Wednesday 11 July 2012

Tầm vóc một vì sao


Nhạc sư Richard Wagner (1813-1883) đã từng nói “Musique est une femme” (âm nhạc là người phụ nữ). Gloria Estefán vừa là phụ nữ vừa là âm nhạc. Âm nhạc của bà có tầm vóc quốc tế. Giọng ca của bà vượt giới hạn không gian. Và hơn cả âm nhạc, bà là một phụ nữ có tư cách: Yêu gia đình, trung thành với tổ quốc và lý tưởng Tự Do Dân Chủ, không bị mua chuộc bởi bất cứ thế lực bạn hay thù; và luôn là người con bất khả phân ly của cộng đồng người Cuba tại Florida tỵ nạn cộng sản.

Ca sĩ Gloria  Estefán tên thật Gloria Maria Milagrosa Fajardo Garcia de Estefan; sinh ngày 1/9/1957 tại thủ đô Havana, Cuba. Mẹ là Gloria Garcia, con ông Leonardo Garcia di cư đến Cuba từ Pola de Siero, Asturias, Tây-ban-nha; nơi ông đã cưới vợ quê ở Logrono cùng xứ sở. Trước khi cộng sản cướp chính quyền, người cha José Fajardo của bà là một quân nhân trong quân đội Cuba, cận vệ của Tổng Thống Cuba  Fulgencio Batista. Sau đó gia đình bà phải di tản sang Mỹ và định cư tại Miami; lúc đó Gloria Fajardo mới 2 tuổi.

Ông José Fajardo sau đó gia nhập quân đội Hoa Kỳ và di chuyển đến Houston Texas một thời gian. Ông đã từng là một chiến binh trong “Lữ Đoàn 2506” gồm 1,300 tay súng người bản xứ Cuba do Lữ Đoàn Trưởng José Pérez San Román chỉ huy đổ bộ lên vịnh Girón ở Bahía de Cochinos (vịnh Con Heo) ngày 17/4/1961 để giải phóng quê nhà. Trong 1,300 người này, chỉ có 200 thực sự là quân nhân tác chiến; số còn lại là các chuyên viên tháp tùng dự trù để thành lập chính phủ lâm thời ngay sau trận đánh; đối đầu với 20,000 quân của Castro đóng trong vùng. Vì nội các mới mười tuần của Kennedy không muốn bị liên lụy trực tiếp nên không có bộ binh Mỹ tham dự. Chỉ có chiến đoàn Không Quân Mỹ thuộc Vệ Binh Quốc Gia tiểu bang Alabama yểm trợ rất hạn chế và không có quân lương tiếp tế. Do đó cuộc hành quân bị thất bại nặng nề ngay từ phút đầu. Hậu quả cuộc hành quân ba ngày này: Mỹ có 4 tử thương và vài người bị bắt khi máy bay quân sự của họ bị bắn rơi. Phía chiến đoàn có 114 tử thương, hơn 1,000 bị bắt; một số nhỏ còn lại trốn vào rừng. Số tù binh này, trong đó có ông José Fajardo đã được Mỹ chuộc lại hai năm sau bằng sữa bột trẻ em và dụng cụ y khoa trị giá 53 triệu! Sau đó ông Fajardo được gởi sang Việt Nam chiến đấu chống Việt Cộng. Khi trở về, ông bị bệnh và trở thành gánh nặng cho vợ và cô con gái Gloria.

Trong khi Gloria học tại hai trường St Michael-Archangel và Our Lady of Lourdes Academy ở Miami thì bà mẹ làm giáo viên của Dade County Public School để nuôi chồng con. Gloria tốt nghiệp B.A. phân khoa tâm lý học năm 1979 với môn phụ là Pháp ngữ tại University of Miami. Gloria vừa phải học vừa phải làm thông ngôn bán thời gian tại khu thuế vụ của Miami International Airport. Cô cũng từng được cơ quan CIA mời cộng tác. Do sức nặng phụ giúp mẹ gánh vác gia đình nên Gloria đã dùng âm nhạc như một lối thoát để giải khuây; đâu biết rằng âm nhạc lại là con đường đưa đến danh vọng tột đỉnh; biệt hiệu là “Queen of Latin Pop” (nữ hoàng nhạc Pop) với 4 giải Grammy Awards, 4 giải Latin Grammy, hàng trăm triệu dĩa bán ra khắp thế giới, trong đó 31.5 triệu tại Mỹ. Trong lần trình diễn đáng nhớ tại Ahoy Rotterdam hôm 1/9/2008, Gloria được tặng hoa mừng sinh nhật. Gánh nặng gia đình không chỉ là thử thách đầu tiên và duy nhất; Gloria còn bị tai nạn xe trong một chuyến đi show khiến cô tưởng chừng bị liệt vĩnh viễn. Một tai nạn khác khi trượt nước -khiến một skier trẻ thiệt mạng- tưởng cũng đã khiến tiếng hát mang âm hưởng thuần túy Cuba ấy suýt vĩnh viễn im hơi! Trở ngại nào rồi cũng chỉ làm tăng thêm nghị lực của người ca sĩ can trường này. Bởi thế, Gloria đã tiếp tục thành công không ngừng; từng trình diễn cho hai vị tổng Thống Mỹ; hát mở màn cho hai thế vận hội Olympic ở Seoul (Nam Hàn) và Atlanta; hát quốc ca “The Star –Spangled Banner” cho 2003 World Series ở Miami. Tháng 5/1993 cô nhận giải Ellis Island của Quốc Hội Mỹ (giải cao nhất dành cho công dân Mỹ sinh ở nước ngoài). Gloria còn là thành viên của ban giám đốc “Trustees of University of Miami”, Tiến sĩ danh dự phân khoa Luật Barry University, Tiến sĩ âm nhạc Berklee College of Music ở Boston MA 2007, sáng lập viên quỹ Gloria Estefán Foundation giúp nạn nhân bệnh hoại tủy sống; được nhận “STAR” ở Hollywood và Las Vegas; là thành viên phái đoàn Hoa Kỳ trong Hội Đồng khóa 47 của Liên Hiệp Quốc năm 1992; và vô số các giải thưởng khác. . . và dĩ nhiên; hát với các danh ca quốc tế như Luciano Pavarotti, Tony Bennett, Patti LaBelle . . . và đóng nhiều phim cinéma nữa!  

Sự nghiệp ca nhạc thành công vĩ đại đã mở ra cho Gloria nhiều ngã rẽ khác cũng thành công không kém để trở thành minh tinh màn bạc, nhạc sĩ sáng tác và kinh doanh thầu khoán. Người đã mở ra cuộc đổi đời “rags-to-riches” cho Gloria chính là nhạc trưởng ban nhạc “Miami Latin Boys” Emilio Estefán, người đã cưới Gloria hôm 1/9/1978. Ban nhạc sau đổi tên thành “”Miami Sound Machine” từ khi có thêm (girl) Gloria làm giọng ca chính và duy nhất của ban nhạc. Ban đầu cô chỉ hát cuối tuần vì còn đi học; sau khi tốt nghiệp đại học cô đi hát toàn thời gian. Album đầu tiên của ban nhạc gồm các bài Disco Pop và Latin Ballads xuất bản và lưu hành ở địa phương. Phần lớn các dĩa sản xuất sau này cô hát bằng Anh ngữ nên được thính giả nói tiếng Anh tặng danh hiệu là “Golden Girl” của Miami.

Tuy là danh ca nhạc “Pop” và “Disco” nhưng vì khả năng hát nhiều thể loại như rock, ballad, boléro; nhiều giọng như soprano, tenor và nhiều ngôn ngữ như Spanish (thổ âm Cuba) và Pháp cho cử tọa phần lớn nói tiếng Tây-ban-nha và yêu Salsa nên Gloria cũng được xem là danh ca Salsa! Puerto Rico, Panama và Cuba đều nhận là nguồn gốc của Salsa. Nhưng New York mới là thủ phủ của Salsa vì Salsa được phổ biến và phát triển bởi dân Cuba định cư ở đây. Salsa du nhập Pháp muộn màng bằng cửa ngõ Sorbonne, Université de Paris hôm 1/2/1997.

Cả Gloria Estefán (người Cuba) và Rubén Blades (người Panama) đều nổi tiếng về Salsa nhưng lại khác nhau trong lối sáng tác và cách xử dụng âm nhạc để phản ánh quan điểm chính trị. Lời ca trong nhạc Rubén Blades trực tiếp phản ánh quan điểm chính trị của tác giả; trong khi Gloria chống lại việc này. Tuy không để âm nhạc “vấy” mùi chính trị nhưng Gloria lại “làm chính trị” một cách sâu đậm và can trường; bóng gió trong lời ca khiến Fidel Castro phải nghĩ “nát óc” mới ra để mà cay cú; bộc trực trong đáp từ khiến Tòa Thánh Vatican phải thất vọng!

Trong dịp Giáo Hoàng Joannes Paulus II (John Paul đệ Nhị) sang viếng thăm mục vụ Cuba từ 21 đến 25/1/1998, Vatican đã ngỏ lời mời Gloria “trở về mái nhà xưa” hát cho thánh lễ ở thủ đô Havana; Gloria đã cự tuyệt như đã cự tuyệt trước đây khi được mời hát tại Vatican; kính cẩn phúc đáp nguyên văn như sau: “Thưa Đức Thánh Cha, xin đừng quên đòi hỏi Tự Do cho Cuba trong lời cầu nguyện của Ngài” (Holy Father, do not forget to ask for Cuba’s Freedom in Your prayers”!)

Trả lời phỏng vấn của báo chí về việc này, Gloria nói “Người ta không biết nhiều (do chế độ bưng bít) nên khi họ hỏi tôi, tôi đã cho họ biết thảm kịch của người lưu vong ra sao, sự đàn áp, pháp trường xử tử, sự khủng khiếp của chế độ cộng sản. Tôi biết rất rõ điều đó mặc dù tôi rời Cuba khi mới lên hai. Chúng tước đoạt quê hương của tôi, cướp đi cái thân thiết nhất của một con người cần có. Sao tôi quên được chính Fidel Castro là kẻ đã gây quá nhiều tai ương đến cho tôi như vậy? Cả gia đình tôi đã phải trả một giá đắt cho Tự Do. Cha tôi không chỉ chiến đấu ở vịnh Con Heo, ông còn tình nguyện chiến đấu ở Việt Nam. Ông chiến đấu cho những quyền Tự Do tương tự như thế. Tôi đã nhìn ông chết chậm rãi trong suốt 14 năm trời! Tôi chắc sẽ không để bất cứ ai xúc phạm đến các lý tưởng ấy.

(People don’t have a lot of information and when they ask me about it, I tell them about the drama of the exiles, the repression, the firing squads, the horror of communism. I’m very clear about that. I left Cuba when I was two years old. They took away my country; they stole the most intimate thing a human-being can have. How could I forget that Fidel Castro was THE person who did me so much harm? My whole family paid a heavy price for Freedom. My father not only fought in the Bay of Pigs, he volunteered to fight in Vietnam. He fought for these same freedoms. I watched him die a slow death for 14 years. I was not about to let anyone stomp on those ideals)

Và rằng “. . .khi họ (Tòa Thánh) mời tôi hát tại Vatican, họ hỏi tôi định nói gì. Tôi bảo họ rằng tôi sẽ xin Đức Thánh Cha đòi Tự Do cho Cuba; rồi viên chức Vatican bảo ‘Ồ không được con ạ, thế là chính trị rồi’ Rồi tôi bảo họ rằng nếu họ không cho tôi đòi hỏi Tự Do cho Cuba, họ nên nhờ ai đó vì tôi sẽ không hát”. . . When they (Vatican) invited me to sing at the Vatican, they asked me what I was going to say? I told them that I was going to ask the Holy Father for Cuba’s Freedom. And the Vatican official said ‘Oh no, my daughter, that’s political’. So I told them that if they didn’t let me ask for Cuba’s Freedom, they would have to get someone else, because I wouldn’t sing).

Bài hát khiến cho lão già độc tài xứ Cuba bị dị ứng là bài “Go Away” (Xéo Đi) Gloria sáng tác năm 1992 mà bà đã xác nhận là để “tặng” Fidel Castro có lời ca như sau: “Sao mi không xéo đi? Xéo đi! Đừng rồi một ngày nào đó trở lại khuân đồ đạc của mi, mọi thứ quý giá của mi; xéo ngay cho! Ai biết ngày sau ra sao . . . đi khuất mắt đi! Mi làm ơn làm phước không khuất mắt đi được sao. Hãy sống đời của mi nhưng thật xa cho khuất mắt. Hãy tự cứu mình; không còn cách nào vơ hết được đâu. Hãy nhìn quanh đi; bia khắc trên tường đó!” (Won’t you just go away – Go away – Don’t you come back one day; take your stuff; take all of your precious things – Leave right now – Who knows what tomorrow brings? Stay away! Won’t you please stay away! Live your life but live it real far away! Save yourself – There’s no way to get it all – Look around, the writing is on the wall)

Bên cạnh lời ca “xua đuổi” của nợ kia như đuổi tà ấy gởi đi khắp thế giới là các hoạt động từ thiện –thật sự từ thiện và ái quốc: Năm 1995 Gloria Estefán cùng với Andy Garcia đã đến trại tù của quân đội Mỹ ở Guantanamo thăm viếng 16,000 đồng bào Cuba tỵ nạn bị giam giữ vì không hội đủ tiêu chuẩn nhập cư nước Mỹ. Gloria cũng hát gây quỹ giúp nạn nhân trận bão lụt kinh hoàng Katrina ở New Orléans. Trong khi thế giới tư bản và phản chiến kêu gọi bãi bỏ cấm vận Cuba, bà đã xuất hiện trên đài CNN năm 1997 bảo vệ lệnh này; cho đó là một mệnh lệnh có đạo đức; và vạch trần bộ mặt thật của chế độ bạo ngược ác độc qua những dẫn chứng cụ thể. Cùng năm đó, bà lên tiếng bảo vệ quyền tự do ngôn luận, vũ khí mà mọi chế độ độc tài sợ hãi nhất. Năm sau 1998, bà ra dĩa CD “Cuba Libre” (Cuba Tự Do) ca tụng quyền tự do ngôn luận căn bản này và khơi dậy giấc mơ mà người cha của mình đã suốt đời chiến đấu để bảo vệ.

Viết về bà Gloria Estefán lại chợt nhớ đến các ca sĩ hải ngoại An-nam-mít “áo gấm về làng” xin bạo quyền cho hát ở thủ đô Hà Nội và thành phố mang tên “Bác”. Thật là mặt trời và mặt trăng! Thật là Phụng Hoàng và chim se sẻ! Trang giấy này không có chỗ trống để nói về họ; về những “đồng chí” của họ: các nhà kinh doanh chưa “bỏ của chạy lấy người”, các nhà “từ thiện” chưa bị sở thuế Mỹ và tham nhũng VC hỏi thăm sức khỏe, các “nạng nhân” chân trong chân ngoài tỵ “nạng” kinh tế, các “tu sẩy” giáo hội quốc doanh, các kẻ ăn cơm Tự Do về “mò” độc tài cộng phỉ. Hết chỗ nói nên đành phải mượn lời vị nữ lưu anh thư vĩ đại của thế kỷ XXI, Thủ Tướng Úc Julia Gillard, để nhắn họ: “Nếu các người không thấy vui ở đây thì hãy XÉO. Chúng tôi không buộc các người đến đây. Các người xin để được ở đây. Vậy thì hãy nhận xứ sở mà các người đã nhận!”. (If you are not happy here then LEAVE! We did not force you to come here. You ask to be here! So accept the country You accepted).

Đối với “tăng lữ” và tín đồ Hồi giáo cuồng tín, tựa như thành ngữ ngắn gọn của ta “nhập gia tùy tục”, bà nói “Di dân, chứ không phải người Úc, phải hội nhập . . . bởi một thực tế là nam nữ con Thiên Chúa với nền tảng Ki-tô giáo đã lập nên quốc gia này; được sử liệu minh chứng rõ rệt . . . đây là xứ sở, đất nước và lối sống của chúng tôi và chúng tôi cho phép các người mọi cơ hội để hưởng các thứ đó. Nhưng khi các người đưa ra lời ta thán, lải nhải và kêu ca về quốc kỳ, lời thề, đức tin Ki-tô giáo và lối sống của chúng tôi thì tôi tận lực động viên các người hãy tận dụng một quyền tự do vĩ đại khác của Úc: Quyền Đi Chỗ Khác Chơi!” (Immigrants, NOT Australians, must adapt . . . but a fact, because Christian men and women, on Christian principles, founded this nation and this is clearly documented . . . This is OUR country, OUR land, and OUR lifestyle and we allow you every opportunity to enjoy all this. But once you are done complaining, whining and griping about OUR flag, OUR pleadge, OUR Christian beliefs or OUR way of life, I highly encourage you to take advantage of one other great Australian freedom: The Right to LEAVE!)

Gloria Estefán luôn một lòng sắt son gắn bó với cộng đồng tỵ nạn cộng sản ở Miami. Bà sống trong lòng cộng đồng; lúc hoạn nạn chung lo cũng như lúc vinh quang chung hưởng; khắn khít như vợ với chồng. Bà không chỉ đại diện Miami trên bình diện quốc tế về âm nhạc; bà còn là vị đại diện chân chính, can trường không lay chuyển và bất khả phân ly của một cộng đồng nhiều nét tương đồng với cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản; và của một lý tưởng Tự Do bất diệt. Bà đang tiếp nối truyền thống đấu tranh kiên trì, bất khuất của dân tộc Cuba, của cộng đồng và của thân phụ. Ít nhất, bà đã không đánh mất chữ HIẾU bội phản lại máu xương và lý tưởng vĩ đại muôn thuở của người cha thân yêu nói riêng, thế hệ cha ông nói chung; xứng đáng với tầm vóc của một NGÔI SAO quốc tế ./.
Hà Bắc
(tham khảo “La Salsa: Un Phénomène Socioculturel” của Raoúl Escalona, “Musica” của Sue Steward và nhiều tài liệu khác)



No comments:

Post a Comment