Saturday, 28 May 2022

Cám ơn Trời những gì có trong tay

 Cám ơn Bạn đã gửi tôi bài Nét.

Bài hôm nay : nói những thứ Bạn cần.

Cần trân trọng : Bạn cần nên trân trọng.

Có những điều : cuộc sống bạn phải cần.

 

Bài viết ngắn : khởi đầu bằng chuyện nhỏ.

Chuyện xảy ra : trên một chuyến xe đò.

Có một cậu : mắt nhìn qua cửa sổ.

Luôn hỏi cha : những câu hỏi ngu ngơ.

 

Có bà lão : rất bực mình nên bảo.

Ông hãy đem : đứa nhỏ đến nhà thương.

Sao lớn vậy : mà ngu ngơ như thế.

Hỏi vẫn vơ : những chuyện rất bình thường.

 

Người cha nói : Dạ thưa bà,  xin lỗi.

Dạ con tôi : vừa ra khỏi nhà thương.

Nó mù mắt : ngay từ khi còn nhỏ.

Giờ sáng ra : mới thấy nên lạ thường.

 

Câu chuyện nhỏ, nhưng là bài học lớn.

Chuyện là hường , hay là chuyện bất thường.

Nó khác biệt : là tại vì mắt bạn.

Cái không quen thì bạn thấy bất thường.

 

Đời  thế đó : đời vẫn thường như thế.

Biết bao điều : ta thấy rất lạ thường.

Là vì bởi: ta không thường được thấy.

Thấy lâu rồi : ta sẽ thấy là thường .

 

Cùng cảnh vật : mỗi người nhìn một khác.

Có người vui , có người thấy không vui.

Tùy tâm trạng , tùy tâm tình sướng khổ.

Muốn đời vui thì phải có tâm vui. 

 

Có đôi mắt Trời cho : là quí quá

  người đui : không có mắt để nhìn.

Nên trân quí những gì : may mắn có.

Đừng bì ai : có những cái hơn mình.

 

Có miệng nói : là đã đời may mắn.

Nhưng nói gì : để xứng với ơn Trời.

Lời sai quấy : thì mình không nên nói.

Lời thậy, ngay … : mới nên nói trên đời.

 

Có tai nghe : thì đã là may mắn.

Nhưng cái gì bạn mới phải cần nghe ?

Đời có đủ : những điều hay,  điều quấy ?

Chọn điều hay, điều  quấy chẳng nên nghe.

 

Có tiền bạc : là cuộc đời may mắn.

Nhưng bạc tiền : phải nghĩ  tốn tiêu gì.

Xài phung phí : bạc tiền thành vô nghĩa.

Có bạc  tiền : cần  phải  biết tiêu gì.

 

Có người yêu : cuộc đời thành hạnh phúc.

Có người không : là vì chẳng biết yêu.

Không trân trọng : thì đời không hạnh phúc.

Đời ngọt ngào : khi Bạn quí người yêu.

 

Thời gian sống : mỗi người cần trân quí.

Có những người : không biết quí thời gian.

Mỗi phút sống  trên đời : đều trân quí.

Quỹ  thời gian : quý báu chốn nhân gian.

 

Hãy trân trọng : hãy  muôn phần trân trọng.

Những cái gì : mình đang có hôm nay.

Đừng than vãn : những gì mình không có .

Cám ơn Trời : những gì có trong tay.

 

THÁI TẤN TRUYỀN

Friday, 27 May 2022

Niềm vui của Tuổi Già

Đời người thật ngắn ngủi. Nhớ lại vào lứa tuổi đôi mươi, chúng ta lang thang trong khuôn viên trường đại học, vui cười vô tư và bây giờ đã hơn 40 năm trôi qua rồi. Đời người thoáng chốc đã già !

 Bây giờ, những năm còn lại trong cuộc đời của một người, chúng ta cần sống thanh thản, sống thoải mái, sống hạnh phúc vì qua một ngày, chúng ta đã mất một ngày. Vì vậy, một ngày đến, chúng ta vui một ngày. Vui một ngày... rồi không biết được bao nhiêu ngày na.

Hạnh phúc là do chính mình tạo ra, vui sướng cũng do chính mình tìm lấy vì những niềm vui ấy đã ẩn chứa trong những sự việc nhỏ nhặt xãy ra trong đời sống.

 Hạnh phúc là những gì hiện đang ở chung quanh chúng ta, trong tầm tay chúng ta. Nhà nho Nguyễn Công Trứ quan niệm: "Tri túc, đãi túc, tiện túc, hà thời túc. Tri nhàn, đãi nhàn, tiện nhàn, hà thời nhàn"...

 Tiền rất quan trọng trong đời sống của con người nhưng tiền không phải là tất cả. Đừng quá coi trọng đồng tiền và cũng đừng lệ thuộc vào đồng tiền, mặc dù biết rằng nếu không có tiền thi làm sao chúng ta sống, làm sao để được thoải mái. Ta vẫn biết khi ta ra đời, ta đâu có mang nó đến và khi ra đi, chúng ta cũng không mang nó theo.

Đồng tiền có thể mua một lâu đài to lớn nhưng đồng tiền không mua được mái ấm gia đình.

Đồng tiền giúp chúng ta mua được nhiều thứ tiện nghi trong cuộc sống nhưng đồng tiền không mua được sức khỏe cũng như hạnh phúc trong đời sống.

Quãng đời còn lại thì quá ngắn ngủi, ta phải sống những ngày tháng cho đáng sống, ta phải làm cho cuộc đời thêm phong phú .

 Những gì cần ăn thì cứ ăn, cần mặc thì cứ mua sắm, muốn đi du lịch thì cứ đi. Tập cho mình có nhiều đam mê, tự tìm niềm vui cho chính mình.

Vào trong internet để gửi thư cho bạn bè, để chia sẻ một tin hay, một chuyện vui, một bản nhạc, đọc những bài viết có giá trị, hay "chat" với người quen biết. Chúng ta cần trao dồi bộ óc để trí nhớ vẫn còn sáng suốt.

 Nếu có người bạn cần giúp, ta cứ mở lòng nhân ái, tốt bụng với mọi người. Rảnh rổi đi làm những việc từ thiện xã hội, giúp một tay tại những nơi tôn kính như nhà Chùa, nhà Thờ... lấy việc giúp người làm niềm vui, đó là những thú vui trong tuổi già.

 Hơn nửa đời, chúng ta dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho chính mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho thanh thản, vui vẽ.

Việc gì muốn thì làm, ai nói sao thì mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình. Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá kiêng cữ thì không đủ chất bổ dưởng, quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu...

Cuộc sống tuổi già thật đa dạng, nhiều màu sắc nên ta cần có nhiều bạn bè, nhiều nhóm bạn bè hoặc tham dự vào những sinh hoạt trong các Hội đoàn ái hữu lành mạnh. Gặp bạn, nói ra những điều phiền muộn cho nhau nghe. Hãy tìm cách gặp gỡ bạn bè và người thân vì không còn nhiều thời gian nữa.

Một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chổ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh. Đừng bao giờ nói, hay nghỉ là: " Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nửa". Đừng nói những lời hay những tư tưởng có ý tuyệt vọng.

Người già chỉ sảng khoái khi được có bạn tâm giao, đó là một liều thuốc bổ mà không Bác sĩ nào có thể biên toa cho ta mua được.

Ở tuổi hiện tại, chúng ta đừng nghĩ đến đồng tiền, đừng nghĩ đến giàu hay nghèo nữa và cũng đừng than trách hay hối hận vì những lầm lỗi trong quá khứ và cũng đừng tự hỏi là tại sao bây giờ ta không có nhiều tiền. Đừng nói ta không có tiền.

 Có những thứ hiện đang chung quanh ta rất quí giá mà có nhiều tiền cũng không mua được, đó là người phối ngẫu của chúng ta.

 Nếu có chút ít đồng tiền thì cứ tiêu xài những gì ta cần vì sẽ có lúc chúng ta để lại cho người khác xài. Nếu hôm nay ta còn khoẻ mạnh, còn ăn được những món ăn ta thích và ăn biết ngon là ta đã có một khối tài sản to lớn trong tuổi già.

Rồi ta tìm đến những người bạn cùng nhau uống tách trà nóng, ly cà phê buổi sáng, kể chuyện năm xưa hay trao đổi những kinh nghiệm trong cuộc sống hiện tại.

 Cuối tuần, hẹn nhau với người bạn đi câu cá, hưởng không khí trong lành của thiên nhiên và cũng để cho tâm tư lắng đọng, tinh thần thanh thản. Đó là những niềm vui trong cuộc sống cuả tuổi già.

  theo ngaymoionline

Thursday, 26 May 2022

Bạn CầN NÊN TRÂN TRỌNG

Trên một chuyến xe lửa tốc hành, có một anh thanh niên 25 tuổi cứ nhìn ra cửa sổ và hỏi ba anh ta: Oh ba ơi, sao mấy cái cây nó vụt qua nhanh quá, sao mới nhìn thấy con bò mà bây giờ nó biến mất rồi, sao mấy ngọn núi thấy rõ mà đi hoài chưa tới...?

Một bà ngồi đối diện thấy bực mình quá vì anh thanh niên này cứ như con nít nên mở miệng nói với ba anh ta: “Tôi nghĩ ông nên đưa con ông đi bác sỹ tâm thần đi”. Ông này vui vẻ trả lời: “Nó vừa ở bệnh viện ra đấy chứ, bởi vì nó bị mù từ nhỏ, bây giờ nó mới được nhìn thấy mọi thứ, nên nó thấy lạ thôi”. Nghe vậy, bà này xấu hổ và im luôn !

Trong cuộc sống, đôi khi bạn không biết trân trọng những gì mình đang có, nên bạn không thể sống vui là vì vậy !

Ví dụ:

• Bạn có mắt, nhưng bạn lại luôn nhìn mọi người không thân thiện và cảnh vật u sầu. Trong khi người mù, họ chỉ ước ao để được nhìn.

• Bạn có miệng, nhưng bạn lại luôn dùng nó để chửi người khác. Trong khi người câm, họ chỉ ước ao làm sao để nói được những lời yêu thương với những người họ yêu.

• Bạn có tai, nhưng bạn lại không muốn nghe những lời hay ý đẹp. Trong khi người điếc, họ chỉ ước ao để được nghe và hiểu được mọi người nói.

• Bạn có tiền, nhưng bạn lại xài phung phí. Trong khi người nghèo, họ chỉ ước ao có được một chén cơm.

• Bạn có người yêu, nhưng bạn lại đòi hỏi đủ điều. Trong khi người cô đơn, họ chỉ ước ao có được một người để yêu thương.

• Bạn có thời gian, nhưng bạn lại không biết dùng nó. Trong khi người đang hấp hối, họ chỉ ước ao để làm sao cho thời gian đi chậm lại.

• Bạn đang có tất cả, nhưng bạn lại chán nản. Trong khi người đang khổ cực, họ chỉ ước ao có được một phần nhỏ may mắn của bạn thôi, là họ cũng vui rồi.

Vậy thì làm sao mà bạn có thể sống vui, nếu bạn không biết trân trọng cuộc sống ?

Đừng than vãn rằng, tại sao cuộc đời tôi cứ gặp bất trắc. Đôi khi những bất hạnh của bạn không bằng một hạt cát của người khác đâu bạn nhé !

Vì vậy, cách sống vui là phải biết trân trọng và tận hưởng những gì mình đang có. Đừng tham lam và xem thường, nếu không thì bạn sẽ mãi mãi khổ vì những đòi hỏi quá mức của bạn…!!!

 

Tuesday, 17 May 2022

Tôi Đi Giải Phẫu Tim

 Tôi vào Bệnh Viện Melbourne, Monash Hospital, lúc 10 giờ sáng ngày Mùng Một Tết Giáp Ngọ 2014, là ngày giờ đầu năm, theo tập tục, tín ngưỡng Việt Nam thì ngày giờ nầy phải cử kiêng  mọi thứ, kể cả quét dọn rác, huống chi là đi Bệnh Viện, lại còn là Giải phẩu, và lại là Giải phẩu TIM! Nhưng với tôi lại là một dịp may, vì lẽ ra thì tôi vẫn phải chờ đợi thêm một thời gian, có thể phải mất mấy tuần lễ nữa mới tới phiên tôi, may là có người kiêng cử ngày mùng một Tết không chịu mỗ mà tôi thì lại bằng lòng nên tôi mới được vào mổ ngay, không phải chờ đợi!

 Từ mấy tháng trước, tôi đã có dịp khám phá ra chứng bịnh nghẽn động mạch tim, cả 3 động mạch chánh của tim tôi đều bị nghẽn từ 80%- 90%, động mạch thứ 4 cũng có vấn đề, nghiã là tôi có thể lâm nguy vì chứng nghẽn tim mạch, và có thể chết bất thình lình bất cứ lúc nào, cho nên giải phẩu sớm chừng nào tốt cho tôi chừng nấy. Nếu tôi khám phá được sớm hơn, lúc các mạch máu tim tôi chỉ bị nghẽn độ 30%- 40% thôi thì tôi không phải giải phẩu tim, làm bypass mà chỉ cần thông tim mạch bằng phương pháp nội soi, đơn giản, an toàn và nhanh chóng hơn việc giải phẩu nhiều.

 10 giờ sáng ngày thứ năm, tôi vào bệnh viện để làm thủ tục “tiền giải phẩu”, thời gian mất khoảng 3 giờ thì xong, thủ tục gồm có: điền form, thử máu, chụp hình tim phổi, đo nhịp tim mạch, cố vấn tâm lý…., xong xuôi những thủ tục nầy thì về nhà và chuẩn bị cho sáng ngày hôm sau vào mổ, trong ngày hôm nay, tôi phải tắm rửa cẩn thận, sạch sẽ từ đầu tới chân, xong phải lau lại toàn thân bằng những tấm giấy khử trùng của Bệnh Viện cho, còn một điều nữa là từ tối nay trở đi tôi không được ăn, hay uống thứ gì , kể cả nước, để tránh những trở ngại cho việc gây mê giải phẩu ngày hôm sau.

 10 giờ sáng hôm sau, thứ sáu, tôi lại vào nhà thương Monash Hospital, lại thêm một vài thủ tục, giấy tờ, rồi tới chuyện quan trọng là chuyện “làm lông”, nó cũng giống như là chuyện người ta làm lông heo vậy! chuyện nầy do một bà nữ y tá khoảng 50 tuổi phụ trách, thành thạo, chuyên môn, nên chỉ thoáng một cái là tôi đã được cạo sạch sẽ, gần như mọi chỗ: tay, chân, ngực, bụng….., rồi tới màn tắm, dĩ nhiên là phải tắm rửa thật cẩn thận, từ đầu tới chân, và lần đầu tiên tôi tắm xong thì lau mình bằng 4 cái khăn lau, mỗi cái khăn lau một phần cơ thể, kế đó là phải dùng khăn khử trùng để thoa nước khử trùng lên khắp cơ thể, đòi hỏi lớn nhất của việc chuẩn bị giải phẩu là than thể phải sạch sẽ , vô trung, cái đáng sợ nhất của việc giải phẩu là bị nhiễm trùng khi, hoặc sau khi giải phẩu.

 Bây giờ thì có thể nói là tôi đã chuẩn bị xong mọi thứ để lên bàn mổ! Bác Sĩ gây mê đã tới, tôi được chuyển vào phòng mổ, thuốc gây mê thật công hiệu, chỉ một thoáng, tôi đã không còn hay biết gì nữa! Tôi tỉnh dậy khoảng 7 tiếng đồng hồ sau, khi có người lay tôi dậy, tôi nghe tiếng nói, tôi nghe câu hỏi có biết mình là ai, đang ở đâu, tôi gật đầu, có người cầm tay tôi bảo tôi cử động, tôi cử động được ngón tay, dù chỉ là một chút, có người cầm ngón chân tôi, bảo tôi cử động, tôi cử động được ngón chân, dù chỉ là một chút, tôi nghe tiếng Bác Sĩ nói “Well done Mr Thai”, tôi gật đầu rồi lại ngủ thiếp đi.

 Tôi lại được lay tỉnh dậy và được báo cho biết là có người nhà tôi thăm, tôi mở mắt ra, rất khó và rất mờ, nhưng tôi thấy vợ và con tôi, tôi cử động ngón tay, tôi muốn họ tới gần tôi hơn, họ đã nắm ngón tay tôi, tôi cố nói nhưng không nói được, tôi chỉ thốt được một vài âm thanh thều thào cho họ yên tâm: không mệt! không đau! rồi tôi lại ngủ thiếp đi cho đến khi có những thân nhân khác đến thăm, có nhiều thân nhân đến thăm tôi, nhưng mỗi lượt chỉ được thăm 2 người, thời gian thăm chỉ 5, 10 phút.

 Tôi đã trải qua một cuộc giải phẩu lớn, mất nhiều công sức thời gian, cho nên tôi đã phải nằm ở phòng hồi sinh tới 4 ngày, thời gian ở phòng hồi sinh, tôi luôn được một y tá trực bên cạnh suốt 24/24 không rời, kể cả ban đêm, lúc nào thức giấc tôi cũng thấy cô y tá ngồi bên cạnh, họ phải kiểm soát tất cả những máy móc đo tim mạch, áp suất, hơi thở, oxygien, tiêm thuốc…., sáng ra y tá còn đánh răng, rửa miệng cho tôi, còn lau mình, vệ sinh… nghiã là y tá làm tất cả mọi công việc gọi là chăm sóc cho tôi cả ngày lẫn đêm, thật là chu đáo, thật là tận tâm, thật rất cám ơn, cám ơn y tá, cám ơn các Bác Sĩ.

 Cũng có điều nầy cần nên nói rõ cho những ai là bệnh nhân, là thời gian trong phòng hồi sinh nầy cực kỳ quan trọng đối với người bệnh, mà quan trọng nhất chính là sự canh chứng thường trực của người Y Tá, không phải vô duyên cớ mà Nhà Thương phải cử Y Tá túc trực lien tục bên mình bên nhân, điều nầy phải nói là cực kỳ quan trọng, có những Y Tá tận tâm làm việc hết mình, nhưng cũng có những Y Tá lo là trách nhiệm, có Y Tá kiếm cớ nầy chuyện nọ bỏ đi đâu mất không ở bên cạnh bệnh nhân. Điều nầy khiến bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm, cho nên nếu có trường hợp nầy xảy ra, bệnh nhân cần báo cho người nhà biết, và người nhà phải lập tức gửi cho văn phòng bệnh viện để văn phòng thay đổi người Y Tá thiếu trách nhiệm nầy.

 Ban ngày dù chưa cử động tay chân được, y tá, phải 2 người y tá nam, vẫn dìu tôi xuống giường, để tôi ngồi trên ghế và không cho tôi ngủ, vì nếu ban ngày mà ngủ thì ban đêm tôi sẽ mất ngủ, và ban đêm mà mất ngủ thì có hại cho sức khỏe, có hại cho sự phục hồi, giấc ngủ ban đêm là giấc ngủ tự nhiên, giấc ngủ sinh học, có lợi cho sức khoẻ. Vì vết mổ ở ngực, cắt rời xương ức ra rồi lại nối lại, tôi phải ngủ ngồi suốt cả đêm, tôi không được ngủ nằm bình thường vì nước của vết mổ ở ngực có thể chảy vào phổi, tôi còn phải tập ho thường xuyên, mỗi giờ, để tống những chất đàm nhớt trong cổ họng ra ngoài! Mình phải có ý chí và hiểu biết để làm điều nầy, là phải tập ho, vì nếu người Y Tá canh chừng không tập mình ho thì mình sẽ gặp nguy hiểm, mà Y Tá thì không phải người nào cũng làm tốt nhiệm vụ của họ.

 Cuối ngày thứ tư, tôi được ra phòng ngoài, thông thường người ta được chuyển ra phòng ngoài sớm hơn, một hoặc hai ngày sau khi mổ, ở đây tôi được thân nhân thăm viếng dễ dàng hơn và có thể ở lại lâu hơn, tôi được y tá tập đi lại, tập đi tiêu tiểu một mình, nhưng tôi ngồi dậy còn nhiều khó khăn, tôi có thể kêu y tá bằng một cái nút bấm bên mình, nếu cần sự giúp đỡ, nhưng tôi cố gắng tự xoay sở lấy chớ không kêu y tá, thường thì nửa đêm tôi phải bấm nút kêu y tá xin thêm thuốc giảm đau. Điều cần chú ý là mình phải coi vết khâu ở ngực, tay và chân mình có thật sự tốt hay không, thường thì Y Tá và ngay cả Bác Sĩ nữa khi khám bịnh cho mình, họ thường chỉ xem qua loa, không thấy vết mổ có dấu hiệu sưng đỏ, nhiễm trùng thì họ nói OK, nhưng ở phía đầu và cuối vết mổ có khi thực sự là nó không tốt, có thể có một vết hở ở mũi khâu, một chút da xưng đỏ, ngứa, chuyện nhỏ nhưng nếu không xử lý kịp thời, nên thêm một vài vết khâu, nên sát trùng diệt khuẩn mỗi ngày, hậu quả là vết mổ lâu lành, vết mổ ở chân của tôi nó làm độc phải trị mất cả năm trời, và khi lành thì để lại những khối thịt lồi lên xấu xí.

 Điều khổ sở nhất ở phòng ngoài nầy có lẽ là chuyện y tá lấy máu, mà họ cứ lấy máu hoài để thử nghiệm và theo dõi bệnh trạng, nếu gặp y tá giỏi thì đỡ, nếu gặp y tá dở, họ hết ghim kim chỗ nầy lại ghim kim chỗ khác mà không lấy được máu, kết qủa là cả hai cánh tay tôi đều bị trầy xướt, sưng bầm vì chuyện y tá ghim kim lấy mẫu máu! Thức ăn sáng trưa chiều mình có quyền tự chọn thoải mái, thức ăn ngon , vệ sinh, nhưng mà thú thật là tôi lại không nuốt nổi, vì nó không hợp khẩu vị nước mắm từ thuở nhỏ, bao nhiêu năm...

 Lẽ ra thì tôi được về nhà sáng thứ sáu, tức là đúng 1 tuần lễ sau ngày tôi giải phẩu, nhưng mà sau khi tháo dây truyền nước biển ra, tim tôi bỗng đập liên hồi, đến 160 nhịp/ phút trong khi nhịp tim đập bình thường trong một phút chỉ là 70, tôi rất mệt, thở không nổi, y tá gọi Bác Sĩ đến, tôi được truyền nước biển lại, Bác Sĩ cho tiêm thuốc vào nước biển, đồng thời cho tôi uống mấy viên thuốc Potassium, tôi có hỏi Bác Sĩ tại sao tôi bị như vậy, Bác sĩ nói đây là biến chứng tim mạch vẫn hay thường xảy ra cho những ca giải phẩu tim, nhất là ca giải phẩu lớn như tôi, tôi hỏi vậy khi về nhà tôi có bị như vậy nữa không, Bác Sĩ nói là có thể, tôi hỏi trong trường hợp đó tôi phải làm sao, Bác Sĩ nói gọi 000 để vào lại bệnh viện, với cái thẻ lý lịch cá nhân Bệnh Viện sẽ phát cho tôi luôn mang theo.

Mấy ngày sau khi về nhà, đi khám bệnh ở Bác Sĩ gia đình tôi mới được biết là tim tôi đập quá nhanh là do hậu qủa mất máu nhiều trong cuộc đại giải phẩu của tôi, dù mất máu nhiều trong quá trình giải phẩu cũng như trị liệu ở nhà thương, tôi chỉ được truyền dịch nước biển chớ không được truyền máu, mà dịch nước biển nào cũng không thay thế hoàn toàn máu, vì vẫn có những chất chỉ có máu mới có, còn nước biển thì không, thí dụ như 3 chất chánh của máu là hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu đều không có trong nước biển, và cả chất muối potassium có nhiệm vụ chính yếu là làm tim không đập liên hồi cũng cần được bổ sung cho đến khi cơ thể tôi tự sản xuất đủ lượng potassium cần thiết, cho nên nếu thử máu để biết lượng potassium trong máu, rồi uống potassium để bổ xung thì tôi sẽ không bị chứng tim đập liên hồi và tôi không cần vào bệnh viện.

 Cũng do thử máu mà tôi được biết là hiện giờ tôi đang thiếu hột máu đỏ hồng cầu là loại tế bào máu có chức năng chính yếu là hô hấp, chuyên chở hemoglobin, qua đó đưa O2 từ phổi đến các . Enzyme carbonic anhydrase trong hồng cầu làm tăng hàng nghìn lần vận tốc của phản ứng giữa CO2 và H2O tạo ra H2CO3. Nhờ đó, nước trong huyết tương vận chuyển CO2 dưới dạng ion bicarbonat (HCO3) từ các mô trở lại phổi để CO2 được tái tạo và thải ra dưới thể khí. Ở nhiều động vật bậc thấp, hemoglobin hòa trong dòng huyết tương.

Với tổ chức của cơ thể người, hemoglobin cần phải được chứa trong hồng cầu, vì nếu ở dạng tự do, nó sẽ thấm dần qua các mao mạch và bị thất thoát qua nước tiểu. Là một protein, hemoglobin còn có chức năng đệm kiềm-toan, đây cũng là một chức năng quan trọng của hồng cầu. Hồng cầu được tạo ra từ các tế bào máu gốc trong tủy xương, và một số xương quan trọng trong đó có xương ức mà lần giải phẩu nầy xương ức của tôi đã bị tổn thương nghiêm trọng, cộng thêm việc mất máu nhiều do việc cắt các tĩnh mạch tay, chân, cho nên tôi cần được bổ xung lượng Hồng cầu bằng những thức ăn có khả năng giúp tủy xương tạo ra hồng cầu như thịt bò.

Kết qủa thử máu cho biết là 2 chất tiểu cầu và bạch cầu của tôi có chỉ số bình thường, cả hai chỉ số nầy đều quan trọng, nếu chỉ số bạch cầu tăng kèm theo nhiệt độ tăng, có thể là tôi đã bị nhiễm trung, cần phải được xem xét và điều trị, trái lại nếu chỉ số tiểu cầu của tôi giảm thì vết thương của tôi sẽ lâu lành. Khi bị thương, ở đây là các vết cắt mổ, giải phẩu, một vết mổ dài và sâu ở ngực, một vết mổ dài ở cánh tay trái, một vết mổ dài ở ống chân phải, tiểu cầu vỡ ra và giải phóng enzim; Enzim biến chất sinh tơ máu thành tơ máu, tơ máu ôm giữ các tế bào máu thành một khối máu đông để chống mất máu, bịt kín vết thương. Chi tiết hơn, cùng với tế bào nôi mạch, Tiểu cầu phóng thích chất PDGF (platelet-derived growth factor) làm gia tăng việc thành lập tế bào sợi và tế bào cơ trơn mạch máu để giúp sửa chữa thành mạch máu bị tổn thương. Khi việc sửa chữa này hoàn tất, Tiểu Cầu phóng thích chất kallikrein làm tan cục máu đông để máu lưu thông trở lại, nghiã là vai trò của tiểu cầu rất lớn trong việc làm lành vết thương.

Trong khi nằm bệnh viện, qua bài giảng của một Bác Sĩ tim mạch cho các sinh viên Y Khoa thực tập, tôi còn học được một điều quan trọng về huyết áp là dù chỉ số huyết áp của tôi có lúc là 160/ 90 thì cũng không sao, cái khoảng cách biệt chỉ số thu tâm và trương tâm 160/ 90 = 70 là chỉ số rất tốt, chỉ số nầy lớn chứng tỏ tim làm việc tốt, tim đập mạnh, nó tốt hơn nhiều so với chỉ số 140/ 90= 50, nó càng tốt hơn là chỉ số 130/90 = 40, hoặc 120/90= 30, nếu áp huyết đo 130/ 80= 50 thì có thể coi là OK, hay 130/75 = 55 thì rất tốt, nghiã là chỉ số sai biệt trên 50 thì mới chứng tỏ tim hoạt động tốt.

Tôi đã về nhà, tôi đang nghỉ ngơi và tôi chờ đợi cơ thể bình phục, bệnh viện cho biết là tôi phải cần thời gian từ 3 – 6 tháng mới bình phục được, sau 6 tháng tôi mới có thể lái xe, trước mắt tôi không được mang xách vật gì nặng hơn 5 kg, và đi đứng thì tôi phải thật là thận trọng, tôi không được để bị té ngã gây thương tích. Tay tôi vẫn còn đau, cánh tay vẫn còn tê, cả bàn tay vẫn còn nhức, chân tôi thì còn nặng hơn, sưng hơn, đau hơn vì những máu bầm vẫn còn đọng lại bên trong không tan chảy đi đâu được, và vì tĩnh mạch chánh ở chân bị cắt một khoảng dài hơn 1 gang tay cho nên máu từ chân không có đường trở về tim, điều nầy rất phiền phức, trở ngại cho bộ máy tuần hoàn máu, tôi phải chờ đợi sự điều chỉnh chậm chạp của cơ thể, những mạch máu phụ sẽ phải phình to ra để đảm nhận công việc của những mạch máu chan1h đã bị cắt mất, phải mất một thời gian nữa.

Cả hai mạch máu tay và chân của tôi được cắt ra đều là tĩnh mạch, nhưng khi gắn vào tim nó sẽ trở thành những động mạch, phải là mạch máu của chính mình mới thay cho chính mình được, mạch máu của người khác khi thay vào cơ thể sẽ có khuynh hướng đào thải, cho nên những những người được cấy ghép bộ phận của người khác thì rất là rắc rối, phiền phức, họ phải thường xuyên dùng thuốc chống đào thải, mà dùng thuốc nầy thì lại gặp nhiều rắc rối phiền phức khác!

Còn điều quan trọng nầy nữa là khi dùng bộ phận cơ thể người khác lắp ghép vào bộ phận cơ thể mình, thì ngoài phần vật chất nó còn phần tâm linh nữa, một người mang một cơ phận của người khác, bất kể là cơ phận nào, tim, gan, thận, phổi…, nó cũng có thể mang theo cả tâm linh của nguời khác, cụ thể là mang cả tâm tính của người khác, tình cảm của người khác, tâm hồn của người khác…, hậu qủa có khi nghiêm trọng là sau khi giải phẩu thay cơ phận, người nầy bỗng biến thành người khác, hoặc là có sự hiện diện của một người khác trong cơ thể của người giải phẩu ghép cơ phận khác!

Ai cũng biết nhiệm vụ của tĩnh mạch và động mạch khác nhau, động mạch thì đưa máu từ  tim ra ngoai các cơ quan bộ phận, còn tĩnh mạch thì ngược lại, tĩnh mạch đưa máu từ cơ thể trở về tim, cái nầy thì ai cũng biết, nhưng mà có điều nhiều người không biết là để làm hai nhiệm vụ khác nhau, hai mạch máu nầy có cấu tạo mô cơ khác nhau, cho nên khi dùng tĩnh mạch tay, hay tĩnh mạch chân để làm thành những động mạch tim, thì người ta phải xoay chiều của tĩnh mạch mới biến nó thành động mạch được.

Bây giờ đã là tuần lễ thứ 3 kể từ ngày tôi giải phẩu, dĩ nhiên là tôi vẫn chưa khoẻ hẵn, vẫn chưa có thể tắm rửa bình thường, chưa đi đứng được tự nhiên, nhưng chắc chắn là tôi sẽ bình phục, tôi sẽ tái khám ở bệnh viện Monash Hospital vào tuần tới, và tháng sau tôi sẽ tham gia khoá học phục hồi sức khỏe của người giải phẩu tim trong vòng 6 tuần lễ, mỗi tuần một buổi, gồm 1 giờ lý thuyết, 1 giớ thực hành, với lệ phí cho khoá học là 50 dollars. Kinh nghiệm của những người đã trải qua giải phẩu tim mạch, sau khi phục hồi thì sức khoẻ của họ rất tốt, hy vọng là tôi cũng sẽ được như vậy, tôi cũng sẽ được khoẻ khoắn mạnh lành sau một thời gian nữa.

Mục đích bài viết nầy là để giúp các bạn gần xa, thân sơ… có được những kinh nghiệm quan trọng cho sức khỏe của mình, nhất là những bạn già, những người lớn tuổi, những người nặng cân, và nhất là những người ít vận động… Nếu bạn là một trong số những người nầy, cộng thêm việc bạn đi bộ thôi mà cũng cảm thấy mệt, hay là bạn lên cầu thang mà thấy mệt, thì bạn nên xin đi khám Bác Sĩ chuyên khoa về tim mạch.

Nếu cholesterol của bạn cao, áp huyết của bạn cũng cao thì bạn càng nên cảnh giác, nếu bạn khám phá sớm bệnh tim mạch thì việc chữa trị của bạn sẽ càng dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, ít đau đớn hơn, an toàn hơn…. May mắn nhất là những bạn có quốc tịch Úc, nếu bạn có bị bệnh, kể cả khi phải giải phẩu tim, bạn cũng không có mất tiền, không có tốn kém gì cả, nhưng tốt nhất là cầu mong bạn luôn được mạnh lành, cầu mong bạn không bị bệnh tim mạch, không phải nằm nhà thương, không phải giải phẩu tim, dù cuộc giải phẩu có hoàn hảo thế nào, có tốt đẹp ra sao, bạn cũng sẽ phải trải qua những sự đau đớn, những giai đoạn khó khăn, những điều khổ sở!

Thái Nam Trân ( tháng 02/ 2014 )












































 

Sunday, 15 May 2022

Mother's Day nhớ Mẹ

 

Hôm nay ngày lễ Mother’s Day

Nơi chốn xa quê, nhớ  Mẹ nhiều !

Nhớ những ngày xưa còn có Mẹ

Ngọt ngào, thân ái biết bao nhiêu!

 

Mới thoáng chốc, mà bây giờ tóc bạc !

Mới thơ ngây mà nay đã tám mươi !

Mẹ đã mất, đã nhiều năm yên nghỉ …!

Mà lòng con vẫn nhớ Mẹ không nguôi !

 

Bây giờ Mẹ đã muôn năm ngủ,

Nơi chốn tâm linh, cõi đất trời….

Tóc bạc nhưng lòng con vẫn nhớ….

Lòng con vẫn muốn gọi tiếng : Mẹ ơi !

 

 THÁI NAM TRÂN