Sunday, 30 December 2012

Kháng Sinh Thần Kỳ của Gấu Trúc



Cơ thể gấu trúc sản xuất một loại kháng sinh tự nhiên có khả năng tiêu diệt những siêu vi khuẩn nguy hiểm nhất đối với nhân loại.

Tiến sĩ Xiuwen Yan, một nhà sinh học của Đại học Nông nghiệp Nam Kinh tại Trung Quốc, phát hiện ra loại "kháng sinh thần kỳ" trong máu của gấu trúc sau khi phân tích DNA của chúng. Ông gọi nó là cathelicidin-AM, Telegraph đưa tin.

"Cathelicidin-AM có thể diệt rất nhiều loại vi khuẩn và nấm, bao gồm cả những vi khuẩn có khả năng chống thuốc kháng sinh mà con người chế tạo", Yan nói.

Yan và các đồng nghiệp tin rằng hệ miễn dịch của gấu trúc đã tiết ra kháng sinh để ngăn chặn nhiễm khuẩn trong môi trường hoang dã. Theo họ, cathelicidin-AM có thể giúp giới khoa học tìm ra những liệu pháp mới để ngăn chặn hiện tượng "nhờn" thuốc kháng sinh của các siêu vi khuẩn.

Khoảng 1.600 con gấu trúc đang sống trong môi trường hoang dã. Giới bảo tồn lo ngại số lượng gấu trúc sẽ giảm do diện tích của những rừng tre ở Trung Quốc và Đông Nam Á đang giảm. Gấu trúc sinh ít và thưa trong môi trường hoang dã. Chúng cũng hiếm khi giao phối và sinh sản trong môi trường nuôi nhốt. Vì thế giới bảo tồn chưa tìm ra biện pháp hiệu quả để làm tăng số lượng của gấu trúc.

May mắn thay, các nhà khoa học sẽ không phải lấy kháng sinh từ cơ thể gấu trúc, bởi họ có thể tổng hợp nó trong phòng thí nghiệm bằng cách giải mã những gene tạo ra Cathelicidin-AM.

Xem Xiếc



Cuối tuần + cuối năm Dương Lịch mời các bạn xem 1 màn biểu diển tuyệt vời !


Friday, 28 December 2012

Tôi hét lên


Bài viết của:  Nguyễn Trung Tây

Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu.  Với nhiều bài viết giá trị, ông là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010.  Sau đây là bài viết mới của tác giả.

***
Tôi mệt nhọc với cuộc đời, 
Tôi khò khè với cuộc sống!
Tôi làm hãng cam, làm anh cai.
Tôi đếm tiền.
Tôi, vợ đẹp.
Tôi, con khôn.
Tôi ung thư.
Tôi hét lên!

. . . Hai mươi năm rồi, ngày nào tôi cũng mệt thở không ra hơi, đầu nhức căng căng, tim đập hồi hộp, thần mắt khờ khạo; bởi sáng nào cũng vậy, tôi dậy thật sớm, hốt hoảng như người bị ma đuổi, tôi phóng thật lẹ vào sâu trong phòng tắm.  Nước ấm dội xuống cuống cuồng, tôi sấy tóc hối hả, tôi chải tóc vội vàng, tôi mặc quần áo thật lẹ, tôi ba chân bốn cẳng phóng ra xe, đề máy, tôi biến mất vào dòng đời xe cộ ngược xuôi.

Tách rời dòng xe đen nghìn nghịt như những con bọ hung đông lạnh không nhúc nhích trên xa lộ chằng chịt dọc ngang, tôi kiếm đường tắt, hốt hoảng bẻ trái, lừa lừa quẹo phải, tôi bực bội bấm còi, tôi phóng vội vàng vào hãng cam. 
Ngồi nhặt những trái cam tươi, tôi xếp vào thùng đều đặn như người máy.  Ngồi đếm những quả cam bóng lực lưỡng da căng tròn, tôi xếp vào thùng gỗ, đường rầy dây chuyền lăn đều đẩy tới những vòng quay.  Nơi cuối đường, thùng gỗ đầy cam chầm chậm lăn vào lòng xe vận tải.  Đầy những thùng cam, xe vận tải đề máy quay tròn mười sáu bánh xe lăn tới những nẻo đường xa lộ.  Xe vận tải khác trống hoắc lầm lì lăn bánh tới, nóng nẩy chờ đợi những thùng gỗ cam tươi chất đầy lòng xe…

Hai mươi năm của cuộc đời vừa qua, tôi ngồi nhặt cam, xếp cam, lương khá.  Thoạt tiên là mười lăm đồng.  Năm năm sau lương tăng lên.  Năm thứ bẩy, tôi hóa thành anh cai, nhận được lương phụ trội làm xếpĐược làm anh cai, tôi tới hãng sớm hơn, ở lại cũng trễ hơn.  Nhưng cũng chẳng sao.  Sớm và trễ đều hóa ra những đồng tiền bạc trăm bạc ngàn vào ngày thứ Sáu cuối tuần.  Bởi thế tôi hăng hái lao vào nghề xếp những trái cam vô thùng gỗ.  

Cuộc đời bỗng dưng ngập những tiền là tiền.  
Cuối tuần, cầm tờ ngân phiếu hãng cam trả với bốn con số, tim tôi đập mạnh, niềm vui tiền bạc dâng lên tê tê đầu lưỡi, bao nhiêu nhọc nhằn cực khổ bởi sáng dậy sớm, chiều về trễ, hốt hoảng tranh giành đường đi trên xa lộ tự nhiên tan biến bởi những đồng tiền vào ngày thứ Sáu cuối tuần.

Tôi hát nho nhỏ,
“Tiền là tiên là Phật,
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già.”

Tiền !

Có tiền là có tiên.  Vợ tôi đã đẹp giờ lại càng thêm đẹp bởi những đồng tiền của hãng cam.  Nàng sửa cằm, bơm môi, nâng ngực, cắt mắt, nàng đẹp rực rỡ, nàng ăn trắng mặc trơn.  Tôi muốn ăn Phở, nàng nấu Phở nước trong.  Tôi muốn ăn cháo lòng rắc tiêu sọ, cơm sườn tàu hủ ky, nàng lái xe Bimmơ xuống phố mua cơm cháo.  Tôi muốn hút thuốc ba số 5, nàng ghé vào tiệm mua cho tôi mấy cây.  Cẩn thận, nàng còn mua thêm mấy gói thuốc con mèo.  

Con tôi hai đứa, mịn da đẹp thịt, học hành giỏi giang trong trường đại học tư thục nhờ lương bốn số cuối tuần của anh cai hãng cam.  Nhà tôi cất cao nhất khu đồi, bốn phòng rộng thênh thang.  Hai vợ chồng tôi một phòng, căn phòng có màn cửa nhung.  Một đứa con gái, một đứa con trai, mỗi đứa một phòng.  Mỗi phòng căn bản là một TV và một máy vi tính.  Cạnh phòng ăn là bar rượu rộng thênh thang.  Dưới hầm nhà, xếp đều tăm tắp những chai rượu VSOP, rượu vang đắt tiền.  Cạnh phòng ăn, tôi gọi người tới biến thành căn phòng có ghế da hơi nằm dài theo dõi dàn máy home theater hiệu Sony chiếu phim trên màn ảnh đại vĩ tuyến.  Asia, Thúy Nga, Vân Sơn, phim Việt Nam, tôi nằm dài coi trong rạp nhà, mà tưởng là mình đang ngồi coi trong rạp màn ảnh 4D bốn chiều.

Cuộc sống tôi thênh thang.  Xe Bim-mơ, vợ tôi một cái, tôi một cái.  Tôi yêu vợ, yêu con, và yêu cuộc sống! 
Bởi yêu vợ và yêu con, tôi anh cai hãng cam làm thêm ngày thứ Sáu, thứ Bẩy, và luôn cả ngày Chúa Nhật.  Hai chục năm rồi, ngày nào tôi cũng đi làm.

Tôi đếm tiền mỏi tay!
Tiền giấy đếm, sướng những đầu ngón tay.
Tôi hạnh phúc mênh mông!
Đời tôi màu hồng.
Chuồn chuồn bay đầy trên cánh đồng cỏ xanh.
Chuột đồng no nê căng tròn rong chơi trên đồng lúa vàng.
Cá chem chép vàng ươm êm đềm bơi lội dọc theo bờ sông đỏ màu phù sa.
Tôi, thiên đàng trần thế!
Hồn ơi, vui lên!
 

Sáng hôm qua, như thường lệ, tôi dậy sớm, cổ họng đau ran rát. Đi khám, bác sĩ nói, — Ung thư cuống họng. Lần đầu tiên trong đời tôi nếm vị thuốc. Những lần chạy chemotherapy, tóc tôi rụng, đầu tôi sói sọi!  Thân thể xanh xao.  Mặt bủng da chì! Tôi vàng như những trái cam mà có một thời tôi xếp xếp gói gói vào thùng gỗ năm xưa.
Tôi húp phở, phở không ngon.
Tôi chán những chén cháo lòng rắc tiêu sọ.
Tôi ói ra những miếng cơm sườn nướng tàu hủ ky.
Tôi ho sặc sụa với hơi thuốc ba số 5, thuốc đầu con mèo.
Tôi nhổ ra phèn phẹt ngụm rượu đỏ Cabernet Sauvignon.
Tôi giờ này chỉ còn nuốt được những viên thuốc ung thư.
Sáng sáng nhìn qua khung cửa,
Bình minh rực rỡ,
Tôi mơ sức khỏe.
Tôi khóc!  Trời ơi, sao đời phù vân!

Nếu biết thế, tôi sẽ không sống như tôi đã từng sống hơn hai mươi năm vừa qua. Trời mùa hạ xanh tươi, nhưng sao tôi thấy lá vàng đong đưa bên khung cửa. Tôi hối tiếc cho những ngày xưa, những ngày còn sung mãn. Cuối tuần, vợ tôi ghé vào viếng thăm. Mười ngón tay của nàng, mầu hồng tô son thơm mùi phưng phức.  Cặp môi trái tim, mắt phượng mở lớn, đôi ngực căng tròn, nước hoa từ thân thể nàng bốc mùi thơm hăng hắc.  Tôi nhìn nàng, dáng nàng sang, tóc nàng đen óng sợi tóc dầy, tôi mơ ước sức khỏe ngày xưa.

Nàng hỏi, “Bao giờ anh về?”
Con tôi hôn lên vầng trán, “Thôi, con phải về,
Ngày mai con có bài thi cuối khóa.
Chúc bố chóng bình phục.”
Nhưng tôi vẫn tuột dốc.
Ung thư cổ họng gậm nhấm ăn mòn thân xác.
Tôi rớt xuống.
Tôi chạm đáy vực sâu.
Tôi đốt nến, nhìn lên tượng thánh giá.
Tôi đôi môi mấp máy như Hàn Mặc Tử:
“Ave Maria, Thánh Nữ Đồng Trinh,
Xin chữa con!
Xin cứu con.
Nếu bây giờ,
Phép lạ xẩy ra,
Con sẽ vẫn đi làm ở hãng cam,
Con sẽ vẫn làm anh cai,
Nhưng con sẽ không đi làm thêm ngày thứ Bẩy, Chúa Nhật.
Bởi con đã nhận ra đời sống này vô thường!
Có đó rồi mất đó,
Vô thường!  Vô thường!  Đại vô thường!”.

Nhưng phép lạ không xẩy ra.
Tôi tiếp tục mệt nhọc với ung thư,
Tôi khò khè với bệnh tật!
Ung thư tiếp tục phá nát cuống họng!
Tôi nằm dài trên giường bệnh,
Con tôi hỏi, “Bố ơi, bao giờ bố về?”.
Tôi khóc, không nói được nữa, bởi ung thư đã phá rách toang cổ họng.

Tôi run run năm đầu ngón tay, viết lên trên tờ giấy trắng tinh, “Sao hai đứa con gầy vậy?”
Con tôi nói, “Bố ơi! Mẹ bỏ đi rồi!”
Tôi hét lên!  Tiếng hét cuồn cuộn xoáy sâu đẩy tôi rơi xuống vực thẳm!
Tôi mở mắt ra,
Người ướt đẫm mồ hôi!
Nhìn qua khung cửa,
Tôi nhận ra bình minh thứ Bẩy cuối tuần rộn ràng khua vang.
Bên khung cửa,
Có chú chim nho nhỏ say mê hót vang khúc hát bình dị, “Good morning!  Chào bình minh buổi sáng.”

Tỉnh cơn ác mộng,
Tôi KHÔNG hốt hoảng như người bị ma đuổi, phóng thật lẹ vào sâu trong phòng tắm như mọi ngày trong hai mươi năm qua. Nhưng tôi quỳ bên chân giường, tôi đọc một lời kinh nho nhỏ với Chúa, với Phật, và với Bụt.
Thấy tôi bước xuống nhà pha ly café buổi sáng, vợ tôi ngạc nhiên hỏi,
— Ủa, không đi làm sao?
Tôi đáp cộc lốc,
— Không!
Nhưng mặt tươi như hoa, nhìn qua khung cửa, hát nho nhỏ một bài ca…




Thursday, 27 December 2012

Hãy đặt cốc nước xuống !


Một giáo sư bắt đầu giờ giảng của mình với một cốc nước. Ông giơ nó lên và hỏi các sinh viên, “Các bạn nghĩ cốc nước này nặng bao nhiêu?”
‘50 gam!’…‘100 gam!’… ‘125 gam!’… các sinh viên trả lời.

-      ‘Tôi không thể biết chính xác nếu không cân,’ giáo sư nói, ‘nhưng câu hỏi của tôi là: Điều gì sẽ xảy ra khi tôi cứ giơ cái cốc thế này trong vài phút?’
-      ‘Chẳng có gì cả’ các sinh viên nói.

-      ‘OK, vậy điều gì xảy ra nếu tôi giơ trong một giờ?’ giáo sư hỏi.
-      ‘Tay thầy sẽ bắt đầu đau ạ’, một sinh viên trả lời.

-      ‘Đúng vậy, và nếu trong một ngày thì sao?’
-      ‘Tay thầy có thể tê cứng, và thầy có thể bị đau cơ, tê liệt, chắc chắn phải đến bệnh viện,’ một sinh viên khác cả gan nóị Và tất cả lớp cười ồ.

-      ‘Rất tốt. Nhưng trong tất cả các trường hợp đó, cân nặng của cái cốc có thay đổi không?’, giáo sư lại hỏi.

-      ‘Không ạ,’ các sinh viên trả lời.

-      ‘Vậy, cái gì khiến cho tay bị đau, cơ bị tê liệt? Và thay vì việc cứ cầm mãi, tôi nên làm gì?’

Các sinh viên lúng túng. Rồi một người trả lời: ‘Đặt cốc xuống!’

-      ’Chính xác!’ giáo sư nói, ‘Các vấn đề trong cuộc sống cũng giống như thế này. Khi bạn giữ nó trong đầu vài phút thì không sao. Nghĩ nhiều hơn, chúng làm bạn đau. Và nếu cố giữ thêm nữa, chúng bắt đầu làm bạn tê liệt. Và bạn sẽ không thể làm gì được nữa.’
-       
============
Lời bình: Nghĩ đến những vấn đề trong cuộc sống là điều quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là hãy nhớ ‘đặt chúng xuống’ vào cuối mỗi ngày khi bạn đi ngủ. Nhờ vậy, bạn tránh được stress để khởi đầu một ngày mới thật tỉnh táo, khoẻ mạnh. Và đó là thứ giúp bạn có thể giải quyết mọi vấn đề.