Wednesday, 12 November 2014

Nghiệp qủa, nghiệp báo



Câu hỏi: Tôi bị đau bịnh có phải là do nghiệp qủa?

Trả lời:
 Nghiệp qủa, luân hồi là những quan niệm về cuộc sống, về đời sống, thân phận con người của những tôn giáo cổ xưa từ mấy ngàn năm ở Ấn Độ, như đạo Ấn, đạo Hindu, đạo Bà La Môn, đạo Phật …. Theo quan niệm những tôn giáo nầy thì những chuyện vui buồn sướng khổ thành bại… của kiếp người hiện tại có nguyên nhân từ những quá khứ xa xôi, tiền kiếp luân hồi, và những hành vi, ngôn ngữ, thái độ của hiện tại, đời nầy, kiếp nầy sẽ có hậu qủa cho những đời kiếp con người về sau.

Việt Nam không có những tôn giáo như Hindu, Ấn Giáo, Bà La Môn… phổ thông trong các tầng lớp dân chúng như Ấn Độ, nhưng từ nhiều ngàn năm, Đạo Phật từ Ấn Độ truyền qua Trung Hoa rồi vào Việt Nam, đã du nhập những quan niệm Luân hồi nghiệp qủa, nghiệp báo. Kể cả những người không phải tín đồ Phật Giáo, những tín đồ Khổng Giáo, Lão giáo, hay những người dân bình thường không theo tôn giáo nào, cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều người đã nhập tâm, khắc cốt tin tưởng những tư duy, quan niệm luân hồi, nghiệp qủa, nghiệp báo.

Nhưng Luân hồi, nghiệp quả, nghiệp báo… không phải là những cái gì ghê gớm, cao siêu, nhiệm mầu…, như nhiều người đã tưởng, đã nghĩ, đã tin, đã nghe, mà thực tế chỉ là những quan niệm về đời sống con người, nghiã là những suy nghĩ, ý tưởng, tư duy…. của con người, không phải là cái gì linh thiêng, huyền bí, cao siêu….., của Các Đấng Thiêng Liêng, Trời Phật, Thần Thánh. 

Cho nên, với câu hỏi “tôi bị đau bịnh có phải là do nghiệp qủa?”, câu trả lời rất dễ dàng, rất rõ rang, và rất khẳng định, chắc chắn là không, tuyệt đối không. Nói chung thì tất cả những thứ bệnh tật, ốm đau của con người không có tương quan, nhân qủa, liên hệ gì với quá khứ, tiền thân, tiền kiếp của con người, chỉ có những tương quan liên hệ nhân qủa trong kiếp nầy, đời nầy, kiếp sống nhân sinh hiện tại mà thôi.

Như việc một người nghiện rượu, tối ngày nhậu nhẹt, say sưa, thì người nầy sẽ nhận lấy cái nhân qủa hay hậu qủa là đau gan, đau đầu, đau tim, đau thần kinh…., một người ghiền hút thuốc sẽ nhận hậu qủa là sưng phổi, viêm phổi, ung thư phổi…, một người tâm can chật hẹp, ngày ngày nuôi dưỡng hận thù, thì hậu qủa là đau tim, đau thận, đau gan, đau đầu…., nhưng là hậu qủa, nhân qủa gì thì cũng là chuyện của hiện thực, hiện tại, là ngay trong  kiếp nầy, ngay trong đời nầy, không phải là đời sau, kiếp sau, không phải là luân hồi, nghiệp qủa, nghiệp báo, tái kiếp, đầu thai….

Sức khỏe con người trong mỗi giai đoạn, mỗi cuộc đời khác nhau, hễ là con người, bất kể nghèo giàu, sang hèn, thiện ác, tốt xấu, hay dở, đúng sai, tất cả mọi người đều có lúc khỏe mạnh, có lúc ốm đau. Không ai tránh khỏi những lúc ốm đau bịnh hoạn, bất kể quá khứ, tiền thân, tiền kiếp ra sao, tốt xấu thế nào, dù quá khứ tiền kiếp, đời kiếp trước của một người có là một nhà tu hành, một nhà đạo đức, một người phẩm hạnh tốt đẹp thế nào, thì đời nầy, kiếp nầy, đời khác, kiếp khác, cũng vẫn phải gặp phải những chuyện bịnh hoạn ốm đau, vẫn phải gìa yếu, vẫn phải tử vong, không thể tránh khỏi.

 Cũng không phải kiếp nầy mình đau bịnh rồi kiếp khác mình cũng đau bịnh, không có chuyện đó, không hề có những chuyện vô lý, vô cớ  như vậy, cũng không phải kiếp nầy thân xác mình đau bịnh vì nguyên nhân kiếp trước mình đã làm điều gì sai trái, sai lầm, tội lỗi, xấu xa…. Mình không phải gánh chịu trách nhiệm với những sự việc, hành vi của đời trước, kiếp trước, những chuyện việc của tiền kiếp, qúa khứ, mà mình chỉ phải chịu trách nhiệm với những việc làm, những hành động, hành vi, thái độ của mình, của bản thân ở hiện tại, ở ngay trong đời nầy, ngay trong kiếp sống nầy.

Nhiều kinh sách ghi chép những chuyện luân hồi nghiệp qủa, nghiệp báo, rằng kiếp nầy mình đau bịnh là vì kiếp trước mình làm điều tội lỗi, xấu xa, cho nên kiếp nầy minh phải đau bịnh để trả nghiệp, trả qủa, thực tế những chuyện nhân qủa nghiệp báo được nhiều người kể lể, truyền bá, chỉ là vì những mục đích giáo dục, những ý định giáo hoá con người hành thiện, tránh ác, của các nhà truyền đạo, các nhà sư, các tôn giáo, nó không phải là sự thật.  Ca tụng cái thiện, lên án cái ác, khuyến khích con người tu hành, hành thiện, tránh ác …, là những điều cần thiết, những điều rất cần, rất tốt, rất nên, để xây dựng xã hội, để xã hội tốt đẹp, để thế giới  an bình, để con người  hạnh phúc….

Về mặt lợi ích thì những câu chuyện, những quan niệm về nghiệp qủa, nghiệp báo, làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác, tuy không có thật nhưng nó cũng có giúp ích cho một số người tín ngưỡng giúp họ không dám làm ác, cố gắng làm thiện vì sợ bị trả qủa, trả nghiệp kiếp sau. Đây là mặt tích cực, hữu ích của những quan niệm nghiệp qủa, nghiệp báo, nhưng dù với mục đích, kết qủa tốt đẹp thế nào, dù thiện ý ra sao, chúng ta cũng không thể chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện” để rồi phải dùng đến những phương cách hù doạ con người.

Chúng ta xa lánh cái ác là vì chúng ta không thích cái ác,chúng ta khinh ghét cái ác, chúng ta lên án cái ác, nhưng không phải là vì chúng ta sợ bị những hình phạt, sợ phải ốm đau, bịnh hoạn, chúng ta đã ở vào thời đại văn minh, cho nên chúng ta không thể tiếp tục hù doạ con người bằng những hình ảnh bịa đặt về những cảnh tượng địa ngục cột lửa, chảo dầu như những thời mông muội xa xưa, sự hù doạ nầy sẽ trở thành phản tác dụng khi người ta biết đây là những sự biạ đặt, mà ngày nay thì ai cũng biết đây là những điều biạ đặt. Ngày nay thì ai cũng biết rõ là những chuyện”thập điện Diêm Vương, quỹ sứ, thiên lôi…” đều không phải là sự thật, đều là những chuyện bịa đặt, cho nên không nên, và không thể tiếp tục hù doạ con người văn minh theo kiểu cách xưa cổ nầy được nữa.

Mỗi kiếp con người có thể ví như một nhân vật trong một cuốn phim, một vai trò trong một vở kịch, một nhân vật trong một cuốn truyện…., hai nhân vật trong hai cuốn phim, hai cuốn truyện, hai vở kịch khác nhau, cho dù là cùng một người, cùng một tài tử đóng, nhưng trên nguyên tắcthì không có liên hệ gì nhau, không có liên quan gì nhau, không có trách nhiệm gì nhau. Những hành vi, thái độ, cử chỉ, hành động…. cho dù là xấu xa, độc ác, tội lỗi, phạm tội…., của nhân vật trong phim truyện nầy, không thể bắt nhân vật trong phim khác, dù là cùng một người đóng phim, phải gánh chịu bất cứ điều gì, bất cứ chuyện gì, bất cứ hậu qủa gì, bất kể công hay tội gì.

Đời sống con người ngoài đời cũng vậy, có một số câu chuyện có thể coi là bằng chứng về đời sống luân hồi, quá khứ tiền kiếp, đầu thai kiếp, nghiã là khi thân xác con người chết đi, linh hồn con người có thể vẫn tồn tại, và có thể đầu thai vào một thân xác con người khác để tiếp tục sống cuộc sống khác, cuộc đời khác, cũng giống như chuyện người tài tử diễn viên sau khi đóng xong bộ phim truyện nầy thì họ lại tiếp tục đóng bộ phim khác, bộ truyện khác, trong vai diễn khác, nhưng không có liên quan gì, không có liên đới, trách nhiệm gì với vai diễn, vai trò nhân vật trong những phim truyện cũ, những vở , vở tuồng tích kịch cũ.

Thuyết linh hồn bất tử bất diệt có một số bằng chứng, một số người tin tưởng thuyết linh hồn tái kiếp, đầu thai, trường tồn, vĩnh viễn, nhưng nó cũng chỉ là thuyết, nghiã là cũng chỉ là những điều giả định, cũng chỉ là sự tưởng tượng, không phải là luật, nghiã là không có gì chắc chắn, không thể chứng minh được một cách thật đầy đủ, thật rõ ràng. Vì nhiều lý do, không ai muốn tranh luận những chuyện thuyết luân hồi, nghiệp báo, cũng không có ai muốn tranh cải thuyết linh hồn tái kiếp đầu thai, nhưng cũng không có nghiã là mọi người đều công nhận, càng không có nghiã đây là sự thật.

Theo một số nhà tâm linh, thì linh hồn con người là có thật, và linh hồn con người có thể tiếp tục sống sau khi thân xác nầy chết đi, linh hồn sẽ đầu thai qua một thân xác khác, linh hồn tiếp tục sống một đời kiếp khác, thường bắt đầu là một thân xác hài nhi, một đứa trẻ thơ không biết gì về tiền kiếp, và cũng giống như chuyện nhân vật trong những phim truyện kể trên, không chịu trách nhiệm gì về những nhân vật trước đó, không có liên hệ gì với những đời kiếp quá khứ, không có trách nhiệm gì, không có công tội, không có ân oán hận thù gì với những đời sống của kiếp trước.

Quên đi quá khứ là qui luật của chuyện luân hồi, tái kiếp, đầu thai, Thầy Đáng, vị Thầy Tổ tâm linh ngành Nhân Điện tâm linh MEL, người có những quyền năng khả năng tâm linh, người có quyền năng siêu hình cứu giúp những linh hồn người chết được siêu thoát. Tức là người rất có thẩm quyền tâm linh để nói chuyện những linh hồn, chuyện về đời sống của những linh hồn, chuyện kiếp nầy kiếp khác linh hồn, nói là khi đầu thai tái kiếp làm người, linh hồn sẽ phải quên đi tiền kiếp, quá khứ.

Thầy Đáng nói là Linh hồn con người không thể, và không nên mang theo những liên hệ của tiền kiếp, quá khứ, vào đời sống hiện tại, tái sinh, cũng có nghiã là con người đau bịnh, bất cứ là đau bịnh gì, cũng không liên can với những sự việc của quá khứ, tiền kiếp, tiền thân con người. Nói như vậy cũng có nghiã là tuy có chuyện luân hồi, tái kiếp đầu thai, nhưng lại không có chuyện nghiệp qủa, không có chuyện nghiệp báo, không có chuyện ân oán kiếp nầy kiếp khác liên hệ, tương quan nhau. Bởi vì, nếu vậy, nếu có tương quan, thì trật tự xã hội sẽ rối loạn, ân oán kiếp nầy lo hóa giải còn không xong, ân oán bao nhiêu đời kiếp mà vẫn còn mang theo hoài thì con người sẽ vô cùng khổ sở, vô cùng tai họa.

 Không có bất cứ một bằng chứng nào về chuyện kiếp nầy đau bịnh là do kiếp trước đã làm những việc, những điều, những chuyện tội lỗi, sai trái, khẳng định là không có chuyện nầy. Một số kinh sách tôn giáo nào đó có ghi chép những chuyện như vậy, nhưng mà tất cả đều chỉ là những câu chuyện tưởng tượng, tuyên truyền, toàn bộ đều chỉ là những câu chuyện thêu dệt, vẽ vời, những chuyện kể có tính cách thuyết giáo chớ không có chứng minh khoa học, không có tính cách xác thực.

Giải thích nguyên nhên bệnh tật ốm đau bằng những câu chuyện, giả thiết mơ hồ về nhân qủa, nghiệp báo, luân hồi cũng giống như sự tin tưởng dị doan mê tín của những dân tộc cao nguyên, thiểu số, những đồng bào miền thượng Việt Nam, lý do là bởi vì họ không hiểu biết gì về khoa học, văn minh, cho nên  họ sẵn sàng đổ thừa mọi thứ nguyên nhân tật bệnh, ốm đau…. đều là do con ma, con qủi gây ra, hay do ông Thần, ông Thánh quở phạt, cho nên họ chỉ biết thờ cúng, qùy lạy, cầu xin.

Về lịch sử, nguồn gốc thì thuyết luân hồi nghiệp qủa ra đời ở xứ Ấn Độ từ mấy ngàn năm trước, khi mà tình trạng đời sống, hiểu biết văn hoá của họ cũng giống như đời sống hoang sơ, thấp kém, thiếu hiểu biết, thiếu văn minh của những đồng bào miền Thượng Việt Nam, phong tục tập quan, tín ngưỡng của họ cũng chỉ toàn là những điều tin tưởng thần quyền, thần thánh, dị đoan, mê tín, ma quỉ…. Nhiều người rất tin tưởng, rất ngưỡng mộ, sùng bái những câu chuyện về đất nước Ấn Độ huyền bí, linh thiêng, nhưng mà sự thực thì họ không hề hiểu biết gì về nguyên nhân bịnh hoạn ốm đau theo nghiã lý khoa học, văn minh, cho nên họ đã giải thích mọi chuyện bệnh hoạn ốm đau bằng những nguyên nhân mơ hồ là nghiệp qủa, nghiệp báo, luân hồi.

Những sự giải thích nầy hoàn toàn là sai lầm, nguyên nhân là do sự kém cõi, sự thiếu hiểu biết, thiếu văn minh, những lời giải thích nầy không có ích lợi gì cả, không đúng về y học, y khoa, về sức khỏe con người, và nó rất là tai hại, rất là nguy hiểm, rất cần nên loại bỏ, và phải loại bỏ triệt để, chúng ta nhất định phải loại bỏ những quan điểm sai lầm nầy để cứu mạng, cứu giúp  con người. Thực tế là ngày nay những dân tộc bán khai nầy cũng đã dần dần được giáo dục, hiểu biết, nhiều người cũng đã dần dần được khai hoá, nhiều người đã chịu chữa trị bịnh bằng những phương tiện tốt đẹp, hữu hiệu, là khoa học, y tế, nhiều người đã không còn dùng bùa ngãi, cúng bái, Thầy bùa, Thầy mo.

Có loại bỏ những nguyên nhân sai lầm thì mới tìm được những nguyên nhân đúng, những nguyên nhân xác thực để chữa trị bệnh tật, ốm đau, ngay cả y học, y khoa cũng có khi còn tìm không ra hoặc tìm sai, hiểu sai những nguyên nhân bệnh tật, ốm đau, khiến cho việc chữa trị bệnh tật, ốm đau không có kết qủa. Đòi hỏi thiết yếu của việc khám bịnh, định bịnh là phải tìm ra nguyên nhân, và phải tìm ra chính xác nguyên nhân đau bệnh chớ không thể mơ hồ, không thể hồ đồ, không thể nào khi khônghiểu biết gì về y học, khoa học, mà lại dám kết luận là người nầy bịnh hoạn do tiền kiếp, người kia bịnh hoạn là do nghiệp qủa, người nọ ốm đau là do nghiệp báo.

Tuy không thể nào, và tuy là không ai tránh khỏi những lúc bệnh hoạn, ốm đau trong đời, nhưng con người có thể đề phòng và có thể chữa trị rất nhiều bịnh tật, rất nhiều chứng bịnh ốm đau, rất nhiều thứ bệnh nguy hiểm, ngặt nghèo, rất nhiều thứ bệnh truyền nhiễm, lây lan, và chúng ta có thể bảo vệ hoặc là cải thiện sức khỏe con người. Một trong những cách thức đề phòng, chữa trị cần thiết nhất là phải gạt bõ những thành kiếm sai lầm về những nguyên nhân bệnh hoạn ốm đau, một trong những thành kiến sai lầm lớn nhất là thành kiến về nghiệp qủa, nghiệp báo, những thành kiến sai lầm nầy cần loại bỏ trước nhất và loại bỏ triệt để thì mới chữa trị được bệnh hoạn ốm đau.

Ngay cả với những trường hợp bệnh hoạn ốm đau không chữa trị được, ngay cả khi con người phải đối diện với tử vong, thì cũng không nên có những ý niệm nghiệp qủa, nghiệp báo, mà phải hiểu rằng “sinh lão bệnh tử” là qui luật của đời sống, là định luật của thiên nhiên, nghiã là không ai tránh khỏi cái chết, nghiã là không phải chỉ người ác mơi chết, mà người thiện, người hiền, người tu hành, người đạo đức gì cũng chết. Nhưng con người ưu việt ỡ chỗ tuy không tránh khỏi sinh tử nhưng mà con người có thể cải đổi sinh tử, con người có thể biến đổi tử sinh, con người có thể cải thiện sức khỏe, có thể kéo dài tuổi thọ, tuy không tránh khỏi ốm đau, nhưng mà con người có thể chữa trị nhiều thứ bệnh tật, có thể chữa khỏi nhiều thứ ốm đau, có thể cứu mạng rất nhiều người.

Cho nên, hãy xử dụng những ưu đãi, những ưu ái, những ưu quyền của Thượng Đế đã dành cho con người, những trí óc biết suy tư, những phương tiện khoa học tài tình, tân tiến, những kiến thức văn minh, hiểu biết…, để mà hưởng dụng, và để hưởng thụ thật đầy đủ đời sống văn minh, ưu việt của con người. Không nên chìm đắm trong trong những nỗi khổ đau, những thái độ bi quan, tiêu cực, vì những quan điểm, quan niệm sai lầm về cuộc sống con người, không nên đau khổ vì những quan niệm mơ hồ: nghiệp qủa nghiệp báo luân hồi, tái kiếp, đầu thai….

Hãy sống và biết sống cho vui vẻ, hãy thực tế, hãy lạc quan, yêu đời: đói ăn, khát uống, đau bịnh thì đi tìm bác sĩ, Nhà thương, đi tìm những phương tiện y tế y khoa để chữa trị, bịnh nào thuốc nấy, nếu bịnh tâm lý thì tìm Thầy tâm Lý, nếu bịnh Tâm Linh thì tìm Thầy Tâm Linh, chớ không có ôm bịnh mà chịu khổ, chịu đau vì cho là số mệnh, cho là nghiệp qủa, cũng không phải là lo cúng tế, lo cầu xin Thần Thánh, Thần Linh phù hộ, giúp đỡ, những cái nầy không có ich lợi gì.

Nếu là những đau khổ khác thì cũng phải tìm đúng nguyên nhân, và tìm ra phương pháp để chữa trị, để giải quyết, nếu đau khổ vì nghèo đói thì phải lo chuyện kinh tế, tài chánh, nếu đau khổ vì ngu dốt, mông muội, thì phải lo chuyện giáo dục, thông tin. Thực tế thì tất cả mọi thứ, mọi cái, văn hoá, giáo dục, kinh tế, tài chánh, khoa học, kỹ thuật…, tất cả đều liên quan liên hệ nhau, tất cả đều có những mối dây ràng buộc khăng khít không thể tách rời. Những mối dây ràng buộc nầy mới là nghiệp qủa, nghiệp báo, mới là nhân quả của con người, xã hội, quốc gia…., chớ không phải là những ý tưởng mơ hồ mông lung nhân qủa, luân hồi, tiền kiếp hậu kiếp của những tín ngưỡng cổ xưa.

Cám ơn Thượng Đế đã cho tôi được làm người, và muôn vạn lần cám ơn Thượng Đế đã cho tôi được sống trong thời đại hôm nay, thời đại văn minh, đất nước văn minh, giữa những con người văn minh, không phải đau khổ vì phải sống trong những xã hội, thời đại, văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo… đắm chìm trong những quan niệm, ý tưởng tiêu cực, vô bổ, vô ích, nhân qủa, nghiệp báo, luân hồi….

Thái Tấn Truyền

No comments:

Post a Comment