Tối thứ ba tuần trước, sau khi gửi
ý kiến về Lá Diêu Bông vào D Đ, tôi đi ngủ rất ngon đến hơn 6 giờ sang, dậy đi
tắm và sửa soạn đi làm, cảm thấy thoải mái bình thường, không có triệu chứng gì
khác lạ. Khoảng 7 giờ hơn, khi với tay tắt ngọn đèn trên đầu tủ (hơi cao), tôi
bỗng thấy mặt nóng bừng, mồ hôi toát ra, hai cánh tay rã rời như vừa khiêng vác
vật nặng quá sức. Khi đó, tôi hơi nghi là bị stroke (đứt hoặc nghẽn mạch máu dẫn
vào óc), liền lấy máy đo huyết áp, thấy rất cao, khoảng 180/100. Tôi vội lấy 2
viên thuốc chống cao máu uống liền một lúc. (Tiếc rằng nhà không có sẵn
aspirin).
Ngay sau đó, tôi xuống cầu thang
thì bắt đầu thấy tức ngực, đau khoảng giữa lồng ngực, nửa như đau bao tử (xót
bao tử khi đói), nửa như bị ai đấm vào chấn thủy. Nhìn vào gương, cười, nói, dơ
tay lên xuống thì không thấy có gì biến đổi hay khó khăn, không nhức đầu chóng
mặt, hát thử vài câu vẫn thấy dở như thường, nghĩa là không có những triệu chứng
của stroke. Tôi liền nghĩ ngay đến heart attack (cơn đau tim), chứ không phải
stroke. Không chần chờ nữa, tôi gọi số cấp cứu 911 ngay. Lúc đó vào khoảng 7 giờ
20, chỉ chừng 10 phút sau khi tôi nhận thấy triệu chứng khó chịu đầu tiên.
Qua điện thoại, nhân viên cấp cứu bảo
tôi ngồi hoặc nằm ở tư thế nào thấy thoải mái nhất, nhờ người nhà lấy tất cả những
thứ thuốc tôi đang uống để sẵn, và để ngỏ cửa vào nhà. Khi đó tôi vẫn tỉnh táo,
đọc tên từng loại thuốc và liều lượng đang uống cho họ, nhưng rất khó thở và
hai cánh tay rất mỏi. Vẫn không thấy nhức đầu và không nói líu lưỡi (không phải
stroke).
Chừng 5 phút sau, xe cấp cứu tới.
Người paramedic (chuyên viên cấp cứu) cho tôi nhai ngay chừng 5 hay 6 viên baby
aspirin (loại 81 mg), nhai rồi nuốt trửng chứ không chiêu với nước để cho thuốc
thấm theo nước miếng vào các mạch máu nhỏ dưới lưỡi, mục đích là làm cho máu
loãng ra. Đồng thời họ xịt Nitroglycerin lỏng vào dưới lưỡi tôi ba lần, mỗi lần
cách nhau chừng 5 phút, để cho các mạch máu giãn nở (không được dùng quá 3 lần,
kẻo sự giãn nở mạch máu quá đáng, có thể gây stroke). Tôi thấy bớt tức ngực, thở
dễ hơn, nhưng hai cánh tay vẫn rã rời. Trái lại, đầu óc tỉnh táo, không nhức đầu,
và chân đi vẫn vững vàng (không stroke).
Chừng 5 phút sau, xe cứu thương tới.
Tôi đã cảm thấy dễ thở hơn và có thể tự đi ra trèo lên băng-ca cấp cứu. Trên đường
vào vào bệnh viện, tôi để ý thấy xe không hụ còi - có nghĩa là không có gì khẩn
cấp lắm. Trên xe, người paramedic hỏi chuyện tôi liên tục, mục đích là coi tôi
có tỉnh táo, có bị stroke khiến nói ngọng không. Có người vừa bị heart attack vừa
bị stroke, rất nguy hiểm.
Khoảng 15 phút sau đến bệnh viện, họ
đưa tôi vào khu cấp cứu, có bác sĩ chăm sóc ngay lập tức. Họ tiếp "nước biển"
hòa thuốc làm loãng máu và làm tan máu đông (blood clots), morphine làm bớt
đau, chụp quang tuyến X lồng ngực để tìm dấu vết sưng phổi nếu có (pneumonia),
đo tâm động đồ (EKG). Đồng thời họ cho thử máu để tìm chỉ số enzyme định bệnh
tim. Khi tim bị thiếu máu, tim sẽ tiết ra loại enzyme này. Nếu chỉ số enzyme
cao tức là bệnh nhân đã bị heart attack. Lần đầu, có lẽ vì thử nghiệm quá sớm,
nên chỉ số không cao. Họ chờ 2 tiếng sau thử lại, thì mới rõ ràng là bị heart
attack. Vì nhịp tim của tôi đập không quá nguy cấp, nên bác sĩ không mổ ngay.
Trong thời gian đó, tuy vẫn nằm ở khu cấp cứu, nhưng tôi rất tỉnh táo, bớt đau
ngực và tay, và còn có thể lấy smart phone ra trả lời ngắn gọn một hai emails.
Lạ một điều là tâm động đồ làm mấy
lần đều không có dấu hiệu heart attack rõ ràng. Sau này bác sĩ giải thích rằng
bắp thịt tim tôi chưa bị hư hại và còn hoạt động mạnh dù bị attacked, có lẽ nhờ
vào việc tôi bơi lội thường xuyên (tôi thường bơi 40 đến 60 chiều dài hồ bơi
trong một giờ, một hai lần mỗi tuần - nhưng từ sáu tháng nay bận nhiều việc quá
nên chuồn, không bơi, không tập thể dục gì hết!).
Khoảng 3 giờ chiều thì bác sĩ
chuyên khoa tim quyết định làm phẫu thuật thông mạch máu tim (angioplasty).
Theo kỹ thuật này, bác sĩ cắt một lỗ rất nhỏ ở mạch máu gần háng hay cổ tay -
trường hợp của tôi bác sĩ cắt ở cổ tay - rồi luồn một camera cực nhỏ ở đầu một
catheter (ống mềm rất mảnh) đưa vào đến động mạch tim. Camera sẽ chiếu lên màn ảnh
computer lớn như TV cỡ 60" để cho thấy chỗ bị tắc nghẽn. Khi đó tôi vẫn tỉnh,
chỉ hơi mơ mơ buồn ngủ do được chích thuốc an thần, không làm mê hoàn toàn, và
không cảm thấy đau đớn gì hết. Khi tìm ra chổ mạch máu nghẽn, bác sĩ sẽ "bắn"
cho cục máu đông (blood clot) tan ra, rồi đẩy một "bong bóng" (balloon)
vào chỗ đó, xong bơm cho bong bóng căng lên, làm phồng khúc mạch máu nghẹt khiến
cho máu thông dễ dàng, trước khi xì hơi bong bóng, còn để lại một "giàn lưới"
(stent) hình ống, nằm lót bên trong nhằm căng khúc mạch máu đó ra. Lưới sẽ nằm
vĩnh viễn trong mạch máu tim, nên bệnh nhân sẽ phải uống thuốc làm loãng máu
dài dài, nếu không, máu đông có thể kẹt vào đó làm heart attack nữa!
Cuộc giải phẫu, ban đầu dự tính chừng
45 phút, đúng hai giờ mới xong! Mà vẫn còn hai mạch máu nữa chưa được thông,
nên vài tuần nữa tôi sẽ phải vào bệnh viện làm tiếp. Tuy nhiên, lần sau sẽ dễ
dàng hơn nhiều, có thể làm xong trong ngày, trừ khi tôi để cho bị heart attack
nữa. Sau khi mạch máu tim được thông, tôi cảm thấy dễ chịu ngay lập tức. Hai
cánh tay hết mỏi rã rời, ngực hết tức, nhịp thở gần bình thường trở lại.
Bác sĩ đã mổ từ mạch máu ở cổ tay
tôi, luồn vào tim, nên tôi mau hồi phục hơn là mổ từ dưới háng. Sau ba ngày, mở
băng ra, cổ tay tôi chỉ còn vết đóng vảy cỡ như bị con kiến lửa cắn rồi mình
gãi ra mà thôi! Tuy nhiên, dọc theo cánh tay có vết bầm phía bên trong, chắc là
do đường ống luồn qua gây nên. Không đau đớn gì cả. Tim không có cảm giác gì mới
lạ, vẫn yêu, thương, hờn, giận... như thường! Đặc biệt là sau khi được thông mạch
máu tim, huyết áp của tôi xuống và nằm ở mức rất tốt, rất ổn định. Bác sĩ giải
thích là do mạch máu được thông nên tim đỡ phải làm việc nhiều, không cần bơm
máu mạnh như trước nữa, nên áp suất nén vào thành mạch máu cũng giảm đi. Thật
là một công đôi việc!
Qua tai biến này, tôi rút ra được
vài kinh nghiệm quý báu như sau:
Thứ nhất, BÌNH TĨNH MÀ RUN! Đúng vậy,
ai mà không run khi nghĩ đùng một cái mình đang bị một trong hai chứng bệnh giết
người nhiều nhất và nhanh chóng nhất: Heart attack đứng đầu, stroke thứ ba, chỉ
sau ung thư. Nhưng phải thật bình tĩnh và tỉnh táo để không lãng phí từng giây
phút và làm bệnh thêm trầm trọng.
Thứ hai, NGƯNG MỌI HOẠT ĐỘNG VÀ ĐỂ
Ý NGAY KHI CÓ TRIỆU CHỨNG LẠ THỨ NHẤT (trường hợp tôi là toát mồ hôi dù buổi
sáng khá lạnh). Nếu đang lái xe, cần phải tìm chỗ an toàn đậu lại ngay. Chú ý:
Nếu có cell phone, luôn luôn mang bên mình, không để trong cặp hay giỏ đàng sau
cóp xe.
Thứ ba: GỌI CẤP CỨU NGAY KHI CÓ NHIỀU
HƠN MỘT TRIỆU CHỨNG LẠ của stroke hay heart attack (thí dụ: cánh tay mỏi rã, tức
ngực, ngay sau khi toát mồ hôi). Ở Mỹ: Không nên nhờ người nhà chở vô nhà
thương, mà phải gọi 911. Lý do: bệnh viện có bổn phận phải cấp cứu ngay lập tức
khi tiếp nhận một bệnh nhân do 911 đưa tới. Người paramedic đưa mình tới phải
chờ cho đến khi thấy mình được chăm sóc bởi bác sĩ, rồi mới đi được. Nếu mình tự
tới xin cấp cứu, trừ khi bị thương máu me đầm đìa như bị đụng xe, còn không sẽ
phải làm nhiều thủ tục và chờ đợi trước khi được cấp cứu. Nếu bị
stroke hay heart attack mà mất chừng
15 phút là nguy lắm rồi.
Thứ tư: Cố gắng PHÂN BIỆT CÁC TRIỆU
CHỨNG GIỮA STROKE VÀ HEART ATTACK. Khi chuyên viên cấp cứu đến nhà, cố gắng trả
lời rõ ràng sao cho họ có thể hướng sự cấp cứu về một loại tai biến: Stroke hay
Heart Attack. Lý do: những giây phút cấp cứu đầu tiên là cực kỳ quan trọng. Nếu
không phải stroke vì máu nghẽn, mà vì đứt mạch máu, nhức đầu mạnh, mạch máu
chính trên đầu bị bể, mà nhân viên cấp cứu cho thêm aspirin làm loãng máu,
nitroglycerin làm giãn mạch... thì tiêu luôn tại chỗ! Theo các bác sĩ, khi thiếu
máu vào nuôi, tế bào óc sẽ chết mau hơn tế bào tim nhiều.
Do đó, nếu nhân viên cấp cứu tin là
bệnh nhân bị stroke do đứt, bể mạch máu thì nhiều phần là họ sẽ lo chở bệnh
nhân vào bệnh viện thật sớm (bây giờ ở Mỹ và các nước tiên tiến có thuốc chích
có thể hồi phục stroke, nếu được chích trong vòng một, hai giờ kể từ khi có triệu
chứng đầu tiên, càng sớm càng tốt.) Nếu tin là heart attack thì họ sẽ thử làm
cho máu loãng và mạch nở tại chỗ, mất chừng 10 phút trước khi họ chở đi. Mười
phút phù du đầu tiên đó quý giá bằng 10 năm hay có thể bằng cả quãng đời còn lại!
Thứ năm: Trong bệnh viện, cần TỈNH
TÁO (khi còn có thể), NÓI CHUYỆN NHÌỀU với y tá, bác sĩ (không hiểu thì yêu cầu
người thông dịch). Đặt câu hỏi mỗi khi nhân viên y tế làm bất cứ thủ thuật nào
trên cơ thể mình. Thí dụ: Chích thuốc này làm gì? Tại sao cần chụp X-ray ngực
hai lần trong vòng vài giờ khi tình trạng không có gì thay đổi? - Nhờ hỏi mà
tôi tránh được 1 lần X-ray vô ích do lỗi của y tá, người ca trước đã làm, người
ca sau lại định làm nữa!
Thứ sáu: Khi đã lên bàn phẫu thuật
mà không bị đánh thuốc mê thì hãy quên hết mọi sự, mà chỉ NGHĨ VỀ CHUYỆN VUI,
như chuyện trên Diễn Đàn THTĐ, mặc kệ họ làm gì thì làm! Chẳng có gì phải lo lắng
nữa!
Vài hàng chia sẻ cùng thầy cô và
anh chị em.
Kính chúc thầy cô và thân
chúc ACE không ai đau ốm, mà có đau ốm (con người ai tránh được?) thì cũng sẽ
mau lành.
Kính mến,
Nguyễn Hưng (K7)
No comments:
Post a Comment