Monday, 30 September 2013

Giúp người được giúp



Tại tiệm bán kem Dairy Queen tại Hopkins, MN, 1 bà vào mua hàng, đang đứng đợi, thì 1 ông khách hàng khiếm thị cũng vào mua kem, vô tình đánh rơi tờ $20, bà kia nhặt được, thay vì trả lại cho người khách hàng khiếm thị, thì bà lại cất vào ví, làm của riêng. 

Người bán hàng (manager tiệm), anh Joey Prusak, 19 tuổi, thấy được sự việc từ đầu chí cuối, sau đó nhỏ nhẹ nói với bà nầy nên trao trả $20 lại cho người khiếm thị, nhưng bà này lại không chịu. Rốt cuộc, anh Joey liền từ chối không phục vụ cho bà khách hàng tham lam này (không bán kem cho bà ta). Sau đó, Joey đã trao $20 từ tiền túi của mình cho ông khách hàng khiếm thị nói trên.

Câu chuyện không dừng lại ở đây: 1 khách hàng tình cờ chứng kiến, đã tung ra trên mạng sự việc này. Câu chuyện đến tai ông Warren Buffett, xếp của hệ thống Dairy Queen nầy. Chính ông Warren Buffett đã đích thân gọi điện thoại nói chuyện và khen ngợi nghĩa cử của Joey Prusak và mời anh này sang năm đến dự Đại Hội Cổ Đông vào tháng 5 năm 2014. Nhiều người còn đề nghị việc làm cho anh, hỗ trợ tiền để anh nầy học đại học.

Ghi chú: Joey đã làm việc tại tiệm kem này từ lúc anh mới 14 tuổi, hiện đang theo học đại học.

Sunday, 29 September 2013

Thư của người Cha



Tôn Vận Tuyền ( Sun Yun-Suan, 10/11/1913 - 15/2 /2006), một nhà kinh tế, một chính trị gia Đài Loan, xuất thân là kỹ sư, quê ở Bồng Lai, Sơn Tây (Trung Quốc). Ông tốt nghiệp ngành Công nghệ điện tại Đại học Công nghệ Harbin (Harbin Institute of Technology). Từ năm 1937 đến 1940 ông làm việc tại Hội đồng tài nguyên quốc gia (National Resources Commission). 

Ông được gửi đi tu nghiệp tại Tennessee Valley Authority (Hoa Kỳ) từ năm 1943 đến 1945. Ông làm Bộ trưởng gần 20 năm ở các Bộ Giao thông vận tải, Truyền thông và Kinh tế . Ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế từ năm 1969 đến 1978, sau đó được bầu làm Thủ tướng Đài Loan (Premier of the Republic of China ) từ năm 1978 đến 1984. Ông có công xây dựng Mười dự án siêu cấu trúc, trong đó có sân bay quốc tế Chiang Kai-shek International, Nhà máy Điện hạt nhân số 1, đường cao tốc Quốc gia Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen National Expressway) Viện nghiên cứu Công nghiệp Quốc gia (Industrial Technology Research Institute) và Công viên Công nghệ khoa học Tân Trúc (Hsinchu Science-based Industrial Park)... 

Nhờ những biến đổi có tính cách mạng này mà từ những năm 60 của thế kỷ trước, Đài Loan đã trở thành nơi xuất khẩu mạnh mẽ các loại hàng dệt may, giầy dép, đồ nhựa, nông sản phẩm, công nghệ hóa dầu, thiết bị cơ khí và đặc biệt là các linh kiện điện tử. Ông được coi là một trong những người tạo ra sự bứt phá về Công nghệ và Kinh tế ở Đài Loan .

Ngày 24 tháng hai năm 1984 ông bị đột quỵ do xuất huyết não và sau khi phục hồi chỉ có thể ngồi trên xe lăn. Tháng 2 năm 2006 do bị biến chứng, ông đã qua đời tại Đài Bắc, hưởng thọ 92 tuổi . Ngoài các trước tác về Kinh tế, Chính trị, tôi quan tâm đến một bức thư ông để lại cho các con của ông. Một bức thư giản dị nhưng thật chân tình và sâu sắc. Tôi xin phép được giới thiệu lại cùng các bạn bức thư này:

Các con thân mến,

Viết những điều căn dặn này, cha dựa trên ba nguyên tắc như sau :

1. Đời sống là vô thường, không ai biết trước mình sống được bao lâu, có những việc cần, nếu được nói ra sớm để hiểu thì hay hơn.

2. Cha là Cha của các con, nếu không nói ra thì chắc không ai nói rõ với các con những việc này đâu!

3. Những điều căn dặn để ghi nhớ này là kết quả của bao kinh nghiệm xương máu, thất bại đắng cay trong cuộc đời của chính bản thân mà Cha ghi nhận được, Nó sẽ giúp các con tránh những nhầm lẫn hoang phí trên con đường trưởng thành của các con.

Dưới đây là những điều nên ghi nhớ trong cuộc đời :

1. Nếu có người đối xử với con không tốt, đừng thèm để tâm cho mất thời giờ. Trong cuộc đời nầy, không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con cả, ngoại trừ cha và mẹ của các con. Nếu có người đối xử tốt với con, ngoài việc các con phải biết ơn, trân quý, các con cũng nên thận trọng một chút, vì người đời thường làm việc gì cũng có mục đích của nó, chớ có vội vàng cho là bạn tốt của mình ngay.

2.Không có người nào mà không thể thay thế được cả; không có vật gì mà nhất thiết phải sở hữu, bám chặt lấy nó. Nếu hiểu rõ được nguyên lý nầy, thì sau nầy trong cuộc đời, lỡ người bạn đời không còn muốn cùng đi trọn cuộc đời, hay vì lý do gì con bị mất đi những gì trân quý nhất trong đời con, thì cũng nên hiểu: đó cũng không phải là chuyện trời sập.

3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay ta để lãng phi thời gian, mai đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi!. Cho nên, nếu ta càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm thì ta được tận hưởng cuộc đời mình càng nhiều hơn. Trông mong được sống trường thọ, chi bằng mình cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.

4.Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời, cảm giác nầy tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà biến thiên, thay đổi. Nều người yêu bất diệt rời bỏ con rồi, hãy chịu khó nhẫn nại một chút, để thời gian dần dần trôi qua, để tâm tư mình từ từ lắng đọng, cái đau khổ cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp cái ảo ảnh yêu thương mãi, cũng không nên quá bi lụy vì thất tình.

5. Tuy có nhiều người trên thế giới này thành công, nổi tiếng mà chẳng có học hành nhiều, chẳng có bằng cấp cao, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là không cần học hành nhiều sẽ thành công. Kiến thức đạt được do việc học hành, giáo dục là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ kỷ điều nầy !

6. Cha không yêu cầu các con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại của cha sau nầy. Ngược lại, cha cũng không thể bao bọc nữa quãng đời sau này của các con. Lúc các con đã trưởng thành, độc lập, đó cũng là lúc cha đã làm tròn thiên chức của mình. Sau nầy các con có đi xe Bus công cộng hay đi Auto nhà, các con ăn soup vây cá hay ăn mì gói, đều là trách nhiệm của các con.

7. Các con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Các con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử TỐT với mình. Mình đối xử người ta thế nào, không có nghĩa là người ta sẽ đối xử lại mình như thế , nếu không hiểu rõ được điều nầy, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình.

8.Trong mười mấy, hai mươi năm nay, có người tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng tay, điều nầy chứng minh: muốn phát đạt, phải siêng năng làm ăn mới khá được. Trên thế gian nầy không có cái gì là miễn phí cả.

9. Sum họp gia đình, thân thích đều là duyên phận, bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống chung với nhau được bao lâu, như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian chúng ta được chung sống với nhau, kiếp sau (nếu có), dù ta có thương hay không thương, cũng không có dịp gặp lại nhau đâu


Monday, 23 September 2013

Friday, 6 September 2013

Chìa khóa hạnh phúc



"Một người biết nắm chắc chìa khóa niềm vui hạnh phúc của mình thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui".

     Phóng viên nổi tiếng Sydney Harries và một người bạn dừng chân mua báo ở một quầy bán báo, người bạn mua xong rất lịch sự nói lời "Cám ơn!" nhưng người chủ quầy báo thì ngược lại, mặt lạnh như tiền, một tiếng cũng không thèm mở miệng.

 Hai người rời quầy báo tiếp tục đi về phía trước, Sydney Harries hỏi:
  - Ông chủ đó thái độ kỳ quái quá phải không?
- Cứ mỗi buổi tối là anh ta đều như vậy cả - Người bạn đáp lại.
- Như vậy, tại sao bạn lại đối xử tử tế với ông ta chứ? - Sydney Harries lại hỏi tiếp
- Tại sao tôi để ông ta quyết định hành vi của tôi chứ? - Người bạn trả lời.

  Một người biết nắm chắc chìa khóa niềm vui của mình, thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn có khả năng đem niềm vui đến cho người khác. Trong tâm của mỗi người đều có "Chiếc chìa khóa của niềm vui hạnh phúc", nhưng chúng ta lại không biết nắm giữ mà đem giao cho người khác cầm giữ.

- Một người phụ nữ thường than phiền trách móc: "Tôi sống rất buồn khổ, vì chồng tôi thường vắng nhà!", cô ta đã đem chìa khóa niềm vui của mình đặt vào tay chồng.

- Một người mẹ khác thì nói: "Con trai tôi không biết nghe lời, làm cho tôi thường xuyên nổi giận!", bà đã trao chìa khóa niềm vui của mình vào tay con trai.

- Một vị trung niên của một công ty thở dài nói: "Công ty không thăng chức cho tôi, làm tinh thần tôi giảm sút...!", anh ta lại đem chìa khóa niềm vui của cuộc đời mình nhét vào tay ông chủ. 
  - Bà cụ kia than thở: "Con dâu tôi không hiếu thuận, cuộc đời tôi sao mà khổ!".  
- Một thanh niên trẻ từ tiệm sách bước ra la lên: "Thái độ phục vụ của ông chủ đó thật đáng ghét...".
 
 Những người này đều có một quyết định giống nhau, đó là để người khác chế ngự tình cảm của mình. Lúc chúng ta cho phép người khác điều khiển và chế ngự tinh thần chúng ta, chúng ta có cảm giác như mình là người bị hại, đối với tình huống hiện tại không có phương pháp nào khác nên trách móc và căm giận, việc này trở thành sự lựa chọn duy nhất của chúng ta.

   Chúng ta bắt đầu trách móc người khác đồng thời chúng ta cũng truyền tải một yêu cầu là: "Tôi khổ như vậy là do người khác và họ phải chịu trách nhiệm về nỗi khổ này!". Lúc đó chúng ta đem trách nhiệm trọng đại phó thác cho những người xung quanh và yêu cầu họ làm cho chúng ta vui.

Chúng ta dường như thừa nhận mình không có khả năng tự chủ lấy mình, mà chỉ có thể nhờ người nào đó xếp đặt và chi phối mình. Những người như vậy khiến nhiều người không muốn tiếp xúc, gần gũi, lý do đơn giản là bởi khi nhìn thấy họ ta chỉ thấy toàn sự trách móc, giận hờn.

  Nhưng, một người biết nắm chắc chiếc chìa khóa niềm vui của mình thì người đó không đợi chờ người khác làm cho mình vui mà ngược lại mình còn có khả năng đem niềm vui đến cho người khác. Tinh thần người đó ổn định, biết chịu trách nhiệm về chính mình không đổ lỗi cho người khác; biết làm chủ xúc cảm và biết tạo, cũng như giữ được niềm vui cho chính mình.

Như thế thì trong cuộc sống và công việc hằng ngày, người đó sẽ luôn thảnh thơi, vui vẻ và không bị áp lực từ người khác.

   Chiếc chìa khóa niềm vui của bạn ở đâu rồi? Đang nằm trong tay người khác phải không? Hãy nhanh lên mà lấy lại bạn nhé!

   Chúc mọi người đều giữ được chiếc chìa khóa niềm vui hạnh phúc của mình!

   Haley
(Dịch từ Life-goal)