Rượu bia
dùng trong các bữa ăn hay buổi tiệc là một nét văn hóa ẩm thực của nhiều nước.
Nếu chỉ uống một lượng vừa đủ sẽ giúp bữa ăn ngon miệng hơn, kích thích tiêu
hóa tốt hơn.
Nhưng nhậu thì khác! Nhậu ở xứ ta có thể thấy ở mọi lúc mọi nơi và uống
là chính, ăn chỉ là phụ. “Lai rai” thì còn chấp nhận được chứ nhậu “tới bến”
đến say xỉn, mất tự chủ thì quả là tệ nạn.
Không phải tự
nhiên các nước đạo Hồi cấm tiệt rượu bia. Chẳng phải vô lý khi một số nước đánh
thuế “khủng” vào các loại thức uống chứa cồn. Tôi làm nghề du lịch, có dịp đi
khắp đất nước, đến nhiều quốc gia, chẳng thấy ở đâu nhậu nhiều như ở nước ta.
Cả nam lẫn nữ, mọi độ tuổi, mọi thành phần đều nhậu. Có người còn nghĩ nhậu là
sành điệu, nhậu càng nhiều càng bản lĩnh, tửu lượng ngày càng cao càng được nể
phục! Nhậu trở thành “bản sắc văn hóa” (hay tệ nạn - có người gọi là quốc nạn).
Số liệu từ các nhà máy rượu bia cho biết bình quân mỗi người Việt Nam uống 15,8
lít bia và 3,9 lít rượu/năm. Nhưng còn rượu lậu, bia chui? Số lượng bia rượu đã
được uống chắc chắn còn lớn hơn nhiều. Ở các nước khác chỉ cóquán rượu còn ở
nước ta có cả phố nhậu, làng nhậu nằm đan xen với các khu phố văn hóa, trong
các phường, xã văn hóa!
Vừa rồi đi Hà Giang, ghé chợ Đồng Văn, Mèo Vạc,
Hoàng Su Phì, thấy bà con dân tộc uống rượu mà phát hoảng! Rượu uống bằng tô,
uống chay, từng “can” 20 lít. Cả đàn ông, đàn bà và thiếu niên, uống say rồi
nằm la liệt. Hèn gì thể trạng người miền núi ngày càng quắt lại? Từ mười năm
trước, tôi đã từng bàng hoàng khi thấy một bé trai hai tuổi, ở truồng, uống
rượu như nước ở bản Tả Phìn - Sapa. Vừa rồi có một đoàn du khách đi xe lửa ra
Nha Trang, đoàn chỉ có hơn 20 người mà nốc sạch 15 thùng bia. Đi với bà con
nông dân thì họ mang theo mấy can rượu, lên xe là “uống tới bến”. Đến cả thầy
giáo, bác sĩ, công an, cán bộ Đoàn, cán bộ Đảng... cũng không hề kém cạnh.
Nhậu, từ sáng
tới trưa, từ chiều tới tối, từ chạng vạng đến khuya, kéo theo vô vàn hệ lụy.
Không chỉ là “rượu vào lời ra” mà còn tăng độ liều mạng trong mọi hành động,
trong giao thông cho đến quan hệ đồng loại và cả đạo đức xã hội.
Có lần, tôi hỏi thăm vài... bợm nhậu: “Sao nhậu
dữ vậy?”. “Buồn quá!”. “Thế nhậu có bớt buồn không?”. “Lúc nhậu thì quên”. “Còn
sau đó?”. “Càng buồn hơn!”. Vậy thì nhậu làm gì hả Trời? Tháng trước về miền
Tây, gặp một em học trò cũ bị chồng nhậu xỉn đánh bầm mặt, vừa khóc vừa kể khổ.
Tôi hỏi: “Sao em biết nó nhậu nhiều mà còn lấy?”. “Thầy thử tìm giùm em một
thanh niên ở xã này, có ai không nhậu?”. Tôi chỉ biết lặng im.
Đưa du khách nước ngoài qua các phố nhậu, họ chỉ
lắc đầu. Chẳng biết là họ thán phục hay ngao ngán? Có mấy người đã đến Việt Nam
nhiều lần còn hiểu nhầm rằng “Nhà nước Việt Nam khuyến khích (hoặc ngấm ngầm cổ
xúy) người dân uống rượu, bởi chẳng nước nào được uống rượu thoải mái như ở
đây??? Nhậu cũng thể hiện sự bế tắc, mất niềm tin vào thực tại và tương lai.
Nhiều người lý
giải: “Nhậu là để ngoại giao, để làm ăn, để ký hợp đồng... Không nhậu không
được!”.
Nhưng đó cũng có thể là sự ngụy biện.
Nhậu là con đường ngắn nhất dẫn đến tội ác! Không
thể cấm nhậu nhưng có thể hạn chế bằng đánh thuế mạnh vào bia rượu như ở
Singapore. Ở đảo quốc sư tử, giá một lon bia bán ngoài đường là 4 đô la Mỹ, còn
trong khách sạn 3 sao là 15 đô la Mỹ và không phải chỗ nào cũng có. Giá rượu
lại càng đắt và khó mua hơn. Nên cấm bán - uống rượu trong giờ hành chính và
phạt thật nặng những kẻ vi phạm, người say xỉn. Và cán bộ, đảng viên lại càng
phải nêu gương.
Số tiền mua bia rượu và số tiền phải bỏ ra để
khắc phục hậu quả của nhậu (từ bệnh tật đến tai họa, tai nạn...) chắc chắn
không nhỏ. Thời gian nhậu nếu dành để học hành, nghỉ ngơi, chơi thể thao, tập
thể dục, quan tâm người thân thì chắc hẳn xã hội sẽ bớt nhiễu nhương hỗn loạn.
Nghiêm trọng hơn, nhậu không chỉ “đầu độc cả một thế hệ” mà còn làm suy yếu cả
một dân tộc.
NGUYỄN VĂN MỸ (THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN)
No comments:
Post a Comment