Monday, 21 July 2014

Chiến tranh nguyên tử hay thế chiến thứ 3



Một cuộc chiến tranh hạt nhân, đặc biệt là giữa các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, có thể đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại, hoặc ít nhất cũng kết thúc kỉ nguyên hiện đại. Nguy hiểm thay, một ‘cơn ác mộng’ khủng khiếp như vậy vẫn có nhiều nguy cơ diễn ra.

 Đó là quan điểm của Giáo sư Thomas Nichols, chuyên gia về an ninh quốc gia của Hải quân Mỹ được dẫn lại trên tạp chí National Interest (TNI) của Mỹ. Ông Thomas cho rằng, chiến tranh hạt nhân dễ xảy ra hơn chúng ta nghĩ, có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ sự cố nhỏ đơn thuần tới một cuộc xung đột lớn.
1. Lý do kĩ thuật
Vũ khí hạt nhân là thứ vô tri, chúng chỉ là những máy móc và máy móc có thể xảy ra sự cố dù không có sự tác động nào của con người.
Chính vì điều này mà trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các cường quốc đã phải dành nhiều thời gian để tránh xảy ra trường hợp các kho hạt nhân vô tình bị kích hoạt đến nỗi cả Mỹ và Liên Xô sau đó đều băn khoăn rằng, liệu có phải họ đang tạo ra quá nhiều hàng rào để ngăn việc phóng vũ khí hạt nhân nếu xảy ra chiến tranh hay không.
Nguy hiểm hơn, Liên Xô đã từng xây dựng Perimetr, hay còn được gọi là “Bàn tay chết chóc”, một hệ thống máy tính theo dõi các dấu hiệu của một cuộc tấn công hạt nhân và sẽ tự tiến hành đáp trả nếu Liên Xô bị tấn công.
Tuy vậy, mặc dù một sự cố kĩ thuật có mức ảnh hưởng lớn có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh, nhưng khó có thể khơi mào một cuộc chiến tranh hạt nhân.
2. Sai lầm của con người
Chừng nào còn có những máy móc cần con người điều khiển, chừng đó vẫn còn tai nạn. Tuy nhiên, chiến tranh sẽ không bắt nguồn từ những sự cố như kiểu thả nhầm một quả bom ở một nơi hoang vu nào đó, mà là do những hiểu lầm của con người về những sự cố như vậy.
Điều này đã từng xảy ra trong lịch sử. Vào năm 1995, người Nga quên mất việc người Na Uy đã thông báo trước khi phóng tên lửa đưa vệ tinh thời tiết vào vũ trụ. Do đó, Tư lệnh quân đội tối cao Nga đã thông báo với Tổng thống Boris Yeltsin rằng có một quả tên lửa của NATO bắn về phía Nga.
May mắn là, điện Kremlin không cho rằng Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó sẽ khơi mào Chiến tranh thế giới III bằng cách bắn một đầu đạn hạt nhân tới Nga từ Na Uy. Ngoài ra, mối quan hệ tốt đẹp giữa ông Clinton và ông Yeltsin cũng phần nào giúp cho ông Yeltsin không tin rằng Mỹ đã bất ngờ tấn công Nga.
Nhiều sự cố tương tự như vậy cũng đã từng xảy ra giữa Nga và Mỹ nhưng các nhà lãnh đạo sáng suốt của hai nước đã ngăn chặn, không cho những lỗi này dẫn đến những sự việc đáng tiếc.
Tuy nhiên, nguy hiểm nằm ở chỗ có thể xảy ra tình huống, từ những hiểu lầm đó, con người ra lệnh trả đũa mà không thế rút lại được, ngay cả khi đã phát hiện ra sai lầm. Mặc dù điều này ít xảy ra khi tình hình không mấy căng thẳng, nhưng nó vẫn có khả năng. Khi lỗi kĩ thuật kết hợp với tính toán sai lầm của con người thì nguy cơ xảy ra chiến tranh là rất lớn.
3. Phô diễn sức mạnh
Máy móc có thể gặp trở ngại, nhưng nếu không có khủng hoảng quốc tế hay có thêm một sự việc ngoài mong muốn nào khác thì sẽ chẳng có quốc gia nào gây chiến vì một lỗi kĩ thuật. Trong khi các nhà báo và các chuyên gia an toàn hạt nhân đã cho ra đời nhiều cuốn sách hay viết về nhiều nguy cơ chiến tranh hạt nhân khác nhau, thì theo ông Thomas, điều đáng lo ngại nhất là những quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân có chủ ý.
Sai lầm tệ hại nhất về vũ khí hạt nhân là coi chúng như những loại vũ khí thông thường, có thể sử dụng như bất kì loại vũ khí nào khác. Tuy nhiên, sai lầm tệ hại thứ hai lại là cho rằng vũ khí hạt nhân giống như một phép thần kì, có thể giải quyết những vấn đề chính trị và chiến lược khó khăn nhất. Lỗi thứ hai sẽ khiến con người có suy nghĩ về việc dùng vũ khí hạt nhân để chứng minh sức mạnh hay phô diễn sức mạnh hạt nhân. Trong trường hợp này, vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng khi cuộc xung đột chưa xảy ra chứ không phải trong khi diễn ra xung đột.
Đây là một canh bài nguy hiểm. Nó có thể ‘dọa’ đối phương sợ hãi, kiềm chế và nhún nhường hơn nhằm tránh với việc phải đối đầu với một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhưng nó cũng có thế khiến họ hành động tương tự. Ban đầu cũng chỉ là để phô diễn sức mạnh hạt nhân, nhưng rồi nguy cơ dẫn đến xung đột thật sự là quá lớn. Việc phô trương sức mạnh hạt nhân ở ngoài biển hay một nơi xa dân cư nào đó, dần dần có thể dẫn đến việc dùng vũ khí hạt nhân với chính đối phương của mình.
Điều đáng ngại nhất trong kịch bản này là những sai lầm chiến lược trong việc kiểm soát những sự kiện không thể đoán trước hay không thể kiểm soát được. Thật quá lạc quan nếu cho rằng một vụ nổ hạt nhân sẽ khiến kẻ thù chùn bước và “xuống nước”, thay vì tức giận và “trả đũa”.
4. Bị lôi kéo vào chiến tranh
Theo ông Thomas, đôi khi kẻ thù lớn nhất của bạn chính là những người bạn. Ngay cả khi Mỹ không có kế hoạch dấn thân vào một cuộc xung đột hạt nhân, các đồng minh của Mỹ hoặc các cường quốc khác cũng có những ý tưởng riêng của họ. Ví dụ như Hàn Quốc.
Cách đây vài năm có tin đồn rằng Mỹ đang cân nhắc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật quay trở lại bán đảo Triều Tiên. Tin đồn này sau đó đã bị Mỹ bác bỏ rằng: “Chúng tôi đã đưa hết vũ khí hạt nhân chiến thuật ra khỏi Hàn Quốc từ năm 1991 và sẽ không đưa chúng trở lại.
Nếu Iran có bom hạt nhân thì Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ả rập Xê-út cũng có thể sẽ làm theo. Trong nhiều trường hợp Mỹ đã can thiệp trước khi những nước này sở hữu được vũ khí hạt nhân.
Một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra trong kịch bản này khi có sự can thiệp của các cường quốc khác như Nga hay Trung Quốc. Ví dụ như hồi năm 1973, Liên Xô đe dọa sẽ can thiệp quân sự vào cuộc chiến Yom Kippur giữa Israel và khối Arab, và tại thời điểm đó, Mỹ được cho là đã sẵn sàng dùng tới vũ khí hạt nhân.
5. Sự ngu dốt của con người
Cuối cùng, theo ông Thomas, con đường dẫn tới chiến tranh hạt nhân có thể bắt nguồn từ nguyên nhân cố hữu trong các cuộc chiến tranh, đó là sự ngu dốt của con người. Nếu các cường quốc không bị lôi kéo bởi đồng minh thì vẫn có khả năng họ tự nguyện lựa chọn một cuộc chiến như vậy.
Theo ông Thomas, nếu Trung Quốc vẫn hung hăng với các nước láng giềng ở Thái Bình Dương và dấn thân vào một cuộc xung đột với Mỹ trên biển thì chắc chắn Bắc Kinh sẽ thua cuộc. Khi đó, Trung Quốc sẽ phải lựa chọn: đầu hàng vô điều kiện hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân để đối đầu lại với Mỹ. Điều tương tự cũng có thể xảy ra nếu Nga và NATO đối đầu.
Ông Thomas cho rằng, trong một cuộc chiến, nếu đã sử dụng vũ khí hạt nhân thì sẽ không bao giờ có người thắng, vì những quốc gia giành chiến thắng cũng sẽ phải trả cái giá ngang ngửa với những quốc gia đã bị đánh bại.
Theo INFONET




No comments:

Post a Comment