Sunday 5 May 2013

Du Ngoạn thu ở Bright





Năm nay, lần đầu tiên Hội Cao Niên Việt Úc Victoria VASAVIC Inc, tổ chức chuyến du ngoạn mùa thu ở Bright, thời gian 2 ngày 1 đêm, Thứ bảy 27 May 2013, Chuá Nhật 28 May 2013, lệ phí 150 dollars, bao gồm xe bus đi từ Springvale, thành phố đông cư dân Việt Nam nhất ở Đông Nam Melbourne, Tiểu bang Victoria, đến thành phố du lịch có phong cảnh những lá cây phong và vũ với hai màu vàng và đỏ đẹp nổi tiếng nhất nước Úc là Bright, chinh phục đỉnh núi tuyết Mount Buffalo cao 1750m, về từ Albury, thành phố bên kia sông Murry River, và bên cầu biên giới, thuộc tiểu bang NSW, ngủ đêm ở Khách sạn Hotel Quality Olive Inn 4 sao, ăn tối dinner, ăn áng full breakfast.

Xe có 48 chỗ ngồi và trước ngày đi thì xe đã không còn một chỗ trống nào, nhiều người nữa cũng muốn đi nhưng không còn vé! Xe chạy lúc 7 am, nhưng vì một số lý do, mà gần như lúc nào cũng có,  nên đã có một vài người đến trễ, kết qủa là xe lăn bánh khởi hành lúc 7.15am, nghiã là xe khởi hành chậm mất 15 phút so với dự định. Thời gian khởi hành trễ 15 phút không phải là trễ nhiều, bởi vì chuyện đi trễ của người Việt Nam hình như là chuyện rất bình thường trong đời sống, phong tục tập quan của người Việt chúng ta, nó cũng giống như câu thành ngữ chúng ta vẫn thường nghe là: “không ăn bắp không phải là người Mễ, không đi trễ không phải là người Việt Nam”.


Vì Springvale thì ở phía Đông Nam Melbourne mà Bright thì ở phía Tây Bắc Melbourne, cho nên xe phải đi xuyên qua thành phố Melbourne, để tránh kẹt đường cho nên xe không đã đi qua trung tâm thành phố, mà đi theo hệ thống xa lộ, đường hầm Burnley rồi qua cầu West Gate, nghiã là du khách có thể nhìn thành phố Melbourne qua những biểu tượng của những toà cao ốc, nhất là những cao ốc với nhiều hình thù khác nhau của khu building mới xây dựng là DockLand. Thành Phố Melbourne trong những năm gấn đây đã nhanh chóng phát triển dân cư, điạ ốc, ngay trong trung tâm thanh phố và vùng phụ cận phía nam, nhất là phát triển chiều cao, trong tương lai gần Melbourne sẽ có toà nhà cao nhất Nam bán cầu ở khu South Bank.

Từ Springvale đến Bright, đường xa trên 300 km, nên xe phải dừng lại ở 2 nơi cho hành khách nghỉ chân, ăn uống, tiêu tiểu, chỗ dừng chân tiện lợi nhất là nhà hàng Mc Donald, hay Hungry Jack, ở những nơi nầy bạn có thể ăn uống giá rẻ, tiêu tiểu thoải mái, tiện nghi. Nhiều hành khách mang theo sẵn thức ăn, nước uống, nhưng nếu bạn đã vào nhà hàng để xử dụng tiện nghi toilet, bàn ghế của nhà hàng mà không mua thức ăn, nước uống của nhà hàng thì quả thực là coi không được, cho nên nhiều người cũng đã phải mua thức ăn, thức uống ở đây, còn thức ăn mang theo đành coi như là phần bổ túc mà thôi!

Xe đến Bright vào lúc trưa, dự báo thời tiết từ mấy ngày trước là hôm nay trời sẽ có mây và gió mạnh, nhưng một lần nữa, như những lần du ngoạn khác, hôm nay ông Trời lại ưu đãi Hội Cao Niên Springvale, bằng cách thay đổi thời tiết từ mưa gió mây mù…, thành thuận lợi cho chuyến đi chơi, trời rất xanh và nắng rất thanh, cho nên chúng tôi đã thay đổi lịch trình, thay vì ngày mai mới đi chơi núi Mount Buffalo thì chúng tôi đã chọn lên núi trước ngay trong ngày hôm nay, vì sợ để ngày mai không biết thời tiết có tốt không, theo dự báo thời tiết thì ngày mai trời sẽ có mưa giông và sẽ có nhiều mây! Tin tuần trước là trời có mưa, 90% RAIN, nhưng tin mới nhất chỉ là 70% shower!

Vậy là xe rẽ về tay phải tức là về hướng núi Mount Buffalo thay vì đi về hướng trái là về hướng thành phố Braight, núi có tên Mount Buffalo là vì nếu nhìn từ xa thì ngọn núi lớn nhất giống như là Con Trâu Mẹ, còn những ngọn núi nhỏ xếp thành hàng thì có hình thù giống như là một đàn trâu con! Nhưng muốn thấy con trâu Mẹ hay là thấy được đàn trâu con, dù không là thi hay văn sĩ bạn cũng phải có tâm hồn của thơ và của mộng thì bạn mới thấy được, cũng như khi bạn nhìn lên mặt trăng, bạn phải có tâm hồn thơ mộng thì bạn mới có thể thấy Chị Hằng Nga, hay là bạn mới có thể thấy Chú Cuội, cây Đa!
Nếu không có một tâm hồn có thơ thơ và mộng, thì có thể bạn chỉ thấy Mặt Trăng như một cái bánh bơ đã bị dính bụi, hay là bị một đám mực loang lỗ. Nghiã là, nếu như bạn không có tâm hồn thơ mộng thì bạn sẽ rất thiệt thòi, và ngược lại, nếu bạn có tâm hồn thơ mộng thì bạn sẽ là người rất giàu có, không phải bạn giàu có của cải, vật chất, mà là bạn giàu có tinh thần, và quan trọng là bạn sẽ rất là hạnh phúc, người có tâm hồn thơ mộng mới thực sự là người giàu có, vì thứ của cải tinh thần nầy không ai cướp đoạt được của bạn, và cũng không có ai cướp đoạt được cái hạnh phúc của mộng và thơ!

Mount Buffalo là ngọn núi cao thứ nhì của nước Úc, cao 1,725m, nằm trong khu lâm viên quốc gia Úc có tên là Mount Buffalo National Park , được khám phá và khai thác rất sớm từ năm 1898, khởi đầu lâm viên rộng 105 km2, hiện nay rộng hơn gấp đôi là 310km2, quan trọng là những lâm viên trồng cây thông và các loại cây công nghệ về những loại gỗ qúi đắc tiền gọi là hard wood, red wood, nhưng nhiều nhất là những rừng thông được nhìn thấy san sát nhau, thân cây mọc thẳng đứng, lá cây thông xanh ngắt, ngay bên những vệ đường lên núi Mount Buffalo, là nguồn tài nguyên quan trọng của lâm viên nầy.

Đường lên núi Mount Buffalo rất quanh co, khúc khuỷu, có những chỗ gấp khúc như cánh chỏ, xe bus to và dài cho nên xe chạy thật khó khăn và rất là nguy hiểm, nhiều người chịu không nổi đã bị chóng mặt và có người đã bị nôn mửa! Vậy mà vẫn thấy có những người đạp xe lên đỉnh núi, kể cả những người phụ nữ với thân hình mảnh khảnh, mỏng manh! Không phải bây giờ mà đã có nhiều du khách từ khắp mọi nơi trên nước Úc, mùa hè cũng như mùa đông tuyết phủ, lạnh lẽo, giá băng…. vẫn tìm cách leo lên đỉnh núi Mount Buffalo!

Chinh phục đỉnh cao là một trong những ý thích rất nhân bản của con người, kể cả rặng núi cao được gọi là nóc nhà của thế giới, núi Everest của dãy Hi Mã Lạp Sơn, cao trên 8,000 mét, quanh năm tuyết phủ, giá băng, và còn nhiều nguy hiểm nữa, nhưng mà hằng năm, hằng tháng, hằng ngày… bất kể mùa đông, hay là mùa hè, bất kể là trời nắng hay là trời mưa, gần như lúc nào cũng có những con người, đủ các sắc tộc trên thế giới, vẫn luôn tìm cách leo lên đỉnh núi cao.

Không phải chuyện bây giờ, là thời điểm núi Mount Buffalo đã có những tiện nghi đường núi, tuy khúc khủyu quanh co, nhưng mà đường đi đã được trải nhựa đường thông suốt, phẳng lì, không phải là 100 năm trước, tuy không trải nhựa nhưng vẫn có con đường do con người kiến tạo, phải mất 20 năm người ta mới làm xong con đường và tiện nghi cho du khách lên núi Mount Buffalo, mà 5,000 năm trước, khi núi Mount Buffalo hãy còn là nơi chốn hoang vu, chưa hề có con đường nào lên núi, chỉ có những rừng cây rậm rạp, âm u, um tùm…, nhưng mà người Thổ Dân Úc Aboriginese vẫn đã hằng năm tụ họp trên đỉnh núi Mount Buffalo để tổ chức những lễ hội, ăn uống, nhảy múa…..!

Tại sao người ta không tổ chức những lễ hội ở dưới đồng bằng, ở những chốn bình nguyên cho nó dễ dàng, thuận tiện, mà lại phải tổ chức trên tận đỉnh núi Mount Buffalo cao xa, hiểm trở, khó khăn, nơi chốn không có mấy người lên tới được! Đối với Thổ dân Úc, cũng như nhiều dân tộc cổ xưa trên thế giới, như người Maya ở Nam Mỹ, người Ai Cập ở Phi châu, người Khmer ở Đông Nam Á, họ đều nghĩ rằng Thượng Đế và các vị Thần Thánh đều ở trên cao. Người đời thường cho là Thiên Đàng thì phải ở trên chốn non cao, cho nên, chữ Tiên viết theo lối chữ tượng hình của Trung Hoa gồm có chữ Nhân là con người, và chữ Sơn là núi, có nghiã là người ở trên núi, tức là người ở trên chỗ rất cao!

Với những quan niệm về nơi chốn của Thần linh ngự trị ở trên cao nầy, người Thổ Dân Úc mới phải vất vả trèo lên non cao, trèo lên tận đỉnh núi Mount Buffalo, cao 1,750m, để tổ chức những lễ hội, nhảy múa…. Họ chỉ có thể lên đây vào mùa hè, vì mùa đông ngọn núi nầy bị tuyết phủ, băng giá, gió mưa, độ lạnh âm, dưới o độ, mùa đông không thích hợp cho người thổ Dân Úc leo trèo, sinh hoạt, khi mà họ chỉ có mình trần, chân đất không thích hợp với thời tiết giá lạnh, băng tuyết, nó chỉ là nơi chốn và thời điểm thích hợp để vui chơi, trượt tuyết…. cho những con người văn minh, tiến bộ  ngày nay.

Nói thêm về quan niệm thờ phượng Thần Linh, Thượng Đế, Trời Phật ở trên cao, thì người Khmer vì không có núi ở kinh đô, nơi chốn ông Vua Miên muốn lập Đền Thờ, cho nên Vua Miên vào thế kỷ thứ 12, đã tổng động viên toàn thể quân dân Miên đi phá núi cách xa kinh đô đến 70km, đẻo đá thành từng khối vuông, mỗi khối đá nặng cả mấy tấn, rồi dùng sức người và sức voi để vận chuyển những khối đá to lớn, nặng nề về kinh đô của nhà vua, để xây dựng những công trình đá vĩ đại nhất thế giới là Đế Thiên, Đế Thích, Angkor Thom, Ankor Wat.

Mục đích chánh của việc xây dựng những ngôi đền bằng đá nầy là để làm nơi có độ cao để nhà Vua thờ phượng các vị Thần Thánh, ban đầu là các vị Thần Ấn Độ của Đạo Hindu, về sau, vì ông Vua Miên trong giai đoạn hoàn thành đền đã theo đạo Phật, cho nên tượng Phật Thích Ca 4 mặt, tượng trưng cho 4 đức tính của Phật: Công Bình, Bác Ái, Từ Bi, Giác Ngộ, đã được tạc và được đặt trên đỉnh cao nhất của Đền Đế Thiên Angkor Wat để thờ phượng.

Về quan niệm Thượng Đế ở trên cao nầy, có lần tôi được nghe qua câu chuyện trao đổi của một người bạn và một vị Mục Sư Đạo tập sự đạo Tin Lành, một người Mỹ, tuổi hãy còn rất trẻ, khoảng 20 tuổi, vị mục sư nầy đặc biệt có thân hình rất cao, khoảng 2mét chiều cao! Khi người bạn của tôi nói đùa với vị mục sư tập sự người Mỹ nầy rằng: “Ông cao như vậy thì ông được gần Thượng Đế hơn tôi”, ông Mục Sư Tập Sự trẻ người Mỹ nầy đã trả lời là: “Không ai biết Thượng Đế ở đâu, không ai biết Thượng Đế ở trên cao hay là Thượng Đế ở dưới thấp, nhưng theo ý tôi thì Thượng Đế ở dưới thấp chớ Thượng Đế không ở trên cao, vì nếu Thượng Đế ở trên cao thì làm sao Thượng Đế giúp đỡ được con người dưới trần thế được, mà nếu đúng là Thượng Đế ở dưới thấp thì Thượng Đế ở gần ông hơn là ở gần tôi”.

Theo tôi thì không phải là Thượng Đế ở dưới thấp, hay là Thượng Đế ở trên cao, mà Thượng Đế ở khắp mọi chỗ, mọi nơi, và đặc biệt là Thượng Đế ở trong lòng của tất cả mọi người, Thượng Đế ở trong trái tim, trong tâm hồn của tất cả chúng sanh, khi ta nghĩ đến Thượng Đế, thì Thượng Đế ở bên cạnh, khi ta không nghĩ đến Thượng Đế thì Thượng Đế xa rời chúng ta. Bởi vì Thượng Đế ở trong ta cho nên Thượng Đế biết hết và biết rõ hết tất cả mọi điều ta nghĩ, tất cả mọi việc ta làm, cho nên Thầy Đáng của Nhân Điện đã từng nói với học trò của Thầy rằng: “Anh Chị Em có thể dối gạt hết tất cả mọi người, nhưng Anh Chị Em tuyệt đối không bao giờ dối gạt được Thượng Đế”.

Ở đây chúng ta không tranh luận về chuyện Thượng Đế ở dưới thấp hay là Thượng Đế ở trên cao, nhưng mà chúng ta có thể nói chuyện về những điều lợi ích của chuyến đi chơi núi hôm nay, lợi ích của chuyến đi lên đỉnh núi Mount Buffalo nầy. Gần như ở đỉnh núi nào chúng ta cũng có chỗ gọi là look out để chúng ta có thể nhìn ngắm khung cảnh bao la của rừng núi quanh ta, ở Adelaide có chỗ look out rất gần thành phố, trên ngọn núi gì tôi đã quên tên, ở Sydney có núi Blue Mountain, ở Brisbane cónúi Cuta, nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì không có chỗ nào có chỗ nhìn ngắm khung cảnh núi non xinh đẹp tuyệt vời như đỉnh núi Mount Buffalo, cho nên nếu đã đi chơi lễ hội mùa thu ở Bright thì chúng ta cũng nên chịu khó để lên tận đỉnh núi Mount Buffalo, dù có thể là bạn sẽ bị chóng mặt, hay bị nôn ói, như nhiều người đã bị trong chuyến đi nầy, để nhìn ngắm phong cảnh núi rừng, cây cỏ, thiên nhiên, chụp hình, quay phim…., bảo đảm với bạn là cảnh đẹp không thể tả!

Dù cảnh trí trên đỉnh núi cao có đẹp, có xinh, có tuyệt hảo, tuyệt vời đến thế nào, rồi thì chúng tôi cũng phải xuống núi mà thôi, rất đúng như là ý của một bài văn chương của một người nào đó mà tôi đã được đọc, bài văn cả ý và nghiã của nó đều rất hay: “mỗi người, cho dù người đó có là ai, mẹ cha, chồng vợ,  con cái, anh em, bằng hữu, bạn bè… và cho dù là người đó có là thân thiết thâm tình, thương mến với chúng ta đến thế nào, thì rồi người đó cũng chỉ có thể đi chung cùng với chúng ta một chặng đường, đường đời, rồi cũng có lúc chúng ta phải từ giã, rồi cũng có khi chúng ta phải chia tay!”.
Lợi ích của bài văn nầy rất lớn, rất nhiều, chúng ta có thể đọc rất nhiều bài văn, 100 hay 1,000 bài văn, bài thơ trong đời, nhưng có rất ít bài văn, bài thơ có được những ý tưởng hay như vậy, có nhiều lợi ích như vậy, bởi vì khi minh triết được những điều nầy, khi giác ngộ được những điều nầy, thì chúng ta sẽ không còn đau khổ khi, trong những hoàn cảnh nào đó, trong những trường hợp nào đó, chúng ta phải chia biệt, phải giã từ với những người chúng ta thương mến, những người chúng ta thương yêu…như là mẹ  cha, chồng vợ, anh em…

Còn Thiên Đàng, phần nhiều các Tôn giáo đều vẽ cảnh Thiên Đàng vô cùng đẹp đẽ, nhưng những Thiên Đàng nầy chỉ là nơi người hứa hẹn chớ không có thực, và Thiên Đàng chỉ dành riêng cho những linh hồn, chớ không phải là nơi chốn dành cho than xác con người, tức phải chờ đợi tới sau khi mình đã chết kèm theo bao nhiêu là điều kiện, đòi hỏi phải tu hành vô cùng vất vả, vô cùng khó khăn, có người phải ăn chay trường, có người phải gõ mõ, tụng kinh, có người phải cắt tóc, cạo đầu, có người phải sống độc thân suốt đời, có người từ bỏ vợ con, gia đình…mà rồi thực tế thì cũng chưa chắc gì linh hồn những người nầy được đến chốn Thiên Đàng.

Ở đâu đó, tôi có đọc được một bài thơ có tựa đề là Thiên Đường, bài viết bằng Anh ngữ, bài thơ tôi không thuộc, tác giả tôi không nhớ, nhưng tôi nhớ ý bài thơ rất hay: “Thiên Đường không ở đâu xa, Thiên đường ở quanh ta, Thiên Đường là cánh đồng xanh gió thổi, là cánh diều bay trong gió, là tiếng sáo chiều hôm, là dòng suối mát ngọt ngào, là rặng núi xanh xa xa, là bóng mây trắng lang thang bồng bềnh, là vầng trăng khuya huyền ảo lung linh, là tiếng sóng biển rạt rào, là hàng cây thông lá vi vu, là cảnh đàn trừu thong thả đi rong trên cánh đồng cỏ….và quan trọng là mình nhìn ngắm nó với ai, lúc trẻ với cha mẹ, anh em, bạn bè, lúc thanh xuân với người yêu, lúc thành thân với con cái, lúc về già với cháu nội ngoại, lúc trăm tuổi với cỏ cây, giun dế, thiên nhiên…”

Bright, cái tên đã trở thành quá quen thuộc với những ai yêu mến mùa thu, những ai yêu mến cảnh thu trên nước Úc nầy, đúng hơn là trên cả nước Úc, ở Bright, chúng ta thấy có những con đường dài dọc những hàng cây khá cao, những hang cây đã được trồng công phu và chăm sóc thật cẩn thận cả 100 năm,  những hang cây có những cành lá giao nhau với hai màu lá khác biệt, một bên là hàng cây phong, thân cây trắng toát, lá cây vàng rực một màu thu như câu thơ Kiều của cụ Nguyễn Du “rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”.
Và một bên là hàng cây vũ với thân cây một màu nâu đen, với lá cây màu đỏ rực, cảnh sắc đẹp tuyệt vời, đẹp đến độ có người nói rằng đây chính là cảnh giới của thiên đàng, và chưa chắc gì là cảnh giới thiên đàng đẹp được như vậy, cho nên có người, mùa thu nào cũng đến đây để ngắm cảnh rừng thu, để ngắm lá mùa thu, có người không chỉ ở một hai ngày, mà ở cả mùa thu, cả thang thu, ở từ khi lá thu vàng vừa mới nhuốm, ở cho tới khi lá thu khô đã rụng rơi đầy.

Cho dù là cảnh sắc thu Bright có đẹp đến thế nào, rồi tôi cũng phải đi thôi, không thể mãi, không thể nhìn ngắm hoài, dù lưu luyến cũng phải đành đi thôi, tôi lên xe đi nhưng long còn ở lại với lá thu phong vũ đỏ vang thơ mộng của bright. Trước khi về khách sạn, chúng tôi đã ghé thăm một trại farm trái cây, ở đây có bán trái cây tươi, nhiều nhất là apple, có nhiều loại apple khác nhau nhưng đều được bán cùng một giá là $1.50 / 1kg, còn hạt dẻ thì bán nhiều giá tùy theo hạt lớn nhỏ, tôi mê nhất là hạt dẻ nướng, mà phải là mùa đông khi trời lạnh, trời càng lạnh càng thú vị khi cầm gói hạt dẻ rang nóng hổi, thơm lừng trên tay, mà phải là hạt dẻ rang trong chảo cát mới ngon, ở đây người ta rang hạt dẻ với nồi sắt và lửa ngọn, nên hạt dẻ bị cháy khét, không thấy thơm, mà trời hôm nay thì lại không lạnh chút nào, cho nên hôm nay ăn hạt dẻ mà tôi thật không thấy ngon, không thấy thi vị lắm!

Ở Bright cũng có Motel nhưng mà Motel nhỏ và chất lượng kém, không đủ chỗ cho cả đoàn đông đảo 48 hành khách, nếu đi nhóm nhỏ 5, 6 người chúng ta có thể mướn nhà trọ holiday house, có chỗ ở và có thể tự nấu ăn để có dịp nhìn ngắm lá thu lâu hơn, với nhóm khách đông đảo, chúng tôi đã phải di chuyển về thị trấn Albury bên kia câu biên giới để thuê khách sạn. Lần nầy bác tài thuê cho chúng tôi khách sạn Quality Olive Inn, phải mất 1:30 phút từ Bright chúng tôi mới về đến khách sạn ở Albury lúc 6pm, chúng tôi có đúng 1 giờ để nhận phòng, tắm rửa, nghỉ ngơi thay quần áo để đúng 7pm thì xuống phòng ăn tối.

7 giờ 30 sáng hôm sau, ngày Chuá Nhật 28/4, chúng tôi đến phòng ăn sang, phần ăn Full breakfast, phần căn bản mỗi người một diã trứng rán, thịt, beaken and egg, bánh mì nướng, và các thức uống nước cam, nước táo, nước dâu, trà cà phê…. tự do, ngoai ra còn có các thứ trái cây và bánh ngọt. Đúng 8 giờ 30 chúng tôi trả phòng, lên xe bus rời khách để đi chơi vài nơi trước khi về lại Melbourne, một trong những chỗ đáng ghi và kể lại là hồ nước Hume Lake và đập nước Hume Dam, cách Thị Trấn Albury 11 km.

Hồ nước Hume là nguồn nước cho con sông Murray River, chuyển vận nước  sinh hoạt và trồng trọt cho cư dân của 3 tiểu bang Victoria, South Australia và NSW, dòng nước từ đập Hume Dam nầy chảy ra tới cửa biển thuộc tiểu bang South Australia, ở cửa biển Murray Mouth, hồ Alexandria, biển Ấn Độ Dương,  trên đoạn đường dài 2,225 km, nghiã là chúng ta có thể chỉ cần đứng trên đập nước Hume Dam nầy, với trí tưởng tượng chúng ta có thể trôi xuôi dòng nước đi xa tới biển trên 2 ngàn km! Công việc xây cái đập nước Hume Dam nầy cần tới 1,000 nhân công và đã có 9 công nhân đã chết trong thời gian xây dựng đập.

Murray River là con song dài nhất nước Úc, tổng số chiều dài của sông Murray River là 2,375 km, là nguồn nước ngọt quan trọng nhất của nước Úc thường khan hiếm nước ngọt, nguồn tài nguyên tưới tiêu cho ngành nông nghiệp Úc, sông Murray River còn có những giống cá nước ngọt ngon nhất nước Úc, giống cá chép Perch Murray ngon tuyệt hảo. Chúng ta có thể câu cá gần như trên bất cứ đoạn sông nào của sông Murray River, nhưng chúng ta phải tôn trọng luật lệ, qui định của chính phủ về việc câu cá trên sông Murray River, như là chúng ta chỉ có quyền câu nhưng không có quyền lưới cá trên sông Murray River, và chúng ta chỉ được câu vào mùa nào, kích cở nào, mỗi người được đánh bắt mỗi lần bao nhiêu con…,chớ không được đánh bắt bừa bãi như ở Việt Nam, có điều không ngờ là để có cá cho chúng ta câu lên ăn, hàng năm chánh phủ đã phải gây giống cá rồi thả chúng xuống con sông Murray River nầy hằng bao nhiêu là triệu những con cá con cho nó sinh sống.

Cho nên mỗi con cá Murray chúng ta có, dù chúng ta mua hay chúng ta câu, chúng ta cũng đều phải nhớ ơn con sông Murray, vì nó đã nuôi sống những con cá nầy, và chúng ta cũng phải mang ơn chính phủ Úc, không có chính phủ nào tử tế, chăm lo đời sống người dân như chính phủ Úc, cho nên chúng ta có thể nói là không có thể chế chính trị nào tốt hơn chế độ dân chủ, tự do, vì chỉ có chế độ tự do dân chủ, người dân mới được hưởng nhiều quyền lợi, mới buộc được chính phủ phải chăm lo cho đời sống của dân chúng, đảng phái nào không chăm lo đời sống của dân, đảng phái đó chắc chắn sẽ phải thất cử!.

Chúng tôi về tới Springvale lúc 6 pm, đúng với giờ giấc và nơi chốn đã qui định trong lịch trình du ngoạn, chuyến đi ngắn hạn, chỉ có 2 ngày cuối tuần nên khá thuận tiện cho nhiều người, người hưu trí và cả người đi làm đều thuận tiện, thỉnh thoảng lắm chúng ta mới có một weekend đi chơi xa, nó cũng có nhiều điều lợi ích, câu tục ngữ “đi một ngày đàng học một sàng khôn” thường rất đúng, nó càng đúng hơn trong chuyến đi nầy, vì chúng tôi gần như tất cả mọi người đều có được nhiều điều lợi ích, nhiều việc học hỏi.

Với một tâm hồn của thơ và mộng, chúng ta có thể nói, không phải là chúng ta đã có một chuyến đi về cuối tuần trên một đoạn đường dài 1,000 km, trong khoảng thời gian 2 ngày của một cuối tuần, mà chúng ta đã đi qua một đoạn đường rất xa, cả mấy ngàn km của con sông dài và hữu ích nhất nước Úc,  con sông Murray River, và chúng ta cũng đã đi một đoạn đường xuyên hai Tiểu bang Victoria và NSW, và chúng ta cũng đã đi xa tới 100 năm của thời gian mà người ta đã phải trồng và đã phải chăm sóc những hàng cây phong vũ nầy để cho nó có thể thay lá, đổi màu vàng đỏ vào thu cho chúng ta nhìn ngắm cảnh thu. Và cũng để rồi từ đây, mỗi khi thu về, mỗi khi nhìn thấy cây thu, hay nhìn ngắm lá sang thu, mỗi khi nghe gió thu bay, hay là nghe mưa thu về lạnh lẽo…, thì chúng ta sẽ lại nhớ những kỹ niệm của chuyến đi nầy, chuyến đi du ngoạn mùa thu ở Bright.

Thái Tấn Truyền

No comments:

Post a Comment