Tuesday 19 December 2023

Quân đội Mỹ chuẩn bị sẵn sàng thế nào cho chiến tranh Thái Bình Dương?

Trong số các hình thức xung đột tiềm ẩn khác nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, hoạt động tác chiến của lục quân hoặc Thủy quân lục chiến ở quần đảo Thái Bình Dương có thể được xem là một trong những nền tảng chiến thuật quan trọng. Đồng thời, quân đội Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng trên địa hình hạn chế của các đảo ở Thái Bình Dương cũng rất cần đến lực lượng thiết giáp, tuy nhiên do những hạn chế về điều kiện vận chuyển nên quân đội Hoa Kỳ cần xem xét lại phiên bản kế nhiệm của xe tăng Abrams. Tuy nhiên, điều khó khăn này đã khiến quân đội Hoa Kỳ nảy sinh ra một ý tưởng độc đáo về một phương tiện chiến đấu không người lái được trang bị tên lửa tốc độ cực cao nhằm yểm trợ cho xe tăng có người lái.


Mới đây, Mỹ và 4 nước khác vừa hoàn thành cuộc tập trận chung nhằm rèn luyện khả năng hợp tác của quân đội. Theo đó vào hạ tuần tháng 10, lực lượng chung gồm hơn 5.000 binh sĩ của Mỹ, Indonesia, Thái Lan, Anh và New Zealand đã được triển khai trên một loạt đảo từ Hawaii đến Palau ở Tây Thái Bình Dương. Lực lượng chung đa quốc gia này đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn ở chuỗi đảo thứ hai ở Thái Bình Dương, mô phỏng các cuộc giao tranh quy mô lớn với đối thủ trong môi trường rừng rậm và quần đảo. Hạm đội Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt và Thủy quân lục chiến của Hoa Kỳ cũng tham gia cuộc tập trận 24-01 của Trung tâm chuẩn bị chiến tranh đa quốc gia chung Thái Bình Dương kéo dài trong 20 ngày và đã kết thúc vào ngày 10/11.

Tướng Charles Flynn, chỉ huy Quân đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và là người đứng đầu Trung tâm chuẩn bị chiến tranh đa quốc gia chung Thái Bình Dương, cho biết các đối tác của Hoa Kỳ ở châu Á có thể kiềm chế Trung Quốc. Mặc dù lượng lục quân phải đối mặt với những trở ngại về hậu cần và lực lượng chung ở Thái Bình Dương, nhưng Trung tâm Huấn luyện Lục quân tự tin rằng họ có thể duy trì lực lượng chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặc dù các quan chức quân đội không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc tập trận, nhưng các hành động này cho thấy họ đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc ở Thái Bình Dương, điều này đã không có gì là bí mật nữa.
Đại úy quân đội Hoa Kỳ Sam Soliday cho biết: "Với tư cách là Quân đội Hoa Kỳ, chúng tôi chưa từng chứng kiến một cuộc xung đột như thế này và sự phức tạp của nó kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay. Liên quan đến việc chuyển giao tài sản giữa các đảo khác nhau, thì cần phải băng qua các vùng biển khác nhau. Điều này cần có sự hỗ trợ từ máy bay vận tải của Lực lượng Đặc nhiệm Không quân. Địa hình trên các hòn đảo thay đổi từ hẻm núi dốc đến những ngọn đồi hoang vắng; bởi vậy, huấn luyện chiến đấu trong môi trường khắc khổ của những hòn đảo này là một cách hay trong huấn luyện tác chiến của phương tiện chiến đấu hạng nhẹ".

Ông Soliday tin rằng điểm khác biệt chủ yếu nhất giữa lần huấn luyện này với lần trước là hoàn cảnh chiến trường khác nhau, lần này là mô phỏng các hoạt động trên bộ và trên biển điển hình trên các đảo và giữa các đảo với nhau.
Tướng Flynn cho biết đây là cuộc huấn luyện chung đa quốc gia đầu tiên kể từ khi Lầu Năm Góc chứng nhận Trung tâm chuẩn bị chiến tranh đa quốc gia chung Thái Bình Dương vào tháng 6 năm nay, và điều quan trọng là phải chuẩn bị cho những xung đột có thể xảy ra trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trước đây, Quân đội Hoa Kỳ thường vận chuyển nhân sự và thiết bị riêng biệt, điều đó có nghĩa là các binh sĩ sẽ không được sử dụng trang thiết bị của họ trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng. Vấn đề này thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở Thái Bình Dương. Người ta vẫn thường nói kẻ thống trị tàn khốc ở Thái Bình Dương là "khoảng cách", nhất là đối với quân đội Mỹ, vấn đề lớn nhất của họ khi tác chiến ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là vượt qua những khoảng cách không gian quy mô lớn. Quân đội Mỹ gọi đó là "độc tài về khoảng cách". Một yếu tố nữa là chi phí vận chuyển, mấu chốt là các cuộc tấn công đường dài cần có thời gian, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ phản ứng của quân khi tiếp xúc với đối thủ.

Đối với quân đội Hoa Kỳ, nếu xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, việc các khí tài quân sự được phân bổ rộng rãi của nước này sẽ mất bao lâu để tiếp cận khu vực xung đột đã trở thành một vấn đề then chốt. Do đó, khi quân đội Hoa Kỳ đang xem xét bất kỳ vấn đề tác chiến nào liên quan đến xung đột ở eo biển Đài Loan, điều đầu tiên họ phải làm rõ là quân đội hoặc bất kỳ lực lượng tấn công nào khác sẽ mất bao lâu và như thế nào để đến địa điểm chiến đấu. Đây là nguyên nhân tại sao quân đội Hoa Kỳ nỗ lực triển khai chiến lược ở tiền phương, và ngày càng chú ý hợp tác với các đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương.

Các đồng minh khu vực của Hoa Kỳ cũng biết rằng khoảng thời gian để quân đội Hoa Kỳ thiết lập sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các đồng minh trong khu vực, cũng như tính chất và mức độ của sự trợ giúp đó. Do cân nhắc đến an ninh của riêng mình, các đồng minh khu vực này cũng cần sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Đây là lý do tại sao có một nhóm đối tác muốn hợp tác với Hoa Kỳ và tin rằng Hoa Kỳ là lựa chọn an ninh hàng đầu của họ. Các đối tác này bao gồm các nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương và các nước xung quanh Biển Đông. Hoa Kỳ hy vọng đạt được mục đích ngăn chặn chiến tranh bằng cách thiết lập một mạng lưới đối tác mạnh mẽ. Đồng thời, Quân đội Hoa Kỳ hoàn toàn tin tưởng vào sự hợp tác của các đồng minh trong khu vực về công nghệ, chiến thuật, quy trình và trang thiết bị, họ tin rằng đây là sự bảo đảm cho việc hình thành mặt trận chung chống lại kẻ thù.

Tướng Flynn đã đưa ra một loạt các cuộc tập trận song phương của quân đội Mỹ với các quốc gia đối tác trước đây chỉ diễn ra ở phạm vi nhỏ, nhưng hiện quy mô đã được mở rộng. Cuộc tập trận quân sự chung "Saber Sabre" của Úc từng chỉ là cuộc tập trận quân sự song phương giữa Mỹ và Úc. Hiện nó đã mở rộng thành một cuộc tập trận chung quy mô lớn với sự tham gia của hơn 30.000 người từ 15 quốc gia. Cuộc tập trận Hawaii có sự tham gia của các lực lượng chung đa quốc gia nhằm rèn luyện khả năng tương tác, trạng thái sẵn sàng và sự tự tin của các lực lượng này. Khả năng tương tác được đề cập ở đây là chỉ năng lực quân đội của một quốc gia sử dụng các phương pháp huấn luyện và thiết bị quân sự của quốc gia khác.

Tướng Flynn cho biết ông đã thấy được các hành vi xấu xa và vô trách nhiệm của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đây là một tin xấu. Nhưng tin tốt là các hoạt động đa phương và xuyên quốc gia đã tăng gấp 10 lần. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thường được coi là sân khấu trên không và trên biển, nhưng thực tế lại không phải vậy. Đây là khu vực tác chiến chung phải đối mặt với những thách thức chung từ nhiều quốc gia, nhiều khu vực, nhiều lĩnh vực và cần phải đối mặt thông qua các giải pháp chung đa quốc gia.

Tướng Flynn coi Quân đội Hoa Kỳ là trụ cột của lực lượng chung, đóng vai trò then chốt trong các giải pháp này. Ông tin rằng Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng một kho vũ khí phù hợp với chiến lược chống tiếp cận/từ chối khu vực. Mục tiêu thiết kế của quân đội Trung Quốc và phát triển trang bị quân sự của nước này chủ yếu là đánh bại sức mạnh trên không và trên biển, thứ hai là ngăn chặn, làm suy yếu và nhiễu loạn không gian và mạng internet, mà ít chú ý đến việc cải thiện và tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng mặt đất. Điều này có thể tạo cơ hội cho quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Trong thời gian diễn ra xung đột, các lực lượng mặt đất cơ động, phân tán và được bổ sung nhanh chóng của Hoa Kỳ được triển khai trong môi trường quần đảo tại khu vực này có thể ẩn náu trong sự hỗn loạn và giáng những đòn chí mạng cho kẻ thù.

Cuộc tập trận ở Hawaii nêu bật sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với việc phòng thủ và răn đe ở Thái Bình Dương, chú ý hơn đến các hoạt động tác chiến trên bộ quy mô nhỏ trên các đảo ven biển của Trung Quốc. Cuộc tập trận bao gồm nhảy dù, đổ bộ đường không, tấn công đường không tầm xa và tiếp tế trên không và trên biển. Nó phản ánh tầm quan trọng của việc triển khai sức mạnh ở Thái Bình Dương, bao gồm việc chiếm giữ và thiết lập các căn cứ hoạt động, cũng như bảo vệ và kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay.

Trong 10 năm, quân đội Hoa Kỳ vẫn liên tục cải tổ chiến lược phòng thủ ở Thái Bình Dương, gia tăng quy mô và tần suất các cuộc tập trận với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời xem xét lại cách thức Quân đội và Thủy quân lục chiến hoạt động ở chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai của Thái Bình Dương. Các hòn đảo này cung cấp nền tảng cho các đơn vị cơ động phóng tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không, đồng thời các đơn vị cơ động này cũng có thể được triển khai và di dời mau chóng. Trong hai năm qua, quân đội Hoa Kỳ được coi là ở thế bất lợi về số lượng so với Trung Quốc, kỳ thực số lượng lính Mỹ có thể triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chắc chắn là có hạn, tác chiến cơ động của lực lượng mặt đất là phương pháp hữu hiệu để quân đội Hoa Kỳ khắc phục nhược điểm về số lượng.

Nói đến tác chiến cơ động của lực lượng mặt đất, không thể tránh khỏi các thiết giáp hạng nặng, bao gồm cả xe tăng và xe chiến đấu bộ binh. Trên các hòn đảo rải rác ở Thái Bình Dương, xe chiến đấu bộ binh thì còn khả dĩ, nhưng xe tăng liệu có dùng được không?
Ngay từ Chiến tranh Thái Bình Dương vào thế kỷ 20, xe tăng đã đóng một vai trò trong các trận chiến bộ binh ở vùng hoang dã hiểm trở hoặc trên bãi biển, dù là trên đảo hay trên lục địa Đông Á. Ngày nay, Quân đội Hoa Kỳ hoàn toàn nhận thức được rằng xe tăng có giá trị như một phần của lực lượng vũ trang tổng hợp, ngay cả trong những chiến trường không thân thiện với xe thiết giáp.

Tướng Flynn cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9 rằng khả năng của xe tăng và xe thiết giáp ở Thái Bình Dương là hoàn toàn cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ ở địa hình hạn chế. Có rất nhiều địa hình tương tự như vậy trên Quần đảo Thái Bình Dương.

Điều này không có nghĩa là chiếc xe phải được thiết kế riêng cho những địa hình này. Nhưng các phương tiện chiến đấu thế hệ thứ 5 dành cho cuộc xung đột ở Thái Bình Dương, bao gồm cả những mẫu xe kế nhiệm của xe tăng Abrams và Xe chiến đấu bộ binh Bradley, đều phải đủ nhẹ để có thể thích hợp vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển.

Nếu không thể ra chiến trường, thì xe tăng có tốt đến đâu cũng vô dụng. Ủy ban Khoa học Quân đội Hoa Kỳ trích dẫn mô phỏng quân sự của Trung tâm Phân tích Quân đội đã chứng minh giá trị của lực lượng thiết giáp trong phòng thủ Đài Loan. Tuy nhiên, những khó khăn trong phương diện triển khai và bảo hộ đã cản trở quân đội Hoa Kỳ đạt được đủ số lượng thiết giáp đến Đài Loan trước khi Bắc Kinh hoàn thành việc chinh phục Đài Loan như việc đã rồi.

Khả năng cơ động của xe tăng Abrams nặng 70 tấn không thể ứng phó các mối đe dọa từ máy bay không người lái và tên lửa chống tăng, cả về mặt chiến thuật và kỹ thuật. Bất kỳ công nghệ mới nào, ví như robot hoặc tự động hóa, được trang bị thêm cho những chiếc xe tăng cũ kỹ này cũng sẽ không giúp ích cho việc chống lại những tiến bộ của tên lửa chống tăng. Về phương án phát triển xe tăng thế hệ tiếp theo, Quân đội Hoa Kỳ bị mắc kẹt trong sự lựa chọn giữa tính cơ động và khả năng phòng vệ.

Một chiếc xe tăng 60 tấn được trang bị đạn pháo 130mm và tổ lái 3 người thì không đủ cơ động. Xe tăng hạng nhẹ 40 tấn có pháo hạng nặng, thì lại không đủ khả năng tự vệ. Điều này đã khiến quân đội Hoa Kỳ bắt đầu cảm thấy hứng thú với khái niệm "người yểm trợ trung thành" của không quân, chính là một phương tiện chiến đấu không người lái nặng 30 tấn được trang bị tên lửa tốc độ cực cao có thể đi cùng và yểm trợ xe tăng có người lái.

Quân đội Hoa Kỳ đã dành 20 năm để tìm kiếm thiết giáp thế hệ tiếp theo, các dự án hiện tại bao gồm xe tăng XM30, phiên bản kế thừa của xe tăng Abrams nặng hơn 50 tấn và xe tăng M10 Booker nặng 40 tấn. Việc những chiếc xe tăng này có đáp ứng được yêu cầu của môi trường chiến trường ở khu vực Thái Bình Dương hay không, hiện vẫn chưa được xác định.
Viên Minh (biên dịch)

Monday 18 December 2023

Lãng đãng... cuối năm...

Kim Loan

Tùy bút

Canada năm nay kỳ thiệt à nghen!  Đó là tôi đang nói đến chuyện thời tiết, mà cụ thể là chuyện "tuyết rơi mùa Đông", bởi nói đến Canada mà không nói chuyện nàng tuyết thì còn biết nói chuyện gì.

    Bắt đầu từ giữa Tháng 10, ai ai cũng chuẩn bị tinh thần đón những bông tuyết "lạc quẻ" nôn nóng xuống gian trần, mà chuyện đó rất ư là bình thường, chả có gì lạ ở xứ này. Tôi nhớ nhiều năm, mùa Halloween tuyết  phủ đầy đường, tội cho lũ nhỏ đi xin kẹo Trick Or Treat phải mặc đồ dầy cộm, chân mang boots, đầu đội mũ len, choàng thêm bộ costume phục phịch nặng nề. Vậy mà năm nay lạ thiệt, đêm Halloween trời khô ráo, gió lạnh hiu hiu, ôi thôi, xóm tôi tưng bừng ngày Hội của lũ trẻ, người lớn cũng vui lây, mừng cho chúng được một năm vui chơi thoải mái đến khuya mà không sợ bị cảm lạnh.

    Tuần đầu tháng 11, gia đình tôi chuẩn bị hành lý bay qua Oklahoma và Texas hai tuần ăn cưới đứa cháu ruột. Cũng như mọi lần qua Mỹ mùa cuối năm, chúng tôi mặc đồ lạnh mùa đông để ra phi trường, phòng hờ đột nhiên ông trời nổi hứng đem tuyết xuống chơi, khi qua tới phi trường bên đó thì cuốn gói mớ đồ lạnh vào hành lý, chờ ngày ra phi trường trở về Canada lại tròng vào, thiệt là lỉnh kỉnh, nhưng còn hơn là để bị lạnh, về nhà cảm cúm còn mệt hơn.

    Vậy mà năm nay, mặc đồ dầy cui ra phi trường bỗng trở thành lạc lõng vì thời tiết quá đẹp, rồi sau hai tuần lễ ở Oklahoma, Texas, chúng tôi bay về Edmonton trời cũng còn trong veo, chút gió lạnh, tuyệt nhiên không có một hột tuyết nào.

    Rút kinh nghiệm, một tuần sau đó, dịp Thanksgiving Mỹ, tôi lại khăn gói lên đường bay qua Nam California dự lễ phát giải Viết Về Nước Mỹ 2023 . Ui chao, sung sướng thay, đi chơi mùa lạnh mà được diện áo đầm, chiếc áo khoác nhẹ, mang giày cao gót, tung tăng từ phi trường này qua phi trường kia, không vướng bận giày boots, áo choàng nặng nề, một cơ hội lâu lâu mới có.

    Lãnh giải xong, tôi trở về nhà, ông xã ra đón tại phi trường, tôi lại nhắc đến chuyện muôn thuở của xứ Cà ( hổng phải Cà... Chua mà là tên gọi tắt của Cà Na Đa do... tôi đặt):

    –  Anh ơi, sao trời đất vẫn sạch boong thế này, nắng vẫn vương nhè nhẹ trong gió lạnh thế này, chả lẽ Giáng Sinh năm nay sẽ là một Green Christmas?

    –  Ừa, ai cũng nói năm nay thời tiết bất thường.

    Tôi lại chuyển qua đề tài quen thuộc hàng năm của gia đình tôi, là chuyện mướn người xúc tuyết:

    – Vậy cả tháng nay cậu xúc tuyết chẳng làm gì mà mình vẫn phải trả tiền hen?

Chồng tôi vẫn vô tư:

    – Dự báo thời tiết là đến giữa tháng 12 vẫn chưa có tuyết nặng luôn nhe.

    – Trời! Vậy cậu ta ... lời cả gần hai tháng ...

    – Mà em mâu thuẫn nhỉ, khi cậu ta rảnh rang thì em xót của xót tiền, mà hễ qua tháng 1 tháng 2 cao điểm tuyết mù mịt dầy đặc, khi cậu ta nước mũi lòng thòng hì hục đứng xúc tuyết, thở xì ra khói, trong khi em ở trong nhà ấm áp uống trà, thì em lại áy náy cắn rứt lương tâm, muốn đưa thêm tiền cho cậu ta! Vậy là sao... là sao???

    Tôi cụt hứng, hờn mát:

    – Từ nay em sẽ chừa cái tính ủy mị cải lương đó, sẽ lạnh lùng phớt tỉnh Ăng Lê, cứ theo hợp đồng mà làm, được chưa?

      Ôi, lòng người phức tạp, tôi còn không hiểu tôi nữa là, hèn chị ông nhạc sĩ nào đó tên Thanh Tùng có mấy câu khá chí lý: "Cuộc đời lạ lùng. Cuộc đời ước mơ những điều viễn vông. Lòng người lạ lùng. Lòng hay thương nhớ những điều hư không".

    Nói nào xa, tôi vừa đến nhà thờ, thì đầu câu chuyện trong nhóm ca đoàn, cũng là chuyện thời tiết. Chị Nở, lớn tuổi nhất trong ca đoàn, thường hay tâm tình với tôi, bữa nay cũng bày đặt nhớ tuyết:

    – Ui, năm nay tuyết trốn đi đâu hết vậy nè!?

    Đang còn ấm ức hôm qua bị ông xã "chỉnh" cái vụ cậu xúc tuyết, tôi trút hết lên chị Nở:

    – Ủa, năm ngoái tuyết nhiều thì chị rên rỉ, than van, còn năm nay tuyết chưa rơi thì chị phải vui mừng chứ. Tóm lại là chị muốn gì?

    Biết tôi đang lên cơn "sáng nắng chiều mưa", chị cười để xoa dịu tôi:

    – Thì dù sao tụi mình cũng là dân Cà Na Điên, mùa đông mà thiếu tuyết cũng thấy sao sao á! Nói thiệt lòng, nếu được ước ao, thì chị chỉ mong có tuyết trong Tháng 12 thôi, để mình cảm nhận cái lạnh lẽo của mùa Noel, có " đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời", có hang đá phủ tuyết trắng xóa, đẹp như những tấm thiệp Giáng Sinh người ta vẫn gửi cho nhau. Ở nơi xứ nóng người ta còn làm bông tuyết giả, vậy tai sao ở xứ tuyết này mình không trông chờ tuyết, phải không cưng!?

    Tôi thấy chị Nở nói cũng ... hổng sai. Nhớ thời còn trẻ, tháng 12 se lạnh, tôi theo bè bạn dạo phố Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn say sưa ngắm những tấm thiệp Noel muôn màu, có cây thông đèn treo lấp lánh, có những ngôi nhà tuyết phủ mênh mông... mà thầm ước mơ được sống giữa khung cảnh đẹp như thần tiên ấy. Bây giờ thì chúng tôi toại nguyện rồi đấy. Mỗi mùa cuối năm, các khu phố, các ngôi nhà trang trí rực rỡ, đúng như những hình ảnh trên những tấm thiệp khao khát khi xưa. Nhưng đời không như là ... thiệp. Nhìn thì đẹp đấy, chụp hình thì đẹp đấy, nhưng sau đó phải xúc tuyết, phải đi làm trên những con đường trơn trợt, không cẩn thận là bị té u đầu bể trán chớ chẳng chơi.

    Mà sự thật là dân Cà ở đây lại khoái tuyết mùa Giáng Sinh. Cách đây gần chục năm, trời Edmonton cũng chỉ lạnh khô ráo suốt từ Tháng 11 qua tháng 12, khiến dân tình xôn xao lo lắng. Đài truyền hình địa phương có mục bản tin buổi sáng, hai xướng ngôn viên ngồi "tám" tào lao, tại sao năm nay chưa thấy tuyết, rồi mở đường dây nóng cho thiên hạ gọi phone vào phát biểu cảm tưởng. Cha chả, bà con ào ào hưởng ứng, nào là Giáng Sinh mà không có tuyết thì còn gì là Giáng Sinh, nào là mất hứng nếu là Green Christmas, nào là niềm vui đi shopping dưới trời tuyết rồi uống ly hot chocolate mới thú vị, nào là mùa holidays đi skiing đi skating mà hổng đủ tuyết thì làm sao chơi, nào là... đủ thứ trên đời, thiếu điều họ muốn rủ nhau kéo nhau... lên trời kiện cáo Thiên Đình phải trả tuyết lại cho xứ Cà! (Nhưng trong số những người gọi phone tham gia chiến dịch "No Green Xmas" hổng có dân da màu nhập cư , vì tôi tin chắc rằng dân nhập cư chẳng ai mặn mà với nàng tuyết cho lắm).

    Ở chỗ tôi làm việc là một Retirement Home, tôi hay nói chuyện với một vài ông bà già thân thiết. Hôm nọ, biết tôi sắp bay qua California, bà Maria, một bà da trắng, nói với tôi:

    – Ôi, California đẹp lắm, tôi có một căn nhà vùng ngoại ô San Francisco, hàng năm gia đình vợ chồng con cái chúng tôi thay phiên nhau qua đó nghỉ hè. Nhưng đã lâu sau khi chồng tôi mất, tôi vào Retirement Home này, con cái cũng bận rộn, chẳng ai muốn qua đó nữa, nên căn nhà đó hiện nay đang cho mướn.

    Tôi thắc mắc:

    – Vậy sao ông bà từ thời đó không qua Mỹ sinh sống cho ấm áp, ở bên đây chi cho lạnh?

    – No way!! Tôi là dân Cà chính hiệu, tôi yêu đất nước Cà này, tôi yêu khí hậu bốn mùa nơi đây, nhất là mùa Giáng Sinh tuyệt vời, đi đâu thì đi chớ tui không bao giờ đi khỏi xứ Cà mùa tuyết rơi.

    Thôi thì, ở đâu quen đó, mỗi người có một lý do để yêu hay không yêu mùa đông xứ Cà. Ngay cả chị Nở ca đoàn tôi đây, dân mũi tẹt da vàng, ăn nước mắm cả đời, mà còn đòi phải có tuyết mùa Noel nữa kìa.

    Khi tôi đang viết những dòng chữ này, ngoài trời dù lạnh nhưng rực nắng, trên đường phố chỉ là một lớp tuyết mỏng của một đêm khuya nào đó tuyết bay bay, chứ không như mọi năm tuyết ụ một đống đầy đường, cao ít nhất từ đầu gối trở lên.

    Ôi, biết đâu lại là một "green Xmas" đang đến thì sao? Thế thì các nữ ca viên ca đoàn sẽ sung sướng được diện áo dài thướt tha ngay từ nhà (khỏi phải bỏ vào giỏ xách, đến nhà thờ mới được thay như những năm trước). Vậy cũng hay, được đi lễ đón Chúa chào đời trong đêm lạnh khô ráo, như những đêm thánh vô cùng năm xưa trên quê hương Việt Nam.

    Mà nếu đến lúc đó, ông trời lại đổi ý, làm tuyết giăng trắng xóa cho thêm phần long lanh, lãng mạn, rét mướt, đúng kiểu White Xmas như nhiều người mong ước thì tôi cũng sẽ chẳng than phiền gì.

    Mà than cũng có được đâu nà!!

   Kim Loan

Edmonton, Tháng 12/2023

Monday 11 December 2023

Chính sách kinh tế của Trung Quốc đang bế tắc như thế nào?

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Hội nghị trung ương ba nhiều khả năng sẽ bị hoãn đến năm 2024, và vấn đề Evergrande cũng chưa được giải quyết.

Chưa đầy hai tuần sau khi trở về từ Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Thượng Hải vào cuối tháng 11, lần đầu tiên sau một thời gian dài.

Trong một động thái hiếm hoi, lịch trình chuyến thị sát từ ngày 28/11 của Tập đã được cơ quan chức năng tiết lộ trước và được lan truyền rộng rãi trên cả nước.

Các phụ tá thân cận của Tập rõ ràng đang muốn gây ấn tượng mạnh về chuyến đi của nhà lãnh đạo tới trung tâm kinh tế của đất nước. Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu, các quan chức đã tìm cách thu hút sự chú ý đối với các chuyến thăm của Tập tới các địa điểm quan trọng về mặt kinh tế như Sàn giao dịch Hợp đồng tương lai Thượng Hải (Shanghai Futures Exchange) và các địa điểm công nghệ cao, cũng như các bài phát biểu của Tập ở những nơi đó.

Nhưng phản ứng của thị trường lại không mấy thuận lợi. Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite Index) đã không tăng trong suốt thời ra diễn ra chuyến thăm của Tập, và thậm chí giảm xuống dưới ngưỡng 3.000 điểm vào thứ Ba (05/12/2023).

Có một quy định bất thành văn là mỗi khi nhà lãnh đạo Trung Quốc thực hiện các chuyến thị sát với hy vọng thúc đẩy nền kinh tế, các công ty nhà nước sẽ đón nhận thông điệp và cố gắng khơi dậy xu hướng thị trường bằng cách mua mạnh cổ phiếu.

Điều gì đó kỳ lạ đang diễn ra, nhưng tại sao?

Có nhiều lý do. Ngày 27/11, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp hàng tháng của Bộ Chính trị do Tập chủ trì, nhưng lại không đưa ra thông báo rằng Hội nghị Trung ương ba, cuộc họp chính sách kinh tế quan trọng vốn đã bị trì hoãn, sẽ được tổ chức vào tháng 12. Các nhà quan sát đã kỳ vọng cuộc họp này sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Nhưng không hiểu vì lý do gì nó lại bị hoãn lại sang năm sau.

Năm 2024, kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán sẽ bắt đầu vào đầu tháng 2. Do kỳ nghỉ sẽ kéo dài, đồng thời phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc sẽ được triệu tập vào đầu tháng 3, nên có rất ít lựa chọn về ngày có thể tổ chức hội nghị.

Nên những người tham gia thị trường thất vọng là điều đương nhiên.

Hội nghị trung ương ba là một sự kiện cấp cao, với sự quan tâm từ quốc tế, diễn ra 5 năm một lần, nhằm đề ra các chính sách kinh tế dài hạn cho Trung Quốc. Nó thường được tổ chức vào mùa thu, một năm sau khi Ban chấp hành Trung ương khoá mới được bầu tại đại hội toàn quốc. Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 đương nhiệm đã được bầu tại đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng vào tháng 10/2022.

Gần 400 uỷ viên chính thức và dự khuyết của Ban chấp hành Trung ương sẽ tập trung tại Bắc Kinh để tham dự hội nghị trung ương ba. Phương hướng chính sách kinh tế đặt ra tại hội nghị này sẽ được tuyên bố rộng rãi, cả trong và ngoài nước.

Không có gì ngạc nhiên khi ngày diễn ra hội nghị trung ương ba phản ánh mong muốn của Tập, người đã nắm trong tay quyền lực tối cao. Ông sẽ cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm tổ chức và đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, ngay cả trong một cơ cấu chính trị kiểu này, sự chậm trễ bất thường vẫn cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng khó khăn chưa từng có.

Nhiều khả năng đang có xung đột quan điểm nghiêm trọng trong nội bộ và các phụ tá thân cận của Tập, khiến họ không thể phối hợp nhịp nhàng như trong quá khứ.

Một nguồn tin quen thuộc với các vấn đề kinh tế Mỹ-Trung chỉ ra rằng một "vấn đề quan trọng khác đã bị bỏ qua."

Nguồn tin cho biết, những gì đã được thảo luận (hoặc chưa được thảo luận) tại cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 là một lý do dẫn đến trì hoãn hội nghị trung ương ba.

Cuộc họp ở California của hai nhà lãnh đạo đã không mang lại bất cứ tiến triển nào trong vấn đề quan trọng nhất đối với Trung Quốc: gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trên thực tế, ngay từ trước khi các cuộc thảo luận được bắt đầu, đã có thể thấy rõ rằng thượng đỉnh Biden-Tập sẽ không mang lại nhiều kết quả kinh tế.

Trong phần phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Hà Lập Phong, phó thủ tướng Trung Quốc phụ trách các chính sách tài chính và kinh tế, đã không có mặt.

Ông vốn là trợ lý thân cận của Tập. Hai người gặp nhau lần đầu tại Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, khi họ đang trong độ tuổi 30 và là những người bạn không thể tách rời.

Ông còn giữ chức Bí thư Đảng ủy Ủy ban Công tác Tài chính Trung ương, Giám đốc Văn phòng Ủy ban Tài chính Trung ương, đồng thời là nhân vật chủ chốt phụ trách kiểm soát rủi ro tài chính phát sinh từ thị trường bất động sản.

Hà Lập Phong đã trở thành "sa hoàng kinh tế" mới của Trung Quốc vào đầu năm nay, thay thế Lưu Hạc, người từng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Lưu cũng luôn tháp tùng Tập trong các chuyến thăm Mỹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung mới nhất, sau cuộc gặp song phương mở rộng là một bữa trưa mà mỗi bên đều có ba đại diện tham dự.

Ngồi cạnh Tập trong bữa trưa này là Thái Kỳ, một trong bảy thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản. Thái cũng là một trong những trợ lý thân cận nhất của Tập.

Ông là một nhân vật nặng ký phụ trách an ninh quốc gia, đặc biệt là về khía cạnh đối nội, cũng như công tác tuyên truyền và tư tưởng. Ông được xếp hạng thứ năm trong hệ thống phân cấp của đảng.

Thái Kỳ cũng đồng thời giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, một chức vụ quản lý công tác hành chính của Ban chấp hành Trung ương. Ông có phạm vi nhiệm vụ vô cùng rộng lớn. Một số người còn xem Thái "có quyền lực lớn hơn Thủ tướng Lý Cường [người đứng thứ hai trong hệ thống cấp bậc của đảng]," trích lời một nguồn tin trong đảng.

Trong bữa trưa còn có Vương Nghị, một thành viên khác của Bộ Chính trị và là nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, người đã đảm nhiệm ghế ngoại trưởng sau khi Tần Cương bị cách chức hồi tháng 7.

Nếu không có sự hiện diện của một chuyên gia về các vấn đề tài chính và kinh tế, thì phía Trung Quốc không tài nào có thể thảo luận chi tiết về các vấn đề kinh tế.

Trong khi đó, về phía Mỹ, ba đại diện tham dự bữa trưa là Biden, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, và Ngoại trưởng Antony Blinken. Người đồng cấp phía Trung Quốc của Sullivan và Blinken lần lượt chính là Thái Kỳ và Vương Nghị.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tập Cận Bình tại dinh thự Filoli bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương ở Woodside, California, vào ngày 15/11. © Reuters

Thật ra, Phó Thủ tướng Hà Lập Phong đã tới Mỹ trước chuyến thăm của Tập và hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

Nếu ông đạt được những thỏa thuận đáng chú ý với Mỹ thông qua các cuộc họp để chuẩn bị cho thượng đỉnh Tập-Biden, thì hẳn Hà đã tháp tùng Tập đến Mỹ để khoe về những thành tựu của mình ngay tại hội nghị, vốn là một sự kiện quan trọng.

Về phần mình, Yellen đã đóng một vai trò quan trọng trong chuyến thăm của Tập. Bà luôn tạo ấn tượng rằng mình là người thân Trung Quốc và đã chào đón Tập bằng một cái bắt tay sau khi ông bước xuống chuyên cơ tại Sân bay Quốc tế San Francisco.

Chức vụ Bộ trưởng Tài chính rất quan trọng, thể hiện qua việc Yellen ngồi cạnh Biden tại cuộc họp mở rộng trong thượng đỉnh. Nhưng ngồi đối diện với Yellen không phải là chuyên gia kinh tế Hà Lập Phong, người vắng mặt, mà là Thái Kỳ, nhân vật phụ trách an ninh quốc gia.

Danh sách người tham dự cho thấy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung phần lớn bị chi phối bởi các vấn đề an ninh.

Thay mặt cho Hà, Trịnh Sách Khiết, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã tháp tùng Tập trong chuyến thăm Mỹ để hỗ trợ đối thoại về chính sách kinh tế giữa hai nước. Khác với Ủy viên Bộ Chính trị Hà, Trịnh là thành viên cấp thấp trong Ban Chấp hành Trung ương.

Trịnh cũng không hiện diện nhiều trong hội nghị thượng đỉnh. Suy cho cùng, ông chỉ là một chính trị gia cấp thấp, ít kinh nghiệm trên trường quốc tế.

Nguồn tin quen thuộc với các vấn đề kinh tế song phương nhận xét "Khi người ta biết rằng Hà Lập Phong không phải là thành viên trong đoàn tháp tùng Tập đến Mỹ, việc thiếu vắng thành tựu kinh tế trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung là một kết luận có thể đoán trước được."

Nguồn tin cho biết rất nhiều người trông chờ tiến bộ đạt được trong các vấn đề kinh tế và thương mại song phương, vốn rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng Hà hóa ra chỉ là chuyến đi hình thức trước thềm chuyến thăm của Tập.

Vì không thể mang thành tựu kinh tế nào từ thượng đỉnh về nhà, chính phủ Tập Cận Bình không thể nhanh chóng tổ chức hội nghị trung ương ba. Kế hoạch tuyên truyền thành tích đã bị sụp đổ.

Chuyến thị sát Thượng Hải của Tập gần như không thu hút được phản ứng nào của thị trường, bất chấp sự xuất hiện của các thông báo trước. Ngay cả các doanh nghiệp nhà nước được chính phủ hỗ trợ cũng không hưởng ứng bằng cách mua cổ phiếu một cách nhiệt tình.

Nếu các công ty nhà nước không có động thái nào, thì các công ty tư nhân sẽ không thể nào hành động – đơn giản là họ không đủ khả năng để làm điều đó, do hiệu quả kinh doanh đang sa sút.

Ngoài ra, còn một diễn biến rất thú vị khác vào thứ Ba.

Tòa án Tối cao Hong Kong đã hoãn phiên điều trần yêu cầu thanh lý tài sản của tập đoàn phát triển bất động sản China Evergrande Group cho đến ngày 29/01. Tòa có lẽ đã trì hoãn ra quyết định vì cho rằng thời điểm trong và ngoài nước chưa chín muồi.

Nhưng tập đoàn này có trụ sở chính và phần lớn tài sản ở Trung Quốc đại lục. Chưa rõ liệu thẩm quyền của Tòa án Hong Kong đối với việc xử lý tài sản có mở rộng sang tài sản ở đại lục hay không.

Nhà sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn là người quen biết rất rộng, và nhiều khả năng ông có mối quan hệ bền chặt với các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hứa chính là người thúc đẩy đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng nhà ở phù hợp với chính sách quốc gia. Ông thường xuyên đi lại giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục để gọi vốn.

Nhưng những mối quan hệ chính trị của ông giờ đã trở nên vô ích. Ông đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giam.

Evergrande tuyên bố vỡ nợ ở nước ngoài sau khi không thể trả lãi cho khoản trái phiếu bằng đô la Mỹ trong thời gian ân hạn. Vụ bê bối này có liên quan đến nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Dù vậy, vấn đề Evergrande vẫn được để ngỏ là bởi các nhà chức trách chưa thể đưa ra quyết định về việc khắc phục khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Trung Quốc sẽ bước vào năm mới trong khi vẫn chưa giải quyết được vấn đề quan trọng và cấp bách nhất mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt.

 

Trung Quốc muốn một nước Việt Nam như thế nào trong hoàn cảnh địa chính trị mới ?

 Chuyến thăm cấp nhà nước của chủ tịch Trung Quốc đến Việt Nam, nếu diễn ra, sẽ mang ý nghĩa gì, nhất là sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ hồi tháng 9 vừa qua.

Theo giới quan sát, nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Hà Nội vào khoảng đầu tháng 11 này, đó sẽ là một chuyến đi "trả lễ" cho chuyến thăm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh vào năm ngoái.

Trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc được đưa ra sau đó, Tổng bí thư Trọng cũng đích thân mời Chủ tịch Tập "sớm thăm lại Việt Nam" và ông Tập đã "bày tỏ cảm ơn và vui vẻ nhận lời".

Đồng thời, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 15 năm hai nước Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2008, theo ông Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành An ninh quốc tế tại Đại học Boston (Boston College), nói với BBC hôm 29/10.

Reuters dẫn lời bốn nguồn thạo tin rằng các công tác chuẩn bị cần thiết đang được tiến hành nhằm đưa ra một tuyên bố chung nhân chuyến công du của ông Tập. Hai nguồn tin cho biết các bên đang thảo luận về việc cùng nhau phát triển trong "một cộng đồng có chung vận mệnh", một cụm từ thường được ông Tập sử dụng mà một số người cho rằng gây tranh cãi.

Lần gần nhất Chủ tịch Tập Cận Bình thăm thăm cấp nhà nước Việt Nam là khi dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng hồi năm 2017.

Cộng đồng chung vận mệnh

"Cộng đồng chung vận mệnh" là thuật ngữ được cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sử dụng đầu tiên trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 17 của ông vào năm 2007, nhằm nói đến vấn đề Đài Loan, ý chỉ rằng hai thực thể chính trị khác nhau có thể có quan hệ tương đối tốt đẹp bất chấp những sự khác biệt.

Lần đầu tiên Tập Cận Bình sử dụng khái niệm này là vào cuối năm 2012, và nó đã tiếp tục định hình cách tiếp cận của Trung Quốc đối với quản trị toàn cầu, đưa ra các đề xuất và biện pháp hỗ trợ tăng trưởng cho tất cả mọi người.

Theo bà Nadege Rolland, nhà nghiên cứu cấp cao về chính trị và an ninh, Cục Nghiên cứu Quốc gia về Châu Á (NBR) của Mỹ, thì chỉ trong hai năm 2013 và 2014, ông Tập đã 60 lần đề cập đến khái niệm này, bao gồm trong các bài phát biểu chính sách đối ngoại lớn – chẳng hạn, khi công bố Con đường tơ lụa trên biển trước quốc hội Indonesia vào ngày 2/10/2013, và một vài tuần sau trước khán giả trong nước, trong Hội nghị công tác ngoại giao với các nước láng giềng.

Cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" theo đó đã phát triển thành ý tưởng rằng một Trung Quốc tích cực hơn trong các vấn đề toàn cầu khi nước này tìm cách hiện thực hóa "giấc mộng Trung Hoa" mà Tập Cận Bình gọi là "giấc mơ Trung Quốc về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc".

Tầm nhìn về một "kỷ nguyên mới" của ông Tập biến khái niệm "cộng đồng chung vận mệnh" thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các sáng kiến như Vành đai và Con đường (BRI) hay Con đường tơ lụa... để những dự án này hấp dẫn đến mức không quốc gia nào muốn nằm ngoài cuộc, theo tác giả Daniel Tobin viết trên trang CSIS - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tham gia "cộng đồng chung vận mệnh của Trung Quốc" dù Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan, đã gia nhập trong vòng vài năm qua.

Năm 2012, khi tiếp đón Đại tướng Đỗ Bá Tỵ tại Bắc Kinh với cương vị là Phó Chủ tịch nước, ông Tập đã nói Việt Nam và Trung Quốc có chung vận mệnh.

Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Vũ Xuân Khang bình luận với BBC rằng, Trung Quốc đã mong muốn Việt Nam tham gia "cộng đồng chung vận mệnh" trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập vào năm 2017 nên sẽ không khó hiểu nếu Trung Quốc đặt lại vấn đề này với Việt Nam trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn phát triển ổn định bất chấp các bất đồng trên biển.

Nhưng ông Khang cho rằng, việc Việt Nam có tham gia "cộng đồng chung vận mệnh" hay các sáng kiến khác của Trung Quốc hay không cũng không quá quan trọng vì "Việt Nam cũng không có nhiều lựa chọn trong quan hệ với Trung Quốc".

Ông Xuân Khang nhắc lại những "nỗ lực thoát Trung" trong quá khứ của Việt Nam trong quá khứ và đã thất bại. Điều này dẫn đến Việt Nam phải bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trên thế yếu vào năm 1991, khi đồng minh Liên Xô đã không còn khả năng hậu thuẫn cho Việt Nam như giai đoạn từ 1978 đến 1988.

Theo phân tích của ông Xuân Khang, Trung Quốc cần một Việt Nam trung lập nằm trong ảnh hưởng của Trung Quốc, nên nếu Việt Nam có thể đảm bảo với Trung Quốc rằng Việt Nam không có ý định chống Trung Quốc, Trung Quốc cũng không cần phải ép Việt Nam.

"Nếu Việt Nam chấp nhận tham gia "cộng đồng chung vận mệnh" hay các sáng kiến khác thì có thể hiểu Hà Nội muốn thể hiện với Trung Quốc là quan hệ hai nước vẫn đang phát triển tốt đẹp và là kết quả của các chuyến thăm cấp cao từ tháng 10 năm ngoái cho đến nay, và cũng nhằm để cân bằng bước nhảy cóc từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ vào tháng 9 năm nay, ông Khang phân tích.

Chuyến thăm sẽ 'là thành công ngoại giao'

Trong bài phân tích về Việt Nam trong quan hệ Trung-Mỹ, tiến sĩ Bích Trần của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) viết rằng, sau sự sụp đổ của Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Trung Quốc và Việt Nam nằm trong số năm quốc gia vẫn duy trì độ cộng sản còn lại trên thế giới.

Đối với Việt Nam hay Trung Quốc, sự tồn vong của chế độ đi liền với lợi ích an ninh quốc gia và thời điểm này, Hà Nội coi Bắc Kinh là đồng minh, cùng bảo vệ "chủ nghĩa xã hội".

Việt Nam nâng cấp quan hệ với Trung Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện (mức cao nhất) từ năm 2008 nhưng tới năm 2013, Mỹ mới thành đối tác toàn diện (mức thấp nhất) với Hà Nội.

Trước những chuyển động trong quan hệ Việt-Mỹ thì Hà Nội cũng đã khéo léo giữ "tình anh em" với Bắc Kinh.

Đơn cử, tầm cuối tháng 6, khi tàu USS Ronald Reagan của Mỹ ghé thăm Đà Nẵng thì Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lên đường sangchuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Trung Quốc sau 7 năm.

Hồi tháng 8 vừa qua, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã trực tiếp kêu gọi Việt Nam chia sẻ hệ tư tưởng với Bắc Kinh khi ông thúc giục Hà Nội chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh và chống lại 'sự can thiệp' của các thế lực bên ngoài, theo SCMP.

Trung Quốc đưa tin rằng Việt Nam tái khẳng định 'tầm quan trọng không thể so sánh được và tính chất đặc biệt' của Trung Quốc với Việt Nam, và mối quan hệ giữa hai bên 'luôn luôn là ưu tiên hàng đầu' của Hà Nội.

Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu đã gặp TBT Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội.

Vài ngày sau chuyến thăm của ông Biden, nhận lời mời của Chính phủ Trung Quốc, Thủ tướng Chính tiếp tục đến Nam Ninh, Trung Quốc. Mới đây, trong dịp dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ 3, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã hội kiến Tổng bí thư Tập Cận Bình.

 

Theo đánh giá của nghiên cứu sinh tiến sĩ Vũ Xuân Khang, tiếp tới đây, nếu Chủ tịch Trung Quốc có sang thăm Việt Nam thì "là một thành công lớn của ngoại giao Việt Nam khi Hà Nội đã giữ cho mối quan hệ Việt-Trung ổn định trước và sau khi có bước nâng cấp nhảy vọt với Mỹ."

Ông Vũ Xuân Khang cho rằng, cả ba chuyến viếng thăm nêu trên đều thể hiện một thông điệp là Việt Nam mong muốn hai nước Việt- Trung có thể duy trì quan hệ ngoại giao nồng ấm và Việt Nam không có ý định ngả theo Mỹ để chống Trung Quốc.

Điều này cũng nhất quán với chính sách quốc phòng Bốn không trong Sách trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam: không tham gia liên minh quân sự; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương và theo nhận xét của ông Vũ Xuân Khang, về bản chất, đây chính sách của một nước nhỏ nằm sát sườn một Trung Quốc ngày càng quyết đoán:

"Ngoại giao đa phương giúp Việt Nam thể hiện với Trung Quốc là Việt Nam trung lập và không chống Trung Quốc, nhất là sau khi các nỗ lực "ngả về một phía" Liên Xô của Việt Nam vào giai đoạn 1978-1991 thất bại hoàn toàn do Trung Quốc trả đũa về quân sự và kinh tế."

Trong giai đoạn hiện nay, theo ông Xuân Khang, để Việt Nam có thể thành công duy trì chính sách ngoại giao đa phương cần có sự đồng thuận từ phía Trung Quốc do "Việt Nam không muốn Trung Quốc hiểu lầm là Việt Nam đang liên kết với một nước khác để chống Trung Quốc".

Vì vậy, việc Chủ tịch Tập đến Hà Nội sau tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ giúp Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách này vì Trung Quốc xác nhận tôn trọng ngoại giao đa phương của Việt Nam.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đang dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 với mong muốn thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học quân sự Việt Nam-Trung Quốc. Trước đó vào tháng 6, Trung Quốc nói sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để tăng cường hợp tác cấp cao giữa quân đội hai nước.

Một số nhà quan sát cho rằng, trong bối cảnh sự phân cực ngày càng gay gắt của hệ thống quốc tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, điều quan trọng là Việt Nam điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình để chắc chắn từng động thái có thể giữ được thái độ trung lập nhất.

Nguồn : BBC, 30/11/2023

Cộng đồng chung vận mệnh là gì ?

 Hàm ý mời gọi Việt Nam hội nhập Cộng đồng chung vận mệnh là gì ?

'Cộng đồng chung vận mệnh' là gì và vì sao Trung Quốc muốn Việt Nam đi theo ?

BBC, 10/12/2023

Vào hai ngày 12-13 tháng 12 này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm sang Việt Nam lần đầu từ sau sáu năm (2017) để nâng cao hơn nữa mối quan hệ Trung-Việt.

 Theo các nhà quan sát, Trung Quốc muốn đẩy quan hệ với Việt Nam lên một mức cao hơn 'đối tác chiến lược toàn diện', hoàn tất yêu cầu đưa Hà Nội tham gia 'Cộng đồng chung vận mệnh' (Community of Common Destiny - CCD), điều Trung Quốc thúc giục từ 2017.

Tác giả Sebastian Strangio chú ý đến sự kiện chuyến thăm của ông Tập tuần tới đến Hà Nội diễn ra sau khi Việt Nam đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới thăm hai tháng trước, và nâng cấp quan hệ hai bên lên cấp cao nhất 'Đối tác Chiến lược Toàn diện', ngang với Nga và Trung Quốc.

Hà Nội cũng mới nâng cấp quan hệ với Tokyo lên cấp này vào tuần trước, và sắp làm như vậy với các nước Singapore, Úc và Indonesia, ông Strangio viết.

Như thế, Trung Quốc muốn đưa quan hệ với Việt Nam lên một cấp độ khác, cao hơn cả các nước kia.

'Cộng đồng chung vận mệnh' là gì ?

Cho đến nay lãnh đạo Việt Nam ít nói về Cộng đồng chung vận mệnh mà dư luận chỉ thấy Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nói với báo Trung Quốc vào tuần trước, sau chuyến thăm "dọn đường" cho Chủ tịch Tập sang Việt Nam, rằng hai nước, hai đảng cộng sản "chia sẻ hoài bão và vận mệnh" (Vietnam and China share the same aspiration and destiny).

Có thể hiểu rằng ông Vương Nghị lấy quan hệ hai đảng cộng sản là cốt lõi cho quan hệ Trung-Việt.

Nhưng đây chỉ là phần đặc thù trong quan hệ hai quốc gia có thể chế giống nhau mà quyền lợi không giống nhau.

Theo Sebastian Strangio viết trên The Diplomat hôm 08/12 thì ngoại giao Việt Nam đã là "đa phương" (omnidirectional), và Hà Nội "đi từng bước cẩn trọng cân bằng mối quan hệ với Washington và Bắc Kinh".

Mặt khác, Trung Quốc đã mời được các quốc gia không hề có đảng cộng sản nắm quyền gia nhập Cộng đồng chung vận mệnh.

Vì thế cần làm rõ hơn khái niệm này có từ đâu và được nêu ra để làm gì, với ai.

Theo Tiến sĩ Trương Đăng Hoa (Denghua Zhang), một nhà nghiên cứu ở Đại hoc Quốc gia Australia, thì trên thực tế, từ thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (2012), Trung Quốc đã nói tới "nhu cầu có một cách thức mới để nhân loại cùng phát triển, vì quyền lợi chung, cùng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích".

Các câu nói trên đã được đưa vào văn kiện Đại hội 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc và trở thành kim chỉ nam cho chính sách đa phương của Trung Quốc trên trường quốc tế, lấy quyền lợi chung là cốt yếu để tìm cách giải pháp hài hòa lợi ích.

Còn tác gia Liza Tobin cho rằng Cộng đồng chung vận mệnh được báo đài Trung Quốc ca ngợi như sáng kiến lý luận lớn của ông Tập Cận Bình cho dù khái niệm này không mới.

Chủ tịch Giang Trạch Dân từ những năm 1990 đã nêu ra Năm nguyên tắc đối ngoại quốc tế cho Trung Quốc, nói về việc chia sẻ tương toàn cầu.

Thậm chí nếu nhìn lại Năm nguyên tắc cùng chung sống do Thủ tướng Chu Ân Lai nêu ra năm 1954, nhắm tạo thế đứng riêng cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và mời gọi đoàn kết với những nước Á-Phi đang giành lại độc lập sau thời giải thực dân, thì những gì lãnh đạo Trung Quốc ngày nay nên ra cũng không quá khác.

Nhưng theo Tiến sĩ Trương Đăng Hoa, sang thời Tập Cận Bình khái niệm 'cộng đồng chung vận mệnh' hình thành rõ nét hơn.

Trong Trung văn, nó là "nhân loại vận mệnh cộng đồng thể" (类命运共同体 - renlei mingyun gongtongti), dịch sang tiếng Anh là 'commuity of common destiny of mankind' (Cộng đồng chung vận mệnh), nhắm tới toàn nhân loại chứ không nói riêng về nước nào.

Từ thời Tập Cận Bình, Cộng đồng chung vận mệnh 'có hai mặt' (double-edged) khi áp dụng vào thời sự quốc tế, Tiến sĩ Trương viết trong bài "The Concept of 'Community of Common Destiny'in China's Diplomacy : Meaning, Motives and Implications" (2018).

Đó là 'chống lại việc thống trị của một quyền lực trong khu vực và trên toàn cầu' và 'đẩy cao vai trò quốc tế của Trung Quốc'.

Về vế chống lại 'bá quyền', có thể hiểu đây là cách Trung Quốc ngầm chỉ trích Hoa Kỳ và đồng minh, trong bối cảnh các diễn biến trên thế giới giai đoạn 2014-15.

Tuy vậy, vẫn theo Trương Đăng Hoa, Trung Quốc có vẻ như không áp dụng Cộng đồng chung vận mệnh với các nước phát triển mà dành nó cho các nước đang phát triển.

Chủ tịch Tập nêu ra Cộng đồng chung vận mệnh như cách chống lại 'sự thống trị' trên thế giới của Hoa Kỳ và đồng minh - theo một số nhà quan sát

Với các quốc gia như EU, Trung Quốc chỉ kêu gọi họ tham gia "cộng đồng chung lợi ích" (community of common interests- liyi gongtongti), chứ không dùng từ 'vận mệnh'.

Thậm chí với các đại cường như Anh Quốc, chính ông Tập nói với quan hệ 'cùng phụ thuộc, chung lợi ích' như thể Trung Quốc muốn ngang hàng với Anh, chứ không phải là Trung Quốc đóng vai trò dẫn dắt.

Tuy ngôn từ thay đổi nhưng điều cơ bản vẫn là lãnh đạo Trung Quốc muốn làm gì với các "thiết kế" đại ngôn trong Hán văn cho quan hệ quốc tế, và có làm được tới đâu. Theo Trương Đăng Hoa, "động cơ" của Cộng đồng chung vận mệnh là điều Trung Quốc cần làm rõ.

Về tổng thể, Trung Quốc hay nêu ra các mục tiêu khá chung chung, gắn liền với một loạt khái niệm cao đẹp như 'Vì hòa bình' (hòa vi quý-he wei gui), vì sự hài hòa con người với thiên nhiên (tianren heyi).

Nhưng chính các tác giả Trung Quốc đã chỉ ra đây là các khái niệm Hán văn mơ hồ, khi dịch sang ngoại ngữ sẽ có các cách hiểu khác nhau.

Ví dụ Trung Quốc nói về 'Một thế giới' và giới thiệu với người Âu-Mỹ là 'One world' thì nó không nói lên điều gì cả. Ai cũng biết các nước chỉ có một thế giới để mà sống.

Nhưng theo BBC News tiếng Việt tìm hiểu thì khái niệm này trong Hán văn lại là 'shijie datong' – thế giới đại đồng, gợi lại cho người Việt giai đoạn Hán hóa (đại đồng trong nhãn quan Nho giáo), và chia sẻ chung các giá trị lịch sử, văn hóa, hoặc giai đoạn Đảng Cộng sản Trung Quốc gương cao ngọn cờ lãnh đạo Thế giới thứ ba chống lại Liên Xô và Phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.

Cũng cần nói thêm rằng trong Trung văn hiện đại, khái niệm 'mingyun' khi được dịch ra tiếng Anh là 'destiny' thì người Trung Quốc chỉ hàm ý là "hướng đi chung" (tendency of change), khác với "vận mệnh" trong Hán Việt có nghĩa chủ đạo là số phận.

'Vận mệnh chung' vì thế có thể bị hiểu là sống chết không buông nhau, đang gây phản ứng mạnh trên một số trang mạng XH ở Việt Nam. Điều này chính thức được giải nghĩa như thế nào thì chưa thấy truyền thông Việt Nam làm rõ.

Tuy thế, theo bà Tobin, cần hiểu là để ông Tập bảo tồn sự ổn định chiến lược, giúp Trung Quốc tiếp tục khai thác cơ hội phát triển, phục hưng. Mục tiêu chính là để Trung Quốc "tích cực có vai trò dẫn dắt trong việc cải tổ lại hệ thống quản trị quốc tế ((积极参与引领全球治理体系改革).

Về cơ bản đây là chiến lược thách thức lại trật tự của Hoa Kỳ và đồng minh duy trì bấy lâu nay, theo Liza Tobin viết năm 2018.

Việt Nam cùng chung đội ngũ với Myanmar, Lào và Campuchia ?

Tác giả Hoàng Thị Hà từ Viện ISEAS ở Singapore, khi đánh giá Cộng đồng chung vận mệnh của Trung Quốc với ASEAN hồi 2019 cho rằng Bắc Kinh muốn nêu ra tính định mệnh, coi hướng đi của ASEAN và Trung Quốc gắn chặt với nhau. Tuy thế, việc thúc đẩy mạnh từ Bắc Kinh có thể đã gây ra các phản ứng khác nhau trong vùng.

Trả lời BBC gần đây, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Vũ Xuân Khang nói rằng, Trung Quốc đã mong muốn Việt Nam tham gia "cộng đồng chung vận mệnh" trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập vào năm 2017 nên không phải là điều khó hiểu nếu Trung Quốc đặt lại vấn đề này với Việt Nam trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn phát triển ổn định bất chấp các bất đồng trên biển.

Tại Đông Nam Á cho tới nay, Trung Quốc đã ký Cộng đồng chung vận mệnh được với bốn nước láng giềng gần : Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan, và một nước láng giềng xa là Indonesia.

Điều dễ nhận thấy, các nước này đều nằm trong chiến lược "láng giềng tốt" (good neighbourhood) của Chủ tịch Tập.

Việc ổn định các vùng biên giới gần sẽ giúp cho Trung Quốc duy trì thế chiến lược lớn, có cơ hội đấu tranh với Hoa Kỳ trên trường quốc tế.

Một số nhà quan sát cho rằng sau khi ký Cộng đồng chung vận mệnh với Trung Quốc năm 2020, tình hình Myanmar không hề tốt lên, thậm chí tồi đi kinh khủng.

Các cuộc chiến ở vùng Bắc trong bang Shan sát với Vân Nam từ năm nay nay lan ra phía Tây Bắc và có nguy cơ làm chính quyền quân nhân sụp đổ. Trung Quốc đến nay ngoài việc truy bắt một số thủ lĩnh gốc Hoa ở Kokang, Myanmar vì tội lừa đảo cũng chưa làm được gì hơn để ổn định tình hình cho Myanmar.

Thậm chí, có thể đặt câu hỏi là phải chăng Trung Quốc đã mất quyền kiểm soát các quân đội sắc tộc ở vùng biên giới Myanmar, theo ông Lintner trong bài mới đăng hồi tháng 11 năm nay (Has China Lost Control of Ethnic Armies in Myanmar's War-Torn Borderland ?)

Vẫn về chiến lược 'láng giềng tốt' thì chính sách của Trung Quốc lại bị căng thẳng Biển Đông với Việt Nam đe dọa làm tan vỡ, theo Trương Đăng Hoa. Đây là lý do Trung Quốc hết sức quan tâm "giải quyết" vấn đề này.

Tiến sĩ Trương nêu quan sát rằng ngoại giao Trung Quốc vận hành theo cách chia các vấn đề quốc tế là làm hai nhóm tùy vào lời ích cốt lõi (core interests) hay không cốt lõi (non-core interests).

Với các nước như Lào, Campuchia thì Trung Quốc coi là "không cốt lõi" nên chỉ dùng viện trợ nhằm thu hút, gây ảnh hưởng. Còn với các vấn đề Biển Đông, Đài Loan thì đó là lợi ích cốt lõi nên Trung Quốc sẽ không khoan nhượng một chút nào hết, theo Trương Đăng Hoa.

Việc gia nhập hay không gia nhập Cộng đồng chung vận mệnh với Việt Nam như thế đang là một sức ép lớn, Tiến sĩ Vuving Alexander chia sẻ trên X và nói với BBC khi bình luận về chuyến thăm của ông Tập tới đây sang Việt Nam.

Nguồn : BBC, 10/12/2023