Friday, 11 January 2013

Trẻ con nên học ngoại ngữ sớm



Một đứa trẻ học ngôn ngữ thứ hai sau 10 tuổi sẽ không bao giờ nói được như tiếng mẹ đẻ. Báo Newsweek từng có nghiên cứu chứng minh rằng, trẻ em nếu học một ngôn ngữ thứ hai từ rất sớm sẽ nắm vững cả 2 ngôn ngữ. 


Một số chuyên gia cho biết thuộc tính này do sự thay đổi sinh lý xảy ra trong bộ não, giống như sự trưởng thành ở trẻ vào độ tuổi dậy thì.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu người có bản ngữ là tiếng Anh học một ngôn ngữ thứ hai rất sớm thì nó sẽ không kém gì ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Trên thực tế, trẻ em học ngoại ngữ sớm thường được thống kê có điểm số cao trong các bài kiểm tra. Một số báo cáo chứng minh, điểm số môn ngoại ngữ thứ hai cao hơn môn tiếng Anh đặc biệt là phần thi nói.

Có rất nhiều lợi ích nhận được từ việc học ngoại ngữ. Ngoại ngữ sẽ mở ra một thế giới văn hóa hoàn toàn mới cho trẻ. Trẻ có thể thể hiện bản thân trong các phương pháp mới và sâu sắc. Ngoại ngữ còn giúp cho trẻ những lợi thế khi tham gia vào lực lượng lao động, để đi du lịch và trao đổi thông tin với những người ở nước khác.

Biết nhiều hơn một ngôn ngữ sẽ tăng thêm nhiều cơ hội  trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, thực thi pháp luật, công nghệ, truyền thông, dịch vụ xã hội và tiếp thị. Người sử dụng lao động nhìn thấy ở người biết ngoại ngữ thứ 2 là một cầu nối với khách hàng.

Chìa khóa để giúp con bạn học ngoại ngữ là chính bạn phải chủ động tích cực tham gia. Hãy đưa con đến các sự kiện văn hóa như âm nhạc, khiêu vũ, hoặc ẩm thực từ quốc gia có ngôn ngữ mà bé đang học. Bản thân bạn cũng hãy học ngoại ngữ. Nâng đỡ trẻ bằng cách luôn ở bên cạnh bé, cùng làm bài tập ngoại ngữ với bé. Nếu có thể, hãy để trẻ sống trong môi trường có các cuốn sách, video, chương trình tivi... đều sử dụng ngoại ngữ này để bé tăng cường khả năng tiếp thu.

Dạy trẻ ngoại ngữ sẽ mang lại cho bé những kỹ năng thành công trong cuộc đời, và quá trình này có thể là một dự án thú vị cho cả gia đình. Ngay cả nếu bé đã quá 10 tuổi, học ngoại ngữ vẫn luôn có giá trị, vì thế, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt.

Wednesday, 9 January 2013

Tôi đi khám bệnh


Sinh nhật lần thứ bốn mươi của tôi, vợ tôi bảo năm chẵn nên làm mấy mâm cơm mời bạn bè tôi đến nhà lai rai chúc mừng. Tôi vốn không uống được bia rượu nhưng có món thịt bò xào hành Tây mà tôi ưa thích, lại có bạn bè hàn huyên, vui quá thành ra uống tới năm cốc bia Hà Nội. Cuộc nhậu bắt đầu từ lúc năm giờ chiều, mãi đến tám giờ tối mới kết thúc. Tiễn bạn bè ra về xong, tôi leo ngay lên giường, định sẽ lấy giấc ngủ vùi lấp cơn say chếnh choáng trong người. Nhưng quái sao cổ họng tôi có cái gì vương vướng, tôi khạc nhổ ầm ĩ cả nhà nhưng vẫn không khỏi. Hay là hóc xương gà?

Vô lý, hóc xương thì phải đau chứ! Chợt tôi nghĩ đến cái chết ung thư vòm họng của ông chú tôi mà bủn rủn hết cả người. Ông chú tôi lúc đầu cũng thấy cổ họng vương vướng, ông lười không đi khám đến khi đau phát sốt, ông mới đi bệnh viện thì mới hay mình bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối, ông nằm viện được đúng ba tuần thì ra đi. Không khéo dòng họ tôi trước đây có người bị ung thư vòm họng rồi di truyền lại cho thế hệ sau cũng nên. Nghĩ đến đây, tôi quyết định phải đi khám ngay để nếu có bị di truyền, phát hiện sớm chạy chữa còn cứu được.

Ban đêm, bệnh viện công không khám bệnh, chỉ trừ những trường hợp cấp cứu; tôi đi xe máy ra đường Giải Phóng, nơi có hàng chục phòng khám tư nhân san sát bên nhau. Tôi vừa dừng xe thì đã thấy nhiều người từ vỉa hè lao ra mời chào tôi vào khám bệnh với những lời hết sức hấp dẫn, có giáo sư, tiến sĩ khám; nhanh rẻ, chính xác; có máy siêu âm màu; xét nghiệm có kết quả ngay... Tôi ngước mắt nhìn các bảng hiệu quảng cáo và dắt xe vào một phòng khám có đề giáo sư, tiến sỹ; đằng nào thì cũng mất tiền, bác sỹ khám mất hai mươi lăm ngàn, tiến sỹ khám mất ba lăm ngàn, giáo sư mất bốn mươi ngàn, tốn hơn mươi mười lăm ngàn nhưng chắc ăn hơn. Tôi đi đến chỗ một nữ nhân viên thu tiền và đề nghị được khám giáo sư Hào, cô bảo tiếc quá giáo sư Hào vừa đi công tác chiều nay. Tôi lại bảo không có giáo sư thì tiến sỹ khám, cô lại nói tiến sỹ Mạnh hiện đang mổ cấp cứu trong bệnh viện. Tôi bực tức quay ra, đi tìm một phòng khám khác.

Nghe tôi đề nghị được giáo sư hoặc tiến sỹ khám, ông chủ phòng khám vốn là chủ đề vỡ nợ nay quay sang mở phòng khám tư, chân tình nói với tôi rằng duy nhất phòng khám của ông là có thuê giáo sư, bác sĩ thật, còn tất cả các phòng khám kia, họ chỉ treo cái biển có giáo sư, tiến sỹ khám nhưng là treo đầu dê, bán thịt chó;thậm chí nhiều lúc chỉ là y sĩ khám chứ cũng chẳng có bác sĩ vì theo ông giải thích, những ông chủ phòng khám đều phải đi thuê tất tật, từ nhà, y bác sĩ, máy móc nên phải chắt bóp từng đồng, tiền đâu mà thuê giáo sư, tiến sỹ? Phòng khám của ông có giáo sư, tiến sỹ thật nhưng họ chỉ khám ban ngày, ông bảo tôi yên tâm, ông sẽ bảo một bác sỹ đa khoa có tiếng đích thân khám cho tôi. Thấy ông chủ có vẻ thật thà, tôi đồng ý nộp hai lăm ngàn và được một nhân viên dẫn lên tầng hai bảo tôi ngồi chờ, khi nào bệnh nhân bên trong đi ra thì hãy vào. Tôi ngồi đợi gần nửa tiếng thì cửa phòng mở, một cô gái mặt non choẹt nhăn nhó ôm bụng đi ra. Tôi vội vã bước vào, nghe thấy ông bác sỹ nói với một cô ý tá:
- Mẹ kiếp mới mười sáu cái tuổi đầu mà đã ễnh bụng ra, lúc làm tình thì rên rỉ sung sướng, còn khi nạo thai thì rống lên như lợn bị chọc tiết...
Nhìn thấy tôi, ông bác sỹ hỏi tôi khám gì? Tôi nói khám họng, ông bảo tôi ngồi vào ghế. Tôi tưởng một bác sỹ khác sẽ khám cho tôi nhưng người khám vẫn chính là ông, tôi thắc mắc:
- Tôi khám họng chứ có khám”phụ khoa” đâu?
Ông bác sỹ nói, giọng lanh tanh:
Tôi là bác sỹ đa khoa, cái gì chả khám được, nào há mồm ra!
Tôi kiên quyết không cho ông khám và đề nghị để bác sỹ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng khám. Thấy có tiếng ầm ĩ, ông chủ phòng khám chạy nên giải thích cho tôi, rằng bác sĩ Quang đây là bác sỹ đa khoa có tiếng ở Hà Nội, cứ yên tâm đúng bệnh, đúng thuốc, vài ngày là khỏi. Tôi đề nghị trả lại tiền cho tôi đi khám chuyên khoa, ông chủ phòng khám lên giọng:
Tiền thu rồi không trả lại, chúng tôi có bác sĩ khám, anh không khám là lỗi tại anh chứ không phải chúng tôi.
Tôi giận dữ ném cái hoá đơn thu tiền vào mặt ông chủ phòng khám rồi hầm hầm đi xuống. Rút kinh nghiệm, lần này tôi tìm đến đích danh phòng khám chuyên khoa Tai- Mũi- Họng. Sau khi nghe tôi trình bày về triệu chứng, bảo tôi há mồm ra, ông bác sĩ hí hoáy ghi cho tôi một loạt các phiếu: xét nghiệm máu, nước tiểu, phân; điện não tâm đồ; siêu âm ổ bụng; nội soi dạ dày. Tôi hỏi ông tôi chỉ khám có mỗi họng, sao lại phải làm nhiều thứ thế, ông bảo phải làm tổng hợp để có kết luận chính xác căn nguyên của bệnh, vì trong thực tế bệnh nọ nếu để lâu không chữa rất hay xọ sang bệnh kia. Giải thích xong, ông bác sĩ bảo tôi sáng mai nhịn ăn, nhịn uống để đến làm các xét nghiệm và siêu âm.

Sáng hôm sau tôi đến phòng khám, một nhân viên dẫn tôi đi lấy máu, nước tiểu; lấy xong cô cầm ra, đưa cho một thanh niên phóng xe máy đi thuê xét nghiệm tại một bệnh viện công. Rồi cô nhân viên lại dẫn tôi sang một phòng khám tư nhân khác để điện não tâm đồ; rồi lại một phòng khám khác để nội soi.

Mười giờ, tôi có đủ mọi kết quả xét nghiệm, điện não tâm đồ, siêu âm, nội soi. Ông bác sỹ hôm qua đọc các kết quả xong, kết luận tôi bị viêm họng, họng sưng có mủ và ghi cho tôi một đơn thuốc gồm tám loại. Dặn dò phải ra đúng cái hiệu thuốc Hoàn Mỹ mà mua mới có thuốc mà ông kê, không những thế thuốc ở đấy không có thuốc giả, đảm bảo chỉ uống năm ngày là bệnh khỏi hoàn toàn.

Tiền xét nghiệm, điện não tâm đồ, nọi soi, siêu âm hết bốn trăm ngàn đã làm tôi giật mình nhưng khi trả tiền cho đơn thuốc tôi còn thót tim hơn, những sáu trăm tám lăm ngàn. Tôi thốt lên thành tiếng:
- Chỉ là viêm họng thôi sao nhiều tiền thế?
Cô bán thuốc không thèm nhìn tôi, đáp:
- Bác sỹ kê toàn thuốc của Mỹ, Pháp, thuốc này uống mới có chất lượng chứ ham rẻ uống thuốc nội có đến mục thất cũng không khỏi.

Tôi cắn răng móc ví trả tiền, cô bán thuốc ở hiệu bên cạnh nhìn thấy tôi nhăn nhó, cười hỏi tôi có ngửi thấy mùi hoa hồng không? Tôi bảo làm gì có hoa hồng mà ngửi? Cô cười ngặt ngẽo như thể tôi đang cù nách cô.

Uống xong năm ngày thuốc mà cổ họng vẫn không thấy hết vương vướng, tôi lại ra phòng khám tư hôm nọ để bác sỹ khám lại. Vẫn ông bác sỹ về hưu bữa trước đi làm thêm khám cho tôi, ông bảo mua tiếp thuốc theo đơn cũ, uống năm ngày nữa. Người tôi mệt mỏi, chẳng còn hơi sức để phi xe đến cái hiệu thuốc Hoàn Mỹ nữa, tôi tạt ngay vào một hiệu thuốc trên đường Minh Khai để mua. Tôi móc sẵn ra sáu trăm tám mươi lăm ngàn, nhưng mà lạ chưa, chỉ hết có bốn trăm mười lăm ngàn, ông bán thuốc có khuôn mặt rất phúc hậu còn bảo một số thuốc như thuốc ngủ, thuốc bổ, thuốc hạ sốt có thể chẳng cần phải dùng đến cho đỡ tốn tiền.

Thêm bốn ngày uống thuốc nữa trôi qua, họng tôi vẫn vương vướng. Tôi cầu trời khấn phật cho ngày thứ mười cuối cùng, cái họng của tôi trở lại bình thường nhưng khốn khổ cái thân tôi, bệnh cũ chưa khỏi thì bệnh mới đã xuất hiện. Chả là uống quá nhiều kháng sinh mạnh nên mồm tôi bị nhiệt, hễ cứ ăn cái gì vào, nhất là nước mắm thì buốt đến tận xương tuỷ. Người tôi bắt đầu ngây ngấy sốt. Vợ tôi tức tốc gọi điện về quê bảo cậu em mang lên một cân bột sắn thứ thiệt để tôi uống cho khỏi cái bệnh” lở mồm, long móng”.

Ngày thứ mười một, vẫn vương vướng, tôi quyết định đi khám bệnh viện công. Tôi đến bệnh viện lúc tám giờ thì đã thấy gần trăm người đang ngồi chờ khám ở phòng bảo hiểm, tôi xếp sổ vào ô, đợi đến gần mười giờ vẫn chưa đến lượt. Thấy một người đến sau tôi đã khám được, tôi bổ theo bà ta hỏi bí quyết, bà giơ ngón tay ra đêm đếm, tôi hiểu ý đi lại ô xếp sổ, lấy cuốn y bạ, kín đáo kẹp vào đó một tờ năm mươi ngàn, chỉ ba phút sau, tôi có số vào phòng khám. Đến phòng khám số 1, lại phải chờ đến lượt. Tôi nghĩ mình đã bồi dưỡng cho cô ghi số rồi thì thế nào họ cũng ưu tiên cho tôi nên tôi bảo với cô y sĩ ngồi ở ngay cửa phòng khám rằng tôi tôi đang rất bận, tôi đã nói với cô ghi số rồi, cô có thể cho tôi vào khám trước được không? Cô hất hàm:
- Đợi theo thứ tự!

Tôi đi ra nhà vệ sinh, rút một tờ năm mươi ngàn nữa kẹp vào sổ y bạ rồi quay lại phòng khám. Sau khi đã đút tờ năm mươi ngàn vào túi áo Blu, cô y tá dịu dàng bảo tôi đợi một tí, ghi xong cho một bênh nhân, cô cầm cuốn y bạ của tôi dẫn thẳng đến phòng ông trưởng khoa cách đó ba phòng.

Nhìn thấy tấm biển đeo trên ngực ông trưởng khoa có đề học vị tiến sỹ, tôi đã mừng thầm, cuối cùng thì nguyện vọng được tiến sỹ khám của tôi cũng thấu được đến trời cao qua những lần tôi cầu khấn. Ông trưởng khoa hỏi tôi, tôi kể lại toàn bộ diễn biến từ lúc ăn nhậu đến khi đi khám tư, uống hết mười ngày thuốc mà vẫn chưa khỏi. Ông bảo tôi há mồm ra, tôi há, ông chiếu đèn xem xét. Xem xong họng, ông xem đến cái đơn thuốc mà tôi đã uống:
- Toàn những loại thuốc tốt nhất thế giới mà vẫn không khỏi à? - Ông bác sĩ có vẻ trầm ngâm, ngước nhìn tôi một lúc, ông hỏi:
- Nhà anh có ai bị tiền sử bị ung thư vòm họng không?

Tôi choáng váng, phải cố hết sức tôi mới không bị ngã lộn cổ xuống đất. Mãi một lúc sau tôi mới cất nổi lời, kể với ông về trường hợp ông chú tôi. Nghe xong, bác sỹ ghi cho tôi một loạt các xét nghiệm, chụp chiếu. May mắn làm sao, do có sự phòng xa nên sáng nay tôi đã nhịn ăn cháo và uống nước, như vậy là có thể thử máu, nước tiểu được ngay mà không phải đợi đến sáng mai. Rút kinh nghiệm, cứ đến cửa phòng nào là tôi lại kẹp vào cuốn sổ y bạ tờ năm mươi ngàn, và dù có hàng chục người đang xếp hàng chờ trước tôi thì tôi vẫn được tiếp đón theo đúng tinh thần lương y như từ mẫu và được ưu tiên khám trước. Cũng có một vài ông, bà già khó tính thắc tại sao tôi đến sau mà lại được vào trước thì được giải thích rằng tôi là trường hợp cấp cứu, hoặc là thương binh.

Đầu giờ chiều tôi đến lấy kết quả xét nghiệm, chụp chiếu rồi quay lại phòng bác sỹ trưởng khoa. Xem kết quả xong ông ân tình bảo tôi có lẽ tôi bị ung thư vòm họng giai đoạn đầu. Mặt tôi tái mét, bác sĩ khuyên tôi nên bình tĩnh, cũng may mà phát hiện sớm, mổ ngay thì không sao, chứ để lâu thành di căn thì vô phương. Tôi khẩn thiết nhờ ông trưởng khoa trực tiếp mổ cho tôi, ông bảo ông bận lắm, ngoài làm ở bệnh viện, ông còn phải tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tôi nhìn ra cửa, chỉ sợ cô y sĩ ban sáng lại dẫn một người bệnh vào nữa nhưng vẫn cửa đóng, không có tiếng gõ cửa, cũng không thấy ai thập thò, tôi rút ví lấy ra năm tờ một trăm ngàn đưa cho ông, gọi có chút bồi dưỡng ban đầu, mong ông trực tiếp mổ cho, nếu được toại nguyện sau này sẽ có bồi dưỡng chính thức, xứng với công lao và trí tuệ của ông. Lúc đầu ông trưởng khoa từ chối nhưng thấy tôi nhiệt tình, lại còn nói rằng tôi đã từng nghe đến tên tuổi ông là một bác sĩ nổi tiếng, ai mà được ông chữa bệnh, mổ thì thần may mắn luôn mỉm cười; cái đoạn này tôi cố bịa ra, song hiệu quả lại có thật, ông cầm tiền bỏ vào ngăn kéo bàn rồi hứa sẽ xếp lịch hội chuẩn và trực tiếp mổ cho tôi.
Tôi xiết chặt tay ông, lòng biết ơn vô bờ vô bến.

Tôi về nhà, thần chết treo lơ lửng trên đầu, chưa lúc nào tôi lại ham sống sợ chết như lúc này. Vợ tôi thuộc vào loại xinh xắn, còn quá trẻ, thua tôi những mười lăm tuổi, chúng tôi mới có một đứa con trai mười tám tháng tuổi; tôi chết đi, nhất định nàng sẽ đi bước nữa.

Cứ nghĩ đến cảnh một thằng đàn ông khác đến ngôi nhà này chung sống với nàng, tim tôi lại nhoi nhói. Ngôi nhà trị giá hai tỷ ba trăm triệu này do chính đôi bàn tay tôi làm nên trước khi tôi cưới nàng và có lẽ nàng đồng ý lấy tôi phần vì tôi có một chút học thức, khá đẹp trai và phần vì tôi có sẵn ngôi nhà này. Đất đai ở Hà Nội đang vào thời điểm đắt đỏ, một công chức có nằm mơ cũng chẳng có nổi hai mươi mét vuông đất chứ đừng nói ngôi nhà bốn tầng, diện tích sàn bảy mươi mét vuông như của tôi. Hồi tôi mua mảnh đất này chỉ có năm trăm ngàn một mét vuông, cả thảy là ba tư triệu hai trăm ngàn đồng, ông chủ bớt cho ba trăm ngàn để tôi lấy lộc; chỉ hai năm sau, cơn sốt đất lên cơn giật đùng đùng, có người trả tôi một tỷ, rồi tỷ rưỡi, tỷ bảy nhưng tôi không bán, quyết định gom góp chút vốn liếng cuối cùng và vay thêm ba trăm triệu để xây nhà.

Tôi phải kiệt sức, mất gần ba năm làm thuê, dịch thuê tiếng Anh, đánh quả mới trả hết nợ nhà. Thế rồi trong một lần khiêu vũ, tôi gặp nàng. Nàng mặc bộ váy mỏng màu thiên thanh, ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã bị nàng hớp mất hồn. Phải lấy hết can đảm, tôi mới dám đi lại mời nàng nhảy điệu Tănggô. Người nàng áp sát người tôi, nhất là cặp vú nở nang của nàng thỉnh thoảng lại cọ cọ vào ngực, làm tôi ngất ngây cứ tưởng mình đang ở thiên đường. Xong điệu nhảy, tôi mời nàng ra bàn uống nước, qua tâm sự mới biết nàng quê ở Thái Bình, đang là sinh viên năm thứ tư trường đại học Ngoại ngữ, nàng có ước mơ ra trường tìm được việc làm ở thủ đô. Biết tôi còn độc thân, có nhà riêng, có việc làm ổn định, nàng rất có cảm tình với tôi. Thế rồi duyên số trời xe, đám cưới của tôi và nàng được tổ chức trước ngày nàng ra trường hai mươi ngày.

Tôi đã phải lìa xa cõi đời, mất nàng, mất cả ngôi nhà này ư? Đau buồn và nuối tiếc quá! Chợt một ý nghĩ vụt ra trong đầu tôi, theo Luật hôn nhân mới, tài sản trước khi kết hôn của ai thì sau khi ly hôn vẫn thuộc quyền sở hữu của người ấy; nếu ly hôn thì ngôi nhà này vẫn hoàn toàn là của tôi, nhưng nếu tôi chết đi thì nó lại thuộc quyền thừa kế của vợ. Phải rồi tôi sẽ ly hôn để phòng khi có đi theo ông chú thì tôi sẽ viết di chúc thừa kế lại duy nhất cho thằng con trai tôi; trong bản di chúc, tôi sẽ nói rõ, ngôi nhà chỉ để ở chứ không được bán nếu con tôi chưa đủ tuổi công dân và mẹ nó nếu chưa đi lấy chồng khác có thể về chung sống với con nhưng không được sở hữu ngôi nhà; đặc biệt khi đi lấy chồng sẽ không được đưa người chồng mới về ở ngôi nhà này.

Sau khi nghe tôi nói, bệnh tình của tôi khó mà qua khỏi, nếu ca mổ thành công, tôi cũng chỉ kéo dài thêm sự sống tối đa năm năm nữa, tôi muốn ly hôn, nhận nuôi con để giải phóng cho nàng càng sớm càng tốt để nàng có điều kiện tìm kiếm cho mình một người chồng mới xứng đáng với nàng; nàng đã khóc nức nở. Nàng khóc vì thương tôi, khóc vì tấm lòng hy sinh của tôi và khóc cả cho thân phận nàng còn trẻ mà đã phải goá bụa.
- Không!- Nàng thổn thức- Em không thể bỏ mặc anh trong lúc này.

Sự quan tâm và tấm lòng thuỷ chung của nàng đã làm tôi rơi nước mắt, tôi đành phải xuống giọng nói với nàng để tôi suy nghĩ lại, nhưng trong thâm dù tôi rất yêu nàng, mong muốn được sống mãi mãi bên nàng nhưng tôi không thể ích kỷ, giết chết cuộc đời của nàng.
Tôi nói với nàng là thế nhưng chẳng kịp để suy nghĩ, ông bác sĩ trưởng khoa đã điện di động cho tôi biết tuần sau ông phải đi công tác nước ngoài gấp, hộ chiếu đã làm xong nhưng đã trót hứa với tôi nên ngay ngày mai tôi phải đến bệnh viện, sáng hội chuẩn, chiều mổ ngay.

Mọi thứ tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nhất là tiền. Để tập trung cho ca mổ tôi đã trù liệu hai mươi triệu chẵn; tám triệu cho tiền thuốc và viện phí, năm triệu bồi dưỡng cho ông trưởng khoa như đã hứa, bốn triệu bồi dưỡng cho kíp mổ, số còn lại bồi dưỡng cho y tá, y sĩ kẻo không có, mỗi khi tiêm cô lại ngoáy cho một cái thì đau lắm như nhiều người kể lại.

Ngày mai tôi sẽ lên bàn mổ, lẽ ra tôi phải bình tĩnh, tự tin nhưng vì phải uống quá nhiều thuốc kháng sinh mạnh, vì tốn quá nhiều tiền và quá sợ chết nên người tôi gày rộc đi như các xác ve, tinh thần tôi hoảng loạn. Đã thế đài báo ngày mai có gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ xuống 12 độ C; trời lạnh chắc là mổ xong, hết thuốc mê sẽ đau buốt lắm!

Quả nhiên đêm đó gió mùa Đông Bắc đổ về ầm ầm, mặc dù chăn ấm, nệm êm, vợ ôm chặt nhưng tôi vẫn cảm thấy hình như tất cả cái lạnh trong trời đất đang lùa vào từng thớ thịt của tôi. Sáng hôm sau, tôi vốn rất nhạy cảm với thời tiết nên vừa bước ra khỏi giường, tôi đã sổ ra một tràng:
- Hắt, hắt xì hơi! Hắt xì xì hơi!

Có cái gì đó trăng trắng bắn ra khỏi mồm và tự nhiên họng tôi hết vương vướng. Tôi quỳ xuống tìm kiếm vật đã cứu sống tôi thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Chúa ơi thì ra đó là một mẩu gân bò dai nhách!

Truyện ngắn của Long Thanh




Tuesday, 8 January 2013

Bạn thân



 Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này.

Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chan chào đón, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh.

Sẽ không còn nữa những ngày xuân hiền hòa, ấm áp.

Tiền bạc, danh vọng, quyền lực, … tất cả với ta cuối cùng cũng sẽ trở thành vô nghĩa.

còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với thế giới này

Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống ?

Quan trọng không phải là những thứ mình mang theo bên mình, 
mà là những gì mình đã chân thành đóng góp cho tha nhân.

Quan trọng không phải là những thứ mình nhận được 
mà là những gì mình đã cho đi.

Quan trọng không phải là những thành công mình đạt được trong cuộc đời, 
mà là ý nghĩa thanh cao của chúng.

Quan trọng không phải là những thứ mình học được, 
mà là những gì mình đã truyền lại cho người khác.

Quan trọng không còn là năng lực của mình, 
mà là tính cách - là những gì mình đã cư xử với mọi người xung quanh.

Quan trọng là những khoảnh khắc cử chỉ, thái độ mà mình đã vô tình hay cố ý khắc ghi trong lòng người khác, khi mình cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền muộn, khi mình an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng nào đó của mình, hay chỉ đơn giản là một nụ cười hoan hỉ hay một cái nắm tay, một đỡ nâng cho một người khỏi ngã.

Quan trọng không chỉ là những ký ức, 
mà phải là ký ức về những người đã yêu thương mình.

Quan trọng đâu chỉ là bạn sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, 
là họ nhớ gì về mình -cả tốt lẫn xấu-

Quan trọng không phải là mình được quen biết thật nhiều người, 
là bao nhiêu người sẽ đau xót khi họ bị mất bạn trong đời.

Vậy thì, bạn ơi, hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương và hiểu biết.

Bởi vì, chỉ có tình yêu thương, sự hiểu biết mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống, bạn ạ.

Bạn bè cũng như tiền vậy ..
Có tờ ... thật ..
Có tờ ... giả ..
Có tờ ... lành ..
Có tờ ... rách ..


Chỉ tiếc vì mình không phải là cái máy soi tiền nên không thể biết được...
AI LÀ BẠN và BẠN LÀ AI

B: bao dung Black heart (cards)
A: an toàn Black heart (cards)
N: nhường nhịn Black  heart (cards)

T: thương yêu Black heart (cards)
H: hiền hòa Black heart (cards)
Â: ấm áp Black   heart (cards)
N: ngọt ngào Black heart
 (cards)

Sunday, 6 January 2013

Chuyện Miến Điện


  MÁY BAY VỞ ĐÔI, VẪN SỐNG
Người Việt kể chuyện sống sót trên máy bay Myanmar bị tai nạn
Thoát chết trong gang tấc cùng gia đình sau khi chiếc máy bay Myanmar lao xuống đất, cháy rồi vỡ đôi, ông Dương Đình Giao đã có cơ hội khám phá nhiều điều mà ông chưa từng ngờ tới ở Myanmar.
Ngày 25/12, ngày thứ hai của hành trình của tôi tại Myanmar, máy bay của hãng hàng không Air Bagan đưa chúng tôi đi từ Yangon đến Heho, nơi có hồ Inle nổi tiếng. Theo lịch trình, chuyến bay sẽ đến Heho lúc 9h, sau khi dừng lại ở sân bay Mandalay để đón và trả khách trong khoảng 30 phút. Khi máy bay hạ độ cao chuẩn bị xuống sân bay Heho, tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy là 8h55.

Một lát sau, tôi cảm thấy một cú tiếp đất mạnh hơn bình thường khi máy bay hạ cánh. Ngay sau đó là những rung lắc liên tục trong vòng khoảng 10 giây. Đang bất ngờ vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra, tôi nghe thấy một tiếng thét ở phía sau. Biết là đã có chuyện, tôi nhắc mọi người bình tĩnh và đứng lên bật nắp khoang hành lý để lấy ba lô của mình. Nhưng nắp vừa bật, tôi bị đẩy ngã nhào về phía trước.

Đứng lên, quay lại nhìn phía sau, tôi thấy các thành viên trong gia đình mình đã rời khỏi ghế và ra được lối đi. Bước lên mấy bước, tôi chợt ngửi thấy mùi khói. Một ý nghĩ thoáng qua "Chỉ cần một tiếng nổ là tất cả sẽ chấm hết!". Xuống khỏi thang máy bay, tôi mới thấy máy bay đã không hạ cánh trên đường băng bê tông mà đang nằm trên một cánh đồng, phía đuôi máy bay đang bốc cháy, khói nghi ngút.

May mắn bất ngờ, tất cả chúng tôi, gồm 6 người trong gia đình và hai mẹ con bà thông gia người Australia đều an toàn. Tôi vội giục mọi người nhanh chóng chạy ra xa.

Trên chuyến bay có 65 người, kể cả phi hành đoàn, ngoài 5 người Việt Nam trong gia đình tôi tất cả đều là khách du lịch từ các nước Mỹ, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc...
Nơi máy bay hạ cánh khẩn cấp cách sân bay khoảng 3 km và cách đường ô tô khoảng 200 m. Khi ra tới nơi, mấy xe cứu hỏa đã có mặt và đang tìm cách tiếp cận với đám cháy, nhưng vì không có lối vào, phải nối dài vòi rồng nên việc cứu chữa không thật hiệu quả.

Trên đường, chúng tôi nhìn thấy nhiều biển tên khách của các công ty du lịch, khách sạn mà khách du lịch trên chuyến bay đã đặt chỗ. Họ nhanh chóng tiếp cận với khách của mình. Sự có mặt của họ dù là những người chưa quen biết cũng khiến chúng tôi yên tâm hơn, vì đã có người sẵn sàng hỗ trợ khi khó khăn nơi đất khách quê người. Nhiều xe máy, ô tô đã dừng lại chứng kiến đám cháy, trong đó có cả nhiều người dân Myanmar đang làm việc trên cánh đồng.

Lúc này dù đã hơn 9h nhưng mặt trời vẫn chưa kịp xua tan sương mù. Trời khá lạnh. Thật cảm động khi thấy những người nông dân lam lũ, cởi những chiếc khăn choàng khoác lên vai, trùm lên đầu những đứa trẻ, bỏ những đôi dép mình đang đi cho những phụ nữ phương Tây xa lạ đang chịu cảnh rét mướt.

Trên đường thoát hiểm, nhiều túi, mũ, ba lô bị rơi được mọi người tập hợp bên lề đường để người thất lạc đến nhận. Rất nhiều người dân Myanmar có mặt, nhưng không hề thấy ai để có ý định cướp giật gì.

Một lát sau, hai xe khách loại lớn đưa tất cả về sân bay Heho. Khi xe dừng lại bên ngôi chùa gần sân bay, tôi nghĩ người dân Myanmar sùng đạo Phật đã đưa chúng tôi đến đây để tạ ơn Trời Phật giúp thoát nạn. Nhưng không phải! Hãng hàng không đã nhanh chóng liên hệ với chính quyền sở tại mượn ngôi chùa làm nơi cho chúng tôi tạm nghỉ, tránh cái lạnh giá ngoài trời. Xuống xe, chúng tôi lại thấy những người dân bình thường đang mang đệm, chăn của gia đình mình trải trên nền chùa bằng gạch men.

Khi mọi người đã vào hết trong chùa, các nhân viên y tế có mặt. Họ thăm khám, đo huyết áp, băng bó cho những người bị thương nhẹ. Những người bị thương nặng đã ngay lập tức được đưa về Yangon. Riêng hai khách người Mỹ bị bỏng nặng được đưa sang Bangkok bằng trực thăng. Nước uống, bánh trái được mang đến.

Lúc 10h, tức là sau khi sự cố xảy ra một giờ, ông chủ tịch huyện sở tại cũng đã đến thăm hỏi những người gặp nạn. Lúc này, cảnh kẻ nằm người ngồi trong chùa vô cùng lộn xộn. Việc kiểm đếm những hành khách có mặt thật khó khăn. Những người có trách nhiệm có lẽ vì tôn trọng đã không yêu cầu chúng tôi ngồi cho ngay hàng thẳng lối. Họ cứ đếm đi đếm lại, người đếm bằng tiếng Myanmar, người đếm bằng tiếng Anh. Có lúc thấy ba bốn người cùng đếm. Sau tôi mới hiểu, họ cần nhanh chóng xác định số người có mặt ở đây để có thể phát hiện số người mất tích nếu có.

Phải đến khi có danh sách hành khách từ sân bay Yangon và Mandalay gửi tới, việc kiểm đếm mới chấm dứt. Lúc này công việc đơn giản hơn. Những người có mặt được dánh dấu vào danh sách. Nhưng việc này cũng được thực hiện tới ba bốn lần bởi những người khác nhau, chứng tỏ họ rất thận trọng.

Đến 11h, chúng tôi được đưa tới phòng khách của sân bay. Ở đây có bia, nước ngọt và những thức ăn nhẹ. Họ thông báo cho chúng tôi biết, ai muốn trở về Yangon sẽ được bố trí một chuyến bay riêng, còn những ai muốn ở lại sẽ được đưa tới một khu nghỉ dưỡng bên hồ Inle chờ đợi giải quyết hậu quả. Gia đình chúng tôi quyết định ở lại và được đưa tới khu nghỉ dưỡng bằng hai xe con.

Ở đây, chúng tôi đã được đón tiếp chu đáo, hai hoặc ba người được bố trí ở trong một biệt thự. Sau khi tạm nghỉ ngơi, đến 3h, chúng tôi được báo đi ăn cơm. Ai cũng nghĩ chắc sẽ được một bát mỳ hoặc cái gì đại loại như thế, nhưng thật bất ngờ, tất cả được mời một bữa tiệc buffe thịnh soạn, trên bàn ăn còn có cả hoa và thắp nến. Người quản lý giải thích "vì hôm nay là Noel”.

Sau khi ăn xong, mỗi người chúng tôi được phát quần áo và một ít tiền (tiền Myanmar và đôla Mỹ) đủ để mua sắm lại những hành lý đã mất và tiếp tục hành trình nếu muốn. Ai cũng bất ngờ trước sự thu xếp nhanh gọn này.

Đến 19h mọi người lại được mời ăn cơm. Lại tiệc buffe, hoa và nến, có thêm rượu champagne và rượu vang. Ông chủ tịch Tập đoàn HTOO mà Air Bagan là một trong nhiều công ty con đã từ Yangon vượt gần một nghìn cây số tới thăm hỏi những người gặp nạn. Sáng hôm sau, chúng tôi lại được nhận thêm một số quần áo và tiền.

Hãng hàng không có máy bay gặp nạn lo chu đáo và có trách nhiệm giải quyết hậu quả của vụ tai nạn. Trong suốt thời gian ở lại 5 ngày, ở Heho hay khi đã trở về Yangon, tất cả hành khách trên chuyến bay đều được ăn ở tại những nơi tương đương khách sạn 5 sao, được hưởng các dịch vụ như giặt là, điện thoại quốc tế... hoàn toàn miễn phí.

Tôi vốn mơ ước một cuộc sống bình dị, rất sợ tất cả những gì là hào nhoáng, bóng bẩy, nay trong hoàn cảnh không một xu dính túi, trên người chỉ độc một bộ quần áo, hành lý và túi xách tay đều đã cháy cùng máy bay, ngay cái máy ảnh đeo trên cổ cũng chỉ còn sợi dây đeo, kính cận cũng rơi mất, lại được ăn ở như thế này thật cũng là một bất ngờ thú vị. Chúng tôi không phải bước chân ra khỏi khách sạn, mọi công việc cần thiết đều do nhân viên của họ giải quyết. Ngay việc làm giấy thông hành để sử dụng khi còn trên đất Myanmar cũng được thực hiện ngay tại nơi ở.

Theo họ, chỉ hai việc chúng tôi phải có mặt đó là đi kiểm tra sức khỏe và làm lại hộ chiếu. Nhưng với hai việc này, họ đều cho xe đưa đón và cử nhân viên đi theo hỗ trợ khi cần thiết. Họ đã hợp đồng với bệnh viện tốt nhất Yangon để giám đốc bệnh viện có mặt bất cứ lúc nào chỉ đạo việc thăm khám và chữa trị khi có khách do họ đưa đến.

Những nhân viên đi theo cũng ngồi đó chờ đợi và đưa khách về tận nơi ở sau khi việc thăm khám kết thúc. Vợ tôi và bà thông gia người Australia sau khi gặp chấn động mạnh bị đau lưng. Hai người được khám suốt hơn ba tiếng, mỗi người được làm đủ các loại xét nghiệm, chụp 4 tấm phim cỡ 50x50. Khi thấy không có vấn đề gì trầm trọng, họ đã cho mỗi người một cái đai bó lưng và thuốc giảm đau các loại. Bà xã nhà tôi cũng phải thốt lên "Cả đời gần 70 tuổi, chưa bao giờ được thăm khám kỹ càng như thế!".

Sau khi về Yangon, hãng hàng không đã tập hợp mọi người để thông báo về việc giải quyết bảo hiểm cho hành khách đi trên chuyến bay, giải quyết vụ việc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Địa chỉ và số tài khoản của hành khách được ghi lại để nhận kết quả sau khi một công ty bảo hiểm của Anh tiến hành bồi thường.

Không chỉ những người có trách nhiệm, suốt 5 ngày, dù ở đâu, chúng tôi cũng đón nhận được sự ân cần chu đáo của các nhân viên hãng hàng không và khu nghỉ dưỡng. Họ dìu những người bị đau khi lên xuống các bậc thềm, đưa chúng tôi đến tận nơi, mở cửa, bật đèn rồi giơ tay mời vào khi hỏi đến nơi nào đó. Thấy trên tay ai có mấy túi nilon, vỏ hoa quả, họ đều nhanh chóng giơ tay đón lấy mặc dù thùng rác ở ngay trước mặt. Những cử chỉ ấy tôi hiểu không chỉ vì phương châm coi "khách hàng là Thượng đế" mà còn biểu hiện tấm lòng người giàu trắc ẩn.

Khi vào một làng dệt lụa thủ công trên hồ Inle, khi được biết chúng tôi là những người vừa gặp nạn, chủ cửa hàng lập tức hạ giá 30% cho toàn bộ sản phẩm mà chúng tôi mua. Số tiền thực ra không nhiều nhưng cử chỉ ấy của họ cũng khiến chúng tôi phải xúc động.

Sau 5 ngày, mọi thủ tục đã xong. Gia đình tôi được đưa ra sân bay. Ở đây, nhân viên của họ làm tất cả mọi thủ tục cho chuyến bay và chỉ ra về sau khi chúng tôi tạm biệt để vào phòng cách ly.

Từ Myanmar trở về, tôi cứ bâng khuâng và ân hận, vì sao một đất nước chẳng cách xa chúng ta là mấy, một xứ sở có những người dân giàu lòng nhân hậu, vị tha như thế mà tôi chưa hiểu biết được bao nhiêu.

Trong cuộc đời chưa bao giờ gặp một tai họa lớn và lại thoát hiểm ngoạn mục như vậy, chúng tôi cảm thấy biết ơn ông bà, cha mẹ đã ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức dù trong biết bao vất vả thiếu thốn để con cháu bây giờ được hưởng phúc.

Tôi muốn cảm ơn những người dân Myanmar đã giang vòng tay che chở khi gia đình tôi gặp nạn. Và tôi thầm nghĩ, chuyến đi hôm nay của chúng tôi dang dở, nhưng nhất định sẽ có chuyến đi khác. Một đất nước với những con người như thế xứng đáng để chúng ta khám phá.
Dương Đình Giao

__._,_.___
__,_._,___