Trong số các hình thức xung đột tiềm ẩn khác nhau giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, hoạt động tác chiến của lục quân hoặc Thủy quân lục chiến ở quần đảo Thái Bình Dương có thể được xem là một trong những nền tảng chiến thuật quan trọng. Đồng thời, quân đội Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng trên địa hình hạn chế của các đảo ở Thái Bình Dương cũng rất cần đến lực lượng thiết giáp, tuy nhiên do những hạn chế về điều kiện vận chuyển nên quân đội Hoa Kỳ cần xem xét lại phiên bản kế nhiệm của xe tăng Abrams. Tuy nhiên, điều khó khăn này đã khiến quân đội Hoa Kỳ nảy sinh ra một ý tưởng độc đáo về một phương tiện chiến đấu không người lái được trang bị tên lửa tốc độ cực cao nhằm yểm trợ cho xe tăng có người lái.
Mới đây, Mỹ và 4 nước khác vừa hoàn thành cuộc tập trận chung nhằm rèn luyện
khả năng hợp tác của quân đội. Theo đó vào hạ tuần tháng 10, lực lượng chung
gồm hơn 5.000 binh sĩ của Mỹ, Indonesia, Thái Lan, Anh và New Zealand đã được
triển khai trên một loạt đảo từ Hawaii đến Palau ở Tây Thái Bình Dương. Lực
lượng chung đa quốc gia này đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn ở chuỗi
đảo thứ hai ở Thái Bình Dương, mô phỏng các cuộc giao tranh quy mô lớn với đối
thủ trong môi trường rừng rậm và quần đảo. Hạm đội Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh
Tác chiến Đặc biệt và Thủy quân lục chiến của Hoa Kỳ cũng tham gia cuộc tập
trận 24-01 của Trung tâm chuẩn bị chiến tranh đa quốc gia chung Thái Bình Dương
kéo dài trong 20 ngày và đã kết thúc vào ngày 10/11.
Tướng Charles Flynn, chỉ huy Quân đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và là người
đứng đầu Trung tâm chuẩn bị chiến tranh đa quốc gia chung Thái Bình Dương, cho
biết các đối tác của Hoa Kỳ ở châu Á có thể kiềm chế Trung Quốc. Mặc dù lượng
lục quân phải đối mặt với những trở ngại về hậu cần và lực lượng chung ở Thái Bình
Dương, nhưng Trung tâm Huấn luyện Lục quân tự tin rằng họ có thể duy trì lực
lượng chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Mặc dù các quan chức quân đội không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc
tập trận, nhưng các hành động này cho thấy họ đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra
xung đột với Trung Quốc ở Thái Bình Dương, điều này đã không có gì là bí mật
nữa.
Đại úy quân đội Hoa Kỳ Sam Soliday cho biết: "Với tư cách là Quân đội Hoa
Kỳ, chúng tôi chưa từng chứng kiến một cuộc xung đột như thế này và sự phức tạp
của nó kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay. Liên quan đến việc chuyển
giao tài sản giữa các đảo khác nhau, thì cần phải băng qua các vùng biển khác
nhau. Điều này cần có sự hỗ trợ từ máy bay vận tải của Lực lượng Đặc nhiệm
Không quân. Địa hình trên các hòn đảo thay đổi từ hẻm núi dốc đến những ngọn
đồi hoang vắng; bởi vậy, huấn luyện chiến đấu trong môi trường khắc khổ của
những hòn đảo này là một cách hay trong huấn luyện tác chiến của phương tiện
chiến đấu hạng nhẹ".
Ông Soliday tin rằng điểm khác biệt chủ yếu nhất giữa lần huấn luyện này với
lần trước là hoàn cảnh chiến trường khác nhau, lần này là mô phỏng các hoạt
động trên bộ và trên biển điển hình trên các đảo và giữa các đảo với nhau.
Tướng Flynn cho biết đây là cuộc huấn luyện chung đa quốc gia đầu tiên kể từ
khi Lầu Năm Góc chứng nhận Trung tâm chuẩn bị chiến tranh đa quốc gia chung
Thái Bình Dương vào tháng 6 năm nay, và điều quan trọng là phải chuẩn bị cho
những xung đột có thể xảy ra trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước đây, Quân đội Hoa Kỳ thường vận chuyển nhân sự và thiết bị riêng biệt,
điều đó có nghĩa là các binh sĩ sẽ không được sử dụng trang thiết bị của họ
trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng. Vấn đề này thậm chí còn nghiêm
trọng hơn ở Thái Bình Dương. Người ta vẫn thường nói kẻ thống trị tàn khốc ở
Thái Bình Dương là "khoảng cách", nhất là đối với quân đội Mỹ, vấn đề
lớn nhất của họ khi tác chiến ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là
vượt qua những khoảng cách không gian quy mô lớn. Quân đội Mỹ gọi đó là
"độc tài về khoảng cách". Một yếu tố nữa là chi phí vận chuyển, mấu
chốt là các cuộc tấn công đường dài cần có thời gian, điều này sẽ ảnh hưởng
nghiêm trọng đến tốc độ phản ứng của quân khi tiếp xúc với đối thủ.
Đối với quân đội Hoa Kỳ, nếu xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, việc các khí
tài quân sự được phân bổ rộng rãi của nước này sẽ mất bao lâu để tiếp cận khu
vực xung đột đã trở thành một vấn đề then chốt. Do đó, khi quân đội Hoa Kỳ đang
xem xét bất kỳ vấn đề tác chiến nào liên quan đến xung đột ở eo biển Đài Loan,
điều đầu tiên họ phải làm rõ là quân đội hoặc bất kỳ lực lượng tấn công nào
khác sẽ mất bao lâu và như thế nào để đến địa điểm chiến đấu. Đây là nguyên
nhân tại sao quân đội Hoa Kỳ nỗ lực triển khai chiến lược ở tiền phương, và ngày
càng chú ý hợp tác với các đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương.
Các đồng minh khu vực của Hoa Kỳ cũng biết rằng khoảng thời gian để quân đội
Hoa Kỳ thiết lập sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các đồng minh trong khu vực, cũng như tính chất và
mức độ của sự trợ giúp đó. Do cân nhắc đến an ninh của riêng mình, các đồng
minh khu vực này cũng cần sự bảo vệ của Hoa Kỳ. Đây là lý do tại sao có một
nhóm đối tác muốn hợp tác với Hoa Kỳ và tin rằng Hoa Kỳ là lựa chọn an ninh
hàng đầu của họ. Các đối tác này bao gồm các nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương
và các nước xung quanh Biển Đông. Hoa Kỳ hy vọng đạt được mục đích ngăn chặn
chiến tranh bằng cách thiết lập một mạng lưới đối tác mạnh mẽ. Đồng thời, Quân đội
Hoa Kỳ hoàn toàn tin tưởng vào sự hợp tác của các đồng minh trong khu vực về
công nghệ, chiến thuật, quy trình và trang thiết bị, họ tin rằng đây là sự bảo
đảm cho việc hình thành mặt trận chung chống lại kẻ thù.
Tướng Flynn đã đưa ra một loạt các cuộc tập trận song phương của quân đội Mỹ
với các quốc gia đối tác trước đây chỉ diễn ra ở phạm vi nhỏ, nhưng hiện quy mô
đã được mở rộng. Cuộc tập trận quân sự chung "Saber Sabre" của Úc
từng chỉ là cuộc tập trận quân sự song phương giữa Mỹ và Úc. Hiện nó đã mở rộng
thành một cuộc tập trận chung quy mô lớn với sự tham gia của hơn 30.000 người
từ 15 quốc gia. Cuộc tập trận Hawaii có sự tham gia của các lực lượng chung đa
quốc gia nhằm rèn luyện khả năng tương tác, trạng thái sẵn sàng và sự tự tin
của các lực lượng này. Khả năng tương tác được đề cập ở đây là chỉ năng lực
quân đội của một quốc gia sử dụng các phương pháp huấn luyện và thiết bị quân
sự của quốc gia khác.
Tướng Flynn cho biết ông đã thấy được các hành vi xấu xa và vô trách nhiệm của
Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đây là một tin xấu. Nhưng
tin tốt là các hoạt động đa phương và xuyên quốc gia đã tăng gấp 10 lần. Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương thường được coi là sân khấu trên không và trên biển,
nhưng thực tế lại không phải vậy. Đây là khu vực tác chiến chung phải đối mặt
với những thách thức chung từ nhiều quốc gia, nhiều khu vực, nhiều lĩnh vực và
cần phải đối mặt thông qua các giải pháp chung đa quốc gia.
Tướng Flynn coi Quân đội Hoa Kỳ là trụ cột của lực lượng chung, đóng vai trò
then chốt trong các giải pháp này. Ông tin rằng Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng
một kho vũ khí phù hợp với chiến lược chống tiếp cận/từ chối khu vực. Mục tiêu
thiết kế của quân đội Trung Quốc và phát triển trang bị quân sự của nước này
chủ yếu là đánh bại sức mạnh trên không và trên biển, thứ hai là ngăn chặn, làm
suy yếu và nhiễu loạn không gian và mạng internet, mà ít chú ý đến việc cải
thiện và tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng mặt đất. Điều này có thể
tạo cơ hội cho quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Trong thời gian diễn ra xung
đột, các lực lượng mặt đất cơ động, phân tán và được bổ sung nhanh chóng của
Hoa Kỳ được triển khai trong môi trường quần đảo tại khu vực này có thể ẩn náu
trong sự hỗn loạn và giáng những đòn chí mạng cho kẻ thù.
Cuộc tập trận ở Hawaii nêu bật sự thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ đối với
việc phòng thủ và răn đe ở Thái Bình Dương, chú ý hơn đến các hoạt động tác
chiến trên bộ quy mô nhỏ trên các đảo ven biển của Trung Quốc. Cuộc tập trận
bao gồm nhảy dù, đổ bộ đường không, tấn công đường không tầm xa và tiếp tế trên
không và trên biển. Nó phản ánh tầm quan trọng của việc triển khai sức mạnh ở
Thái Bình Dương, bao gồm việc chiếm giữ và thiết lập các căn cứ hoạt động, cũng
như bảo vệ và kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay.
Trong 10 năm, quân đội Hoa Kỳ vẫn liên tục cải tổ chiến lược phòng thủ ở Thái
Bình Dương, gia tăng quy mô và tần suất các cuộc tập trận với các đối tác ở khu
vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời xem xét lại cách thức Quân đội và
Thủy quân lục chiến hoạt động ở chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai của Thái Bình
Dương. Các hòn đảo này cung cấp nền tảng cho các đơn vị cơ động phóng tên lửa
chống hạm và tên lửa phòng không, đồng thời các đơn vị cơ động này cũng có thể
được triển khai và di dời mau chóng. Trong hai năm qua, quân đội Hoa Kỳ được
coi là ở thế bất lợi về số lượng so với Trung Quốc, kỳ thực số lượng lính Mỹ có
thể triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chắc chắn là có hạn, tác
chiến cơ động của lực lượng mặt đất là phương pháp hữu hiệu để quân đội Hoa Kỳ
khắc phục nhược điểm về số lượng.
Nói đến tác chiến cơ động của lực lượng mặt đất, không thể tránh khỏi các thiết
giáp hạng nặng, bao gồm cả xe tăng và xe chiến đấu bộ binh. Trên các hòn đảo
rải rác ở Thái Bình Dương, xe chiến đấu bộ binh thì còn khả dĩ, nhưng xe tăng
liệu có dùng được không?
Ngay từ Chiến tranh Thái Bình Dương vào thế kỷ 20, xe tăng đã đóng một vai trò
trong các trận chiến bộ binh ở vùng hoang dã hiểm trở hoặc trên bãi biển, dù là
trên đảo hay trên lục địa Đông Á. Ngày nay, Quân đội Hoa Kỳ hoàn toàn nhận thức
được rằng xe tăng có giá trị như một phần của lực lượng vũ trang tổng hợp, ngay
cả trong những chiến trường không thân thiện với xe thiết giáp.
Tướng Flynn cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9 rằng khả năng của xe
tăng và xe thiết giáp ở Thái Bình Dương là hoàn toàn cần thiết để thực hiện các
nhiệm vụ ở địa hình hạn chế. Có rất nhiều địa hình tương tự như vậy trên Quần
đảo Thái Bình Dương.
Điều này không có nghĩa là chiếc xe phải được thiết kế riêng cho những địa hình
này. Nhưng các phương tiện chiến đấu thế hệ thứ 5 dành cho cuộc xung đột ở Thái
Bình Dương, bao gồm cả những mẫu xe kế nhiệm của xe tăng Abrams và Xe chiến đấu
bộ binh Bradley, đều phải đủ nhẹ để có thể thích hợp vận chuyển bằng đường hàng
không và đường biển.
Nếu không thể ra chiến trường, thì xe tăng có tốt đến đâu cũng vô dụng. Ủy ban
Khoa học Quân đội Hoa Kỳ trích dẫn mô phỏng quân sự của Trung tâm Phân tích
Quân đội đã chứng minh giá trị của lực lượng thiết giáp trong phòng thủ Đài
Loan. Tuy nhiên, những khó khăn trong phương diện triển khai và bảo hộ đã cản
trở quân đội Hoa Kỳ đạt được đủ số lượng thiết giáp đến Đài Loan trước khi Bắc
Kinh hoàn thành việc chinh phục Đài Loan như việc đã rồi.
Khả năng cơ động của xe tăng Abrams nặng 70 tấn không thể ứng phó các mối đe
dọa từ máy bay không người lái và tên lửa chống tăng, cả về mặt chiến thuật và
kỹ thuật. Bất kỳ công nghệ mới nào, ví như robot hoặc tự động hóa, được trang
bị thêm cho những chiếc xe tăng cũ kỹ này cũng sẽ không giúp ích cho việc chống
lại những tiến bộ của tên lửa chống tăng. Về phương án phát triển xe tăng thế
hệ tiếp theo, Quân đội Hoa Kỳ bị mắc kẹt trong sự lựa chọn giữa tính cơ động và
khả năng phòng vệ.
Một chiếc xe tăng 60 tấn được trang bị đạn pháo 130mm và tổ lái 3 người thì
không đủ cơ động. Xe tăng hạng nhẹ 40 tấn có pháo hạng nặng, thì lại không đủ
khả năng tự vệ. Điều này đã khiến quân đội Hoa Kỳ bắt đầu cảm thấy hứng thú với
khái niệm "người yểm trợ trung thành" của không quân, chính là
một phương tiện chiến đấu không người lái nặng 30 tấn được trang bị tên lửa tốc
độ cực cao có thể đi cùng và yểm trợ xe tăng có người lái.
Quân đội Hoa Kỳ đã dành 20 năm để tìm kiếm thiết giáp thế hệ tiếp theo, các dự
án hiện tại bao gồm xe tăng XM30, phiên bản kế thừa của xe tăng Abrams nặng hơn
50 tấn và xe tăng M10 Booker nặng 40 tấn. Việc những chiếc xe tăng này có đáp
ứng được yêu cầu của môi trường chiến trường ở khu vực Thái Bình Dương hay
không, hiện vẫn chưa được xác định.
Viên Minh (biên dịch)