“Vào thời Phật, có một du sĩ Bà La Môn nhiệt tâm học đạo, ông nghe nước Xá Vệ có nhiều người hiền đức, tài trí nên tìm đến cầu đạo. Khi đi qua cánh đồng thuộc nước Xá Vệ, ông thấy hai cha con người nông phu đang cày ruộng, không may đụng phải hang rắn, con rắn to tướng lao ra cắn người con chết ngay tức khắc. Người cha bồng xác đứa con đặt dưới gốc cây rồi thản nhiên tiếp tục cày.
Vị du sĩ Bà La Môn thấy vậy suy nghĩ: “ông này lạ quá, rắn cắn chết con trai mình mà không chút xót thương. Giả sử người đi đường bị chết còn không có thái độ như vậy, huống gì là con mình”. Khi được hỏi tại sao con trai ông chết mà ông không tỏ vẻ chút xót xa thương tiếc, vẫn an nhiên làm việc xem như không có chuyện gì xảy ra như thế, ông trả lời: “Vật có thành ắt có ngày hư hoại, người có sinh ắt phải chết. Tất cả sự vật hiện hữu trên cuộc đời này đều là tạm bợ và phải chịu sự suy tàn. Đời người bỏ xác ra cũng như con rắn thay da đổi vỏ, khóc thương thì ích lợi gì cho cái xác chết đó.”
Nói xong người nông dân không quên nhờ vị du sĩ vào thành báo cho vợ ông biết con trai đã chết và trưa nay chỉ đem ra một phần cơm thôi.
Vị du sĩ vừa đi vừa suy nghĩ: “Người này lòng dạ thật sắt đá không có từ tâm, con chết nằm đó mà chẳng rớt một giọt nước mắt, chỉ lo ăn, thật quá đáng”. Vì vậy, vị du sĩ muốn gặp vợ người nông phu để xem bà đón nhận tin dữ này như thế nào, nhưng ông cũng thất vọng khi bà thản nhiên nói: “Con cái như khách qua đường tạm sống chung một nhà, khi chúng đến không từ chối, lúc ra đi không luyến tiếc. Chúng tôi biết chúng đến và chúng đi, có tạm sống chung một thời gian. Nếu lúc chúng bỏ đi mà khóc than bi thảm, ấy là quá khờ dám xen vào việc riêng của khách”.
Vị du sĩ thắc mắc lần lượt hỏi từng người trong nhà thì đều nhận được câu trả lời với thái độ an nhiên bình thản. Người chị nói: “Anh chị em sinh chung một nhà đâu khác bó củi bác tiều phu cột lỏng tay sút dây rơi xuống nước, mặc dòng nước cuốn trôi tứ tán, đủ duyên cùng hội họp, hết duyên thì phân ly, khóc than bi lụy ích gì”.
Còn cô vợ giải thích: “Vợ chồng chỉ gặp nhau trong giây phút đủ duyên tạm hợp, duyên hết chia ly như chim rừng chiều tối đậu chung cành, sáng ra mỗi con bay mỗi hướng, mạng sống con người có hạn, sống chết là lẽ thường, lạ gì mà khóc”.
Vị du sĩ nghe xong đầu óc choáng vàng, ông nghĩ chẳng lẽ người dân Xá Vệ đều là những kẻ vô cảm, vô tâm, lòng dạ sắt đá trái với đạo làm người vậy sao. Ông quyết tìm đến Tịnh xá kỳ viên để hỏi Phật cho ra lẽ.
Đức Phật nói: “Này du sĩ Bà La Môn, đó là những người hiểu đại đạo, rõ được sự thật, biết quán vô thường và sự chết nên sống hợp đạo. Không luận người sang kẻ hèn, người trí kẻ ngu, người tốt kẻ xấu tất cả những gì có sự sống tất phải có cái chết, lúc cái chết đến dù sầu bi cũng không cứu vãn được. Nhưng cái chết chẳng phải là thật, từ vô lượng kiếp đến nay chúng sinh luôn ngược xuôi trong dòng sống chết, thân xác tuy mất nhưng giác tâm không mất, thoạt sinh thoạt tử, luôn thay dạng đổi hình. Sống an nhiên tự tại trước vô thường như bốn người ấy e rằng chẳng mấy được ai”.
Vị du sĩ nghe xong tâm ý bừng sáng, cảm tạ đức Phật rồi trở về.”
Lời bình:
Có thể nói đây là câu chuyện của một Du Sĩ Bà La Môn, không phải là một câu chuyện của Phật Giáo, mặc dù nó được biết đến từ những nguồn tài liệu Phật Giáo, bởi vì câu chuyện mang một số quan điểm không nên kể là quan điểm của Phật Giáo, dù câu chuyện có nêu cả lời dạy của Đức Phật Thích Ca về chuyện sinh tử, sống chết của con người.
Câu chuyện chính là cái chết thình lình của một người đàn ông trẻ tuổi và thái độ hoàn toàn thản nhiên của những người thân trong gia đình anh ta! Trước nhất là thái độ thản nhiên của người cha trước cái chết thình lình, đột ngột của đứa con trai bởi rắn độc cắn, mà không có một sự xúc động nào! Bất kể suy nghĩ hoặc hiểu biết về lẽ sinh tử của con người như thế nào, phản ứng của người cha trong câu chuyện nầy là giả tạo, còn nếu thật thì đó là thái độ, hành động không thể chấp nhận được.
Còn người cần có lý trí, có suy nghĩ, nhưng trước nhứt và trên hết là con người cần có tình cảm, con người không có tình cảm thì không phải là con người, hoặc đó là con người rất đáng kinh sợ! Những con người độc ác nhất, tội lỗi nhất trên đời chính là những con người không có tình cảm! Những con người thản nhiên trước cái chết của người khác, nhất là cái chết của người thân, thì có thể đó là con người đáng kinh sợ nhất, đáng ghê tởm nhất, đáng xa lánh nhất!
Một con người thà không có tư tưởng chớ không thể là con người không có tình cảm! Về triết học thì Con người có tình cảm sâu sắc nhất chính là con người có tư tưởng cao siêu nhất! Tư tưởng cao siêu nhất là tư tưởng qúi trọng tình cảm của con người nhất! người không qúi trọng tình cảm con người không thể là người có tư tưởng! Những người có tư tưởng cao siêu còn có những tình cảm sâu sắc với cả muôn loài, vạn vật, cỏ cây, hoa lá, sông nước, thiên nhiên....
Cho nên, khi mà người cha trong câu chuyện của Du Sĩ Bà La Môn nầy một khi không có một xúc động nào trước cái chết thình lình, đột ngột của con trai ruột của mình, ngay trước mắt mình vì một tai nạn hoàn toàn có thể tránh được là bị rắn độc cắn thì bất cứ tư tưởng nào của người cha nầy đều không đáng kể, đều không có giá trị, lợi ích nào hết, một con người không có tình cảm thì chỉ là một con người vất đi, một người cha không đau khổ khi con mình chết thì người cha nầy không còn có bất cứ cái gì đáng cho ta phải học hỏi nữa, tuyệt đối không!
Cái chết tuy là cái tất yếu của mọi sinh vật, kể cả con người, không ai có thể trường sinh, không có cái bất diệt, nhưng mà con người có khả năng cao nhất trong việc duy trì tuổi thọ, tránh né, ngăn ngừa cái chết, vấn đề là con người phải học hỏi, phải hiểu biết, phải tiến bộ, phải văn minh.... Kết quả của văn minh, tiến bộ là ngày nay con người đã tránh được rất nhiều cái chết, đã nâng cao tuổi thọ!
Về chuyện bị rắn độc cắn, ngày nay con người có thể đề phòng và ngay cả chữa trị thành công trong rất nhiều trường hợp bị rắn độc cắn! Cho nên chuyện người con trai trong câu chuyện nầy bị rắn độc cắn chết không phải là một thứ định luật của sinh tử, mà chỉ là hậu qủa sự ngu dốt của con người! So sánh cái chết của con người như chuyện rắn lột da là sự so sánh hàm hồ, ngu muội! Con rắn lột da là để trải qua một giai đoạn trưởng thành của thân xác, giống như những giống loài giáp xác khác như con tôm, con cua, con dán.... hoàn toàn khác với cái chết của con người!
Với sự hiểu biết, văn minh, khoa học tiên tiến ngày nay, người bị rắn độc cắn có thể tự băng bó vết thương, không cho nọc độc rắn nhanh chóng chạy về tim, gọi xe cứu thương, truyền dịch chống nọc độc rắn, dùng máy trợ tim mạch, máy thở oxy vân vân, người nầy có thể được cứu sống! Cho nên mọi kết luận mạng số, duyên phận, vân vân của người cha, người mẹ, người vợ, người em... về cái chết của người đàn ông nầy đều là dốt nát, sai lầm, vô nghiã, bất nhân....!
Với sự thản nhiên của người mẹ về cái chết của con trai mình trong câu chuyện nầy thì lại càng là điều phi lý! Bản năng người mẹ với con trai là bản năng mãnh liệt nhất, sâu đậm nhất trong tất cả các bản năng của con người, và là thứ bản năng huyền diệu, thiêng liêng, do Thượng Đế ban phát để bảo vệ con người! Cho nên không có người mẹ nào không đau khổ khi con trai mình chết! Không chỉ có đau khổ mà còn là cực kỳ đau khổ!
Không có cái đau khổ nào có thể sánh bằng cái đau khổ của người mẹ trước cái chết của đứa con trai! Không có một sự suy nghĩ nào làm cho người mẹ có thể hoàn toàn thản nhiên trước cái chết vô cùng đột ngột của con trai mình! Huống chi là sự suy nghĩ của người mẹ nầy về sự liên hệ của con cái đối cha mẹ chỉ là sự quan hệ của người khách trọ qua đường, khi vui nó đến, khi buồn nó đi! Là một quan niệm quá ư sai lầm!
Không có người mẹ nào quan niệm con cái mình chỉ là người khách trọ qua đường! Trái lại, người mẹ nào cũng thương yêu con cái mình, nhất là con trai còn hơn cả tính mạng của mình, nhiều người mẹ thà hy sinh bản thân mình chớ không hy sinh con cái của mình! Người mẹ thường coi con cái mình là vật qúi giá nhất trên đời, không gì có thể đánh đổi, thay thế! Dù con mình có chết đi người mẹ không chỉ thương tiếc lúc con mình chết, mà còn thương tiếc mãi không bao giờ quên! Đó là tâm tình thực sự của những người làm mẹ!
Còn thái độ thản nhiên của người vợ trong câu chuyện nầy cũng không thể nào chấp nhận được! Bất kể người vợ nầy quan niệm thế nào về cái chết, người vợ cũng không thể có thái độ dửng dưng khi nghe tin chồng mình đột ngột qua đời! Tình yêu nam nữ, đời sống vợ chồng là một báu vật Thượng ban tặng riêng cho con người, không có bất cứ một loài vật nào trong số hàng triệu triệu loài sinh vật trên thế gian có được tình yêu kỳ diệu và đời sống vợ chồng gắn bó bền lâu, sâu sắc như con người! Người ta thường nói vợ hay chồng là ½ kia của nhau, phân nửa tinh thần lẫn thể xác, phân nửa của tất cả mọi thứ tình cảm vui buồn, hoàn cảnh sướng khổ, hạnh phúc con cái.... , cho nên người vợ bắt buộc phải đau khổ khi nghe tin chồng mình đột tử thì mới là điều hợp lý, hợp lẽ, hợp đạo!
Ngay cả thái độ và lời lẽ của người chị gái trước cái chết của em trai mình trong câu chuyện nầy, cũng không thể chấp nhận được! Con người là phải có tình cảm, không có tình cảm thì không phải là con người! Người đàn bà thì tình cảm càng sâu đậm, dạt dào hơn người đàn ông! “Anh em như thể tay chân” là câu ca dao giản dị bình dân gần như ai cũng biết, anh em quan hệ, thân thiết, tương quan gần gũi, vui buồn sướng khổ, cùng chung máu huyết, cùng chung cha mẹ, cùng chung hoàn cảnh vui buồn, sướng khổ, hoạ phước... thì làm sao có thể so sánh như những cây củi khô vô tri giác trên lưng người tiều phu! Thiệt là một sự so sánh hàm hồ, vô tri!
Tóm lại, toàn bộ câu chuyện của vị Du Sĩ Bà La Môn về một gia đình gồm có cha mẹ, chồng vợ, chị em của một người nông dân xứ Xá Vệ nào đó, thản nhiên trước cái chết thình lình của một người thân trong gia đình trên đây, chắc chắn chỉ là một câu chuyện giả tạo, bịa đặt, với dụng ý là giới thiệu lời giảng của Đức Phật Thích Ca về cái chết của con người.
Nhưng nếu toàn bộ câu chuyện dẫn giải trên đây đều giả, tư tưởng, hành động của các nhân vật đều giả, hơn nữa lại là đều toàn những điều sai trái, bậy bạ thì làm sao có thể dẫn đến lời giảng của Đức Phật Thích Ca được! Như vậy mà tác giả còn cho Đức Phật phán bằng lời ngợi khen rằng: “Đây là những người thấu rõ đại đạo!”. Cho dù đó là một câu chuyện thật thì cũng chưa chắc là chúng ta có thể nghe được lời giảng của Đức Phật, huống chi đây lại là một câu chuyện giả tưởng, bịa đặt!
Có rất nhiều kinh sách kể chuyện về những lời rao giảng Phật pháp của Đức Phật Thích Ca, nhưng những kinh sách đầu tiên ghi chép về Phật Giáo chỉ được viết ra 500 năm sau khi Đức phật Thích Ca qua đời, thì làm sao chúng ta biết được đâu là những lời giảng của Đức Phật Thích Ca! Thực tế cho dù chúng ta có chính tai nghe Đức Phật giảng Phật pháp, không chắc gì chúng ta hiểu được những lời Phật dạy, không ai có thể nhớ hết những lời Phật dạy! Thì chuyện kể về những lời Đức Phật dạy mấy ngàn năm sau khi Đức Phật qua đời không có gì đáng để tin nghe!
Tinh hoa của Phật Giáo, công thức căn bản Phật pháp của Đức Phật Thích Ca muốn truyền dạy cho thế gian là 4 chữ “Giác Ngộ- Từ Bi”, cho nên dù có nghe câu chuyện gì, dù có nghe lời nói gì, dù có đọc sách vở gì, kinh kệ gì...., chúng ta cũng phải dựa trên công thức căn bản của nhà Phật là “Giác Ngộ- Từ Bi”, bất cứ chuyện gì không đúng với “Giác Ngộ- Từ Bi” thì chắc chắn đó không phải là điều Đức Phật dạy.
Giác Ngộ thì đòi hỏi hai điều căn bản là Trí tuệ và Tâm Linh, Từ Bi thì đòi hỏi hai thứ căn bản là Tình Cảm và Tâm Hồn, cho nên bất cứ cái gì không có 4 yếu tố “Trí Tuệ- Tâm Linh- Tình cảm – Tâm Hồn” thì cái đó chắc chắn không phải là lời của Đức Phật, cái đó chắc chắn không phải ý của Đức Phật! Cho nên Tu Phật là phải tìm kiếm, học hỏi, suy tư, và phải thực hiện thực hành những gì phù hợp với 4 yếu tố “Trí Tuệ- Tâm Linh- Tình Cảm – Tâm Hồn”.
THÁI TẤN TRUYỀN
No comments:
Post a Comment