Tuesday 16 August 2022

Một chuyến đi về Việt Nam

 Thiên Hương

 Từ lúc máy bay cất cánh, cô gái ngồi bên cạnh tôi cứ mãi thở dài. Thức ăn người chiêu đãi viên đưa đến cô cũng không buồn đụng đến. Đôi mắt cứ thẫn thờ nhìn qua khung cửa sổ. Tôi khẽ hỏi: "Em không ăn sao, sáng nay đi sớm chắc đâu kịp ăn sáng hả."

 Cô quay lại nhìn tôi, ứa nước mắt nhẹ lắc đầu, rồi lại gục đầu xuống đôi bàn tay. Tôi lặng nhìn cô ta khóc, nhìn cách ăn mặc khá đỏm dáng và thanh lịch, tôi chắc cô cũng thuộc hàng khá giả và có học.

 Không phải thuộc nhóm người mỗi khi về thăm nhà, đi máy bay mà ăn mặc như đi dự dạ hội, vàng vòng đeo đầy người còn hơn đi dự đám cưới. Những ngón tay của cô trơn tru, không sơn quét, mái tóc thẳng buộc túm gọn gàng. Tôi khẽ thở dài, không biết cô bạn cùng chuyến gặp chuyện gì đau lòng quá vậy.

 Ông khách Úc ngồi bên tay phải đang hỏi cô chiêu đãi viên một lon bia Úc, mà sao cô ta cứ ngẩn ngơ không hiểu ông nói gì, tôi dịch hộ. Ông Úc phía sau cũng than phiền với cô là sao hỏi whisky thì lại đem ra cho người khác mất. Cô ta cũng cứ ngơ ngẩn chẳng hiểu ông ta nói gì, tôi lại một lần nữa làm thông ngôn bất đắc dĩ.

Những chuyến bay của Vietnam Airlines lâu lâu lại như vậy, có một số nhân viên phi hành nghe tiếng Anh rất dở, hay chẳng chuyên tâm chú ý nghe? Nhiều khi khách Việt Nam nói tiếng Việt mà còn bị lơ là chẳng nhớ, có lẽ bảy phần mười là con ông cháu cha nên lên máy bay vẫn muốn làm cha và ông của hành khách.

Có điều vì là chuyến bay thẳng, chỉ bay trong vòng tám tiếng nên khách vẫn đông nườm nượp. Và dầu sao, lên máy bay này cũng cảm thấy ấm cúng hơn khi đi các máy bay của các hãng hàng không ngoại quốc khác.

Cô bạn đồng hành vẫn ngồi yên lặng lẽ, như đắm chìm vào một thế giới xa xăm nào đó. Tôi thấy lo lo cho cô, nhưng không tiện hỏi, đưa mắt nhìn vu vơ xung quanh.

 Tiếng nói chuyện bằng tiếng Việt ồn ào nghe khá vui tai, tạo một cảm giác quen thuộc. Những người lớn tuổi có mặt trên máy bay, hình như ai cũng cảm thấy vui vẻ và háo hức. Đây là cái háo hức được thấy lại quê cũ sau những ngày tháng quá rảnh rang đến độ chán chường ở hải ngoại.

 Dạo này trên đường phố gần các chợ Việt nam, xuất hiện rất nhiều các bà già, ngồi trên một cái ghế nhựa, bán các thứ để trong xe đẩy như xôi, chè, đậu hũ chiên, các bó hành, rau sống, các túi ớt nhỏ, v.v... có lẽ cắt từ vườn nhà.

 Bán không phải vì thiếu thốn, ở xứ Úc này, trợ cấp xã hội dư giả cho người già, nhưng có lẽ họ bán cho vui, để có thêm đồng tiền rủng rỉnh đi về Việt Nam cho bà con họ hàng. Có lẽ không nước nào trên thế giới có số người già trở về Việt Nam nhiều như ở Úc, nơi mà chỉ cần tám tiếng máy bay là về tới nơi.

 Đa số các người già Việt Nam tị nạn tại Úc không phải lo về sinh kế, họ có thể về Việt Nam ở liền một hơi sáu tháng mà tiền trợ cấp cứ đều đều vào nhà băng tháng hai lần. Ăn ở đã có con cái bảo bọc, tiền tiêu có nhà nước cấp, sức khỏe có nhà nước lo vẹn toàn. Vậy thì cứ ung dung, mỗi năm về Việt Nam một, hai lần.

Đã có con cái đưa ra phi trường, rồi một nhân viên Hàng không Việt Nam đã có mặt ở đó, khỏi cần thông dịch. Lên máy bay thì nhân viên nói tiếng Việt, ở phi trường không cảm thấy lạc lõng, không sợ bơ vơ. Vậy thì chấp nhất làm gì những lỗi lầm của các phục vụ nhỏ nhặt trên máy bay khi lòng đang phấn khởi vui như sắp Tết.

Mấy ông Úc phía trước và phía sau lại loay hoay, loay hoay. "I can't hear", "Me neither". Tôi cũng thử cái head phone của mình, hình trên TV thì có, mà âm thanh thì không. Mấy người ngoại quốc lao nhao, hình như cả khoang không ai nghe được cái gì .

Người chiêu đãi viên bình thản như không: "Có lẽ máy hư chị ạ." Thế là xong, đúng là cứ tự nhiên như người Hà Nội. Có lần được ăn cả thức ăn thiu, cũng vẫn câu trả lời êm như nhung: "Chắc nhiệt độ hôm nay nóng quá." Có lần cả một chuyến máy bay chỉ có hai toilets có thể sử dụng được. Còn bốn toilets khác mở cửa ra là trên bồn cầu đã chễm chệ một bao rác to tướng. Và vẫn câu trả lời thản nhiên của đám nhân viên phi hành: "Rác nhiều quá không có chỗ để chị ạ."

 Có phải chỉ vì mình Hàng không Việt Nam độc quyền đường bay thẳng nên coi hành khách như pha: "Ta phục vụ thế đấy, chê thì đi hãng khác đi. Đi hãng khác để đổi chuyến hai, ba lần, thủ tục check in/out hai, ba lần, thời gian kéo dài gần gấp đôi, cái nào hơn." Thôi thì cắn răng ngồi tám tiếng cho xong, được cái này mất cái kia, đừng được voi đòi tiên, khó tính quá làm gì.

 Thành ra nếu có bật đèn gọi chiêu đãi viên mà không có ai tới thì cũng nên nhẫn nại, đèn bật quá hai mươi phút thì tự động tắt, tiền điện đã covered trong vé máy bay, có gì mà ngại. Thấy nhân viên phi hành nào đi qua, có muốn hỏi khăn, hỏi nước mà được đem đến thì hôm đó coi như may mắn cực kỳ.

Nếu buồn thì đi vào các khoang dành cho các nhân viên phi hành nghe họ rôm rả nói chuyện với nhau vui như Tết, và xin chớ làm phiền cắt đứt câu chuyện đang vui của họ. Cắt đứt lời nói chuyện của người ta là bất lịch sự đấy, những người đã ở ngoại quốc lâu phải biết điều đó chứ.

Nhưng cũng có khi gặp những nhân viên phi hành phục vụ hành khách trên mức đòi hỏi. Một lần đi máy bay lúc còn cho phép hút thuốc trên máy bay từ ghế số 32 trở xuống, tôi ngồi ghế số 32. Người hành khách phía trên là người ngoại quốc, ông ta hỏi cô chiêu đãi viên xem ông được hút không? Cô ấy trả lời không được.

Rồi cô ấy tự động đi xuống bảo tôi đổi chỗ cho ông ta để ông ta có thể hút thuốc. Dĩ nhiên là ông ta đâu yêu cầu điều đó, và dĩ nhiên tôi không thể theo lời yêu cầu của cô đổi chỗ để ngồi hít khói. Cô này thật đáng được ông khách ngoại quốc tuyên dương.

Nhưng nói cho cùng ngay ở nước ngoài, vào một số tiệm ăn Việt Nam, thái độ phục vụ khách hàng của các nhân viên cũng khác hẳn khi khách là ngoại quốc. Người ngoại quốc vào, đặt thực đơn một chút thức ăn đã ra. Người Việt Nam ngồi chờ dài cả cổ.

Vào những tối cuối tuần, thong thả ăn chậm một chút đã được nhà hàng ra nhắc khéo đứng lên nhường chỗ cho khách khác, trong khi những bàn khách ngoại quốc thì thấy họ cứ điềm nhiên, ung dung hưởng một bữa ăn nhàn nhã.

Tại sao lại có hiện tượng kỳ thị như vậy khi chính chúng ta cùng là người Việt với nhau. Tại sao phải sợ những người ngoại quốc như vậy, tôi cũng chẳng hiểu nổi. Ừ, nhưng sao tự dưng lại hay nghĩ lung tung, hình như càng lớn tuổi, cái trí óc lại càng lãng đãng, cứ nhảy chuyện nọ sang chuyện kia.

Tôi quay sang cô gái ngồi bên cạnh, cô có vẻ mệt mỏi, tôi hỏi cô xem có cần nước uống không, cô gật đầu. Cầm lấy ly nước từ tay tôi, cô khẽ nói lời cám ơn, rồi uống từng ngụm nhỏ. Tôi khẽ hỏi: "Em về Việt Nam thăm nhà hả, có chuyện gì không mà sao khóc hoài vậy?"

 Cô ứa nước mắt rồi như nỗi buồn trong lòng u uất quá, cô nói thật nhỏ: "Em về tìm chồng em." Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Cô khẽ kể, qua Úc đã hơn mười năm, bươn chải cho đến lúc làm chủ được một shop bán quần áo. Ngày ngày ra shop, nuôi ba đứa con ăn học, chồng không đi làm, ở nhà thư thả đọc sách, trồng hoa, cuộc đời đã tưởng đâu yên ả.

Mấy năm sau này, tiền bạc dư dả, chồng rảnh rang đi về Việt Nam thăm nhà vài lần một năm. Mới đây, nghe nói ông già chồng bệnh, ông chồng về thăm đã hơn hai tháng, tiền bạc ôm theo cũng bộn. Tới tuần rồi, nhận điện thoại từ nhà chồng yêu cầu gửi tiền về cho nhà, cô mới ngã ngửa. Ông bố chồng chả bệnh hoạn gì cả, ông chồng về Việt Nam chả biết ở đâu. Nhờ bạn bè dò tìm mới biết ông đang thuê nhà ở với một cô gái chỉ hơn 20 tuổi. Cô vội vã nhờ bạn bè trông shop, gởi con và bổ về Việt Nam tìm chồng...

 

Tôi nghe mà chỉ biết im lặng nhìn những hàng nước mắt của cô xót xa. Những chuyện như vậy giờ hình như nhan nhản. Đó cũng là một trong những lý do khiến những chuyến đi về Việt Nam của tôi mất đi nhiều hứng thú. Còn gì vui khi trở lại một nơi mà những hình ảnh êm ái nên thơ bị đồng tiền làm cho nhơ bẩn, một nơi mà giá trị tinh thần đã xuống dốc từ lúc nào và cuộc sống trở nên vô cùng chụp giật. Mọi người sống vội vã, hưởng thụ vội vã, nhìn về một tương lai ngắn hạn hơn là dài hạn.

 Nhớ trước đây khi ra thăm miền Bắc, tôi được biết hoàn cảnh những người đàn bà trong lúc ông chồng đi làm xa, gánh hết giang sơn nhà chồng, tảo tần nuôi bố mẹ, em chồng, con cái. Đến khi ông chồng trở về, đem theo vợ bé, bố mẹ chồng cưng con nín lặng, đuổi nàng dâu trưởng ra sau vườn với lũ con để lấy nhà chính cho con trai và nàng dâu mới ở. Những câu chuyện như vậy xảy ra đã gần như bình thường trong đời sống, và những người đàn bà trong cuộc chấp nhận nó như là một định lý của cuộc đời.

 Một buổi chiều năm 89, khi đứng đợi phà ở bến phà Bính, cô bạn Úc cùng làm việc chung đã nói với tôi:

 - Sao tao ghét đàn ông Việt Nam quá?

 Trả lời cái nhướng mày của tôi, cô bạn nói

 Mày nhìn mà xem, nãy giờ tao đếm 57 người đi từ bến phà lên và những người quanh các quán gần đây. 39 người đàn ông, hoặc chễm chệ trên xe máy, xe đạp, hoặc vắt vẻo hút thuốc, uống nước trà, tán dóc trong các quán. Còn lại là toàn đàn bà, hoặc gánh gồng, hoặc ngồi bán quán. Tao bảo đảm với mày bà nào cũng phải nuôi hoặc bố mẹ chồng, em chồng, con cái và nuôi cả mấy cái ông chồng để mấy ông có thì giờ rảnh rang như vậy.

 Dù tôi có cãi lý thế nào, lý lẽ của tôi cũng quá sức yếu ớt trước những con số hùng hồn như thế kia, và nhất là vì những hình ảnh ấy diễn ra ở khắp nơi. Từ những bà cụ già bước không nổi với một rổ con con bán các thứ vặt vãnh trên hè phố đến những người đàn bà gánh gồng, một bên thúng là đứa con thơ, bên kia là mấy bó rau nhúm nhó. Biết tới bao giờ, những người đàn ông Việt Nam mới gột bỏ hẳn được cái ý thức ta luôn là Boss đã bám sâu trong tâm não.

 Có một lần, trên phà, gặp một người đàn bà trẻ dắt hai đứa con gái sinh đôi rất xinh, tôi thích thú nhìn hai đứa bé: "Chị thích quá, sinh được hai cháu xinh quá." Mới thế mà người đàn bà đã bật khóc: "Xinh thì làm gì hả chị, em chỉ thèm con giai thôi." Chưa kịp hỏi cô đã kể: "Anh ấy bỏ em đi lấy vợ khác kiếm con giai rồi." Gia đình ở đây chỉ được sanh hai con, sanh thêm thì mất việc, nên ông chồng "đành" ly dị vợ để có thể lấy vợ khác kiếm con trai cho vừa lòng bố mẹ và vừa lòng ông ta. Nghịch lý đã trở thành định lý mất rồi, biết nói làm sao.

 Rồi sau này ở khắp nơi, các quán ăn nhậu, các chốn ăn chơi mọc lên như nấm; các ông ra ngoài làm ăn là thế nào cũng phải đón đưa ăn nhậu. Vợ con thui thủi ở nhà để chồng đi giao tiếp bên ngoài, tình trạng một cảnh năm ba quê của các ông trở nên phổ biến.

 Rồi các ông Việt Nam ra nước ngoài trở lại quê hương. Các người đàn bà Việt Nam đi ra ở ngoại quốc tưởng đã thoát được cảnh tượng một chồng hai vợ nhưng lại có một số người bắt đầu lâm vào những tình cảnh này. Khi những ông chồng áo mão xênh xang về đến quê nhà, bạn bè, họ hàng săn đón, đưa đi chơi chỗ nọ chỗ kia, rủ rê vào những chỗ ăn chơi tươi mát.

 Ở đấy, dù bao nhiêu tuổi vẫn được các cô gọi là anh ngọt như đường phèn. Cái cảnh thanh tịnh ở nước ngoài trở nên quá sức boring, người vợ ở nước ngoài bỗng trở thành một cái ách nặng nề trên cổ. Ở nước ngoài người phụ nữ bao nhiêu công việc, thời giờ đâu săn sóc các ông tận tình, các ông về quê nhà tránh sao khỏi sa ngã. Và như thế lại thêm một định lý trở nên định luật.

 Tôi ái ngại nhìn cô bạn đồng hành:

 - Rồi mấy hôm nay em liên lạc được với anh ấy chưa?

 - Dạ em có số mobile, em có nói chuyện.

 - Anh ấy nói sao?

 - Anh ấy nói có chuyện gì đâu, đừng nghe người ta đồn bậy, về Sài Gòn anh ở với người bạn cho vui, về nhà chật chội, nóng nực.

 - Anh ấy biết em về Việt Nam không?

  Hôm em nói là về, anh ấy bảo đừng về làm chi, vài tuần nữa anh ấy về.

 - Rồi hôm nay anh ấy biết em về không?

 - Dạ biết, anh ấy bực lắm, nói em là đừng có về, mà nếu về thì về ở nhà, coi như thăm gia đình chứ chẳng cần kiếm anh ấy làm gì. Để anh ấy đi chơi cho thỏa thích đã, một năm ở nhà với vợ con mấy tháng, còn mấy tháng phải để cho anh ấy tự do.

 Tôi nghe mà cũng không biết nói làm sao. Cô gái lại nức lên khóc:

 - Chị bảo em giờ phải làm sao.

 Tôi cắn nhẹ vành môi nín lặng. Biết khuyên cô thế nào bây giờ. Chẳng lẽ bảo cô ta là người như vậy bỏ quách cho xong. Nhưng nói cho cùng, các ông Việt Nam hình như vẫn sống theo lối cổ. Ông nào cũng muốn mình làm chủ gia đình, được vợ con nể sợ. Chồng cô này chỉ ở nhà, trông vào đôi tay làm ăn của vợ, tự nhiên ông ta cảm thấy thiếu thốn, cái self esteem mạnh quá nên khi về Việt Nam, được một người đàn bà khác nể sợ, cảm phục, chiều chuộng, dù chỉ là vì đồng tiền do vợ mình làm ra, ông ta cũng cảm thấy thoải mái vì tự ái được ve vuốt.

 Cũng không hẳn ông ta chán ghét vợ con, nhưng ông ta muốn được tôn thờ và nể trọng. Cô gái có vẻ hiền nhưng chắc chắn với một cái shop phải trông coi, ba đứa con phải đưa đón, cơm nước, việc nhà, việc shop, cô không thể lo lắng chiều chuộng chồng ngọt ngào như các cô gái ở Việt Nam đối với ông ta khi ông ta trở về với đô la rủng rỉnh, và hứa hẹn cái viễn ảnh được bảo lãnh sang Úc.

 Bây giờ điều tốt nhất để khuyên cô nắm giữ ông chồng mình, là đợi ông ấy trở về, đặt ông ta trở lên lại ngai vàng để tôn thờ và chiều chuộng, mong rằng tự ái ông ta lại được ve vuốt, và ông ta lại trở lại với vợ con. Nhưng liệu cô có thực hiện được không, khi công việc hàng ngày đầy ắp thời khóa biểu và những mệt mỏi trong đời sống khiến cô ta cũng đang tha thiết cần một sự chia sẻ và nâng đỡ?

 Và khi một người đàn ông đã có những nghĩ suy như vậy, ông ta có bằng lòng với khung cảnh hiện tại khi biết là nếu mình ôm nửa gia sản về bên kia, sẽ có bao nhiêu cô gái trẻ đẹp mời gọi, dù biết chỉ vì đồng tiền nhưng đồng tiền đó đã nâng giá trị của ông ta lên.

 Tội gì ở ngoại quốc làm một cái bóng khi có thể về nước làm một hoàng đế không ngai. "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn leo lét suốt năm canh." Nhưng mà như thế thì còn gì hai chữ tình nghĩa và thủy chung. Một chị bạn ở đây đã hằn học nói: "Sao các ông không bỏ chúng tôi lúc chúng tôi chỉ ngoài 20 để chúng tôi còn kiếm chồng khác. Bây giờ chúng tôi già thì các ông bỏ, các ông về Việt Nam lấy vợ trẻ dễ quá mà, còn tụi tui lấy ai."

 Nghe thấy cả hai bên cùng có lý. Nhưng mà bây giờ, ngồi cạnh cô gái này, tôi biết tôi phải tìm một câu nào đó để khuyên giải cô ta, nhưng khuyên làm sao tôi cũng chẳng biết. Thiệt tình tôi cũng chẳng tìm ra được câu nào để khuyên cô. Chẳng lẽ khuyên cô bỏ luôn, rồi cũng chẳng lẽ khuyên cô nên áp dụng cách chiều chuộng tối đa để níu lại ông chồng cô, khi chính tôi cũng thấy chuyện này cũng khó thể thực hiện được thì làm sao có thể thuyết phục người...

 Tôi chỉ cho cô gái ngả chiếc ghế ra phía sau để ngả người cho thoải mái, hai chị em im lặng một lúc, cô ngủ thiếp đi vì mệt, còn tôi lại cứ loay hoay với những ý nghĩ đối nghịch trong đầu. Người đàn ông Úc bên cạnh lại nhờ hỏi dùm cô chiêu đãi viên là vì máy bay cất cánh trễ, chuyến bay này xuống phi trường trùng giờ với chuyến bay sắp tới của ông, làm sao ông làm thủ tục transit cho kịp.

 Cô ta nói là chuyến kia sẽ đợi ông ta. Cứ thế tôi làm thông dịch dùm cho ông nên thời giờ qua cũng mau. Ông này về Việt Nam mỗi năm cũng vài lần, coi bộ mê Việt Nam dữ quá. Mà công nhận, sau khi chu du các nước khác mới thấy dân Việt Nam quá sức dễ thương và hiếu khách, hèn chi Tây Việt gì cũng ham về nước cả.

 Ở Việt Nam đường phố luôn nhộn nhịp đông đúc, đi tới đâu cũng thấy nở nụ cười, trong lúc ở nước ngoài, mỗi người là một thế giới riêng biệt, nên vào những mùa đông, trời đã lạnh hình như lại lạnh thêm vì thái độ buốt giá của những người xung quanh.

 Nhớ lại đám đồng nghiệp cùng qua Việt Nam làm một thời gian. Về nước đến hơn một nửa gia đình tan rã. Lý do rất dễ hiểu, đến Việt Nam, hưởng qui chế người làm việc nước ngoài, nhà cửa được cấp, xe được cấp, có tài xế, nhà hai, ba người giúp việc. Tiền lương, phụ cấp lại cao, nghỉ mát hàng năm.

 Hết hạn, về nước, thời tiết đã lạnh lẽo, tiền lương thấp hẳn sau khi mất các trợ cấp, công việc nhà vợ chồng phải chia nhau ra làm. Đời sống vật chất trở nên nặng nề và khó khăn hơn trước rất nhiều, và thế là vợ chồng bắt đầu lục đục rồi tan rã.

 Một số thì các ông chồng bỏ vợ để bảo lãnh các cô thư ký ngọt ngào như mật, trẻ trung, học thức, rất thông minh, rất dịu dàng, vô cùng tế nhị và đầy thông cảm với ông xếp bận rộn của mình. Hình ảnh phụ nữ Việt Nam dưới mắt các ông ngoại quốc trở nên tuyệt vời diễm ảo, trong khi dưới mắt các bà vợ của các ông ấy thì hình ảnh các cô gái Việt Nam lại trái ngược hoàn toàn.

 Còn tôi thì sao, tôi nghĩ thế nào về các cô gái này, đáng ghét hay đáng thương khi họ cũng chỉ muốn tìm một lối thoát cho mình và cho gia đình của họ. Họ có ích kỷ không khi quay lưng lại với những gịot nước mắt của những người vợ bị chồng phụ. Nhưng họ cũng có ích kỷ đâu khi phải lấy những người chồng xa lạ, có khi lại rất lớn tuổi.

 Mười phần trăm lấy vì yêu thương và chín mươi phần trăm lấy để có tấm giấy thông hành ra ngoại quốc. Lấy chồng ngoại quốc để đổi thay số phận cho mình và cho gia đình, và để cũng fashioned như người ta khi lấy ngoại quốc đã trở thành thời thượng.

 Làm sao trách những cô gái này và cũng làm sao trách được các ông kia khi những người vợ ngoại quốc này đã luôn nghĩ mình là Lady First, và tự họ đã làm cho các ông chồng của họ chán ngán.

 Tôi cũng biết có những cô gái Việt Nam rất nghèo khổ. Bạn trai sống và lớn lên trong cùng một khu phố, có được một việc làm trong các công ty ngoại quốc, có khi chỉ là gác cửa, hay lái xe. Các cậu này đi làm đem tiền giúp bạn gái đi học Anh văn, vi tính, giới thiệu bạn gái vào làm cùng sở.

 Đến khi các cô vững rồi, như những con chim cánh đã bắt đầu cứng cáp, sẵn sàng chắp cánh bay đến những khung trời sáng sủa hơn, bỏ mặc bạn trai của mình với những công việc tầm thường của họ. Những kỷ niệm của cuộc tình ngày xưa giờ chỉ để thả theo gió bay.

 Nhưng làm sao trách được khi các cô còn nặng gánh cha mẹ, anh em, và các kỷ niệm ấy cũng là những hình ảnh xa xót của cảnh nghèo nàn thiếu thốn... Biết trách ai bây giờ, chỉ biết nghĩ đến cái cuộc sống chông chênh khi mọi kim chỉ nam hình như đều quay lệch về phía kim tiền óng ánh.

 Máy bay đang giảm dần cao độ. Từ phía dưới đã xuất hiện dòng sông Cửu Long, rồi những cánh đồng, rồi những khu nhà cửa san sát. Hành khách đã bắt đầu nhấp nhổm khi bánh máy bay bắt đầu chạm đất.

 Buồn cười, đã bao nhiêu chuyến bay mà hình như chuyến nào cũng vậy. Cũng những hành khách đó, những khuôn mặt đó, lúc ở phi trường Bangkok, Singapore, Malaysia, Sydney, Melbourne, Taiwan, Hongkong thì rất từ tốn, trật tự bước chân lên máy bay, mà sao cứ tới gần phi trường Tân Sơn Nhất hay Nội Bài là như thành những người khác, hối hả, chụp giật, dù Việt hay ngoại quốc. Máy bay chưa ngừng hẳn đã vội vã lấy hành lý, vội vã chen đẩy để ra khỏi máy bay cho nhanh.

 Lần này, máy bay đậu sát cánh cửa mở vào khu làm thủ tục, hành khách không phải chuyển qua xe buýt; số khách cũng vắng nên cảnh tượng chen chúc cũng đỡ phần nào. Tôi đi cạnh cô bạn đồng hành. Mới về nước lần đầu nên cô khá bỡ ngỡ.

 Kiểm lại cho cô các giấy tờ cần thiết, tôi bảo cô đứng trước làm thủ tục nhập cảnh, khi nào xong qua cửa đợi, đi cùng với tôi để đi lấy hành lý. Nhìn dáng cô ngơ ngác đến tội nghiệp. Những người đàn bà Việt Nam, qua xứ sở mới, dù cố gắng đến đâu, thành công trong thương trường đến đâu, vẫn là một công cụ trong tay người chồng, người con.

 Thoát ra khỏi cái vòng trói buộc của chồng con, họ chợt trở nên hụt hẫng và bơ vơ ghê gớm. Tôi cũng là một người đàn bà, liệu tôi đã thoát khỏi cái vòng muộn phiền nghiệt ngã ấy chưa?

 Người nhân viên nhập cảnh uể oải nhìn tấm hộ chiếu và giấy tờ. Nhìn cung cách chậm chạp của anh ta, tôi chợt nghĩ hay tại mình không bỏ vào trong hồ sơ tờ năm hay mười đô để anh ta làm nhanh hơn. Đã lâu lắm rồi tôi không có thói quen bỏ tiền vào giấy tờ khi làm thủ tục nữa.

 Chẳng biết mình làm như thế là đúng hay sai, thỉnh thoảng vẫn nghe những mẩu chuyện nói rằng một nhân viên muốn vào làm trong phi trường không những phải quen biết mà còn phải có lệ phí lót tay sáu ngàn đô Mỹ, rồi phải đóng thuế mỗi ngày cho một ai đó, và số tiền đó chỉ bảo đảm cho một công việc trong vòng sáu tháng. Nghe cũng thấy cam go, làm thế nào lấy lại được vốn và có lời thiệt cũng nhức đầu nếu chỉ gặp những người như tôi, chả có gì để mà giấu giếm.

 Qua khỏi khâu nhập cảnh, tôi nói cô bạn đợi để vào mua mấy cây thuốc lá miễn thuế về làm quà. Thuốc lá ở Việt Nam rẻ kỳ lạ so với Úc và Mỹ, hình như chỉ khoảng nửa giá. Cô bạn cũng theo vào, tôi lấy hai cây thuốc ra bàn tính tiền, cô bạn lấy tới bốn cây, cô cười: "Thấy rẻ em lấy một số về làm quà, mấy hôm lu bu đâu có mua quà cáp gì về cho gia đình."

 Cô bán hàng hỏi rất kỹ: "Chị đi mấy người, nếu một người, chị chỉ mua được hai cây thuốc lá thôi." Rồi các hoá đơn, hộ chiếu cô photocopy lại, cô cũng viết luôn cả vào tờ khai hải quan một mã số gì đó. Có lẽ tại thiên hạ thấy thuốc lá rẻ nên mua nhiều quá chăng.

Chúng tôi ra băng lấy hành lý. Hàng hóa xuống cũng khá nhanh. Từ lúc xuống máy bay tới lúc này chưa đầy hai mươi phút mà đã thấy hành lý của tôi nhấc ra khỏi băng từ lúc nào. Thủ tục hải quan cũng mau lẹ. Bên ngoài, đám người đi đón người nhà nhốn nháo hai bên hàng rào ở lối ra.

 Cô bạn ngơ ngác nhìn quanh rồi bảo tôi: "Anh ấy không ra đón em rồi chị ơi, giờ em làm sao?" Tôi bảo cô để tôi đi taxi cùng cô về nhà chồng của cô trước rồi tôi sẽ về nhà tôi sau. Cô mừng quýnh gật đầu. Trời ơi, một cô chủ shop lanh lợi như thế mà vào lúc này sao không khác gì gái quê ra tỉnh. Tôi thật xót xa cho cô.

 Mấy người lái taxi, cò taxi chạy lại "Hai cô về đâu, mười đô thôi." Tôi lắc đầu, dạo này taxi nhiều, cạnh tranh dữ dội, đón taxi ngay ở lối ra luôn luôn phải qua trung gian. Đi bộ thêm vài bước, taxi đầy ở ngoài, lên xe trả tiền theo máy bấm cây số khỏi nhức đầu, khỏi mặc cả, khỏi sợ bị tính mắc rẻ, xuống xe muốn đưa tips bao nhiêu thì đưa.

 Chúng tôi lên xe, cậu lái taxi còn trẻ. Các người lái taxi ở Sài Gòn phần lớn có ăn học vì các hãng đòi hỏi phải biết tiếng Anh để nói chuyện với khách ngoại quốc. Đa số ăn mặc gọn gàng sạch sẽ và nói chuyện rất nhỏ nhẹ, lịch sự và hiểu biết. Ở Sài Gòn hiện nay có rất nhiều hãng taxi nên tình trạng cạnh tranh giúp cho sự phục vụ khách hàng ngày càng cải tiến.

 

No comments:

Post a Comment