Vừa giờ trưa ngày 5/09/2022, bà Liz Truss (sinh năm 1975), chính thức được đảng Bảo thủ bầu chọn làm lãnh đạo, mở đường để bà lên ghế thủ tướng vào ngày 06.
Như thế, lần thứ ba trong lịch sử chính trị Anh, Vương quốc này có nữ thủ tướng, và đều từ đảng Bảo thủ.
Sau Margaret Thatcher, cầm quyền từ 1979 đến 1990, có bà Theresa May, người giữ chức ba năm, 2016-19, sau biến động Brexit, và nay đến Mary Elizabeth Truss.
Trong khi không ai so sánh hai người Theresa May và Liz Truss, gần như mọi đài báo Anh, gồm cả BBC News, đều thử ví Truss với Thatcher.
Có thể là vì Liz Truss muốn lấy cảm hứng nhiều cho bản thân từ Margaret Thatcher.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn lúc 9 giờ hôm Chủ Nhật vừa qua với Laura Kuensberger của kênh 1, truyền hình BBC News, đài nhà của chúng tôi còn chạy các hình minh họa bà Liz Truss "bắt chước" Bà Đầm Thép với cảnh ngồi lên xe tăng, và các phát ngôn mạnh mẽ bảo vệ thế giới tự do.
Vì với thế giới thời Chiến tranh Lạnh, Margaret Thatcher nổi danh là dám đưa quân Anh vượt hàng nghìn cây số tới Nam Đại Tây Dương giành lại quần đảo Falklands (1982).
Những phát ngôn đáng nhớ của vị nữ thủ tướng Anh đầu tiên, gọi các lãnh đạo cao niên của Liên Xô là "những kẻ chỉ mạnh về quân sự, còn là bọn thất bại thảm hại về con người và kinh tế" có vẻ đang được phe chống Nga trong các đảng phái Anh nhắc lại.
Bản thân bà Liz Truss cũng phát biểu mạnh về cuộc chiến hiện nay của người Ukraine bảo vệ đất nước, chống lại quân đội xâm lăng của Putin.
Nhưng sự "giống nhau" của hai nhiệm kỳ thủ tướng còn thấy ở kỳ vọng, ở sự khó khăn.
Thời kỳ của Thatcher
Xin nhắc lại, khi bà Thatcher lên làm thủ tướng, nước Anh gặp khó tứ bề.
Bên trong, các nghiệp đoàn liên tiếp đình công, dịch vụ công tê liệt, tới mức các công viên ở trung tâm London thành bãi rác tạm.
Thất nghiệp ở Anh khi đó lên tới 20%, lạm phát chừng 15%, và kinh tế đình đống.
Cùng lúc, một vấn đề nửa trong, nửa ngoài là Bắc Ireland, đè nặng lên chính trường Anh. IRA liên tục đánh bom, giết chết cả ông Airey Neave, cựu thư ký riêng của bà Thatcher, cựu bộ trưởng chuyên trách Bắc Ireland, cả Lord Mountbatten, chú của Nữ hoàng Elizabeth II.
CH Ireland vẫn ghi trong Hiến pháp quyền đòi lại sáu hạt miền Bắc, hợp thành Bắc Ireland thuộc Anh.
Trên thế giới Liên Xô vừa đưa quân vào Afghanistan, vào Angola (thông qua Cuba), và Hoa Kỳ thời Jimmy Carter không chỉ không mặn mà với Anh Quốc, mà còn đang lấn bấn với hội chứng hậu chiến, sau cuộc rút bỏ khỏi Nam Việt Nam.
Trung Quốc không chỉ vừa đánh Việt Nam mà xoay sang "chào mừng Thatcher" bằng lá thư của Triệu Tử Dương đòi Anh trao trả toàn bộ chủ quyền Hong Kong.
Tóm lại, những ngày mùa đông 1979-80 là môi trường khắc nghiệt vô cùng cho Margaret Thatcher.
Henry Kissinger tuy thế đã viết: "Đảng Tory của những người như Winston Churchill đã dám trao quyền cho cô con gái một nhà bán rau (a grocer's daughter)".
Quả vậy, Margaret Thatcher không chỉ xuất thân nghèo mà còn thuộc tầng lớp xa lạ với các quý ông có tước quý tộc nắm vận mệnh Anh Quốc qua nhiều thế kỷ.
Nhưng bà đã làm được rất nhiều, cho Anh và cho thế giới.
Ở đây, về an ninh quốc nội, Thatcher đã mở lối đàm phán với chính phủ CH Ireland, và không để IRA khiêu khích, bất chấp các vụ đánh bom tàn khốc.
Hiệp định Anglo-Irish do bà ký với thủ tướng CH Ireland đã mở đường cho Thỏa thuận Ngày thứ Sáu tốt lành -Good Friday Agreement năm 1998.
Về kinh tế, Thatcher đã mạnh tay cắt được lạm phát, giảm quyền lực của các nghiệp đoàn, tư nhân hóa khu vực công.
Và quan trọng hơn cả, chính sách tự do kinh tế của bà đã giải phóng các doanh nghiệp Anh khỏi ma trận của giấy tờ để họ có thể phát triển, có thể vươn ra thế giới.
Thời Thatcher, London trở thành trung tâm tài chính quốc tế và thương hiệu UK có giá trở lên trên thế giới. Tuy chống cộng sản về nguyên tắc, bà đã mềm dẻo đối thoại với Moscow, thăm Hungary, Ba Lan và trợ giúp hiệu quả cho Tổng thống Reagan thực hiện chính sách mới với khối Đông Âu.
Nước Anh thời Liz Truss
Còn ngày hôm nay, tuy tình hình khác thời Thatcher, nước Anh có các thách thức không kém phần nghiêm trọng.
Đầu tiên là kinh tế trong nước. Lạm phát phi mã – có dự báo dọa là sẽ lên tới 22% vào mùa Xuân 2023 – cộng với giá năng lượng cao ngất đang đẩy nhiều nhà dân vào một mùa đông lạnh lẽo, và nhiều doanh nghiệp vào bờ vực phá sản.
Trong tháng 9 này, xe lửa Anh dự kiến đã có lịch đình công ít nhất bốn lần, khiến những người đi tàu vào London như chúng tôi luôn phải rà xem ngày nào thì có đình công, để chuyển sang làm việc tại nhà.
Liz Truss muốn cắt thuế và tăng chi tiêu, nhất là chi tiêu công cho quốc phòng – một khẩu hiệu vừa tai các nhân vật của đảng Bảo thủ, lại rất đúng lúc là đẩy công nghiệp vũ khí lên, vừa kích cầu kinh tế, vừa giúp Ukraine chống Nga.
Thế nhưng, các ý kiến chuyên gia đều nói thế thì chưa đủ. Chi tiêu quốc phòng là cần thiết về lâu dài, mà cuộc chiến ở Ukraine sẽ phải ngã ngũ mùa đông năm nay, khi quân Ukraine và quân Nga đều "còn hơi sức chiến đấu".
Một chiến trường phía đông mùa băng tuyết âm hàng chục độ C sẽ chỉ là cuộc chiến "đóng băng" theo nghĩa đen và nghĩa bóng.
Ukraine phải thắng mùa đông này và Anh Quốc, Hoa Kỳ, EU muốn chứng tỏ là sự trợ giúp cho Kyiv "có hiệu quả" cũng muốn Ukraine giành lại một phần đất đai mùa đông này, theo Michael Clarke, GS chuyên về quốc phòng ở King's College London viết hôm 04/05.
Người ta cũng hối thúc Liz Truss có biện pháp gì nhanh hơn cứu các hộ gia đình gặp tờ hóa đơn giá khí đốt và điện tăng vọt.
Anh ra khỏi EU nhưng vẫn phải mua bán các loại năng lượng đó trên một thị trường chung của cả EU, nên cần biết nói chuyện với các nước bên kia eo biển English Channel. Các phát ngôn cứng rắn của bà Truss mấy tuần trước về EU chắc cần quên đi, càng nhanh càng tốt.
Giống như thời Thatcher, bà Truss cũng đã và đang cần giải quyết câu hỏi về Nghị định thư Bắc Ireland (N. Ireland Protocol) mà Boris Johnson để lại.
Về vấn đề này, tờ Sunday Times (04/09) nói cái tài của ông Johnson là ký được Brexit nhưng cùng với Ngoại trưởng Liz Truss, để lại rất nhiều điều không rõ ràng, tùy hai bên, Anh và EU diễn giải thế nào cũng được. Nay thì bà Truss không thể né tránh câu hỏi khó về quy chế thực sự cho Bắc Ireland.
Không biết ai gặp khó hơn ai
Cuối cùng, cần phải nói có những thách thức đối ngoại bà Truss nay đang đối mặt to lớn hơn nhiều so với bà Thatcher.
Khi Liên Xô tan rã, Anh vẫn trong EU và bà Thatcher có hai "người khổng lồ của châu ÂU" – Francois Mitterand và Helmut Kohl, hỗ trợ để giúp Chiến tranh Lạnh chấm dứt trên châu lục này không đổ máu. Tất nhiên, phải kể đến Ronald Reagan, Đức Giáo hoàng John Paul II và Mikhail Gorbachev nữa, những gương mặt của một thời kỳ vô cùng đặc biệt, nhiều nhân vật lớn, các vấn đề lớn hội tụ.
Còn bây giờ, nước Anh ở bên ngoài EU, và đảng Bảo thủ phải đối mặt với các đối thủ "khủng" hơn trước tùy theo góc nhìn: nước Nga nhiều vũ khí và Trung Quốc nhiều tiền.
Ngay trong đảng Bảo thủ, cuộc bỏ phiếu công bố trưa nay cho thấy sự tín nhiệm dành cho bà Truss không cao, và thấp hơn so với số phiếu bỏ cho các vị tiền nhiệm: Truss 57% phiếu thành viên đảng, so với 66,4% cho Boris Johnson năm 2019.
Trước đó, ông David Cameron từng được 67,6% năm 2005, và một người trượt chức thủ tướng, ông Duncan Smith, còn được số phiếu cao hơn bà: 60,7% năm 2001.
Tuy thế, cần nhắc lại là khi Margaret Thatcher lên nắm quyền, ít ai nghĩ bà giữ chức được lâu. Chính niềm tin mạnh mẽ vào các giá trị Anh khiến Thatcher vượt qua và để lại một di sản lớn.
Bởi vậy, chắc cũng cần cho Liz Truss cơ hội của người mới, để chứng tỏ mình.
Nước Anh những ngày tháng tới đang trông cậy vào sự lãnh đạo của một phụ nữ 47 tuổi. Chúc bà thành công!
NGUYỄN GIANG
No comments:
Post a Comment