Saturday, 17 July 2021

6 chiếc gương

 6 chiếc gương nhìn thấu đời người: ai có được, người ấy luôn hạnh phúc

Thuận An

Mục lục bài viết

·        1. Kính viễn vọng: Lên cao mới nhìn được xa

·        2. Kính phóng đại: Phóng đại tấm lòng của bạn

·        3. Kính râm: Xem nhẹ đời người, ẩn giấu bản thân

·        4. Kính hiển vi: Nhìn thấy tiểu tiết, làm tốt từ những chi tiết nhỏ

·        5. Gương lồi lõm: Hồ đồ khó có được

·        6. Kính phẳng: Nhìn núi là núi, nhìn sông là sông

Có một ca khúc tên là "Nhìn hoa trong sương", trong lời bài hát có câu rằng: "Hãy cho tôi mượn đôi mắt trí huệ, để tôi nhìn thế giới này được thấu đáo rõ ràng". 

Nhưng trên con đường nhân sinh, chúng ta không chỉ cần có một đôi mắt trí huệ, mà còn cần phải biết đeo những chiếc 'kính mắt' khác nhau.

1. Kính viễn vọng: Lên cao mới nhìn được xa

Trong bài thơ Vọng Nhạc, Đỗ Phủ viết: "Hội đương lăng tuyệt đính, Nhất lãm chúng sơn tiểu". Ý tứ là, được dịp lên tận đỉnh cao chót vót, ngắm nhìn mới thấy núi non xung quanh đều bé nhỏ.

Điều này cũng có nghĩa là khi đứng ở nơi cao, nhìn về chỗ xa thấy các ngọn núi đều trở nên nhỏ bé, con người ta một cách tự nhiên sẽ sinh ra hào khí dày muôn trượng, trong nháy mắt có được động lực tiến về phía trước.

Tô Thức nói: "Không biết bộ mặt thật của núi Lư Sơn, chỉ vì thân đang ở trong núi ấy". Nhưng nếu bạn đứng ở chỗ cao, hướng đôi mắt trông về nơi xa, hình dáng của núi Lư Sơn sẽ tự hiển lộ. Chỉ có đứng ở nơi cao, con người ta mới có thể nhìn rõ đằng sau vẻ ngoài rối ren phức tạp ấy rốt cuộc ẩn giấu điều gì là chân thật.

Chỉ khi đứng ở nơi cao, mới có thể nhìn được xa, nhìn được xa mới có thể biết được con đường tương lai rốt cuộc phải đi như thế nào. Một người có kính viễn vọng, sẽ có được nhiệt tình không bao giờ lắng xuống, có được năng lực gạt sương mù ra thấy trời xanh, có được tâm trí hoạch định tương lai.

 Chỉ khi đứng ở nơi cao, mới có thể nhìn được xa, nhìn được xa mới có thể biết được con đường tương lai rốt cuộc phải đi như thế nào 

2. Kính phóng đại: Phóng đại tấm lòng của bạn

Mặc Tử nói: "Chí bất cường, trí bất đạt", một người nếu lý tưởng không đủ cao xa, anh ta không thể có được trí lực, cũng không có được năng lực tương xứng. Tục ngữ nói rất hay, có thể bao dung người, mới có thể quần tụ được mọi người. Người có thể quần tụ được mọi người, mới có thể thành được đại sự. Một người nếu như bụng dạ hẹp hòi, thì sẽ không có ai nguyện ý ở bên cạnh anh ta. Đơn thân lẻ bóng, một mình một ngựa sao có thể tung hoành thiên hạ đây?

3. Kính râm: Xem nhẹ đời người, ẩn giấu bản thân

Nhìn thế gian ồn ào náo nhiệt, vì danh lợi mà tranh mà đấu, vui buồn chỉ vì chút lợi nhỏ nhoi, nếu không có một trái tim lãnh đạm, thì sẽ bị thói đời cuốn theo, không có ngày nào yên. Nhưng đằng sau lăng kính của đôi kính râm, những thứ dù có lóa mắt hơn nữa cũng sẽ ảm đạm xuống, những thứ nhìn không quen cũng sẽ bị trung hòa. Đây chính là ý nghĩa của kính râm. Khi bị lóa mắt, thì thế giới hiện thực nóng rực đã có thêm một tấm kính cách ly.

Nhân sinh tại thế, đáy lòng trong sáng không hạt bụi, thuần khiết như thuở ban đầu, tự nhiên sẽ là việc tốt. Nhưng thói đời đen bạc, khó tránh khỏi người gian kẻ xấu, vậy nên đôi lúc cũng cần phải ẩn dật, giữ lại những suy nghĩ chân thực của bản thân. Thẳng thắn, thản nhiên đương nhiên là chuyện tốt, chỉ là đôi lúc cũng nên có sự phòng bị. Kính râm vừa khéo là một phần che đậy thích hợp, có thể khiến bản thân tránh được không ít phiền phức.

 

Nhân sinh tại thế, đáy lòng trong sáng không hạt bụi, thuần khiết như thuở ban đầu, tự nhiên sẽ là việc tốt 

4. Kính hiển vi: Nhìn thấy tiểu tiết, làm tốt từ những chi tiết nhỏ

Sự thất lạc của một chiếc đinh sắt móng ngựa có thể dẫn đến thất bại của cả một cuộc chiến; một tổ kiến có thể làm sạt lở cả bờ đê... Những chuyện vặt vãnh không đáng để tâm này, tích lũy nhiều lên cũng đủ để phá hoại cả cục diện lớn. Chuyện khó trong thiên hạ ắt làm được không dễ, chuyện lớn trong thiên hạ ắt phải làm từ những chi tiết nhỏ.

Xem trọng tiểu tiết, học biết chăm chỉ. Làm tốt những việc bình thường, chính là không bình thường nữa, chuyện nhỏ tích cóp lại dần dần sẽ thành chuyện lớn, trong chi tiết nhỏ thấy được sự tinh tế, thành tựu được đại nghiệp.

5. Gương lồi lõm: Hồ đồ khó có được

Người sống mơ hồ, dễ dàng có được hạnh phúc, người sống quá thanh tỉnh, dễ dàng chuốc phiền não vào mình. Người sống thanh tỉnh nhìn mọi việc quá rõ ràng, quá so đo tính toán, vậy nên đâu đâu cũng thấy điều chướng tai gai mắt. Còn người sống hồ đồ, ít so đo tính toán, lại tìm được tư vị lớn của đời người.

Người quá khôn ngoan sẽ sống rất mệt mỏi, luôn có những phương diện nhìn không quen mắt, luôn có những điều không buông bỏ được, vật lộn khổ sở. Người sống mơ hồ, trái lại ung dung tự tại trải qua mỗi một ngày. Đương nhiên, lúc nên hồ đồ thì hãy hồ đồ, lúc nên hiểu rõ thì tuyệt không đánh bạo hiểu rõ mà giả thành hồ đồ.

6. Kính phẳng: Nhìn núi là núi, nhìn sông là sông

Trải nghiệm đời người khi tích lũy đến trình độ nhất định, sẽ không ngừng tự xét lại mình. Những truy cầu với sự đời của bản thân đã có được nhận thức rõ ràng, hiểu rõ "sự đời một giấc mộng, đời người mấy thu đông", biết được điều bản thân theo đuổi là những gì, điều bản thân cần buông bỏ là những gì. Cũng chính là, đôi khi không cần phải thông qua kính viễn vọng, kính phóng đại, gương lồi lõm, kính hiển vi, kính râm để nhìn nhận thế giới, mà thản nhiên tiếp nhận bộ dạng vốn có của nó.

Người vốn là người, vậy nên không cần dồn hết tâm trí làm người thế nào. Đời vốn là đời, không cần phải chú tâm đối nhân xử thế ra sao. Hiểu rõ được điểm này, con người cũng sẽ có được sự tự nhiên và chân thật, cởi mở và bình yên. Đời người trải qua không hối hận, mở đầu thế nào không quan trọng, kết thúc thế nào cũng chẳng sao, quan trọng là ở nơi sâu thẳm của thời gian, chỉ mong cõi lòng được bình yên là đủ.

Theo Sound of Hope

Thuận An biên dịch

--

 

No comments:

Post a Comment