Trong bài xạo sự "Phiếm Luận Về Con Gà" ngày 23 /11 / 2022 xạo tôi có viết;
Giờ đây! Chiến tranh Nga-Ukraine bùng
nổ đe dọa trực tiếp đến nền an ninh chung của Châu Âu. Ngày
24/2/2022 Nga xua quân ồ ạt tấn công Ukraine. Trong suốt tháng ba,
giới truyền thống gọi Emmanuel Macron là "Nhà Ngoại Giao Con Thoi".
Xạo tôi không nhớ đã có bao nhiêu lần, chỉ nhớ đại khái rằng trong
khoảng thời gian này Macron tất bật đi mây về gió, sáng ở Paris,
trưa ở Kiev, chiều ở Mạc Tư Khoa với nỗ lực tối đa cố gắng khuyên
giải đôi bên Putin Nga và Zelensky Ukraine ngừng bắn ngay tức khắc để
cùng ngồi ngay vào bàn đàm phán. Có kết quả chớ không phải không.
Có đàm phán chớ không phải không. Lần thứ nhất ở phía nam biên
giới Belarus, lần thứ hai ở thủ đô Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ ngày
29/3/2022, nhưng đàm phán mỏi miệng cãi vã nhau xong hai bên
phủi đích ra về và tiếp tục đánh nhau cho dân lành chết chung cho
vui. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn ngày càng đi vào bế tắc, cho đến
nay, sau chín tháng, bóng dáng chiến tranh đã lởn vởn trên khắp lục địa Âu
Châu..."
- Đừng hỏi Ukraine khi nào
chiến tranh sẽ kết thúc. Quý vị (EU) hãy tự hỏi tại sao Vladimir Putin vẫn có
thể tiếp tục điều đó?
Bà Anna Wieslander, Chủ
Tịch Hội Đồng Quản Trị Viện Chính Sách An Ninh Và Phát Triển ở
Stockholm có một bài xã luận, phân tích về Hội Nghị An Ninh Munich 2/2024 nội
dung chính yếu như sau:
- MSC tháng 2
năm 2024 tại Munich đánh dấu sự thức tỉnh mạnh bạo của Âu Châu sau
hai năm ngũ quên dưới bầu trời u ám cuả Âu Châu. Tôi còn nhớ tại Hội Nghị An
Ninh Munich 2022, chỉ vài ngày trước cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào
Ukraine, các cuộc thảo luận được đánh dấu bằng sự pha trộn giữa sự ngây thơ và
kiêu ngạo của phương Tây. Một năm sau, nỗi sợ hãi đã cản trở hành động và phản
ứng mạch lạc của họ (Âu Châu). Hội nghị năm nay được đánh dấu đặc trưng bởi
việc tự vấn lương tâm và sự thức tỉnh mạnh bạo của châu Âu...
Trong khi đó thì
toàn bộ bài diễn văn của Thủ Tướng Đức Olaf Scholz chỉ gói ghém trong
một câu hỏi ngắn gọn:
- Chúng ta (UE) đã
làm đủ chưa!? Mối đe dọa từ Nga là có thật và có thể lan rộng nếu khả năng
răn đe và phòng thủ của NATO không đáng tin cậy, cũng như nếu việc hỗ trợ quân
sự cho Ukraine của phương Tây thất bại.
Tổng thống Pháp Emmanuel
Macron đã không tham dự MSC, nhưng tuyên bố
- Nga là một cường quốc
theo chủ nghĩa xét lại lịch sử, mà trong những tháng qua đã ngày càng trở nên
hung hãn chống lại tất cả chúng ta. Một giai đoạn mới đang
bắt đầu, nhiều quốc gia đồng minh của EU có biên giới với Nga có lý
do để lo âu và hang mang trong tình thế này...
Trong bối cảnh chính trị
"Âu Châu đã thức tỉnh sau một thời
gian dài ngây thơ về Nga" thì ngày 26/2/2024 tại Paris
"Con Gà Trống Thiến Gauloir" lại cất tiếng gáy trong khi toàn
thể Âu Châu đang thức dậy ra đồng.
Tổng Thống Pháp Emmanuel
Macron tuyên bố :
- Hiện giờ chúng ta (EU)
không có đồng thuận chính thức đưa quân trên bộ tới Ukraine, nhưng trên đà này
không có gì loại trừ, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần để Nga không thể
thắng trong cuộc chiến tranh này...
Lời tuyên bố như tiếng gà
gáy trong buổi hoàng hôn này của Macron đã bị giới phân tích chính trị toàn cầu mổ xẻ dưới nhiều
góc độ.
AFP cho rằng
- Đây là cách để tổng thống Pháp một
lần nữa muốn đặt mình vào vị thế của một thủ lĩnh, như ông đã từng có nhiều
lần phát ngôn làm dậy sóng dư luận phương Tây rằng NATO là tổ chức đã
« chết não ». Hay như khi ông Macron vẫn chủ trương duy trì đối thoại
với tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi cuộc tấn công Ukraine được phát động
hồi tháng 2/2022, khiến cho các đồng minh phương Tây của Pháp khi đó khó hiểu.
Trong bối cảnh
xung đột tại Ukraine đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho Kiev,
Emmanuel Macron tuyên bố có thể phương Tây gửi quân bộ chiến đến lãnh thổ
Ukraine thì quả là một điều khó hiểu thật. Macron thừa hiểu biết về tổ chức
Nato, Nato là cây dù che an ninh cho Âu Châu từ lâu nay, khởi đầu
cuộc chiến Ukraine, Mỹ đã dứt khoát khẳng định là Nato không can
thiệp, ngay cả việc từ chối lời yêu cầu khẩn thiết của Zelensky
thiết lập vùng "cấm bay" trên không phận Ukraine thì Macron phải hiểu
rằng Mỹ đang "âm mưu chính trị" gì đối với Âu
Châu nói chung và Pháp-Đức nói riêng như thế nào rồi, qua lá bài
"chiến tranh Ukraine-Nga"!
Các quốc gia đồng
minh của EU có phản ứng ngay với Macron qua lời tuyên bố "mập
mờ" này. Đầu tiên là nước Đức, đối tác chính của Pháp. Thủ
tướng Olaf Scholz hôm qua khẳng định « không một binh sĩ nào được gửi
đến Ukraine » từ các nước Châu Âu cũng như NATO. Một loạt các nước
Châu Âu khác cũng lên tiếng với không ít dè dặt và lo ngại với ý tưởng của tổng
thống Pháp.
Như xạo tôi thường nói,
chính trị như một đồng tiền có hai mặt. Một nhà lãnh đạo của một quốc
gia không những có hai cái mặt nạ mà cần phải có ba cái mặt nạ lận. Có lúc
phải hiền như con bồ câu, có lúc phải dữ như con sư tử, và quan trọng nhất
là có lúc phải độc như con rắn thì mới đối phó với những
thủ đoạn âm mưu chính trị bên ngoài tác động đến vận
mệnh đất nước của mình.
Emmanuel Macron cũng đã biết quá rõ về Donald Trump, dù Macron có
thích hay ghét Trump thì Macron cũng phải thừa nhận rằng Trump có thể là
một trong số ít Tổng Thống Mỹ có thể thúc đẩy người Âu
Châu tỉnh táo hơn và tăng chi tiêu quốc phòng của họ, và chắc chắn
rằng Trump là ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ cuối năm 2024 duy nhất có
thể làm điều đó.
Đó là lý do tại sao, Macron lo âu nếu Trump thắng cử lần này, Pháp
là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, nếu chiến tranh của Nga lan rộng
ra khỏi biên giới Ukraine.
Nếu xạo tôi là đang
kiêm Thủ Tướng Đức Olaf Scholz thì tôi không tuyên bố rằng «
không một binh sĩ nào được gửi đến từ các nước Châu Âu cũng như
NATO..." mà xạo tôi sẽ nói rằng (giả tưởng cho vui) :
- Thưa Ngài Tổng Thống Pháp
Quốc, nếu Ngài thấy thế và lực của Ngài đủ để ngăn chặn
bước tiến quân của Nga, thì Ngài hãy đi tiên phuông gửi ngay một
sư đoàn bộ chiến và một Lữ Đoàn Kỵ Binh (thiết giáp) qua giúp chính
quyền Zelensky để làm cho Nga không thể chiến thắng được, thì Ngài sẽ thấy hậu
quả hay kết quả như thế nào. Xin Ngài đừng đặt kỳ vọng vào Nato
hay Hoa Kỳ, vì đối với họ, vấn đề này là một việc "bất khả
thi" đã được khẳng định ngay từ đầu
cuộc chiến. Và cũng xin Ngài nhớ rằng, hầu hết thành viên trụ cột của
Nato là các nước của Âu Châu (EU) do Pháp Quốc của Ngài khởi xướng thành
lập tháng 11 năm 1993. Kể từ đó đến nay, 30 năm qua, nước Pháp của
Ngài chưa bao giờ "đóng hụi chết" đầy đủ cho Nato (2% của GDP),
trong khi Ngài đi cửa hậu ký bao nhiêu khế ước làm ăn buôn bán
với Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh!?
Nói là Âu Châu,
nhưng thực tế thì chỉ có bốn (4) quốc gia cường thịnh đáng kể nhất là Anh,
Pháp, Đức, Ý. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Đức bị chia hai,
về phía Tây Đức và Ý thì bị Mỹ và đồng minh phong tỏa về mặt quân sự
và võ trang, cho mãi đến 1995 lệnh phong tỏa này mới được cởi bỏ sau
khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Riêng Pháp thì phải mất hai thập kỷ
(1945-1965) mới hồi phục lại được tiềm lực của một cường quốc. Đó là lý do tại
sao Pháp không đáp ứng lời kêu gọi của Hoa Kỳ về việc giải thực để rồi
"Thực Dân Pháp" bị khai tử ở Điện Phủ của Việt Nam, kéo theo một loạt
các nước Bắc Phi và Tây Phi giành độc lập từ tay "Thực Dân Pháp".
Riêng Anh Quốc là một
quốc đảo, lại là một cánh tay đại võ của Mỹ, nên
trong chiến tranh đệ nhị chỉ bị thiệt hại vật chất không đáng
kể. Trong suốt 1/2 thế kỷ, Hoa Kỳ đơn phương đối đầu với Cộng
Sản Nga để bảo vệ Âu Châu qua tổ chức Nato chống lại khối Warszawa,
trong khi cả Âu Châu lo làm giàu.
Năm 1992, Gorbachev làm
nên lịch sử: "Giải Tán Đảng Cộng Sản Nga". Ngay sau đó
năm 1993, Pháp kêu gọi Âu Châu thành lập Liên Minh Âu Châu nhằm tách
rời dần ảnh hưởng của Hoa Kỳ và xoay mặt kết giao với Mạc Tư Khoa và
Bắc Kinh, chỉ vài năm sau, Anh Quốc tuyên bố rút ra khỏi liên minh (EU) chỉ giữ
lại vai trò giao thương kinh tế thương mại với Âu Châu mà thôi.
Một cách tóm tắt, kể từ
khi Nga sụp đổ, đường lối ngoại giao của Pháp đối với Hoa Kỳ là
"đường anh anh đi, đường tôi tôi đi". Ngọn lữa nhen
nhúm này đã tạo ra một đám mây đen bao phủ cả vòm trời Âu Châu
hai năm nay và còn kéo dài nữa.
Việc cựu Tổng thống
Donald Trump tuyên bố vào cuối tuần trước, rằng ông sẽ yêu cầu Nga làm
"bất cứ điều gì họ muốn" với các đồng minh châu Âu không chi đủ cho
quốc phòng, đã gây ra làn sóng chấn động khắp các thủ đô châu Âu. Việc ông
Trump đang dẫn trước Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một số cuộc thăm dò bầu cử
khiến tuyên bố này càng trở nên đáng sợ hơn đối với Châu Âu. Dĩ nhiên Pháp là
kẻ lo sợ nhất, vì Emmanuel Macron hiểu ngay lời ám chỉ của
Trump "bất cứ điều gì họ (Nga) muốn" đối với các quốc
gia Âu Châu không đóng góp hoặc đóng góp không đủ cho ngân
sách Nato hàng năm.
Xạo tôi xin nhắc lại lời
nhận định của Tướng Pierre de Villiers là cựu tham mưu trưởng liên
quân Pháp, đã rời khỏi quân ngũ kể từ 2017. Ngày 09/11/2022 ông đã được
các đài truyền hình BFMTV và truyền thành RMC phỏng vấn, vài ngày sau,
ngày 13/11/2022 ông lại được RTL mời lên đài truyền hình phát đi tại
Paris. Ông nói:
- Khi cuộc chiến
Nga và Ukraine bắt đầu, người ta không biết làm thế nào và khi nào cuộc chiến
chấm dứt. Đó là một nỗi lo âu lớn, đó là sự thất bại của ngoại giao và hòa
bình. Nếu chiến tranh xảy ra trên đất Pháp, chúng ta thiếu chiều sâu, thời gian
và quân đội chúng ta không được chuẩn bị cho các cuộc chiến dữ dội, cường độ
cao, như là người ta thấy giữa Ukraine và Nga...Chúng ta không có một quân đội
được chuẩn bị để đối phó với một cuộc chiến nhiều cam go, nhất
là sự kéo dài dai dẳng tương tự như thế. Chúng ta không có bề dày,
chúng ta không có chiều sâu về mặt đạn dược, về mặt cơ phận thay thế, về
mặt tiếp liệu, về mặt quân số và về mặt trang bị...Và đó là những gì chúng ta
phải tạo dựng lại khẩn cấp. Cuộc chiến Nga-Ukraine không nằm trong lợi ích của
các quốc gia Âu Châu, nhất là Pháp. Có lẽ có lợi cho Hoa Kỳ. Tôi nghĩ
là đã đến lúc phải tìm một giải pháp đương nhiên là không thể làm mất danh
dự người Ukraine! Cá nhân tôi rất ngạc nhiên về việc Nga xâm lược Ukraine
vào hồi tháng hai, những lời đe dọa của Putin về việc dùng vũ khí
nguyên tử là điều không thể coi thường, khi một nhà độc tài có
tâm địa nham hiểm bị dồn xuống đường hầm, ông ta sẽ không
lùi bước.Tôi luôn ghi nhận điều này như một bài học lịch sử..."
Đó là lý do tại sao mấy
lúc gần đây, Pháp tỏ ra ân cần thân thiện với Đức để kết
giao đồng minh. Nhưng ngay sau khi Macron đưa ra ý kiến gửi quân
bộ chiến đến giúp Kiev, thì ngay tức khắc Thủ Tướng Đức Olaf Scholz phản bác liền. Điều
này chứng tỏ rõ ràng rằng những bất đồng chiến lược quốc phòng giữa Pháp
và Đức còn rất sâu đậm. Sự thật là chiến lược quân sự của Pháp
và Đức rất khác nhau. Quân đội và chính sách quốc phòng được định hình bởi lịch
sử của mỗi nước và hoạt động của hệ thống chính trị nội bộ không đóng cùng một
vai trò và không thực hiện các chức năng giống nhau, ngoài chức năng cơ bản là
bảo vệ lãnh thổ và bảo đảm an ninh cho người dân. Quân đội viễn chinh
Pháp, thừa kế một truyền thống lịch sử lâu đời, có rất ít điểm tương đồng với
quân đội Đức (Bundeswehr) được thành lập vào năm 1955 trong khuôn khổ của NATO
để đối mặt với mối đe dọa từ Liên Xô trong thời gian Chiến Tranh Lạnh. Mặc
dù những năm cuối của nhiệm kỳ Merkel không xóa bỏ được những bất đồng chiến
lược giữa Paris và Berlin, song dường như hai bên đã hướng tới ý tưởng về một hệ
thống phòng thủ châu Âu vững chắc hơn bên cạnh NATO. Tuy đã đạt được đồng
thuận Munich vào năm 2014, với việc Berlin chấp nhận đảm nhận nhiều trách nhiệm
hơn về an ninh và quốc phòng quốc tế, Pháp vẫn xem Đức là đối tác quá thận
trọng trong các vấn đề này. Nhiều chuyên
gia Pháp từ lâu đã coi Đức là "cường quốc không đáng tin cậy".
Việc Nga xua quân xâm lược Ukraine ngày 24/02/2022 dường như đã làm thay đổi
cục diện : Ba ngày sau, thủ tướng Đức tuyên bố thời thế đã thay đổi
(Zeitenwende). Đức nhận thức được rằng một cuộc chiến tranh quy ước có thể nổ
ra ở châu Âu, nhưng từ quá lâu, Berlin đã không chú tâm đến ngân sách cũng như
năng lực quốc phòng, bất chấp những lời chỉ trích thường xuyên của các ủy viên
Quốc Phòng của Quốc Hội Đức, nhấn mạnh đến tình trạng đáng báo động của quân
đội Đức. Pháp coi đây là cơ hội để cuối cùng có thể hợp tác hiệu quả hơn
với Đức về mặt quốc phòng và thậm chí thúc đẩy chính sách quốc phòng của châu
Âu thông qua sáng kiến "La bàn chiến lược châu Âu" được công bố vào
tháng 03/2022, vốn được khai triển vào thời điểm Đức làm chủ tịch luân
phiên của Hội Đồng Châu Âu vào năm 2020. Nhưng rất nhanh chóng, những bất
đồng chiến lược giữa Pháp và Đức lại bộc lộ : Paris nhận định cuộc chiến ở
Ukraine càng cho thấy Liên Hiệp Châu Âu cần phải thiết lập một hệ thống phòng
thủ vững chắc dựa vào lực lượng của chính mình, trong khi Đức, giống như đa số
các quốc gia châu Âu khác, lại chủ trương là khối NATO phải được củng
cố. Sự bất đồng này được phản ánh cụ thể qua việc thủ tướng Đức đưa ra
sáng kiến phòng không châu Âu (Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu) mà không
tham vấn với Paris. Berlin quay lưng lại với hệ thống phòng thủ của Pháp và Ý
(SAMP/T) và chọn hệ thống của Israel được Washington hậu thuẫn (Arrow 3). (Trích
Từ Bài Viết Hợp Tác Quân Sự Pháp-Đức của Phan Minh lược dịch).
Trong bài viết
"Phiếm Luận Về Con Gà" ngày 23/11/2022 xại tôi cũng có viết, và xin
trích lại để kết thúc bài viết hôm nay:
Trong thời kỳ vàng son của
"đế quốc thực dân", Anh với Pháp là một một đôi bạn thâm
giao, đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Đệ II Thế
Chiến kết thúc, thực dân cáo chung, tình bạn Anh-Pháp ngày càng nhạt nhòa đi,
thay vào đó là tình bạn mới Anh-Mỹ ngày càng gắn bó. Pháp cứ loay hoay bực
tức trong cái rọ tù túng lục địa Châu Âu, nhưng đối với Nato thì
Pháp phải phép vì đó là cái bùa hộ mạng cho sự an ninh của Pháp nói riêng
và của Âu Châu nói chung. Do đó người ta mới ví chính sách ngoại
giao của Pháp là "thọc gậy bánh xe" hay "ăn không được
thì phá"! Phá đám chứ không có khả năng đạp đổ.
Tháng 5 năm 2017 Emmanuel
Macron lên làm Tổng Thống Pháp khi mới 40 tuổi. Vị tổng thống trẻ tuổi
nhất trong lịch sử (Sinh Năm 1977). Macron là một chính trị gia chớ không thể
là một chiến lược gia. Macron non lòng trẻ dạ không thể nào "nhạy
cảm" trước những ý đồ thâm độc của những thế
lực đen đằng sau Điện Cẩm Linh, Tử Cấm Thành và Tòa
Bạch Ốc. Là một nhà lãnh đạo tối cao của một dân tộc nổi tiếng nhất
thế giới sành điệu về việc "ăn với ngủ", vừa ngồi vào ghế tổng thống
phải đối phó ngay với Cô Vít 19 kéo theo sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu,
Macron chỉ lo việc nội bộ thôi cũng đủ rụng tóc rồi nói chi lo việc thiên
hạ. Đó là chưa kể phải đối phó với dư luận của thế giới về
vấn đề Pháp đã tài trợ cho Trung Cộng phòng thí nghiệm vi trùng học
Vũ Hán, nơi xuất phát Covid-19.
Vào những năm
trước đây, khi Mỹ tuyên bố công khai "chuyển trục", Cựu TT
Donald Trump thành lập khối liên minh quân sự "QUAD" và thực hiện
những cuộc tập trận quy mô ở biển đông với Úc, Ấn,
Nhật...Pháp cũng gửi hàng không mẫu hạm của mình sang biển đông chạy long
nhong trên hải phận quốc tế để chứng tỏ cho thế giới là cũng có mặt
ta đây. Đến khi Ông Joe Biden lên làm tổng thống thành lập khối
"AUKUS" gồm Mỹ-Anh-Úc...Pháp cũng vẫn chầu rìa. Có tức khí thì
cũng đành ngậm bồ hòn...
Thân Kính Chúc Quý Vị
Một Ngày Chủ Nhật Bình An.
Út Bạch Lan
No comments:
Post a Comment