẽ không bị phá vỡ.

 .Ngô Viết Quyền (Phóng dịch)