Wednesday, 11 July 2012

Giáo Hoàng Benedict XV


Trong một thế giới đảo điên, cá nhân và đảng phái đầy tham vọng núp dưới các giá trị đạo đức, văn hóa, lịch sử và triết thuyết quá khích để độc quyền cai trị một dân tộc, một đất nước bằng độc quyền làm chính trị. Để duy trì và củng cố độc quyền này, bằng tư thế công khai hay ẩn náu tùy hoàn cảnh và khi chưa toàn thắng được, họ chỉ cần đại đa số quần chúng tự kết án bằng thành kiến “làm chính trị” với ẩn ý xấu sa, tội lỗi; là phản lại tín lý của tôn giáo mình đang theo; và nhất là, họ chỉ cần giới lãnh đạo các tôn giáo thụ động im hơi lặng tiếng- không ủng hộ và cũng không chống lại họ- là đủ để “mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh”! Bài học của Giáo Hoàng Benedict XV, một lãnh tụ chủ hòa, một quốc trưởng đa đoan giáo vụ với một triều đại tuy ngắn ngủi đã cho thấy; sự lên tiếng và dấn thân- trên mọi cương vị- là căn bản đạo đức và thực hành để chấm dứt tội ác và chiến tranh; bởi vì im lặng là hèn nhát và đồng lõa với tội ác và chiến tranh!

Sau vụ ám sát người cháu trai Francis Ferdinand của vua Áo Franz Josef ở Sarajevo hôm 28/6/1914, châu Âu bắt đầu trận thế chiến đầu tiên hôm 28/7 khi Áo tuyên chiến với Serbia. Tiếp theo là Đức tuyên chiến với Nga hôm 1/8 và với Pháp 3/8. Anh tuyên chiến với Đức ngay hôm sau 4/8. ĐHY Giacomo Giambattista Della Chiesa đắc cử hôm 3/9/1914 với tước hiệu Benedict XV phải đối phó với cuộc chiến mà Vatican kẹt giữa hai lằn đạn; nhất là sau 24/5/1915 khi nước Ý tham gia phe Đồng Minh (Entente) gồm Anh, Pháp, Nga (sau này thêm Hoa Kỳ) chống liên minh Đức, Áo, Thổ, Bulgarie (Central Powers) gây chiến.

Trong bối cảnh đó, Giáo Hoàng Benedict XV (22/11/1854-22/1/1922) nhận ra được yếu tố chính trị cần thiết trong công tác làm trung gian thương lượng, dàn xếp ngừng bắn, đề nghị các điều khoản cơ bản để chấm dứt chiến tranh, ủy lạo và trao đổi tù binh và nạn nhân chiến tranh; trong mục vụ và phụng vụ tại các trại tù; về ngoại giao cũng như về xã hội. Do quen biết hầu hết và là bạn của một số lãnh tụ ở châu Âu ngay từ khi còn là Hồng Y phụ tá bộ trưởng ngoại giao HY Pietro Gasparri của Vatican, ngài đã can thiệp để kẻ chiến thắng không bỏ tù làm nhục kẻ chiến bại là hoàng đế Đức Kaiser William, một tín đồ Tin Lành, và khoảng 900 tướng lãnh và viên chức Áo, Đức khác để tránh thù oán kéo dài giữa các dân tộc như nội dung trong thư ngài gởi cho TT Mỹ Woodrow Wilson ngày 1/7/1919.

Người Mỹ đã noi theo khuyến cáo này của ngài trong việc đối xử với hoàng đế bại trận Hirohito của Nhật hồi thế chiến 2 sau này. Ngài đã mạnh dạn trao Đức Ông Rudolf Gerlach người Đức cho nhà cầm quyền Ý xét xử mặc dù đó là bí thư mà ngài hết lòng yêu mến; người đã can tội dính líu đến vụ gián điệp Đức đánh đắm chiến hạm Ý “Leonardo da Vinci” tại bến cảng Taranto ngày 2/8/1916 và chiến hạm “Benedetto Brin” bị nổ chìm tại bến cảng Brindisi hồi tháng 9 năm trước đó; khi chính phủ Ý đã trưng đủ bằng chứng. Tờ “Tablet” ở London gọi đây là “vụ bội phản tệ hai nhất từ thời Judas”! Đức Ông Gerlach sau hạn tù ngắn đã bị trục xuất về Đức, xuất tu rồi qua sống bên Anh với cái tên khác và chết ở đó năm 1946.

Thông điệp đầu tay “Ad Beatissimi” được đánh giá là chủ hòa như bản chất của ngài. Ngài đã chọn lễ Các Thánh 1/11/1914 để đưa ra thông điệp, trong đó ngài đặt để mỗi mục tử được cử hành ba thánh lễ Misa trong ngày này từ đó; mà một là để cầu cho các anh hùng tử sĩ trên khắp các mặt trận. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử Vatican đã tự xem mình là thần dân và gọi vương quốc Ý là “nước Ý yêu dấu”; và đã khóc khi nghe tin nước Ý bị thất trận Caporetto hồi tháng 12/1917. Hai phe lâm chiến đều muốn hòa đàm chấm dứt chiến tranh nhưng vì tự ái nên đã nhờ ngài làm trung gian và ngài đã đưa ra văn kiện 7 điểm để rồi các nước dựa vào đó triển khai thành 14 điểm, công bố bởi đại diện là TT Mỹ Woodrow Wilson hôm 8/1/1918 được lưỡng viện Hoa Kỳ chấp nhận. Hạt nhân ấy đã đưa đến Hiệp Ước Versailles ký ngày 28/6/1919 chấm dứt thế chiến I sau này. Ngài cũng đã làm trung gian trao đổi tù binh hậu chiến; trước hết là tù binh bất khiển dụng. Hôm 11/1/1915, ngài can thiệp cho thả tù dân sự gồm phụ nữ, thiếu nữ, thanh niên dưới 17 tuổi, người lớn trên 55, chuyên viên y tế phẫu thuật, tu sĩ mọi lứa tuổi.

Đến tháng 5 và 6/1916 ngài can thiệp cho tù nhân có 4 con trở lên được thả và tập trung tại trại tỵ nạn Thụy-sĩ. Một trăm tù binh Pháp đầu tiên được Đức thả hôm 5/4/1917. Ngài đòi hỏi các tù binh Tuyên Úy phải được thả để phục vụ các tù binh cùng ngôn ngữ trong bí tích giải tội. Các trại tỵ nạn và văn phòng Caritas khắp châu Âu được lập ra tại mỗi nước như Paderborn ở Đức, Vienna ở Áo, Freiburg ở Thụy-sĩ ..vv.. với sự tiếp tay trực tiếp của các giáo phận địa phương. Vô số nạn nhân chiến tranh thời ấy đã được cứu qua nỗ lực cá nhân của ngài.

Thành ngữ phổ thông “Il treno del Papa” (xe lửa Giáo Hoàng) xuất hiện trong dân chúng đã phản ánh vô số chuyến xe lửa trao đổi tù binh thời ấy! Suốt triều đại ngắn ngủi 7 năm của ngài bị chi phối phần lớn bởi cuộc thế chiến I này đến độ ngân quỹ Vatican hoàn toàn trống rỗng! Hồng Y Gasparri đã phải vay tiền để làm đám tang cho ngài hôm 22/1/1922! Nỗ lực dàn xếp chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình và cứu trợ hậu chiến của ngài vĩ đại đến độ đã khiến ngay cả nước Thổ-nhĩ-kỳ, quốc gia đã nhờ ngài làm trung gian; với đại đa số dân theo Hồi giáo cũng đã phải đúc tượng ngài với hàng chữ trên bệ:

Vị Giáo Hoàng vĩ đại của thời kỳ bi thảm: Benedict XV, ân nhân của chúng sinh bất kể quốc tịch và tôn giáo; xin nhận nơi đây lòng biết ơn của phương Đông”

Ngài đặc biệt ưu ái đối với nước Bỉ vì nước này đã bị Đức chiếm đóng bất kể qui chế trung lập. Với ngân quĩ cạn kiệt, ngài phải nhờ ĐHY Gibbons của TGP Baltimore vận động trẻ em Mỹ giúp trẻ em Bỉ thời hậu chiến. Không quên tình riêng và phá lệ, ngài đã mời người anh ruột già nua là Đô Đốc Giovanni Chiesa vào vườn Vatican mỗi tuần ba lần để an ủi ông ta sau khi vợ chết và bệnh bại liệt đến với ông anh cùng một lúc. Ngài thích mua đồng hồ đeo tay -mới, tốt- không phải để chơi như các nhà sưu tầm đồ cổ mà để làm quà tặng các chủng sinh tốt nghiệp, các trẻ nghèo rước lễ lần đầu, với hàng chữ khắc trên nắp sau “tặng người con trung thành tình thương của người Cha để làm kỷ niệm”.

Ngài cũng tặng đồng hồ cho gia nhân trễ hẹn để nhắc nhở họ sự đúng hẹn và giờ giấc là cần thiết. Khi được biết người quản lý báo chí của ngài ngăn cản một người đàn ông nghèo lại gần để xin tiền ngài, ngài đã gởi tặng đồng hồ cho con ông ta nhân dịp nó chịu lễ lần đầu! Sự thân thiện và gần gũi giới trẻ và cả dáng người nhỏ thó, tóc đen trông trẻ trung của ngài ở tuổi 60 đã khiến dư luận ở châu lục này cho rằng nếu ngài đừng mất sớm, ảnh hưởng của ngài trên thanh thiếu niên Ý chắc chắn đã chế ngự được ảnh hưởng phong trào phát xít của Mussolini ở xứ này. Và thậm chí, với uy tín và ảnh hưởng của ngài trong giới chính trị gia châu Âu hồi đó, thế chiến thứ hai có thể đã được ngăn chặn từ trong trứng nước!

Trong bối cảnh chế độ cộng sản nắm chính quyền ở Nga năm 1917, đảng phát-xít Ý của Mussolini đang ngày càng bành trướng thế lực và đảng Quốc Xã đang nhen nhúm trong đám cựu chiến binh ở Đức, ngài cho phép linh mục Luigi Sturzo thành lập “Partito Popolare Italiano” (đảng Nhân Dân) hồi tháng 1/1919 để biến bác ái và công lý của Giáo Hội thành hành động ngõ hầu ngăn ngừa tội ác do các đế chế và đảng phái vô thần với lòng tham mà ngài dẫn chứng từ lời thánh Phaolô trong Thánh Kinh “đòi hỏi của tiền bạc là cội rễ của mọi tội ác!” (1Tim6:10).

Sau cách mạng Bolshevik ở Nga, năm 1919, ngài nhận được tin tức từ GH Chính Thống Nga qua Thượng Phụ Sylvester của TGP Omsk và TGM Benjamin của TGP Simbirsk cho biết chế độ cộng sản tại đây đã gây ra vô vàn tội ác đối với tôn giáo. Ngài cử HY bộ trưởng NG Gasparri gởi Vladimir Lenin điện văn như sau: “ĐTC khẩn cầu ông hãy chỉ thị để mọi giới chức tôn giáo bất phân tín ngưỡng của họ phải được tôn trọng. Nhân phẩm và tôn giáo sẽ biết ơn ông”. Lenin trả lời qua Tchitcherine, ủy viên đối ngoại của đảng CS; chối rằng ”. . .không hề có đàn áp tu sĩ vì lý do tôn giáo; chỉ có tu sĩ chống lại chính quyền Soviet bị trừng trị như các phạm nhân thường khác!”  Hắn còn trách móc rằng “lý tưởng nhân phẩm mà cuộc cách mạng Nga đã đeo đuổi chưa hề được Vatican khen ngợi lấy một lời nào!” (!?) Chính quyền Lenin đã tàn phá hàng ngàn giáo đường, giết hại hàng triệu người vô tội, tịch thu khoảng trên 500 giáo đường Công giáo giao cho GH Chính Thống quản lý. Dù vậy, Vatican đã trợ giúp nạn đói và dịch bệnh khủng khiếp tại Nga năm 1919.

Mặc dù bị chi phối quá nhiều bởi chính trị, chiến tranh, hoạt động cứu trợ hậu chiến, ngài vẫn làm tròn sứ mệnh tôn giáo đặt ra của mình: Hoàn tất được bộ Giáo Luật ngày 28/1/1917 gồm 2414 điều khoản, một nhu cầu được đặt ra từ thời Gíao Hoàng Gratian (1150) và sự đóng góp suốt bảy thế kỷ của các triều đại từ Innocent III (1216), Honorius III (1226), Gregory IX (1234), Boniface VIII (1298), Clement V (1313), John XXII (1317), Gregory XII (1580), Sixtus V (1586), Clement VIII (1590, Benedict XIV (1740-1758) đến vị tiền nhiệm Pie X (1903). Chả thế mà trong diễn văn đăng quang, ngài đã kết thúc bằng lời cầu xin “Da Nobis Codicem!” (hãy cho chúng con bộ luật).

Và mặc dù là một người chủ hòa bởi cá tính, ngài cũng đã dấn thân vào lãnh vực chính trị; sâu đậm đủ để chấm dứt một cuộc đại chiến vốn có mức độ cho là “độc nhất vô nhị trong lịch sử”. Lòng tôn sùng đặc biệt đối với thánh Benedict của ngài từ hồi còn nhỏ, lòng yêu mến giáo phận Bologna khi đã là Hồng Y và lòng ngưỡng mộ vị TGM Prospero Lambertini của giáo phận ấy, tức Benedict XIV hai thế kỷ trước đó; đã khiến ngài chú ý đến tước hiệu “Benedict”. Tên “Prospero” của vị cố Gíao Hoàng ấy đã như một tiên tri và ân sủng, trong một giai thoại, khi một linh mục từ giáo xứ cùng sinh quán với ngài đã đọc trại nghe như “Prospero” trong câu “Prospere procede et regna” (tiến hành thuận lợi và cai quản) khi gặp ngài tại một ga xe lửa trên đường về Vatican dự tang lễ vị tiền nhiệm Pie X hôm 20/8/1914; nhắc ngài rằng giáo phận của ngài cũng đã sản sinh ra một Gíao Hoàng là Benedict XIV.

Nếu các yếu tố trên là các động cơ khiến ngài chọn tước hiệu Benedict thì chính ngài- một Giáo Hoàng nhân ái làm chính trị gia cương nghị, một chính trị gia cương nghị làm Giáo Hoàng nhân ái- đã là động cơ duy nhất khiến ĐHY Joseph Ratzinger đã chọn “Benedict XVI” cho triều đại Giáo Hoàng đương kim, một triều đại mà Giáo Hội phải đối đầu với tàn dư của độc tài cộng sản, tiềm năng chiến tranh cao độ ở châu Á, nạn khủng bố do nhóm quân phiệt cực đoạn đội lốt đạo sĩ Hồi giáo, nạn đói nghèo và khủng hoảng toàn diện, toàn cầu đầu thiên niên kỷ đầy xáo trộn hiện nay./

Hà Bắc
(tham khảo tài liệu của Walter H. Peters và các tài liệu khác) 


No comments:

Post a Comment