Friday, 13 September 2024

Putin sẽ không bao giờ từ bỏ ở Ukraine

Nguồn: Peter Schroeder, "Putin Will Never Give Up in Ukraine," Foreign Affairs, 03/09/2024. Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Phương Tây không thể thay đổi toan tính của Putin – họ chỉ có thể chờ ông ra đi.

Hai năm rưỡi sau khi Nga xâm lược Ukraine, người Mỹ vẫn giữ nguyên chiến lược chấm dứt chiến tranh: đặt ra cái giá đủ lớn cho Nga để tổng thống nước này, Vladimir Putin, phải quyết định rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dừng xung đột. Trong một nỗ lực thay đổi phép tính chi phí-lợi ích của Putin, Washington đã cố gắng tìm ra điểm cân bằng giữa việc ủng hộ Ukraine và trừng phạt Nga với giảm thiểu rủi ro leo thang. Dù cách tiếp cận này có vẻ hợp lý, nhưng nó dựa trên một giả định sai lầm: rằng suy nghĩ của Putin có thể thay đổi.

Các bằng chứng đều cho thấy: đối với vấn đề Ukraine, Putin đơn giản là không thể thuyết phục được; ông đã đặt cược tất cả. Đối với ông, việc ngăn chặn Ukraine trở thành một pháo đài mà phương Tây có thể sử dụng để đe dọa Nga là một điều cần thiết về mặt chiến lược. Ông xem việc đạt được kết quả đó là trách nhiệm cá nhân và sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để đạt được nó. Cố gắng thuyết phục ông từ bỏ là một việc làm vô ích và sẽ chỉ lãng phí sinh mạng và nguồn lực.

Chỉ có một lựa chọn khả thi để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine theo các điều khoản mà phương Tây và Kyiv có thể chấp nhận: chờ đợi Putin ra đi. Theo cách tiếp cận này, Mỹ sẽ giữ vững lập trường ở Ukraine và duy trì lệnh trừng phạt đối với Nga, trong khi giảm thiểu mức độ giao tranh và nguồn lực chi tiêu cho đến khi Putin qua đời hoặc rời nhiệm sở. Chỉ khi đó, người ta mới có cơ hội cho một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine.

PUTIN – KẺ CƠ HỘI?

Khi Putin ra lệnh xâm lược, đó là một cuộc chiến do lựa chọn, bởi không có mối đe dọa an ninh cấp bách nào đối với Nga để đòi hỏi phải xâm lược nước láng giềng trên diện rộng. Và đó rõ ràng là sự lựa chọn của Putin. Cả William Burns, Giám đốc CIA, và Eric Green, Giám đốc phụ trách Nga của Hội đồng An ninh Quốc gia vào thời điểm đó, đều chỉ ra rằng các quan chức Nga khác dường như không biết gì về quyết định của Putin. Ngay cả trong cuộc họp được truyền hình trực tiếp giữa Putin và các quan chức an ninh cấp cao của ông vào đêm trước cuộc xâm lược, vốn chỉ là một cuộc họp được dàn dựng, một số người tham gia dường như vẫn không biết chính xác phải nói gì. Giới tinh hoa Nga sau cùng cũng ủng hộ tổng thống, nhưng trước tháng 2/2022, rất ít người kêu gọi tiến hành một cuộc đối đầu sẽ khiến Nga phải trả giá đắt và phá vỡ quan hệ với phương Tây.

Bởi vì đây là một cuộc chiến do lựa chọn, Putin có quyền dừng nó. Sau khi nhận ra rằng nước cờ này khó hơn dự đoán, ông có thể tìm cách giảm thiểu thiệt hại. Cuộc chiến này không phải là một cuộc chiến sinh tử đối với Nga, ngay cả khi Putin gọi nó là vậy. Việc rút quân Nga khỏi Ukraine sẽ không đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước Nga, thậm chí có thể sẽ không đe dọa đến sự cai trị của chính ông. Putin đã đảm bảo rằng không có người kế nhiệm tiềm năng nào xuất hiện trong tương lai gần. Hai người thách thức ông gần đây nhất – lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny và kẻ nổi loạn Yevgeny Prigozhin – đều đã chết. Điện Kremlin sở hữu hàng thập kỷ kinh nghiệm trong việc định hình các quan điểm trong nước để củng cố quyền lực cho Putin. Ông có thể dễ dàng tuyên bố chiến thắng ở Ukraine và phát động một chiến dịch tuyên truyền đi kèm để biện minh cho sự thay đổi thái độ của mình.

Đúng là Putin có quyền dừng cuộc chiến, nhưng liệu ông có bao giờ sẵn sàng làm vậy không? Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phần lớn đã trả lời câu hỏi đó theo hướng khẳng định, rằng với đủ áp lực, ông sẽ buộc phải rút quân khỏi Ukraine, hoặc chí ít là chịu đàm phán ngừng bắn. Để thay đổi tính toán của Putin, Washington và các đồng minh đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế toàn diện đối với Nga, cung cấp cho Ukraine thiết bị quân sự và hỗ trợ tình báo, đồng thời cô lập Moscow trên trường quốc tế.

Đằng sau chính sách này là niềm tin rằng Putin về cơ bản là một kẻ cơ hội. Ông sẽ thăm dò, và khi phát hiện ra điểm yếu, ông sẽ tiến lên, nhưng khi phải đối đầu sức mạnh, ông sẽ rút lui. Theo quan điểm này, cuộc tấn công của Putin vào Ukraine xuất phát từ cả tham vọng đế quốc và nhận thức của ông về những điểm yếu ở phương Tây và ở Ukraine. Theo lời Tổng thống Joe Biden, Putin có "lòng tham đất đai và quyền lực" và luôn mong đợi rằng sau khi lực lượng Nga xâm lược Ukraine, "NATO sẽ tan rã và chia rẽ." Nếu chẩn đoán là vậy, thì đơn thuốc sẽ là thể hiện sức mạnh và sự bền bỉ. Đẩy cái giá của cuộc chiến lên đủ cao, và cuối cùng ông ta sẽ kết luận rằng chủ nghĩa cơ hội của mình không có hiệu quả.

CẢM GIÁC BẤT AN

Tuy nhiên, Putin không phải là kẻ cơ hội, chí ít là trong trường hợp Ukraine. Những động thái quốc tế nổi bật nhất của ông không phải là những thủ đoạn cơ hội để giành lợi thế, mà là những nỗ lực phòng ngừa để ngăn chặn những điều ông cho là tổn thất, hoặc trả đũa những điều ông cho là hành động khiêu khích. Chiến dịch quân sự của Nga ở Gruzia năm 2008 vừa là phản ứng trước cuộc tấn công của Gruzia vào khu vực ly khai Nam Ossetia, vừa là nỗ lực để tránh mất quyền kiểm soát một lãnh thổ mà Nga xem là đòn bẩy có thể ngăn cản Gruzia hội nhập với phương Tây. Khi Putin chiếm Crimea năm 2014, ông lo mình sẽ mất căn cứ hải quân của Nga tại đó. Khi ông can thiệp vào Syria năm 2015, ông lo rằng Bashar al-Assad, một nhà lãnh đạo thân Nga, sẽ bị lật đổ. Và khi ông can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông đang đáp trả những gì ông xem là nỗ lực của Mỹ nhằm làm suy yếu vị thế của ông tại Nga – cụ thể là, lời chỉ trích công khai của Mỹ đối với cuộc bầu cử Nga năm 2011-2012 và việc Hồ sơ Panama vạch trần các giao dịch tài chính bí mật của những người thân cận với Putin vào mùa xuân năm 2016.

Nếu chủ nghĩa cơ hội quả thật đang thúc đẩy Putin ở Ukraine – nếu ván cược này là sản phẩm của lòng tham đế quốc nhằm giúp Nga giành quyền kiểm soát lãnh thổ bất cứ khi nào có cơ hội – thì cách tiếp cận rõ ràng là không theo chủ nghĩa cơ hội của ông đối với Ukraine từ năm 2014 đến năm 2021 cần phải được giải thích. Sau khi Nga chiếm Crimea vào tháng 3 và tháng 4 năm 2014, chính phủ Ukraine đã rơi vào hỗn loạn. Tuy nhiên, thay vì nhanh chóng hành động để chiếm thêm lãnh thổ, Putin đã chọn cách phát động một cuộc nổi loạn cấp thấp ở miền đông Ukraine, vùng đất có thể được sử dụng như một quân bài mặc cả để hạn chế các lựa chọn chính sách đối ngoại của Kyiv. Sang tháng 9/2014, sau khi lực lượng Nga giáng một đòn thảm khốc vào lực lượng Ukraine tại thành phố Ilovaisk, Moscow có thể đã tiến xa hơn dọc theo Biển Azov, tạo ra một hành lang trên bộ từ Crimea đến Nga. Nhưng thay vào đó, Putin đã chọn một giải pháp chính trị, đồng ý với giao thức Minsk.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi rõ ràng là Washington không muốn giúp Kyiv, Putin vẫn kiềm chế không phát động một cuộc tấn công quân sự rộng hơn hoặc thực hiện bất kỳ nỗ lực nào khác để mở rộng ảnh hưởng của Nga ở Ukraine. Những cơ hội bị bỏ lỡ như vậy rõ ràng không phù hợp với quan điểm xem Putin là một kẻ cơ hội bậc thầy.

Thay vì là một cuộc chiến xâm lược cơ hội, cuộc tấn công vào Ukraine nên được hiểu là một cuộc chiến phòng ngừa bất công, được phát động để ngăn chặn những gì Putin xem là mối đe dọa an ninh trong tương lai đối với Nga. Theo quan điểm của Putin, Ukraine đang trở thành một quốc gia chống Nga, một quốc gia nếu không bị ngăn chặn sẽ có thể bị phương Tây sử dụng để phá hoại sự gắn kết trong nước của Nga và trở thành căn cứ cho các lực lượng NATO có thể đe dọa chính nước Nga. Trong chừng mực nào đó, các quan chức Mỹ dường như hiểu được điều này. Như Avril Haines, Giám đốc Tình báo Quốc gia, đã nói, "Ông ấy cho rằng Ukraine đang không thể tránh khỏi việc tiến về phía phương Tây và NATO và xa rời Nga."

Dù cuộc xâm lược không phải là tội ác của một kẻ cơ hội, nhưng đó là một động thái mạo hiểm đáng ngạc nhiên đối với Putin. Thật ra, ông có xu hướng tránh rủi ro trên trường quốc tế, chỉ thực hiện các động thái được tính toán và giảm thiểu cam kết của các nguồn lực của Nga. Việc triển khai vài nghìn lính Nga tới Syria là một đợt triển khai tương đối nhỏ và chủ yếu dựa vào lực lượng không quân. Khi người đồng cấp độc tài của ông là Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro dường như đang bên bờ vực bị lật đổ vào năm 2019, Putin cũng chỉ cử vài trăm quân để giúp ông ta giữ ghế. Ngược lại, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Nga mất hơn 100.000 binh sĩ và gây ra thiệt hại không thể kể xiết cho nền kinh tế và vị thế quốc tế của nước này.

Việc cuộc chiến này không giống với tính toán rủi ro thông thường của Putin cho thấy ông đã đưa ra một quyết định chiến lược về Ukraine mà ông sẽ không sẵn sàng lùi bước. Quyết định gửi phần lớn quân đội Nga đến Ukraine vào năm 2022, rồi huy động thêm lực lượng khi đợt tấn công ban đầu thất bại, đã chứng tỏ rằng ông xem cuộc chiến này là quá quan trọng để thất bại. Bất chấp cái giá của quyết định xâm lược, Putin có thể nghĩ rằng cái giá của việc không hành động sẽ còn cao hơn – cụ thể là Nga sẽ không thể ngăn chặn sự xuất hiện của một Ukraine liên kết với phương Tây có thể trở thành bàn đạp cho một cuộc "cách mạng màu" chống lại chính nước Nga. Putin nghĩ rằng nếu ông không thành công ngay bây giờ, Nga sẽ phải gánh chịu những cái giá tương tự. Xét đến việc Putin có lẽ đã cân nhắc các kịch bản trước mắt theo cách này, áp lực của phương Tây khó có thể tiến đến gần mức buộc ông phải thay đổi quyết định và chấm dứt chiến tranh theo các điều khoản có thể chấp nhận được đối với Kyiv và Washington.

ĐÂY LÀ CÁCH MỌI CHUYỆN KẾT THÚC

Nếu Putin không muốn dừng cuộc tấn công vào Ukraine, thì cuộc chiến chỉ có thể kết thúc theo một trong hai cách: hoặc vì Nga đã mất khả năng tiếp tục chiến dịch, hoặc vì Putin không còn nắm quyền nữa.

Việc đạt được kết quả đầu tiên, nghĩa là làm suy yếu năng lực của Nga, là không thực tế. Với việc Putin cam kết tham chiến và liên tục đưa thêm nhân lực và vật lực vào cuộc chiến, quân đội Nga khó có thể sụp đổ. Đánh bại Putin trên bộ ở Ukraine sẽ đòi hỏi tăng đáng kể lượng đạn dược, nhưng phải đến năm 2025, Mỹ mới bắt đầu tăng sản lượng đạn pháo cần thiết, và ngay cả mức tăng đó cũng không đủ để đáp ứng các yêu cầu trên chiến trường của Ukraine – chưa nói đến hệ thống phòng không mà Ukraine có thể sử dụng. Ukraine cũng cần tiếp tục đưa quân vào chiến đấu, và dù phương Tây có thể giúp huấn luyện nhóm tân binh này, các nước phương Tây sẽ không muốn gửi quân của riêng mình. Tệ hơn, như quãng thời gian hai năm chiến tranh đã chỉ ra, các cuộc tấn công lớn thường gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với các biện pháp phòng thủ kỹ lưỡng, đặc biệt là khi máy bay không người lái và các công nghệ giám sát khác đã làm giảm yếu tố bất ngờ cho cả hai bên.

Vì thế, chỉ còn con đường thứ hai để chấm dứt chiến tranh: Putin rời khỏi Điện Kremlin. Việc đẩy nhanh quá trình này nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng lại là một ý tưởng không thực tế. Suốt hàng chục năm qua, Washington đã cho thấy mình không có khả năng thao túng chính trị Nga thành công; cố gắng làm như vậy bây giờ sẽ đại diện cho chiến thắng của hy vọng trước kinh nghiệm. Hơn nữa, Dù Putin có thể đã nghĩ rằng Mỹ đang quyết tâm lật đổ ông, nhưng nếu chúng ta thực sự bắt đầu thực hiện các bước để làm vậy, rất có thể ông sẽ nhận ra sự thay đổi và xem đó là một bước leo thang. Để đáp trả, ông có thể tăng cường các nỗ lực của Nga nhằm gieo rắc hỗn loạn trong xã hội Mỹ.

Với những rủi ro đó, cách tiếp cận tốt nhất đối với Washington là chơi đường dài và chờ Putin ra đi. Vẫn có khả năng ông sẽ tự nguyện từ chức hoặc bị lật đổ, nhưng điều chắc chắn là, đến một lúc nào đó, ông sẽ chết. Chỉ khi Putin không còn nắm quyền nữa thì công việc thực sự để giải quyết vĩnh viễn cuộc chiến ở Ukraine mới có thể bắt đầu.

CÂU GIỜ

Cho đến lúc đó, Washington nên tập trung vào việc giúp Ukraine giữ vững phòng tuyến và ngăn chặn những bước tiến quân sự tiếp theo của Nga. Họ nên tiếp tục áp đặt cái giá kinh tế và ngoại giao lên Moscow, nhưng đừng mong đợi chúng có nhiều tác dụng. Mục đích chính của những cái giá này là gửi đúng thông điệp đến các đồng minh của Mỹ và đảm bảo một đòn bẩy đàm phán trước nước Nga hậu Putin, cũng như để tránh vấp phải chỉ trích trong nước. Đồng thời, Washington nên tiết kiệm nguồn lực của mình, chi tiêu chúng một cách hiệu quả nhất có thể, và thuyết phục Kyiv tránh các cuộc tấn công lớn và lãng phí. Ngay cả các chiến dịch thành công của Kyiv cho đến nay – bao gồm cả cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực Kursk của Nga vào tháng trước – cũng không có nhiều tác động đến tiến trình chung của cuộc xung đột. Đây vẫn là một cuộc chiến tiêu hao mà không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẽ có bước đột phá trong thời gian tới.

Khi cuộc tấn công Kursk rơi vào bế tắc, và Kyiv phải chật vật ngăn chặn bước tiến của Nga tại Donetsk, Washington cũng nên ủng hộ một lệnh ngừng bắn để chấm dứt giao tranh. Dù Putin tất nhiên có thể phá vỡ bất kỳ thỏa thuận nào, nhưng lợi ích của lệnh ngừng bắn vẫn lớn hơn rủi ro. Một lệnh ngừng bắn sẽ cho phép Ukraine củng cố khả năng phòng thủ và huấn luyện thêm binh lính, đồng thời phương Tây có thể phòng bị bằng cách tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Quan trọng nhất, một lệnh ngừng bắn sẽ ngăn binh lính và thường dân mất mạng trong một cuộc chiến không có hồi kết thực tế cho đến khi Putin ra đi.

Tuy nhiên, khi Putin thực sự rời đi, Washington cần phải sẵn sàng với một kế hoạch – một kế hoạch không chỉ giải quyết cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, mà còn tạo ra một khuôn khổ tích cực cho an ninh châu Âu, giúp giảm căng thẳng quân sự, giảm nguy cơ xung đột, và đề xuất một tầm nhìn mà các nhà lãnh đạo Nga mới ở Moscow có thể chấp nhận. Điều đó sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo táo bạo, ngoại giao quyết đoán, và sẵn sàng thỏa hiệp – ở Moscow, Kyiv, Brussels, và Washington.

Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, chiến lược của Mỹ đối với cuộc chiến ở Ukraine đã được đặc trưng bởi suy nghĩ viển vông. Chỉ cần Washington có thể áp đặt cái giá đủ lớn lên Putin, họ có thể thuyết phục ông dừng cuộc chiến ở Ukraine. Chỉ cần có thể gửi đủ vũ khí đến Ukraine, Kyiv có thể đánh bật lực lượng Nga. Sau hai năm rưỡi, rõ ràng là hai kết quả này đều nằm ngoài tầm với. Cách tiếp cận tốt nhất là chơi trò câu giờ – giữ vững phòng tuyến ở Ukraine, giảm thiểu chi phí cho Mỹ, và chuẩn bị cho ngày Putin cuối cùng rời đi. Đây là một cách tiếp cận được thừa nhận là không thỏa đáng và không dễ chấp nhận về mặt chính trị. Nhưng đó là lựa chọn thực tế duy nhất.

Peter Schroeder là nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới. Ông là nhà phân tích và thành viên của Đơn vị Phân tích Cấp cao tại Cơ quan Tình báo Trung ương và từ năm 2018 đến năm 2022 giữ chức Phó Giám đốc Tình báo Quốc gia phụ trách Nga và Âu-Á tại Hội đồng Tình báo Quốc gia.

No comments:

Post a Comment