Thursday, 26 January 2023

Năm Mới Nói Chuyện PHÚC

 

Năm mới nói chuyện Phúc  

Ngọc Liên

image.png

Văn hóa cầu phúc trong dân gian có nguồn gốc lâu đời, cái gọi là cầu phúc là chỉ mọi người kính Trời bái Thần, nhất là trong lúc gặp nguy nạn, hy vọng được Thần linh bảo hộ, tăng phúc vận, hóa nguy thành an, bình an vượt qua kiếp nạn.

-Nguồn gốc và ý nghĩa chữ Phúc
-Thiên hạ đệ nhất Phúc
-"Phúc" đến từ đâu?


Khi Tết truyền thống đến, người ta thường dán chữ Phúc lớn và những câu mang đầy sắc thái vui vẻ lên cổng như "Nghênh xuân chúc phúc", "Khai môn nghênh phúc", "Nghênh xuân tiếp phúc", "Tân xuân thuyết phúc". Mọi người còn thích dán những chữ Phúc lớn nhỏ đủ kích thước lên cửa, lên tường, trên mi cửa. Chữ Phúc chỉ phúc vận, phúc khí, phúc tinh, phúc phận, phúc chỉ, phúc đến tâm linh, hạnh phúc, là có ý gửi gắm những hy vọng tốt đẹp vào năm mới đang đến. Chữ "Phúc" này không chỉ được dân thường yêu thích mà hoàng tộc cũng rất yêu thích, hoàng đế nhà Thanh đã viết chữ chúc mừng năm mới và chúc phúc cho thường dân. "Phúc lành" này đến từ đâu?

Nguồn gốc và ý nghĩa chữ Phúc
Từ khi có văn tự là đã có văn tự tượng hình chữ Phúc. Chữ Phúc trong chữ Giáp cốt biểu thị ý nghĩa là "hai tay dâng rượu và thức ăn cúng trước Thần Chủ". Đây chính là miêu tả hình tượng cúng tế thời cổ đại, hàm nghĩa là cúng tế Trời cầu khấn, kính bái Thượng Đế sẽ đem đến bình an và niềm vui bất tận, dó chính là phúc chân chính.
image.png
Chữ Phúc trong chữ Giáp cốt biểu thị ý nghĩa là "hai tay dâng rượu và thức ăn cúng trước Thần Chủ"
Trong chữ Hán, chữ Phúc (
) gồm bộ Kỳ () là chữ tượng hình biểu thị đàn tế, có liên quan đến cúng tế, Thần linh, cầu nguyện, mong muốn. Người cổ đại tiếp cận đàn tế là muốn được sự chỉ dẫn của Thượng Đế và sự khải thị của Thần tính. Sau này ý nghĩa chữ tượng hình này mở rộng là "khải thị", khi dùng làm bộ thủ, nó đại biểu Thượng Đế hoặc Thần linh. Chữ bên phải được giải thích là "nhất khẩu điền" mà Thần ban cho, cũng có giải thích là mỗi người đều có "nhất khẩu điền" (ruộng lương tâm) mà Thần ban cho, tìm về miền tịnh thổ của tâm linh, thì phúc lập tức đến. Chữ Phúc biểu thị mọi người thành kính tín Thần thì Thần ban phúc. Phúc là "nhất khẩu điền" (ruộng lương tâm) mà Thần ban, ý nghĩa là: mỗi người đều có ruộng lương tâm mà Thần ban, tìm lại "nhất khẩu điền" đó trong tâm thì phúc liền đến.

"Tả truyện" viết: "Phúc, hựu dã" nghĩa là: Phúc là được Thần linh bảo hộ, gặp hung hóa cát là phúc.

"Tả truyện – Trang Công 10 niên" viết: "Tiểu tín vị phu, Thần phất phúc dã", nghĩa là: Chữ tín nhỏ thì chưa đủ thành tín, thì Thần không ban phúc cho. Chữ Phúc ở đây cũng có nghĩa là phù hộ.

Trong Nhã tụng của Kinh Thi có viết: "Báo dĩ giới phúc, vạn thọ vô cương", nghĩa là: Báo đáp bằng phúc lớn, vạn thọ vô cương;

Và: "Quân tử vạn niên, phúc lộc nghi chi", nghĩa là: Quân tử (người tốt) thì vạn năm an hưởng phúc lộc.

"Thuyết văn giải tự" viết: "Phúc nghĩa là đầy đủ. Đầy đủ là mọi việc thuận lợi. Không nơi nào không thuận lợi gọi là đầy đủ".

Vậy Phúc cụ thể là chỉ những gì? Người xưa quy kết lại ở 5 phương diện gọi là Ngũ Phúc, tức hạnh phúc, may mắn, trường thọ, yêu chuộng mỹ đức và hòa bình.

Thư pháp xưa nay có truyền thống viết chữ Phúc, chữ Phúc trở thành nội dung quan trọng của tác phẩm thư pháp của mọi người. Các văn nhân mặc khách trong lịch sử đã viết rất nhiều chữ Phúc để lại cho người đời sau, các thể chữ khải, hành, thảo, lệ, triện đều có đủ, quy cách đa dạng, nội hàm phong phú. Đặc biệt là trong giới thư pháp từ lâu đã lưu truyền "Bách phúc đồ" (bức thư pháp trăm chữ Phúc), "Thiên hy đồ" (bức thư pháp nghìn phúc lành) là kiệt tác ảnh hưởng đến thế giới.

Thiên hạ đệ nhất Phúc

Tương truyền Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh viết chữ Phúc để cầu phúc cho bà ngoại, được ca ngợi là "Thiên hạ đệ nhất phúc". Khang Hy cả đời yêu thích thư pháp, tuy thư pháp của ông cực đẹp nhưng lại rất ít khi đề chữ, nên cũng có câu nói rằng "Khang Hy nhất tự trị thiên kim" (một chữ của Khang Hy đáng giá ngàn lượng vàng).

Ngoài ra, vào ngày mùng 1 tháng 12 âm lịch cuối năm, ông còn viết một chữ "Phúc" lớn nhiều lần, trao nó cho các hoàng tử, các đại thần và những người tùy tùng để chào đón lời chúc năm mới. Việc viết lời chúc phúc của Hoàng đế Khang Hy đã trở thành hình mẫu cho các hoàng đế tương lai của nhà Thanh.

Chữ Phúc do đích thân Khang Hy ngự bút này có bút pháp tròn đầy khỏe khoắn, và dùng ấn ngọc tỷ "Khang Hy ngự bút chi bảo" đóng ở trên, được ca ngợi là đã thể hiện ra phúc khí chính tông của văn hóa truyền thống. Chữ Điền trong chữ Phúc này còn chưa đóng kín, vì vậy mọi người cho rằng đó là "Hồng phúc vô biên" (Phúc lớn vô biên), "Vô biên chi phúc" (Phúc vô biên). Trong dân gian ca ngợi chữ Phúc đó là "Ngũ phúc chi bản, vạn phúc chi nguyên" (Cái gốc của Ngũ phúc, cội nguồn của Vạn phúc).

"Phúc" đến từ đâu?
Mỗi người đều mong muốn có được phúc khí và phúc phận, đón lành tránh họa. Nhưng rốt cuộc làm thế nào mới có được phúc thực sự? Người như thế nào mới được coi là có phúc? Người xưa nói: "Đạo Trời không thân với ai mà thường ban phúc cho người thiện"; "Ông Trời không thân với ai mà chỉ giúp người có đức". Ý nghĩa là Đạo Trời công bằng, không thân sơ, đối với tất cả mọi người đều coi như nhau, nhưng hành thiện là phù hợp với Đạo Trời, do đó Đạo Trời luôn ở cùng với người thiện lương, khiến người thiện lương khi làm việc như có Thần trợ giúp.

Cũng có nghĩa là làm nhiều việc thiện thì có phúc, đúng như Phật gia nói: "Thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo mà chưa đến lúc". Chỉ có những sự tình phù hợp với Thiên Đạo thì mới cảm động Trời Xanh, mới có thể được Thần trợ giúp. Vì vậy phúc gắn liền với chân thành, thiện lương, vô tư, phúc luôn xuất hiện bên thân người có đức hạnh, phúc xung khắc với giả dối, gian trá, nham hiểm và độc ác như nước với lửa.

Phúc gắn liền với đức. Phúc đức chính là đạo đức và hạnh phúc, là một phạm trù quan trọng trong văn hóa luân lý truyền thống. Cái gọi là hiếu đức là chỉ bản tính thích đạo đức. Đức là một trong những con đường trọng yếu của chủ thể hành vi để đạt được hạnh phúc, tránh được bất hạnh.

image.pngLý giải về quan hệ đức – phúc, chủ yếu bao gồm nội dung hai phương diện. Đầu tiên, con người có hạnh phúc hay không là do Đạo Trời hoặc Thần quyết định. Đạo Trời hoặc Thần có ý chí nắm giữ công chính, thưởng thiện phạt ác. Vì vậy mọi người kính sợ mệnh Trời, biết cảm ân, tri ân, báo ân, tu đức, tăng trưởng phúc đức. Như trong Kinh Thi đã nhấn mạnh cần tu dưỡng đức hạnh, hợp với mệnh Trời, đạt được mục tiêu giá trị "hợp với mệnh Trời", tương hợp với ý chí và mệnh lệnh của Trời, thì kết quả tự nhiên sẽ được "đa phúc".

Thứ hai là, mặc dù Đạo Trời hoặc Thần làm chủ phúc họa của con người, có thể cảm nhận được thiện ác, đức hạnh của con người, nhưng con người ai cũng có thể thông qua tu dưỡng đức hạnh để thay đổi vận mệnh. Đức hạnh tốt đẹp sẽ được Thượng Thiên ban phúc, hành vi vô đức sẽ dẫn đến mất đi phúc phận và tai họa giáng xuống thân.

Tất cả phúc họa mà con người nhận được đều không phải ngẫu nhiên. Có câu cổ ngữ rằng: "Phúc họa không có cửa, chỉ là do con người chiêu mời đến"; "Họa do ác tạo ra, phúc do đức sinh ra".

Có thể thấy cội nguồn của phúc họa là ở nhân tâm. Khổng Tử nói: "Quân tử lo Đạo chứ không lo nghèo"; "Quân tử lòng thản nhiên, bình thản, tiểu nhân luôn lo lắng nơm nớp"; "Tự nhìn vào nội tâm phản tỉnh thì không phạm tội lỗi, như thế có gì phải lo có gì phải sợ đâu".

Quan niệm hạnh phúc của Khổng Tử là ở hoàn thiện đức tính nội tại, chỉ có bậc chính nhân quân tử thực hiện đạo nghĩa thì mới có thể được hưởng hạnh phúc vô tận.

Tôn Tư Mạc – y học gia, dưỡng sinh gia đời Đường, đã viết trong "Phúc thọ luận" rằng: "Phúc là tích lũy của việc thiện; họa là tích lũy của việc bất thiện"; "Phúc có thể dùng thiện lấy được".

Ông chỉ ra, phúc là tu được từ thiện, hành thiện tích đức, coi việc giúp người làm niềm vui, không chỉ khiến bản thân tăng thêm phúc phận, mà còn tạo phúc cho con cháu đời sau. Nếu một người không có phẩm hạnh, không có đức hạnh, tác oai tác quái, dục niệm tà ác, thì họa cũng theo đó mà đến, mà không có hạnh phúc đích thực. Do đó vô đức tức là vô phúc, đức hạnh là tiền đề của phúc, đề xướng con người cần phải tu đức hướng thiện, không ngừng nâng cao tu dưỡng đạo đức thì sẽ có được hạnh phúc, sẽ có được phúc đức và phúc báo.

Ngọc Liên

Tuesday, 10 January 2023

QUẬY

Tôi vừa nhận được một e-mail của bạn bè trong đó có nhắc tới một bài báo về loại người đã được xưng tụng lên chức...via. Đọc qua tài liệu này tôi bỗng đăm chiêu hẳn ra. Dân số trên thế giới sẽ tiếp tục già đi để đạt tới đỉnh cao vào năm 2030 và vào cuối thế kỷ này, hơn một phần ba dân số sẽ ở vào lứa tuổi trên 60.


Sáu mươi được coi là già, như vậy tôi già lâu rồi! Nghe chữ "già" thấy như hết hơi, nản vô cùng. Bởi vậy nên tôi vẫn hư hư thực thực nói mình không già, chỉ thêm tuổi. Thêm tuổi là chuyện của trời đất, chịu, chẳng làm chi được. Nhưng già là chuyện của con người, muốn hay không tùy người. Muốn trịnh trọng, nguyên tắc, đi đứng chậm rãi, khệnh khạng, lúc nào cũng muốn mang tuổi tác ra đè đầu thiên hạ thì già đứt đuôi. Nhưng cứ vui vẻ sống, phớt lờ anh thời gian, có bao nhiêu sáu mươi năm cuộc đời, thì già sao được.

Trên tạp chí Nature, Giáo sư kinh tế Warren Sanderson thuộc Đại học Stony Brook ở New York với sự cộng tác của nhóm nghiên cứu dân số thế giới thuộc Institut Démographique de Vienne, Áo, đã đưa ra nhận định: trong thế kỷ này, tỉ số những người hơn 60 tuổi trên thế giới sẽ tăng gấp ba, từ 10% vào năm 2000 lên tới 32% vào năm 2100. Cũng theo nghiên cứu này thì 50% cao niên trong độ tuổi từ 60 đến 75 sẽ có sức khỏe tốt.
Chúng ta mới ở vào mười năm đầu của thế kỷ 21 mà nghe ra nhận xét này coi bộ đã đúng. Thế giới của những người cao tuổi, tưởng là phải trầm lặng, yên ắng để sửa soạn cho cuộc triệt thoái khỏi cuộc sống được êm ả, hóa ra lại ồn ào và vui vẻ hết sức. Vui nhất là lãnh vực mặn mà nhất của cuộc sống: tình dục!

Một cuộc khảo sát của tạp chí Y Học tại Anh đã đưa ra kết luận: 40% cụ ông trong độ tuổi từ 75 đến 85 vẫn hoạt động tình dục trong khi chỉ có 20% các cụ bà cùng độ tuổi vẫn sex thôi. Tôi rất tâm đắc với kết quả này. Có lẽ như thế thật. Hầu như chúng ta vẫn  nghĩ một cách sai lầm rằng tới tuổi...hạc thì còn bay biếc chi nữa. Cứ nằm mà thở thôi. Mới đây, tại một buổi họp mặt, tôi ngồi cạnh một anh bạn ca sĩ giọng hát còn mạnh mẽ lắm. Vô ý ngồi gần loa phóng thanh có thể rách màng nhĩ như chơi. Nói chuyện con cái, anh cho biết con cái đã ra riêng hết dù có gia đình riêng hay chưa. Vậy là vợ chồng son rồi còn chi nữa, tôi giỡn. Son mẹ chi nữa mà son, bây giờ là độc thân! Hai vợ chồng trong căn nhà trống hốc trống hoác dư phòng ngủ. Mỗi người một phòng, mạnh ai nấy ngáy, chẳng ai làm phiền ai, khỏe ru! Anh bạn tôi chắc thuộc vào phía 60% đi vào cái tuổi... mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh. Phía 40% kia nhộn nhạo hơi nhiều.

Phe phái quậy có rất nhiều màn trình diễn. Màn nào cũng tới bến. Màn mới toang là màn ông bạn của Tổng Thống Robert Mugabe xứ Zimbabwe mượn đỡ vợ của Tổng Thống. Ông Tổng Thống nay đã 86 tuổi bị cắm một cái sừng khá lớn. Người tặng sừng cho ông  là ông bạn rất thân đang là Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương tên Gideon Gono. Đường đường là một nguyên thủ quốc gia mà đi đâu người ta cũng nhìn thấy cặp sừng thì coi sao được. Ông tonton quyền uy ngất trời 86 tuổi này chắc sẽ không để yên. Trước đây đã hai lần bà vợ Grace của ông cũng đã tặng sừng cho ông. Cả hai tên dám cả gan vuốt râu cọp đã đền nợ tình. Một ông bị xe hơi cán và một ông phải chạy thí mạng cùi ra khỏi nước. Lần này không hiểu ông sẽ xử sự ra sao với ông bạn thân. Thực ra ông nên chĩa mũi dao vào bà vợ mới phải. Mà cũng không được vì bà này mới 45 tuổi, kém ông 41 tuổi, ông làm sao nhảy cùng nhịp với bà được. Chắc ông phải tự đấm ngực mới đúng. Ai bảo ông lấy vợ trẻ. Ông phải đấm ngực thêm vì bà này trước đây là vợ của một sĩ quan không quân, bị ông dùng quyền thế cuỗm khỏi tay chồng bà ta. Rắc rối cái tội thích chơi trống bỏi!

Rắc rối như thế nào? Một anh sinh viên bắt bồ với cô vợ trẻ của vị giáo sư trường Luật. Giáo sư đã 75 tuổi nhưng cô vợ mới 20 cái xuân xanh. Mối tình này các sinh viên đều biết nhưng vị giáo sư, có lẽ vì  mê cô vợ trẻ quá, nên nghe đồn mà không tin. Kỳ thi cuối năm, anh sinh viên cắm sừng ông thầy này mải mê chuyện tình, không chú ý học hành, nên bị vị giáo sư đánh rớt. Vốn tinh quái, anh sinh viên nói: "Thưa giáo sư, nếu em hỏi lại giáo sư một câu mà giáo sư không trả lời được, giáo sư có cho em đậu không?". Vị giáo sư, vốn tự hào về kiến thức của mình, nên bằng lòng. Anh sinh viên hỏi: "Thưa thầy, việc gì hợp pháp nhưng không hợp lý, việc gì hợp lý nhưng không hợp pháp, việc gì vừa không hợp lý vừa không hợp pháp?". Vị giáo sư ngồi lặng suy nghĩ, cuối cùng chịu không trả lời được. Đành phải cho anh sinh viên tinh quái này đậu. Sau đó, ông gọi mấy học trò ruột của mình tới để hỏi. Vừa nghe câu hỏi, tất cả các sinh viên có mặt đều giơ tay xin trả lời. Ngạc nhiên, sao chúng thông minh thế, vị giáo sư chỉ một anh đứng lên nói. Anh này thưa: "Thưa thầy, câu hỏi này cũng dễ thôi. Xin thầy bỏ qua cho câu trả lời này thì em mới dám nói". Vị giáo sư đồng ý. Anh sinh viên, mắt không nhìn thầy, nói ngay: "Như thầy biết đó, thầy đã 75 tuổi mà cưới cô mới có 20 tuổi là hợp pháp nhưng không hợp lý; cô bắt bồ với một anh sinh viên 22 tuổi là hợp lý nhưng không hợp pháp; còn thầy đã đánh rớt tình địch của thầy rồi lại cho đậu thì vừa không hợp lý vừa không hợp pháp!".

Chuyện quậy của các bậc trưởng thượng ham vui là chuyện không hợp pháp mà cũng không hợp lý. Chẳng hợp hiếc chi nhưng có nhiều cụ đạp trên dư luận mà sống với nhịp đập của con tim. Tới tuổi trên bát tuần rồi thì còn coi cái thế giới này ra cái quái gì nữa. Cụ muốn làm chi thì làm!

Cụ bà Đỗ Thị Tân, 80 tuổi, coi dư luận như thứ đồ bỏ. Cụ yêu công khai, có thông báo đàng hoàng. Cụ ly dị ông chồng vũ phu từ mười năm nay, và cũng từ mười năm nay cụ tìm những chàng trai trẻ độc thân. Có cháu có chắt, cụ vẫn không ngại chụp hình bán khỏa thân để quảng cáo hàng họ. Thú thật, nhìn ảnh cụ, tôi thấy cụ can đảm. Chẳng thèm che dấu chi, cụ thoải mái thả mướp trước ống kính của máy hình. Hàng họ như vậy mà mang ra chiêu hàng kể cũng đầy tự tin. Trước cửa nhà, cụ thuê họa sĩ vẽ một tấm biển nổi bật với tất cả các chữ đều tô màu đỏ rực. Phía trên là dòng chữ: "Biển yêu – 47 Bát Sứ, Hà Nội". Ngay phía dưới có thêm những chữ: "Tình yêu không biên giới". Cụ không cho ghi thêm là "biên giới tuổi tác" nhưng tôn chỉ của cụ là chỉ săn các chàng trai trẻ. Cụ ấn định độ tuổi đàng hoàng: từ 25 tới 30. Không phải chỉ cần trẻ mà cụ còn phán thêm nhiều điều kiện nữa. Tiêu chuẩn được cụ công bố là: chưa vợ, hiện tại không người yêu, có bằng cấp, trình độ và thu nhập khoảng 3 đến 4 triệu một tháng. Cụ lý luận: nếu lấy người lớn tuổi phải hầu hạ người ta, mệt lắm; nếu lấy người không có thu nhập, người ta sẽ lợi dụng. Cụ khó như vậy nên chắc chẳng ma nào...ứng tuyển. Đừng nghĩ vậy mà lầm! Trong 10 năm đã có 10 thanh niên xin làm người tình của cụ. Được người tình nào, cụ viết tên người đó trên bảng treo trước cửa. Thôi nhau rồi, cụ vẫn để nguyên tên, khi có người mới kế tiếp cụ mới thay tên trên bảng! Có người cắc cớ hỏi cụ tuổi tác như vậy còn làm ăn chi được mà tình với yêu. Cụ đối đáp ngay: "Việc đó vẫn bình thường như mọi người thôi. Yêu mà được sống với nhau là hạnh phúc rồi, không nên lấy những chuyện đó làm trọng. Mà nếu cần, mình chỉ cần chịu khó tẩm bổ là tất cả sẽ ổn".

Một ông bạn già độc thân vui tính của tôi vừa e-mail cho biết hiện ông đang ở Việt Nam. Liên lạc với nhau thường xuyên ở Montreal, đang tính ới ông đi uống cà phê, vậy mà ông lẻn về lúc nào không ai biết. Có lẽ tôi phải thúc ông đi Hà Nội, tới phố Bát Sứ, số nhà 47, gặp cụ Đỗ Thị Tân coi có trúng tuyển được không. Ấy, chắc không được. Bạn tôi đâu có còn ở tuổi hăm lăm, ba mươi! Đôi khi tôi cứ quên trước quên sau như vậy.

Quên là một chỉ dấu của già. Người ta vẫn thường ngầm tin như vậy. Có thể đúng mà cũng có thể không đúng. Nếu lăng nhăng ngoài vòng hôn nhân mà quên trước quên sau ắt sẽ có ngày bị lộ tẩy. Ông Nguyễn Đình T. ở quận Đống Đa, Hà Nội, tuy đã bước sang tuổi bảy chục nhưng vẫn không hề quên. Ông tính trước tính sau đâu ra đó để qua mặt được vợ con cái một. Ông là một người tráng kiện nên tuy đã bước tới tuổi nhân gian hiếm mà nhu cầu tình dục của ông vẫn còn mạnh mẽ. Bà vợ ông, ít tuổi hơn, nhưng coi chuyện vớ vẩn đó là một điều xấu hổ. Súng tốt, đạn dược đầy đủ mà chiến trường không có, bắn biếc chi được. Vậy là ông...bí. Bí nên bẳn gắt. Cuộc sống thường nhật lúc nào cũng có chuyện cãi vã. Để bớt tù túng, ông theo đám bạn già đi tập thể dục. Ra công viên múa may với nhau thì có tốn kém chi. Vậy mà càng ngày càng tốn. Tiền hưu trước đây ông thường trích một phần ra đưa cho bà, nay ông lờ đi. Thỉnh thoảng ông lại xin con cái vài triệu. Càng ngày cái "thỉnh thoảng" càng co lại. Riết rồi thành thường xuyên. Con cái đặt dấu hỏi. Chẳng lẽ chuyện thù tạc bạn bè lại tốn kém đến thế? Họ bèn thuê thám tử tư theo dõi. Kết quả cho biết là ông thường xuyên đi tập thể dục trên giường với một cô gái trẻ tại nhà nghỉ. Thể dục kiểu riêng tư như vậy ắt phải có tiền, ngày càng nhiều. Viện trợ của con cái bị cúp cái rụp. Ông hết vi vu.

Hết vi vu không có nghĩa là hết quậy. Một ông 66 tuổi ở Sarawak, Malaysia, được dấu tên, góa vợ. Mười hai năm trước, ông gặp bà Chia, kém ông 5 tuổi, người cùng làng và hai người đi thêm bước nữa. Họ sống với nhau rất hòa thuận. Chỉ được 8 năm. Cho tới khi ông hết xí quách, chẳng làm ăn chi được. Như người ta thì thôi yên bề tình già với nhau. Bà vợ cũng chẳng thắc mắc chi. Nhưng ông nội này không yên được. Ông quậy! Không còn khả năng, ông bắt bà vợ làm tình với những người ông thuê mang về. Thường là những công nhân người Indonesia. Bà Chia cho biết là vì muốn êm cửa êm nhà và vì không muốn bố mẹ bà buồn nên bà đành chấp nhận. Cứ mỗi lần xong màn trình diễn, ông ta trả công cho những người công nhân này bằng bia và thẻ điện thoại. Ông luôn đổi mới bằng những cảnh và tư thế do chính ông đạo diễn. Và cũng chính ông dùng máy quay phim để quay những cảnh này. Đầu tiên, phim trường làm việc mỗi tháng một lần, sau đó ông cứ tăng dần nhịp độ tới mức mỗi tháng ông bắt vợ làm diễn viên tới 5 lần. Bà phản đối thì ông dọa sẽ tung những cảnh sex của bà ra cho mọi người coi. Bà đành chịu đựng tiếp. Cho tới khi ông có sáng kiến bắt vợ diễn tuồng với nhiều người một lúc thì bà quyết định trốn bỏ nhà ra đi. Bà lên thủ đô Kuala Lampur, tới Hiệp Hội Người Malaysia gốc Hoa để tố cáo. Cái tên Chia của bà là tên giả do Hiệp hội đặt ra để che dấu tung tích của bà.

Mới 66 tuổi mà đã xuội lơ từ 4 năm trước, nghĩa là giã từ vũ khí từ năm 62 tuổi, hơi sớm. Ông chồng bà Chia là hình ảnh của câu "lực bất tòng tâm". Vì lực bỏ cuộc quá sớm nên mới quẹo qua cái tâm bệnh hoạn.  Nếu lực vẫn cứ theo sát tâm thì già tới đâu vẫn cứ chịu chơi như thường. Ông Gong Duruo, người làng Chengde, tỉnh Hồ Bắc bên Tầu, sanh năm 1901, tới nay vẫn ngon lành. Ông là bác sĩ tây y kiêm thày thuốc đông y. Hai nền y học đông tây ông đều am tường. Vậy nên tới năm 105 tuổi, ông vẫn tuyển thê. Ông đăng báo tìm vợ cỡ tuổi bằng phân nửa tuổi của ông. Trẻ nhưng phải là người có học, nhiều kiến thức về y khoa và văn chương để cùng nhau viết sách. Không thấy ông nói viết sách gì và viết ra sao. Thôi thì cụ nói đến đâu mình hiểu tới đó, chẳng nên tò mò làm chi cho mệt. Cụ mi mí như thế này: sống dai là một chuyện, nhưng sống dai để ngồi xe lăn thì vứt đi, sống dai phải biết hưởng thú yêu đương! Hiểu ra sao và hiểu tới đâu cụ lại không nói. Đành để cụ dấu nghề vậy!

Nghề của cụ Gong Duruo bên Tầu ra sao, quên đi! Chúng ta theo các nhà khoa học qua bên Cuba còn lắm điều hay. Cuba là một xứ nghèo, nghèo đến đâu thì chính mắt tôi đã nhìn thấy ngay tại thủ đô Havana trong những lần qua xứ của anh râu xồm Fidel Castro tắm biển. Nghèo lắm! Nhưng theo thống kê thì trong số 11 triệu 200 ngàn dân tại đây thì có tới ba ngàn người thọ trên 100 tuổi. Con số này làm Giáo sư Nancy Nepumocemo phải tìm tới để làm một cuộc khảo sát. Chỗ bà giáo sư này tới là Santa Clara, nơi nổi tiếng là có nhiều người sống thọ nhất. Bà khảo sát trường hợp của 100 cụ có tuổi thọ một thế kỷ trở lên. Hơn 60% các cụ này có cha mẹ cũng thọ trên trăm tuổi. Như vậy thì thọ cũng...gia truyền chăng? Điều này có thể đúng nhưng các cụ cho hay bí quyết của họ là không uống rượu, tuy nhiên hút xì gà và uống cà phê thì líp lơ. Còn chuyện gối chăn thì rất phong phú, không thua gì hồi trẻ, thậm chí còn lãng mạn và hạnh phúc hơn nữa! Bà giáo sư này có nhận xét rất...phản khoa học như sau: thường công thức sống lâu khỏe mạnh của thế giới là sinh hoạt điều độ, ăn uống chay tịnh, chăn gối cầm chừng, nhưng dân Cuba thì ngược lại, cà phê thả dàn, xì gà liên tu bất tận và chăn gối thoải mái!

Sống vui như những cụ bên Cuba không phải là sống quậy. Quậy là làm chuyện khác người, đúng hơn là chơi nổi hơn những người xung quanh. Quậy như hai ông già David Bozdoganov và Shigeo Tukada là quậy tới bến. Hai ông cùng tuổi 75, không cùng quốc tịch, ông Bozdoganov người Nga và ông  Tukada người Nhật, nhưng cùng một nghề, nghề đóng phim sex khi tuổi đã già!

Chàng tuổi già David Bozdoganov không già chút nào. Người ông rất đô con và khả năng đánh cờ người của ông thì các chàng trẻ tuổi chạy mướt mồ hôi cũng không theo kịp. Chuyện khởi nghiệp của ông bắt đầu một cách tình cờ. Ông tới dự tuyển tại hãng phim Gorodcki về một chuyện khác: "Mới đầu tôi cứ nghĩ hãng Gorodcki tìm người cho chương trình "Những người đàn ông đô con", vì thế, dù tuổi cao sức yếu nhưng tôi vẫn nhận thấy mình vẫn còn đô nên đã lọ mọ tìm đến. Trong lúc tôi đang ở trường quay thì đạo diễn Alexander Plahov bắt gặp". Anh chàng này chuyên đạo diễn các phim tươi mát. Thấy ông cụ tuy đã thất tuần nhưng cơ bắp còn quá ngon lành, có thể là một món hàng lạ và ăn khách nên chàng Alexander chớp liền. Alaxander đã bắt mạch đúng thị trường. Cứ phim nào có cụ ông David hành sự là bán đắt như tôm tươi.

Còn chuyện của cụ  Shigeo Tukada lại diễn tiến theo một lối khác. Cụ không cơ bắp như cụ David. Nhìn cụ thì cũng thấy giống như các cụ già khác ở Nhật Bản. Chẳng có chi nổi bật. Nhưng khả năng hành sự trên giường của cụ thì thầy chạy. Cụ đã hành nghề trong 15 năm liền và đã đóng 300 cuốn phim có ba chữ X! Cái nghề vui vẻ này rất hợp với cụ. Hỏi cụ tại sao lại vào cái nghề...khó khăn như vậy, cụ đáp: "Vì tôi muốn làm điều gì đó khác với những người bình thường". Vậy là quậy đứt đuôi rồi chứ còn chi nữa! Không như cụ David bên Nga, cụ Tukada không có tình cờ chi cả. Cụ tự nguyện dấn thân vào trường tranh đua với những nữ diễn viên trẻ đẹp, trẻ cỡ tuổi con cụ và trong nhiều phim cụ diễn với các em cỡ tuổi cháu cụ. Có chi phiền phức chăng? Cụ lắc đầu: "Tôi không hề cảm thấy xấu hổ, thậm chí tự tin vì không phải ai cũng làm được chuyện đó!". Trước khi trở thành "sao" ông Tukada là một hướng dẫn viên du lịch. Năm 59 tuổi, Tukada bắt đầu chuyển nghề. Tại sao lại dấn thân vào chỗ nhọc nhằn như vậy? Ông cho biết: "Vì tôi thấy chưa hài lòng với những bộ phim sex thường xem. Tôi đã tìm tới một nhà sản xuất phim để thảo luận việc làm thế nào để có những bộ phim okie hơn. Tuy nhiên, nhà sản xuất này vẫn không làm được. Cuối cùng, sau hai năm suy nghĩ, tôi quyết định cởi quần áo tự đóng phim". Hiện ông được coi như vua của loại phim tình sôi nổi này. Ngay các viện dưỡng lão tại Nhật cũng thường xuyên mua phim của cụ Tukada về chiếu cho các cụ già...học tập! Nói về tương lai, cụ tâm sự: "Nghề của tôi giúp tôi sống lâu hơn, vì vậy tôi dự định đóng phim cho tới khi 80 tuổi!".

Quậy tới vậy là hết cỡ thợ mộc. Chẳng biết nhà thơ Hồ Chí Bửu quậy tới đâu mà cũng bày đặt khoe mình quậy!

bà xã bảo ta là một trong những ông già chưa chịu chết
sống quậy linh tinh mà ca tụng đàn bà
trời ạ, làm sao cưỡng lại trái tim ham muốn
vẻ mỹ miều rực lửa của loài hoa./.

 SONG THAO

Monday, 9 January 2023

NÓI VỚI BẠn GIÀ

 NÓI VỚI BẠN GIÀ

Trần Đăng Khoa


Mấy mươi năm mải miết 

Bươn chải, theo với đời 

Phần oanh đã hết rồi 

Nay chỉ còn phần liệt 

 

Biết răng là hơn thiệt 

Danh vọng – cái phù vân 

Của cải – cái ngoài thân 

Không có chi phải xoắn! 

 

Giàu sang ngày ba bận 

Nhà rộng, một chỗ nằm 

Ăn được mới là mong 

Ngủ ngon là đáng sống 

 

Ham chi nhà to, rộng 

Quét dọn phải thuê người 

Lắm của mà ốm đau 

Ăn món chi cũng chán 

 

Đừng chi ly, tính toán 

Đừng ôm oán, chuốc hờn 

Đừng so sánh thiệt hơn 

Sống vô tư, đơn giản 

 

Ông trời đã phân phát 

Nỏ cho ai mười phần 

Có người khỏe - ngu đần 

Có người giàu – đoản thọ 

 

Nên quý cái mình có 

Đừng mơ tưởng đâu đâu 

Thêm thất vọng, thêm sầu 

Phải biết buông, biết bỏ 

 

Vui với cái mình có 

Bỏ hết cái viển vông 

Khi khỏe thì nằm dọc 

Nhọc thì cứ nằm ngang 

 

Họ giàu, họ chơi sang 

Mình nghèo, mình tiết kiệm 

Thích bơi thì xuống biển 

Thích trèo thì lên non 

 

Răng tốt, đồ cứng, giòn 

Răng yếu ta ăn súp 

Sức khỏe là số một 

Phải cố gắng chăm lo 

 

Tuổi cao như đồ cổ 

Rệu rạo theo thời gian 

Đừng than thở phàn nàn 

Tiểu đường hay huyết áp,...

 

Bao nhiêu chuyện phức tạp 

Chung sống với nó mà 

Thế mới là tuổi già 

Có chi mà phải chấp 

 

Bạn bè kêu tụ tập 

Thì cứ đến, ngại chi 

Đừng thua được, so bì 

Cho tâm hồn thư thái 

 

Cả đời vì con cháu 

Nay để chúng tự lo 

Cuộc sống sẽ dạy cho 

Đúng, sai và phải trái 

 

Sức đâu mà lo mãi 

Khi ví dẹp, lưng còng 

Báo hiếu – chớ chờ mong 

Cứ ung dung tự tại 

 

Chẳng ai sống được mãi 

Quy luật của muôn đời 

Khi hết cuộc dạo chơi 

Thì ra đi thanh thản 

 

Mỗi năm vài ba bận 

Về ngắm gà, ngửi hương 

Ngẫm lại chuyện đoạn trường

Trăm năm trong cõi Người Già

                                                          Trăm năm trong cõi người già

Chuyện gần nhớ ít, chuyện xa nhớ nhiều

Chuyện từ thời bé tẻo teo

Nhớ từng chi tiết chẳng điều nào quên

Thế mà chuyện mới kề bên

Chưa ra khỏi ngõ đã quên mất rồi

Mắt đang đeo kính hẳn hoi

Bà tưởng mất kính khắp nơi bà tìm

Tờ báo ông để ngăn trên

Ông lục ngăn dưới nên tìm chẳng ra

Chìa khóa bà để trên nhà

Bà chạy xuống bếp tìm ba bốn lần

Dép, giày ông để ngoài sân

Gầm giường ông kiếm nên lần không ra.

Gặp người hàng xóm chào qua

Nghĩ hoài không nhớ ông, bà tên chi

Thẫn thờ ngồi trước ti-vi

Mắt tuôn đầy lệ bờ mi ướt nhòe

Thương người, cám cảnh, nhớ quê

Chuyện nhà, chuyện nước khó bề ngồi im

Xem ra cảm xúc đầy mình

Dễ hờn, dễ tủi, nặng tình nghĩa nhân!

Tai nghe phải nhắc nhiều lần

Tập trung cố gắng mười phần hiểu ba

Mắt nhìn mở đến tối đa

Trông gà hóa cuốc, quạ thành đa đa

Lương hưu tưởng đã đưa bà

Ông yên chí cất đến ba, bốn ngày

Hết tiền bà giục đi vay

Giật mình thảng thốt: tiền đây thưa bà.

Bà lườm ông chỉ cười xòa

Quên tiền thì có, quên bà thì không.


(Đặng Thị Thanh An sáng tác năm 92 tuổi.)

 

 ************