Tuesday 8 June 2021

Tể Tướng và Người Đánh Xe Ngựa

  

Tử Cống là người khéo ăn khéo nói nhất trong số mười đại đệ tử của Khổng Tử, ông có tài hùng biện rất giỏi, giao thiệp thấu tình đạt lý, Tử Cống còn từng đảm nhận chức vị Tể tướng nước Lỗ... Tuy nhiên, ông lại không thể thuyết phục nổi một người nông phu, vì sao lại như vậy?

Trong "Trí Nang Toàn Tập" của Phùng Mộng Long thời nhà Minh có kể về câu chuyện Khổng Tử chuộc ngựa, câu chuyện này khá thú vị, cũng hàm chứa đạo lý rất thâm sâu, thể hiện đầy đủ trí tuệ và cách đối nhân xử thế của Khổng Tử.

Một hôm, Khổng Tử cùng các đệ tử của mình đang trên đường đi du ngoạn núi non, người ngựa đều mệt mỏi, trong lúc nghỉ ngơi trên bờ ruộng, ngựa của họ gặm hoa màu của nông dân. Người nông dân vô cùng tức giận, bắt ngựa mang về buộc lại, không chịu trả cho Khổng Tử.

Không có ngựa thì không thể tiếp tục lên đường, như vậy không được! Người nào có thể đi thương lượng với người nông dân để lấy lại ngựa đây?

Đệ tử của Khổng Tử là Tử Cống cho rằng, nếu tự mình đi thuyết phục người nông dân trả lại ngựa, đó là chuyện quá đơn giản, thế là Tử Cống chủ động xin đi thương lượng.

Tử Cống là người khéo ăn khéo nói nhất trong số mười đại đệ tử của Khổng Tử, có tài hùng biện rất giỏi, giao thiệp thấu tình đạt lý, làm chuyện gì cũng rất thỏa đáng, ông từng đảm nhận chức tướng quốc của nước Lỗ và nước Vệ, là một nhân tài trên cương vị tể tướng. Ngoài ra Tử Cống còn cực kỳ giỏi kinh doanh, ông là người giàu có nhất trong số các đệ tử của Khổng Tử.

Tử Cống vốn dĩ cho rằng có thể dễ dàng thuyết phục được một người nông dân, nhưng mặc cho ông dùng hết mọi cách của mình, nói nặng nói nhẹ, thậm chí là thấp giọng khuyên giải, còn nói đại đạo lý trong "Thi Kinh" và "Thượng Thư"... nhưng người nông dân vẫn không bị lay động. Cuối cùng Tử Cống đành phải cúi đầu chán nản quay trở về.

Khổng Tử nói: "Dùng những lời mà người ta nghe không hiểu để thuyết phục người ta, cũng giống như dâng đồ cúng hảo hạng nhất cho thú dữ, kêu chim chóc thưởng thức giai điệu tao nhã của "Cửu Thiều" vậy đó!".

Thế là Khổng Tử sai người đánh xe ngựa đi đòi lại ngựa.

Người đánh xe ngựa vui vẻ nhận nhiệm vụ, anh ta đi đến chỗ của người nông dân và nói với người này vỏn vẹn ba câu như sau:

"Ông chưa từng đi Đông Hải trồng trọt, tôi cũng chưa từng đến Tây Hải đánh xe, nhưng hoa màu ở hai nơi đều giống nhau, ngựa của tôi làm sao biết đó là ruộng của ông mà không ăn hoa màu của ông chứ?"

Người nông dân nghe xong cảm thấy rất có lý, sau đó vui vẻ trả lại ngựa cho người đánh xe ngựa.

Phùng Mộng Long đánh giá câu chuyện này như sau:

Có câu: "Vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quần phân". Bàn luận đại đạo lý trong "Thi Kinh" và "Thượng Thư" trước mặt một người thô lỗ, đây chính là nguyên nhân mà những Nho sĩ cổ hủ không biết thay đổi theo tình huống dẫn đến tổn hại đất nước.

Những lời mà người đánh xe ngựa nói ra rất thành khẩn và thực tế, giả sử cũng cùng một câu nói đó nhưng được nói ra từ miệng của Tử Cống, người nông dân vẫn sẽ không công nhận, tại sao vậy? Bởi vì các phương diện như khí chất, sự tu dưỡng, tướng mạo của Tử Cống và người nông dân đều có sự khác biệt rất lớn, đã tạo thành một khoảng cách về mặt tâm lý rồi, đương nhiên sẽ không dễ dàng hiểu nhau được.

Nhưng tại sao ngay từ đầu Khổng Tử lại không sai người đánh xe ngựa đi thuyết phục người nông dân, mà lại để mặc cho Tử Cống đi? Đó là bởi vì, nếu như Khổng Tử sai người đánh xe ngựa đi trước, trong lòng Tử Cống chắc chắn không phục. Bây giờ không những có thể khiến Tử Cống tâm phục khẩu phục, mà còn giúp cho tinh thần của người đánh xe ngựa vô cùng phấn chấn.

Thánh nhân có thể hiểu rõ cách đối nhân xử thế, cho nên mới có thể phát huy hết tài năng của một người, tận dụng tài năng của mỗi người. Người đời sau thì khác, họ đặt ra rất nhiều điều luật và quy định khác nhau để bó buộc con người, dùng vô số tư cách để hạn chế con người, lại hy vọng mỗi một người có thể sở hữu được các loại năng lực khác nhau, như vậy thì làm sao xử lý được chuyện trong thiên hạ chứ?

Từ đó, Phùng Mộng Long cho rằng "cổ hủ" vốn không phải là vấn đề của tư tưởng Nho giáo, Khổng Tử là người sáng lập ra tư tưởng Nho giáo, ông là người vô cùng thấu tình đạt lý, tư tưởng cởi mở, hơn nữa ông còn rất giỏi trong việc tiến hành giáo dục tùy theo năng lực của mỗi người.

Ngược lại, một số thế hệ sau không có đủ tư cách, và vẫn chưa học thấu suốt tư tưởng Nho gia, mà chỉ biết 'học vẹt', chưa thể lĩnh ngộ và nắm giữ được tinh túy của tư tưởng Nho gia, mới tạo thành "cổ hủ" mà thôi.

Theo Sound of Hope

Châu Yến biên dịch

--

 

No comments:

Post a Comment