Thursday, 1 July 2021

Lịch Sử là Kho Báu

Hoa Kỳ lập quốc: Lịch sử là kho báu và chỉ dẫn vô tận
Joshua Charles

Bích họa của Frederick Dielman mô tả hai vị nữ Thần: Nữ Thần lịch sử ở giữa, tay trái cầm một cuốn sách và tay phải cầm bút. Nữ Thần thần thoại tay trái cầm một quả địa cầu, đại diện cho các truyền thuyết và những câu truyện dân gian. Bức tranh được bảo quản tại Phòng Dân biểu của Thư viện Quốc hội trong Tòa nhà Thomas Jefferson ở Washington. (Tranh: Public Domain)

Trong những thói quen mà các vị Cha lập quốc Hoa Kỳ đề cập đến thì nghiên cứu lịch sử là điều được nhấn mạnh và lặp lại nhiều nhất. Suy cho cùng, đời người cũng chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi trong dòng sông dài của lịch sử nhân loại. Nhân loại đã tích lũy hàng nghìn năm kinh nghiệm, và những trí tuệ trị quốc đó có thể được mặc khải thông qua việc nghiên cứu lịch sử. Những vị Cha lập quốc Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng các thế hệ tương lai phải noi gương tổ tiên và học hỏi từ lịch sử để duy trì và bảo hộ những giá trị lập quốc của Hoa Kỳ.

James Madison, Tổng thống thứ 4 của Hoa Kỳ, đã gọi lịch sử là "một kho báu giải trí và chỉ dẫn vô tận". Trên thực tế, trong tác phẩm "The Federalist Papers" (Các tài liệu liên bang), Alexander Hamilton, James Madison và John Jay đã đúc rút sự giàu có vô tận này. Lịch sử cũng là nguồn cảm hứng để các vị Cha lập quốc thiết kế nên bản Hiến Pháp thành văn lâu đời nhất trong lịch sử của chúng ta.

John Adams, vị Tổng thống thứ 2 của Hoa Kỳ, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử. Có vô số trích dẫn về điều này: "Lịch sử của các dân tộc và của loài người đã quá quen thuộc với chúng ta. Chúng ta tin rằng các loài nằm trong hệ thống tự nhiên và có liên hệ với Đấng Sáng Thế toàn năng. Dựa trên suy nghĩ này, chúng ta đã làm việc không mệt mỏi trong suốt cuộc đời mình, để xây dựng một xã hội kiểu Anh, dựa trên sự nhân văn và Kitô giáo."

Câu nói này đã đúc kết những kiến thức và kỳ vọng mà người Thanh giáo mang theo khi đến Hoa Kỳ. Cũng chính bởi khao khát truyền lại tri thức này mà người Thanh giáo thành lập ra các cơ sở giáo dục đại học cao cấp như Đại học Harvard. Nhiều thế hệ người châu Âu đã làm điều tương tự với sự hỗ trợ của Giáo hội Công giáo.

Khi Thomas Jefferson, vị Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, giải thích về thể chế, luật pháp và văn hóa của bang Virginia quê hương, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục thanh thiếu niên, đặc biệt là trong lĩnh vực lịch sử. Ông viết: "Lịch sử cho phép học sinh phán đoán tương lai bằng cách giúp họ hiểu được quá khứ." "Nó sẽ giúp họ học hỏi kinh nghiệm của các thời đại khác và các quốc gia khác. Nó sẽ cho họ khả năng đánh giá hành vi và tính cách của con người. Nó sẽ giúp họ nhìn thấu lớp ngụy trang của tham vọng, sau đó hiểu ra và đánh bại tham vọng này. Trong mỗi chính phủ của con người, đều có dấu vết về sự yếu đuối của nhân loại, cùng những mầm mống của sự thối nát và thoái hóa. Bản chất sự yếu đuối đó sẽ được phơi bày và cái ác sẽ vô tình được nuôi dưỡng, lan rộng và khoa trương." Nói cách khác, lịch sử không chỉ cho thấy những bài học kinh nghiệm thực tế về trị quốc, mà còn nhắc nhở người dân và chính phủ đề phòng sự sụp đổ của quốc gia hay sự ra đời của một chế độ cai trị tà ác.

Benjamin Franklin cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lịch sử. "Nếu lịch sử là nội dung họ thường đọc thì hầu như tất cả những kiến thức hữu ích của nhân loại chẳng phải đều được giới thiệu cho học sinh theo cách này, để họ có thể hưởng lợi một cách vui vẻ hay sao?"

Franklin nói rằng việc đọc lịch sử có thể "làm cho những người trẻ tuổi bị ấn tượng bởi vẻ đẹp và sự hữu ích của các đức tính khác nhau, cùng tinh thần vị công và sự kiên trì". Đồng thời họ cũng sẽ "có cơ hội hiểu rõ hơn về lợi ích của trật tự dân sự và Hiến Pháp, và làm thế nào để tham gia vào các hiệp hội và thành lập chính phủ để bảo vệ con người và tài sản của họ". Điều này cũng sẽ dạy cho họ kiến thức kinh tế, "khuyến khích và thúc đẩy họ phát triển công nghiệp, phát minh nghệ thuật và làm cho cuộc sống thoải mái hơn."

Khi nói về những đức tính cần thiết để duy trì một xã hội tự do, Franklin đã chỉ ra rằng lịch sử sẽ cho những người trẻ thấy "lợi ích của tự do, hậu quả xấu xa của việc ăn chơi trác táng, lợi ích của luật pháp tốt và việc thực thi luật pháp đúng đắn". Nhờ đó, những nguyên tắc đầu tiên của nền chính trị lành mạnh sẽ bén rễ trong tâm trí của những người trẻ tuổi. Đồng thời lịch sử sẽ "liên tục cung cấp các cơ hội để chứng minh sự cần thiết của tôn giáo (bởi điều này có lợi cho công chúng) và tầm ảnh hưởng của các nhân vật có tín ngưỡng trong công chúng".

Trong bài phát biểu chia tay của mình, George Washington kêu gọi mọi công dân ghi nhớ bài học của lịch sử rằng: "Lý tính và kinh nghiệm đều không cho phép chúng ta kỳ vọng đạo đức quốc gia có thể lan tỏa, nếu không có các nguyên tắc tín ngưỡng."

Các vị Cha lập quốc biết rằng chỉ bằng cách học những bài học của lịch sử, chúng ta mới có thể duy trì một quốc gia tự do. Nhân loại không bắt đầu ở thời chúng ta, và (cầu Chúa phù hộ) nhân loại sẽ không kết thúc ở thời chúng ta.

Toàn bộ hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ đang khiến chúng ta giới hạn bản thân. Trong thời đại này, việc tiếp cận và nghiên cứu những tác phẩm kinh điển vĩ đại của nền văn minh nhân loại chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Nhờ có Internet, những điều mà các vị Cha lập quốc đã dành cả đời và tiêu tốn một khối tài sản mới có được, thì giờ đây chúng ta có thể sở hữu chỉ trong một vài cú nhấp chuột. Nhưng thay vì tôn trọng các bài học lịch sử, trẻ em Hoa Kỳ thường được dạy để coi thường chúng, hoặc tệ hơn là phớt lờ chúng.

Nếu chúng ta muốn duy trì một quốc gia tự do, lớp học của chúng ta một lần nữa phải dành một vị trí quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử nghiêm túc, bình tĩnh và cuốn hút.

Hãy để trẻ em của chúng ta đọc các tác phẩm kinh điển tuyệt vời của Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc, Ả Rập, thời Trung cổ và các nền văn minh khác. Hãy để chúng suy nghĩ về bản chất con người, bằng cách tiếp thu kinh nghiệm của con người, từ các thời kỳ khác nhau và các vùng miền khác nhau.

Trong quá trình học tập này, chúng sẽ được dạy cách trở nên khiêm tốn hơn. Chúng sẽ hiểu rằng ý tưởng mới nhất thường là sự lặp lại nhiều lần từ ý tưởng tồi tệ nhất, thông qua việc thử và thất bại.

Chúng sẽ học được cách nghi ngờ những kẻ cố gắng thuyết phục chúng tin rằng một học thuyết nào đó có thể giải quyết các vấn đề của thế giới.

Chúng sẽ hiểu rằng có một lý do cho sự tồn tại của ranh giới đạo đức, thay vì chỉ nghĩ rằng điều gì đó "có vẻ đúng đắn", "tương đối đúng đắn".

Chúng sẽ biết tương lai của một xã hội phá bỏ sự ràng buộc của đạo đức và những thảm họa sẽ xảy ra.

Cuối cùng, chúng sẽ học được rằng bản chất của con người không hề thay đổi trong các ghi chép lịch sử hàng nghìn năm. Chúng sẽ học được một điều quan trọng, điều khiến vô số người theo chủ nghĩa lý tưởng và các nhà cách mạng thất vọng, nhưng luôn an ủi những người có trí tuệ – Đó là "trên đời không có gì là mới mẻ".

Vì vậy những tác phẩm kinh điển chính là tác phẩm kinh điển: Dù có khoảng cách hàng thế kỷ giữa tác giả và độc giả, thậm chí là hàng nghìn năm, nhưng chúng vẫn có thể gây được tiếng vang. Dẫu bản chất con người có thể được nhào nặn bởi các nhà lý luận, dẫu lịch sử có thể được viết lại bởi những kẻ cuồng tín, nhưng các tác phẩm kinh điển thì không thể.

Những bài học của lịch sử đã đặt nền móng cho chúng ta, chỉ lối cho chúng ta. Điều quan trọng nhất là lịch sử khiến chúng ta biết hạ mình khiêm tốn, từ đó kiềm chế sự sa sút nhanh chóng do thói kiêu căng gây ra. Đây vốn là gốc rễ của mọi điều xấu xa, đủ sức hủy diệt mọi cá nhân và xã hội.

Những điều này đều là bài học lịch sử mà các vị Cha lập quốc dặn dò chúng ta phải ghi nhớ và nghiên cứu. Sự tồn vong của nền cộng hòa của chúng ta sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta có tuân theo những lời dạy của tổ tiên mình hay không.

Dịch thoáng từ bài viết "Timeless Wisdom: Why the Founders Said You Should Study History"

Tác giả: Joshua Charles
Thiên Cầm biên dịch


Joshua Charles từng là người viết bài phát biểu tại Nhà Trắng cho cựu Phó Tổng thống Pence. Ông từng là cố vấn lịch sử cho một số bộ phim tài liệu và xuất bản sách về các chủ đề như giá trị lập quốc, Israel, vai trò của đức tin trong lịch sử Hoa Kỳ và ảnh hưởng của Kinh thánh đối với nền văn minh nhân loại.

No comments:

Post a Comment