Friday, 26 January 2024

Đài Loan nên sử dụng 'tấm khiên' nào để bảo vệ mình trước Trung Quốc?

 Trung Quốc luôn hăm dọa tấn công Đài Loan, nhưng đây không phải là vấn đề lãnh thổ. Vào thời Giang Trạch Dân, ông ta đã 'bán' hàng triệu km2 đất cho Nga, tức gấp mấy chục lần diện tích Đài Loan, mà chưa hề lấy lại được.

-Liên quan đến vấn đề Đài Loan
-Dự luật H.R.554
-Lý do Trung Quốc không cách nào đánh Đài Loan
-Sức mạnh mềm của Đài Loan

Nếu không phải vấn đề lãnh thổ, thì Trung Quốc muốn đánh Đài Loan vì cớ gì, và Đài Loan có sức mạnh mềm nào để giải quyết vấn đề xuyên eo biển?
Trong bài diễn giảng vào tháng 6/2023, một chuyên gia về Trung Quốc là Giáo sư Chương Thiên Lượng đã chia sẻ góc nhìn của mình như sau.

Liên quan đến vấn đề Đài Loan
Mối uy hiếp lớn nhất mà Đài Loan đang phải đối mặt hiện nay là Trung Quốc. Vấn đề Đài Loan đã trở thành tiêu điểm quan trọng nhất để giải quyết các vấn đề quốc tế.

Nhiều năm trước, Giáo sư Chương đã đọc một tác phẩm tên là 'Gỗ trôi trên sông Hoàng Hà' (
黃河邊上的木頭渡) của nhà văn rất nổi tiếng ở Trung Quốc - Vương Lực Hùng. Vương Lực Hùng kể rằng, vào những năm 1980 khi ông đang đi bè trên sông Hoàng Hà tìm nguồn chảy của sông Hoàng Hà, ông đã thu thập những câu chuyện ở thực địa. Người dân địa phương kể rằng, trước đây khi chưa có đường sá, gỗ được chặt từ thượng du sông Hoàng Hà không có cách nào vận chuyển được, cho nên chỉ có thể thả gỗ trôi sông để xuống hạ du.

Chúng ta biết rằng, nơi bắt nguồn của Hoàng Hà là núi Bayan Har thuộc dãy Côn Lôn sau đó chảy về biển Bột Hải, cho nên chênh lệch độ cao rất lớn. Ngoài ra, trên toàn tuyến còn có nhiều điểm chuyển gấp và nước chảy xiết. Dưới tình huống như vậy, những khúc gỗ đôi khi bị kẹt giữa các tảng đá.

Khi một khúc gỗ bị kẹt, nó chặn đường đi của khúc gỗ phía sau, cho nên những khúc gỗ này sẽ kẹt chồng lên nhau. Đôi khi nó chồng lên nhau như một ngọn núi và biến thành một bức tường gỗ khổng lồ, thậm chí có thể cắt đứt dòng nước của sông Hoàng Hà. Vậy phải làm sao?

Lúc này phải tìm ở thượng du Hoàng Hà một người gọi là 'Lão Bả Thức' (
老把式). Lão Bả Thức sẽ kiểm tra cẩn thận kết cấu giữa các thanh gỗ và có thể mất vài ngày để tìm ra khúc gỗ quan trọng nhất. Chỉ cần chặt khúc gỗ đó, thì toàn bộ bức tường gỗ sẽ sụp đổ, gỗ sẽ lại trôi theo dòng.

Từ câu chuyện trên, Giáo sư Chương nghĩ về tình hình chính trị Trung Quốc và quốc tế.

Hiện nay chúng ta thấy thế giới có hai sự kiện lớn, một là chiến tranh Nga - Ukraine, hai là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan. (Thời điểm diễn giảng chưa xảy ra chiến tranh Hamas - Israel). Chiến tranh Nga - Ukraine sẽ sớm kết thúc, và khi đó Giáo sư Chương nghĩ toàn bộ cộng đồng quốc tế sẽ tập trung vào vấn đề Đài Loan.

Bản chất của vấn đề Đài Loan thực ra không liên quan gì đến lãnh thổ, bởi vì Trung Quốc đã bán quá nhiều lãnh thổ của Trung Quốc, gấp 50 đến 150 lần diện tích Đài Loan. Đối với Trung Quốc, việc từ bỏ lãnh thổ không phải là vấn đề gì cả. Vậy thì thực chất của vấn đề Đài Loan là gì?

Giáo sư Chương nhìn nhận, thực chất của vấn đề giữa Đài Loan và Trung Quốc là cuộc chiến giữa tự do và chuyên chế, cuộc chiến giữa tự do và độc tài. Khi có được định vị như vậy, người Đài Loan mới có thể nhận được sự ủng hộ từ những quốc gia tự do.

Chúng ta biết rằng Trung Quốc thống hận tự do. Vì sao Trung Quốc đàn áp người Hồng Kông tham gia cuộc vận động 'Phản tống Trung', thậm chí thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông để tước đoạt tự do của Hồng Kông? Bởi vì bất cứ nơi nào có sự tự do giống như Hồng Kông, nơi đó sẽ kích thích khát vọng tự do của người dân Trung Quốc, cho nên Trung Quốc phải phá hủy tự do ở Hồng Kông.

Đối với Đài Loan cũng như thế. Nếu đây là cuộc chiến giữa tự do và chuyên chế, thì sau khi chiếm Đài Loan, Trung Quốc đầu tiên sẽ đánh đổ tự do của Đài Loan.

Đài Loan có bầu cử dân chủ, điều này làm Trung Quốc không thể chịu được. Đặc biệt, giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục có nét tương đồng về nguồn gốc, văn hóa, lịch sử, cùng trong vòng tròn văn hóa Nho giáo vĩ đại... Vậy thì người Trung Quốc sẽ nghĩ: Đài Loan có bầu cử, có dân chủ, vì sao Đại lục lại không thể? Cho nên, bầu cử ở Đài Loan đã trở thành cái gai trong mắt Trung Quốc.

Năm 1996 xảy ra khủng hoảng tên lửa ở eo biển Đài Loan, đây cũng là năm diễn ra cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu đầu tiên ở Đài Loan. Trung Quốc hận không thể hạ Đài Loan lúc đó. Hiện tại Trung Quốc không có thực lực, nếu họ có thực lực, họ nhất định sẽ biến cả thế giới thành một chế độ giống như Trung Quốc.

Nhiều người lo lắng Trung Quốc có thể xâm lược Đài Loan. Nhiều người còn cho rằng: Vì để tái đắc cử, ông Tập Cận Bình sẽ đánh Đài Loan. Nhưng khi ấy Giáo sư Chương lại nhìn nhận rằng: Muốn xem Trung Quốc có đánh Đài Loan hay không, chỉ cần nhìn vào tiêu chí là 'số tiền mà các quan chức Trung Quốc giấu ở nước ngoài'.

Nếu Trung Quốc bắt đầu tấn công Đài Loan, cộng đồng quốc tế chắc chắn sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Những quan chức cấp cao Trung Quốc và người thân của họ giấu rất nhiều tiền ở nước ngoài.

Giáo sư Chương đã từng làm một chương trình vào ngày 20/07/2020, trong đó đề cập đến một tổ chức là Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (Global Financial Integrity, GFI).

Năm 2012, tức là hơn 10 năm trước, họ đã đăng một bài báo trên tạp chí nổi tiếng The Economist. The Economist là tạp chí mà giới tinh anh hay đọc. Trong bài tiết lộ Trung Quốc thông qua ngoại thương để rửa tiền ở nước ngoài.

Phương pháp họ sử dụng là thống kê số tiền nhập khẩu từ Trung Quốc do các nước công bố, so sánh số tiền xuất khẩu do Trung Quốc công bố. Ví dụ như, Trung Quốc đã xuất khẩu 100 tỷ đô-la Mỹ, thì quốc gia nhập khẩu phải ghi 100 tỷ. Con số này đúng ra phải khớp nhau. Nhưng GFI phát hiện con số không khớp, và họ phát hiện phương pháp rửa tiền của Trung Quốc gọi là 'misinvoicing'.

GFI tính toán từ khi Trung Quốc đã gia nhập WTO (năm 2001) đến năm 2011, chỉ trong hơn 10 năm, Trung Quốc đã rửa 3,6 nghìn tỷ đô-la Mỹ ở nước ngoài. Chúng ta không có lý do gì để tin rằng sau năm 2012, Trung Quốc đột nhiên thay đổi, không rửa tiền nữa.

Giáo sư Chương dựa theo tỷ lệ rửa tiền của Trung Quốc, tự mình tính toán ra được, đến năm 2020, Trung Quốc đã rửa 10 nghìn tỷ đô-la Mỹ ở nước ngoài.

'Misinvoicing' chỉ là một phương pháp được phát hiện, còn nhiều phương pháp khác nữa như đầu tư ra nước ngoài v.v.

Tiền đã đi đâu? Trung Quốc đã cải cách và mở cửa hơn 40 năm, hầu hết người dân bình thường vẫn chưa được hưởng lợi. Trên thực tế tiền đã chảy vào túi các quan chức tham nhũng của Trung Quốc.

Nếu chiến tranh nổ ra, quan chức Trung Quốc sẽ ra sao? Hoa Kỳ chắc chắn sẽ sử dụng vị thế bá chủ tài chính toàn cầu của mình để đóng băng tài sản của những quan chức này. Những quan chức này chắc chắn rất sợ hãi.

Trong cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, chúng ta đã thấy tài sản của nhiều nhà tài phiệt Nga và gia đình họ đã bị đóng băng. Cho nên nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, thì những quan chức Trung Quốc chắc chắn phải rút hết tiền ra khỏi các ngân hàng nước ngoài. Đây là một điểm quan trọng để quan sát xem Trung Quốc có tấn công Đài Loan hay không.

Dự luật H.R.554
Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm ngoái tại Mỹ, đảng Cộng hòa đã giành được đa số tại Hạ viện. Ông Kevin McCarthy, nhân vật quyền lực thứ ba trong nền chính trị Hoa Kỳ, đã lập tức thành lập một ủy ban để đối phó với ĐCSTQ. Đó là ủy ban chuyên trách đối kháng với ĐCSTQ.

Sau khi thành lập ủy ban này, nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã đề xuất một số dự luật. Trong số đó, Giáo sư Chương cho rằng, dự luật quan trọng nhất đối với Đài Loan là Dự luật H.R.554, được đưa ra vào ngày 28/2/2023 bởi Đảng viên Đảng Cộng hòa ở Arkansas tên là French Hill.

Trong dự luật này, French Hill đề xuất, nếu ĐCSTQ muốn tấn công Đài Loan, hoặc phía Mỹ phát hiện những dấu hiệu như vậy, thì phải thông báo ngay cho Quốc hội. Đồng thời trong vòng 90 ngày, chính phủ Hoa Kỳ để Bộ Tài chính xử phạt tất cả các quan chức từ Ủy viên Trung ương trở lên.

Khái niệm Ủy viên Trung ương là gì? Ông Tập Cận Bình là Tổng Bí thư, kiêm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Có 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Dưới Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị có 18 người, cộng với 7 người, thì tổng cộng có 25 người là Ủy viên Bộ chính trị. Dưới 25 người này có 200 người nữa, 200 người này gọi là Ủy viên Trung ương. Trên danh nghĩa, cơ quan quyền lực cao nhất trong ĐCSTQ là Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đây cũng giống như trung tâm chống đỡ ĐCSTQ, nó giống với khúc gỗ quan trọng chống đỡ bức tường gỗ trong câu chuyện nói ở trên.

Nếu việc Trung Quốc có dấu hiệu tấn công Đài Loan xảy ra, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ công khai tài sản của bản thân hơn 200 người trong Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, cộng với anh chị em của họ, phối ngẫu (vợ/chồng) của anh chị em của họ, con cháu của họ, phối ngẫu của con cháu của họ... Chiểu theo cách nói của Trung Quốc cổ đại là 'tru di tam tộc'.

Nếu ông Tập nóng đầu phát động cuộc chiến với Đài Loan, thì những quan chức này sẽ chống lại ông Tập. Cho nên, Giáo sư Chương cho rằng, Dự luật H.R.554 là đảm bảo rất quan trọng trong việc bảo vệ an toàn của Đài Loan.

Chúng ta biết rằng, dự luật của Hoa Kỳ có một quá trình như thế này: Đầu tiên là đề xuất (introduced). Thứ hai là tìm người ký tên (co-sponsor), tốt nhất là Lưỡng đảng đều có người ký tên. Bước thứ ba là đưa ra Ủy ban để biểu quyết, ví như: Ủy ban Ngoại giao, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Trợ cấp v.v. Bởi vì không phải tất cả các dự luật nào, đều phải mở hội nghị cho 435 Dân biểu ở Hạ viện biểu quyết, cho nên mới có rất nhiều ủy ban như vậy. Sau khi Ủy ban biểu quyết, thì mới đưa ra Hạ viện cho 435 Dân biểu biểu quyết, quá bán thì thông qua.

Hiện nay Dự luật này đang ở "co-sponsor". Nếu thực sự có thể được đưa ra cho 435 Dân biểu biểu quyết thì chắc chắn sẽ được thông qua. Bởi vì mặc dù hiện nay Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ở Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ khác nhau về quan điểm chính trị, nhưng họ có 2 sự đồng thuận là: ĐCSTQ phải được kiềm chế và Đài Loan cần được bảo vệ.

Một khi dự luận này được thông qua, nó sẽ trở thành tấm khiên để bảo vệ Đài Loan.

Lý do Trung Quốc không cách nào đánh Đài Loan
Như đã đề cập ở trên, nếu tấn công Đài Loan, thì quan chức Trung Quốc giống như đối diện với 'tru di tam tộc', tức tài sản 'tam tộc' bị công khai và đóng băng. Đây là một lý do mà Trung Quốc không dám tấn công Đài Loan.

Nếu Tập Cận Bình tấn công Đài Loan, ông ấy còn phải đối mặt với cấm vận công nghệ cao.

Mà chúng ta biết rằng, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào khoa học kỹ thuật để làm dữ liệu lớn, nhận dạng khuôn mặt, phân tích điều kiện xã hội, chấm điểm tín dụng công dân v.v., chính là dựa vào những thứ này để giám sát xã hội.

Trung Quốc dựa vào những thứ này để giám sát xã hội, nếu không có công nghệ cao, thì Trung Quốc sẽ không khống chế được xã hội. Cho nên Trung Quốc vô cùng sợ hãi nếu bị cấm vận công nghệ cao. Nếu Mỹ xuống tay, thì rất nhiều công ty công nghệ Trung Quốc sẽ phá sản thật sự.

Còn nhớ vào năm 2018, ZTE của Trung Quốc đã vi phạm lệnh cấm của Mỹ là xuất khẩu thiết bị thông tin cho Iran. Sau khi Mỹ phát hiện, ngày 16/4/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã trừng phạt công ty này bằng cách cấm xuất khẩu chip cho ZTE. Ba tuần sau (tức ngày 9/5/2018), ZTE đã ra thông báo nói rằng 'hoạt động của công ty không thể tiến hành vì lệnh trừng phạt', công ty này hầu như bốc hơi khỏi thị trường.

Sau đó ông Tập Cận Bình gọi điện cầu xin ông Trump, sẵn sàng chi trả nửa tỷ đô-la tiền phạt, bao gồm cả việc Mỹ gửi người đến ZTE đến giám sát có tuân theo pháp luật Hoa Kỳ hay không. Cuối cùng ông Trump hạ lệnh dỡ bỏ lệnh trừng phạt. ZTE trở lại cuộc sống bình thường.

Do đó thấy rằng, nếu Mỹ muốn bóp nghẹt một công ty công nghệ Trung Quốc, thì đây là điều rất dễ dàng, chỉ cần một lệnh cấm là xong.

Cho nên nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, thì sẽ đối mặt với tình huống như vậy, tất cả các công ty công nghệ Trung Quốc có thể đóng cửa sau một đêm. Đây là thống khổ mà Trung Quốc không thể chịu được, và cũng là lý do mà Trung Quốc không dám tấn công Đài Loan.

Còn có một nguyên nhân nữa đó là: Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào thương mại.

Chúng ta hiện nay đang sống trong thời đại toàn cầu hoá, chuỗi công nghiệp phân bố toàn cầu. Một chiếc iphone của Apple có khoảng 200 phân đoạn sản xuất, có mấy chục quốc gia cùng tham gia, chính là một chuỗi công nghiệp dài như thế. Nếu bất cứ một quốc gia nào không cung cấp cho bạn một linh kiện chính, thì không thể làm ra sản phẩm này.

Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, sẽ làm gián đoạn chuỗi công nghiệp có độ tinh vi cao hơn. TSMC của Đài Loan chiếm 54 % thị phần chip toàn cầu, họ nắm những công nghệ tinh vi và cốt lõi. Mà những công nghệ này chỉ có vài quốc gia nắm giữ. Nếu không có công nghệ này, hoặc không có 'bán thành phẩm', thì toàn bộ sản phẩm không thể tiếp tục sản xuất được. Lúc này lập tức xảy ra lạm phát vì thiếu hàng hoá nghiêm trọng, nhiều vấn đề sẽ xuất hiện. Cho nên về góc độ kinh tế, Trung Quốc cũng không dám đánh Đài Loan.

Còn có một nguyên nhân nữa mà Trung Quốc không dám đánh Đài Loan, đó là vấn đề năng lượng. Trung Quốc muốn đánh Đài Loan, nếu muốn đánh nhanh thắng nhanh, thì Trung Quốc không thể trụ nổi 1 tháng. Vì sao?

70% dầu thô của Trung Quốc là nhập khẩu. Nếu đánh Đài Loan, thì dầu dự trữ của Trung Quốc không trụ được 2 tháng, thêm vào đó phải khởi động cỗ máy chiến tranh, thì trong một tháng là tiêu hết sạch năng lượng. Thiếu năng lượng, ngay cả chiến đấu cơ không cất cánh nổi, thì làm sao Trung Quốc dám đánh Đài Loan.

Còn có một nguyên nhân nữa liên quan đến thuộc cấp của ông Tập Cận Bình. Chúng ta đặt giả thiết: Nếu Tập Cận Bình tấn công Đài Loan, thì ông Tập phải giao quyền chỉ huy cho tướng lĩnh quân đội, ai lãnh bình thì giao cho người đó. Giống như trong chiến tranh Ukraine, Tổng thống Zelensky giao quyền cho Tổng tư lệnh Valerii Zaluzhnyi. Ông Zelensky làm các hoạt động ngoại giao, xin viện trợ, còn thật sự đánh trận là Zaluzhnyi. Nghĩa là lãnh đạo giao quyền giao vũ khí cho quân đội.

Đối với Tập Cận Bình, thì ông Tập phải giao súng cho quân đội, ông sẽ lo rằng: Lỡ quân đội quay mũi súng thì phải làm sao?

Đối với lãnh đạo độc tài, thì ông ta không tin tưởng bất cứ ai xung quanh. Đặc biệt khi chiến tranh nổ ra, lỡ tướng lĩnh quay mũi súng phải làm sao? Cho nên ông Tập rất lo lắng về việc này.

Hơn nữa toàn thế giới hiện nay hầu như đều đang ủng hộ Đài Loan. Gần đây ngày 23/5/2023, Tổng tư lệnh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là John Aquilino đã nói đại ý rằng, Tổng thống Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Austin giao cho tôi 2 nhiệm vụ: Một là ngăn chặn xung đột ở eo biển Đài Loan, hai là: nếu nhiệm vụ 1 thất bại, thì chuẩn bị chiến đấu và giành chiến thắng.

Đây là tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ nhất từ Hoa Kỳ, tức là chỉ cần Trung Quốc đánh Đài Loan, Mỹ nhất định tham chiến, không chỉ tham chiến, mà còn phải giành chiến thắng. Trước đây Mỹ còn mơ hồ về vấn đề Đài Loan, nhưng hiện nay Mỹ đã vô cùng minh xác, và không có lựa chọn nào khác.

Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, toàn bộ trật tự thế giới sau Thế chiến II sẽ rối loạn. Mỹ là cảnh sát quốc tế. Nếu cảnh sát không đánh được lưu manh, thì còn gì là cảnh sát nữa.

Nếu không có cảnh sát, xã hội đen sẽ lộng hành, mọi người ngừng kinh doanh, mọi công ty ngừng kinh doanh, toàn bộ thương mại quốc tế coi như xong.

Thế giới mà chúng ta đang sống sở dĩ phồn vinh như vậy là do toàn cầu hoá. Vì sao chúng ta sản xuất hàng triệu, hàng chục triệu mà vẫn bán được, vì sao giá cả sản phẩm rẻ như vậy? Chính là do toàn cầu hoá phân công hợp tác, mỗi người chuyên làm một sản phẩm cho nên hạ được chi phí. Nếu không có những thứ này, kinh tế thế giới sẽ quay lại thập niên 80, thậm chí còn tệ hơn.

Đối với Mỹ mà nói, việc phá hoại chuỗi công nghiệp toàn cầu là điều không thể dung thứ, kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bên Mỹ không có lựa chọn nào khác trong việc bảo vệ Đài Loan, hơn nữa nhất định phải nhanh thắng nhanh và giành chiến thắng.

Nhìn tổng thể những điều này một cách khách quan, chúng ta sẽ thấy rằng Tập Cận Bình rất khó tấn công Đài Loan.

Còn một điều nữa liên quan đến tâm lý Tập Cận Bình. Chúng ta biết rằng tâm lý quyết định hành động, khi biết được tâm lý ông Tập, chúng ta có thể biết phương hướng chính sách tiếp theo của Trung Quốc trong tương lai.

Tập Cận Bình khi thấy người yếu nhược, sẽ tỏ ra vô cùng cùng cứng rắn, khi thấy người cứng rắn, ông Tập sẽ tỏ ra vô cùng yếu nhược.

Ở Trung Quốc có một kỳ thủ cờ vây là Nhiếp Vệ Bình, ông là bạn của ông Tập thời còn trẻ. Khi ông Tập Cận Bình còn làm Tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến, thì Nhiếp Vệ Bình có viết một cuốn sách, trong đó kể về việc: Năm 1968 tức khi ông Tập Cận Bình 15 tuổi, thì có đánh nhau. Khi thấy đối phương đông người hơn, thì Tập Cận Bình lập tức quay người bỏ chạy, thậm chí còn chạy rất nhanh.

Đây là đặc điểm tính cách của ông Tập: Khi thấy sự việc làm không thành, ông Tập sẽ lập tức quay gót 180 độ. Giống như ông Tập làm chính sách zero-COVID, sau đó trong một đêm đột ngột mở cửa; hôm nay đánh Jack Ma, ngày mai lại kêu Jack Ma về nước.

Khi đánh Đài Loan mà có Mỹ tham chiến, thì ông Tập sẽ không dám đánh. Ngay cả khả năng thắng là 99%, ông Tập cũng phải suy nghĩ:

Nếu đánh mà thua với khả năng 1%, thì ông Tập sẽ mất 100% quyền lực.

Nếu không đánh ông nhất định giữ được 100% quyền lực, bởi vì Mỹ sẽ không lật đổ Trung Quốc, mà chỉ là ức chế Trung Quốc.

Chúng ta biết rằng: 'Quân sự là hình thức cực đoan của ngoại giao, mà ngoại giao là sự tiếp diễn của nội chính'. Những điều ông Tập làm hết thảy là để phục vụ quyền lực chính trị của mình. Ông Tập sẽ không vì 1% nguy hiểm mà mất đi 100% quyền lực. Cho nên từ phương diện tính cách, thì ông Tập sẽ không đánh Đài Loan.

Sức mạnh mềm của Đài Loan
Nếu ông Tập không thể dùng 'sức mạnh cứng' để tấn công Đài Loan, thì Đài Loan nên dùng 'sức mạnh mềm' gì để đối phó với Trung Quốc?

Khi chúng ta định rõ ràng rằng: Khi định vị khủng hoảng ở eo biển Đài Loan là cuộc chiến giữa 'chuyên chế độc tài' và 'tự do dân chủ', thì Đài Loan mới có thể kéo những người bạn dân chủ về phía mình, đoàn kết thành một khối để đối phó với Trung Quốc. Đây là vấn đề chọn bên, 'bạn chọn độc tài hay dân chủ'.

Đài Loan có tự do dân chủ. Nếu Đài Loan giống như Bắc Hàn, thì Mỹ có bảo vệ Đài Loan hay không? Nếu Trung Quốc đánh Bắc Hàn, Mỹ có bảo vệ Bắc Hàn hay không? Không. Vậy vì sao Mỹ lại bảo vệ Đài Loan? Bởi vì Đài Loan là quốc gia tự do dân chủ.

Trên thực tế nền dân chủ của Đài Loan cung cấp tính hợp pháp cho chính phủ Đài Loan. Vì sao bà Thái Anh Văn làm tổng thống? Chính là do dân tuyển.

Trung Quốc luôn muốn nói chuyện thống nhất với Đài Loan, vậy thì Đài Loan sẽ trả lời rằng 'các bạn hãy phái đại biểu hợp pháp của quốc gia bạn đến nước tôi nói chuyện'. Thế nào là 'đại biểu hợp pháp của quốc gia', chính là do người dân trực tiếp bầu ra. Trung Quốc tuyệt đối không thể làm được. Cho nên khi Trung Quốc muốn nói chuyện thống nhất với Đài Loan, thì Trung Quốc không có tư cách nói chuyện.

Nếu Trung Quốc biện hộ rằng: 'Chúng tôi cũng là do dân tuyển ra mà'. Đài Loan sẽ nói: 'Nếu bạn là dân chủ thực sự, bạn phải có tự do ngôn luận. Nếu không có tự do ngôn luận, thì làm sao tôi biết cương lĩnh chính trị của bạn là gì, trong quốc gia của bạn có ai phản đối bạn hay không? Nếu không có những thứ ấy thì bạn là dân chủ giả, các bạn không đại biểu cho người dân Trung Quốc'. Lúc này Trung Quốc liền á khẩu.

Cho nên về sức mạnh mềm đầu tiên này, thì chế độ tự do dân chủ của Đài Loan là cái ô bảo hộ lớn nhất cho Đài Loan. Chỉ cần Đài Loan là quốc gia tự do, thì Mỹ nhất định bảo hộ.

Sức mạnh mềm thứ hai là phương diện ngoại giao. Khi Trung Quốc đang lâm khốn cảnh vì ngoại giao chiến lang xấu xí, gây thù chuốc oán khắp nơi, thì đây là cơ hội tuyệt hảo để Đài Loan tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước.

Nhưng Đài Loan nên đi chậm từng bước, kết giao nước nhỏ trước, nếu nước nhỏ bị Trung Quốc trừng phạt, thì quốc tế vẫn giúp được. Sau đó Đài Loan mở rộng với quốc gia tầm trung, sau đó mới đến nước lớn. Bắt đầu với các nước vùng Baltic như là Lít-va. Bởi vì Lít-va vốn dĩ không nịnh hót Trung Quốc. Hơn nữa kinh tế của quốc gia nhỏ như Lít-va, thì dù Trung Quốc trừng phạt, thì xã hội quốc tế sẽ giúp họ đứng vững.

Trung Quốc lần thứ nhất có thể sẽ nhảy cẫng lên, nhưng dần dần sẽ tê liệt. Sau khi để các nước nhỏ thử trước, thì tiếp theo nên tìm các nước tầm trung ở châu Âu. Cộng hòa Séc là một lựa chọn rất tốt. Bởi vì Cộng hòa Séc là quốc gia châu Âu phản đối Trung Quốc kiên quyết nhất, cũng là quốc gia Trung Âu hữu hảo nhất với Đài Loan.

Tiếp đó, đợi sự việc này qua đi, Đài Loan nên kết bang giao với các nước có sức ảnh hưởng ở châu Âu như Áo, Thuỵ Sĩ. Sau đó Đài Loan nên 'thừa thắng xông lên', kết giao với một loạt nước lớn như Mỹ, Nhật, Anh, Canada, Úc... để nước lớn này thừa nhận Đài Loan, đồng thời bảo hộ Đài Loan.

Nếu Đài Loan thật sự làm được đến bước đó, thì người dân Trung Quốc Đại lục sẽ thấy rằng Trung Quốc không được thế giới hoan nghênh như thế nào, đây là cách rất tốt, đánh vào tính hợp pháp của Trung Quốc.

Sức mạnh mềm thứ ba của Đài Loan chính là kinh tế. Đài Loan phải giữ được kinh tế phát triển, làm cho người dân giàu có lên.

Nếu Đài Loan là quốc gia bần cùng, xáo động, thì Trung Quốc sẽ nhân cơ hội này mà nói: 'Kinh tế ở Đại lục tốt lắm, chúng ta hãy thống nhất đi'.

Đây là một nguyên lý quan trọng mà tác giả Hayek trong cuốn 'Con đường đi đến nô dịch' đề cập, đó là: Khi bần cùng, thì người ta sẵn sàng từ bỏ tự do để đổi lấy bánh mỳ. Nhưng cuối cùng, họ sẽ mất cả bánh mì và tự do.

Cho nên Đài Loan nhất định phải phát triển kinh tế, tự lực tự cường, phải khiến cuộc sống người dân phồn vinh, xã hội ổn định, thì mới không rơi vào luận điệu của Trung Quốc.

Sức mạnh mềm thứ tư, cũng là một ưu thế của Đài Loan đó là sức mạnh của văn hoá. Đài Loan là một trong những nơi bảo tồn tốt nhất văn hoá truyền thống Trung Hoa.

Những điều tinh hoa trong văn hoá nhất định phải được bảo vệ. Khi văn hoá được công nhận, thì mọi người mới có điểm chung khi nhìn nhận vấn đề, như thế sẽ tạo được lực gắn kết mọi người với nhau, xã hội không bị chia rẽ xung đột. Cho nên đây là ưu thế trong sức mạnh mềm của Đài Loan.

Thuần Phong biên dịch

No comments:

Post a Comment