Saturday, 31 August 2024

Nền dân chủ đang thực sự thoái trào?

Helmut K. Anheier, Edward L. Knudsen và Joseph C. Saraceno

Đỗ Kim Thêm dịch

Liệu năng lực của nhà nước có đủ để mang lại những cải thiện vững bền về chất lượng của cuộc sống, ngay cả khi không có trách nhiệm giải trình dân chủ mạnh mẽ? Trong khi người phương Tây từ lâu khẳng định rằng câu trả lời phải là không, thì Trung Quốc và các chế độ độc tài thành công về mặt kinh tế xã hội khác đã chứng minh rằng vấn đề này còn lâu mới được giải quyết.

Lại một lần nữa, nền dân chủ tự do đang bị đe dọa trên toàn thế giới. Theo nhiều cách, chúng ta đã từng chứng kiến những thách thức như vậy trước đây và nền dân chủ cuối cùng đã nổi lên giành chiến thắng. Liệu lần này có nên có sự tự tin tương tự như vậy không? Những mối đe dọa phản dân chủ chắc chắn không có nghĩa là sự kết thúc của hệ thống. Nhưng thay vì bám víu vào niềm tin lạc quan trong chiến thắng trên toàn cầu tất yếu của nền dân chủ, hiện nay những người bảo vệ nền dân chủ phải áp dụng tư duy thực tế dựa trên bằng chứng thực nghiệm – đặc biệt là khi dữ liệu thách thức các giả định đã tồn tại từ lâu và đặt ra những vấn đề khó giải quyết.

Chủ thuyết hiện thực đòi hỏi chúng ta phải bác bỏ những dự đoán về ngày tận thế của việc sụp đổ sắp xảy ra của chính phủ đại nghị. Nhưng nó cũng có nghĩa là từ bỏ niềm tin theo mục đích rằng nền dân chủ tự do chắc chắn sẽ chiến thắng ở mọi nơi. Chúng ta có thể thừa nhận những tiến bộ đầy ấn tượng mà các quốc gia phi dân chủ đã đạt được, mà không quên mất bằng chứng rõ ràng rằng các nền dân chủ vẫn mang lại chất lượng cuộc sống trung bình cao hơn nhiều so với các chế độ độc tài.

Thế giới ngày nay vẫn mang đến nhiều cơ hội để tiến bộ từng bước hướng tới sự hội nhập và trách nhiệm giải trình dân chủ lớn hơn cùng chất lượng cuộc sống cao hơn. Nhưng vì các quốc gia ở mọi trình độ phát triển kinh tế phải đối mặt với những thách thức to lớn và dài lâu của riêng mình, nên các chính sách phải được điều chỉnh theo động lực quản trị riêng biệt của họ. Không có giải pháp nhanh chóng hay phù hợp cho tất cả mọi khuôn khổ.

Hướng tới một kỷ nguyên phi tự do?

Bằng chứng về "một tình trạng suy thoái về dân chủ" trong toàn cầu đã gia tăng kể từ khi vấn đề được xác định lần đầu tiên cách đây gần một thập niên. Các viện nghiên cứu như Freedom House và V-Dem, cùng các ấn phẩm hàng đầu như The Economist, đã phát hiện ra rằng nền dân chủ tự do tiếp tục mất đi vị thế trước chế độ độc tài và phi tự do. Các chế độ như vậy – bao gồm Trung Quốc, Hungary, Nga, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác – ngày càng tự tin và cổ vũ cho các mô hình kinh tế và chính trị của họ là có lợi hơn cho sự ổn định và thịnh vượng so với các quốc gia dân chủ.

Điều này đặt ra thách thức ngày càng gia tăng đối với những người bảo vệ cho các giá trị của tự do. Trong hơn nửa thế kỷ qua, có rất ít cuộc tranh luận về vấn đề là hệ thống nào tạo ra kết quả tốt hơn: các chế độ chuyên quyền thường được kỳ vọng sẽ tụt hậu so với nền dân chủ ở hầu hết các chỉ số phát triển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhóm các quốc gia này đã thu hẹp lại khoảng cách, mặc dù hầu hết vẫn còn tụt hậu về mặt tuyệt đối trong các tiện ích công cộng mà họ cung cấp. Trong số 145 quốc gia được đưa vào Bảng chỉ số quản trị Berggruen năm 2024 (BGI), gần một nửa đã có chất lượng cuộc sống tăng lên và trách nhiệm giải trình dân chủ giảm sút từ năm 2000 đến năm 2021.

Phát hiện này đặt ra một thách thức về mặt ý thức hệ và chính trị đối với hiểu biết thông thường. Liệu sự trỗi dậy của một giải pháp thay thế có tiềm năng thành công lật đổ chủ thuyết tự do như vị thế của người đàn ông cuối cùng trong lịch sử không? Sự thành công được cho là của chế độ chuyên quyền có ý nghĩa gì đối với cuộc tranh luận học thuật về vai trò của nền dân chủ trong việc thúc đẩy sự ổn định, thịnh vượng và bền vững? Sử dụng Bảng chỉ số BGI, chúng tôi thấy rằng trong khi các con đường khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của các quốc gia được thảo luận, tất cả vẫn có thể tìm ra cách "lội ngược gió" để hướng tới nền dân chủ, như nhà kinh tế học Albert Hirschman đã nói. Tiến triển vẫn có thể đạt được, nhưng nó đòi hỏi một mô hình dần dần ngoằn ngoèo và không chắc chắn.

Những quốc gia đạt thành tích cao

Sử dụng ba biện pháp đánh giá về hiệu quả của quản trị – trách nhiệm giải trình dân chủ, năng lực nhà nước và cung cấp các tiện ích công cộng – bảng BGI xác định bốn nhóm quốc gia có mẩu mực về thành quả độc đáo và đặc điểm chung về tình trạng ổn định kinh tế, nhân khẩu học và chính trị. Quan trọng là mỗi nhóm phải đối mặt với những thách thức khác nhau khi nói đến vai trò của nền dân chủ và chất lượng cuộc sống.

Đầu tiên, hiện nay trên thế giới có 36 quốc gia dân chủ thành công, một nhóm bao gồm Úc, hầu hết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Các thành viên của nhóm này thể hiện mạnh nhất trên cả ba chiều hướng trong quản trị. Nhưng trong khi tất cả đều có nền kinh tế với trình độ toàn cầu hóa cao và mức lợi tức bình quân tính theo đầu người của GDP cao, nhưng các nước này ngày càng khác nhau về mặt ổn định chính trị và xã hội. Ví dụ như Estonia vẫn tiếp tục hoạt động tốt đẹp ở các chiều hướng này, trong khi Hoa Kỳ trong những năm gần đây thì không. Chúng tôi tin rằng tương lai của nền dân chủ trong nhóm này phụ thuộc vào cách mà các chính phủ quản lý nền kinh tế toàn cầu và liệu họ có xây dựng được năng lực nội tại của nhà nước cần thiết để đạt được cả tình trạng đoàn kết trong xã hội và cung cấp đầy đủ về các tiện ích công cộng trong môi trường quốc tế đầy cạnh tranh không.

Mặc dù nhóm này tương đối thành công trên mọi biện pháp, thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho thấy rằng tình trạng thắt lưng buộc bụng kéo dài và sự tự mãn của giới tinh hoa có thể nguy hiểm cho nền dân chủ, ngay cả ở những quốc gia có vẻ an toàn. Hoa Kỳ dường như là một ví dụ điển hình. Điểm số về trách nhiệm giải trình dân chủ của nước này đạt trung bình 96 điểm ấn tượng trong giai đoạn 2010-2015 (thuộc nước tốt nhất trên thế giới), nhưng sau đó giảm mạnh, xuống còn 84 điểm vào năm 2020. Năng lực của nhà nước Hoa Kỳ cũng suy yếu, giảm từ 79 điểm vào năm 2011 xuống còn 64 điểm vào năm 2020.

Không phải ngẫu nhiên mà những thay đổi này lại xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, nhiệm kỳ được đánh dấu bằng những biến động đối với hệ thống bầu cử và nhà nước hành chính. Việc Trump tiếp nhận cơ sở và nguồn lực tổ chức của Đảng Cộng hòa chứng minh rằng ngay cả những nền dân chủ có vẻ như được củng cố nhất cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các thế lực phi tự do và sự xói mòn nhanh chóng của thể chế. Mặc dù một số số liệu cho thấy Hoa Kỳ có thể đã phục hồi trong những năm gần đây, nhưng cuộc bầu cử năm 2024 có thể dễ dàng đảo ngược xu hướng.

Nhóm thứ hai bao gồm 33 quốc gia độc tài và không tự do thành công, chẳng hạn như Nga, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia này có điểm số thấp hơn về trách nhiệm giải trình dân chủ và nhìn chung được xếp hạng về năng lực nhà nước là trung bình hoặc dưới trung bình, nhưng họ vẫn đạt được điểm số về việc mang lại chất lượng cuộc sống ở mức trung bình hoặc trên trung bình. Bất chấp sự thành công tương đối này, các quốc gia này phải đối mặt với nhiều thách thức, gồm có tình trạng thất thoát nhân tài ở mức độ nghiêm trọng, bất bình đẳng kinh tế và xã hội, bất mãn đáng kể ở trong nước và các xung đột nội bộ thường bị áp chế.

Các quốc gia này đang cố gắng cung cấp bằng chứng cho cái mà chúng tôi gọi là "thuyết tự túc theo cách chuyên quyền", họ cho rằng năng lực nhà nước là đủ để đảm bảo chất lượng cuộc sống cao hơn, ngay cả khi không có việc trách nhiệm giải trình dân chủ mạnh mẽ. Ví dụ nổi bật nhất về một quốc gia theo con đường này là Trung Quốc. Từ năm 2000 cho đến năm 2021, chất lượng dân chủ của nước này đã sút giảm từ mức điểm vốn đã thấp là 27 xuống còn 20. Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời gian này, năng lực nhà nước đã tăng bốn điểm, từ 38 lên đến 42. Quan trọng nhất là việc cung cấp tiện ích công cộng đã tăng vọt, từ 60 lên 75. Khả năng gia tăng các tiện ích công cộng trong khi lại không có nền dân chủ này đặt ra mối đe dọa đáng kể nhất về mặt ý thức hệ đối với mô hình tự do. Nhưng vẫn chưa biết liệu xu hướng này có tiếp tục không khi Trung Quốc đang tiến gần tới mức chất lượng cuộc sống tương đương với mức chất lượng của các nền dân chủ giàu có.

Các quốc gia hỗn độn ở giữa

Nhóm thứ ba bao gồm các quốc gia không hiệu quả. Mặc dù có mức độ trách nhiệm giải trình dân chủ và năng lực nhà nước ở mức trung bình, 37 quốc gia này – bao gồm Peru, Tunisia, Nam Phi, Indonesia, Philippines và Bolivia – vẫn đang phải tranh đấu để mang lại chất lượng cho cuộc sống ở mức tương xứng với trách nhiệm giải trình dân chủ và năng lực nhà nước của họ. Nhìn chung trong nhóm, họ ở mức trung bình trong hầu hết mọi chỉ số về kinh tế, nhân số và chính trị xã hội. Nền dân chủ không đi kèm với những cải thiện ở hai chiều hướng còn lại. Nếu sự mất kết nối này vẫn tiếp diễn, nó có thể dẫn đến mất tính chính danh và trượt dốc vào chủ nghĩa độc tài.

Các quốc gia này có thể đại diện cho sự thất bại của "thuyết tự túc theo cách dân chủ", họ cho rằng chỉ riêng nền dân chủ là đủ để nâng cao chất lượng cuộc sống trong trung hạn cho đến dài hạn. Ví dụ, nền dân chủ Tunisia đã có sự gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2010-2021, với điểm số trách nhiệm giải trình dân chủ tăng từ 31 lên 79 và điểm số năng lực nhà nước tăng từ 34 lên 55. Tuy nhiên, nước này đã không thể chuyển sự phục hưng dân chủ thành một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân: việc cung cấp các tiện ích công cộng chỉ tăng bốn điểm, từ 73 lên 77.

Nhóm cuối cùng bao gồm 39 quốc gia còn đang tranh đấu, chẳng hạn như Campuchia, Ai Cập, Guatemala, Nigeria và Venezuela. Nói chung, các quốc gia này thể hiện thành qủa về quản trị kém cỏi trên cả ba chiều hướng và có xu hướng được ghi nhận là lợi tức bình quân cho đầu người tính theo GDP thấp hơn, khả năng xảy ra xung đột có vũ trang cao hơn và ổn định chính trị thấp hơn. Nhiều quốc gia đã bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của xung đột nội bộ và quản trị kém trong nhiều thập niên.

Giống như các quốc gia không hiệu quả, họ dễ bị tổn thương bởi quan điểm chuyên quyền cho rằng năng lực nhà nước là chìa khóa cho sự phát triển. Do đó, họ đại diện cho một trận tuyến chủ yếu trong cuộc chiến về mặt ý thức hệ giữa dân chủ và độc tài. Hãy xét đến Campuchia, quốc gia đã chịu sự suy giảm đáng kể về dân chủ, từ 48 điểm vào năm 2000 xuống còn 32 vào năm 2021, ngay cả khi năng lực nhà nước vẫn gần như không thay đổi (24 điểm so với 22). Trong cùng giai đoạn, việc cung ứng các tiện ích công cộng của nước này đã cải thiện từ 29 lên 51. Những kết quả này có thể chỉ khác đi rằng chất lượng của cuộc sống có thể được cải thiện ngay cả trong thời kỳ suy thoái dân chủ.

Nhiều vấn đề

Những phát hiện này đặt ra một số vấn đề cấp bách. Nếu các quốc gia không dân chủ có thể nâng cao chất lượng của cuộc sống, thì điều đó có nghĩa là dân chủ ít liên quan hơn so với những gì đã được giả định trước đây không? Thực tế có thể đúng như vậy, ít nhất là trong trung hạn. Rốt cuộc, "mô hình kinh doanh" trong việc khai thác công nghiệp của các chế độ chuyên quyền thành công như các quốc gia vùng Vịnh và Nga có vẻ tương đối ổn định, cũng giống như sự phụ thuộc cực kỳ to lớn của Trung Quốc vào việc xuất khẩu. Nhưng cơ hội của các quốc gia khác khi áp dụng mô hình kinh doanh của Nga hoặc Trung Quốc có vẻ khá hạn chế.

Tuy nhiên, liệu ảnh hưởng ngày càng tăng của "các chế độ độc tài thành công" có nói lên một mô hình thay thế đối đầu với các nguyên lý xưa cũ của lý thuyết hiện đại hóa để chống lại cái gọi là Tinh thần Đồng thuận Bắc Kinh không? Gần như chắc chắn. Sự trỗi dậy quá rõ ràng của các chế độ phi dân chủ đặt ra thách thức thực sự đối với sự thành công liên tục của nhóm quốc gia dân chủ và sức hấp dẫn của nó đối với các quốc gia khác. Nhưng điều này một phần là về việc ai có các quan điểm chiến thắng và một phần là về những cơ hội độc đáo dành cho mỗi quốc gia trong nền kinh tế đang được toàn cầu hóa ngày nay.

Cuối cùng, liệu có phương cách rõ ràng nào để cải thiện triển vọng trước mắt của các quốc gia trong nhóm thứ ba và thứ tư không? Có lẽ là không. Các quốc gia kém hiệu quả và đang đấu tranh sẽ ở trong các mô hình không đồng bộ, mà theo đó nền dân chủ có vẻ như đã được giải quyết, chỉ bị thách thức và đảo ngược. Năng lực nhà nước và việc cung cấp các tiện ích công cộng có thể tiếp tục phát triển cùng với những thay đổi này, nhưng tiến bộ có thể chậm và thường xuyên gặp thất bại.

Nhìn chung, các xu hướng gần đây đặt ra nghi ngờ về các quan điểm tự do đầy hy vọng mà nó đã chế ngự trong thập niên đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh. Chúng ta không còn có thể cho rằng các quốc gia chắc chắn sẽ hội tụ về cả dân chủ và thịnh vượng, như đã tiên đoán trong mô hình hiện đại hóa mà phương Tây từ lâu đã ủng hộ.

Hướng về một chủ thuyết mới về hiện thực

Đứng trước việc các nền dân chủ tự do thành công có thể phải đối mặt với những trở ngại đáng kể trong những năm sắp tới, nên cần có một khảo hướng về chính sách chủ động hơn để bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương khỏi tác động tiêu cực của trào lưu toàn cầu hóa kinh tế và thay đổi công nghệ. Đây là những vấn đề mà nhiều nền dân chủ tự do – không chỉ riêng Hoa Kỳ đã bỏ qua quá lâu. Việc thiếu quan tâm như vậy tạo ra một vòng luẩn quẩn, khi các khu vực phải chịu các cú sốc tiêu cực về kinh tế lại đi ủng hộ cho các đảng theo dân túy.

Chúng ta cũng phải nhận ra những hạn chế của sự phát triển dân chủ ở các quốc gia độc tài, xét đến các mô hình thành công tương đối về mặt kinh tế và ổn định mà một số nước đã đi tiên phong. Việc hạ thấp sự tiến bộ thực sự mà các quốc gia không dân chủ đã đạt được sẽ không củng cố lập luận cho trường hợp của nền dân chủ. Thay vào đó, chúng ta nên nhấn mạnh rằng các chế độ độc tài thường hoạt động kém hơn qua thời gian và xu hướng này vẫn có thể được chứng minh. Đồng thời, chúng ta không nên coi sự thoái trào của nền dân chủ là một tiến trình không thể tránh khỏi.

Như chúng ta đã thấy ở Ba Lan trong năm qua, các chế độ phi tự do có thể sụp đổ, nhường chỗ cho sự đổi mới dân chủ. Các chế độ độc tài thường phát triển sự ổn định giả tạo, khiến giới quan sát bị sốc khi các chế độ này đột nhiên sụp đổ. Hãy nhớ lại sự sụp đổ đột ngột của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu. Những nhà độc tài ngày nay khó có thể tránh khỏi số phận tương tự.

Cuối cùng, chủ thuyết mới về hiện thực đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận rằng nhiều quốc gia trong nhóm nhà nước kém hiệu quả và đang tranh đấu sẽ phải đối mặt với chặng đường dài và sỏi đá phía trước. Nhưng mặc dù không có giải pháp khắc phục nhanh chóng, con đường hướng tới nền dân chủ và chất lượng cho cuộc sống cao hơn vẫn còn rộng mở. Điều đáng nhớ là ngay cả Hoa Kỳ cũng không trở thành một nền dân chủ toàn diện cho đến những năm 1960, với việc thông qua Đạo luật Dân quyền và Đạo luật Quyền bầu cử; hoặc Thụy Sĩ, một trong những quốc gia giàu có và dân chủ nhất thế giới, chỉ mở rộng quyền bỏ phiếu cho phụ nữ vào năm 1971; hoặc Đức, Nhật Bản và Áo – hiện nay là những nền dân chủ giàu có và ổn định – là những chế độ quân chủ chuyên chế (với năng lực nhà nước mạnh mẽ và cung cấp các tiện ích công cộng hợp lý) chỉ hơn một thế kỷ trước.

Nền dân chủ tự do theo kiểu phương Tây không phải là tất yếu, bởi vì lịch sử không có mục tiêu hay mục đích – không có "hồi kết". Những gì nó có là tác nhân của con người, đấu tranh ý thức hệ và xung đột chính trị. Vì tương lai luôn là điều chưa được soạn thảo, nên nền dân chủ không bao giờ được ngừng chứng minh cho chính nó.

H. K. A. – E. L. K.– J. C. S.

***

Monday, 26 August 2024

Nhà báo Nga nói về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của nước Nga

 

Nếu sự sụp đổ của Liên Xô là đúng thì Liên bang Nga lẽ ra không tồn tại

Có ba đế chế ở Nga, nhưng không có đế chế thứ tư. Đế chế thứ nhất: Đế chế Romanov; thứ hai là Liên Xô; thứ ba là Liên bang Nga. Giữa họ vào 1917-1919 và năm 1991, xem như có một quá trình nửa tan rã đế chế (chưa hoàn toàn) kết thúc bằng việc tái lập nó.

Năm 1991, Đế quốc Nga, huyền thoại như Liên Xô, sụp đổ. Những mảnh lớn đã vỡ ra khỏi đế chế. Nhưng cốt lõi được gọi là Liên bang Nga vẫn còn. Chỉ những nước cộng hòa mà những người Bolshevik từng trao quy chế liên minh mới có thể giành được tự do khỏi Moscow. Những người khác thì không may mắn; họ vẫn là tỉnh của đế chế mới bị cắt cụt của Liên bang Nga.

Sở dĩ có cuộc chiến tranh tàn khốc như ngày nay là vì lúc đó quá trình chưa kết thúc, đế chế chưa hoàn toàn tan rã. Đế chế chưa hoàn thiện đang cố gắng lấy lại những phần đã được giải phóng khỏi quyền lực của nó và nói chung là mở rộng ảnh hưởng đã bị suy yếu của nó.

Đây là trường hợp xảy ra sau thời kỳ bán rã 1917-1919, khi đế chế Liên Xô liên tiếp phá hủy nền độc lập của Ukraine, Georgia, Armenia, Azerbaijan, Khiva, Bukhara, v.v... rồi sau đó là Latvia, Estonia, Litva, và thậm chí sau đó, sau Thế chiến thứ hai – các nước Đông Âu.

Putin đang cố gắng (không thành công) làm điều gì đó tương tự, cố gắng trả thù cho bán tan rã năm 1991.

Đế chế không thể chịu đựng lâu dài hậu quả của thời gian bán hủy của nó. Vấn đề nan giải bây giờ rất đơn giản: Hoặc nó sẽ sụp đổ hoàn toàn hoặc nó sẽ tiếp tục mở rộng, trong nỗ lực khôi phục vị thế của mình, cho đến khi dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn cầu.

Putin tuyên bố sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20. Rõ ràng là đối với những người nghĩ như vậy, sự sụp đổ cuối cùng của đế chế sẽ là một thảm họa thậm chí còn lớn hơn. Lập trường của Putin và những người theo ông là hợp lý trong nội bộ.

Nhưng lập trường của đa số những người theo chủ nghĩa tự do ở Nga là thiếu logic. Họ coi sự sụp đổ của Liên Xô là sự giải phóng, nhưng họ sợ sự tiếp diễn tự nhiên của nó – sự giải phóng các dân tộc và các khu vực thuộc đế chế Liên bang Nga lấy Moscow làm trung tâm.

Xin lỗi, nếu Turkmenistan hoặc Georgia rời Liên Xô, thì tại sao Yakutia hoặc Tatarstan chẳng hạn, không có quyền ly khai khỏi Liên bang Nga? Bởi vì trong một năm tồi tệ nào đó, những người Bolshevik, theo ý thích của họ, đã không trao cho họ địa vị của các nước cộng hòa liên minh (nhân tiện, ở Yakutia, vào cuối những năm 20[00], thậm chí còn có một cuộc nổi dậy vũ trang yêu cầu họ được trao địa vị này)?

Đã nói "a" thì bạn cũng phải nói "b". Nếu sự sụp đổ của Liên Xô là đúng, thì Liên bang Nga (cũng vậy, chỉ là một đế chế bị cắt cụt đáng kể) sẽ không tồn tại. Nhưng hầu hết "người Nga tốt" đều không đủ can đảm để thừa nhận điều này.

Thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra sau Liên bang Nga. Có lẽ một số nước cộng hòa và khu vực sẽ chọn nền độc lập hoàn toàn, trong khi những nước khác sẽ thành lập một liên bang hoặc liên minh mới, chân chính, không lấy Moscow làm trung tâm. Có thể có những lựa chọn khác.

Vấn đề chính là nhà nước đế quốc cổ xưa sẽ biến mất, khi một quốc gia hòa bình hay dân chủ, thì không còn là mối đe dọa đối với an ninh quốc tế bằng một thảm họa hạt nhân.

Quá trình sụp đổ tất yếu về mặt lịch sử của Đế quốc Nga chắc chắn sẽ kết thúc. Tất cả các đế chế châu Âu đều sụp đổ trong thế kỷ 20, ngoại trừ đế quốc Nga. Nó giống như một xác sống, đang thối rữa, bốc mùi hôi thối và đầu độc thế giới xung quanh bằng phân của mình.

Igor Eidman, Telegram

Sunday, 25 August 2024

Người dân Nga vỡ mộng về 'sức mạnh' của Putin

Mai Nguyễn 

Lần cuối mà cô Lyubov Antipova nói chuyện với cha mẹ già của mình là gần hai tuần trước. Lúc đó mới nghe được những tin đồn về cuộc phản công của quân đội Ukraine, cô nói cha mẹ cần phải rời khỏi ngôi làng của họ ở vùng Kursk của Nga.

Nghe như mối đe dọa này có vẻ không thực tế – đất Nga chưa từng chứng kiến lực lượng xâm lược nào kể từ khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc – và từ khi có tin quân Ukraine đang tiến vào đất Nga, các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã mô tả là một "nỗ lực xâm nhập" đơn lẻ, vì vậy cha mẹ của Antipova, những người nuôi gà, heo trên một mảnh đất nhỏ, quyết định vẫn ở lại Zaoleshenka.

Rồi ngày hôm sau, Antipova nhìn thấy bức ảnh trên mạng về những người lính Ukraine chụp lưu niệm bên cạnh siêu thị và văn phòng của một công ty khí đốt. Cô nhận ra nơi này ngay lập tức: cha mẹ cô sống cách đó khoảng 50 mét.

"Suốt những năm xung đột, bố mẹ tôi không nghĩ rằng họ sẽ bị ảnh hưởng", Antipova nói với tờ Observer qua điện thoại từ Kursk, cẩn thận tránh sử dụng từ "chiến tranh," vốn đã bị cấm chính thức ở Nga. "Chúng tôi cứ tin rằng quân đội Nga sẽ bảo vệ chúng tôi. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên về tốc độ tiến quân của lực lượng Ukraine".

Cuộc phản công của Ukraine vào Nga phơi bày sự tự mãn vô lý của các viên chức Nga trong việc phụ trách an ninh biên giới. Nhiều người dân địa phương cáo buộc chính phủ hạ thấp cuộc tấn công của Ukraine hoặc cố thông tin sai lệch cho họ về mối nguy hiểm.

Đến Thứ Sáu, quân đội Ukraine tuyên bố đã điều động khoảng 10.000 quân để chiếm khoảng 1.100 km2 của khu vực Kursk, chủ yếu xung quanh thị trấn Sudzha. Nếu đúng như vậy, cuộc tiến công này đã chiếm được nhiều lãnh thổ hơn số lãnh thổ mà Nga chiếm được ở Ukraine trong năm nay, theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh.

Quân Ukraine đã tiến vào Kursk, chạm mặt Alexander Zorin, người trông coi bảo tàng Khảo Cổ Học Kursk, tại một địa điểm khai quật ở làng Gochevo, nơi ông và các đồng nghiệp đã đào các gò chôn cất từ thế kỷ thứ 10 và thế kỷ thứ 11 vào mỗi mùa hè trong ba thập niên.

Zorin cứ nghĩ rằng tiếng vo ve của máy bay không người lái, máy bay phản lực và tiếng ầm ầm của pháo binh là chuyện thường ngày vì nhóm của ông đã chứng kiến một hoạt động tương tự trong hai mùa hè trước. Sudzha, tâm điểm của cuộc tấn công, cách đó 40 km.

"Báo cáo tình hình của các viên chức Nga nghe không hề đáng sợ chút nào: '100 kẻ phá hoại đã vào' – nhưng sau đó con số đó lại cứ tăng lên 300, 800... Không ai có thể hình dung được một bức tranh rõ ràng", ông nói. "Chúng tôi quyết định rời đi chỉ sau khi nhìn thấy người dân địa phương đã được sơ tán khỏi đó, và bảo chúng tôi cũng nên đi".

Nhiều người dân ở Kursk đổ lỗi cho chính phủ và phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã che giấu họ trước nguy hiểm chết người: Nơi sinh sống của họ đang chuẩn bị trở thành khu vực giao tranh. Người dân phẫn nộ chia sẻ thông điệp này trên mạng xã hội.

Nelli Tikhonova đã viết trên một nhóm Kursk tại trang web VKontakte rằng: "Tôi thậm chí còn không biết mình ghét ai hơn: quân đội Ukraine đã chiếm đất của chúng tôi hay chính phủ của chúng tôi đã để cho điều đó xảy ra".

Vào tối Thứ Ba 13 Tháng Tám, khi quân đội Ukraine có mặt tại Sudzha, bản tin của Kênh Một, đưa tin quân đội Nga đã "ngăn chặn một cuộc vi phạm biên giới".

Ngày hôm sau, Tổng Thống Vladimir Putin lên truyền hình liên tục nhắc đến "tình hình ở khu vực biên giới Kursk", nhưng né tránh đề cập đến cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Nga.

Trong nhiều ngày, truyền hình nhà nước Nga phát sóng các bản tin quân sự, đưa tin về các cuộc tấn công thành công của Nga vào quân đội Ukraine ở "khu vực biên giới" mà không nêu rõ liệu quân đội nước ngoài có còn trên đất của họ hay không. Truyền thông nhà nước đã đưa tin về hoàn cảnh khốn khổ của hàng chục nghìn người Nga phải di dời đã rời bỏ nhà cửa trước khi bất kỳ cuộc di tản nào được tổ chức – nhưng truyền hình nhà nước chủ yếu gọi họ là "những người di tản tạm thời", không phải là người tỵ nạn ở vùng đang giao tranh.

Các viên chức tình trạng khẩn cấp của Nga cuối cùng đã đưa ra con số 76.000 người phải di dời khỏi Kursk. Các cuộc không kích đã trở thành thường lệ ở Kursk, một thành phố có khoảng một triệu người. Nhưng chính dòng người Nga di cư đông đảo từ các khu vực biên giới đã khiến người ta nhận ra thực tế chiến tranh chỉ cách đó vài chục km.

"Những điều xảy ra trong hai năm rưỡi qua nhưng lần này, quy mô thì hoàn toàn khác",Volobuyev nói. "Tôi làm việc ở trung tâm thành phố, và ngày nào tôi cũng thấy mọi người xếp hàng để xin viện trợ nhân đạo. Lúc này có quá nhiều người tị nạn, họ chẳng có gì cả. Mọi người phải chạy đi trong quần short và dép xỏ ngón".

Volobuyev, người có vợ tình nguyện giúp đỡ những người phải di dời, và Antipova, người không được liên lạc với cha mẹ kể từ ngày xảy ra vụ tấn công, than thở về sự thất bại trong việc giúp đỡ những người tỵ nạn và ngăn chặn cuộc tiến công của quân Ukraine.

Điện Kremlin vừa dành ra 3 tỷ rúp (26 triệu bảng Anh) cho một tuyến phòng thủ ở khu vực Kursk, và một lực lượng phòng thủ lãnh thổ mới được cho là sẽ ngăn chặn đường tiến quân của Ukraine. Antipova nhớ lại đã nhìn thấy một số lượng lớn lính biên phòng trong chuyến thăm Sudzha gần đây nhất của bà vào Tháng Năm, nhưng nói một cách cay đắng về việc cộng đồng khốn khó ở đây phải góp phần nuôi quân đội Nga đồn trú ở đó.

"Người dân địa phương phải mang đồ tiếp tế. Tôi thực sự khó chịu khi chính phủ và quân đội cứ nói rằng quân đội có tất cả những gì họ cần – trong khi chúng tôi phải góp tiền mua máy bay không người lái và đồ lót cho họ", Antipova nói.

Khi Sudzha bị mất liên lạc, Antipova đến các trung tâm tìm kiếm người tỵ nạn IDP ở Kursk để tìm cha mẹ mình. Liza Alert, một tổ chức từ thiện toàn quốc dành cho những người thất lạc thân nhân, cho biết vào Thứ Sáu 16 Tháng Tám, rằng họ đã nhận được thông báo tìm thân nhân của gần 1.000 người trong khu vực.

Điều cuối cùng Antipova nghe được từ ngôi làng là một người hàng xóm lớn tuổi cũng ở lại, điều này khiến cô hy vọng rằng người đàn ông đó và bố mẹ cô sẽ xuống tầng hầm và tránh tầm đạn bắn. Cô không mấy hy vọng vào phản ứng chính thức của chính quyền, mà nhiều người đều nói là "có một cuộc chiến tranh đang diễn ra, và các quan chức không làm gì cả".

"Thật đáng sợ khi bạn thấy mình đơn độc và không có ai để nhờ cậy", cô nói. "Những người tình nguyện đang làm việc. Không thấy chính quyền địa phương đâu cả".

M.N.

 

Giới học giả Trung Quốc đang phủ nhận thực tế về cuộc chiến ở Ukraine

Tại sao các học giả Trung Quốc lại đánh giá thấp cái giá phải trả của sự đồng lõa trong cuộc xâm lược của Nga.

Trong những tuần sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, chính phủ Trung Quốc đã thận trọng bày tỏ quan điểm ủng hộ Moscow. Người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc liên tục nhấn mạnh rằng Nga có quyền quản lý công việc của mình theo cách mà họ thấy phù hợp, cáo buộc rằng "xâm lược" là cách giải thích các sự kiện của phương Tây, và cho rằng Mỹ đã khiêu khích Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng cách ủng hộ mở rộng NATO. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thậm chí còn bày tỏ sự đồng cảm với "những lo ngại chính đáng" của Nga.

Tuy nhiên, bên ngoài giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, phản ứng còn đáng lo ngại hơn. Dù phần lớn các trường đại học và viện chính sách ở Trung Quốc đều được nhà nước tài trợ, nhưng các nhà phân tích và học giả làm việc ở đó vẫn giữ được mức độ độc lập nhất định, và quan điểm của họ có thể gây ảnh hưởng lên chính phủ ở một mức độ nào đó. Sau khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine, các nhà phân tích này đã công khai thể hiện sự lo ngại về việc xung đột có thể gây tổn hại đến quan hệ của Trung Quốc với châu Âu và Mỹ, khiến nền kinh tế toàn cầu rạn nứt hơn nữa, đồng thời làm suy giảm sự giàu có và quyền lực của Nga, đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc. "Tác động tiêu cực của cuộc chiến đối với Trung Quốc [sẽ] rất lớn," Diêm Học Thông, một trong những học giả quan hệ quốc tế hàng đầu của Trung Quốc, lập luận vào tháng 5/2022, đồng thời cảnh báo rằng một cuộc xung đột kéo dài sẽ tàn phá nền kinh tế toàn cầu và khiến "căng thẳng gia tăng" giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Nhật Bản. Theo học giả quan hệ quốc tế Lý Nguy, nỗ lực "đoàn kết chưa từng có" của phương Tây nhằm trừng phạt nền kinh tế Nga, đã khiến các chuyên gia Trung Quốc ngạc nhiên. Những người khác, chẳng hạn như cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc Vương Vĩnh Lợi, thì lo ngại rằng các lệnh trừng phạt sẽ đe dọa toàn cầu hóa mà nền kinh tế Trung Quốc đang phụ thuộc vào.

Tuy nhiên, sau hơn hai năm chiến tranh, sự bi quan đã dần tan biến và được thay thế bởi sự lạc quan thận trọng. Giờ đây, các chuyên gia này cho rằng nền kinh tế Nga và Trung Quốc phần lớn đã tránh được tác hại tê liệt từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga đang xây dựng lại cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình và đã tránh được sự cô lập cực độ về mặt ngoại giao từng được cho là kết cục không thể tránh khỏi cho quyết định của Putin.

Một số kết luận của các nhà phân tích này về cuộc chiến ở Ukraine – chẳng hạn như sự đồng thuận trong nước của Mỹ về việc trang bị vũ khí cho Kyiv sẽ lung lay – đã được chứng minh. Nhưng rõ ràng là những thực tế khác đã không được nhắc đến trong các cuộc thảo luận công khai của Trung Quốc. Quả thật, Trung Quốc đã phải gánh chịu tổn thất do cuộc chiến của Putin cũng như sự hỗ trợ về kinh tế và ngoại giao của Bắc Kinh dành cho Nga. Châu Âu chưa hoàn toàn quay lưng lại với Trung Quốc, nhưng quan hệ ngày càng sâu sắc của nước này với Nga đã khiến quan hệ của nước này với nhiều nước châu Âu xấu đi đáng kể và không thể dễ dàng đảo ngược. Và sự tương đồng giữa mong muốn chiếm giữ lãnh thổ Ukraine của Putin và mong muốn lâu dài của Bắc Kinh nhằm thống nhất với Đài Loan đã khiến Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải tăng cường phòng thủ.

Những điểm mù này rất quan trọng, bởi vì ở Trung Quốc, cuộc chiến ở Ukraine vừa là đài quan sát, vừa là phòng thí nghiệm trong lúc Bắc Kinh chuẩn bị cho cuộc xung đột địa chính trị leo thang với Mỹ. Khi phân tích các sự kiện ở Ukraine, các học giả Trung Quốc sẽ cố gắng đánh giá quyết tâm của Mỹ và châu Âu, đồng thời xác định những rủi ro mà Trung Quốc có thể phải gánh chịu trong một cuộc khủng hoảng địa chính trị hoặc quân sự. Một số chuyên gia, như nhà chiến lược quân sự hàng đầu Chu Ba, đã kết luận rằng việc NATO do dự thực hiện một số can thiệp lớn thay mặt Ukraine chứng tỏ rằng, Đài Loan không được ai bảo vệ ngoài Mỹ trong một cuộc xung đột trong tương lai với Trung Quốc. Dù các học giả này có xu hướng cẩn trọng, không thảo luận quá rõ ràng về chi tiết của một cuộc chiến tiềm tàng ở Eo biển Đài Loan, nhưng nhiều người dường như đang vạch ra một đường thẳng trực tiếp nối những rạn nứt trong quyết tâm của Mỹ khi hỗ trợ Ukraine với khả năng nước này sẽ chấp nhận một cuộc xung đột kéo dài với Bắc Kinh.

NHÓM BI QUAN

Các chuyên gia Trung Quốc, đặc biệt là những người làm việc tại các tổ chức học thuật ưu tú hoặc tại các viện nghiên cứu liên kết với chính phủ hoặc quân đội, đóng vai trò vừa là người diễn giải vừa là người có ảnh hưởng đến chính sách chính thức. Họ xuất bản trên các tạp chí và phương tiện truyền thông được chính phủ phê duyệt, và dù ý kiến của họ thường phù hợp với quan điểm chính thống của chính phủ, nhiều người trong số họ cũng kiểm tra các ý tưởng chính sách chưa được các quan chức lên tiếng công khai, hoặc đưa ra các đề xuất chính trị mới tựa như những quả bong bóng thử nghiệm nhằm đánh giá phản ứng của chính quyền. Ngay cả dưới chế độ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, nơi diễn ngôn công khai bị kiểm soát chặt chẽ, một số chuyên gia vẫn có thể thận trọng khám phá các chủ đề nhạy cảm, cố gắng cân bằng giữa độc lập tư tưởng và lòng trung thành chính trị.

Các chuyên gia Trung Quốc có quan điểm không đồng nhất về cuộc chiến của Putin. Kể từ thời điểm quân đội Nga tiến vào Ukraine vào năm 2022, các nhà phân tích Trung Quốc đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về tác động của cuộc xung đột đối với lợi ích của Trung Quốc và cách giải thích đúng đắn về những nỗ lực của phương Tây nhằm chống lại cuộc tấn công của Nga. Tuy nhiên, nhìn chung, những phản ứng ban đầu của họ được hình thành bởi lo ngại rằng cuộc chiến sẽ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử hậu Chiến tranh Lạnh. Các học giả Trung Quốc thường đi đến kết luận rằng cuộc xâm lược của Nga sẽ thúc đẩy sự sắp xếp lại trật tự quốc tế. Quan điểm này đã được thể hiện một cách sâu sắc trong một nhóm học giả tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, một viện chính sách nổi tiếng với những phân tích chất lượng cao dù có liên kết trực tiếp với Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Hồi tháng 2/2023, các học giả này cho rằng cuộc xâm lược là một "bước ngoặt trong lịch sử" qua đó tiết lộ sự tồn tại của một "trật tự mới tiềm ẩn" khác với cấu trúc an ninh đã thống trị suốt ba thập kỷ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Tất nhiên, Tập cũng nói về buổi bình minh của một "kỷ nguyên mới" cho trật tự toàn cầu. Ông đã nhiều lần đưa ra ý tưởng rằng thế giới đang trải qua "những thay đổi sâu sắc chưa từng thấy trong một thế kỷ," được đặc trưng bằng những rủi ro ngày càng tăng, nhưng cũng có những lợi ích tiềm tàng đối với Trung Quốc, thông qua việc lật đổ sự thống trị của Mỹ về địa chính trị, công nghệ, và nền kinh tế toàn cầu.

Nhiều học giả ban đầu lo ngại rằng cuộc tấn công của Nga có thể làm đảo lộn khả năng Trung Quốc có thể lèo lái một cách thận trọng trong kỷ nguyên mới này. Sự kiện này đã làm họ nhận ra rằng Trung Quốc, hơn bất kỳ quốc gia nào ngoài Mỹ, có khả năng quyết định quỹ đạo của nền kinh tế toàn cầu và các sự kiện thế giới. Hơn nữa, cuộc tấn công nhanh chóng, bất ngờ vào Ukraine đã làm nổi bật mối nguy từ sự rạn nứt đột ngột, đáng kể trong quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây. Vương, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc, than thở rằng các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Nga sẽ thúc đẩy "sự hình thành hai phe đối lập gay gắt," theo đó "gây ra mối đe dọa lớn" đối với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra, vốn là quá trình đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Vào tháng 6/2022, học giả chính sách đối ngoại Trần Đông Hiểu lo ngại rằng một cuộc chiến kéo dài sẽ "gây khó khăn đáng kể cho Bắc Kinh trong việc giải quyết quan hệ Trung-Mỹ."

Các nhà phân tích Trung Quốc đặc biệt bất ngờ trước nỗ lực phối hợp của phương Tây nhằm trừng phạt nền kinh tế Nga. Lý viết: Nỗ lực đó đã trở thành "một minh chứng sống động về các công cụ sức mạnh kinh tế" mà Mỹ có thể tập hợp được. Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia Trung Quốc đều đồng ý về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt. Một số người, chẳng hạn như Hoàng Tĩnh, lập luận rằng "một cuộc thế chiến không có thuốc súng" của phương Tây sẽ thất bại vì các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng và tài chính vốn nổi tiếng là có nhiều "lỗ hổng," và bởi vì, ông cho rằng, bất đồng sẽ xuất hiện giữa Mỹ và châu Âu.

Nhưng những người khác lại kết luận rằng Mỹ vẫn nắm giữ quyền lực vô song đối với hệ thống tài chính quốc tế. Trương Bắc, một nhà phân tích tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, dự đoán rằng đòn bẩy của Mỹ đối với các cơ chế thanh toán và quyết toán quan trọng, bao gồm hệ thống xử lý tin nhắn liên ngân hàng SWIFT, sẽ cho phép nước này đe dọa "an ninh tài chính quốc gia" của Nga. Nhà kinh tế học Vương Đạt còn đi xa hơn khi ví việc Nga bị trục xuất khỏi SWIFT giống như một cuộc tấn công hạt nhân. Khả năng của Mỹ trong việc tàn phá đối thủ về mặt tài chính sẽ có tác động rõ rệt đối với Trung Quốc: tháng 10/2022, một nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cảnh báo rằng nước này phải sẵn sàng chống lại nỗ lực của Mỹ nhằm "sao chép mô hình trừng phạt tài chính này chống lại Trung Quốc" trong "bối cảnh cuộc chơi chiến lược Trung-Mỹ và xung đột ở Eo biển Đài Loan ngày càng căng thẳng."

Khi các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực và quân đội Nga dần sa sút, các học giả Trung Quốc cũng lo rằng vị thế đối tác chiến lược có giá trị của Nga có thể bị đe dọa. Một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất của Trung Quốc về Nga, Phùng Ngọc Quân, dự đoán rằng "ảnh hưởng của Nga đối với nền kinh tế thế giới và hệ thống chính trị quốc tế" sẽ "suy giảm đáng kể." Trong khi đó, một chuyên gia khác, Viên Huấn, dự đoán rằng các lệnh trừng phạt sẽ "gây khó khăn cho các công ty Nga trong việc huy động vốn, làm tăng nguy cơ thị trường chứng khoán Nga sụp đổ, khiến một số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với nguy cơ phá sản, giảm cơ hội việc làm, tăng tỷ lệ thất nghiệp và giảm thu nhập của người dân Nga."

NHÓM LẠC QUAN

Tuy nhiên, ngày nay, một quan điểm lạc quan hơn đáng kể đang chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận của các chuyên gia Trung Quốc. Họ chỉ ra rằng phản ứng của phương Tây đối với cuộc chiến đã không tạo ra những kết quả thảm khốc như nhiều người đã dự đoán. Các học giả tại Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương của Đại học Nhân dân Trung Quốc kết luận trong một báo cáo tháng 2/2024 rằng "Làn sóng trừng phạt dữ dội nhất [trong] lịch sử" đã không đạt được kết quả như mong đợi, mà thay vào đó, lại gây ra phản ứng dữ dội và các biện pháp đối phó với trừng phạt" vì Nga đã tìm được huyết mạch mới cho tiền tệ và thương mại ở Trung Quốc và các nước khác. Nhiều nhà phân tích Trung Quốc cũng nói rằng Putin đã tránh không để bị cô lập ngoại giao, trích dẫn các chuyến thăm cấp nhà nước gần đây của ông tới Triều Tiên và Việt Nam, và việc ông tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Moscow hồi tháng 7. Một bài báo đăng trên tờ Thời báo Hoàn cầu phiên bản tiếng Trung được tung ra sau chuyến đi của Putin tới Hà Nội đã được đặt tiêu đề "Vòng vây cô lập của phương Tây đối với Nga đã bị phá vỡ."

Theo quan điểm này, Trung Quốc đã tránh phải trả bất kỳ cái giá kinh tế hoặc ngoại giao đáng kể nào cho việc hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Putin. Quả thật, cuộc chiến Ukraine đã tạo ra những xu hướng có lợi cho Trung Quốc. Khả năng vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây của nền kinh tế Nga đã gây ấn tượng với nhiều học giả Trung Quốc. Sau chuyến thăm Moscow vào tháng 2/2024, Từ Phá Linh, một chuyên gia về kinh tế Nga, nhận xét rằng cuộc chiến ở Ukraine "đã tiêm một liều steroid vào nền kinh tế Nga đang trì trệ, khiến nó trở nên mạnh mẽ và sôi động hơn." Ông thậm chí còn suy đoán rằng Putin "không hẳn là đang vội vàng chấm dứt xung đột." Các nhà phân tích khác thì ngạc nhiên về cách chiến tranh đã vực dậy tổ hợp công nghiệp-quân sự đang suy yếu của Nga, từng được một phân tích của Thời báo Hoàn cầu cho là "trong tình trạng thiếu hụt đầu tư và sản xuất." Phân tích cho thấy kể từ tháng 2/2022, tổ hợp này đã "đẩy nhanh việc chấp nhận đầu tư nhà nước và tăng năng lực sản xuất," dẫn đến "sự phục hồi toàn diện của các doanh nghiệp công nghiệp-quân sự Nga" và đạt "tiến bộ đáng kể" trong việc sản xuất tên lửa chiến thuật, xe bọc thép, và máy bay không người lái mới.

Trong lúc chiến tranh bị kéo dài, các nhà phân tích Trung Quốc cũng tin rằng sự thống nhất của phương Tây đang rạn nứt. Hồi tháng 2, chuyên gia nghiên cứu Á-Âu nổi tiếng Đinh Hiểu Tinh đã viết rằng "khi các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đối đầu dữ dội và khi cuộc bầu cử [tổng thống Mỹ] đến gần, tình hình ngày càng bất lợi cho Ukraine." Kim Xán Vinh, một học giả quan hệ quốc tế diều hâu, dự đoán rằng một "phản ứng dữ dội" của công chúng chống lại sự ủng hộ dành cho Ukraine ở các nước châu Âu và Mỹ cuối cùng sẽ hủy hoại khả năng tự vệ của Kyiv.

QUẢN LÝ THIỆT HẠI

Nhiều phân tích của các chuyên gia Trung Quốc này rất công bằng, thậm chí sắc sảo. Nhưng điều còn thiếu trong cuộc thảo luận công khai ở Trung Quốc là sự thừa nhận những cái giá mà Bắc Kinh phải gánh chịu do ủng hộ cuộc chiến của Putin. Trong khi những đánh giá ban đầu của các chuyên gia này có nhắc đến những thiệt hại tiềm tàng to lớn đối với Trung Quốc, thì giờ đây, họ có xu hướng phớt lờ hoặc đánh giá thấp những tổn thất nghiêm trọng mà Bắc Kinh đã phải gánh chịu. Quan hệ của Trung Quốc với hầu hết các nước châu Âu đã suy giảm đến mức không thể cứu vãn. Trong tuyên bố sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7, NATO đã có một lời tố cáo gay gắt chưa từng có tiền lệ đối với hành vi của Bắc Kinh, gọi Trung Quốc là "người giúp sức quyết định" cho nỗ lực chiến tranh của Nga – kiểu ngôn từ không thể tưởng tượng được trước tháng 2/2022.

Sự thất vọng với Trung Quốc không chỉ giới hạn ở các nhà hoạch định chính sách châu Âu. Những người châu Âu trước đây từng rất lạc quan về quan hệ Trung Quốc-châu Âu – đặc biệt là những người có lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc – giờ đây có cái nhìn ảm đạm hơn nhiều. Vào tháng 5, một cuộc khảo sát các CEO châu Âu của tổ chức Bàn tròn Công nghiệp châu Âu cho thấy: chỉ có 7% tin rằng quan hệ của châu Âu với Trung Quốc sẽ được cải thiện trong ba năm tới. Hơn 50% cho rằng tình hình sẽ xấu đi trong tương lai. Trong một cuộc khảo sát tháng 7 của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu với gần 20.000 người tham gia, 65% số người được hỏi tại 15 quốc gia châu Âu đồng ý rằng Trung Quốc đã đóng một vai trò "khá tiêu cực" hoặc "rất tiêu cực" trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây không phá vỡ được nền kinh tế Nga nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã khiến nền kinh tế toàn cầu ngày càng phân mảnh. Suốt nhiều thập kỷ, Bắc Kinh đã nỗ lực xây dựng nền kinh tế tự cung tự cấp. Các nhà hoạch định chính sách của chính phủ Trung Quốc đã tăng cường những nỗ lực này vào khoảng năm 2018 khi họ tìm cách chuẩn bị cho Trung Quốc đối mặt với sự tan vỡ của toàn cầu hóa và sự rạn nứt của chuỗi cung ứng. Nhưng Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho mức độ mà cuộc chiến ở Ukraine – cùng với những lo ngại an ninh quốc gia ngày càng tăng ở nhiều nước về sự phụ thuộc công nghệ vào Trung Quốc – đã đẩy nhanh sự phân mảnh này, khiến các chính phủ, công ty, và nhà đầu tư Mỹ và châu Âu tái phân bổ vốn ra khỏi Trung Quốc và các thị trường có nguy cơ địa chính trị khác. Việc Nga xâm chiếm Ukraine đã làm gia tăng lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về thị trường Trung Quốc khi làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh cũng có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt hoặc hậu quả kinh tế vì liên kết với Moscow và đe dọa Đài Loan.

Cuộc chiến ở Ukraine, và đặc biệt là quyết định của Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nga, cũng đang làm trầm trọng thêm những rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng. Chính quyền Biden đã nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh rằng huyết mạch kinh tế, công nghệ, và ngoại giao mà Trung Quốc đang trao vào tay Moscow đã đi ngược lại với mong muốn của Trung Quốc về một quan hệ song phương ổn định với Mỹ. Nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục đặt cược vào Nga, bao gồm cả việc tiến hành một cuộc tuần tra chung gần đây với máy bay ném bom Nga trên không phận ngay ngoài khơi bờ biển Alaska. Hồi tháng 5, Washington đã trừng phạt hơn chục công ty Trung Quốc vì hỗ trợ trực tiếp cho nỗ lực chiến tranh của Moscow. Nhiều khả năng sẽ có thêm các lệnh trừng phạt bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

BÀI HỌC

Vào tháng 2, một nhóm chuyên gia tại Đại học Nhân dân Trung Quốc đã xem xét tình hình toàn cầu và kết luận rằng "môi trường bên ngoài đã không còn liên tục tiến triển và cải thiện nữa." Thay vào đó, họ viết thêm rằng "chúng ta đang ở trong một tình thế với nhiều thay đổi lớn lao và những cuộc đấu tranh mang tính đối đầu, kéo dài, và tàn khốc." Dù Putin vẫn nắm chắc quyền lực ở Moscow và nỗ lực sáp nhập lãnh thổ Ukraine của ông vẫn chưa gây ra thảm kịch chiến lược như nhiều nhà phân tích Trung Quốc dự đoán ban đầu, nhưng môi trường bên ngoài Bắc Kinh chẳng hề tốt đẹp chút nào. Quan hệ với Mỹ vẫn cực kỳ căng thẳng. Còn trong khu vực lân cận của Trung Quốc, các đồng minh của Mỹ như Australia, Nhật Bản, và Philippines đang tăng cường khả năng phòng thủ của mình. Xung đột đang đẩy Trung Đông vào bất ổn. Vị thế của Trung Quốc trong trật tự quốc tế vẫn mạnh mẽ nhưng ngày càng lung lay.

Tất cả những điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với những mưu đồ của chính Trung Quốc đối với Đài Loan. Cuộc chiến của Nga với Ukraine mang lại những bài học chung về sự phức tạp của chiến tranh hiện đại, khả năng xảy ra phản ứng quốc tế đối với một tranh chấp khu vực, và cái giá phải trả của một cuộc xung đột quân sự kéo dài. Những gì Tập học được từ cuộc khủng hoảng này vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng quan điểm của các nhà phân tích Trung Quốc có thể là một cửa sổ giúp chúng ta hiểu những bài học mà chính phủ Trung Quốc đang rút ra từ cuộc chiến của Putin. Các giải thích của họ rất đa dạng và mang tính cá nhân. Tuy nhiên, sau khi dõi theo hai năm chiến tranh ở Ukraine, nhiều người đã kết luận rằng phương Tây không muốn xung đột và sẽ trở nên mệt mỏi trong việc hỗ trợ các nền dân chủ đang đối mặt với một lực lượng xâm lược nếu phải trả giá đắt về kinh tế. Kết luận này thường bị phóng đại và có thể đánh giá thấp quyết tâm của Mỹ. Nhưng việc họ đi đến kết luận đó cho thấy rằng Eo biển Đài Loan – và thế giới nói chung – có thể đang đi theo một hướng còn nguy hiểm hơn.

Friday, 23 August 2024

Chuyện Vợ Chồng Già: Ông Nói Gà, Bà Nói Vịt

Bắc Kỳ Di Cư

Hồi nẫm, tui khoái đọc bài thơ gì đại loại như "Hai mươi bốn năm xưa", của nhà thơ Phan Khôi, nhớ mang máng là:

"Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
"Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn đà không đặng,
Để đến nỗi tình trước phụ sau,
Chi bằng sớm liệu mà buông nhau!"

Hồi còn trẻ, tui khoái bài thơ này lắm và cứ nghĩ rằng nhân vật nam này quá đáng, quá đa nghi, quá hồ đồ. Mê nhau thì cứ lấy đại nhau đi, tính toán gì cho mệt. Thiệt uổng một mối chân tình. Bây chừ, tui cũng tới tuổi già già như cụ Phan đó, mới thấy là nhân vật đó khôn thiệt, biết trước biết sau. Phục lăn.

Tui có mấy ông bạn già, tóc bạc nhiều hơn đen; có ông chưa tới tám bó, đã bạc trắng như tiên ông, thỉnh thoảng gặp nhau, nói chuyện trời ơi, đất hỡi, linh tinh lang tang, nhưng đại đa số đều thở dài khi nhắc đến chuyện vợ chồng già. Cả trăm như một, cụ nào cụ nấy đều than thở về bà cụ nhà. Tuy không nói xấu gì người vợ đầu gối tay ấp cả mấy chục năm, nhưng mấy cụ ông này đều đồng nhất một chuyện: Ông nói gà, bà nói vịt.

Một ông mới có bảy mươi mí, than thở:

– Không biết sao mà bà ấy thay đổi tính nết ghê quá! Ngày nào còn thỏ thẻ, dạ vâng, anh em ngọt xớt, bây giờ hễ mở miệng là càm ràm, cau có. Chuyện chẳng đâu vào đâu, cũng la ó. Ông lại quên đóng ngăn bàn lại rồi. Làm ơn ra tắt đèn phòng khách giùm tôi. Ông không nhớ tắt đèn nhà tắm rồi. Tôi nói ông cả chục lần rồi, là cái cửa sổ cầu tiêu phải đóng kín lại, nhỡ ra trộm đạo nó chui vào nhà thì sao... Trong khi chính tôi phải tắt đèn cho bà ấy không biết bao nhiêu lần, tôi có nói bà ấy đâu.

Ông khác than thở:

– Tôi bực nhất là cái cảnh "ông nói gà, bà nói vịt." Nhiều lần tôi muốn phát điên vì hễ tôi nói Đông, bà ấy nói Tây, tôi nghe lời bà ấy, đổi lại là Tây, thì bà ấy lại chuyển qua Đông. Chuyện con cái, cháu nội, cháu ngoại cũng vậy. Đôi khi tôi chỉ muốn góp ý cho nhà cửa vui lên, bà ấy cũng cản. Chán quá, các ông ạ.

Một cụ thở dài:

– Tôi bị bệnh lãng tai, chưa có điếc, vẫn còn nghe tinh, chỉ có không nghe được khi ai nói nhỏ mà thôi, bà ấy cứ rủa tôi điếc.

Ông nọ chen vào:

– Ấy, nói ông điếc là còn nhẹ. Bả rủa tôi mù! Chỉ vì tôi quên không đeo kính lão vào thôi.

Nghe các cụ trên bẩy bó than thở ghê quá, tui chạy đến thầy Tư Bôn Sa:

– Thầy ơi! Bà nhà có đổi tính đổi nết không? Có càm ràm thầy hoài không?

Thầy Tư hỉnh cái mũi lên, nhìn tui như nhìn vật lạ:

– Tao tưởng mày đọc sách, đọc báo hoài, nên rành tâm lý con người, Không dè mày ngu quá vậy?

Nghe thầy mắng là ngu, tui tức cành hông, cự lại:

– Thầy nghĩ như thế nào mà nói tui ngu? Tui thấy bạn tui ai cũng nói vậy, ai cũng phàn nàn là các bà đổi tính, thay nết, càng già càng lẩm cẩm.

Thầy Tư thấy tui bực, nên đổi giọng làm lành:

– Tao xin lỗi mày, tao già rồi, ăn nói lạng quạng.

Tui chụp ngay lấy câu này, tấn công liền:

– Đó! Thầy thấy chưa? Chính thầy cũng ăn nói lạng quạng, trách gì các bà!

Thầy Tư thở dài:

– Mày nói trúng. Đàn ông hay đàn bà, khi về già đều đổi tính. Mà đa số không đổi tính xấu thành tốt, chỉ thường thì đổi tốt thành khó chịu, đổi khó chịu thành lẩm cẩm, mà hễ đã lẩm cẩm rồi thì dễ trở thành bệnh lẫn. Theo tâm lý học, người lớn tuổi thường trở thành "Extraverted" hay "Extroverted" nghĩa là nhạy cảm hơn với xã hội bên ngoài thay vì suy nghĩ về nội tâm. Đa số trở nên hay lo sợ hơn, dễ bị kích động hơn. Một số bà đã có thời trẻ tài sắc huy hoàng thì khi nhìn thấy số tuổi mình tăng lên, da dẻ khô héo hơn, mặt nhiều nếp nhăn hơn, tóc rụng nhiều hơn, thì hay buồn sầu vu vơ, có thể cố gắng vớt vát bằng cách trang điểm kỹ hơn, cầu kỳ hơn. Trong khi đó, một số bà khác, hồi trẻ chưa có dịp chưng diện, nay đời sống thoải mái thì lao đi ăn chơi, tập hát, tập nhảy đầm. Nếu ông chồng mà không đáp ứng nổi thì nói xóc óc.

Bất chợt, thầy Tư ngừng lại, khều tôi lại gần nói nhỏ:

– Nhất là mấy tay có súng mà đạn lép, thì ôi thôi, đời tàn trong ngõ hẹp vì bị vợ chì chiết.

Rồi thầy trở lại nói bình thường:

– Nói chung, các người cao niên đổi tính nết khác với thời trẻ, hay gắt gỏng, khó chịu. Một số trở nên thầm lặng hơn, ít nói, không thích trả lời ngay cả các câu hỏi của con cháu. Vài trường hợp đặc biệt thì mấy phu nhân lớn tuổi vẫn giữ thái độ dịu dàng với con cháu.

Nói đến đây, thầy Tư nhìn thẳng tui và nói:

– Tao nói "dịu dàng với con cháu" chứ không dịu dàng với mấy cha đàn ông cà giựt đâu đó. Mấy bả nhớ rất kỹ những tội lỗi của mấy trự cà giựt hồi còn trẻ, hồi đó bả đau trong lòng lắm, nhưng cố gắng dẹp đi để cho gia đình yên vui, nhưng bây giờ, khi bả già, thì nỗi đau hồi xưa nó trở lại, đay nghiến bả, và đương nhiên, bả đay nghiến mấy cha đàn ông tầm bậy luôn. Như vậy còn kêu ca cái gì?

Thầy thở ra một hơi rồi nói tiếp:

– Điều quan trọng là mấy cụ đàn ông nhà mày, nếu mà thương vợ, thì phải theo dõi xem mấy bả có thay đổi nhiều không. Nếu hướng về nội tâm nhiều hơn, ít nói hơn thì mới sợ, mà nói nhiều hơn thì vui. Mấy bả còn càm ràm, còn nói Đông sang Tây là còn chứng tỏ mấy bả còn tinh tường, khỏe mạnh, chứ nếu im lìm, ngồi một mình, không thích càm ràm, ca cẩm chồng nữa, thì coi chừng, bả có thể bị bệnh lẫn, tiếng Anh là Alzheimer đó! Mày hiểu chưa?

Nghe thầy giảng một thôi một hồi về tâm lý học, tui hổng biết nói sao chỉ gật gù cái đầu, hứa sẽ chuyển lại cho các cụ ông bạn tui nghe và sẽ hỏi mấy ông Sĩ Quan cũ hay bị càm ràm xem còn súng đạn không, vì theo lời Thầy Tư, đó là vấn nạn lớn nhe...

Bắc Kỳ Di Cư