Sunday, 24 November 2024

Tập Cận Bình & Giấc mộng Trung Hoa

Tập vẫn sẽ theo đuổi "Trung Hoa Mộng" bất chấp sự trở lại của Donald Trump

Nguồn: Katsuji Nakazawa, "Xi Jinping to keep chasing Chinese dream despite Donald Trump's return," Nikkei Asia, 14/11/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chính Tập, chứ không phải Trump, là người đã bắt đầu quá trình phân tách đang tăng tốc giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đó là màn mở đầu cho vòng đấu thứ hai giữa Tập Cận Bình và Donald Trump.

Tập, chủ tịch nước và tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã gửi điện chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Mỹ Trump ngay sau khi Đảng Cộng hòa được bầu trở lại Nhà Trắng vào ngày 05/11.

Vào tháng 1 tới, Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ bốn năm thứ hai, và ông dường như đã sẵn sàng gia tăng sự cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc, vốn đã bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong thông điệp gửi Trump, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định "lịch sử cho chúng ta thấy rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều có lợi khi hợp tác và thua thiệt khi đối đầu."

Bài đang hot

S sùng bái cá nhân Tp Cn Bình có du hiu suy yếu

Nhưng người phát ngôn này đã phủ nhận thông tin của truyền thông Mỹ, rằng Tập đã gọi điện cho Trump để chúc mừng chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tập lên nắm quyền lãnh đạo đảng kể từ tháng 11/2012. Khi vòng đầu tiên của cuộc đối đầu Tập-Trump bắt đầu cách đây khoảng tám năm, Tập đã nhanh chóng củng cố quyền lực của mình ngay từ nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên với tư cách là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.

Một trung tâm mua sắm gần như trống rỗng ở Bắc Kinh, tượng trưng cho tình hình khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt vào năm 2024. (Ảnh của Mizuho Miyazaki)

Ông cũng đang tìm cách nâng cao hơn nữa vị thế chính trị của mình ở quê nhà. Vào thời điểm đó, mọi thứ dường như diễn ra rất suôn sẻ.

Tập thực sự đã đạt được một địa vị đặc biệt, đưa ông lên ngang hàng với Mao Trạch Đông, người sáng lập "Trung Quốc mới" hay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và Đặng Tiểu Bình, người khởi xướng và thúc đẩy "cải cách và mở cửa."

Hội nghị trung ương sáu của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 18, kết thúc vào ngày 27/10/2016, đã định vị Tập là "hạt nhân" của đảng. Chưa đầy hai tuần sau, Trump giành chiến thắng trong lần tranh cử tổng thống đầu tiên của mình.

Lúc ấy, người Trung Quốc xem Trump, một ông trùm kinh doanh, là "một thương gia" và nghĩ rằng sẽ dễ đối phó với ông hơn là với Hillary Clinton, đối thủ Dân chủ của ông trong cuộc bầu cử. Lý do là vì Clinton có lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền và dân chủ.

Khi Trump đánh bại Clinton, Trung Quốc nói chung, và cá nhân Tập nói riêng, đã mong đợi một quan hệ thuận lợi hơn với Mỹ.

Trong tám năm kể từ đó đến nay, Tập đã mất đi một phần quyền lực của mình. Sự sùng bái cá nhân được xây dựng xung quanh ông trong đảng hiện đang có dấu hiệu suy yếu, và nền kinh tế Trung Quốc cũng đang khó khăn.

Quan niệm phổ biến cho rằng chính sách Trung Quốc của Trump, vốn đã giáng một đòn nặng vào kinh tế Trung Quốc, là nguyên nhân dẫn đến sự phân tách giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngay cả ở Trung Quốc, nhiều người cũng tin rằng nguyên nhân gốc rễ của phân tách nằm ở chính sách Trung Quốc của Trump.

Nhưng sự thật là quá trình phân tách này đã được Trung Quốc phát động từ rất lâu trước nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump. Chính sách Trung Quốc nổi bật của Trump chỉ làm cho phân tách trở nên rõ ràng hơn và đẩy nhanh tốc độ của nó.

Tập đã đưa ra một nhận xét quan trọng dẫn đến quá trình phân tách cách đây 12 năm, trong đại hội đảng toàn quốc lần thứ 18 vào tháng 11/2012, ngay trước khi ông được bầu làm tổng bí thư đảng.

Khi đó, Phó Chủ tịch Tập đã cảnh báo trong đại hội rằng nền kinh tế Trung Quốc đang bị Mỹ "khống chế" và cam kết sẽ khắc phục tình hình.

Tập đã đưa ra lời cảnh báo của mình một cách bí mật và không chính thức. Nhưng đó là vào thời đại của người tiền nhiệm của ông, Hồ Cẩm Đào, khi các cuộc thảo luận về những vấn đề nhạy cảm vẫn có thể diễn ra, miễn là chúng chỉ được tổ chức trong nội bộ đảng. Tuy nhiên, nhận xét "bị khống chế" của Tập đã bị rò rỉ và lan truyền rộng rãi.

Như đã cam kết vào tháng 11/2012, Tập bắt đầu hành động để dần làm suy yếu ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc và cuối cùng là hiện thực hóa "Trung Hoa Mộng" – trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

Sau khi trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, Tập đã bắt đầu theo đuổi tự chủ về kinh tế và bá quyền công nghệ rõ ràng hơn mong đợi. Những tham vọng này đã nhận được sự chú ý mới trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ-Trung dưới thời chính quyền Trump đầu tiên.

Tại đại hội đảng toàn quốc lần thứ 19 năm 2017, Tập cũng tuyên bố Trung Quốc "về cơ bản sẽ hiện thực hóa hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035," đưa mục tiêu hiện đại hóa của Trung Quốc gần hơn khoảng 15 năm.

Trước đó, Trung Quốc từng đặt mục tiêu đến năm 2049 – kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – sẽ bắt kịp và vượt qua Mỹ về mặt quân sự và kinh tế.

Lo ngại trước mục tiêu đầy tham vọng của Trung Quốc vào năm 2035, chính quyền Trump bắt đầu phản công, như được thể hiện qua cuộc thương chiến với Trung Quốc.

Việc đặt ra mục tiêu hiện thực hóa Trung Hoa Mộng vào năm 2035 cũng có ý nghĩa chính trị quan trọng. Nó hàm ý rằng Tập sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến tận những năm 2030.

Sau khi mục tiêu năm 2035 được đặt ra vào năm 2017, nhiệm kỳ kéo dài của Tập, không chỉ sau đại hội đảng toàn quốc lần thứ 20 vào năm 2022 mà còn sau đại hội đảng toàn quốc lần thứ 21 vào năm 2027, bắt đầu được xem như một sự đã rồi.

Chỉ vài tháng sau khi mục tiêu năm 2035 được đặt ra tại đại hội đảng toàn quốc lần thứ 19, Tập cũng đã thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp để cho phép chủ tịch nước phục vụ hơn hai nhiệm kỳ năm năm. Quyết định sửa đổi bất ngờ này đã mở đường cho Tập giữ chức chủ tịch nước trọn đời.

Ngoài ra, còn một diễn biến quan trọng khác liên quan đến việc phân tách tại đại hội đảng toàn quốc lần thứ 19 năm 2017.

"Khái niệm an ninh quốc gia toàn diện" đã được ghi vào điều lệ của đảng, theo đó làm rõ rằng an ninh quốc gia được ưu tiên hơn kinh tế. Và vì thế, luật pháp liên quan đến an ninh quốc gia đã được tăng cường đáng kể.

Ở Trung Quốc, thuật ngữ "an ninh" bao gồm nhiều mối quan tâm, trong đó có an ninh chế độ. Trung Quốc vẫn cảnh giác với một cuộc cách mạng màu, ám chỉ các cuộc biểu tình dân chủ hóa từng lan rộng khắp Liên Xô cũ và các quốc gia khác vào đầu thế kỷ 21, khiến một số chế độ độc tài lâu đời bị lật đổ. Nhiều phong trào biểu tình trong số này được đặt tên theo màu sắc hoặc các loài hoa.

Khi Tập nhắc đến an ninh quốc gia, ông ấy muốn nói rằng mình có ý định dập tắt mọi phong trào như vậy ngay từ đầu.

Nhà nước an ninh của Tập đã gây áp lực rất lớn lên các công ty tư nhân tại Trung Quốc. Bốn năm trước, đợt chào bán công khai lần đầu của Ant Group – công ty con trong mảng tài chính của Alibaba Group Holding – đã đột nhiên bị hoãn lại. Thị trường suy đoán rằng đó là vì nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma, đã đưa ra một nhận xét chỉ trích các cơ quan tài chính của Trung Quốc.

Tập, hiện 71 tuổi, là người có ý chí mạnh mẽ và cứng rắn. Ông thường có xu hướng kiên định đi theo một số chính sách nhất định, bất kể chúng tác động thế nào đến nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, bối cảnh cho quan điểm của Tập – rằng nền kinh tế Trung Quốc đang bị Mỹ "khống chế" – đã thay đổi rất nhiều kể từ khi vị chủ tịch này lần đầu bày tỏ cảm giác khủng hoảng cách đây 12 năm.

Phân tách Mỹ-Trung đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Trong quá trình đó, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ thế giới tự do đổ về Trung Quốc, do Mỹ dẫn đầu, đã có xu hướng giảm.

Trump sẽ trở lại Nhà Trắng vào tháng 1. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông đã tuyên bố sẽ áp mức thuế nhập khẩu lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông đã từng áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, gây ra một cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng giữa hai nước.

Khi ông tái đắc cử tổng thống sau hai tháng nữa, Trump sẽ thấy nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng khó khăn, hoàn toàn khác so với sức mạnh của nó hồi năm 2017, khi nhiệm kỳ bốn năm đầu tiên của Trump bắt đầu. Tuy nhiên, bất chấp lời đe dọa về thuế quan của Trump, việc từ bỏ một Trung Quốc tự lực cánh sinh không phải là một lựa chọn đối với Tập.

Hơn nữa, vì quá trình phân tách diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự kiến nên khả năng Trung Quốc vượt qua Mỹ về mặt kinh tế vào năm 2035 đã giảm đáng kể.

Tập vẫn không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải dốc toàn lực hướng tới mục tiêu năm 2035. Nếu ông không thực hiện được Trung Hoa Mộng, thì người ta sẽ đặt ra câu hỏi liệu ông có thể kéo dài thời gian cầm quyền của mình đến sau năm 2027, khi đại hội đảng toàn quốc lần thứ 21 được tổ chức, hay không.

Chính quyền Trump thứ hai, sẽ kéo dài đến tháng 1/2029, đặt ra một rào cản lớn bên ngoài đối với Tập và thời hạn năm 2035 của ông. Do đó, chủ tịch Trung Quốc đang chuẩn bị cho sự trở lại của "thương gia" khó lường.

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Nguồn: Peter D. Feaver, "How Trump Will Change the World," Foreign Affairs, 06/11/2024. Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Dưới đây là phân tích sơ bộ về nội dung và hậu quả của chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền Trump thứ hai.

"Một con tê giác xám" – thuật ngữ dùng để một sự gián đoạn có thể dự đoán và đã được dự đoán từ lâu nhưng vẫn gây sốc khi nó xảy ra – đã đâm sầm vào chính sách đối ngoại Mỹ: Donald Trump vừa mới giành được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Dù các cuộc thăm dò dự đoán bầu cử sẽ rất căng thẳng, nhưng kết quả cuối cùng lại quá rõ ràng, và dù chúng ta không biết chính xác trật tự mới sẽ như thế nào, chúng ta biết Trump sẽ đứng đầu trật tự đó.

Chiến thắng của Trump năm 2016 là một bất ngờ lớn hơn nhiều, và phần lớn cuộc tranh luận trong những tuần sau Ngày Bầu cử năm ấy đã xoay quanh các câu hỏi như ông sẽ điều hành đất nước như thế nào và liệu ông sẽ thay đổi vai trò của Mỹ trên thế giới nhiều đến đâu. Do tính cách khó đoán, phong cách thất thường, và tư duy thiếu mạch lạc của Trump, một số câu hỏi tương tự vẫn còn bỏ ngỏ cho đến ngày nay. Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đã có nhiều thông tin hơn sau bốn năm theo dõi ông ở vị trí lãnh đạo, thêm bốn năm nữa để phân tích thời gian tại nhiệm của ông, và một năm chứng kiến chiến dịch tranh cử thứ ba của ông vào Nhà Trắng. Với các dữ liệu đó, có thể đưa ra một số dự đoán về những gì Trump sẽ cố gắng thực hiện trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Điều chưa biết là phần còn lại của thế giới sẽ phản ứng như thế nào và kết quả cuối cùng sẽ ra sao.

Có hai điểm rất rõ ràng. Thứ nhất, như trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump (và như trong tất cả các chính quyền tổng thống), nhân sự sẽ định hình chính sách, và các phe phái khác nhau sẽ tranh giành ảnh hưởng – một số phe có ý tưởng cấp tiến về việc chuyển đổi nhà nước hành chính và chính sách đối ngoại của Mỹ, những phe khác có quan điểm truyền thống hơn. Tuy nhiên, lần này, các phe phái cực đoan hơn sẽ chiếm ưu thế và họ sẽ tận dụng lợi thế của mình để làm tê liệt những tiếng nói ôn hòa, làm suy yếu hàng ngũ các chuyên gia dân sự và quân sự mà họ cho là "nhà nước ngầm," và có lẽ sẽ sử dụng đòn bẩy của chính phủ để truy đuổi những người phản đối và chỉ trích Trump.

Thứ hai, bản chất cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Trump – chủ nghĩa giao dịch trần trụi – vẫn không thay đổi. Nhưng bối cảnh để ông thực hiện hình thức thỏa thuận kỳ quặc của mình đã thay đổi đáng kể: thế giới ngày nay là một nơi nguy hiểm hơn nhiều so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Luận điệu chính trong chiến dịch của Trump đã mô tả thế giới theo kiểu tận thế, đồng thời gọi ông và đội ngũ là những người theo chủ nghĩa hiện thực cứng rắn, những người hiểu rõ mối nguy hiểm. Nhưng những gì họ đề xuất lại là chủ nghĩa "hiện thực kỳ diệu:" một loạt những lời khoe khoang kỳ quặc và những phương thuốc dân gian hời hợt không phản ánh sự thấu hiểu thực sự về các mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt. Việc Trump có bảo vệ được lợi ích của nước Mỹ trong môi trường phức tạp này hay không phụ thuộc vào việc ông và đội ngũ của mình có nhanh chóng loại bỏ bức họa tranh cử phù phiếm đã thuyết phục được hơn một nửa cử tri, và thay vào đó, thực sự đối mặt với thế giới như nó vốn có.

NHÂN SỰ LÀ CHÍNH TRỊ

Nhiệm vụ đầu tiên mà Trump phải đối mặt sẽ là quá trình chuyển giao chính thức. Ngay cả trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất, đây cũng là một quá trình nhiêu khê khó thực hiện, và có thể lần này nó sẽ diễn ra không suôn sẻ. Trump đã thể hiện sự xem nhẹ quá trình này, và để tránh phải tuân theo những ràng buộc đạo đức nghiêm ngặt, cho đến nay ông đã từ chối hợp tác với Tổng cục Dịch vụ Hành chính, cơ quan cung cấp cơ sở hạ tầng cho phép một chính phủ đang chờ đợi kế nhiệm thu thập thông tin cần thiết để sẵn sàng làm việc ngay ngày đầu tiên. Tuy nhiên, việc thiếu vắng quá trình chuyển giao truyền thống có lẽ sẽ không làm chậm tốc độ của chính quyền mới, vì họ đã chuyển giao hầu hết công việc cho Dự án 2025 khét tiếng của Quỹ Heritage và một dự án chuyển giao ít được biết đến hơn của Viện America First. Công việc do những người thực sự tin tưởng MAGA thực hiện trong các dự án đó có hậu quả lớn hơn nhiều và là minh chứng rõ hơn cho những gì chính quyền Trump sắp tới sẽ làm, so với bất kỳ nỗ lực chuyển giao danh nghĩa nào do cựu nữ nghị sĩ Tulsi Gabbard và Robert F. Kennedy, Jr. đồng lãnh đạo.

Quá trình chuyển đổi sẽ còn ít có ý nghĩa hơn nữa nếu đội ngũ của Trump thực hiện kế hoạch để hủy bỏ việc kiểm tra lý lịch của FBI, và thay vào đó, để tổng thống cấp giấy xác nhận lý lịch an ninh chỉ dựa trên việc thẩm tra trong nội bộ chiến dịch, cho phép Trump đảm bảo rằng các lựa chọn nhân sự ưa thích của mình sẽ không bị cản đường bởi những bí mật trong quá khứ của họ. Một bước đi cực đoan như vậy có thể sẽ hợp pháp, nhưng chỉ là sau khi Trump nhậm chức. Trong khi chờ đợi, chính quyền Biden sắp mãn nhiệm sẽ bị hạn chế khả năng phối hợp với đội ngũ của Trump theo cách truyền thống vì các nhân viên của Trump không có giấy phép an ninh.

Điều này sẽ càng quan trọng nếu Trump quyết định đưa một số nhân vật bên lề hiện đang thống trị vòng tròn thân cận của ông vào các vị trí cấp cao. Ngay cả khi Trump không thực hiện những ý tưởng điên rồ nhất mà ông từng đưa ra khi tranh cử – chẳng hạn, ngôi sao bóng bầu dục đã nghỉ hưu và ứng viên Thượng nghị sĩ thất bại năm 2022 Herschel Walker sẽ không phụ trách hệ thống phòng thủ tên lửa – ông vẫn có thể đưa những cá nhân như vị tướng đã nghỉ hưu Michael Flynn hoặc Steve Bannon vào các vị trí an ninh quốc gia, những người mà hành động vi phạm pháp luật đáng lẽ phải ngăn cản họ phục vụ trong bộ máy an ninh quốc gia. Dù bằng cách nào, ông cũng sẽ xây dựng một đội ngũ quyết tâm thực hiện chính những âm mưu mà các nhân vật ít cấp tiến hơn đã từng thuyết phục Trump không theo đuổi trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Ví dụ, sau khi thua cuộc bầu cử năm 2020, Trump đã muốn ra lệnh rút quân vội vàng khỏi Afghanistan trong những tuần cuối cùng với tư cách là tổng tư lệnh quân đội: cùng loại rút lui thảm khốc mà Tổng thống Joe Biden đã cho phép nửa năm sau đó. Nhưng khi một số người trong đội ngũ an ninh quốc gia của ông chỉ ra những rủi ro của động thái này, Trump đã nhượng bộ.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, những người được ông bổ nhiệm vào các vị trí chính trị an ninh quốc gia có thể được xếp vào một trong ba loại. Loại đầu tiên và có lẽ là loại lớn nhất bao gồm những người có chuyên môn thực sự, những người vẫn có thể nhận được các vị trí trong một chính quyền Cộng hòa bình thường, dù có thể sẽ thấp hơn một vài cấp so với những vị trí mà họ đã đảm nhiệm trong chính quyền của Trump. Họ đã cố gắng thực hiện chương trình nghị sự của tổng thống tốt nhất có thể bất chấp bối cảnh hỗn loạn, và hầu hết những điều tốt đẹp đã xảy ra đều có thể được ghi nhận là nhờ họ: chẳng hạn, nỗ lực hiện thực hóa luận điệu "xoay trục sang châu Á" của cựu Tổng thống Barack Obama thành các quan hệ đối tác chiến lược có ý nghĩa ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hầu hết đã diễn ra dưới thời Trump và tiếp tục phát triển theo hướng tương tự dưới thời Biden, được thúc đẩy bởi các chiến lược gia có cùng chí hướng.

Loại thứ hai là một nhóm nhỏ hơn nhưng có ảnh hưởng lớn hơn nhiều, bao gồm các quan chức cấp cao kỳ cựu, những người có quan điểm cố định về hướng đi của chính sách an ninh quốc gia và tin rằng họ có thể tạo ra những kết quả đó bất chấp chủ nghĩa giao dịch thái quá của Trump bằng cách nhấn mạnh rằng những chính sách thay thế sẽ báo hiệu sự yếu kém. Nhóm này bao gồm H. R. McMaster và John Bolton, những người từng là cố vấn an ninh quốc gia thứ hai và thứ ba của Trump. Trong hồi ký của mình, họ đã chỉ ra những gì họ cho là thành tựu chính sách thực sự: McMaster đã khiến Trump đồng ý tăng quân đến Afghanistan năm 2017 và Bolton đã khiến Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018. Nhưng McMaster, Bolton, và mọi nhân vật cấp cao khác áp dụng cách tiếp cận đó đều đã rời khỏi chính quyền sau khi nhận ra rằng Trump sẽ luôn tìm cách thoát khỏi dây cương và làm suy yếu bất kỳ chính sách tốt đẹp nào mà họ nghĩ rằng họ có thể đạt được. Ngay cả một số người đã làm việc đến tận ngày nhậm chức của Biden vào năm 2021 cũng nói riêng với tôi những đánh giá vô cùng thẳng thắn, xác nhận rằng Trump là người liều lĩnh và chắc chắn không phải một người thành thạo về an ninh quốc gia, bất kể những gì họ đã nói trước công chúng.

Loại thứ ba là một nhóm nhỏ nhưng có ảnh hưởng gồm những người thực sự tin tưởng MAGA và các tác nhân gây hỗn loạn đang tìm cách thực hiện ý thích của Trump mà không có bất kỳ lời giải thích hay quan tâm nào đến hậu quả. Họ có quan điểm hạn hẹp về lòng trung thành, tin rằng ông chủ nên nhận được những gì ông ta yêu cầu và không cần phải nghe về những hậu quả không mong muốn của những động thái đó kẻo ông ta thay đổi ý định khi đã nắm rõ sự thật. Ví dụ, những nỗ lực mạo hiểm nhằm rút lui khỏi Afghanistan và các cam kết khác của NATO trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên của Trump chính là do các nhân viên cấp dưới dàn dựng, những người được giao phụ trách nhiệm vụ sau khi nhiều nhà lãnh đạo cấp cao hơn đã rời đi, hoặc những người tìm cách ngăn cản Trump được tư vấn đầy đủ về những gì các chỉ thị của ông thực sự sẽ mang lại.

Trong chính quyền Trump sắp tới, vẫn sẽ có những đảng viên Cộng hòa truyền thống muốn tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp có một không hai trong đời và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, kể cả hy sinh bản thân, nếu họ vô tình làm trái ý Trump. Không nên chê bai sự phục vụ của họ, vì nếu không có họ, Trump sẽ không thể trở thành tổng thống tốt nhất có thể. Vẫn sẽ có những nhà tư tưởng nghĩ rằng họ biết chiến lược nào là đúng và rằng họ có thể dẫn dắt Trump làm những gì họ cho là đúng – chẳng hạn như bỏ mặc Ukraine dưới bàn tay của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khi củng cố sự răn đe của Mỹ đối với Trung Quốc, một cách tiếp cận nghe có vẻ thông minh trong một hội thảo học thuật hoặc một bài xã luận trên báo, nhưng nhiều khả năng sẽ không hiệu quả trong đời thực. Và nhờ Quỹ Heritage và Viện America First, rất nhiều tác nhân gây hỗn loạn sẽ khiến việc phá hủy hệ thống hoạch định chính sách an ninh quốc gia hiện tại – vốn đã bảo vệ lợi ích của Mỹ suốt 80 năm qua – trở thành một đặc điểm, chứ không phải là một lỗi của Trump 2.0. Sự khác biệt là lần này, nhóm thứ ba sẽ lớn hơn và có ảnh hưởng hơn lần trước.

Điều này đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với những người giám sát hệ thống hoạch định chính sách an ninh quốc gia hiện tại: quân đội và các viên chức dân sự, vốn chiếm phần lớn trong số những người được giao nhiệm vụ giám sát chương trình nghị sự của bất kỳ tổng thống nào. Trump và đội ngũ của ông đã nói rõ rằng họ ưu tiên lòng trung thành hơn hết thảy. Và họ có thể có những bài kiểm tra lòng trung thành đơn giản nhất: hỏi bất kỳ cá nhân nào ở vị trí có thẩm quyền xem cuộc bầu cử năm 2020 có bị đánh cắp, hay cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 có phải là hành động nổi loạn hay không. Như người bạn đồng hành của Trump là J.D. Vance đã chứng minh, Trump chỉ chấp nhận một cách duy nhất để trả lời những câu hỏi đó.

Một bài kiểm tra như vậy cũng cho phép Trump chính trị hóa các cấp bậc cao hơn trong quân đội và các cơ quan tình báo bằng cách chỉ thăng chức cho những cá nhân mà ông tin là "thuộc về đội của ông." Các thành viên của cơ quan công quyền sẽ có công việc được bảo đảm hơn và tránh được áp lực chính trị, trừ phi nhóm Trump quyết theo đuổi kế hoạch phân loại lại hàng nghìn viên chức chuyên nghiệp thành những người được bổ nhiệm chính trị theo ý muốn của tổng thống, theo đó khiến họ tương đối dễ bị cách chức vì lý do chính trị.

Quân đội và lĩnh vực dân sự khó có thể thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào có thể gây ra một cuộc thanh trừng như vậy, chứ chưa nói đến việc biện minh cho điều đó. Họ hiểu rằng họ không phải là "phe đối lập trung thành" – một vai trò dành riêng cho đảng thiểu số trong Quốc hội và những người giám sát trong giới truyền thông và giới bình luận chính sách. Theo lời tuyên thệ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp của họ, những viên chức chuyên nghiệp trong bộ máy an ninh quốc gia sẽ phải chuẩn bị để giúp Trump hết sức có thể.

Nhưng Trump có thể quyết định rằng ông sẽ đạt được sự hợp tác hoặc khuất phục mà ông muốn chỉ đơn giản bằng cách để mối đe dọa thanh trừng lơ lửng trong không trung – và ông sẽ đúng. Chí ít thì ông có lẽ sẽ sa thải một số nhân vật cấp cao, như lời khuyên của Voltaire là loại bỏ một vài tướng lĩnh Pháp để gieo rắc nỗi sợ hãi vào lòng những người khác. Câu hỏi đặt ra là liệu các quan chức cấp cao có tuân theo các thông lệ tốt nhất về quan hệ dân sự-quân sự và đưa ra lời khuyên thẳng thắn cho Trump và những người được ông bổ nhiệm chính trị cấp cao ngay cả khi lời khuyên đó là không được mong muốn hay không. Nếu họ làm vậy, họ có thể giúp ông trở thành vị tổng tư lệnh giỏi nhất mà ông có khả năng trở thành. Nếu họ không làm vậy, việc họ bị thanh trừng hay giữ nguyên vị trí có thể không quan trọng, vì dù thế nào thì họ cũng không làm việc hiệu quả.

ĐỒNG MINH VÀ KẺ THÙ

Cử tri Mỹ đã đưa ra lựa chọn của họ, và bộ máy chính quyền ở Washington giờ đây sẽ thích nghi với Trump theo cách này hay cách khác. Nhưng còn phần còn lại của thế giới thì sao? Hầu hết các đồng minh của Mỹ đều lo sợ về chiến thắng của Trump, tin rằng đó sẽ là một chiếc đinh quyết định đóng vào cỗ quan tài của vị thế lãnh đạo toàn cầu truyền thống của Mỹ. Có rất nhiều điều để chỉ trích chính sách đối ngoại Mỹ kể từ Thế chiến II, và các đồng minh của Mỹ chưa bao giờ chán việc đưa ra những lời phàn nàn của họ. Nhưng họ cũng hiểu rằng, đối với họ, thời kỳ hậu chiến tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước đó, thời kỳ mà Washington trốn tránh trách nhiệm của mình – và hàng triệu người đã phải trả cái giá đắt nhất vì điều đó.

Khi cử tri Mỹ chọn Trump lần đầu tiên, các đồng minh của Mỹ đã phản ứng bằng nhiều chiến lược phòng bị nước đôi khác nhau. Lần này, họ đang ở thế yếu hơn nhiều do những thách thức nội bộ của chính họ và những mối đe dọa từ Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Các đồng minh của Mỹ sẽ cố gắng o bế và xoa dịu Trump và, trong phạm vi luật pháp của họ cho phép, sẽ cung cấp cho ông những lời hứa và những khoản bù đắp đã chứng minh là cách tốt nhất để có được các điều khoản có lợi dưới thời Trump 1.0. Cách tiếp cận giao dịch ngắn hạn của Trump có thể sẽ tạo ra một hình ảnh phản chiếu trong số các đồng minh, những người sẽ tìm cách đạt được những gì họ có thể và tránh hứa hẹn bất cứ điều gì để đổi lại – một hình thức ngoại giao mà trong trường hợp tốt nhất sẽ tạo ra sự hợp tác giả tạo, và trong trường hợp tệ nhất, sẽ khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Ngược lại, đối với các đối thủ của Mỹ, sự trở lại của Trump sẽ mang đến nhiều cơ hội. Trump đã hứa sẽ cố gắng buộc Ukraine phải nhượng lãnh thổ cho Nga, củng cố lợi ích của Putin từ cuộc xâm lược. Không giống những lời hứa tranh cử khác của ông, lời hứa này có thể tin được, vì Trump đang được vây quanh bởi các cố vấn chống Ukraine và ủng hộ Putin. Kế hoạch của ông cho Ukraine cũng có khả năng được triển khai vì nó hoàn toàn nằm trong phạm vi đặc quyền của tổng thống. Câu hỏi duy nhất là liệu Putin có chấp nhận đầu hàng một phần trong khi ngầm hiểu rằng ông luôn có thể chiếm phần còn lại của lãnh thổ Ukraine sau khi Trump áp đặt thành công "tính trung lập" lên Kyiv, hay liệu Putin sẽ cho rằng Trump chỉ nói dối và yêu cầu đầu hàng hoàn toàn ngay lập tức.

Lợi ích cho Trung Quốc không rõ ràng như vậy, vì một số cố vấn chủ chốt của Trump đã đắm mình trong chủ nghĩa hiện thực kỳ diệu khi nghĩ rằng Mỹ có thể hy sinh lợi ích ở châu Âu trong khi bằng cách nào đó có thể củng cố khả năng răn đe chống lại sự săn mồi của Trung Quốc ở Đông Á. Những bước đi ban đầu mà chính quyền Trump mới thực hiện ở châu Á có lẽ sẽ có phần diều hâu. Ví dụ, nếu Trump có thể áp dụng mức thuế quan cao mà ông đề xuất đánh vào hàng hóa Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ phải chịu một số tổn thương, dù tổn thương đối với người tiêu dùng Mỹ sẽ lớn hơn và ngay lập tức hơn. Và Trump có thể sẽ tìm cách thể hiện sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á để báo hiệu sự chấm dứt của những gì ông mô tả là điểm yếu của Biden.

Nhưng vẫn còn nghi ngờ về việc liệu thuế quan có thể thay đổi đáng kể các chính sách của Trung Quốc, hoặc liệu các hành động diều hâu phô trương sẽ chuyển thành sự củng cố quân sự bền vững ở Châu Á hay không. Trước hết, Trump đã áp đặt một số điều kiện nhất định đối với việc bảo vệ Đài Loan, yêu cầu Đài Bắc tăng gấp bốn lần chi tiêu quốc phòng để đủ điều kiện nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Mỹ. Chiến lược kỳ quặc này có thể sụp đổ vì những mâu thuẫn của chính nó, và có khả năng quan hệ đối tác Trung-Nga sẽ nhận ra triển vọng rút lui của Mỹ ở cả hai đấu trường lớn.

Trong suốt chiến dịch, Trump và Vance tự nhận mình là những người yêu chuộng hòa bình trong khi chế giễu đối thủ của họ, Phó Tổng thống Kamala Harris, và các đồng minh của bà là những kẻ hiếu chiến. Stephen Miller, một trong những cố vấn trung thành nhất của Trump, đã vẽ ra một bức tranh sống động về lựa chọn này. "Điều này không có gì phức tạp," ông đăng trên nền tảng mạng xã hội X. "Nếu bạn bỏ phiếu cho Kamala, Liz Cheney sẽ trở thành bộ trưởng quốc phòng. Chúng ta sẽ xâm lược một chục quốc gia. Những cậu trai ở Michigan sẽ được tuyển dụng để chiến đấu với những cậu trai ở Trung Đông. Hàng triệu người sẽ chết. Chúng ta xâm lược Nga. Chúng ta xâm lược các quốc gia ở Châu Á. Thế chiến thứ III. Mùa đông hạt nhân."

Bức chân dung ngụ ý rằng Trump là một chú chim bồ câu thận trọng này hẳn sẽ gây sốc cho bất kỳ ai nhớ đến những lời đe dọa trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông là sẽ trút "lửa và thịnh nộ" lên Triều Tiên hay vụ ám sát mạo hiểm một vị tướng hàng đầu của Iran. Chủ nghĩa cô lập nguyên chất trong thông điệp vận động tranh cử của ông có thể trở thành một chiếc áo trói tay làm tê liệt chính sách đối ngoại của chính quyền Trump vào thời điểm quan trọng. Nhưng Trump nổi tiếng là người luôn thoát khỏi xiềng xích và chống lại việc bị kìm kẹp. Như McMaster mô tả trong hồi ký của mình, các trợ lý khôn ngoan của Trump sẽ lợi dụng điều này để làm lợi cho họ, bằng cách nói rằng bất cứ điều gì họ muốn tổng thống làm là điều mà kẻ thù của ông nói rằng ông không thể làm. Mưu đồ đó sẽ có hiệu quả theo những cách hạn chế trong một thời gian ngắn, nhưng đến một lúc nào đó, Trump chắc chắn sẽ chuyển sang một hướng hoàn toàn khác. Lần này, sự bốc đồng đó có thể sẽ cản trở, thay vì trao quyền, cho các phe phái cực đoan hơn trong nhóm của ông.

Trump đã giành được cơ hội quyết định chính sách an ninh quốc gia của Mỹ và sẽ nắm giữ quyền lực ấn tượng được thể hiện ở những người hiện đang chờ đợi để làm việc cho ông. Đội ngũ của Trump có đủ sự tự tin. Thế giới sẽ sớm biết liệu họ có đủ trí tuệ hay không.

Làm thế nào để được Donald Trump tuyển dụng?

Nguồn: "How to get hired by Donald Trump", The Economist, 12/11/2024.

Biên dịch: Lê Mạnh Cường

Sau khi Donald Trump thắng cử tổng thống năm 2016 – khi Trump mới là cựu ngôi sao truyền hình hơn là một cựu tổng thống – Trump xử lý giai đoạn chuyển giao quyền lực Nhà Trắng như là một tập phim truyền hình "Nhân viên tập sự (The Apprentice)" đầy kịch tính. Những thành viên nội các đầy tham vọng đã đến tháp Trump ở New York và đi qua các máy quay phim để dự phỏng vấn với vị tổng thống đắc cử. Kanye West thậm chí cũng xuất hiện. Lần này, Susie Wiles, quản lý chiến dịch tranh cử của Trump và sẽ là chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai, đã tổ chức một quy trình khá kín đáo và trật tự. Các cuộc thảo luận của Trump tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi các tin thông báo trên mạng xã hội. Các ứng viên khá hồi hội vì phải thảo luận về việc tìm kiếm công việc của họ một cách công khai, nhưng một số hình mẫu cũng đã xuất hiện. Một số tờ báo ngày 12 tháng 11 đã đưa tin Marco Rubio sẽ trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Làm sao để được ông Trump tuyển vào nội các?

Nỗ lực tìm kiếm nhân sự trong giai đoạn chuyển giao quyền lực do Howard Lutnick dẫn dắt, ông là chủ một giám đốc ngân hàng đầu tư, người có xung đột lợi ích tiềm tàng khiến một số người trong giới của Trump khó chịu. Brian Hook, người giám sát chính sách Iran trong nhiệm kỳ đầu, sẽ là một nhân vật quan trọng trong việc tuyển dụng nhân sự cho Bộ Ngoại giao. Robert Lighthizer, người được Trump chỉ định làm đại diện thương mại, có ảnh hưởng sâu rộng đối với các chính sách thương mại và kinh tế. Tom Homan, cựu quyền Giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan được chọn trở thành "sa hoàng biên giới". Stephen Miller, nhân vật theo chủ nghĩa diều hâu biên giới khét tiếng, sẽ là Phó Chánh văn phòng phụ trách các vấn đề về chính sách. Lee Zeldin, cựu Hạ Nghị sĩ, được đề cử làm người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường, với nhiệm vụ đưa ra "các quyết định bãi bỏ quy định một cách nhanh chóng". Micheal Waltz, một dân biểu đồng tác giả một bài bình luận được "đặt hàng" về chính sách ngoại giao trên tờ The Economist, được cho là sẽ trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia.

Sở thích dùng người của Trump rất khó đoán. Tiêu chuẩn đầu tiên của ông là lòng trung thành. Tổng thống nào cũng đều mong muốn như vậy, nhưng những mối quan hệ của Trump đặc biệt coi trọng lòng trung thành cá nhân đối với vị tổng tư lệnh này. Rõ ràng, Trump bị chỉ trích bởi các quan chức trong nhiệm kỳ đầu của mình. Mặc dù hầu hết nội các ban đầu của Trump ủng hộ nỗ lực tranh cử Nhà trắng lần thứ 3 của ông, nhưng một số nhân vật có tiếng khác thì chỉ trích rằng vị tổng thống đắc cử là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và nền dân chủ Hoa Kỳ. Ông Trump tránh tuyển chọn những người công khai chống lại ông, như cố vấn an ninh quốc gia, chánh văn phòng và bộ trưởng quốc phòng trước đây.

Các ứng viên đủ tiêu chuẩn nhưng coi thường Trump cũng bị loại khỏi cuộc đua giành vị trí trong chính phủ. Vào ngày 9 tháng 11, Trump tuyên bố sẽ không mời Nikki Haley, cựu đại sứ tại Liên Hợp Quốc, hay Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng, vào nội các nhiệm kỳ này. Việc loại Haley đã định trước. Là người đứng nhì trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2024, bà Haley đã chỉ trích Trump bằng những lời lẽ gay gắt trước khi rút lui khỏi cuộc đua và bày tỏ sự ủng hộ Trump một cách muộn màng – và chỉ trích nhiều hơn vào ngày bầu cử. Ông Trump công khai coi thường cựu đại sứ của mình trong suốt chiến dịch tranh cử.

Ông Trump có lẽ không thể xây dựng một nội các đáng tin cậy nếu như chỉ chọn những quan chức chưa bao giờ coi thường mình. Trong quá khứ, ông sẵn sàng bỏ qua các chỉ trích gay gắt – sau khi được nịnh bợ đủ.  J.D Vance, phó Tổng thống đắc cử, từng gọi Trump là "Hitler nước Mỹ". Tại một cuộc mít tinh nhiều năm sau đó, Trump hả hê hạ nhục khi Vance chạy đua vào Thượng viện Mỹ: "J.D. đang bợ đỡ tôi, ông ta cực kỳ muốn tôi ủng hộ." Elise Stefanik, hiện là một trong những người bảo vệ Trump trung thành nhất ở Đồi Capital, đã được chọn làm Đại sứ tại Liên Hợp Quốc mặc dù từng chỉ trích Trump khi tranh cử tổng thống nhiệm kỳ đầu. Các đối thủ trong vòng bầu cử sơ bộ khác, như Doug Burgum, Thống đốc bang Bắc Dakota, và Vivek Ramaswamy, một doanh nhân lĩnh vực công nghệ sinh học, nhanh chóng ủng hộ Trump, cũng trở thành những người đại diện nổi bật, và có thể được làm việc trong chính quyền mới.

Các ứng viên cũng phải đối mặt với các bài kiểm tra kiểu Trump. Cựu tổng thống thích các viên chức trông có vẻ phù hợp cho vị trí và có thể bảo vệ Trump trên truyền hình. Ông Vance có tỷ lệ ủng hộ thấp một cách đáng chú ý khi là ứng viên Phó Tổng thống nhưng vẫn được Trump yêu thích vì phong cách hiếu chiến của Vance trong các cuộc phỏng vấn. Trump nói vào đêm bầu cử: "Ông ấy là một người nóng nảy, phải không? Ông ấy chỉ đến và hoàn toàn xóa sổ bọn họ." Sự xuất hiện thành công trên các nền tảng truyền thông thân thiện hơn như Fox News và Tucker Carlson cũng có thể giúp xây dựng nên hình ảnh của ứng cử viên. Elbridge Colby, một cựu quan chức quốc phòng trong chính quyền Trump, gần đây đã kịch liệt phản đối những khách mời diều hâu về an ninh quốc gia trong chương trình của Carlson.

Mặc dù sở thích của Trump là quan trọng nhất, nhưng hơn 1.000 vị trí cần sự chấp thuận từ Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Đảng này đang trong lộ trình giành được 53 ghế, vì vậy chỉ cần 4 thượng nghị sĩ phản bội cũng đủ làm trật bánh các đề cử nếu như tất cả nghị sĩ Dân chủ cùng tham gia với họ. Và với 2/3 số Thượng nghị sĩ không tái tranh cử cho đến năm 2028 hoặc 2030, họ ít chịu áp lực hơn các thành viên Hạ viện. Ví dụ, một ứng cử viên gây nhiều tranh cãi như Robert F. Kennedy Jr., có thể gặp khó khăn trong việc giành ủng hộ của đa số cho một vị trí quan trọng trong nội các.

Điều đó có thể không cần thiết. Trump đăng vào Chủ nhật "Bất kỳ Thượng Nghị sĩ Cộng hòa nào tìm kiếm một vị trí LÃNH ĐẠO được thèm khát trong Thượng viện Mỹ phải tán thành việc bổ nhiệm trong thời gian nghỉ của Quốc hội (Recess Appointments)", ám chỉ quy trình thỉnh thoảng được các tổng thống Dân chủ và Cộng hòa sử dụng để phê duyệt các nhân được đề cử vào các vị trí có nhiệm kỳ giới hạn mà không cần sự phê chuẩn của Thượng viện. Cả ba ứng cử viên cho vị trí Lãnh đạo Đa số trong Thượng viện đều lên tiếng ủng hộ ý tưởng này. Cùng với Rubio, một thượng nghị sĩ Cộng hòa khác là Bill Hagerty cũng được đồn là ứng viên cho vị trí Ngoại trưởng.

Khía cạnh khó lý giải nhất là hệ tư tưởng ảnh hưởng đến quá trình tuyển dụng như thế nào. Cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã giúp lắp đầy nội các đầu tiên với những đảng viên Cộng hòa theo tư tưởng Reagan. Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, các đảng viên Cộng hòa truyền thống đã tranh giành ảnh hưởng với những cá nhân cuồng tín theo khẩu hiệu MAGA (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), những người chế giễu quan điểm bảo thủ về chính phủ nhỏ, chủ nghĩa quốc tế mạnh mẽ, và thương mại tự do. Ranh giới trong cuộc cạnh tranh này thường không rõ ràng, và mỗi bên đều tuyên bố một số thắng lợi nhất định. Một cựu cố vấn của Trump đã mô tả vị tổng thống đắc cử là ôn hòa trong phong trào MAGA. Tuy nhiên lần này, những tín đồ trung thành bắt đầu chiếm ưu thế hơn.

Họ làm tiêu tan triển vọng của Pompeo. Pompeo là người sống sót hiếm hoi trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, trải qua 4 năm là thân tín của Trump với vai trò là giám đốc CIA, và sau đó là nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ. Ông chọn không đối đầu với vị lãnh đạo cũ của mình trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ, nhưng vẫn đưa ra một số chỉ trích bóng gió, từng cảnh báo về "những nhân vật thích danh tiếng lên làm lãnh đạo, với phong cách chính trị bản sắc của riêng mình". Nhưng, những nỗ lực quay trở lại vị trí bộ trưởng Quốc phòng đã thất bại, rõ ràng là vì lý do tư tưởng. Một nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội theo chủ nghĩa biệt lập đã bình luận về thông tin Trump từ chối cho bà Haley và ông Pompeo tham gia nội các mới rằng "Phong trào 'ngăn chặn Pompeo' rất tuyệt vời, nhưng vẫn chưa đủ. Bây giờ, chúng ta cần gây áp lực tối đa để loại bỏ tất cả số tân bảo thủ và diều hâu chiến tranh khỏi chính quyền mới của Trump". Con trai của Trump, Donald Jr. trả lời "Đồng ý. Tôi đang xử lý việc này".

Donald Trump Jr cũng có thể muốn ngăn chặn sự xuất hiện của những đối thủ đáng gờm cạnh tranh với ông Vance cho đề cử tổng thống năm 2028. Điều này có thể giải thích vì sao một số nhân vật tương đối diều hâu nhưng không có tham vọng làm tổng thống được chọn vào chính quyền.

Đôi khi, quen biết cũng trở nên hữu ích. Những người bảo thủ đang kêu gọi giúp đỡ từ những người bạn cũ tham gia quá trình chuyển giao chính quyền. Một số người được cho là gần gũi với tổng thống thường khoe ra điều này. Một ứng viên được đồn đoán cho vị trí Tổng chưởng lý vừa viết: "Gửi những người muốn làm việc cho Trump, lâu rồi không nói chuyện. Tôi sẽ phải yêu cầu anh chị đưa ra bằng chứng rõ ràng và cụ thể chứng minh lòng trung thành của mình đối với Trump. Nếu anh chị không thể đưa ra thật nhiều bằng chứng, thì đừng có liên hệ với tôi nữa"..

Saturday, 23 November 2024

Donald Trump có 4 Đặc điểm giống Gia Cát Lượng

Lý do gì mà một tỷ phú rất thành đạt trong cả hai lĩnh vực bất động sản và show truyền hình như Donald Trump lại quyết định ra tranh cử Tổng Thống? Trump đã gầy dựng lên một thương hiệu nổi bật cho chính mình, rõ ràng ông ấy không cần phải làm tổng thống để được nổi tiếng hay để giàu hơn.

Hai thập niên trước, Cô Oprah hỏi Trump trong một cuộc phỏng vấn truyền hình xem ông có muốn tranh cử tổng thống không. Ông nói: "Nếu tình hình trở nên quá tệ, tôi sẽ không bao giờ hoàn toàn bỏ ý định ứng cử đó, bởi vì tôi thực sự chán chường khi nhìn thấy những gì đang xảy ra với đất nước này."

Trump bực tức khi nhình thấy hàng trăm ngàn công việc ở Mỹ được mang đi nơi khác. Trump nhìn thấy cái hố mà Mỹ đang từ từ lún xuống, và ông thẳng thắn lên tiếng cho là rất nguy hại cho nước Mỹ.

Năm 2015, trước khi ra ứng cử chức Tổng Thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 45, Trump đã phác họa một viễn ảnh tươi đẹp cho Hoa Kỳ dưới danh hiệu (biểu tượng) MAGA (Make America Great Again).

Trước đó, từ 1987 đến 2017, Trump đã xuất bản khoảng trên 20 tác phẩm để độc giả hiểu đôi điều về ông (sự thành đạt, tư cách cá nhân, thấu hiểu về tình hình đất nước...).

Khi Trump tuyên bố tranh cử năm 2015, không mấy ai tin rằng ông có cơ may chiến thắng, bởi vì sự nghiệp thương mại của ông không dính dáng đến chính trị.

Cùng với tuyên bố tranh cử, Donald Trump đã xuất bản cuốn sách "Crippled Amertica" (tạm dịch là "Nước Mỹ nhìn từ bên trong") chỉ ra những bất cập của Hoa Kỳ; đồng thời đề xuất các giải pháp. Cuốn sách này được coi là cương lĩnh tranh cử của Donald Trump.

Trong sách, Donald Trump cho rằng nước Mỹ đang xuống cấp và có nhiều bất cập nghiêm trọng ở nhiều mặt. Ông chỉ ra sự "què quặt" của nước Mỹ do khủng hoảng quan hệ ngoại giao, quốc phòng, thương mại; do nạn nhập cư trái phép, tỷ lệ tội phạm và luật sở hữu súng đạn; sự xuống cấp ở cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, việc làm, chính sách thuế khóa...

Với mỗi vấn đề mà Donald Trump cho rằng đang xuống cấp, ông đều đưa ra giải pháp cho nó. Ông đề xuất một kế hoạch tổng thể bao gồm cải tổ chính phủ, củng cố quân đội, xiết chặt chính sách đối ngoại, tái thiết cơ sở hạ tầng, giải quyết vấn đề nhập cư, cải cách giáo dục, y tế, năng lượng, luật thuế...

Từng chương sách thể hiện rõ mục đích của Donald Trump. Ông thể hiện quyết tâm: "Đã đến lúc chúng ta xoay chuyển nước Mỹ từ tuyệt vọng và giận dữ thành một đất nước vui sướng và thành công".

Khi nói về Trump, Newt Gingrich cựu dân biểu, cựu Chủ tịch Hạ viên Hoa Kỳ và là tác giả cuốn sách "Hiểu về Trump" xuất bản năm 2017, nói rằng Donald Trump là nhân vật gây tranh cãi, kẻ ủng hộ, người chỉ trích; nhưng hiếm có góc nhìn nào giải thích về tư tưởng, chiến lược, hành động của ông.

 1. Khuynh hướng giúp dân cứu nước (MAGA-Make America Great Again)

 * Chính sách kinh tế của Trump

 Ông Trump từ lâu đã quan ngại về các vấn đề của nước Mỹ. Ông thất vọng vì tình trạng thâm hụt thương mại của đất nước, vì các chính sách quốc phòng và thấy rõ người Mỹ đã bị đánh thuế để phụ vụ cho các chương trình hỗ trợ nước ngoài.

- Trump hiểu rõ cái gọi là thương mại tự do hoàn toàn không mang lại lợi ích bằng nhau cho đôi bên, mà đó là cái bẫy bên được bên mất.

- Trump cắt giảm thuế cho người dân và các công ty lớn nhỏ. Trump kêu gọi các công ty lớn quay về nước, đem lại công ăn việc làm cho dân Mỹ.

- Trump bãi bỏ các lệnh cấm để các công ty Mỹ tự do phát triển năng lượng, khí đốt thiên nhiên, khiến nước Mỹ trở thành nước xuất cảng năng lượng lớn nhất.

Nhận xét: Nói gì thì nói, người dân Mỹ cảm thấy hài lòng khi giải pháp kinh tế của Tổng Thống Donald Trump đang chạy đúng hướng. Nicols Lecaussin (giám đốc viện nghiên cứu kinh tế và tài chính IREF) nói: "Tổng Thống Reagan đã mất ba năm để cải cách nền tài chính Mỹ. Ông Trump đã làm điều đó chỉ trong vài tháng." 

Kinh tế Mỹ đã tăng tốc độ nhanh chóng và đạt mức tăng trưởng GDP 3.1% trong quý 2 và 3.3% trong quý 3 năm 2018.

Các nghiên cứu định lượng cũng chỉ ra rằng giảm thuế doanh nghiệp xuống mức 20% sẽ tăng nhu cầu đầu tư khoảng 15% và GDP trong 10 năm khoảng 4%, tức tăng thêm 0,4% GDP trong mỗi năm.

Ngoài ra, với việc giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 20%, các hãng của Mỹ và nước ngoài được dự báo sẽ gia tăng đầu tư ở Mỹ vì hấp dẫn hơn.

Đồng thời, các tập đoàn đa quốc gia sẽ bớt nhu cầu đẩy sản xuất và việc làm ra khỏi nước Mỹ. Việc giảm thuế thu nhập cá nhân cũng tác động tích cực đến sản xuất và tích cực tham gia lao động hơn trước.

Nhìn chung, dân Mỹ đang sướng rơn. Apple khẳng định đem tiền và công việc quay về lại nước Mỹ. Những công ty lớn như AT&T, Comcast, Wells Fargo, Boeing, Nexus Services cũng công bố tiền thưởng (nhờ được giảm thuế) và tăng lương cho nhân viên.

Người ta nói rằng chưa bao giờ lương công nhân Mỹ lại được tăng nhanh như vậy. Những người về hưu cũng thấy tự tin khi nhìn chỉ số Dow Jones bùng nổ đến 30%. Đó chính là do tiền quỹ hưu trí của họ cũng gắn với sức sống xanh tươi của sàn chứng khoán Hoa Kỳ.

Nhà văn Doug Wead, tác giả cuốn "Inside Trump's White House: The Real Story of His Presidency" thừa nhận rằng trong vài chục năm qua chưa có đời Tổng thống nào đưa nước Mỹ đạt được  mức tăng trưởng kinh tế tới 4.3 như Trump.

 * Về an toàn quốc gia: Ngoài việc Trump cho đuổi hết dân nhập cư bất hợp pháp, xây dựng hàng rào với Mễ Tây Cơ, tạm cắt thị thực vào Mỹ với người Hồi giáo. Tăng thêm cảnh sát, tăng thêm chi phí an toàn quốc gia.

 * Về Ngoại giao: Trump thay đổi cách đàm phán trên tinh thần thực tế, có lợi cho dân Mỹ.

 * Về Quân sự: Trump không ngại dùng quân sự để giải quyết những chuyện đáng giải quyết bằng súng đạn. Điều này có lợi cho các nhà tư bản sản xuất súng đạn, làm tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu lời từ chiến tranh (nếu xảy ra).

Ông Trump cần đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại như khẩu hiệu tranh cử của ông, tức đưa nước Mỹ trở thành đầu tàu kinh tế lớn nhất, vượt trội so với các nước theo sau. Ông đã có cơ hội để làm những điều đó trong nhiệm kỳ đầu (2017-2021), nhưng thảm họa Covid-19 đã cản trở mất một năm cuối cùng của ông.

 2. Khả năng xử lý tình huống một cách thông minh và xuất sắc

* Mưu lược: Trump hành sự như một thương gia cả trong chính trị, quân sự, ngoại giao... Mọi cái đều có giá của nó, thông qua đàm phán, hai bên cùng có lợi, cuối cùng đều đạt được lợi ích chung.

 3. Sức mạnh nhân cách dám đương đầu với khó khăn

 - Khi Trump vừa đắc cử (năm 2016), bao nhiêu sóng gió nổi lên, bao nhiêu thủ đoạn gian manh hãm hại ông, không ngừng nghỉ một ngày một giờ... Có thể nói, Trump là một Tổng thống cô đơn nhất và dũng cảm nhất. Trump dũng cảm đối đầu với tất cả nghịch cảnh: phe Dân chủ, media thiên tả, các thế lực "Swamp" tham nhũng, nhơ nhớp, các tài phiệt...

- Trump với lòng yêu nước, với bản tính kiên cường, với cá tính độc đáo, với sự vững mạnh tài chánh... mới dám làm những điều mà các chính trị gia khác không dám làm.

- Duy nhất chỉ có mỗi một Donald Trump dám lội ngược dòng nước, dám dấn thân, dám xả thân, dám chấp nhận bao chửi rủa, bao công kích, bao đánh phá, bao hãm hại, bao hiểm nguy... cho bản thân và cả gia đình để phụng sự đất nước và nhân loại theo cách nhìn sáng suốt của ông.

- Hai lần bị ám sát hụt: Lần thứ nhất: ngày 13-7-2024 tại cuộc Rally ở Butler (tiểu bang Pennsylvania), nghi phạm là Matthew Crooks, 20 tuổi. Lần thứ hai: ngày 15-9-2024 ở West Palm Beach (tiểu bang Florida), nghi phạm là Ryan Westley, 58 tuổi, cư dân Hawaii.

 4. Đạo đức cao thượng

 * Cách dùng nhân tài: Trong nhiệm kỳ đầu (2017-2021), Trump thu nhập rất nhiều nhân tài dầy dạn cho bộ máy hành chánh của mình, dù cho người đó trước đây có chỉ trích mình hay đã phạm điều gì đó ở bộ máy cơ cấu cũ. Trump đề cao tài năng và kinh nghiệm của họ, không xí vào những khiếm khuyết cá nhân.

 * Dám nói dám làm

Trump không thẹn thùng chỉ ra những "lạc hậu" của Mỹ, điều này rất ít người dám nói, thậm chí còn che đậy lại.

- Trump nói về lượng người nghèo tăng trưởng, đường xá, sân bay, bệnh viện, trường học, đường sắt trong tình trạng xuống cấp... 

- Mậu dịch bị Trung Cộng cạnh tranh tàn khốc.

- Trump từng bước phá vỡ những quy luật bất thành văn trong giới chính trị, gây đe dọa đến những lợi ích nhóm. Ông giống như một con sói đầu đàn đơn dôc bị cả đàn vây hãm tấn công trong suốt hơn 8 năm qua.

- Bất kể phát ngôn nào của Trump cũng bị truyền thông moi móc. Ông gọi đó là Fake News. 

- Trump là cái gai gây tổn thất quá nhiều cho lợi ích nhóm nên họ phải dùng mọi thủ đoạn để nhổ bỏ đi.

 * Trump làm những chuyện khó tưởng tượng nổi (theo lời của nữ ký giả Liz Crokin):

 - Năm 1986, Trump ngăn cản việc tịch thu nhà của trang tại gia đình Annabell Hill sau khi chồng bà đã tự tử. Trump đích thân gọi điện thoại đến cơ quan đấu giá để ngăn chận việc bán nhà của bà và ông đã cấp tiền góa phụ cho bà. Trump quyết định hành động sau khi đọc được những lời cầu xin của bà Hill trong các bản tin.

- Năm 1988, một máy bay thương mại từ chối chở bé Andrew Ten 3 tuổi, con trai của một giáo sĩ giáo phái Do Thái Chính Thống, đang mắc một căn bệnh hiểm nghèo, cần đi chữa bệnh ở một tiểu bang xa vì em cần phải mang theo mình một hệ thống mày hỗ trợ sự sống phức tạp. Cha mẹ đau buồn của em đã liên lạc với Trump để được giúp đỡ. Ông Trump đã không ngần ngại liền gửi máy bay riêng của mình để đưa em bé từ Los Angeles đến New York để em có thể được điều trị.

- Năm 1991, 200 lính Thủy quân Lục chiến (Marines) phục vụ trong Chiến dịch Bão Sa Mạc đang chờ tại Trại Lejeune ở Bắc Carolina để lên máy bay trở về với gia đình họ. Họ được biết chuyến bay không thể đến và sẽ bị hoản mấy ngày nên họ không thể trở về đúng hẹn với gia đình. Khi Trump được tin này, ông đã gửi máy bay của mình đ đưa họ về bằng hai chuyến bay từ Bắc Carolina đến Miami (Floria) để họ có thể trở về đoàn tụ với những người thân yêu của họ.

- Năm 1995, một người lái xe dừng lại để giúp Trump vì chiếc xe limo của ông bị xẹp lốp. Trump hỏi người nhân hậu Samaritano là ông phải trả công cho anh ta như thế nào. Tất cả những gì anh này muốn chỉ là một bó hoa cho vợ anh. Một vài tuần sau đó, Trump gửi tặng anh một bó hoa với thiệp ghi hàng chữ: "Chúng tôi đã trả xong hết tiền nợ thế chấp nhà của bạn."

- Năm 1996, Trump đã đệ đơn kiện thành phố Palm Beach (Florida) để cáo buộc chính quyền thị trấn đã kỳ thị câu lạc bộ Mar-a-Lago nơi khu chơi goft của mình bởi vì câu lạc bộ này cho phép người Do Thái và người da đen vào chơi. Abraham Foxman, giám đốc Hiệp hội Chống Bôi lọ - Anti-Defamation League, nói rằng sự tấn công của Trump lên nạn kỳ thị đã có tác dụng bởi vì các câu lạc bộ khác đã noi gương ông bắt đầu nhận người Do Thái và người da đen vào chơi.

- Năm 2000, bé gái tên Megan đang chiến đấu với bệnh giòn xương. Trump đã xem được trên chương trình Maury Povich. Trump nói rằng câu chuyện và thái độ tích cực của cô bé đã chạm vào trái tim của ông. Vì vậy, ông đã liên lạc với Maury Povich và tặng cô bé cùng gia đình cô một chi phiếu rất hào phóng.

- Năm 2008, sau khi các người trong gia đình của cô diễn viên Jennifer Hudson bị sát hại thê thảm tại Chicago, Trump đưa cô diễn viên (từng đoạt giải Oscar) và gia đình của cô đến ở tại khách sạn Windy City của ông miễn phí. Ngoài ra, Trump còn cho an ninh gia tăng biện pháp bảo vệ để bảo đảm cô Hudson và các thành viên gia đình của cô được an toàn trong suốt khoảng thời gian khó khăn đó.

- Năm 2013, ông tài xế xe buýt Darell Barton ở thành phố New York thấy một phụ nữ đứng gần mép cầu đang nhìn xuống lòng tàu bè lưu thông phía dưới. Ông ta dừng xe và chạy đến ôm cô lại và cứu cô, thuyết phục cô đừng nhảy xuống. Khi ông Trump nghe được chuyện này, ông liền gửi đến ông tài xế anh hùng này một tấm chi phiếu chỉ vì ông tin rằng hành vi cứu người của ông này đáng được tặng thưởng.

- Năm 2014, Trump đã cho Trung sĩ Andrew Tahmooressi 24,000 Mỹ kim khi ông này đã trải qua bảy tháng trong một nhà tù ở Mexico vì đã vô tình vượt qua biên giới Mỹ-Mexico. Tổng thống Barack Obama thậm chí đã không buồn gọi một cú điện thoại để giúp đỡ xin thả ông Trung sĩ Thủy quân Lục chiến này. Thế mà ông Trump đã mở hầu bao để giúp người lính này trở lại cuộc sống bình thường.

- Năm 2016, Melissa Consin Young tham dự một buổi tụ họp ủng hộ Trump và cô rơi nước mắt cám ơn ông Trump đã thay đổi cuộc sống của cô. Cô cho cho biết cô đã từng đứng với Trump trên sân khấu để tự hào nhận vương miện Hoa Hậu của tiểu bang Wisconsin Hoa Kỳ vào năm 2005. Tuy nhiên, nhiều năm sau, cô phải vật lộn với chứng nan y và trong những ngày đen tối nhất của cô, cô cho biết cô đã nhận được một lá thư viết tay từ Trump nói rằng "cô là người phụ nữ dũng cảm nhất mà tôi biết". Cô cho biết những cơ hội làm ăn mà cô nhận được từ Trump và tổ chức của ông cuối cùng đã cung cấp đầy đủ vốn cho thằng con trai Mỹ gốc Mễ của mình học xong trường cao đẳng.

Nhận xét: Lòng tốt của Trump không có giới hạn và sự rộng lượng của ông đã và vẫn tiếp tục chạm tới cuộc sống của người dân thuộc mọi giới tính, chủng tộc và tôn giáo. Khi Trump thấy ai thiếu thốn thì ông liền giúp đỡ.

 * Các nguyên nhân sâu xa hơn những điều mà ta thấy hàng ngày về Trump:

 - Ông Trump xuất thân từ giới bình dân. Ông sinh ra và lớn lên ở khu bình dân, gần gũi người lao động. Ông giữ mối quan hệ thân thiết với những người bình dân.

- Trump là nhân vật cố gắng giữ lời hứa. Tầm nhìn của Trump là chính những gì ông ta tuyên bố.

- Trump có nguyên tắc điều hành phi truyền thống, không theo kinh nghiệm chính trị thông thường. Nhưng ông ứng xử với tinh thần học hỏi đáng kể. Ông không phân biệt đảng phái (Dân chủ và Cộng hòa), tiếp cận để học hỏi thông tin, quan điểm của đảng viên bình thường từ hai đảng.

- Trump là người đặc biệt khi xử lý vấn đề truyền thông. Trump xử lý truyền thông theo cách phi truyền thống, ông dùng mạng xã hội Twitter thường xuyên. Trong khi báo chí chạy theo những điều Trump viết trên mạng xã hội, thì bản thân ông đã đi làm những việc khác rồi.

 * Vị cứu tinh dân tộc Mỹ: Trong 4 năm, từ kinh tế, quân sự, đàm phán ngoại giao cho đến gải thoát con tin Mỹ, tiêu diệt khủng bố... Trump đều hoàn thành một cách nhanh gọn. Trump la một nhân tố kiệt xuất, hiếm hoi xuất hiện trong dòng lịch sử nước Mỹ (nói riêng) và lịch sử nhân loại (nói chung). Trăm năm nữa, chưa chắc có người thứ hai.

 VĨNH LIÊM     (sưu tập nguồn từ Internet)