Hôm thứ Tư tuần trước, trên chiếc xe lăn đặt sát bên dãy băng ghế đầu tiên của nhà thờ Maranatha Baptist Church ở Plains, (Georgia) có một ông già 99 tuổi ngồi để tiễn đưa người bạn đời 77 năm chung sống.
Ông già đó là Jimmy Carter, vị tổng thống
thứ 39 của Hoa kỳ, năm nay 99 tuổi và đang trong tình trạng được chăm sóc cuối
đời.
Bà Rosalynn Carter qua đời hôm 19 tháng 11
vừa qua, hưởng thọ 96 tuổi. Bà ra đi để lại người bạn đời và 4 người con, 25
cháu chắt.
Chuyện Mỗi Tuần kỳ này được dành cho bà
Eleanor Rosalynn Carter, kể vài nét về cuộc đời, những thành tựu – và thăng
trầm, mà hai ông bà chia sẻ với nhau trong gần 8 thập niên. Trong một xã hội mà
cá nhân chủ nghĩa được tôn sùng đến mức tối đa, cách giải quyết thông thường
nhất khi có mâu thuẫn trong hôn nhân là ly dị, chuyện tuần này có thể bị coi là
nhạt, rất nhạt.
Rosalynn nói tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần
thứ 90 của Jimmy: "Qua nhiều năm, chúng tôi không chỉ trở thành
bạn bè, người yêu mà còn là người cộng sự. Ông ấy luôn nghĩ rằng tôi có thể làm
bất cứ điều gì và vì điều đó, tôi/chúng tôi đã có những cuộc phiêu lưu và thử
thách tuyệt vời."
Biết em từ thuở (anh) lên ba
Eleanor Rosalynn Smith sinh ngày 18 tháng 8
năm 1927 tại Plains, Georgia. Cô là chị cả trong một gia đình có 4 người con.
Khi cha cô qua đời vì bệnh bạch cầu, cô mới được 13 tuổi, cô đảm nhận vai trò
chăm sóc ba đứa em, đồng thời giúp vào công việc kinh doanh may mặc của gia
đình.
Cùng ở thị trấn nhỏ 600 dân đó với Rosalynn
là người chồng tương lai của cô. Hai gia đình là hàng xóm. Ngày Rosalynn ra
đời, bà Lilian Carter- mẹ của Jimmy, là người y tá đã đến hộ sinh cho bà Smith.
Sau đó, bà dẫn cậu Jimmy lúc đó lên ba tuổi đến thăm cô. Bà Carter
kể: "Anh ấy nhìn qua các thanh nôi và trông thấy tôi."
Rosalynn chú ý đến chàng Jimmy ngay từ thuở
thiếu thời. Khi đến chơi với cô bạn thân Ruth Carter, nàng luôn chú ý đến bức
ảnh mà Ruth treo trên tường phòng ngủ. Bức ảnh chụp ông anh của Ruth trong đồng
phục sinh viên sĩ quan Hải quân. Bà Carter từng thú nhận: "Tôi yêu bức ảnh
đó."
Vào một buổi tối tháng 7 năm 1945, khi Jimmy
về nhà trong kỳ nghỉ trước năm cuối cùng tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở
Annapolis, Maryland, anh cùng cô em gái Ruth, và người bạn trai của cô lái xe
vòng vòng trong thị trấn. Jimmy ngồi ở băng ghế gấp phía sau – rumble seat, của
chiếc xe Ford mui trần. Hôm đó, anh có một mình. Người đẹp ở thị trấn gần đó mà
anh đang hẹn hò lại kẹt trong một buổi họp mặt gia đình.
"Chúng tôi đi vòng vòng quanh thị trấn,
tìm việc gì đó để làm, cố gắng tìm một người đẹp để đi chơi chung,"
Họ dừng xe lại bên kia đường trước nhà thờ
United Methodist. Jimmy chỉ tay về phiá nhà thờ. Anh trông thấy Rosie đang đứng
ở đó, cô vừa dự xong một cuộc họp của giới trẻ. Cô đồng ý với lời mời của Jimmy
và nhảy lên băng sau của chiếc Ford.
Họ đi xem phim. Cả hai người đều không ai
nhớ tên cuốn phim đêm đó.
Bà Carter kết thúc câu chuyện về đêm đó
trong quyển tự truyện "First Lady from Plains": "Trăng tròn trên
bầu trời, cuộc trò chuyện trở nên dễ dàng, và tôi đang yêu... và trên đường về
nhà, anh đã hôn tôi!"
Buổi sáng hôm sau, khi được mẹ hỏi đi chơi
có vui không, Jimmy trả lời: "Con đi xem xi-nê."
"Với ai"
"Rosalynn Smith"
"Con nghĩ sao về cô ta?"
"Nàng là người mà con sẽ cưới."
Chuyện không dễ như thế. Một ngày sau đó,
Rosalynn đã tiễn anh tại ga xe lửa để anh trở về Học viện Hải quân.
Họ bắt đầu viết thư cho nhau. Chỉ vài tuần sau, vào tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ
thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Rosalynn đã dâng lời cầu nguyện
tạ ơn để mừng người yêu sẽ không phải ra trận.
Khi anh về phép vào dịp lễ Giáng sinh cuối
năm đó, Jimmy đã ngỏ lời cầu hôn và nàng... từ chối. Trong hồi ký Rosalynn
viết: "Mọi chuyện quá nhanh." Nàng cho rằng mình còn quá
"trẻ và ngây thơ" để lấy chồng. Nhưng chỉ vài tuần sau, khi cùng đi
với cha mẹ Jimmy đến Annapolis để thăm anh, Jimmy lại cầu hôn. Lần này nàng gật
đầu.
Nàng viết: "Ngay khi tôi về đến nhà,
anh ấy đã gửi cho tôi một cuốn sách hướng dẫn 'The Navy Wife' (Người vợ hải
quân), mà tôi đã nghiên cứu đến từng chi tiết."
Hàng chục năm sau ngày họ lấy nhau Jimmy
Carter vẫn còn thích nhắc đến chuyện mình bị từ chối trong lần cầu hôn thứ nhất
và chiến dịch thuyết phục Rosalynn. Năm 2002, khi đoạt giải Nobel Hòa bình, cựu
ông Carter nói với Katie Couric trên "The Today Show" rằng thành tích
đáng tự hào nhất của ông không phải là giải Nobel hay chức vụ tổng thống Mỹ mà
là "Khi Rosalynn nói rằng nàng sẽ lấy tôi."
Tháng 7 năm 1946, một tháng sau khi Jimmy
Carter tốt nghiệp Học viện Hải quân, họ kết hôn. Nàng 18 tuổi và chàng 21 tuổi.
Hôn lễ được tổ chức tại nhà thờ Methodist,
chính nơi chàng và nàng có lần hò hẹn đầu tiên.
Ông chủ gia đình
Gia đình Carters bắt đầu cuộc sống chung tại
căn cứ Hải quân ở Norfolk, sau đó là công việc ở Honolulu và San Diego.
Rosalynn thường ở nhà một mình với các con trong khi ông chồng làm việc trên
một chiến hạm và sau đó trên các tàu ngầm.
Đời sống gia đình của họ là điển hình của
thời kỳ đó, Jimmy xác nhận anh là "boss". "Phần đầu tiên của
cuộc đời chúng tôi, tôi thống trị mọi thứ, chỉ trừ việc trong
nhà..."- ông nói.
Ông Carter nói rằng mãi đến nay ông vẫn còn
bị sốc vì chuyện đã không hỏi ý kiến Rosalynn về những lần chuyển việc đầu tiên
của mình. "Bây giờ tôi khôn ra rồi!"
Ba con trai của họ – Jack, James III và
Donnel – ra đời trong những năm Jimmy còn ở trong Hải quân; cô con gái Amy chào
đời 15 năm sau.
Jimmy Carter đã viết trong cuốn sách
"Sharing Good Times" (Chia sẻ những lúc vui) của mình rằng trong
những năm đầu đó, ông "chưa bao giờ thấy cần thiết phải hỏi ý hoặc sự chấp
thuận" của vợ.
Năm 1953, ông trở lại quê nhà để sống bên
người cha đang trong những ngày cuối của cuộc đời, và ông Jimmy quyết định rời
Hải quân và chuyển gia đình về Plains sinh sống mà không hỏi ý kiến Rosalynn.
Ở Plains, họ chỉ đủ sức dọn vào một ngôi nhà
được chính phủ trợ cấp. Và khi Jimmy lãnh việc điều hành nhà kho đậu phộng của
người cha, ông ý thức rằng mình không thể tự mình làm tất cả công việc, từ sổ
sách văn phòng đến các chuyến thăm nông dân. Thế nên, "Rosalynn bắt đầu
điều hành văn phòng cho tôi. Nàng đã theo học một khóa kế toán hàm thụ."
"Tôi biết nhiều về công việc kinh doanh
hơn ông ấy," Rosalynn nói.
Mở mắt ra
Khi quyết định tranh cử vào Thượng viện tiểu
bang vào năm 1962, ông Carter đã không cho vợ biết.
Ông kể rằng vào một buổi sáng khi ông thay
quần áo, khoác bộ suit thay vì cái quần jeans xanh thường ngày thì bà bước vào
phòng ngủ. Bà hỏi, 'Jimmy, ai chết vậy? Anh sắp đi dự đám tang à?'"
Bốn năm sau, trong lần tranh cử thống đốc
Georgia đầu tiên của ông, mọi chuyện cũng lại diễn ra đúng như thế. Khi ông
đang nói chuyện điện thoại ở nhà thì bà Rosalynn đi ngang, ông gọi với ra, bảo
vợ sắp valy cho tuần vận động tranh cử sắp tới của ông.
"Đi mà làm lấy đi."
Câu trả lời đốp chát đó đã gây ngạc nhiên,
tức giận và bối rối cho ông Carter, nhưng cũng khiến ông phải nghĩ lại về thái
độ của mình. Thế là từ sau đó, ông xác nhận, không có phần nào trong "đời
sống kinh doanh, cá nhân hoặc chính trị của chúng tôi mà chúng tôi không chia
sẻ trên căn bản tương đối bình đẳng".
Bắt đầu với nhiệm kỳ thống đốc năm 1970 của
Jimmy Carter, bà Rosalynn là cố vấn chính về chính trị và chính sách.
Anh con trai James Carter nhận xét về cha
mẹ: "Cha bắt đầu thay đổi khi tranh cử thống đốc, vì mẹ là một chính trị
gia giỏi hơn ông rất nhiều. Bà quan tâm đến việc ông được bầu và tái đắc cử,
còn ông quan tâm đến Kênh đào Panama."
Bạn có nhớ?
"WASHINGTON, ngày 5 tháng 7 – Tổng thống
Carter đã ra lệnh cho các tàu Mỹ đón những người tị nạn chạy trốn khỏi Đông
Dương bằng thuyền và sẽ cho phép những người tị nạn tái định cư ở Hoa Kỳ nếu họ
muốn, một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết hôm nay.
Một giới chức yêu cầu giấu tên cho biết:
"Họ sẽ được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể để xác định xem họ muốn
đi đâu. Cơ quan Di trú và Nhập tịch sẽ xúc tiến nhanh hành trình của họ đến các
điểm đến, bao gồm cả nơi họ chọn, đến Hoa Kỳ." ...
Trích bản tin trên tờ The New York Times số ra
ngày 5 tháng 7, 1978
Năm 1979, tổng thống Jimmy Carter tuyên bố ông
sẽ tăng gấp đôi số người tị nạn từ Việt Nam, Campuchia và Lào được nhận vào Hoa
Kỳ, từ 7.000 người mỗi tháng lên 14.000 người. Một cuộc thăm dò từ CBS và The
New York Times ngày đó cho thấy 62% người Mỹ không tán thành.
Ngày 17 tháng 3 năm 1980, Tổng thống Jimmy
Carter đã ký ban hành Đạo luật Hỗ trợ Người tị nạn và Di cư Đông Dương. Đạo
luật này sửa đổi Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch trước đó và thiết lập các thủ
tục tiếp nhận người tị nạn vào Hoa Kỳ. Nó cũng quy định việc thiết lập một hệ
thống toàn diện và thống nhất để giải quyết và tái định cư người tị nạn.
Trong nhiệm kỳ của Jimmy Carter, Hoa Kỳ đã tái
định cư khoảng 200.000 người tị nạn Việt Nam.
Các chính sách của Carter không chỉ cung cấp
sự cứu trợ ngay lập tức cho những người chạy trốn sự đàn áp mà còn thiết lập
một khuôn khổ cho việc tiếp nhận người tị nạn trong tương lai. Những nỗ lực tái
định cư đã dẫn tới việc hình thành các cộng đồng người Việt sôi động trên khắp
nước Mỹ. Ngoài ra, hành động của Carter đã tạo tiền lệ cho cách giải quyết của
Hoa Kỳ đối với các cuộc khủng hoảng người tị nạn và ảnh hưởng đến các chính
sách nhập cư và tị nạn sau này.
Liệu Jimmy Carter có thể đi đến những quyết
định đó mà không có ý kiến của bà Rosalynn Carter?
Người quyền lực thứ hai ở Hoa kỳ trong
nhiệm kỳ của Jimmy Carter
Sau khi Rosalynn Carter trở thành làm đệ
nhất phu nhân được hai năm, tạp chí Time đã gọi bà là "người quyền lực thứ
hai ở Hoa Kỳ". Nhiều lần, ông Carter gọi bà là equal partner – một người
cộng sự bình đẳng. Ông cũng nói rằng bà là một "sự mở rộng hoàn hảo của
bản thân tôi". Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1977, Carter thừa nhận
rằng bà đã cãi nhau với ông về nhiều chính sách của ông nhưng ông hành động căn
cứ trên quyết định của mình và bà chối không ảnh hưởng
đến những quyết định quan trọng của ông. Về sau, cũng trong một cuộc
phỏng vấn, bà Carter nói rằng bà không công khai bày tỏ sự bất đồng với các
chính sách của chồng vì tin rằng "sẽ mất hết hiệu quả của tôi với ông
ấy" cũng như cho rằng cử chỉ đó sẽ không giúp thay đổi quan điểm
của ông theo quan điểm của bà. Bà nói rằng đệ nhất phu nhân có thể gây ảnh
hưởng đến các quan chức hoặc công chúng bằng cách thảo luận hoặc chú ý đến một
vấn đề.
Các nhà báo của tờ Washington Post được vợ
chồng Carter xác nhận rằng họ thường xuyên bất đồng quan điểm khi ông còn là
tổng thống nhưng luôn giữ kín chuyện đó.
"Bà ấy phản đối chính sách của tôi rất
nhiều khi tôi còn ở Bạch ốc, nhưng chưa bao giờ công khai", ông nói.
Ông bắt đầu gọi bà là cố vấn đáng tin cậy
nhất của mình và mời bà tham dự các cuộc họp Nội các.
Sắc lệnh hành pháp đầu tiên của Tổng thống
Carter là thành lập một ủy ban tổng thống về sức khỏe tâm thần. Ông đã cố gắng
bổ nhiệm Rosalynn làm người đứng đầu ủy ban này, vai trò mà bà đã đảm nhận khi
còn là đệ nhất phu nhân Georgia. Nhưng khi các cố vấn đặt câu hỏi về tính hợp
pháp và chính trị của việc bổ nhiệm một thành viên gia đình vào vai trò này, họ
đã phải thỏa hiệp, Rosalynn trở thành "chủ tịch danh dự" của Ủy ban
này.
Bà Carter đã thành lập một Văn phòng Đệ nhất
phu nhân chính thức hoàn chỉnh với đội ngũ nhân viên 18 người ở East Wing của
Bạch ốc – "Lúc đầu, tôi phải đi ra cửa sau cho đến khi mọi người quen với
sự cò mặt của văn phòng này ở đó."
Bà trở thành đệ nhất phu nhân thứ hai từng
ra điều trần tại Quốc hội, sau bà Eleanor Roosevelt.
Gerald Rafshoon, giám đốc truyền thông của
Bạch ốc thời Carter cho biết người ta đã đánh giá thấp bà Rosalynn: "Bà ấy
thực sự là tai mắt của Jimmy Carter. Và bà là người mà chúng tôi sẽ tìm đến nếu
cần giúp Jimmy giải quyết vấn đề gì đó."
Trong thời gian ở Bạch ốc và cả sau này, bà
Carter đóng vai trò cố vấn chính trị cho tổng thống, nhà ngoại giao quốc tế,
người đấu tranh cho những người chăm sóc và ủng hộ việc chăm sóc sức khỏe tâm
thần – vào thời điểm mà việc điều trị bệnh tâm thần ngang bằng với bệnh thể
chất còn là một ý tưởng mới lạ.
Theo Scott Kaufman, giáo sư lịch sử tại Đại
học Francis Marion, tác giả quyển "Rosalynn Carter: Equal Partner in the
White House" (Cộng sự bình đẳng trong Bạch ốc" năm 2007, nói rằng
Carter là một "người mở đường thực sự" và "người đột phá",
đồng thời là "một trong những nhà hoạt động tích cực nhất" trong số
những đệ nhất phu nhân trong lịch sử nước Mỹ.
Cách hoạt động của Rosalynn Carter ở vị trí
đệ nhất phu nhân được so sánh với Eleanor Roosevelt, người đã xác định lại vai
trò của mình hơn 25 năm trước khi gia đình Carters chuyển đến Washington.
Roosevelt là đệ nhất phu nhân đầu tiên điều
trần trước Quốc hội – và Rosalynn Carter là người thứ hai, đại diện cho Ủy ban
Sức khỏe Tâm thần của Tổng thống với tư cách là chủ tịch danh dự vào năm 1979.
Rosalynn Carter là phu nhân Bạch ốc đầu tiên thường xuyên tham dự các cuộc họp
nội các của tổng thống, nơi những người đứng đầu các bộ phận điều hành tạo nên
vòng tròn cố vấn sâu nhất của họ. Bà cũng là người đầu tiên tự mình gặp gỡ các
nhà lãnh đạo nước ngoài, dành 13 ngày ở bảy quốc gia Mỹ Latinh và Caribean.
Kaufman nói rằng mặc dù các đệ nhất phu nhân
trước đây đã từng đi công du nước ngoài, nhưng họ thường được coi là
"những phái đoàn thiện chí" với những cuộc gặp gỡ xã giao. Rosalynn
Carter là "người đầu tiên thảo luận về chính sách kinh tế, kiểm soát vũ
khí và buôn bán ma túy" với tư cách là sứ giả của tổng thống. Ông nói:
"Đây là những điều mà những người chỉ trích bà cho rằng là vượt quá giới
hạn đối với một đệ nhất phu nhân. Nhưng bà Carter biết về các vấn đề đó – thậm
chí còn học tiếng Tây Ban Nha để chuẩn bị – và không lùi bước.
Bà Carter đã vận động hành lang để thông qua
Equal Rights Amendment (Tu chính án về quyền bình đẳng) để bảo đảm quyền bình
đẳng cho tất cả người Mỹ dựa trên giới tính, nhưng do phản ứng dữ dội của phe
bảo thủ đối với phong trào nữ quyền ru chính án đó không được thông qua. Bà đã
thúc đẩy việc thành lập Văn phòng Đệ nhất phu nhân, giúp xác định lại vai trò
đó trong tương lai. Văn phòng này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Bà khuyến khích
phụ nữ phục vụ ở tất cả các cấp chính quyền, cả trong và ngoài chính quyền của
chồng bà. Jimmy đã bổ nhiệm một số lượng phụ nữ kỷ lục vào ghế thẩm phán liên
bang, trong đó có Ruth Bader Ginsburg, người tiếp tục phục vụ tại Tòa án Tối
cao.
Với tư cách là chủ tịch ủy ban tổng thống,
bà đã ủng hộ việc thông qua Đạo luật Hệ thống Sức khỏe Tâm thần, không ngần
ngại kêu gọi các nhà lập pháp chủ chốt của Capitol Hill thúc đẩy việc thông qua
đạo luật này. Năm 1987, bà thành lập Rosalynn Carter Institute for Caregivers
tại trường cũ của bà, Đại học Southwestern Georgia, tập trung vào việc
"xây dựng sự cộng tác giữa các khu vực" và "ủng hộ cho chính
sách công" để hỗ trợ cho 53 triệu người chăm sóc của đất nước. Carter cũng
viết một số cuốn sách về bệnh tâm thần và cách chăm sóc, gồm quyển
"Helping Yourself Help Others: A Book for Caregivers" (Tự giúp mình
giúp đỡ người khác: Sách dành cho người chăm sóc) và "Within Our Reach:
Ending the Mental Health Crisis." (Trong tầm tay của chúng ta: Chấm dứt
khủng hoảng sức khỏe tâm thần).
Tại Thượng viện Hoa kỳ năm 2011 trước Ủy ban
Đặc biệt về Người cao tuổi của Thượng viện, bà Carter đã nói: "Tôi muốn
nói rằng trên thế giới chỉ có bốn loại người: Những người từng là người chăm
sóc; những người hiện đang là người chăm sóc; những người sẽ là người chăm sóc;
và những người sẽ cần đến những người chăm sóc."
Về bệnh tâm thần, bà nói: "Các bệnh tâm
thần cũng là bệnh như bao thứ bệnh khác. Chúng có thể được chẩn đoán và điều
trị, và phần lớn những người mắc các bệnh này có thể có cuộc sống trọn vẹn, làm
việc, đi học và trở thành thành viên hữu ích trong cộng đồng của họ."
Bí quyết hôn nhân của gia đình Carter
Kevin Sullivan và Mary Jordan, hai ký giả
của tờ Washington Post trong bài viết về vợ chồng cựu tổng thống Carter năm
2021 đã kể rằng ông nhận ra "sự dịu dàng của bà ấy khi chúng tôi tranh
cãi" và thấy dễ chịu khi ở bên bà. Ông nói, những bất đồng của họ phần lớn
là những chuyện nhỏ nhặt, chẳng hạn như nên xem gì trên TV. "Nhưng chúng
tôi không bao giờ đi ngủ trong trạng thái giận dữ."
Sau một nhiệm kỳ ở Bạch ốc, vợ chồng Carter
quay trở lại Plains và ngôi nhà mà họ đã xây vào năm 1961. Họ vẫn con trẻ, chỉ
mới ngoài 50 và quyết định rằng họ vẫn còn nhiều việc phải làm. Sau đó, họ đã
quyên góp được hàng triệu đô la và đi khắp thế giới cho Trung tâm Carter, nơi
cổ động cho các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, các sáng kiến y tế cho người nghèo
và bình đẳng cho phụ nữ.
Ông được giải Nobel Hòa bình năm 2002 về
những gì ông đã làm trong nhiều năm cho hòa bình và nhân quyền.
Ông bà Carter cũng giúp tổ chức bất vụ lợi
Habitat for Humanity xây nhà cho những người nghèo trên khắp thế giới.
Ông Carter chơi tennis nên bà cũng đã học
chơi. Khi bà 59 tuổi và ông 62 tuổi, họ thử trượt tuyết xuống dốc. Họ cùng nhau
đi câu cá từ Montana đến Mông Cổ. Họ đã cùng xác định đến 1.300 loài chim trong
nhiều chuyến đi ngắm chim.
Ông nói, sau này thỉnh thoảng ông ở nước
ngoài vài ngày mà không có bà vì công việc của Trung tâm Carter. Nhưng họ vẫn
giữ thói quen đọc Kinh Thánh cùng nhau hàng đêm trước khi đi ngủ. Họ thường đọc
cho nhau nghe trên điện thoại. Hoặc, nếu gặp khó khăn vì chênh lệch múi giờ, họ
sẽ đọc một mình, mỗi người biết rằng người kia đang đọc chính xác cùng một câu.
Chương cuối cuộc đời đệ nhất phu nhân đáng
kính
Cuộc chia ly của Rosalynn Carter và Jimy
Carter sau 77 năm chung sống chỉ là tạm thời. Tại tang lễ của bà Carter, Amy
Carter, con gái của họ, đã thay mặt cha đọc một đoạn trong bức thư mà ông đã
viết cho bà cách đây 75 năm:
"Em yêu, mỗi lần anh xa em, anh đều
rất xúc động khi quay trở lại và nhận ra em tuyệt vời đến thế nào.
Khi đi xa, anh đã cố thuyết phục mình rằng em thực sự không thể ngọt
ngào và xinh đẹp như anh nhớ. Nhưng khi nhìn thấy em, anh lại yêu em lần nữa.
Điều đó có vẻ lạ đối với em không? Nó không xa lạ với anh. Tạm biệt em yêu. Hẹn
ngày mai nhé!
Jimmy"
Mộ của bà nằm trong tầm nhìn từ hiên trước
ngôi nhà, nơi tổng thống thứ 39 của Hoa kỳ hiện đang sống.
Đỗ Quân
(tổng hợp từ Washington Post, New Your
Times, AP, CNN)
No comments:
Post a Comment