Tuesday 30 August 2022

Việt Kiều...Tội Nghiệp !

 Có một chuyện không công bằng : về VN tất cả chi phí cho gia đình như đi du lịch, ăn uống Việt kiều phải lo, khi có cơ hội người VN qua ngoại quốc thì Việt kiều cũng phải bao hết. Ở VN bạn không chỉ bao cho người nhà mà còn bao cho cả bạn bè người nhà nữa. Khi bạn mời tiệc, người nhà dắt cả làng tới tham dự rất tự nhiên như người Hà Nội, có ai thắc mắc, câu trả lời rất đau lòng " Tiền Việt kiều mà, ngu gì mà không ăn".

Anh Tấn gửi tiền xây nhà cho mẹ ở miền quê vùng sông Hậu. Nhà xây xong mẹ gửi thư qua xin thêm tiền gắn máy lạnh. Anh thắc mắc tại sao nhà mẹ ở ngay bờ sông quanh năm gió mát trăng thanh, tại sao phải gắn máy lạnh. Anh phôn về hỏi cho ra lẽ. Cô em gái nhanh nhẩu trả lời: Mẹ bị huyết áp cao, và thấp khớp, bác sĩ nói phải ở nhà có máy lạnh thì mới khoẻ. Thương mẹ Tấn lại phải vay mượn để gửi tiền cho mẹ mua máy lạnh. Mẹ và em gái đâu có biết Tấn đang ở ké garage với người bạn. Trời nóng như lửa Tấn chỉ dám xài quạt máy mua từ chợ trời. Cuối năm Tấn về thăm nhà thấy mẹ mình nằm trên cái giường ngay phòng khách. Còn phòng ngủ có máy lạnh trên lầu vợ chồng cô em gái đã chiếm. Thấy vậy anh hỏi tại sao không để mẹ ở trên lầu. Em gái anh trả lời: mẹ bị huyết áp cao lên xuống nguy hiểm? Tấn tức quá kêu thợ tới đem máy lạnh trên lầu xuống gắn nhà dưới cho mẹ. Khi về Úc mấy ngày em gái anh gọi qua nói: "Vợ chồng em phải lên thành phố làm ăn, nên không có người chăm sóc mẹ, em đã kiếm người chăm sóc mẹ, mình phải trả cho người ta 100.000 đồng một ngày. Anh có nhiệm vụ gửi tiền về cho mẹ. Mấy tháng sau mẹ anh chết, dĩ nhiên anh phải lo tiền gửi về lo tang lễ cho mẹ. Anh muốn về lắm nhưng không còn chỗ nào cho mượn tiền để mua vé máy bay, căn nhà anh xây cho mẹ bây giờ em gái anh lấy không.

 Anh bạn tôi còn bà chị ở VN, muốn tạo công việc cho chị mình làm ăn. Sau khi tìm hiểu kỹ càng anh bạn gửi tiền cho chị mua một xe Mercedes 24 chỗ. Từ ngày có xe bà chị làm ăn khấm khá. Xe chạy có tiền bà chị giữ, chi phí cho xe như tiền bảo hiểm, tiền bảo trì, anh tiếp tục chi viện. Đối với anh, số tiền chi phí ấy coi như quà cho chị hàng năm. Rồi một hôm vận xui tới, tài xế xe của bà chị gây tai nạn chết người. Bà chị bị CA mời lên làm giấy tờ, bà chị sợ quá khai chiếc xe này của người em bên Úc bỏ tiền mua.. Công an VN nhân cơ hội ghi vào hồ sơ: "Xe Việt kiều gây tai nạn chết người". Sau đó giữ xe và yêu cầu bà chị mời anh Việt kiều Úc về VN lên CA huyện lãnh xe ra. Bà chị gọi điện thoại qua cho em. Người em vội vã bay về VN lên gặp CA Huyện. CA Huyện niềm nở đón tiếp và cho biết tình trạng xe cộ cũng như tai nạn, CA đề nghị nộp $30.000 gồm tiền bồi thường cho nạn nhân, tiền phạt lái xe gây tai nạn và giữ xe một tháng. CA giữ passport và yêu cầu anh điện về Úc xắp xếp gửi tiền qua để lấy xe. Trong thời gian chờ đợi CA cấp cho anh một giấy đi đường thay passport và visa để anh tiện đi lại ở VN.        

Chuyện đến lúc này mới vỡ lẽ: Vì thương bà chị, anh bạn đã giấu vợ rút sổ băng $70.000 gửi cho chị mua xe. Nay không biết lấy đâu ra $30.000, thôi đành liều, anh gọi về vợ và nói rõ sự thật. Sau khi nghe chồng xưng tội. Bà vợ không bắt lỗi nhưng yêu cầu việc đền tội: "Tôi rút tiền gửi cho anh $30.000 để anh lấy xe ra, khi anh về Úc làm thủ tục ly dị và bán nhà". Kết quả anh bạn tôi bây giờ "Độc thân tại chỗ" và không có tiền.

Cô Nga người Rạch Giá ra đi tìm tự do bỏ lại người anh trai yêu quý. Sau 6 năm xa quê hương, nay cô về thăm lại mồ mả cha mẹ, ông bà, thăm lại người anh yêu quý. Tình cảm ông anh dành cho cô em qua nhiều lá thư thật là thống thiết. Ông kể lại cái thời còn thơ ấu chính ông là người cõng em mỗi sáng qua cây cầu khỉ tới trường. Hàng tháng cô em đều gưỉ tiền về cho anh và các cháu. Người anh trai thư qua lần nào cũng đều nói em đừng gửi tiền về cho anh, hãy lo cho bản thân vì anh không ở gần em để chăm sóc cho em. Nhưng chưa bao giờ cô em thấy tiền gửi đi mà quay lại. Cô biết tính anh mình mà.. thế rồi hôm nay cô khăn gói về VN theo lời mời của ông anh "Em sắp xếp về VN một chuyến, hôm nay nhà nước mở cửa đón Việt kiều, anh em mình lâu lắm không gặp nhau, không biết em gái anh bây giờ tròn hay méo". Thật là tình cảm thiêng liêng, muốn biết em gái mình bây giờ tròn hay méo thì hỏi thằng em rể thì biết ngay...

 Gia đình anh Hai lên SG trước một ngày để hôm sau đón em gái. Ngày trở về thăm quê hương của cô em gái được tỗ chức linh đình, giống như đón tiếp một vị nữ hoàng. Cô em gái bẽn lẽn khi ông anh ôm chặt lấy mình rồi hôn má, cử chỉ tây phương không biết ông anh học được lúc nào mà tỏ ra thành thuộc. Qua bao lần ôm các em trong quán "bia ôm" đã tạo cho ông anh lịch lãm và tự nhiên, nên khi gặp em mình ông càng tự nhiên và chứng tỏ với em gái mình cái văn minh không phải chỉ tây phương mới có. Cái bẽn lẽn vội qua đi nhường cho sự kiêu hãnh của một Việt kiều về nước khi được đón tiếp long trọng như vậy. Đâu ai biết được cô em gái cũng như bao nhiêu phụ nữ khác ở Úc ngồi may thâm cả đít để có tiền lo cho cuộc sống và giúp đỡ gia đình bên VN.

 Hai tuần lễ ông anh đưa em gái đi thăm khắp nơi, giới thiệu em mình với mọi người: "Em gái tôi, bà chủ hãng may thời trang lớn bên Úc". Cô em gái khi nghe giới thiệu ngượng ngùng muốn đính chính, nhưng ông anh hiểu ý nói đè qua chuyện khác.. Một buổi chiều ông anh nói với em "Chiều nay anh sẽ đưa em đi thăm vùng lấn biển, anh dự trù mua vài lô, chỉ cần 1 năm sau là giá gấp đôi. Thằng bạn anh năm ngoái mượn tiền mua 2 lô, năm nay nó bán một lô, tiền lời đủ chi trả cho cả hai..." ngay chiều hôm đó hai anh em đi thăm đất, và quyết định mua 4 lô. Ông anh tạm thời đứng tên dùm, khi nào nhà nước cho Việt kiều đứng tên thì sẽ sang tên cho em.

 Cô em gái về Úc bàn với chồng gom hết vốn liếng gửi về cho anh trai để mua đất. Từ đó mỗi lần cô em gái gọi điện thoại về VN hỏi thăm, ông anh trai đều báo tin vui vì giá đất tăng. Một năm sau, cứ theo thông báo gía đất lên của ông anh thì anh em ông ta đã kiếm lới gấp đôi. Cô em bàn với chồng quyết định bán 3 lô để thu tiền về còn một lô thì tặng lại ông anh. Nhưng mua thì dễ, bán thì khó, nhất là người đứng tên sổ đỏ là ông anh chứ không phải cô..    Thấm thoát đã 8 năm tôi gặp lại cô Nga và hỏi thăm về vụ đất đai, được cô ta cho biết: Ông anh đã lừa chiếm đoạt hết bốn lô đất không hoàn trả lại vốn cho cô ta dù chỉ một đồng.

 Chuyện cô Nga là một trong muôn vàn câu chuyện đau lòng. Hình như tất cả mọi hoạt động của người trong nước phần lớn là tìm cách làm sao cho tiền trong túi Việt kiều chạy vào túi mình. Người ta không ngại dùng mọi thủ đọan để lừa nhau, người ta không còn phân biệt cha mẹ, anh em, bà con, có cơ hội là ra tay.

      Tôi còn nhớ cách đây 8 năm có một lần tôi nhân được thư của mấy cháu con bà chị gửi qua, nội dung như sau:

" Cậu à, mẹ và tụi con suy nghĩ và quyết định sẽ mua cái nhà của anh Tư, anh Tư sẽ đi Mỹ tháng tới. Anh sẽ không mang tiền đi. Khi anh Tư qua bên đó cậu sẽ trả dùm cho tụi con. Giá nhà anh Tư hiện tại là 120.000 USD, nhưng anh để lại cho tụi con 80.000 USD. Rẻ lắm đó cậu... Cậu giúp mẹ và tụi con nhé.."

Đọc thư, tôi tá hoả tam tinh như người trúng gió. Tôi không biết chị tôi và mấy cháu nó nghĩ sao mà tỉnh bơ viết thư như vậy. Trước nhất mấy người nghĩ là tôi có nhiều tiền lắm, thứ hai tự quyết định và kêu tôi thi hành. Khi nhận được thư tôi trả lời "tụi con lo một nửa còn một nửa cậu sẽ trả góp cho anh Tư mỗi tháng 500 USD cho đến khi hết."

 Thư gửi đi nhưng không có hồi âm và coi như chuyện quyết định mua nhà chìm vào quên lãng. Sau đó cháu tôi có xin tiền mua xe Honda, tôi hỏi giá bao nhiêu, cháu tôi nói giá khoảng $4000. Tôi đã gửi cho nó đủ $4000. Nhưng lần về kế tiếp tôi khám phá ra nó đã nói dối, vì xe Honda nó mua chỉ có $2500 thôi. Bốn ngàn Úc Kim có lẽ nó tính luôn tiền xăng.

 Anh bạn tôi về VN thăm gia đình, quê hương là chùm khế ngọt, anh về VN ăn bưởi ăn cam chứ không ăn khế. Lúc đầu về thăm gia đình, lần thứ hai về làm ăn, đặt hàng "sản xuất ở VN", lần thứ ba anh về VN nhập cảng cả cô chủ trẻ, con ông giám đốc hãng đóng bàn ghế. Anh bảo lãnh cô chủ trẻ qua Úc du lịch tham quan..Dĩ nhiên hàng hoá thì anh ta trình làng với vợ, còn hàng "độc" anh cất giữ tại hotel. Xui cho anh, cái hôm anh dắt cô chủ nhỏ tham quan thành phố bị vợ anh bắt gặp. Thế là "tan hàng". Vợ anh thâu tóm tất cả, còn anh chỉ còn lại những gì mà mẹ anh cho anh khi mới sinh anh ra. Cô chủ nhỏ cũng chia tay anh quên cả bye bye.

Tội nhất một người bạn đang làm ngành "finance", về VN bị tiếng sét ái tình đánh quá mạnh, đến nỗi trong lúc đang ôm ấp người đẹp, thì xuất hiện một tên đàn ông xưng là chồng cô gái, hắn bắt anh phải biết điều nếu không sẽ giết chết anh. Sau khi trấn lột anh hắn xô anh xuống lầu, anh rơi trúng băng ghế xi măng lề đường bể đầu. Anh được đưa vào nhà thương VN cấp cứu. Kết quả khi anh được chuyển về Úc, anh trở thành "người gỗ" muôn đời.

Có nhiều người khoe "mình có số đào hoa", về VN có nhiều em theo, thậm chí còn tỏ ra mình thật thà "tôi có nói cho em biết là tôi có gia đình", nhưng em nói "không sao làm người tình của anh là đủ rồi". Thật tôi không hiểu sao ông bạn tôi thật thà như vậy. Đàn bà ở VN cần cặp với đàn ông có vợ, chứ đàn ông không vợ, họ không cần. Lý do dễ hiểu "có vợ, ly dị vợ mấy hồi". Khi cá đã cắn câu rồi, lúc đó mới giựt. "anh à em cần mấy ngàn,.." em cần mua xe máy.. em cần tiền sửa nhà..", rồi anh ơi em có bầu...thế là xong... còn đàn ông không có vợ hay vợ ly dị là đàn ông có vấn đề, không có tiền, không có tài sản, đàn bà VN không cần loại đàn ông đó. Ông bạn thật thà của tôi chắc sẽ được Chúa ban cho Thánh Giá trong một ngày rất gần..

 Tuấn Linh




Monday 29 August 2022

Thuốc hết hạn

 KIẾN THỨC QUAN TRỌNG của chúng ta:"THUỐC HẾT HẠN" 

 Ngày hết hạn ghi trên lọ thuốc không có nghĩa là thuốc trở thành vô hiệu hay biến thành thuốc độc. 

 Trước đây tôi có viết một bài về đề tài thuốc hết hạn. Bài viết này nhằm bổ sung và tiếp nối về chủ đề này.

 Tương tự như thức ăn, luật pháp quy định tất cả các loại thuốc đều phải ghi rõ ngày hết hạn trên nhãn hiệu thuốc. Nhiều người vẫn còn thắc mắc là có thể dùng thuốc quá hạn bao nhiêu ngày mà vẫn an toàn?

 Câu trả lời tóm gọn: trong đa số trường hợp, ngày hết hạn ghi trên lọ thuốc không có nghĩa là thuốc trở thành vô hiệu hay biến thành thuốc độc. Phải hiểu rằng, ngày mãn hạn ghi trên lọ thuốc chỉ có nghĩa là, sau ngày ấy, hãng thuốc không bảo đảm hoàn toàn 100% công hiệu của thuốc.

 Thật ra để đề phòng bị thưa kiện và để bán được nhiều thuốc, các hãng thuốc có khuynh hướng ghi ngày hết hạn rất ngắn, ngắn hơn nhiều là ngày thuốc thật sự mãn hạn. Tuy rằng thuốc càng để lâu, dược tính sẽ giảm lần vì thành phần cấu tạo nên thuốc có thể từ từ yếu đi theo thời gian. Nhưng, rất nhiều loại thuốc vẫn giữ được công hiệu nhiều năm sau ngày mãn hạn.

 Ngay chính cơ quan FDA, một mặt đòi hỏi các công ty dược phòng phải thử nghiệm về độ bền và hiệu năng của thuốc theo thời gian và tùy theo tình trạng bảo quản được kể là "mạt rệp" nhất. Mặt khác, FDA lại nhân nhượng cho phép các hãng thuốc gia hạn thêm, nếu cần, như trong trường  hợp thuốc bị khan hiếm, chẳng hạn. Như thế ngày hết hạn của thuốc không có nghĩa là tuyệt đối.

Rất nhiều nghiên cứu và ngay cả cơ quan FDA đã công nhận hầu hết thuốc men đều giữ được công hiệu nhiều năm sau ngày hết hạn. Thí dụ, năm 2006, một nghiên cứu đăng trên tờ báo dược khoa, Journal of Clinucal Pharmacology, cho thấy gần 90% thuốc vẫn còn hiệu nghiệm sau ngày hết hạn từ 1 đến 5 năm.

 Nói chung, ngoại trừ các loại thuốc nước, hầu hết các loại thuốc viên đều an toàn và hữu hiệu. Ví dụ như thuốc trụ sinh Doxycyclin vẫn còn 80% dược tính sau hơn 20 năm, hay thuốc Cipro vẫn còn tốt sau hơn 12 năm.

 Sau đây là một số ví dụ tiêu biểu khác:

 Thuốc Ibuprofen (Motrin, Advil) nếu là thuốc viên thì vẫn còn hữu hiêu tối thiểu là 5 năm và còn lâu dài hơn nữa. (Hình minh họa: Getty Images)

1.       Thuốc Ibuprofen (Motrin, Advil) nếu là thuốc viên thì vẫn còn hữu hiêu tối thiểu là 5 năm và còn lâu dài hơn nữa. Nếu là thuốc nước, "sy-rô", thì dễ bị nhiễm chất dơ vì thế nên giữ trong tủ lạnh. Cho dù vậy, thuốc vẫn an toàn cho dù ngày hết hạn không lâu bằng thuốc viên.

2.       Thuốc Tylenol, acetaminiphen cũng còn hiệu lực tối thiểu là 5 năm. Nên bảo quản thuốc trong chỗ mát và tránh ánh nắng mặt trời.

 3.       Thuốc Aspirin, tương tự như các loại thuốc trên, hữu hiệu đến 5 năm và nhiều hơn. Không nên giữ thuốc trong tủ thuốc trong phòng tắm, vì hơi nước có thể làm hư thuốc mau chóng.

 4.       Thuốc trụ sinh, nên dùng ngay và không nên để dành. Tuy nhiên hầu hết thuốc trụ sinh vẫn còn công hiệu ít nhất là sau một năm.

 5.       Thuốc ho. Đa số các loại thuốc ho là thuốc nước, syrup, thì không nên giữ dài hạn, và nên bảo quản trong tủ lạnh.

 6.       Thuốc xịt mũi, thuốc hít vào phổi thì không nên để lâu. Các loại thuốc nầy thường chứa các loại hoá phẫm phụ để bảo quản thuốc. Theo thời gian, các chất nầy dể biến đổi, tăng nguy cơ bị nhiễm độc.

 7.       Thuốc nhỏ mắt. Các loại thuốc nầy phải dùng ngay và nên loại bỏ sau ngày hết hạn. Đôi mắt rất quý, không nên liều mạng và tiếc của.

 8.       Thuốc ngủ, thuốc an thần. Hầu hết các loại thuốc ngủ bán không cần toa đều giữ được công hiệu sau nhiều năm. Tuy nhiên, hiệu năng giảm đi khá nhanh so với các loại thuốc khác. Vấn đề ở đây là khi hiệu năng giảm, người dùng thuốc có khuynh hướng sẽ dùng nhiều hơn quá liều lượng, do đó, gây ra phản ứng phụ.

 9.       Thuốc chống dị ứng, nếu là thuốc viên, đa số có tuổi thọ trên vài chục năm. Ví dụ như thuốc Diphenhydramine (Benadryl) được biết vẫn còn công dụng sau 15 năm. Các loại thuốc nước, nên quăng bỏ sau ngày hết hạn.

 10.    Thuốc Valium là một loại thuốc an thần có toa bác sĩ khá thông dụng. Lời khuyên của các dược sĩ là nên dùng thuốc trước một năm.

 Nói chung, hầu hết thuốc men, nếu được bảo quản tốt đều có công hiệu tối thiểu từ 1 đến 5 năm. Tuy nhiên, các loại thuốc trị bệnh tim, bệnh hen suyễn dị ứng cấp kỳ thì không nên dùng lâu quá ngày hết hạn. Nói  như thế cũng không có nghĩa là trong trường hợp khẩn cấp lại nhất định không dùng tạm một vài viên thuốc quá hạn. Và nếu lỡ thiếu thuốc chưa mua kịp thuốc mới thì dùng tạm một vài viên cũng không hại gì. Có còn hơn không!

 B.S Hồ Ngọc Minh

Saturday 20 August 2022

Nếu thế chiến Hạt Nhân xảy ra ?

 ÚC ĐẠI LỢI CÓ THỂ SẼ THOÁT HIỂM NẾU THẾ CHIẾN HẠT NHÂN XẢY RA

Nghiên cứu cho biết rằng Chiến tranh hạt nhân có thể sẽ

'quét sạch' 5 tỷ người, Úc là quốc gia chịu ít tác động nhất?

 Huyền Anh

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food, nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện bùng nổ trong kỷ nguyên hiện đại, nó có thể 'quét sạch' 5 tỷ người. Câu hỏi đặt ra là, quốc gia nào sẽ chịu ít tác động nhất sau thảm họa này?

Chiến tranh Nga-Ukraine leo thang và tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan đã khiến thế giới một lần nữa lo ngại rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ bùng nổ giữa các cường quốc hạt nhân. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi cuối tháng 7 đã tuyên bố công khai rằng, ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào với Hoa Kỳ.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food của các nhà khoa học tại Đại học Rutgers, Hoa Kỳ đã xác định 6 kịch bản chiến tranh hạt nhân, trong đó đưa ra khả năng về 5 cuộc chiến tranh hạt nhân ở Ấn Độ và Pakistan từ quy mô nhỏ cho đến lớn. Một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn có thể xảy ra giữa 5 cường quốc hạt nhân bao gồm: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.

Các nhà khoa học tin rằng, một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể quét sạch hơn một nửa dân số Trái đất, theo Nature Food.

Các nhà nghiên cứu đã căn cứ trên các chỉ số như: ngọn lửa tạo ra bởi vụ nổ hạt nhân, lượng bụi hạt nhân trong bầu khí quyển, tác động ở 6 cấp độ khác nhau của chiến tranh hạt nhân đối với khí hậu, mô hình nông nghiệp và ngư nghiệp... Họ dự đoán rằng các quốc gia sẽ nhanh chóng cạn kiệt nguồn lương thực sau chiến tranh.

Chiến tranh hạt nhân có thể xóa sổ 200 triệu đến 5 tỷ người

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ cần hơn 5 triệu tấn bụi hạt nhân xâm nhập vào bầu khí quyển sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, các cuộc chiến tranh hạt nhân trong khu vực như Ấn Độ và Pakistan có thể khiến hơn 200 triệu người thiệt mạng và có thể xóa sổ hơn 2 tỷ người.

Các nhà nghiên cứu cho hay, cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan nếu bùng nổ vào năm 2008 sẽ tạo ra 5 triệu tấn bụi hạt nhân, nhưng nếu xảy ra vào năm 2025, nó sẽ tạo ra 16 triệu đến 47 triệu tấn bụi. Đặc biệt, nếu là 5 cường quốc hạt nhân thì sẽ tạo ra 150 triệu tấn bụi.

Xét về quy mô với 5 triệu tấn bụi hạt nhân, số người chết khoảng 27 triệu người, và 250 triệu người không thể kiếm được lương thực trong năm kế tiếp.

Khi quy mô lên tới 47 triệu tấn bụi hạt nhân, số người chết là 164 triệu người, trong năm sau sẽ có khoảng 2,5 tỷ người thiếu lương thực.

Nếu quy mô lên tới 150 triệu tấn bụi hạt nhân thì số người chết sẽ lên tới 360 triệu người và hơn 5 tỷ người sẽ không có lương thực trong năm kế tiếp.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong kịch bản chiến tranh hạt nhân Ấn Độ-Pakistan nhẹ nhất này, sản lượng trung bình toàn cầu gồm cả nông nghiệp, gia súc và thủy sản, v.v... sẽ sụt giảm 7% trong vòng 5 năm sau chiến tranh. Sản lượng đó sẽ giảm tới 90% trong ba đến bốn năm sau chiến tranh.

Theo nghiên cứu, sự kết hợp của xung đột vũ khí hạt nhân không chỉ giới hạn ở Ấn Độ và Pakistan cùng 5 cường quốc hạt nhân. Ngay cả Triều Tiên và Israel cũng có thể gây ra mức độ tác động khí hậu tương tự. Một khi bùng nổ chiến tranh hạt nhân, mọi thứ đều rất nhanh vượt khỏi tầm kiểm soát.

Quốc gia nào ít bị ảnh hưởng nhất?

Trên thực tế, các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh hạt nhân là các nước có vĩ độ trung bình và cao. Bởi vì thời vụ trồng trọt ở các quốc gia này tương đối ngắn, và nhiệt độ vào mùa đông sau chiến tranh hạt nhân sẽ thấp hơn ở các vùng nhiệt đới.

Một trong những quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất là Úc. Ngoài việc cách xa về mặt địa lý so với một số kịch bản chiến tranh hạt nhân, lúa mì, lương thực chính của nước này, cũng được cho là sẽ tồn tại trong một mùa đông ít khắc nghiệt hơn. Trong khi hầu hết các địa điểm trên thế giới đều bị đánh dấu "màu đỏ" do nạn đói trên bản đồ mà nhóm đã phân tích tác động, chỉ có Úc là vẫn còn giữ được "màu xanh".

Đồng tác giả nghiên cứu là ông Alan Robock, giáo sư tại Khoa Khoa học Môi trường của Đại học Rutgers, cho biết chúng ta phải luôn nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ông Deepak Ray, một chuyên gia về an toàn thực phẩm tại Đại học Minnesota, dù không tham gia vào nghiên cứu Rutgers, nhưng ông nhận định rằng, nghiên cứu này giúp hiểu được tác động của chiến tranh hạt nhân trong khu vực đối với lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để mô phỏng chính xác sự kết hợp phức tạp của các phương thức canh tác trên khắp thế giới.

Ông Rey chỉ ra rằng mặc dù nghiên cứu của Đại học Rutgers bao hàm dữ liệu sản xuất nông nghiệp của các quốc gia khác nhau, nhưng tình hình thực tế phức tạp hơn nhiều. Ví dụ: các loại ngũ cốc khác nhau được trồng ở các vùng khác nhau của một quốc gia với mục đích sử dụng cũng rất khác nhau. Không phải tất cả đều được coi là thức ăn.

Theo Visiontimes

 

 

Tuesday 16 August 2022

Về một chuyến đi Việt Nam (tiếp theo )

 Nhưng taxi ở đây nghe nói cũng có loại của tư nhân, máy chạy cây số đã chỉnh lại cho chạy nhanh hơn, tiền sẽ tính nhiều hơn, nhưng dù sao dựa trên máy dù máy dởm cũng đỡ phiền phức hơn qua những người cò cốt. Nghe cũng buồn nhỉ.

 Cô bạn xin tôi số điện thoại và cho tôi số của cô. Anh lái xe vui vẻ hỏi: "Hai cô về đây làm ăn hả? Ở Việt Nam bây giờ làm ăn nếu có vốn sướng hơn ở ngoại quốc nhiều đó cô." Tôi cười: "Muốn làm ăn có lời ở đây phải lanh, phải quen biết, phải liều em ơi. Cô không có cả ba thứ đó nên thôi làm ở ngoại quốc rồi về đây ăn coi bộ có lý hơn." Cậu lái xe cũng cười theo. Cô bạn cũng nhếch miệng cười, cái cười hiếm hoi từ lúc tôi gặp cô tới giờ làm khuôn mặt cô sáng hẳn lên. Cô này cũng thuộc loại xinh đẹp mà sao ông chồng có thể bỏ bê được. Đúng là các ông chỉ ham của lạ và mê của ngọt.

 Đường phố Sài Gòn mới hơn một năm tôi chưa trở lại mà đã thay đổi quá nhiều. Nhịp độ xây dựng của thành phố nhanh đến chóng mặt. Các con đường ngập tràn cửa hàng, cửa hiệu. Các tiệm ăn mọc lên như nấm. Số lượng xe xích lô giảm đi một cách đáng kể. Xe chạy đã cả mười lăm phút tôi mới thấy có một cái xích lô. Không biết những người làm nghề này làm sao sinh sống. Bóng các người ăn xin nằm vạ vật ngoài đường cũng không nhìn thấy. Anh lái xe nói dạo này thành phố gần như đã hết cảnh ăn xin. Âu cũng là một hiện tượng tốt.

 Tôi sợ cảnh đi vào tiệm ăn, vừa ăn xong đã có những đứa bé chạy tới bê tô phở thừa trút vào những ống lon dơ bẩn, làm bữa ăn vừa xong trở nên nặng nề, và người ăn cảm thấy thật tội lỗi khi đã có thể vui trước những cái đau khổ, đói rách của những người đồng chủng.

 Tôi cũng sợ cảnh đi tới đâu, luôn có những cánh tay chìa ra xin tiền, không cho thì áy náy, cho một người thì cả một đám người từ đâu ùa đến làm bỏ chạy không kịp. Những hình ảnh ấy đã làm những ngày ở Việt Nam mấy năm trước trở nên u ám sầu bi chi lạ.

 

Rồi cảnh những đứa bé chỉ vài tháng vứt ở góc đường, với một đứa bé lớn hơn gầy ốm nằm úp mặt bên cạnh, một tay ôm đứa bé kia, một tay là cái rổ đựng tiền. Không cho thì cầm lòng không đặng, mà cho thì biết là mình đang tiếp tay cho những kẻ nào đó đứng sau lưng dàn ra những cảnh đau thương.

 Nghe nói đã có những người đầu nậu, đưa cả một làng vào ở lây lất ở Sàigòn, sáng thả người ra ăn xin, chiều gom người lại thu hết tiền. Nghe thật thê thảm, cũng may những hiện tượng này nghe nói đã không còn nữa, nếu không những ngày sắp tới của tôi ở đây lại thêm những giờ trằn trọc khó ngủ và ray rứt.

 Trên đường phố cũng không thấy ai mặc áo bạc màu hay rách rưới. Tương đối đa số ăn mặc rất gọn gàng, sạch sẽ. Số người ăn diện theo mốt thời thượng như anh lái xe thì vào buổi chiều chưa xuất hiện. Thường phải khi thành phố lên đèn, thiên hạ mới túa ra đường đi ăn, đi chơi buổi tối.

 Tới nhà chồng cô bạn đồng hành, căn nhà ở khu phố tương đối tươm tất, hẻm rộng, có đám trẻ đang chơi dưới hàng cây, thấy các em ăn mặc cũng rất gọn gàng và sạch sẽ. Cuộc sống vật chất hình như đã có vẻ khá hơn. Cô bạn cám ơn tôi và đi theo đám người nhà chạy ra tận xe đón vào nhà.

 Xe đưa tôi về nhà, cái ngõ nhà tôi cũng đổi khác hẳn đi với rất nhiều nhà mới đang xây cao nghễu nghện. Tôi không hiểu sao những gia đình thấy không giàu gì lắm mà có thể xây nổi những căn nhà lớn như vậy. Đúng là không phải việc của mình mà vẫn tò mò và thắc mắc. Con đường bên ngoài đã được mở rộng, gần như nhà nào cũng mở hàng quán. Buổi chiều, các quán ăn, quán nhậu đã đầy người.

 Những ngày sau đó, tôi bận rộn đi thăm những người quen, hết người này kéo đi ăn lại đến người kia. Các quán ăn nhậu ở Sài Gòn mở ra khắp nơi. Các siêu thị nườm nượp người. Đi trên các phố lớn như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ hay vào các nhà hàng lớn, các hàng quán ở quận một, quận ba, đa số là người Bắc sau 75.

 Không hiểu sao người ta có thể giàu nhanh lên như thế. Tuy nhiên, cũng có một số người Bắc ở các làng quê mới vào làm các nghề vặt vãnh như chạy xe thồ, bán bắp, bán xôi. Nhưng nhóm này chiếm tỉ lệ rất ít. Các sạp trong chợ phần lớn chủ là người sống ở miền Nam từ trước 75.

 Có một lần tôi ghé hàng chén bát trong chợ Bến thành. Cô bán hàng ăn mặc rất giản dị, nói tiếng Pháp trôi chảy, giọng rất đầm với một cô khách người Pháp. Thật lấy làm tiếc cho một người học hành như thế giờ chỉ quây quần với đám chén bát bán trong chợ. Nhưng dù sao, thu nhập của các quán hàng trong chợ cũng rất cao.

 Tốt nghiệp đại học không có việc làm đầy dẫy, tỉ lệ kiếm được việc làm thu nhập vài trăm đô một tháng rất ít. Ra chợ bán, có thể kiếm vài trăm đô dễ dàng. Vậy thì có ngại ngần gì khi ra chợ làm chủ shop của mình, nhìn vào thì thấy vất vả một tí nhưng tương đối tự do, công việc lại vững vàng.

 Cơm trưa chỉ việc ngoắc tay đã có người bưng ngay đến, buổi trưa thưa khách, có thể ngồi vắt vẻo cho người làm móng tay, móng chân, hay nhờ người trông hàng để chạy đi tắm hơi, massage mặt, gội đầu, v.v... Buổi xế có thể vừa ăn vặt vừa tán dóc với các bạn hàng bên cạnh, hay rảnh rang đọc một vài cuốn sách.

 Nói đến thú đọc sách, lúc trước vẫn nhớ đám đồng nghiệp ngoại quốc rất phục dân Việt Nam khi đất nước coi như không có người mù chữ, khi họ đi trên đường, gần như hầu hết những người bán hàng, từ tủ thuốc lá lề đường, đến các xe bán hàng, ai nấy nếu rảnh là lại chúi đầu vào một tờ báo hay một quyển sách.

 Các đứa bé bán vé số, bán đồ lưu niệm dọc đường phần đông đi học một buổi, một buổi đi bán. Chẳng cha mẹ nào để con cái thất học dù nghèo khổ đến đâu chăng nữa, dù biết có hết lớp mười hai cũng chưa chắc đã có một chỗ ngồi trong đại học, dù biết có tốt nghiệp đại học cũng dễ gì kiếm ra một việc làm tương xứng với khả năng.

 Cái truyền thống của dân tộc hình như vẫn trọng cái chữ và mảnh bằng dù biết nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ. Nhưng lúc đó hãy hay, bây giờ còn cha còn mẹ, còn có thể đi học thì hãy cứ đi học cái đã.

Những ngày ở đây, tôi có cái thú lang thang đến các tiệm sách. Ngoài cửa hàng sách Nguyễn Huệ hai tầng lầu rất lớn, các cửa hàng sách khác cũng rất lớn. Sách bây giờ đầy ra, đủ thể loại, in theo đủ mẫu mã. Từ kiếm hiệp, truyện dịch, truyện Việt Nam dài, ngắn, các tác phẩm khảo cứu, nhạc, truyện thiếu nhi, truyện tranh, v.v... như rừng vậy.

 Mấy năm trước, vào hiệu sách nói với các cô cậu bán sách giới thiệu hộ ít quyển sách hay để mua thật dễ dàng. Các cô cậu này nhìn phần lớn có vẻ là học sinh vừa tốt nghiệp trung học hay sinh viên đại học nên có vẻ đọc nhiều. Nhưng bây giờ thì các cô cậu có vẻ lúng túng vì số lượng sách ra quá nhiều, và thị hiếu của khách hàng cũng muôn màu muôn vẻ. Các cô cậu ấy chỉ có thể nói: Cuốn này thấy bán rất chạy, cuốn kia của một nhà văn rất nổi tiếng, v.v...

Cẩn thận hơn, có cô cậu còn nói: "Cuốn này bán chạy lắm nhưng không biết có hay không vì cuốn này được báo giới thiệu nên người ta hỏi nhiều." Trong các cửa hàng sách, ngoài sách còn có thể tìm thấy băng, CD, DVD, các đĩa thu software lậu, các dụng cụ văn phòng phẩm, các đồ lưu niệm, thôi thì đủ thứ trên đời.

 Trên khu bán sách cho thiếu nhi, nhìn như thư viện vậy, các em bé ngồi đầy dưới sàn đọc sách. Nhìn thấy thật thương và ứa nước mắt. Nhưng nói cho cùng, sách thì nhiều quá, in rất đẹp, đủ thể loại, thư viện thì không có, các em thích đọc sách chỉ có thể vào tiệm sách ngồi trên sàn bên cạnh các kệ sách để mà đọc. Dù sao cha mẹ các em cũng may mắn là con cái không lêu lổng. Và các em này chắc gia cảnh cũng khá hơn nhiều em bé vẫn đi vào các tiệm bán vé số hay đánh giầy.

 Rời tiệm sách tôi lang thang ra khu Huỳnh Thúc Kháng mua DVD. Thôi thì đủ loại. Các người mua hàng ngồi trên những ghế thấp, lựa dĩa từ các túi xách đặt trên các bàn nhỏ trước mặt. Khách cần loại DVD nào là có ngay người chạy đi đâu gần đó lấy về những túi xách nhỏ đầy nhóc những DVD không hộp cho khách lựa.

 Họ không để nhiều trong cửa hàng có lẽ sợ bị công an ụp vào bắt thình lình. Cô bán hàng nói: Chị mua đợt này xui tại nguồn hàng từ Trung Quốc qua mới bị bắt nên hàng không có nhiều. Giá một DVD chưa tới hai đô Mỹ, giá CD chỉ khoảng 50 cents. Nhưng CD gốc giá chính thức chỉ khoảng hai đô Mỹ, chả dại gì mua CD copied về cái nghe được cái không. CD, VCD sao lại trong nước chất lượng không tốt bằng DVD copied ở Trung Quốc. Tuy nhiên ở một số nơi vẫn có DVD sao lại trong nước từ những DVD đã được sao từ Trung Quốc mang về. Mua loại này đem về có thể không xem được hay dĩa bị đứng, nhảy hình, rất khó chịu.

 Đi mua hàng ở Việt Nam hiện nay khá thoải mái, các cửa hàng dịch vụ quá nhiều nên cạnh tranh nhau. Giá bán cho Việt kiều và dân trong nước không còn chênh lệch nhiều nữa. Lâu ngày người dân đã hiểu là những người Việt kiều cũng phải làm ăn khó khăn và chật vật ở xứ người, chứ không phải đồng tiền của họ là từ trên trời rơi xuống.

 Hơn nữa, trong nước lúc sau này sản sinh ra một giai cấp rất giàu, vì buôn lậu, vì hối lộ, vì gặp thời cơ trúng lớn, v.v... Những người này hạ vị trí Việt kiều xuống rất nhanh. Vào những cửa hàng ăn chơi, mua bán hàng hoá cao cấp, những người này vung tiền đô la như nước. Việt kiều về nhiều quá, nên Việt kiều có đi đường cũng chẳng ai thèm ngó.

Tuy nhiên, vào các cửa hàng, một số nhân viên phục vụ có vẻ vẫn thích Việt kiều vì có lẽ đa số Việt kiều ăn nói lịch sự hơn những người mới nhờ thời thế mà lên. Rất nhiều siêu thị mọc lên, bán đủ loại hàng, giá cả bấm sẵn, khỏi lo vấn đề mặc cả. Các nhân viên ở đây cũng mặc đồng phục, đeo bảng tên. Vào các cửa hàng ở Đồng Khởi, thương xá Tax, các người bán hàng hay nói tiếng Anh, có lẽ họ tưởng tôi không phải Việt Nam chăng vì các bà Việt Nam đi một mình thường không vào những khu này, giá mắc nhiều so với ngoài chợ.

 Một buổi sáng tôi bước vào thương xá Tax, mua một tủ đựng nữ trang nhỏ. Đi tìm vòng vo, các cô bán hàng chỉ lên lầu ba. Lên đó, thấy một cửa hàng để mảng giấy lớn: "Bán đúng giá niêm yết." Tôi mừng quá, vậy là khỏi phải qua khâu mặc cả, cái mà tôi vẫn sợ nhất. Cầm lấy cái tủ nhỏ xíu bằng gỗ vừa ý, thấy giá để 465 000VND (khoảng 30 đô Mỹ). So với giá ở ngoại quốc thì không mắc, cô bé bán hàng khoảng mười mấy tuổi, nhìn thật xinh xắn và thùy mị, nhẹ nhàng nói: "Cô lấy thì con bớt cho cô năm chục ngàn." Tôi cười vì thấy coi bộ những chữ trên tấm bảng trước cửa đã có vẻ hơi lạc điệu, coi bộ có màn mặc cả rồi, tôi khẽ lắc đầu quay đi, cô bé bán hàng níu lại, cặp mắt ngây thơ van nài: "Mới sáng ra cô trả dùm con một hai tiếng mở hàng đi cô", tôi cười trả đại "ba trăm ngàn thôi." "Ba trăm con bán không được, không đủ vốn cô ơi".

 Tôi vội quay đi, nhưng cô bé níu lại và ngọt ngào chèo kéo. Dứt bước ra đi không nổi với giọng nói ngọt như mật và cái nhìn ngây thơ của cô, tôi ôm cái hộp đi với cái giá ba trăm tám chục ngàn, biết là mình mua hớ mà chẳng biết hớ bao nhiêu. Sau mới biết ở chợ Bến Thành cái hộp này giá khoảng một trăm hai chục ngàn. Vậy là mắc hơn gấp ba, dù biết là mình sẽ mắc bẫy mà vẫn mắc bẫy như thường, một cái bẫy ngọt ngào, như vậy thì đừng trách gì các ông.

 Nhớ lại cách đây vài tháng, cậu cháu trở về sau khi qua làm ở Việt Nam một năm, hai vợ chồng bắt đầu xào xáo vì một lá thơ gửi sang: "Anh ơi, anh nói với chị là em hiền lắm, em chịu nhịn, và bằng lòng làm bé, anh nói với chị để bảo lãnh em qua." Cái hiền chết người này làm hai vợ chồng cậu cháu cãi nhau hàng ngày, ai bảo cô vợ dữ quá, người ta chịu nhịn mà cô không chịu nhịn thì làm sao...

 Các cửa hàng massage, tắm hơi, sửa sắc đẹp, cắt tóc cũng mọc lên như nấm. Giá cả tuy rẻ hơn so với nước ngoài nhưng so với người trong nước vẫn còn cao vọt. Khách hàng của các tiệm này đa số là các khách nước ngoài, các vị có quan, có chức hay có tiền. Còn đa số các người đi làm sống vì đồng lương chắc chẳng ai vào đây. 

Vào đây các cô gái ăn nói rất nhỏ nhẹ, ngọt ngào dù khách hàng là nam hay nữ, vì đa số sống nhờ tiền lương thì ít, mà nhờ tiền bo (tiền tips) thì nhiều. Vào đây, nếu dự trù chi phí khoảng một trăm rưởi ngàn, chi phí này sẽ lên gấp đôi, gấp ba dễ như không khi các cô ngọt ngào giới thiệu thêm các dịch vụ khác.

 Các cô gái làm ở đây còn rất trẻ, chỉ trên dưới hai mươi. Có một số từ tỉnh lên, làm việc và ăn ở luôn tại chỗ làm. Đa số các cô ngoài giờ làm việc, trải thời giờ trong các tiệm internet. Cô nào cũng thích chat, để biết đâu có cơ hội quen được một Việt kiều về làm lễ cưới đón đi.

 Các quán internet mở khắp nơi, đầy các ngõ hẻm, giá chỉ từ bốn đến sáu ngàn một giờ (khoảng 30 cents), nên lúc nào cũng đông khách. Buổi tối thì hình như không thể nào kiếm ra một máy trống, từ sinh viên học sinh đến các cô công nhân, thợ cắt tóc, v.v... Ở đây dạo này còn bán các thẻ gọi điện thoại qua internet giá rất rẻ, bảy chục ngàn đồng gọi được hai ba tiếng. 

Lại đây thấy các cô bỏ hàng giờ ra thủ thỉ với các anh bên nước ngoài. Nhiều cô nhìn vóc dáng rất tội nghiệp, không biết sẽ có bao nhiêu cô may mắn được các anh về bảo lãnh đem qua khi nhìn thấy tận mặt. Dù sao, những giờ chuyện trò đó cũng là những niềm vui của các cô. Sau khi rời máy, các cô lại trở về với công việc thấp hèn của mình, đời sống cực khổ nhưng với lòng tràn trề hi vọng và thoải mái vì đã sống trong những phút đầy ắp mơ ước ngọt ngào.

 Đời sống cơ cực quá nên một ngày có được vài tiếng đồng hồ sống trong ảo tưởng, cũng là một điều hay, và biết đâu may mắn có thể đến với các cô. Biết đâu, ừ nhỉ, biết đâu đấy, tôi thật lòng cầu nguyện điều hay sẽ tới với các cô gái này. 

Các quán café cũng mở ra vô số, nhiều quán trang bị rất đẹp. Có quán còn chia ra nhiều khu, khu dành cho những cặp tình nhân với cây cảnh và nhạc nhẹ, khu có những dòng thác, dòng suối, khu có ca nhạc sống, và khu có cả các trò chơi điện tử cho trẻ em. 

Vào những quán café này thấy như mình đi vào thế giới khác, hồn mềm đi một chút, nhẹ đi một chút giữa cái nóng bức của Sài Gòn, vào để tránh ánh nắng chói chang, mịt mờ bụi và khói xe. Nhưng cũng đau lòng khi thấy sao mình xa cách quá với những người đang bán rong ngoài kia, tuy nhiên tiếng nhạc cũng làm dịu lòng đi được một chút. 

Các nhân viên bán hàng trong các tiệm phần lớn đều có đồng phục. Các tiệm sang thì các cô cậu bán hàng ăn mặc đỏm dáng và bảnh bao, con trai mặc quần tây, áo sơ mi ủi thẳng thớm, có khi có cả veste nữa; các cô gái hoặc mặc áo dài hay áo đầm rất xinh xắn. 

Còn ở các tiệm ăn nhỏ thì đa số cũng có mặc đồng phục gồm một cái Tshirt in nhãn hiệu nhà hàng. Ở nhiều tiệm ăn, còn có một số các cô gái mặc váy ngắn, Tshirts mang logo của các hãng bia, đem bia mời khách uống.

 Giá quần áo rẻ nên tương đối ai cũng ăn mặc tươm tất. Đàn bà con gái Sài Gòn khá thích ăn diện. Đa số đều làm móng tay, móng chân, trang điểm kỹ càng khi ra đường. Trên đường, các cô, các bà đi xe gắn máy thường đội nón, che mặt, mang găng tay rất kỹ để bảo vệ da.

 Ngay các người đạp xe ba gác, xích lô hay chạy xe thồ cũng ăn mặc không đến nỗi tồi tàn. Ở các đầu đường, đầu hẻm nào cũng thường luôn luôn có năm ba chiếc xe gắn máy đợi khách. Xe taxi thì chỉ nhấc điện thoại năm ba phút là có xe tới ngay. Các người bán hàng rong, rau cải ăn mặc cũng tương đối gọn gàng không luộm thuộm rách rưới. 

Tuy nhiên nhìn những người buôn bán dọc đường, hay chạy ngoài chợ, người nào nhìn cũng thấy có vẻ mệt mỏi, héo úa và hốc hác, tương phản hoàn toàn với đám thực khách đi vào các hiệu sang, hồng hào sang trọng và mập mạp. Ngay cả những cô cậu bán hàng ở các cửa hàng này nhìn cũng rất lịch sự và tươi đẹp. 

Dân chúng tuổi ba mươi trở lên ở đây rất chịu khó giữ gìn sức khỏe. Trẻ thì sáng sớm đã theo các lớp thể dục thẩm mỹ, nhịp điệu. Lớp trung niên hay người cao tuổi thường ra công viên theo các lớp tập dưỡng sinh, múa gậy, thái cực quyền, khí công, yoga. Buổi sáng sớm, các con đường dọc theo công viên, bờ sông đã nhiều người đi bộ. Ở các công viên đã nhộn nhịp các nhóm tập thể dục. Tới gần tám giờ sáng các đám người tập mới rã hết.

 Buổi tối, là giờ đi chơi của đám choai choai. Đường phố đầy xe. Các cô cậu nhà giàu phóng ào ào trên các loại xe gắn máy mắc tiền, áo quần rất thời trang. Con trai quần jeans, Tshirts loại hàng hiệu. Con gái thì ăn mặc cũng theo các kiểu thời trang mùa hè ở ngoại quốc. Nhiều cô mặc hở nguyên lưng, váy rất ngắn nhìn rất mát mẻ. Các tụ điểm văn nghệ, các quán nhạc sống, tiệm café, rạp hát, tiệm ăn, tiệm kem nghẹt khách. Ngoài bến tàu, các tàu lớn cũng sáng choang đèn. Một số tàu vừa làm tiệm ăn, vừa chạy dọc trên sông từ bảy đến chín giờ tối. 

Đám thanh niên ở đây nhảy đầm rất giỏi, tôi có nghe, có đọc về những tiệm nhảy nơi thanh niên dùng thuốc lắc nhưng chưa đến bao giờ. Chỉ nhớ lại và thấy buồn cười khi những năm trước về đây làm việc, mỗi lần sở có hội hè, functions, đám local staff nhảy rất đẹp trong khi mình thì ngồi trơ như phỗng vì không biết nhảy. Dân ở nước ngoài gì mà quê hầy, thua xa dân bản xứ.

 Thành phố nhộn nhịp đến khoảng hơn chín giờ tối thì bắt đầu thưa vắng. Ở một số con đường của thành phố giờ này bắt đầu xuất hiện những cô gái ăn sương, níu kéo các xe gắn máy đàn ông chạy một mình. Lúc nào thấy bóng công an, bóng các cô gái chạy thoăn thoắt vào các ngõ tối. 

Ban đêm cũng là lúc các xe đổ rác, quét đường làm việc. Các công nhân làm vệ sinh mặc đồng phục xanh thẫm, đeo khẩu trang, quét đường bằng những chổi lúa, lùa rác vào những xe ba gác, rồi đổ những đống rác này vào một góc đường nào đấy cho xe rác lớn tới mang đi. Thành phố đã không còn những đống rác cao nghễu nghện như trước, cũng là một điều hay.

 Thành phố về đêm, trong các ngõ nhỏ vẫn thấp thoáng bóng các em bé đi rao mì xực tắc. Tiếng gõ, tiếng rao buồn thảm thỉnh thoảng lại lẫn vào tiếng rao bánh chưng bánh giò của những người đàn ông lầm lũi đạp xe đạp len lỏi từng con hẻm nhỏ. Ngoài đường xe cộ thưa nhưng vẫn có những cửa hàng mở cửa. Có những khu phố hàng ăn nhộn nhịp suốt đêm. Những người chạy xe thồ vẫn đậu xe đầu những ngõ đón khách suốt đêm. 

Những ngày ở Sài gòn của tôi đã trôi qua như thế, ăn những món ăn hương vị đã không còn đậm đà như trong trí tưởng lúc ở nước ngoài, đi mua bán lặt vặt, thăm gặp những người quen biết, những bạn bè cũ. Có những người mới vài năm giàu lên không thể ngờ. Có những người vẫn đeo đẳng những cuộc sống buồn tẻ và chán nản, nhưng nhìn chung cuộc sống có khá hơn vài năm về trước dù cũng còn vất vả.

 Trong xã hội bây giờ có một số người giàu không thể tưởng nhưng đa số còn khó khăn và có những người rất là thiếu thốn. Nhìn các bé gái trong lòng tôi thấy rưng rưng, xã hội vật chất quá cám dỗ, nếu gia đình không khá giả, giáo dục không kỹ càng, chỉ cần quen biết vài bạn bè xấu là sa ngã quá dễ dàng. Các bé trai cũng vậy.  

Các bạn tôi than, bây giờ giữ con mệt quá, phải cho đi học thêm đủ thứ, nếu không vào lớp không theo kịp chương trình. Thày giáo nào cũng dạy tư, nếu học trò không học thêm vào lớp chẳng biết đường nào làm bài tập và bài thi. Bạn bè thì lại cứ lôi kéo vào những trò chơi xấu, con cái sểnh ra một chút là hư ngay. 

Lúc trước báo có đăng một gia đình đưa đón con đi học rất kỹ, bà mẹ đã té xỉu khi công an đến còng tay đứa con trai vì nó theo bạn bè giật đồ của người ta. Bạn tôi cũng kể có đứa con còn học tiểu học về nói chuyện là để chọc cô giáo, một đám chung nhau tiền ra mua Seduxen (loại thuốc ngủ chứa diazepam), một viên có hai ngàn, chia nhau đứa uống vài viên, để cô giáo vào lớp thấy cả đám học trò đang ngủ vật vã.

 Bạn khác lại kể, sợ lắm, con mới học lớp sáu, mà có đứa bạn vào lớp rút ra mấy tờ một trăm đô Mỹ rủ rê cả bọn đi nhảy đầm, đứa nào không đi thì bị chê quê. Cứ thế, không theo bạn bè thì bị trêu chọc, theo bạn bè thì hư lúc nào không biết. 

Mỗi lần ra đường trở về tôi lại đâm ra chóng mặt vì bụi, vì nắng và vì nhịp điệu sống thay đổi quá nhanh của thành phố, vì cái khoảng cách giữa người thật giàu và thật nghèo đã trở nên quá lớn.

 Thành phố Sài Gòn như một con xúc xắc quay vòng nhiều mặt trong ngày ở những thời điểm khác nhau. Ở một thành phố dân số lên đến hơn bảy triệu, sức sống ngồn ngộn, nhưng như một bộ máy quá tải, không đáp ứng nổi tiến độ phát triển quá nhanh của cuộc sống nên chắc chắn phải có rất nhiều những chông chênh.

 Bên bóng những ngôi nhà cao nghệu vẫn còn những người lao động thấp thoáng đâu đó, đem hình bóng nhoà nhạt của mình làm bước đệm cho những người có quyền chức đi lên. Bên những ánh đèn lấp lánh đêm thâu vẫn còn bao nhiêu những thanh niên trẻ lao mình vào cái sáng loáng của ánh đèn như những con thiêu thân. Bên những ngọn đèn heo hắt trong ngõ nhỏ, trong những ký túc xá sinh viên vẫn còn bao học sinh, sinh viên miệt mài học để mong kiến thức của mình sẽ đóng góp được một chút gì cho gia đình, cho bản thân và cho xã hội, dù biết rằng xác suất thành công rất thấp nhưng vẫn cố gắng hết mực để biết đâu có cơ hội vươn lên.

 Bên những người giàu có luôn dư thừa những bữa tiệc xa xỉ vẫn còn những người chạy gạo từng bữa, vẫn còn những người bệnh không thuốc không thang. Thành phố vào giờ cao điểm vẫn nườm nượp nhiều hình ảnh lẫn lộn của những chiếc xe hơi bóng lộn, những chiếc xe gắn máy ồn ã, những chiếc xe đạp và ba gác cọc cạch, và những người buôn thúng bán bưng. 

Tôi đã ở trong lòng Sài Gòn, với những sáng nắng, những buổi chiều mưa. Lang thang từ những con đường lớn đến những ngõ nhỏ tồi tàn. Bước chân nhỏ nhoi không đi qua hết nổi một phần mười thành phố nhưng cũng đủ để nhìn thấy phần nào những muôn màu muôn vẻ cuả cuộc sống ở đây. 

Cô bạn gặp trên máy bay thỉnh thoảng lại gọi điện thoại than khóc, rồi những tiếng động cơ, tiếng người nói, tiếng buá đập, cưa máy từ các nhà đang xây trong ngõ suốt ngày làm tôi cũng mệt nhoài.

 Ở được một tuần, tôi rời Sài Gòn trở về Đà Lạt, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, nơi tôi luôn mong ước trở về nhưng mỗi lần trở về lại rưng rưng nước mắt khi những người thân xưa cũ nay đã hoặc mất đi hoặc dời đi sinh sống nơi khác. 

Đường đi thật là xa lạ, từ ngã tư Hàng Xanh, đến xa lộ Biên Hoà, những tên đường lạ hoắc, lại cũng đã vài lần thay tên làm tôi không thế nào nhớ nổi. Cố hình dung con đường hồi xưa, mỗi sáng đi xe buýt từ trường Khoa học lên khu Sinh lý Sinh hoá ở Thủ Đức mà không thể nhận ra.

 Cố tìm lại cái khúc rẽ vào trường từ xa lộ mà không thể nào nhìn ra được. Xe đi qua Rừng Lá, Dầu Giây, rừng cao su, cảnh vật cũng xa lạ không ngờ. Cảnh trí thay đổi quá nhanh hay tại trí nhớ của tôi đã bắt đầu trở nên mụ mẫm. Định Quán vẫn còn đây với những tảng đá chồng chất, nhưng sao đã mất cái cảm giác choáng ngợp thuở xưa lúc còn là cô gái bé tí theo cha về Sài Gòn. Lúc ấy, mỗi tảng đá như ẩn chứa cả một thế giới kỳ bí. Bây giờ mỗi tảng đá như nằm chơ vơ, vô hồn vô cảm.

 Hai bên đường dầy đặc nhà cửa, chỗ nào cũng thấy xe gắn máy chạy nhan nhản. Các cửa hàng mọc đầy. Xe lên đến đèo Bảo Lộc, cái cảm giác nhẹ nhàng ngày xưa như đang trở lại, khi xe vòng lên những đường đèo xanh um bầu lá, thỉnh thoảng có tiếng thác róc rách bên đường, thỉnh thoảng lại ẩn hiện rặng núi xanh ngắt. Tôi lại được trở về, dù chỉ trong thoáng chốc với những hình ảnh của ngày xưa.

 Càng gần Bảo Lộc, càng ngửi thấy mùi trà thơm ngát. Các tiệm trà đều mở thêm hàng café hay hàng ăn để hấp dẫn du khách. Xe ngừng ở tiệm trà Đỗ Hữu ăn trưa. Xuống xe đã nhìn thấy những quán bán sầu riêng, bơ, chôm chôm và bắp luộc. Bắp ở Việt Nam sao vẫn dẻo và thơm ngon. Năm ngàn bốn cái, rẻ không ngờ nhưng những người đi cùng xe còn mặc cả, bốn chiếc ba ngàn thôi. Tôi nhìn thúng bắp, lại một màn tính nhẩm để không hiểu sao nó có thể nuôi sống cho một gia đình. 

Ăn xong, xe lại chạy qua những đồi trà bát ngát xanh. Nhà cửa hai bên đường cũng mọc lên san sát, có những ngôi nhà xây dựng rất đẹp, rất bề thế và kiểu cách.

 Chạy được khoảng hơn một tiếng, xe ngừng ở một tiệm bán trà khác. Ở đây bán đủ loại trà, khách được uống café và trà miễn phí. Các cô gái ở đây còn rất trẻ, chỉ khoảng dưới hai mươi. Đa số xa nhà, ăn ở ngay tại chỗ làm. Lúc trả tiền, có người cho tiền tips các cô, các cô bé không dám lấy. 

Người đàn bà có lẽ là chủ tiệm miệng mồm nhanh nhẩu: "Các anh cho tiền bo, tụi nó không dám lấy đâu. Các anh bắt tụi nó bò thì tụi nó bò cho các anh coi chứ cho tiền bo thì không dám lấy." Vài người khách sững người trước câu nói này. Tôi không dám nhìn những cô bé đó, lặng lẽ đi vội ra xe, nghe một nỗi chua xót và căm giận không biết từ đâu ập tới. Ngồi trên xe mãi, hình như tôi vẫn thấy mình còn đang run rẩy, câu nói không biết là đùa hay thật của người đàn bà làm cảnh vật hình như càng u ám. Mưa bắt đầu lất phất ngoài cửa kính, và hình như mặt tôi cũng nhòe nhoẹt nước mắt.

 Hai bên đường, nhà cửa cũng vẫn san sát, nhưng thấy dân ở đây có vẻ nghèo và hiền hơn dân Sài Gòn. Quanh vùng Bảo Lộc, Ma Đa Gui (chiến khu D cũ) đa số là người ngoài Bắc sau 75. Công nhận những người dân Bắc thật giỏi, vào khu kinh tế mới Bảo Lộc hơn mười năm, từ tay trắng, các gia đình này đã trở nên giàu có không ngờ. Trong khi đám dân trong Nam không khá lên bao nhiêu nếu tính theo tỉ lệ.

Có người cũng nói là số dân từ Bắc vào lên nhanh nhờ họ có thần có thế, có quyền có chức nên xin giấy tờ gì cũng lọt, và lại có kinh nghiệm đã sống trên đất Bắc; nhưng nếu nói một cách công bằng, thì chắc cũng nhờ một phần vào tính tháo vát, siêng năng và cần kiệm của họ. Có một vài hãng tơ lụa làm từ dâu tằm nhưng đã đóng cửa. Tôi lại chua xót nghĩ tới cảnh hàng ngàn công nhân đã bị mất việc, không biết những cô gái dệt lụa bây giờ đã trôi nổi về đâu.

 Dù cây cối ở các đồi, các con dốc đã bị chặt bỏ rất nhiều, nhưng Đà Lạt vẫn còn những con đường và cảnh hồ rất đẹp. Sáng sớm, bóng dáng các em nữ sinh mặc áo dài trắng, áo len xanh trên đường nhìn dễ thương chi lạ, làm hiện về cả một quá khứ ngọt ngào của những ngày ngây thơ xưa cũ. 

Con gái Đà Lạt vẫn má hồng, mắt đen, da trắng, mái tóc mượt mà , ăn nói ngọt ngào hiền hậu. Hèn chi tỉ lệ lấy Việt kiều khá đông. Các anh Việt kiều chưa vợ, lên đây gặp các cô gái xinh xắn, mộc mạc xiêu lòng cưới về nước khá nhiều. Dân Đà Lạt đa số vẫn còn giữ được nếp sống xưa, con gái đi học về lo việc nhà, quây quần với gia đình, ít chơi bời đàn đúm. 

Người Đà Lạt vẫn như xưa, nhẹ nhàng và hiền hòa, chợ Đà Lạt vào sáng sớm vẫn đầy những người bán rau cơ cực. Trời rét, những người này quấn mấy lớp khăn nhìn vẫn nghèo và khổ. Gương mặt mệt mỏi và xanh xao vì thiếu ngủ, thiếu ăn.

 Các người chạy xe thồ nhìn cũng không được tươm tất như những người cùng chạy xe thồ ở Sài Gòn. Dân ít, nên kiếm được đồng tiền cũng khá vất vả. Vậy mà nhịp độ xây dựng trong thành phố cũng phát triển kinh người. Giá đất tăng vọt trong vài năm nay, những ngôi biệt thự vẫn xây dựng thật lộng lẫy bên cạnh những ngôi nhà đã bắt đầu đổ nát. Những người có công việc làm tương đối ổn định hơn nhưng cuộc sống cũng lắm cam go. 

Ở chợ các em bé đánh giầy và bán xổ số cũng khá đông. Nhiều em nhìn chỉ bé độ bốn, năm tuổi, một buổi đi học, một buổi đi bán. Không biết bán được bao nhiêu. Một gánh rau xà lách khoảng hơn hai mươi kí lô, bán một ngàn đồng một kí, nguyên gánh rau chỉ bán được hơn một đô, không hiểu họ có thể làm sao nuôi sống được cả một gia đình. Những người chạy xe thồ cũng nói một ngày kiếm một hai chục ngàn (khoảng trên một đô) cũng không dễ gì.

 Ấy vậy mà sao cuộc sống lại vẫn cứ trôi đi. Những buổi chiều trời êm, trên ngọn đồi gần sân vận động đối diện hồ Xuân Hương, tấp nập người ra thả diều. Những con diều đủ màu vẫn phất phới dâng cao, mặt hồ vẫn phẳng trong xanh, mây trắng vẫn bồng bềnh và hoa cỏ vẫn tươi tốt. Cuộc sống vẫn hiền hòa thanh thản trong lúc tôi mãi ngồi khóc mướn thương vay. 

Có những tối ngồi ở Thủy tạ, nhìn sóng dập dềnh, nhắm mắt nhớ lại những khung trời xưa cũ. Bên tai tiếng đàn chát tai của ban nhạc dân tộc chơi đủ loại bài hát. Tiếng đàn bầu, đàn tranh, guitare hỗn độn xen lẫn nhau, đã chẳng hoà quyện được mà lại như đối nghịch ồn ã làm nhà hàng Thủy tạ mất đi cái bản sắc nên thơ của nó.

 Nhưng có lẽ nhờ những ồn ào đó mà nhà hàng trở nên đông đảo với số khách đến ăn và nghe loại nhạc này. Nếu để đèn mờ, nhạc nhẹ như ngày xưa, biết đâu đã thành một nhà hàng vắng vẻ và có thể đã đóng cửa không chừng. Cuộc sống đã thay đổi, thì tâm tình, thị hiếu làm sao giữ được nguyên vẹn như xưa.

 Buổi tối nhiều quán café mở khắp nơi, nhưng sau chín giờ đã bắt đầu hết khách, một vài chỗ còn mở khuya với số khách thưa thớt trên đầu ngón tay. Đà Lạt vẫn chẳng phải là một nơi chốn ăn chơi. Đêm chạy xe trên những con đường thật yên ắng, nghe rõ cả tiếng sương rơi và tiếng gió cựa mình, để hồn lắng đi một chút và thấy là Đà Lạt trong một góc cạnh nào vẫn còn đẹp lắm. 

Rời Đà Lạt, trở lại Sài Gòn, vẫn còn cái cảm giác ngột ngạt như ngày xưa khi xe qua khỏi cái râm mát của đèo Bảo Lộc để đi vào không khí nóng nực, bụi bậm của miền Nam.

Hai tuần đã trôi qua, tôi sửa soạn rời thành phố, cô bạn gặp trên máy bay đã nhắn sẽ về cùng ngày vì cô ta đã đổi vé lại. Đón cô cùng ra phi trường, cô khóc: "Chị ơi, anh ấy giờ không chịu về, anh ấy bảo em muốn ly dị thì ly dị, tiền bạc chia ra cho anh ấy về đây sống, chị bảo em phải làm sao?" 

Làm sao ư, tôi cũng chẳng biết phải làm sao, tôi đã sắp lên máy bay, sắp rời cái thành phố mà ở đó có rất nhiều những nụ cười, những tiếng khóc, những khuôn mặt lạnh lẽo và những khuôn mặt mệt mỏi chán chường, cũng có một số ít các khuôn mặt phủ phê thỏa mãn, với thật nhiều những cảnh đời đa dạng.

 Ở đấy, chắc cũng có rất nhiều người đang tự hỏi họ sẽ sống ra làm sao đây. Làm sao tôi có thể trả lời, chỉ biết nhắm mắt nghe hai mi nằng nặng. Với cô gái mới quen, chắc tôi phải cho cô một lời khuyên, gắng tìm cho cô một lối thoát, chắc chắn là như thế, nhưng lúc này đây, tôi chẳng biết nói gì. 

 Đầu óc lơ mơ, nghĩ đến một chuyến trở về rồi lại ra đi, hay ngược lại, tôi đã làm một "chuyến ra đi" từ xứ Úc bình yên, và giờ đây là chuyến trở về? – tôi thật cũng chẳng biết. Lúc này đây, tôi chỉ biết mình đang ứa những gịot nước mắt khóc theo cô bạn mới quen. Và Sài Gòn ơi, chào nhé...