Mục lục bài viết
o 7. Cho sự lý giải, thấu hiểu
Đạo càng cao càng trở nên đơn giản, người càng có hàm dưỡng lối sống càng giản đơn. Sách dạy làm người thì có hàng nghìn vạn cuốn, chữ thì có hàng triệu vạn từ, tuy nhiên hàm dưỡng cao thấp của một người lại chỉ cần hai chữ là đủ để bao quát...
Hai chữ đó chính là "Cho" và "Độ". Vậy 'cho' và 'độ' như thế nào mới là cái chí của người hàm dưỡng?
Cho thế nào?
1. Cho tiếng vỗ tay
Có những người cả đời chưa từng vỗ một tiếng tay để động viên khích lệ người khác. Đã là con người thì ai cũng cần có được sự khích lệ động viên của người khác, vậy nên động viên khích lệ người khác cũng là trách nhiệm của mỗi người. Người không hiểu giá trị của sự khích lệ sẽ trở thành người nhỏ mọn, bởi có lúc một lời khích lệ còn hơn cả ngàn vàng. Người có hàm dưỡng là người luôn biết khích lệ người khác đúng lúc đúng nơi.
2. Cho tín nhiệm
Người đa nghi thì không thể có bạn chân thành. Người mà được người khác tín nhiệm, thì đó chính là một loại hạnh phúc. Một người có được sự tín nhiệm nhiều bao nhiêu thì cũng có được nhiều cơ hội thành công bấy nhiêu.
3. Cho khiêm nhường
Có câu: "Nước càng sâu càng chảy chậm, người càng trí huệ càng tĩnh tâm". Vậy nên cho người khác sự khiêm nhường chính là phẩm chất cao quý của người có hàm dưỡng. Nước chịu ẩn mình chỗ thấp mới thành biển cả, đất chịu dưới chân vạn vật mới trở thành đại địa bao la.
4. Cho đi khẩu đức
Cổ ngữ có câu: "Trăm cái phúc, nghìn cái họa cũng bắt đầu từ miệng mà ra", đắc tội với người cũng là từ cái miệng, được người kính trọng cũng là từ cái miệng. Vậy nên người có hàm dưỡng luôn biết cân nhắc lời nào nên nói, lời nào không. Đôi khi chúng ta muốn nói nhiều là muốn thể hiện bản thân, muốn được người khác tôn trọng, chú ý. Tuy nhiên biết im lặng lại là cảnh giới cao nhất khiến người khác tôn kính. Chúng ta có 3 năm để học nói nhưng lại phải dùng cả đời để học cách im lặng cũng là vì đó.
5. Cho sự thành tín
Người không có chữ tín thì chẳng thể lập thân, bạn bè xa lánh, người thân chẳng màng. Vậy nên thành tín chính là cái gốc để làm người; giữ đúng lời hứa, thành tín khi phát ngôn, đó chính là con đường ngắn nhất đến với thành công. Người thất tín thì trăm sự bất thành, nghìn người xa lánh, bạn bè chẳng ưa.
Thành tín chính là cái gốc để làm người.
6. Cho đi lễ tiết
Làm người giữ được lễ thì thủ được Đạo, biết kính trên nhường dưới ắt sẽ được người người mến yêu. Người mà biết giữ lễ trong việc đối nhân xử thế, ắt là người có hàm dưỡng. Năm xưa Khổng Tử cũng từng truyền dạy thế nhân dùng lễ nhạc trị quốc ấy, âu cũng là ý tứ này.
7. Cho sự lý giải, thấu hiểu
Sống ở đời thì ai cũng mong mình được người khác lý giải, thấu hiểu và chấp thuận. Lý giải, thấu hiểu chính là cho người khác sự tự tôn, là biết đặt mình vào vị trí của người khác. Người có hàm dưỡng khi đối nhân xử thế thì trước tiên liễu giải đối phương, sau mới liễu giải sự việc. Khi hai người đã có thể hiểu nhau thì mọi việc cũng sẽ tất thông, tất thuận.
Thế nào là độ?
1. Lòng khoan dung độ lượng
Tục ngữ có câu: "Trong bụng của tể tướng có thể chèo thuyền, tấm lòng lớn có thể bao dung những việc khó bao dung của thiên hạ". Ở đây chính là có ý nói làm người thì cần phải biết bao dung, độ lượng. Khi nhìn một người thì trước tiên nhìn vào ưu điểm của người ta, sau rồi mới để ý tới khuyết điểm của họ.
Phàm làm người thì không cần phải so đo tính toán, có những lúc lùi một bước biển rộng trời cao. Nếu như cứ mải mê đắm chìm trong được mất hơn thua thì đôi khi cái được chẳng bõ cho cái mất.
2. Lời nói độ lượng
Có những người cho rằng làm người thì cần phải thẳng thắn, thật thà, vậy nên có việc gì cũng cứ nói thẳng hết ra mà không cần kiêng nể. Kỳ thực đây là sai lầm. Chữ 'chân' (真) trong tiếng Trung được ghép bởi hai chữ 'trực' (直) và chữ 'bát' (八). Chữ 'trực' đại biểu cho sự thẳng thắn ở phía trên, còn chữ 'bát' thì đặt ở phía dưới, hay cũng còn được gọi là hai chấm dài. Ý nói làm người chuyện gì cũng cần giữ lại đôi phần, nhường người đôi chút, giúp người khác có con đường lui cũng là mở cho chính bản thân mình một con đường mới.
Vậy nên cũng nói hiểu người là trí huệ, nhưng hiểu mình mới là cao minh.
Lời nói phản ánh nội tâm, nói lời độ lượng cũng là bồi dưỡng tâm hồn mình.
3. Đọc sách có hậu độ
Thế nào gọi là đọc sách có hậu độ? Ở đây không phải nói tới độ dày của cuốn sách mà nói tới chừng mực của nội dung, sách nào nên đọc, sách nào không. Một người mà thời gian dài không đọc cuốn sách nào, thì anh ta chính là đang dần dần bị rớt lại. Ở đây không phải nói là tầm quan trọng của đọc sách ra sao, mà ý nói rằng làm người hàm dưỡng cần phải truy cầu tri thức. Đọc sách, trau dồi tri thức không phải là để bản thân biết được nhiều mà là để buông bỏ được nhiều, buông bỏ được tham sân, si hận.
4. Tầm mắt có độ rộng
Đứng càng cao thì nhìn càng xa, tầm mắt ở đây chính là nói đến góc độ nhìn nhận sự việc của một người. Bất luận là nhìn người hay nhìn vật, đều phải có một tầm nhìn rộng mở, không nên chỉ nhìn đến những điều trước mắt. Cuộc sống hàng ngày, đôi khi phải biết lùi lại chịu đường thiệt về mình, nếu chỉ chăm chăm nhìn vào hiện tại mà quên đi tương lai phía trước thì ắt sẽ chẳng thể làm được điều gì sáng suốt.
Một người chịu thiệt thòi càng nhiều thì cơ hội thành công cũng càng lớn, bởi khi con người ta chịu thiệt thòi đủ nhiều, họ sẽ nhận ra được giá trị của sinh mệnh mình nằm ở đâu. Làm người thì có được ắt có mất, có thiệt thòi thì sẽ có bù đắp. Vậy nên người có hàm dưỡng là người có tầm nhìn xa trông rộng, không ngại chịu thiệt thòi về bản thân.
Kỳ thực khi một người có thể nhận ra rằng, chịu thiệt cũng là một cảnh giới hạnh phúc, khi đó họ đã không còn thiệt nữa rồi.
Người có hàm dưỡng là người có thể chịu thiệt về mình.
5. Làm việc có mức độ
Người có tiêu chuẩn của người, việc có tiêu chuẩn của việc, phàm làm việc gì cũng cần phải chừng mực trước sau, bất luận công việc to nhỏ thế nào thì cũng cần có tiêu chuẩn riêng của nó. Khi thành tích nâng cao thì mục tiêu cũng nâng cao, và tiêu chuẩn cũng phải đề cao.
6. Sự nghiệp có cao độ
Ai trong đời thì cũng mong muốn có được sự nghiệp thành công, một cuộc đời thành tựu. Tuy nhiên trong cuộc đời, cùng với năm tháng qua đi, những lĩnh ngộ trong đời cũng sẽ ngày càng đổi khác. Vậy thì, cho dù là con đường sự nghiêp nào mà bạn đã chọn, đều phải tích lũy qua năm tháng, công việc thông thường cũng phải cố gắng hoàn thành tốt, mỗi ngày không ngừng đề cao. Người có hàm dưỡng khi làm bất luận việc gì cũng đều có cao độ của mình, có câu, 'tâm thái cao bao nhiêu thì tầm nhìn cao bấy nhiêu và sự nghiệp cao bấy nhiêu'.
7. Thọ mệnh có hạn độ
Chúng ta không thể lựa chọn thọ mệnh ngắn dài, nhưng chúng ta lại có thể lựa chọn phương thức mà sinh mệnh sẽ đi qua. Làm người thì lựa chọn khoan dung hậu đức, làm việc nên có chút thong dong điềm tĩnh, dù ngẩng đầu hay cúi đầu cũng đều vui vẻ.
Tranh đấu cũng một đời, ung dung tự tại cũng một đời, thế nên sống giàu sang hay nghèo khổ không quan trọng. Quan trọng là sống một đời vui vẻ an lạc, cuối cùng là thản nhiên trước được mất hơn thua của thế gian, ấy mới không uổng một kiếp người.
Minh Vũ biên dịch
No comments:
Post a Comment