Saturday, 30 October 2021

10 Câu châm ngôn của Mạnh Tử

 Mạnh Tử rất giỏi hùng biện, ông đã giảng một cách thấu đáo và sinh động về mệnh đề rộng lớn là "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Đồng thời ông cũng thể hiện được trải nghiệm sâu sắc và nhạy bén trong cách đối nhân xử thế tài tình của mình.

Vương Mãnh, một tác gia đương đại của Trung Quốc, tuổi đã hơn 80. Sau khi nghiên cứu cuốn "Mạnh Tử", ông vô cùng tán dương trí huệ của bậc 'Á Thánh' này.

Trí huệ ấy tập trung trong 10 câu châm ngôn xử thế dưới đây của Mạnh Tử:

1. Lời nhắc nhở khi ra quyết định:

Con người thường phải chọn việc nào nên làm, việc nào nên bỏ, mới có thể có thành danh dựng nghiệp.

Nguyên văn: "Nhân hữu bất vi dã, nhi hậu khả dĩ hữu vi".

Có một điều rất phổ biến là, chúng ta thường làm rất nhiều việc không cần làm, không nên làm, những việc với tầm mắt hạn hẹp. Thậm chí còn làm những việc tổn hại thiên lý, thất đức bất nhân, vậy thì sao có thể bước trên con đường chính đạo? Chí ít chúng ta cũng sẽ không còn thời gian, tinh lực để làm những việc lớn hay gánh vác đại sự.

Đây không chỉ là vấn đề về phẩm cách đạo đức, mà là vấn đề phân biệt giữa người tốt và người xấu, cũng là trí thông minh, trí huệ mang tính căn bản. Những người tài năng thì rất giỏi bỏ bớt những việc không cần làm. Người mà việc gì cũng làm rất chăm chỉ, không phân lớn nhỏ, thì không thể có thành tích lớn lao.

 

Những người tài năng thì rất giỏi bỏ bớt những việc không cần làm

2. Lời nhắc nhở về việc tự biết mình

Người này có chút tài mọn, nhưng xưa nay không hề biết đại đạo, thì (chút tài mọn này) lại có thể hại chết bản thân họ.

Nguyên văn: "Kỳ vi nhân dã tiểu hữu tài, vị văn quân tử chi đại đạo dã, tắc túc dĩ sát kỳ khu nhi dĩ hĩ".

Thà làm người đại trí huệ giả ngốc, chứ quyết không làm kẻ tài mọn ra vẻ ta đây hiểu biết. Người khôn vặt, có tài mọn, nếu thể hiện ra ngoài sẽ gây ấn tượng cho người khác, từ đó mà được giao phó trọng trách. Như vậy giở trò khôn vặt sẽ làm lỡ đại sự, còn thu hút sự chú ý của mọi người, dễ sinh chuyện thị phi. Người này dễ bị người khác đố kỵ, oán hận mà sinh dã tâm... Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để hại mình hại người.

3. Lời nhắc nhở về việc ứng biến

Nên làm quan thì làm quan, nên từ chức thì từ chức, nên tiếp tục thì tiếp tục, nên lập tức rời đi thì hãy lập tức rời đi.

Nguyên gốc: "Khả dĩ sĩ tắc sĩ, khả dĩ chỉ tắc chỉ, khả dĩ cửu tắc cửu, khả dĩ tốc tắc tốc".

Về cuộc sống hiện thực, cách nói này của Mạnh Tử khá linh hoạt. Cùng là Thánh nhân, có Bá Di làm được "Thanh cao như thánh nhân", cũng có Y Doãn "Có thể gánh vác công việc của Thánh nhân", lại có Liễu Hạ Huệ làm được "sự hài hòa của Thánh nhân", và có Khổng Tử "thức thời như bậc Thánh nhân". Trong những thời thế khác nhau thì cần có cách ứng xử linh hoạt khác nhau. Đây chính là hàm nghĩa của câu "Thức thời như bậc thánh nhân".

 Thức thời như bậc Thánh nhân

4. Lời nhắc nhở về suy xét sâu xa

Người biết cung kính sẽ không nhục mạ mọi người xung quanh. Người hiểu cách khắc chế bản thân sẽ không xâm phạm người bên cạnh.

Nguyên văn: "Cung giả bất vũ nhân, kiệm giả bất đoạt nhân".

Lão Tử giảng về Tam bảo: "Từ bi, cần kiệm, không đứng trước thiên hạ" (Từ, Kiệm, Bất vi thiên hạ tiên). Khổng Tử cũng giảng: "Ôn, lương, cung, kiệm, nhượng" (Ôn hòa, lương thiện, cung kính, cần kiệm, khiêm nhường). Mạnh Tử lại giảng "Cung, kiệm" (Cung kính, cần kiệm).

Chữ "Kiệm" này không chỉ là không xa hoa, lãng phí về vật chất, mà là sự khiêm nhường và biết kiềm chế bản thân về mặt tinh thần. Tức là khi làm quan phải biết quý tiếc công sức, của cải của nhân dân, hành sự một cách thận trọng, trọng tu dưỡng và biết suy xét sâu xa. Theo từ điển thì hàm nghĩa của chữ "Kiệm" là tiết kiệm, thiếu thốn, không sung túc, khiêm nhường. Tóm lại, "kiệm" chính là không kiêu ngạo hay tự mãn.

Khổng Tử và Mạnh Tử đều rất coi trọng thái độ, cử chỉ, lễ nghi và vẻ mặt của con người. Khổng Tử giảng "sắc nan", tức là muốn thăm dò, thấu hiểu những biểu lộ trên khuôn mặt của một người không phải chuyện dễ dàng. Nhưng điều quan trọng vẫn là thái độ bản thân đối đãi với người khác, tức là những điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác, học cách kiềm chế bản thân, quay trở về với lễ nghĩa, dẫn dụ thiên hạ trở về với lòng nhân.

 

Lão Tử giảng về tam bảo.

5. Lời nhắc nhở về việc hướng nội hoàn thiện bản thân

Nếu hành vi chưa thể đạt được mục đích dự tính ban đầu, thì ngược lại càng phải yêu cầu bản thân mình hoàn thiện hơn. Chỉ khi mình làm thật chính thì thiên hạ mới thuộc về bạn.

Nguyên văn: "Hành hữu bất đắc giả giai phản cầu giả kỷ, kỳ thân chính nhi thiên hạ quy chi".

Những người như thế này quả thực không hiếm gặp: Khi làm lãnh đạo, hay theo đuổi học vấn, kết bạn, mua bán, đọc sách... mà gặp phải trắc trở thì sẽ vô cùng phẫn nộ mà oán trời trách người. Bản thân không thể lãnh đạo, lại còn oán trách lãnh đạo của mình tố chất thật kém. Học vấn không vững vàng thì oán trách đồng nghiệp không biết nhìn người. Người cô quả thì oán trách bạn bè bất nghĩa. Việc mua bán không được toại nguyện thì oán trách thương gia. Đọc sách không thông thì oán trách tác giả hay thầy dạy.

Nhưng oán trách cũng chẳng thể giúp gì cho con người. Những lúc như vậy tốt nhất chúng ta nên dũng cảm nhìn thẳng vào những thiếu sót của mình mà hoàn thiện bản thân thì tốt hơn biết mấy.

6. Lời nhắc nhở về cái tâm thuở ban đầu

Những người cao thượng là người không mất đi sự thuần khiết và chân thành thuở ấu thơ của mình.

Nguyên văn: "Đại nhân giả, bất thất kỳ xích tử chi tâm giả dã".

Một trong những đặc điểm của con người là vì yêu mến sinh mệnh mà hoài niệm, mà tô điểm cho sự đơn thuần và chân thành thuở nhỏ. Tuy nhiên, người càng vĩ đại quả thực lại càng người giữ được sự đơn thuần trong nhân cách của mình.

7. Lời nhắc nhở về việc nói năng

"Khi nói những điều bất thiện về người khác, nếu điều này mang lại phiền phức cho bạn về sau, thì bạn nên đối đãi như thế nào đây?"

Nguyên văn: "Ngôn nhân chi bất thiện, đương như hậu hoạn hà?"

Người hay than vãn thì người khác lại than phiền về họ. Người hay nói xấu người khác thì người khác sẽ nói xấu họ. Người hay giúp đỡ người khác thì thường được người khác giúp đỡ. Người yêu mến người khác thì người khác sẽ yêu mến họ. Nhưng vẫn luôn có người coi việc bới móc, ly gián, bôi nhọ, vu khống là nghề của mình. Lại càng có những kẻ bất tài vô dụng, nhẫn tâm coi những điều trên thành phương thức sống của mình. Nhưng "ở hiền gặp lành" có bao giờ sai? Hại người trước hóa ra là gieo mầm họa cho mình về sau.

 

"Ở hiền gặp lành" có bao giờ sai? Hại người trước hóa ra là gieo mầm họa cho mình về sau. 

8. Lời nhắc nhở về lòng kiên trì

Một người kết thúc ở điểm lẽ ra không nên kết thúc, giữa đường đứt gánh, vứt bỏ sự nỗ lực của bản thân thì dễ nản chí, đánh trống bỏ dùi.

Nguyên gốc: "Vu bất khả dĩ nhi dĩ giả, vô sở bất dĩ; du sở hậu giả bạc, vô sở bất bạc dã. Kỳ tấn nhuệ giả, kỳ thoái tốc".

Khổng Tử và Mạnh Tử đều rất coi trọng làm người, làm việc phải có thủy có chung, không nên bỏ dở giữa chừng như câu "Người đi trăm dặm, thì 90 dặm cũng chỉ là nửa đường" (Hành bách lý giả, bán vu cửu thập). Một việc mà bạn bỏ dở giữa chừng cũng đồng nghĩa với việc có thể từ đó bạn sẽ không thể hoàn thành, không thể làm tốt nó.  

Vậy vì sao người như vậy tiến nhanh mà thoái cũng nhanh? Nếu đã đi được 90 dặm, bạn chỉ cần bước tiếp và vẫn cần một nửa sự nỗ lực nữa. Nhưng nếu đã đi được 90 dặm mà bạn không muốn bước tiếp nữa thì sao? Vậy thì cũng tương đương với việc bạn chẳng đi được bước nào, chẳng phải là đang thoái lùi quá nhanh hay sao?

Bạn tiếp đón một người không chu đáo thì cũng như vừa chạm mặt đã từ chối đón tiếp người ta. Kết quả của việc tiếp đón không chu đáo cũng tương đương với việc không tiếp đón. Mà hậu quả có khi biến đổi khôn lường, khắc nghiệt còn hơn cả việc từ chối tiếp đón người khác. Như vậy chẳng phải là tuýp người tiến nhanh mà thoái cũng nhanh hay sao?

Những người như vậy không thể gánh vác đại sự, khó có thể làm nên công trạng trong kiếp người.

9. Lời nhắc nhở về việc hủy hoại thanh danh

Đôi khi bạn sẽ được nghe những lời tán dương và có được danh tiếng như dự liệu. Đôi khi bạn cũng sẽ gặp phải sự phỉ báng, công kích của búa rìu dư luận.

Nguyên văn: "Hữu bất ngu chi dự, hữu cầu toàn chi hủy".

Giữa hai sự việc thường tồn tại mối quan hệ song song, thậm chí có thể là mối quan hệ nhân quả. Danh tiếng lẫy lừng cũng rất dễ đột nhiên chuyển hướng thành những lời đàm tiếu của dư luận.

Trong lời này của Mạnh Tử còn đề xướng về nhân cách vững vàng của con người: Đừng quá để ý những gì điều người khác nói về bạn. Thấu hiểu một người là chuyện dễ dàng hay sao? Đặc biệt là những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trong xã hội, khi đối mặt với những lời ca tụng quá sức tưởng tượng hay phỉ báng hà khắc của người đời cũng cần phải chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng.

 Đừng quá để ý những gì điều người khác nói về bạn. Thấu hiểu một người là chuyện dễ dàng hay sao? 

10. Lời nhắc nhở về tâm thái khiêm nhường

Mang tài sản của hai đại gia Hàn Ngụy (Hai gia đình giàu có nước Tấn, cuối thời Xuân Thu) gộp cho một người, mà họ vẫn khiêm nhường cẩn thận, vậy thì phẩm chất của người này đã mạnh hơn người bình thường rất nhiều lần rồi.

Nguyên văn: "Phụ chi dĩ Hàn Ngụy chi gia, như kỳ tự thị khảm nhiên, tắc quá nhân viễn hỹ".

Nghịch cảnh là khảo nghiệm, hoàn cảnh thuận lợi cũng là khảo nghiệm, kim cương từ trên trời rơi xuống cũng là khảo nghiệm. Càng thăng quan phát tài, trở thành người quan trọng, công danh càng hiển hách, tiếng tăm lẫy lừng năm châu bốn bể lại càng khó có thể giữ mình được bền lâu. Đây là thách thức lớn nhất. Nguyên nhân do đâu? Công danh hiển hách dễ khiến tầm nhìn con người trở nên hẹp hòi, lòng dạ kiêu ngạo. Kiêu ngạo thì dễ gây thù kết oán với người khác. Yêu sinh ra phúc, ghét sinh ra họa, vậy chẳng phải là tự rước vạ vào thân hay sao?

Vậy nên muốn được bình an, hạnh phúc bền lâu thì khiêm nhường là tố chất không thể thiếu của con người.

Nhã Văn biên dịch

8 Lời Khuyên

Mục lục bài viết

·        1. Con người tôi luyện bản thân qua mọi chuyện mới có thể đứng được một cách vững vàng

·        2. Ở với bạn bè phải biết nhường nhịn lẫn nhau 

·        3. Nếu ban ngày làm việc mà cảm thấy lo lắng bất an vậy thì hãy ngồi tĩnh tọa

·        4. Hối lỗi là liều thuốc quý trị bệnh

·        5. Xử lý sự việc mà gấp gáp mà rối bời, là do cái tâm lo sợ được mất về danh dự

·        6. Giữ gìn chí hướng như bị đau tim

·        7. Bận rộn không yên là do cái tâm này

·        8. Tinh lực của con người rốt cuộc là có hạn

Đời người vốn lắm nỗi phiền. Ai đã đi qua kiếp nhân sinh này đều thấy được rằng mỗi giây phút có được bình an trong tâm hồn đều đáng quý hơn mọi thứ bạc vàng, của cải. Để sống một đời hạnh phúc, ý nghĩa, để có được một trái tim mạnh mẽ, kiên cường, hãy thử làm theo những lời người xưa giảng dưới đây... 

Vương Dương Minh (1472 – 1529) tên thật là Vương Thủ Nhân, là một nhà chính trị, nhà triết học nổi tiếng của triều Minh. Triết học của Vương Dương Minh gọi là Dương Minh Tâm học, cho rằng Tâm là nguồn gốc của vạn sự vạn vật, chỉ có cứu trị nhân tâm mới có thể cứu vãn xã hội, mới có thể giải quyết những vấn đề hiện thực xã hội. Và "Tâm học" không phải thứ học vấn trên giấy mà là trí tuệ của thực tiễn.

"Chuyên Tập Lục" là cuốn sách nổi tiếng được chỉnh lý lại từ nội dung các bài giảng, câu nói và thư từ của Vương Dương Minh. Sách này do 3 học trò của ông là Từ Ái, Tiết Khản và Lục Trừng ghi chép lại.

Nói một cách đơn giản thì đó là cuốn sách chép lại bài giảng dành cho học trò. Nhưng nó lại trình bày khá hoàn chỉnh và có hệ thống về tư tưởng tâm học của Dương Vương Minh cũng như phương pháp giảng dạy biện chứng của ông.

Với lời văn sinh động, linh hoạt, căn cứ đầy đủ. Cuốn sách này vừa ra đời đã nhận được bình luận rất tốt của các bậc sỹ phu và rất được người đời sùng kính.

Dưới đây là 8 câu nói nổi tiếng của Vương Dương Minh mà sách này chép lại.

1. Con người tôi luyện bản thân qua mọi chuyện mới có thể đứng được một cách vững vàng

"Nhân tu tại sự thượng ma, phương vị đích trụ, phương năng 'Tĩnh diệc định, động diệc định'".

Giải thích: Con người nên tôi luyện bản thân qua mọi chuyện mới có thể đứng được một cách vững vàng, mới có thể đạt được cảnh giới "Dù là động hay tĩnh đều có thể giữ được sự trầm tĩnh trong tâm".  

Muốn tĩnh tâm thì hãy bắt mình phải làm nhiều việc. Điều này nghe thì có vẻ hơi vô lý nhưng sẽ giúp bạn kéo lại cái tâm đang dao động, không thể tĩnh tại của bản thân. Chính những việc tưởng như vụn vặt, tỉ mỉ ấy sẽ nghiêm khắc dần dần cọ xát tâm tính bạn cho tới khi mọi góc cạnh được mài trơn nhẵn, bóng láng.

Khi tâm đã trơn nhẵn, tịnh không còn chút gợn nào thì những tâm lý tiêu cực kiểu như tính nóng nảy, hấp tấp, hay dao động, kiêu ngạo, qua loa đại khái... cũng tự nhiên được gột rửa đi.

Khi tâm đã trơn nhẵn, tịnh không còn chút gợn nào thì những tâm lý tiêu cực kiểu như tính nóng nảy, hấp tấp, cũng tự nhiên được gột rửa đi.

 

2. Ở với bạn bè phải biết nhường nhịn lẫn nhau 

"Ngoại bằng hữu, vụ tướng hạ tắc đắc ích, tướng thượng tắc tổn".

Giải thích: Ở với bạn bè phải biết nhường nhịn lẫn nhau thì hai bên đều có lợi ích, nếu so sánh với nhau thì chỉ khiến cả hai cùng chịu tổn thất. 

Quan hệ bạn bè chính là: Bạn cho tôi một chiếc lá xanh, tôi sẽ đáp lại bằng cả một rừng cây. Cả hai vì thế mà đều vui mừng ưng thuận.

Nếu hai bên có thể liên tục đối đãi với nhau như vậy thì tình bạn ấy lúc nào cũng sẽ bền vững, kiên cố như đá tảng, có thể chống được những cơn động đất dữ dội nhất.

Nếu chỉ biết so sánh người ta sẽ chỉ nhìn thấy sự ganh ghét, đố kỵ nhau: Bạn ở nhà lầu thì tôi cũng phải ở gác tía, lương của bạn ba chục triệu thì lương của tôi cũng không thể chỉ có 29 triệu, bạn có bà ba thì chí ít tôi cũng phải có bà sáu, bạn li hôn thì tôi cũng...

Tốt nhất là không nên kết bạn với những kiểu người như thế. Bởi có bao nhiêu người bạn như vậy thì ta cũng sẽ phải cõng bấy nhiêu phiền phức mà thôi.

3. Nếu ban ngày làm việc mà cảm thấy lo lắng bất an vậy thì hãy ngồi tĩnh tọa

"Nhật gian công phu giác phân nhiễu, tắc tịnh tọa giác lãn khán thư, tắc thả khán thư, thị diệc nhân bệnh nhi dược". 

Giải thích: Nếu ban ngày làm việc mà cảm thấy lo lắng bất an vậy thì hãy ngồi tĩnh tọa. Dù bạn không muốn đọc sách cũng phải đọc, điều này gọi là nhằm bệnh mà bốc thuốc. 

Hàm ý của câu này chính là bạn càng không muốn làm việc gì thì lại càng nên ép mình làm việc ấy, phải giằng co, đọ sức với cái tâm của mình. Nhân tâm luôn ích kỷ, người ta ai mà chẳng muốn được sống thoải mái một chút, được làm những chuyện vừa ý một chút?

Chỗ nào mát mẻ thì muốn tới gần, thứ gì ngon lại muốn ăn, chuyện gì dễ cũng muốn làm hơn. Nếu cứ phóng túng bản thân của mình như vậy, bạn ắt sẽ bị dẫn tới đường cùng.

Thế nên, đôi khi phải mạnh tay với bản tính của mình, phải học cách "tàn nhẫn" với mình hơn một chút, bạn mới có thể xoay chuyển tình thế, kiếm tìm được cảm giác thoải mái và thanh thản thực sự.

Ngồi tĩnh tọa để trải nghiệm thân tâm của mình, kiếm tìm được cảm giác thoải mái và thanh thản thực sự.

 4. Hối lỗi là liều thuốc quý trị bệnh

"Hối ngộ thị khứ bệnh chi dược, nhiên dĩ cải chi vi quý, nhược lưu trệ ư trung, tắc hựu nhân dược phát bệnh".

Giải thích: Hối lỗi là liều thuốc quý trị bệnh, quý ở chỗ biết sửa sai. Nếu giữ sự hối hận trong tâm thì lại vì thuốc mà sinh bệnh. 

Con người ai sinh ra mà chẳng một lần mắc lỗi? Phạm lỗi rồi đứng lên từ sai lầm là bài học tất yếu của đời người. Đây cũng là kiểu bài kiểm tra mà người ta không cần học bài cũng có thể được điểm tối đa, chẳng ai muốn trải qua trải nghiệm thất bại ấy.

Thế nhưng chỉ cần bạn biết sửa sai, giỏi đúc rút kinh nghiệm thì không có gì đáng sợ. Ngược lại sai lầm sẽ trở thành một liều thuốc kích thích khiến con người mau chóng trưởng thành, khỏe mạnh.

Nếu biết sai mà không sửa thì kết quả cuối cùng thực vô cùng tồi tệ, chỉ có thể là những giọt nước mắt hối hận muộn màng dâng đầy như dòng sông không đáy. Cái tâm của người ta sớm muộn cũng sẽ trở thành một khẩu súng, một cái roi quất vào chính mình, tự gây thương tích và trong mắt chỉ lưu lại đầy những đau thương.

5. Xử lý sự việc mà gấp gáp mà rối bời, là do cái tâm lo sợ được mất về danh dự

"Phàm xử đắc hữu thiện hữu vị thiện, cập hữu khốn đốn thất thứ chi hoạn giả, giai thị khiên ư hủy dự đắc táng, bất năng thực chí kỳ lương tri nhĩ".

Giải thích: Khi xử lý sự việc mà xuất hiện tình huống lúc tốt lúc không, vì gấp gáp mà rối bời, chạy sang phía sự cực đoan đều là do cái tâm lo sợ được mất về danh dự khiến mình mệt mỏi, không thể thực sự đắc được lương tri. 

Trong cuộc sống và công việc, có rất nhiều chuyện vốn có thể ứng phó một cách thư thái, làm được hoàn mỹ, nhưng kết quả lại trở nên thảm hại, khiến người ta không muốn ngó tới, khiến bản thân mình không biết phải làm thế nào.

Chuyện gì đang xảy ra? Phải chăng do năng lực của mình không đủ? Dung mạo của mình không đủ xinh đẹp? Khí chất của mình không đủ? Đều không phải...

Về việc này Vương Dương Minh đã đưa ra đáp án cuối cùng: Chính là do cái tâm được mất của bạn quá nặng. Bạn nhất tâm muốn làm chuyện này tới mức hoàn thiện nhất, chỉ sợ mình bị người khác phê bình, chê cười, cho nên khi làm việc thường cảnh giác cao độ, nhất quyết không buông.

Điều đó đã làm hỏng mất cái tâm làm việc một cách thản nhiên, ứng phó mọi việc một cách bình hòa của chính bạn. Nó có đôi chút giống như "Định luật Murphy" trong hiệu ứng tâm lý học, bạn càng lo lắng chuyện gì đó sẽ xảy ra thì nó càng có khả năng xảy ra.

6. Giữ gìn chí hướng như bị đau tim

"Trì chí như tâm thống, nhất tâm tại thống thượng, khải hữu công phu thuyết nhàn thoại, quản nhàn sự".

Giải thích: Giữ gìn chí hướng như bị đau tim, nếu toàn tâm toàn ý chỉ nghĩ tới chỗ đau, thì làm gì còn thời gian nói chuyện phiếm và quản chuyện phiếm đây? 

Câu này quả thực rất hay. Khi tim đau tới mức ngạt thở thì bạn còn tâm tư để tán chuyện hay đi lòng vòng không? Chắc chắn là không, lúc này bạn chỉ có cảm giác đau tới muốn chết, chỉ có thể là tâm không mong cầu gì cả.

Suy luận ngược lại một chút, nếu khi bạn đang làm việc gì đó đột nhiên muốn nghỉ xả hơi một chút, uống chút rượu, nghe chút nhạc, hát vài câu. Điều này chứng tỏ rằng tâm của bạn vẫn có phần đang phiêu đãng, chắc chắn là không phải đang hoàn toàn nhập tâm, cũng nói rõ rằng bạn không đủ coi trọng và dụng tâm.

Sức mạnh của sự chú tâm là vô cùng lớn, nhưng tiền đề là bạn phải dùng trái tim mình để dẫn đường.

7. Bận rộn không yên là do cái tâm này

"Kim nhân ư khất phạn thời, tuy nhiên nhất sự tại tiền, đãn tâm thường dịch dịch bất ninh, chỉ duyên thử tâm mang quán liễu, sở dĩ thu nhiếp bất trụ".

Giải thích: Hiện nay có một số người dẫu đang ăn cơm, dẫu không có việc gì nhưng tâm của họ vẫn thường bộn bề không yên, chỉ vì cái tâm này của họ đã quen bận rộn mà không thể nắm bắt được.

Có người từng hỏi một vị thiền sư rằng: "Ông tu hành như thế nào?" Thiền sư trả lời: "Đói thì ta ăn, buồn ngủ thì ta đi ngủ". Người ấy thấy rất phiền não đáp lại: "Ăn cơm, đi ngủ thì quá đơn giản, ai mà không biết, đây cũng gọi là tu hành sao?".

Vị thiền sư nói: "Cũng là ăn cơm, cũng là đi ngủ, nhưng kết quả lại khác nhau. Người bình thường khi ăn cơm thì nhìn ngó xung quanh, nghĩ này nghĩ nọ, tính toán trăm phương ngàn kế, nghĩ ngợi miên man, khi ngủ thì mơ mộng đảo điên, mơ nọ mơ kia, tư tưởng bay lượn. Người tu hành khi ăn cơm thì là ăn cơm, khi ngủ thì là ngủ, không có tạp niệm!".

Sự khác biệt giữa người với người chỉ trong một ý niệm. Nếu vứt bỏ tạp niệm, những ý nghĩ dơ bẩn, an định trong hiện tại, bạn sẽ phát hiện ra rằng trong những việc đơn giản nhất hàng ngày như ăn cơm, ngủ nghỉ, đi bộ cũng đều hàm chứa tính triết học và cái đẹp.

 Vứt bỏ tạp niệm, những ý nghĩ dơ bẩn, an định trong hiện tại, bạn sẽ phát hiện ra rằng trong những việc đơn giản nhất hàng ngày cũng đều hàm chứa tính triết học và cái đẹp. 

 8. Tinh lực của con người rốt cuộc là có hạn

"Nhân chỉ hữu hứa đa tinh thần, nhược chuyên tại dung mạo thượng dụng công, tắc ư tâm trung chiếu quản bất cập giả đa hỹ".

Giải thích: Tinh lực của con người rốt cuộc là có hạn, nếu quá dành tâm sức đầu tư vào ngoại hình thì thường không thể quan tâm, quản thúc được nội tâm.

Trong thời đại mà tất cả thứ đều hướng về ngoại hình, có những chàng trai, cô gái xinh đẹp, nổi tiếng thường cảm thấy ngại ngùng khi phải phô cả bộ mặt mộc mà cha mẹ sinh ra, vậy nên luôn lo lắng hóa trang một chút, làm đẹp một chút hay phẫu thuật thẩm mỹ một chút.

Người ta dành một lượng lớn thời gian cho phẫu thuật thẩm mỹ và cải tạo nâng cấp nhan sắc nhưng lại không có thời gian để chăm sóc tâm hồn.

Nếu cứ như vậy, trái tim của con người là một căn nhà có 3 phòng thì một phòng để cho cỏ dại mọc đầy, một phòng để dục vọng phóng túng tràn lan, còn trong phòng nhỏ còn lại chỉ vứt ngổn ngang một chút kiến thức, mà cũng chẳng được chất đầy.

Mấy ai có thể biết rằng một trái tim giàu có, phong phú mới có thể khiến người ta thực sự trở thành người biết tu dưỡng, có hàm dưỡng, có khí chất. Chỉ khi trang bị cho mình những điều này, bạn mới có được một nền tảng tinh thần thực sự lớn mạnh. Tới lúc đó, liệu bạn còn sợ mình không đủ đẹp trong mắt người khác nữa chăng?

Hiểu Mai biên dịch

Tuesday, 26 October 2021

4 Nhóm Máu: O, A, B, AB

 Trước đây từng có một bài báo viết rằng, trong số 4 nhóm máu gồm: nhóm A, B, O và AB; những người thuộc nhóm máu O có thể sống lâu nhất, trong khi những người nhóm máu A lại có tuổi thọ ngắn nhất. Liệu điều đó đúng hay không?

Tất nhiên là không, các nhóm máu khác nhau có ưu và nhược điểm khác nhau, không có nhóm máu nào hoàn hảo hơn. Vì vậy, không quá lời khi nói rằng dù bạn thuộc nhóm máu nào thì bạn cũng đều khỏe mạnh nếu biết cách giữ gìn sức khỏe và đảm bảo một lối sống lành mạnh.

Tuy nhiên, một số người nói rằng nhóm máu A không tốt vì dễ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não, do đó những ai thuộc nhóm này hiếm khi sống lâu hơn. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Người nhóm máu A ở Nhật Bản khá đông, mặc dù ở quốc gia này không ít người vẫn cho rằng tuổi thọ của nhóm máu A không tốt, nhưng Nhật bản lại là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.

Một quan điểm khác liên quan đến những người thuộc nhóm máu B, theo đó, những ai mang nhóm máu này được coi là đối tượng dễ mắc bệnh béo phì và tiểu đường nhất. 

Nhưng thực ra, đối với bất kỳ ai và thuộc nhóm máu nào, nếu không chú ý tuân thủ một lối sống lành mạnh, thì họ đều có thể mắc bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, cũng có những niềm tin cho rằng, những người thuộc nhóm máu AB có cả những ưu điểm của loại A và loại B, cũng như những khuyết điểm tương ứng của họ.

Đồng thời, người thuộc nhóm máu O được coi là những người có tuổi thọ cao nhất; nhưng đổi lại, họ lại thuộc đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh về hệ máu lớn nhất.

Cũng theo nhận định này, trong 4 nhóm máu, nhóm máu A có nguy cơ mắc bệnh ung thư hàng đầu trong khi nhóm máu O có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp nhất.

Mặc dù có một số bài báo viết về mối liên hệ giữa nhóm máu và ung thư, nhưng nhìn chung, vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy sự xuất hiện của ung thư có liên quan đến nhóm máu.

Tạp chí "ELife" đã công bố một nghiên cứu từ Viện Karolinska ở Thụy Điển vào tháng 4 năm 2021. Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của 5.1 triệu người và hơn 1.200 bệnh, nhưng những dữ liệu này cho thấy ung thư và nhóm máu không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa chúng.

Tại sao lại có các nhóm máu khác nhau?

Một người trưởng thành có khoảng 4 - 6 lít máu trong cơ thể. Máu gồm nhiều loại tế bào trôi nổi trong một dịch lỏng gọi là huyết tương.

Vào năm 1901, sau khi trộn hai nhóm máu không tương thích với nhau và xảy ra phản ứng đông kết, nhà bác học người Áo Karl Landsteiner phát hiện ra rằng nhóm máu trong cơ thể có sự khác biệt.

Khi trộn lẫn hai nhóm máu khác nhau lại, các tế bào hồng cầu bị đông kết sẽ vỡ và gây ra những phản ứng độc, từ đó dẫn đến nguy cơ tử vong đối với người nhận máu.

Phát hiện của Karl Landsteiner đã mở đường cho việc tìm kiếm và lựa chọn nhóm máu phù hợp giữa người cho và người nhận; nhờ vậy, việc truyền máu từ đó được tiến hành một cách an toàn và không gây ra những rủi ro.

Vậy vì sao lại có sự khác biệt giữa các nhóm máu?

Thực tế, sự khác nhau giữa các nhóm máu phụ thuộc và sự tồn tại của các phân tử protein (các kháng nguyên và các kháng thể). 

Theo đó, các kháng nguyên nằm trên bề mặt của tế bào hồng cầu, còn các kháng thể lại nằm trong huyết tương. Sự kết hợp khác nhau giữa những phân tử này hình thành nên các nhóm máu khác nhau.

Hoàng Tuấn