Buổi trưa, tại sân ga
của một thành phố lớn, một người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi đang mướt mồ hôi để
vác lên vai túi hành lý lỉnh kỉnh của mình. Trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy
hằn lên sự vất vả, cực nhọc của một người lao động thấp kém. Chị đang đưa ánh
mắt dường như vô vọng của mình khắp sân ga như để tìm kiếm một thứ gì đấy nhưng
sau đấy lại tỏ vẻ thất vọng. Trông chị rất đáng thương.
Trên sân ga, người qua
lại tấp nập. Ai đi qua người phụ nữ ấy đều ném về phía chị những cái nhìn ái
ngại và thương cảm. Không ai có ý định dừng lại để giúp đỡ chị. Ðặc biệt là
những người ăn mặc sang trọng, họ đều đi qua chị với tốc độ rất nhanh, dường
như là họ nghĩ nếu đi chậm lại thì chắc chắn người đàn bà đó cũng kéo họ lại để
lạy lục, nhờ vả việc gì đó.
- Anh để ý đấy nhé,
không biết chừng chị ta sẽ nài nỉ xin tiền hoặc sẽ tìm cách kết bạn với mình để
bị chị ta tra tấn trên suốt chuyến đi bằng những câu chuyện vừa dài vừa vô
duyên, hoặc như chị ta sẽ mượn mình chiếc khăn mùi xoa để lau mồ hôi mà lau
xong thì mình không dám xin lại hay như mượn bình nước uống rồi tu ừng ực thì
vài ngụm đã hết veo. Ðúng là người nhà quê. Một người phụ nữ ăn mặc trông
có vẻ sang trọng bĩu môi và nói với người đàn ông cũng có vẻ sang trọng bên
cạnh mình.
- Xin chào... xin...
Quả nhiên người phụ nữ
tiến lại gần đám đông đang đứng đợi tàu. Nhưng dường như không đợi chị nói hết
câu, mọi người đều xua tay và lắc đầu và nhanh chóng lảng ra chỗ khác. Không
nản chí, người phụ nữ này lại men theo các cánh cửa sổ của các toa tàu rồi nhảy
hẳn lên các toa chưa đến giờ xuất phát. Ði đến toa nào chị cũng mang một khuôn
mặt như muốn cầu cứu, trông thật đáng thương và câu duy nhất thốt ra từ miệng
người phụ nữ đáng thương này là: “Xin mọi người giúp đỡ cho tôi.”
Những người ngồi trên
tàu tỏ ra rất khó chịu với người phụ nữ này. Có người thì xua tay ra hiệu xua
đuổi, có người vừa thấy bóng dáng chị ở đầu toa vội lấy tờ báo che mặt giả vờ
ngủ. Trên khuôn mặt của người đàn bà ấy lộ rõ vẻ thất vọng, chán nản.
“Mình đâu phải là
thằng ăn trộm mà sao mọi người lại xử sự như thế nhỉ?” Người phụ nữ xót xa
nghĩ.
Chị ta lại đi qua các
toa tàu nhưng không ai muốn nghe chị trình bày hoàn cảnh của mình. Ðúng lúc đó,
chị nhìn thấy một chàng trai có dáng vẻ rất thư sinh đang ngồi đọc báo. Chàng
trai đang đọc báo rất chăm chú và dường như cậu ta không để ý đến mọi thứ xung
quanh.
Nhẹ nhàng đi về phía
chàng thanh niên, người phụ nữ cất tiếng nói:
- Xin lỗi cậu, cậu có
thể giúp đỡ tôi được không?
Chàng trai bỏ tờ báo
xuống, nhìn quanh một lúc rồi nhìn người phụ nữ nông thôn nọ:
- Xin lỗi, chị đang
hỏi tôi ạ?
Người phụ nữ gật đầu.
- Xin anh giúp đỡ tôi
với, tôi lên thành phố để tìm người bà con, nhưng tìm không ra, tiền bạc lại bị
kẻ gian móc hết rồi. Muốn về quê nhưng không biết làm thế nào, cậu có thể mua
giúp một tấm vé để tôi về quê không?
Sau khi nghe người phụ
nữ đáng thương nói xong, nét mặt chàng thanh niên trông rất lưỡng lự. Dường như
anh ta vừa muốn giúp vừa lại không muốn giúp người đàn bà đáng thương đó. Sau
một thời gian im lặng, chàng trai bèn đưa tay vào túi quần của mình, khó khăn
lắm mới móc ra được một đống tiền lẻ, ngại ngùng đưa cho người phụ nữ.
- Chị cầm lấy đi.
Tôi... tôi chỉ còn có chừng này, không biết đủ hay không. Tôi cũng vừa mua vé
để về quê nên không còn nhiều. Tôi lên thành phố này để kiếm việc, hy vọng tìm
được một công việc kiếm được kha khá, nhưng khi lên thành phố, với tấm bằng
trung cấp trong tay thì tôi không thể tìm ra được một việc gì để làm. Chị cầm
tạm vậy.
Người phụ nữ rưng rưng
cầm lấy những đồng tiền lẻ của chàng trai, khó khăn lắm chị mới thốt lên được
hai tiếng “Cám ơn”.
Vừa quay gót đi về phía
cuối toa thì chị nghe tiếng gọi với theo của chàng thanh niên nọ. Cậu ta hớt
hải đi về phía chị và nói:
- Như thế này vậy, chị
cùng quê với em, hay chị lấy tấm vé của em đi vậy.
- Thế còn cậu thì sao?
Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.
- Số tiền em vừa đưa cho
chị chỉ có thể mua đủ tấm vé xuống ga thứ ba xuất phát từ ga này, như vậy cách
nhà em cũng không xa lắm, em có thể đi bộ mà. Chị cứ cầm lấy vé đi, em là con
trai, thế nào mà chẳng được. Còn phụ nữ như chị thì không thể đi bộ về nhà
trong đêm tối được. Thôi, chúc chị thuận buồm xuôi gió. Nào, đưa cho em đống
tiền lẻ nào!
Nói xong, không kịp để
người phụ nữ phản ứng gì, chàng trai vội cầm lại số tiền lẻ trong tay người phụ
nữ và đưa lại cho chị tấm vé của mình. Sau đấy anh vội vàng đi ra khỏi tàu và
đến quầy bán vé. Rất nhanh sau đó, chàng thanh niên lại lên tàu.
Người phụ nữ tiến lại
gần phía chàng trai và cất tiếng hỏi:
- Sao cậu lại làm như
thế, cậu không hối hận à?
Chàng trai lắc đầu:
- Không, chị ạ.
Trong ánh mắt của
người phụ nữ đáng thương nọ ánh lên một niềm vui khôn xiết. Chị cầm tay chàng
trai và nói: - Anh bạn trẻ, xuống đây với tôi một lát.
Người phụ nữ kéo chàng
trai ra khỏi nhà ga, vẫy một chiếc taxi, tự động mở cửa xe và quay lại nhìn
chàng trai:
- Cậu lên xe đi. Hôm
nay cậu chính thức là nhân viên của tôi.
Hoá ra, người phụ nữ
này là con gái của một ông chủ tập đoàn sản xuất đồ chơi nổi tiếng. Ðể đi tìm
một người trợ lý đáng tin cậy, chị đã phải hoá trang và đứng ở sân ga suốt 3
ngày qua.
Chị nói rằng: “Các bạn
cho rằng tôi thật ngốc nghếch khi phải làm khổ mình như thế, nhưng thật ra nó
thật sự xứng đáng. Khi đứng ở sân ga trong 3 ngày đó, tôi mới nhận ra rằng: Tìm
được một người thực sự tốt trong cuộc sống xô bồ này quả là khó. Có thể, chàng
thanh niên đó không có trình độ, hiểu biết nhiều như những người tốt nghiệp đại
học hoặc cao hơn nữa. Nhưng điều đáng quý nhất và đáng trân trọng nhất là cậu
ấy có cái ‘tâm’. Có cái ‘tâm’ trong cuộc sống thì mới có cái ‘tâm’ trong công
việc được. Ðấy là thứ mà công ty tôi cần”.
Các bạn thấy đấy, một tấm
vé để đổi lấy cả một sự nghiệp sáng lạn. Có thể nhiều người nghĩ đây chỉ là
việc ngẫu nhiên, nhưng thực ra trong sự ngẫu nhiên đó lại có tính tất yếu của
nó. Rất nhiều người đã có mặt ở trên sân ga, nhưng chỉ có chàng trai đó mới
nhận được niềm hạnh phúc bất ngờ như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà anh ta có
được một cơ hội tốt đẹp đến như thế mà điều quan trọng là anh đã biết chia sẻ
chữ ‘tâm’ của mình cho mọi người xung quanh.
Ðây là một câu chuyện
hoàn toàn có thật mà tôi đã nghe được từ giám đốc của tôi.
Quang Ngọc__
No comments:
Post a Comment