Wednesday, 30 July 2014

Ánh sáng Cuối Đường Hầm



Sau khi lên ngồi phía sau xe taxi, Hiền nói với người tài xế: “Tôi muốn đi tìm nhà người quen ở Thanh Khê,  lâu quá rồi tôi không đến đây nên chỉ còn nhớ mang máng. Từ ngã ba Thanh Khê vào một con hẻm lớn chừng hai trăm thước, rồi lại quẹo phải chừng năm mươi thước, căn nhà đó nằm bên phải, Người bạn tôi tên Lượm, dân cố cựu vùng nầy, nhờ anh tìm giùm, anh đừng lo, tôi sẽ bồi dưỡng cho anh hậu hỉ”.
Người tài xế hỏi lại: “Thế chị không tới đây từ bao lâu rồi?”
Hiền trả lời, hình như đã tính trước: “Chừng mười lăm năm”
“Mười lăm năm, biết bao nhiêu vật đổi sao dời, sợ rằng mọi vị thế đều thay đổi, nhận không ra, Hy vọng anh ấy là dân sống ở đây lâu năm thì hàng xóm láng giềng biết sẽ chỉ cho chị, hy vọng không khó lắm”.

Người tài xế cho xe chạy ra đường Hùng Vương, con đường huyết mạch của Đà Nẵng ngày xưa, xe cộ tấp nập nhưng chị không để ý, suy nghĩ miên man. Chị quyết tâm gặp lại Lượm và đứa con gái của chị, sau mười lăm năm chị vượt biên biệt tích, không có một tin tức nào về cha con họ. Dù Lượm có xỉ vả mắng nhiếc chị, có xua đuổi thì chị cũng phải gặp họ để nói một lời xin lỗi, để nhìn lại đứa con gái mà khi chị ra đi nó chỉ mới bốn tuổi. Đứa con mà bao nhiêu năm sống cơ cực ở quê nhà, chị không gửi một đồng bạc nào về cho con bởi lòng ích kỷ vì sợ Lượm sẽ bắt liên lạc, gây khó khăn cho chị. Trong lúc chị muốn tránh tất cả, để mọi người nghĩ rằng chị đã chết. Khi ra đi trong lúc Lượm còn trong trại cải tạo, gia đình nghèo khổ, tất cả đồ đạc trong nhà đều bán sạch. Cũng vừa lúc đó có những chuyến vượt biên bán chính thức dành cho người Hoa, chị được một người đàn ông quen biết đề nghị giúp chị với điều kiện chỉ một mình chị đi, con phải để lại. Chị đắn đo bao nhiêu ngày, nếu ở lại với tình trạng nầy mẹ con đều chết đói, chi bằng gửi con về bên nội rồi qua đến Mỹ chị gửi tiền về nuôi con. Chỉ có một con đường nầy giải quyết ổn thỏa bức bách về sự sống còn của chị và con. Thế nhưng oan nghiệt thay…
Xe ngừng trước một con hẻm, tài xế quay qua nói với chị: “Đã đến nơi, chị cứ ngồi trên xe, để tôi xuống hỏi những người quanh xóm nầy có biết ông Lượm còn ở đây không?”

Chị nhìn quanh nhưng không thể nhận ra có cái gì quen thuộc mà trước đây chị sinh sống. Mọi vật đều thay đổi xa lạ. Tự nhiên chị hồi hộp, tim chị đập mạnh không biết chuyện gì sẽ xẩy ra với chị khi đứng trước mặt anh. Bây giờ chị mới thật sự thấy lo lắng. Chị lấy kính đen ra mang để mọi người trong xóm nầy không ai nhìn ra được chị, người đàn bà có một thời gian dài sống ở đây. Làm sao chị có thể bước xuống xe đi bộ vào con hẻm trước bao nhiêu cặp mắt soi mói nhìn mình. Có phải chăng đây cũng là một hình phạt về cái chuyện mình đã gây ra cho cha con họ. Vì sự ích kỷ của mình, vì gặp một hoàn cảnh nhục nhã mà mình không muốn cho cha con họ biết, nên mình đã cắt đứt liên lạc với chồng con, để bây giờ mọi chuyện đều ngỡ ngàng, cảm thấy xấu hổ.

Người tài xế trở ra nói với chị: “ Anh Lượm còn ở đây, nhưng không có ở nhà, đang bán phở ngoài đường cái. Tôi đưa chị ra đó”.

Xe chạy ra đầu hẻm thì ngừng, quán phở nằm bên kia đường. Chị ngồi trên xe nhìn qua quán phở nhận ra anh ngay. Anh đang đứng phía sau nồi nước lèo đang bỏ bánh phở vào tô cho khách. Vẫn bộ râu mép rậm rạp, vẫn nụ cười luôn luôn trên môi mà ngày xưa anh đã chinh phục chị. Chỉ khác một điều là ngày xưa anh là một phi công, còn bây giờ anh là người bán phở. Chị ôm mặt cúi đầu khóc nức nở, thương cho anh quá nhưng bây giờ làm sao đây. Tóc anh nhuốm bạc, da sạm, đôi gò má hóp đủ biết anh sống trong cơ cực, bần hàn, thế mà bao nhiêu năm nay chị không chi viện một đồng bạc nào cho anh và con để sống. Nghĩ tới sự bạc tình của mình, chị cảm thấy xấu hổ. Làm sao cha con anh không oán trách?
Người tài xế hỏi chị:
“Chị xuống xe, hay còn đi đâu khác?”
“Anh cho tôi xuống đây”. Rồi chị móc ví trả tiền xe, không quên gửi tiền thêm cho tài xế.
Chị vào một quán nước đối diện với tiệm phở của anh bên kia đường, tìm một chỗ ngồi thích hợp để nhìn qua. Chị phân vân không biết làm cách nào để gặp anh, trong lúc khách khứa còn ra vào. Chị gọi một ly café đá rồi hỏi chuyện người bán quán:
“Tiệm phở bên kia đường bán có khá không chị?”
“Phở bình dân rẻ tiền, bán cho khách lao động quen biết, kiếm đủ sống?”
Chị muốn hỏi về đứa con gái của chị, nhưng không biết cách nào chị phải hỏi một cách lòng vòng, mông lung:
“Có một mình anh đó đứng bán, không có ai giúp anh ấy sao?”
“Trước đây thỉnh thoảng có đứa con gái phụ với cha, bây giờ nó đi học xa chỉ một mình ổng làm”.
Chị ngạc nhiên:
“Bộ ở đây không có trường sao mà phải đi học xa?”
“Con bé học giỏi lắm. Lên đại học, ở đây không có ngành đó, nên nó phải vào Sài Gòn”.
Chị cuối mặt thoáng một vẻ vui mừng. Chị nói một cách bâng quơ:
“Bán phở bình dân mà nuôi con lên đại học, giỏi thiệt”.

Người bán quán dừng tay pha café, nhìn chị như soi mói và trách móc một cách nhẹ nhàng:
“Ông đó có vợ đi Mỹ nhưng biệt tích, nghe nói bà ta có chồng khác không giúp gì cho cha con ông ấy hết. Tệ thật”.
Một lời cố ý hay vô tình đã làm cho chị thấm đau. Một người dưng bên ngoài không ở trong cuộc, nhưng thấu hiểu được hoàn cảnh của cha con anh, lời của họ như muối xát vào mặt chị, huống gì cha con anh làm sao tránh được sự phẩn nộ? Chị tự hỏi có nên gặp anh ngay bây giờ không? Chị có chịu nổi sự chửi bới nặng nề của anh giữa lúc tiệm đang có khách, có mặt những người lạ.
Chị hỏi người bán café:
“Quán phở bên kia mấy giờ mới đóng cửa?”
“Sắp đóng cửa bây giờ. Quán chỉ bán buổi sáng và trưa, hai giờ chiều đóng cửa để ông ấy đi chợ lấy hàng về nấu, chuẩn bị cho sáng mai. Ngày nào cũng vậy, tội nghiệp”.
“Anh ấy không lấy vợ khác sao?”
“Ông ấy bảo rằng mình nghèo quá không lo cho người ta trọn vẹn, làm khổ thêm một người nữa, mình không đành. Thôi ở vậy nuôi con. Ông ấy cũng có nhiều bà thương, cũng có bà lắm của nhiều tiền, nhưng ông không màng tới, hình như ông sợ chuyện lấy vợ. Một con chim bị thương nên sợ hãi tiếng bật của cung”.

Chị cuối xuống, khóc nức nở như có ai thọc trúng yếu huyệt. Sau cơn giằng xé con tim, chị gỡ kiếng đen ra lấy khăn lau nước mắt. Ngày xưa anh đẹp trai, một trung úy phi công bay bướm. Nhưng khi kết hôn với chị, anh từ bỏ tất cả các thú vui về sống với vợ con. Lương trung úy của anh cộng với lương giáo viên của chị, hai vợ chồng không giàu có nhưng sống thoải mái. Những ngày sống với nhau thật hạnh phúc, buổi chiều anh chở vợ con trên chiếc xe lambretta đi hóng mát trên bờ sông Hàn. Thứ bảy gửi con cho bà ngoại, vợ chồng đi xem ciné hay nhảy đầm. Một khoảng thời gian ngắn đó đã cho chị hiểu được thế nào là hạnh phúc, mà suốt cuộc đời sau nầy chị không thể nào tìm lại được. Chính chị là người đánh rơi mất cái hạnh phúc tuyệt vời đó, chối bỏ chồng con, chạy theo một thứ danh lợi phồn hoa. Đày ải anh và con lâm vào cảnh bần cùng tồi tệ.
 
Chị nói thật với người bán café:
“Tôi là vợ của anh Lượm trước đây và là mẹ của cháu Hậu. Không ngờ rằng tôi đã gây ra nhiều oan nghiệt cho cha con họ quá. Chính tôi cũng không thể tha thứ cho lầm lỗi của mình, thì làm sao tôi đòi hỏi chồng và con tôi tha thứ cho tôi được”.
“Tôi không ngạc nhiên, vì Hậu giống bà như đúc. Khi nghe bà hỏi thăm ông Lượm là tôi có linh tính đoán ra được bà là vợ của ông ấy trước đây. Bà cứ qua đó gặp ổng, chắc ông mừng lắm”.
“Không đâu. Tôi nghĩ anh ấy có thể giết tôi cho hả giận, nhưng tôi không sợ. Có lẽ như vậy tôi cảm thấy thanh thản hơn”.

Chị trả tiền café, đứng dậy, cám ơn, rồi băng qua đường. Người bán hàng nhìn theo chị vừa lo lắng, vừa thương hại, và cũng vừa có chút trách móc. Anh đang chuẩn bị đóng cửa tiệm, chị bước tới đứng phía sau, gọi khẻ:
“Anh Lượm”.
Anh quay lui, sững sờ, mắt anh sáng rực, đôi mày anh nhíu lại, rồi anh thốt lên:
“Hiền đó à, khỏe không em?”

Em không muốn anh hỏi em như vậy. Hãy tát vào mặt em, chửi rủa hành hạ em và nếu cần có con dao thái thịt trên bàn, anh có thể chém em một nhát. Em sẳn sàng tất cả rồi, phải dùng những phương tiện tồi tệ nhất đối với em chứ đừng nhỏ nhẹ với em như vậy. Em không có quyền nhận sự mềm mỏng, sự tha thứ nào của Anh và con…
“Hiền vào quán, anh khóa cửa. Chúng ta nói chuyện không có ai quấy rầy”
Chị nhìn quanh cửa tiệm, vỏn vẹn có năm cái bàn nhỏ, một quày tính tiền, hai bếp lò than kê sát vách tường. Một quán phở bình dân dành cho dân lao động. Tài sản sơ sài của anh khoảng chừng một trăm dollars, thế mà nuôi con ăn học đàng hoàng. Chị kéo ghế ngồi vào bàn, hai tay chống trên bàn mặt cúi xuống, chị gỡ kính ra lau nước mắt, nhưng nước mắt cứ trào. Chị khóc cho ai, cho chị hay cho anh? Chị không còn phân biệt được, nhưng có một điều nước mắt sẽ làm cho người đàn ông phấn chấn và xiêu lòng. Anh kéo ghế ngồi đối diện, không nói một lời, nhìn chị khóc cho hả bớt sự tức tối, đay nghiến chính mình.

Sau một hồi lâu, anh mới lên tiếng:
“Em đừng chống tay lên bàn dơ tay áo. Hôm nay anh chưa lau bàn”.
“Anh đừng lo, cái dơ bẩn nầy nhằm nhò gì cái dơ bẩn của em đang mang trong người. Mọi người biết chuyện đều xa lánh khinh bỉ em, chửi rủa mắng nhiếc em. Còn anh, sao anh lại tiếp em, không hành xử thô bạo với em, để cho hả dạ mà em đã gây ra cho anh…”
Anh nhìn chị rồi cười:
“Như vậy thì ích gì cho anh? Thú thật với em, từ lâu anh không còn biết giận hờn là gì cho nên lòng anh mới được thanh thản,  Nếu cứ mang hận thù mãi trong người, chồng chất cái nầy lên cái kia, đến bây giờ chắc nó đã dìm anh chết mất. Nhưng thôi, lâu quá mới gặp em, nói chuyện khác cho vui”.
“Chuyện gì với em cũng không thể vui được, Từ khi ngồi trên máy bay em khóc mãi cho đến bây giờ, Em nghĩ gặp anh, em sẽ bị xua đuổi, sẽ bị nguyền rủa thậm tệ, Em đã chuẩn bị những tình huống xấu nhất, Dù thế nào, dù có chết em cũng phải gặp anh và con, để cho em thấy được mặt, rồi sau đó ra sao cũng mặc”.

“ Cái gì mà ghê gớm đến thế, Tụi mình cũng đã bắt đầu mấp mé đến tuổi già, không bằng lòng cái gì thì nói với nhau, gây cho nhau khó khăn để làm gì? Con Hậu nó đi học ở Sài Gòn, em cần thì anh cho địa chỉ để vào gặp nó. Còn anh bao giờ cũng vậy, tà tà sống qua ngày, không còn bị ràng buộc những bon chen, những tranh giành. Bây giờ anh không còn gì để mất, một cơn bão đã bật tung cội rễ, một canh bạc đã làm khánh tận. Có ngồi than thân trách phận cũng chẳng được gì, Chi bằng mình gạt bỏ tất cả để sống cho mình, cho con, đủ rồi”.

Chị ngồi trước mặt anh, cách nhau một cái bàn, có thể nắm lấy tay nhau được. Thế nhưng sao hai người có một khoảng cách rộng lớn quá. Anh sống cho mình, cho con, nhưng chị cứ nghĩ anh đang sống cho tha nhân, lòng anh mở toang. Anh rộng lượng như Bồ Tát, tính tình anh thay đổi một cách lạ kỳ. Ngày xưa chị khiếp sợ trước cơn giận dữ của anh, đôi mắt anh sáng quắc nhìn chị như ăn tươi nuốt sống. Chị tránh nhìn vào đôi mắt đó, hình như nó có một cái gì đó làm cho chị khiếp sợ, thuần phục. Thế nhưng sau cơn giận, bao giờ anh ôm chị rồi xin lỗi chị trước. Còn bây giờ cũng đôi mắt đó sao nó có vẻ lung linh dịu hiền, có một thần lực sâu kín, một cái nhìn vị tha. Còn chị, chỉ biết bo bo sống cho mình, hẹp hòi, ích kỷ. Luôn luôn nghĩ tới lợi ích, chà đạp lên tất cả, bất chấp dư luận. Chị đã ruồng bỏ chồng con, xem như họ không có mặt trên cuộc đời nầy. Chị quên họ để dễ bề tái lập một cuộc sống mới cho đở hổ thẹn với lương tâm. Mà làm gì có lương tâm khi con người không còn tình thương yêu đồng loại, đừng nói gì đến tình máu mủ ruột thịt. Anh đang ngồi bên kia đối diện. Cái áo thun cũ mèm, chiếc quần tây mốc thếch, đôi dép Nhật mòn lẳng. Vẫn đôi lông mày rậm rạp, mái tóc muối tiêu bềnh bồng một chút phong trần, vẫn hồn nhiên tươi cười, thanh thản. Một tấm lòng rộng lượng. Trông anh sao oai vệ, lớn lao quá. Còn chị, trong bộ áo quần đắt tiền, sang trọng. Khuôn mặt hồng hào trắng trẻo. Sao chị vẫn cảm thấy mình thấp hèn và u tối quá.

“Anh thù ghét em, khinh bỉ em, phỉ nhổ em... anh làm đi, hãy làm đi để em được thấy mình bị trừng phạt, bị nguyền rủa. Em không mong anh và con tha thứ, mọi thứ nầy em không xứng đáng nhận lãnh. Về đây, em chỉ mong thấy được anh và con, rồi em có chết cũng thỏa lòng”.

“Tại sao em phải đày ải mình như vậy để làm gì? Được em còn nhớ tình xưa đến thăm cha con anh, đó là diễm phúc lắm rồi. Chúng ta không còn nợ gì với nhau, hãy để mọi chuyện yên nghỉ. Nếu em còn ở đây thỉnh thoảng đến thăm anh, còn vào Sài Gòn thì đến thăm Hậu, nếu em có thì giờ. Cuộc sống của cha con anh như một cổ máy vận hành đều đặng, mười mấy năm không ngơi nghỉ. Em về, tự nhiên anh cảm thấy có một chút giao động, cuộc sống như chựng lại. Hy vọng mọi chuyện sẽ trở lại như cũ”.
“Có phải chăng đó là lời cảnh cáo? Đừng làm phiền anh phải không?”

Anh nhìn đi chỗ khác: “Em nghĩ sao cũng được, bây giờ không phải lúc tranh cãi những chuyện vu vơ, Anh không nói như vậy, nhưng nếu em nghĩ như vậy thì cũng chẳng sao. Từ lâu anh sống trong cô đơn quen rồi, em về khuấy động lòng anh không ít, Dù có dửng dưng thì cũng bị một cái “sốc”, Anh thấy tủi thân, Hay là em đừng tới nữa, để anh yên vị với cách sống xưa nay của mình”.

Chị bật khóc nức nở, anh đã thẳng thừng đuổi chị nhưng chị cảm thấy như vừa lòng, Bây giờ chị mới nhận được một chút hất hủi, ít ra nó phải mang một cái gì đó thể hiện sự trừng phạt, Mười lăm năm, anh đã đắng cay trong cực khổ, chờ vợ thương tình gửi cho một ít tiền nuôi con, vợ lờ đi, Anh bữa đói bữa no, hy sinh cho con. Những nhọc nhằn trong thời kỳ khó khăn đó, anh không quên được,  Bây giờ đời sống đã tạm ổn dù vẫn nghèo khó, vẫn chật vật, nhưng không ở trong tình trạng bức bách như hồi trước. Anh tự cảm thấy bằng lòng với mình, Mỗi tháng gửi cho con một ít tiền ăn học, dặn dò con cố gắng dè xẻn trong số tiền ít ỏi đó. Tội nghiệp con bé, biết cha khổ cực nên không dám tiêu một đồng bạc nào phung phí. Con bé nói với cha nhiều lần là nó phải học, Chỉ có học sau nầy mới giúp được cha thoát khỏi cái cảnh nghèo khó. Con bé khôn lanh từ nhỏ, đã lăn lóc với cha trong mưu sinh, trưởng thành trong chật vật, nên hiểu cái giá trị đồng tiền tạo ra từ mồ hôi, từ khổ nhọc, Chính vì vậy nên anh cũng yên lòng khi phải xa con.

Sau khi những xúc động, những ngỡ ngàng gặp lại nhau trôi qua. Bây giờ anh nhìn chị một cách kỹ càng, để xem một con người hiền hậu, thương yêu chồng con của thủa nào, sau một thời gian ngắn đến Mỹ, đã chối bỏ quá vãng của mình một cách dễ dàng, ruồng bỏ chồng con. Anh lắc đầu, không thể hiểu nỗi lòng dạ con người, khéo léo che đậy bên trong một sự phản phúc thối tha. Cái nhận xét của anh có trung thực không? Có cay nghiệt không? Hay anh là một nạn nhân của hoàn cảnh nên phán xét sự việc nghiệt ngã như vậy. Anh đã cố quên đi những uất hận, những khổ đau của một con người sống cô thế nghèo hèn, bằng lòng với những gì mình tạo ra được, cuốn mình trong cô đơn.

Từ lâu đã quen sống trong một môi trường chật vật, không còn tha thiết đến chuyện lập lại gia đình, Anh ngán ngẩm với lòng người, Khi mới học tập trở về, nghe tin vợ đến Mỹ, anh mừng lắm, Như vậy đời sống của cha con anh có một tia hy vọng, sẽ được vợ trợ cấp, rồi một ngày nào đó sẽ được vợ bảo lãnh, Thế nhưng năm nầy qua năm khác, trông ngóng dài cổ vợ vẫn biệt vô âm tín. Cha con anh sống trong khổ cực, trong thiếu thốn phải cắn răng chịu đựng. Tất cả các ước mong trong anh đều tan biến, không còn một tia hy vọng nào. Cũng may, giữa lúc khó khăn như vậy thì một người bạn được gia đình bảo lãnh đi Mỹ, bán lại tiệm phở bình dân nầy bằng cách trả góp. Một cái phao vớt anh ra khỏi sự ngụp lặn trong bon chen, dù nó không đắt khách lắm nhưng sau khi trang trải mọi thứ, cha con anh cũng có một cuộc sống tạm ổn.

Anh nói với chị: “Con Hậu giống em như tạc, nhưng nó không hiền hậu khéo léo bằng em,  Nó sống với cha từ nhỏ nên tính tình của nó cứng rắn, dứt khoát”.

Không hiền hậu khéo léo bằng em, sao anh không nói nó không điêu ngoa, không lừa lọc như em, Để em dễ dàng nhận thấy mình còn được một diễm phúc, là con em ít ra nó khác xa mẹ nó về tính nết, về xử sự, về nhân tính…Anh đã ném cho em một cục đường, mà khi nuốt vào mắc ngang cổ họng, Cái đau của sự ngọt ngào nầy như một chất cường toan thiêu đốt em, Sao anh vẫn còn đối xử với em nhẹ nhàng để làm gì, khi mà em muốn mọi người phải hành hạ em, phải chửi rủa em. Mười lăm năm nay em chưa thấy mặt con, nhưng em biết nó là một đứa bé ngoan, một mình đi xa trọ học, quyết tâm thay đổi cuộc sống khá hơn sau nầy, để giúp cha thong thả trong tuổi già sức yếu.

Nội cái suy nghĩ đã đượm cả một nhân sinh quan đạo đức đó thôi, đủ biết nó sống hết mình với thân thuộc, Hậu là con em, nhưng bỏ xa một khoảng cách dài trong quan niệm sống của em, Nó rộng rãi với người thân bao nhiêu thì em nhỏ nhen ích kỷ bấy nhiêu. Quả thật em không còn xứng đáng một người mẹ, nhưng cũng may cho em, an ủi được em là con em đang là một thiên thần, trong lúc em đã là một quỷ sứ.

“Em à, anh phải đi chợ chiều nay, rồi về nhà nấu, để ngày mai dậy sớm bán hang, Bây giờ đã trễ quá rôi, sợ người ta không chờ mình được”.
“Anh có thể đóng cửa vài hôm được không, Em năn nỉ anh, cho em xin một cơ hội được gần anh với con vài ngày, Rồi sau đó em sẽ ra đi không còn làm phiền lòng anh nữa”.

“Anh nghĩ chúng ta đã trao đổi với nhau đủ rồi, cái gì cần thì đã nói, Không cần phải kéo dài ra thêm để làm gì, Chân đã bước qua khỏi lằn ranh, không rút lại được, tiếc nuối làm gì thì cũng vậy thôi”.
Chị gục xuống bàn khóc, Cũng tiếng khóc nầy, cũng con người nầy mà ngày xưa khi giận dỗi chị vào buồng lên gường nằm khóc, dù có tức giận cách mấy nghe chị khóc anh không làm sao chịu được, nó rưng rức, nghẹn ngào đã làm cho anh xốn xang. Bao giờ anh cũng thua cuộc trước. Lấy khăn lau nước mắt, dỗ dành chị. Còn bây giờ, cũng tiếng khóc đó nhưng sao anh cảm thấy xa lạ. Nó không đánh động được lòng anh. Sao vậy? Mười bảy năm từ khi anh vào trại cải tạo, anh không còn được nghe chị khóc. Bao nhiêu năm xa nhau đã làm cho con người anh chai lì, không còn biết rung động, ngược lại anh thù ghét tất cả. Cũng may anh còn đứa con gái là chiếc phao cuối cùng anh vịn vào đó để sống. Những năm đầu, anh oán hận chị nhưng dần dần về sau nguôi ngoai, mang làm gì cái đó trong người cho thêm nặng nề. Tự nhiên cuộc sống được bảo hòa, anh cố quên đi tất cả để sống thoải mái an lạc.

“Thôi được, anh treo bảng đóng cửa vài ngày vì bận việc gia đình, để khách khỏi phải đợi”.
Anh vẫn chìu chị, anh cứng rắn lắm kia mà, sao lạ vậy? Anh cũng không biết tại sao mình lại mềm lòng như thế. Chỉ vài ngày rồi chị ra đi, anh không nở khi chị trở qua bên kia mà còn mang trong lòng u uất, dù điều nầy xứng đáng với hình phạt bỏ bê chồng con của chị. Thôi, mọi chuyện đâu vào đấy. Gây thêm làm gì những rắc rối cho người khác. Anh phân vân có nên gọi Hậu về thăm mẹ, hay để mẹ vào Sài Gòn rồi đến thăm con. Hậu là đứa con gái cứng đầu, thù ghét dai dẳng chắc gì nó tiếp mẹ, mặc dù nó cần có mẹ. Anh đề nghị với chị nên đánh điện tín gọi Hậu về, dù gì có anh bên cạnh nó cũng không dám đay nghiến mẹ hay lở lời với mẹ. Anh về nhà tắm rửa thay đồ rồi lấy chiếc xe honda cà tàng của mình chở chị ra bưu điện. Chiếc xe nầy thuộc loại cũ mèm, khi qua tay anh nó chưa có hân hạnh chở người, mỗi ngày anh dùng nó chở thịt, bánh phở, rau v.v.. mọi thứ cho tiệm phở của anh.

Đây là lần đầu tiên chở người. Sau khi suy nghĩ, anh đánh điện tín cho Hậu với nội dung: “Hậu, Ba đau nặng. Mua vé máy bay về gấp”.
Sau hơn mười bảy năm, bây giờ chị mới ngồi phía sau xe anh chở. Chị cảm thấy thật hạnh phúc, tay chị ôm ngang lưng anh, đầu tựa vào vai, chị được ngửi lại mùi da thịt quen thuộc của những ngày êm ả thủa nào. Chị cảm thấy thương quá, thân hình anh ốm o, vóc dáng như nhỏ lại. Ước gì hai tay chị được ôm siết anh thật chặt như ngày xưa, cái mơ ước thật nhỏ bé, thật đơn giản, đang ở trong vòng tay chị. Thế nhưng nó quá xa vời, chị không đủ can đảm tiến tới thêm, hình như nó đang có một lực cản mà chị không tiến tới được, vừa xấu hổ vừa quý trọng đang âm ĩ trong người chị.

“Em có cần đi đâu nữa không?”
“Anh chở em đi vòng thành phố một chút được không? Em muốn nhìn thấy lại thành phố”.
Anh không thấy gì ở chị một sự thay đổi, vẫn nhỏ nhẹ như ngày nào, vẫn còn thùy mị mà sao trong lòng chị thay đổi nhiều như vậy. Anh không muốn hỏi về gia đình của chị ở Mỹ, vì anh sợ đụng tới một sự thật phủ phàng. Thôi hỏi để làm gì, khi mà mọi thứ đều nằm ngoài tay với, biết để rồi ấm ức chứ ích gì. Anh đưa chị đi những nơi mà ngày xưa vợ chồng hay lui tới, khung cảnh tuy có đổi khác, nhưng trong lòng của hai người vẫn còn đọng những dấu ấn. Chị xin anh cho chị về nhà ở vài ngày được không, để chờ con Hậu về rồi tính sau. Anh phân vân, lại làm khó cho anh nữa rồi. Cũng may căn nhà anh mới xây lại năm vừa qua, tuy không tiện nghi nhưng cũng có nơi để chị nghỉ. Ghé qua khách sạn để chị lấy đồ đạc. Anh ngạc nhiên, đi bao lâu mà mang đồ nhiều quá vậy, bốn cái va-li và một cái xách tay, phải nhờ khách sạn gọi taxi chở đồ.

Khi xe về tới đầu hẻm, cả xóm chạy ra nhìn chị. Chị cảm thấy thẹn thùng, cúi đầu đi nhanh vào nhà. Chị còn nghe tiếng trằm trồ: “Bà đẹp quá, giống con Hậu như đúc”. Hàng xóm phụ anh mang va-li vào nhà, không quên chúc mừng anh đoàn tụ. Anh nghe như có cái gì mỉa mai, thấm đau. Có ai biết được nội tình của anh bây giờ. Vợ sờ sờ ở đó mà không phải của mình. Xa nhau lâu ngày khi gặp lại mà trong lòng vẫn bình lặng.
“Tối rồi, em muốn ăn gì anh chở đi”.
“Em ăn chay, mười lăm năm nay”.
Anh nghe như có cái gì đó chói tai. Ăn chay mười lăm năm nay để rồi bỏ bê chồng con như vậy sao? Con người nầy càng gần càng thấy khó hiểu. Những người có tâm nguyện ăn chay thì phải hướng về những điều lương thiện. Việc của chị đối xử với cha con anh mười lăm năm nay không có chút lương thiện tí nào. Anh không thể nào hiểu nổi lòng dạ đàn bà.

Hai ngày sau, Hậu về tới nhà. Bước vào cửa, Hậu nhìn thấy chị, kinh ngạc và biết ngay người đó là mẹ mình. Hậu quay mặt vào vách khóc nức nở, tiếng khóc mang nhiều suy nghĩ lẫn lộn: trách móc, thù ghét, mừng tủi v.v.. chị lại gần ôm con. Mười lăm năm bao giờ chị cũng nghĩ tới con, chính vì nó mà chị giữ lại mạng sống nầy. Ai hiểu được cái đau khổ tột cùng của chị. Nước mắt chị rơi trên vai con.

Hậu nói trong nước mắt:
“Từ lâu con cứ nghĩ mẹ đã chết”.
“Vâng, chính mẹ cũng nghĩ rằng mẹ đã chết. Hãy tha thứ cho mẹ”.
Khi ra đi, con mắt của con cứ đau đáu trông chờ chị. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày chị cầu nguyện cho chồng con chóng quên chị, xem như chị đã bỏ thây trên biển đông. Chị không liên lạc để cho chồng con nghĩ rằng chị đã chết. Nhưng mỗi lần toan tính quyên sinh là mỗi lần chị thấy đôi mắt của đứa con hốt hoảng nhìn chị, nên chị phải dừng lại ý định nầy. Thế mà chị không đủ can đảm bắt liên lạc với chồng con. Chị sợ rằng sẽ gây cho họ một sự đau khổ, một nhát chém trên lưng mà không bao giờ lành được. Mười lăm năm, chị không thể chờ thêm được nữa. Phải trông thấy được mặt con, mặt chồng rồi qua lại Mỹ quyết định mọi chuyện”.

Chị ôm vai Hậu lay nhẹ:
“Hậu à, cho mẹ xin lỗi. Về đây mẹ mới biết được một điều là ba và con hận mẹ, nhưng không xua đuổi mẹ. Rồi đây con sẽ hiểu mẹ hơn. Cho đến bây giờ mẹ vẫn ở vậy, không có gia đình, làm sao mà tái giá được khi mà lòng mẹ bao giờ cũng nghĩ về ba và con, Nhưng thôi chuyện nầy sẽ nói với con sau”.
Anh giật mình nhìn sửng chị, Hậu nín khóc ngay, quay lui nhìn mẹ, Tất cả chờ đợi.
Chị thong thả nói với con:
“Mẹ không nói dối con. Mười lăm năm nay mẹ chỉ biết đi làm, về nhà tụng kinh rồi đi ngủ, ngày nào cũng vậy, Chỉ có cuối tuần đi chợ mua thức ăn, Mẹ nghĩ rằng Ba bây giờ đã có vợ khác, Không ngờ mọi chuyện không như vậy, Tội nghiệp, tất cả đều do mẹ”.

“Thật hả mẹ, con mừng quá”.
Chị ôm con vò đầu:
“Trong bốn cái va-li mẹ mang về, áo quần của con và Ba. Còn mẹ đồ dùng chỉ trong xách tay. Qua lại Mỹ dần dần mẹ sẽ chuyển tất cả tiền về cho con và Ba tùy nghi. Đó là số tiền dành dụm mười lăm năm của mẹ”.
*
Thay đoạn cuối

Thưa chị Hiền,
Chị đã kể cho tôi nghe câu chuyện của đời chị. Chuyện quá sức thương tâm của một người đàn bà bị dày vò bởi những nghịch cảnh trên biển đông, trong lúc vượt biển. Mà sau nầy không dám nhìn lại chồng con. Luôn luôn bị dằn vặt, ám ảnh bởi những hình ảnh dã man của một lũ người mọi rợ, dày xéo trên thân thể của những người đàn bà cô thế, vô tội. Làm cho nhiều người xem mình như đã chết, không dám nhìn lại những người thân, trong đó có chị. Có một điều, sau mười lăm năm chị mới tỉnh người và có một quyết định sáng suốt trở về gặp lại chồng con.

Tôi không đủ chữ nghĩa để mô tả lại cái đau khổ tột cùng của chị, cái chờ đợi mỏi mòn của chồng con chị. Tôi là người ghi nhận vô cùng thiếu sót, mong chị lượng tình tha thứ. Song tôi nghĩ dù sao đi nữa câu chuyện nầy cũng làm cho nhiều người cùng hoàn cảnh thấy được chính mình, cho người khác thông cảm những mảnh đời oan ức của những người đàn bà bị làm nhục, bị dày xéo, đọa đày. Tôi nghĩ, tất cả mọi người nghiêng mình kính phục những người như chị. Đó là vấn nạn khổ đau chung của dân tộc chúng ta, trong một hòan cảnh bi đát của đất nước. Thế giới phải sửng sốt, lương tâm của những con người được đánh động và tình thương đã thắng.

Tôi mong rằng chị sẽ được sống thanh thản với chồng con, với cộng đồng loài người và tự hào tình thương đã đùm bọc lấy nhau, san sẻ cho nhau và tương kính nhau để sống.
Chúc chị và gia đình thành công trên bước đường còn lại.

Phan xuân Sinh

Friday, 25 July 2014

Chuyến đi du ngoạn Swan Hill



“Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá, Hạ tắm hồ ao, Xuân ngắm hoa…” , câu ca dao nầy nói về chuyện thú vui con người tùy thuộc vào những yếu tố thời tiết, mùa màng, mùa nào thức nấy, mùa nào thứ nấy, thú vui của mùa nầy không giống thú vui mùa khác, cho nên, muốn làm điều gì, muốn làm việc gì, cũng phải chọn lựa thời gian, chọn lựa không gian, mỗi lúc, mỗi nơi, mỗi việc, mỗi mùa đều có những công việc khác nhau, những thú vui, thưởng thức khác nhau.

Mùa đông ở Melbourne, tuy thời tiết không lạnh lắm, nhưng cũng khó tổ chức những chuyến đi chơi, nhất là những chuyến đi chơi xa, và nhất là với các cụ già, mùa đông ở Melbourne, chuyến đi thích hợp nhất, có lẽ là đi núi tuyết, ở Springvale thì núi tuyết gần nhất, ít nguy hiểm nhất là núi Mount Baw Baw, thời gian đi chưa đầy 2 giờ xe chạy từ Springvale. Núi Mount Baw Baw thì gần nhưng tuyết ít, và vì núi không cao nên phong cảnh không đẹp lắm. Muốn thấy nhiều tuyết hơn, muốn xem phong cảnh đẹp hơn thì nên đi núi tuyết Mount Buller, hay núi tuyết Mount Hotham, những núi tuyết nầy thì Hội Cao Niên Springvale đã từng đi, năm nay chỉ có một ít cụ vẫn còn muốn đi núi tuyết, các cụ già thì ngày một già, các cụ nhiều tuổi ngày một yếu, càng ngày càng thêm sợ lạnh, sợ tuyết, sợ gió…., cho nên cuối cùng thì có nhiều người muốn đi Swan Hill, bởi vì Swan Hill là nơi Hội Cao Niên chưa từng tổ chức chuyến đi nào.

Swan Hill có khoảng đường dài xa như chuyến đi Bright – Wodonga - Albury, bên cầu biên giới NSW, đường đi dài 400 km, đi về 800 km, bằng khoảng đường đi dài xuyên hai Tiểu Bang Melbourne – Adelaide, kể cả thời gian nghỉ ngơi phải mất đến 5 tiếng đồng hồ, cho nên chuyến đi Bright, Hội tổ chức 2 ngày, 1 đêm, thời gian như vậy thì hành khách mới thong thả, Tài Xế mới khoẻ khoắn, hành trình mới an toàn. Chuyến đi Swan Hill nầy cũng vậy, cũng khoảng đường dài xa 400 km, cũng đến con sông Murray River, bên cầu biên giới tiểu bang NSW, cho nên, lẽ ra Hội nên tổ chức chuyến đi 2 ngày, 1 đêm, thì mới tốt, mới khỏe, nhưng rồi vì nhiều lý do, Hội chỉ tổ chức chuyến đi du ngoạn Swan Hill nội trong 1 ngày, 5 giờ đi, 5 giờ về, 2 giờ ăn uống, nghỉ ngơi, thăm viếng, chụp hình, tổng cộng là 12 giờ đi và về.

Đi Bright, thành phố của mùa Thu, cho nên chuyến đi Bright phải tổ chức vào mùa thu, không thể và không nên đi Bright vào mùa khác, bởi vì chỉ có mùa Thu thì phong cảnh Bright mới thơ mộng, mới nên thơ, chỉ có mùa Thu Bright mới trở nên rực rỡ những sắc màu mùa thu, mới thấy những sắc lá thu vàng, để nhớ câu thơ truyện Kiều của Nguyễn Du “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”, mới thấy những màu lá thu phong vũ đỏ rực cành, xinh đẹp, mơ màng….

Còn mùa đông lạnh lẽo nầy, mà đi đến Bright thì chỉ thấy những cành cây trơ trọi, chỉ thấy những thân cây khắng khiu, không thấy lá thu phong vàng, không thấy lá thu vũ đỏ, không thấy những tàng lá cây pha trộn những sắc màu xanh vàng đỏ như tranh vẽ, không có những bông hoa, không có hoa quả, trái cây, không có chesnut, không có apple…., chỉ có một Bright đông về lạnh lẽo, vắng ngắt, lặng lẽ, đìu hiu, mưa, gió…. ! Cho nên Hội đã tổ chức chuyến đi Swan Hill, một điạ điểm Hội chưa từng tổ chức chuyến đi nào, Swan Hill không có rừng thu, không có lá vang thu rơi rụng con đường, cho nên không cần tổ chức đi Swan Hill vào thu, Swan Hill tuy cũng có con sông Murray River chảy qua như là Albury - Wodonga, nhưng Swan Hill rất nóng vào mùa hè, cho nên không nên tổ chức chuyến đi Swan Hill vào mùa hè.

Có thể đi Swan Hill vào mùa Xuân, vì mùa Xuân là mùa cây trái bắt đầu đơm bông, trổ lá, Swan Hill là xứ sở của đồng quê, ruộng vườn, đồng cỏ, lúa mì, trên những cánh đồng cỏ có nhiều loài hoa dại nở, chủ yếu là những bông hoa vàng, màu vàng có cái tên chung là màu Acacia, biểu tượng cho màu sắc quốc gia Úc. Nhưng cũng thật là kỳ lạ, bây giờ đang là tháng 7, thời tiết đang giữa mùa đông của Melbourne, tin tức thời tiết cho biết là hiện giờ tuyết đang rơi trên những ngọn núi tuyết cách Swan Hill không xa, có thể nói là tuyết rất gần Swan Hill, vậy mà ở hai bên con đường Melbourne đi Swan Hill, xa gần, đã thấy có những bông hoa màu vàng, màu vàng rất sáng và rất tươi của loài hoa nước Úc Acacia, có những bông hoa đã nở, có những bông hoa đang nở, có những bông hoa sắp nở trên những cành cây, nghiã là ngay cả lúc mùa đông, thời tiết hôm nay, ban đêm ở Swan Hill rất lạnh, nhưng Swan Hill cũng đã có những bông hoa rực rỡ nở ra để đón chào chúng tôi tới thăm viếng Swan Hill!

Đoạn đường Springvale – Swan Hill dài 400 km, 5 giờ xe đi, chúng tôi phải làm gì cho qua thời gian dài nầy, thông thường thì chúng tôi cho chiếu những băng ca nhạc “Thúy Nga Paris”, “Asia”, nhưng hôm nay, vì mọi người phải dậy sớm để chuẩn bị ra xe, có người dậy lúc 4 giờ sáng, có người dậy lúc 5 giờ sáng, cho nên khi xe mới vừa chạy là đã có người đã ngủ, cho nên chúng tôi đã để yên cho mọi người ngủ trên xe bus hơn 1 tiếng đồng hồ, 7.30 am, xe ghé trạm dừng đầu tiên cho mọi người ăn sáng breakfast, cà phê, cà pháo, toilet….

Rồi xe lại đi tiếp chặng đường thứ hai, bây giờ mới là 8 giờ sáng, đường trường xa, sớm nhất là phải khoảng 11.30 am, hay là 12 giờ trưa, chúng tôi mới có thể tới Swan Hill, nghiã là thời gian hãy còn lâu lắm lắm, ½ thời gian ngồi máy bay về Việt Nam ! Đoạn đường quả thật là còn dài lắm, nhất là đối với các cụ già, các cụ ngồi lâu trên xe đều thấy mõi cổ, mõi lưng, và mõi mệt..!. Trời mùa đông lạnh lẽo, sáng nay lại có mưa, dù cho mưa không nhiều, mưa rất là nhẹ hạt, nhưng cũng đã đủ để cho con người cảm thấy buồn, đủ để cho nhiều người cảm thấy lạnh, cảm thấy luời, cảm thấy biếng, để mà thức dậy, để đi ra khỏi nhà! Nếu như bây giờ mà còn nằm trên giường ngủ êm đềm, trùm chăn, đắp mền cho thật ấm, rồi coi phim tập Đại Hàn, coi phim  “Nữ Hoàng Tháng Năm”, hay phim tình cảm “Mẹ ơi cố lên”, chỉ cần coi 2 điã DVD là sẽ hết 3 giờ!

Thường thì chuyến đi chơi xa nào, chúng tôi cũng có một số tiết mục sinh hoạt ở trên xe, sinh hoạt nhiều đề tài khác nhau, nhiều câu chuyện khác nhau, câu chuyện hôm nay chúng tôi sinh hoạt là một bài viết của một tác giả nào đó, tựa đề là “khi Bạn qua tuổi 60”, 60 tuổi, trước đây là tuổi hưu trí ở Úc, bây giờ thì phải tuổi 65, tương lai sẽ còn tăng lên nữa, có thể là 70, vì mỗi ngày người Úc mỗi sống thọ hơn. Về hưu là tuổi Bạn không phải đi làm để kiếm cơm nữa, khi Bạn không cần phải đi làm mà Bạn vẫn có thể sống, thì lúc nầy Bạn sẽ làm gì?

Một trong những chuyện Bạn có thể làm khi Bạn có quá nhiều thời gian rỗi rảnh, quá nhiều ngày ở không, người ta nói là Bạn nên đi chơi, như là chuyện Bạn đang làm hôm nay, như là chuyện Bạn đang tham gia chuyến đi du ngoạn nầy, Bạn cũng nên tham dự nhiều chuyến đi du ngoạn, nhiều chuyến du lịch khác, Bạn nên đi những nơi Bạn chưa từng đi, Bạn nên đến những nơi Bạn chưa từng đến, Bạn nên biết những chỗ Bạn chưa biết, nhất là những nơi chốn Bạn hằng ước mơ, Bạn hãy thoả mãn những ước mơ của bạn, trước khi Bạn quá già, trước khi Bạn không còn thời gian, trước khi Bạn không còn sức khỏe. Dĩ nhiên là nếu đi du lịch thì Bạn sẽ phải tốn tiền, du lịch gần bạn tốn ít, du lịch xa Bạn tốn nhiều, du lịch ít ngày Bạn tốn ít tiền, du lịch nhiều ngày Bạn tốn nhiều tiền, nhưng nếu Bạn không chịu tốn tiền thì bạn không thể đi du lịch, mà không đi du lịch thì Bạn sẽ phải mất đi một trong những điều đáng mơ ước, những việc Bạn nên thực hiện, Bạn không có được những điều lợi ích du lịch.

Du lịch có nhiều lợi ích, như câu nói chúng ta vẫn thường nghe là “đi ngày đàng học sàng khôn”, nhưng bài nói chuyện nầy không nhằm khuyên Bạn du lịch, du ngoạn, mà chủ yếu là khuyên Bạn nên tận dụng thời gian những ngày, những tháng, những năm còn lại trong đời, nhất là khi Bạn đã lớn tuổi, khi qua tuổi 60, có một câu nói ngộ nghĩnh nhưng Bạn cũng cần nghe khi Bạn quá  tuổi 60 là câu: “6 năm, 7 tháng, 8 ngày”, có nghiã là khi Bạn quá tuổi 60 thì Bạn không còn nghĩ tính coi mình còn sống được mấy mươi năm cuộc đời như khi Bạn còn trẻ tuổi, mà bạn chỉ có thể hỏi là mình còn được mấy năm cuộc đời, và khi Bạn đã quá tuổi 70, hay 80, thì bạn chỉ còn có thể tính cuộc đời mình còn bao nhiêu ngày tháng nữa ! 

Không phải chỉ có thời gian mà ngay cả tiền bạc, nếu tuổi trẻ Bạn cố làm ra tiền, Bạn cố để dành tiền, thì bây giờ khi Bạn đã già, đã qua tuổi 60, tuổi 70, thì bạn nên nghĩ cách để xài tiền chớ không phải để kiếm tiền, hay phải dành dụm tiền, bởi vì nếu không, bạn có thể sẽ không còn cơ hội để xử dụng đồng tiền của Bạn nữa. Hằng ngày trên báo chí, bạn có thể thấy tin tức có những người già chết đi đã để lại rất nhiều tiền của, gia tài bạc triệu, nhưng trong lúc sống thì họ sống rất kham khổ, rất hạn chế, rất thiếu thốn!

Có người khuyên là Bạn không nên để dành tiền cho con cháu như quan niệm ông cha ta ngày xưa, vì con cháu chúng ta ở xứ sở nầy chúng có thể tự lập, có thể tự nuôi sống được, và mặt khác, chúng còn phải sống tự lập, chúng phải tập mạnh mẽ, chúng không nên trông chờ vào của cải của cha mẹ, có người khuyên là chúng ta không nên để cho con cái tranh giành của cải của cha mẹ để lại, vì gia tài của cha mẹ, chúng có thể trở nên chia rẽ, thù địch, tranh giành.

Những con người văn minh, họ có đời sống tuổi già rất đẹp, cuộc sống tuổi già của họ rất hay, họ dành thời gian tuổi già của họ để lo những chuyện công ích, những việc xã hội, từ thiện…, cái nầy mới thực sự là tu hành, cái nầy mới là “Bác ái”, cái nầy mới là “Từ Bi”, cái nầy mới là “Giác Ngộ”, bởi vì họ không lo cho mình, không lo cho con cái gia đình riêng tư, mà họ lo cho nhân loại, họ lo cho tha nhân, không chỉ có công sức mà ngay cả tiền bạc, họ có thể cho một phần tài sản, có người cho tất cả tài sản của họ cho những tổ chức cơ quan từ thiện, dù họ có tên tuổi mà nhiều người biết đến, báo chí nêu tên, như hai ông bà tỉ phú Bill Gates, hay những người không ai biết đến tên tuổi họ, nhưng tất cả những người nầy đều là những con người vĩ đại, cao cả, tuyệt vời….

Rất khó để chúng ta có thể trở thành những con người vĩ đại như họ, những con người đầy tình thương tha nhân, nhân từ, bác ái, giác ngộ…, như họ, nhưng mà chúng ta có thể học hỏi một số điều vĩ đại của họ, chúng ta có thể học hỏi những cái hay, những cái tốt, những cái đẹp của họ, chúng ta có thể học cách nghĩ về người khác của họ, chúng ta có thể học cách giúp đỡ người khác của họ, chúng ta học cách mở rộng con tim, khối óc, tâm hồn…., chúng ta có thể học mở rộng tư duy, suy nghĩ, cảm quan, nhân sinh, nhân cách…

Kết luận là cho dù bạn có là người giàu có, hay là thật là giàu có, cho dù là Bạn có thật nhiều tiền của bạc vàng, thì cũng không chắc rằng Bạn là người giàu, nếu Bạn không dám xài tiền, hoặc Bạn không xài tiền đúng chỗ, không tiêu tiền đúng cách, cái nầy nhiều người giàu có thường phạm phải, nếu như giàu có nhiều tiền mà hoang phí rượu chè, cờ bạc, đàn đúm, trai gái…, thì Bạn cũng không phải là người giàu có, nếu Bạn có nhiều tiền mà Bạn luôn sống kham khổ thì Bạn cũng không có gì hơn những người nghèo khó, không tiền.

Trái lại, cho dù Bạn không có nhiều tiền, nhưng nếu Bạn vẫn dám chi tiêu cho những gì cần thiết, những việc cần chi tiêu, thí dụ như Bạn có thể chi tiêu $50 cho cuộc du ngoạn 1 ngày đường hôm nay, thì Bạn không phải là người nghèo, tôi nhất định Bạn không phải là người nghèo. Còn nếu Bạn có một tâm hồn phóng khoáng, một tấm lòng rộng mở, một nhân cách trong sáng, một trái tim nhân hậu…, thì không cần biết là Bạn có nhiều tiền hay không,  Bạn vẫn là một người giàu có vô cùng, và Bạn vẫn là một người vô cùng giàu có.

Tóm lại là trên thực tế, nếu Bạn có nhiều tiền thì rất tốt, thực tế không ai chê tiền, nhưng nếu Bạn giàu có tình thương thì Bạn cũng là người giàu có, và nếu Bạn hạnh phúc thì Bạn mới là người thực sự giàu có, bởi vì Bạn cần tiền cũng chỉ là để mua hạnh phúc, cho nên nếu có tiền mà không có hạnh phúc thì cũng chỉ là vô ích, trái lại nếu không có nhiều tiền, nhưng Bạn vẫn có hạnh phúc thì đó là điều rất qúi, rất tốt, rất đẹp, rất hay, rất nên vui vẻ, rất nên bằng lòng.

11.30 am, xe tới thành phố Swan Hill, thành phố nông nghiệp ven biên ranh giới 2 Tiêu Bang Victoria- NSW, tên Swan Hill được nhà thám hiểm Thomas Mitchell đặt tên, vì khi đổ thuyền nghỉ lại qua đêm trên bến con sông Murray River, suốt đêm ông Thomas Mitchell không ngủ được vì những tiếng kêu inh ỏi, quấy rối của những con ngỗng đen Black Swan, một loài thú rất đẹp, rất tiêu biểu của Úc. Nhưng chuyện những con Ngỗng đen Black Swan quấy rầy inh ỏi đã là chuyện của ngày xưa , gần 200 năm trước, khi  Swan Hill hãy còn hoang vắng không người, chớ bây giờ Swan Hill đã có dân số khoảng 12,000 người, thì chúng ta không còn thấy Black Swan đâu cả, muốn thấy Black Swan chúng ta có thể đi thăm công viên, hồ nước Ballarat, lần trước tôi thấy ở đây có một số Black Swan bơi lội tung tăng trong hồ, có những con Black Swan leo lên thềm cỏ tìm thức ăn, bánh mì, của những người du khách cho.

Ăn trưa cho du khách ở Swan Hill, tiện nhất có lẽ là nên ghé vào KFC, ở ngay trung tâm thành phố Swan Hill có một tiện ăn KFC rất lớn, có chỗ đậu xe cho du khách, nhu cầu thiết yếu nhất của du khách là chỗ đi toilet, rửa mặt, rửa tay, nếu Bạn đi chơi Swan Hill thì Bạn không cần mang theo thức ăn trưa, Bạn chỉ cần ghé lại KFC, vì thức ăn ở đây nóng hổi, vệ sinh, rẻ, ngon, nếu muốn tiết kiệm, Bạn có thể mua phần ăn trưa bình dân nhất $5 Lunch Box, Bạn sẽ ăn đủ no, có cả nước uống,  và quan trọng nhất là bạn có chỗ ngồi ăn rộng rãi, tiện nghi, thoải mái, vì nếu Bạn mang thức ăn riêng từ nhà theo, thì bạn phải đi tìm chỗ công viên, nhưng tôi không biết công viên Swan Hill chỗ nào, tiện nghi công viên ra sao, có chỗ ngồi ăn , có chỗ đi toilet hay không?

Ăn xong đi dạo một vòng quanh thị trấn Swan Hill, tôi thấy có một nhà hàng ăn Việt Nam “Vietnamese Restaurant” nhưng không vào vì mới ăn trưa xong, đối diện nhà hàng ăn Việt Nam là Khách Sạn Jane Eliza Motor Inn, 263 Campbell Street, Swan Hill, Vic 3585, Phone: 03. 5032 4411, fax: 03. 5033 1022, Email: janeelizamotorinn@bigpond.com , khách sạn khá khang trang, giá phòng khách sạn twinshare $130/night, Double bed $120/night, single bed $99/night, hỏi dọ giá những khách sạn khác cũng là tương đương không có giá rẻ hơn, cho nên chuyện tổ chức chuyến đi Swan Hill 2 ngày, 1 đêm, tiền xe 2 ngày đi về, tiền khách sạn, tiền ăn tối Dinner, tiền ăn sáng breakfast, tổng cộng $150/pp, thì là giá rẻ quá rồi, có người nói có tour như vậy giá chỉ có $110/pp, tôi thật không biết phải tổ chức cách nào để có thể tính được giá tour như vậy.

Đối diện Khách Sạn Jane Eliza inn, mặt hậu có một khu đất trống, không giống công viên nhưng có nhiều du khách tụ tập để chụp hình, là vì ở đây có hình một con cá đặc sản của sông Murray River, cá Murray Cod, giống cá có hình thù rất đẹp, da cá có những chấm bông, thịt cá rất ngon, rất béo, rất thơm, giống cá thật tuyệt vời không có ở đâu trên thế giới có thể so sánh bằng, một kg cá tươi khoảng $30, một con cá Murray Cod nặng thường khoảng gần 2 kg, tức khoảng $50, thứ cá nầy chưng hấp gừng hành ăn rất ngon thơm, vào tiệm kêu 1 con cá Murray Cod hấp gừng hành giá từ $80 - $100, phần cá đủ cho vài người ăn, nhưng rất đáng để Bạn thưởng thức món đặc sản của điạ phương Swan Hill, Murray River.

Nhưng mục tiêu chánh của chuyến đi Swan Hill không phải là vào nhà hàng ăn fast food KFC, cũng không phải là thưởng thức món cá Murray Cod, mà là để thăm viếng một cấy đa cổ thụ, cây đa nầy có tuổi thọ trên 150 năm, cây đa nổi tiếng có tên là Moreton Bay Fig Tree, ở Swan Hill người ta đặt cho cây nầy một cái tên riêng, nick name của nó là “The Burke & Wills Tree”, để kỹ niệm hai nhà thám hiểm anh hùng của nước Úc là hai ông Burke & Wills, gốc cây nầy là nơi hai nhà thám hiểm lừng danh Úc đã nghỉ chân, lúc 3 pm chiều ngày Thứ năm Thursday, September, 1860, sau một chặng đường đi bộ dài 14 miles từ một chỗ nghỉ chân trước đó, khi đến nơi nầy thì hai ông đã mệt, đói , và ngã bệnh.

Cây Moreton Fig Tree có chiều cao 29 mét, chu vi 13.25 mét, được coi là cây to nhất tiểu bang Victoria, tang rất rộng nhưng ngày nay cây đã được đốn tiả nhiều cành lá, cây được chính quyền bảo vệ, bảo tồn tài nguyên cây của nước Úc, nghiã là không ai được đốn phá, di dời, làm tổn hại. Bên cạnh cây Burke & Wills người ta đã xây lên một khách sạn để những ai muốn ở trọ qua đêm bên cạnh gốc cây lịch sử nầy, có những người Úc không ngại tốn kém, đường xa đã tìm tới nơi nầy, nhất định nghỉ lại qua đêm ở khách sạn nầy, bên cạnh thân cây Moreton Fig nầy để nhớ lại cái đêm lịch sử năm xưa của hai nhà thám hiểm Burke & Wills, người Úc họ có một văn hoá văn minh như vậy, họ trọng nhớ, ghi ơn những người đã đóng góp công lao, ít nhiều, nhỏ lớn nào đất nước quê hương Australia. Khách sạn nầy có tên là “Travellers Rest Motor Inn”, 110 Curlewis Street, Swan Hill, Vic 3585, Moblie: 0409 271 715, Phone: 03- 5031 9644, giá phòng khách sạn $125 Twin share, $118 Single Queen bed, giá chưa bao gồm Breakfast, Dinner.

Trên đường phố Swanton street, Melbourne, gần Toà Thị Chính Melbourne, chúng ta thấy có 2 bức tượng đồng, đó là 2 bức tượng của hai ông Robrt O’Hara Burke, và ông William Jhon Wills, trung tâm thànhh phố Melbourne cũng có những con đường mang tên 2 ông, Burke street là một trong những con đường chánh của Melbourne, nghia là 2 nhân vật Burke & Wills được coi là những người anh hùng của nước Úc, đặc biệt là của Victoria. Hai ông Burke & Wills không phải là những quân nhân đánh trận, lập công, nhưng mà hai ông vẫn được xem là những người anh hùng, vì công lao làm nhà thám hiểm, tìm hiểu đất nước Úc trong 2 năm 1860 – 1861, quan niệm anh hùng nầy rất đẹp, rất hay, rất là hữu ích cho việc xây dựng, phát triển đất nước, phải có quan niệm rộng rải về người anh hùng thì mới có lợi cho dân tộc, quốc gia, không nên chỉ cho rằng chỉ những ai chết vì chiến trận, đấu tranh mới là anh hùng.

Hai ông Burke & Wills, ông Burke làm Trưởng Đoàn, ông Wills làm cố vấn, đoàn thám hiểm có 19 người, 7 người chết trong chuyến đi, nhiều người bỏ cuộc, chỉ có một người duy nhất, ông John King sống sót trở về, nhưng chỉ 7 năm sau ông John King cũng đã phải chết vì sức khỏe đau yếu do chuyến đi thám hiểm quá gian truân, không hồi phục, khi tuổi mới 33. Burke & Wills đã thám hiểm thành công tuyến đường Adelaide – Darwin, dù 2 ông đã chết vì đau ốm, bệnh hoạn, đói khát, kiệt sức trong chuyến trở về từ Darwin. Chuyến thám hiểm lịch sử của 2 ông Burke & Wills khởi hành ở thủ phủ Melbourne năm 1860, một trong những điểm dừng chân của 2 ông chính là nơi gốc cây Moreton Fig Tree nầy.

Cho nên chuyện chúng ta, nhân chuyến du ngoạn Swan Hill nên đã được  đến tận nơi nầy, được tận mắt nhìn ngắm gốc cây nầy, được đặt chân lên phần đất năm xưa hai ông Burke & Wills đã từng dừng chân, được đứng chụp những tấm hình kỹ niệm dưới gốc cây nầy…, là niềm hãnh diện của chúng ta, là niềm vui hạnh phúc của một người du khách Swan Hill, mất công một chuyến đi xa đến tận nơi đây, đứng ngắm gốc cây nầy, có thể coi là một sự bày tỏ  lòng tri ân của chúng ta đối với những người đã lập công khai quốc, làm nên đất nước, quốc gia Australia xinh đẹp, trù phú, phát triển, văn minh nầy.

Sau khi đi xem một vài nơi di tích lịch sử định cư của cư dân Swan Hill, khu vực Museum Swan Hill, nơi còn giữ lại con tàu lịch sử ngày xưa đi lại giữa Swan Hill – Adelaide trên con sông Murray River. Bây giờ đã là 2 giờ pm chiều, trời vẫn còn tốt, trời Swan Hill hôm nay rất trong, và nắng Swan Hill hôm nay rất hanh, ít có một ngày mùa đông nào mà trời nắng ấm tốt như trời hôm nay, nhưng đường đi về lại Melbourne thì hãy còn xa lắm, đường về Springvale còn xa hơn nữa, cho nên chúng tôi đã trở lại xe, bắt đầu cuộc hành trình về lại Melbourne.

Chúng tôi đã về tới Springvale lúc 6.30 pm, sớm hơn dự định hoảng ½ tiếng đồng hồ, trời vừa tắt nắng, nhưng chưa phải là trễ lắm, mọi người vẫn còn đầy đủ sức khỏe, vẫn còn có thể chào hỏi, nói cười, dù đã trải qua một ngày du ngoạn rất xa, cũng có người cảm thấy mệt mõi, nhưng nói chung, mọi người đều có một số niềm vui, một số điều lợi ích, quan trọng là niềm hãnh diện vì đã được đến một nơi dừng chân của những nhà thám hiểm tên tuổi của nước Úc, hai ông Burke & Wills, đã thăm viếng thêm một thành phố của Tiểu bang Victoria, Thành Phố Swan Hill, bên cầu biên giới NSW, con sông Murray River.

THÁI TẤN TRUYỀN

Luộc thịt heo ngon



Có một món khá "nguyên thủy", thoạt nhìn rất dễ làm, nhưng lại hóa khó, đó là... thịt heo luộc.
Luộc thịt heo mà chín quá thì khô, chưa tới thì sống. Một miếng thịt luộc tiêu chuẩn theo các cụ xưa là miếng thịt chín tới, khi thái, ấn dao vào miêng thịt thì thấy có nước hơi hồng chảy ra. Thịt, nhất là thịt thăn luộc chín tới ăn sẽ rất mềm và ngọt.

Em có vài bí quyết luộc thịt heo ngon, được bà và mẹ truyền lại đây:
- Đầu tiên là rửa sạch thịt.
- Sau đó là luộc sơ (ngày xưa heo nuôi sạch thì các cụ thường bỏ qua khâu này). Ngày nay thịt heo mà không luộc sơ thì nước đục ngầu, đầy bọt nâu.
- Trong nước luộc thịt các mẹ cho một ít giấm và muối, đợi nước sôi mới thả thịt vào, để sôi khoảng 2 phút thì đổ hết nước, rửa lại miếng thịt một lần nữa.

- Nấu lại nồi nước sôi khác và bỏ miếng thịt vào luộc cho đến khi chín. Lần này nên cho chút gia vị để thịt được đậm, kĩ hơn có thể thả vào một củ hành khô đã bóc vỏ, đập dập để nước và thịt được thơm hơn.
- Thử thịt bằng cách lấy đũa đâm vào thịt, thấy không còn nước hồng hồng chảy ra là thịt đã chín tới. Gắp thịt ra và ngâm vào thau đựng nước đun sôi để nguôi. Thao tác này giúp thịt không bị chuyển màu khi gặp gió.
- Chỉ nên thái thịt khi đã nguội hẳn, miếng thịt sẽ mỏng đều và đẹp hơn.
- Thịt heo vốn mát nên có thể chấm với nhiều loại nước chấm khác nhau như: nước mắm mặn, mắm tôm, muối tiêu chanh, mắm tép, mắm nêm...
Thịt heo luộc mà cuốn bánh tráng hay ăn với mắm tép, mắm nêm thì...chậc, tuyệt vời. Em chỉ cần ăn như thế với cơm nóng, trong một ngày mưa gió mà thôiiiii 
P/s: Bí kíp này là của mẹ Tien Giang Tran mình mới đọc được, thấy hay nên share để mn tham khảo, chiều về mình luộc thử cách này xem sao.