Wednesday 19 December 2012

Xung đột vợ chồng



Câu hỏi: 

Em thì sống ngăn nắp nhưng vợ em thì không. Em không hiểu sao một bác sĩ giải phẫu có chuyên môn khá mà sinh hoạt rất bừa bãi, ít chịu nghe góp ý.Chúng em lấy nhau và đã có con cái, việc làm ổn định. Em là giảng viên đại học, cô ấy là bác sĩ giỏi, nhưng chúng em có vẻ cách xa trong tình cảm vì khác nhau nhiều thứ quá. Vợ bảo em nền nếp thì cứ sống thế đi, chứ đừng bắt cô ấy theo. Cô bảo em khó tính quá, cô bị stress, lúc nào cũng thấy mình kém và luôn là người có lỗi. Khi tranh cãi, em chứng minh sự chưa tốt của cô thì cô công nhận em nói đúng hết, nhưng cô không theo được. Rồi cáu lên, cô ấy lớn tiếng quát cả chồng, mắng con rất vô lý.

Vì chuyện những nhỏ này mà gia đình luôn căng thẳng, không vui vẻ gì. Những điều em mong muốn cô ấy thay đổi đều tốt và đúng cả, mà lại hóa ra sai, làm cho vợ chồng không hòa thuận sao? Em nên đối xử với vợ thế nào để cô ấy đừng cho là em phải chịu thua? (Thuận, Vũng Tàu)

Trả lời:

Vợ chồng bạn khác nhau nhiều về tính cách và văn hóa. Bạn thì mong mỏi điều đúng nhưng đã dùng giải pháp sai. Mải theo điều đúng đắn, bạn vô tình áp đặt khiến cô ấy căng thẳng. Tại sao toàn điều đúng mà lại không chịu theo? Về lý thì phải đặt câu hỏi ấy. Nhưng người ta có một lý luận thế này: trong gia đình, giữa những người thân yêu thì đúng sai không quan trọng bằng việc thấy yêu nhau, hòa hợp nhau. Tình yêu này lớn đến độ bạn sẽ coi người ấy còn quan trọng hơn cả những mục tiêu bạn đang cố gò vào, dù nó có tốt và hợp lý đến đâu.

Có người còn đùa với những bà vợ hay tranh cãi: Cô muốn mình đúng hay mình được chồng yêu? Tất nhiên đúng đắn nhất phải là: Vì tôi đúng nên tôi được yêu. Chưa chắc.

Tình yêu là một “ bí mật vĩ đại” như một nhà văn Nga đã nói, bạn nên đặt tầm quan trọng tình cảm vợ chồng lớn hơn những chuyện nhỏ trong sinh hoạt. Một khi nó gây đổ vỡ tình cảm thì không còn là chuyện vặt nữa rồi. Nhiều khi có nhau rồi, chung sống lâu rồi, người ta dễ sống theo thói quen, không còn quan sát tình cảm nhau nữa (biết quá rõ rồi mà) mà lại dồn chú ý quan sát vào đòi hỏi sinh hoạt vặt vãnh, hoặc vật lộn vì bao nhiêu nghĩa vụ, tiền bạc, công việc, các mối quan hệ...

Nên làm gì, đối xử thế nào để cô ấy không nghĩ là bạn thua? Hỏi vậy là bạn còn vương vấn chuyện được thua, sĩ diện và có thể bạn có nhiều ưu điểm nên đã vô tình gia trưởng, muốn cải tạo vợ theo ý mình, vì những ý đó đúng đắn. Chắc bạn biết, hai người từ hai gia đình, lối sống, văn hóa khác nhau nay đi cùng nhau suốt cuộc đời. Vậy phải xem trong gia đình, mình ưu tiên cho điều gì và có thể bỏ qua điều gì cho là không quan trọng bằng.

Khi cô ấy làm sai, bạn có thể chỉ ra một cách thương quý, không quyết liệt như tấn công. Vì bạn tấn công là cô ấy sẽ bị thua, luôn thấy mình chẳng ra gì, mình là người yếu kém. Sự mặc cảm tự ti này đem đến thái độ lì, tâm lý thất bại, cho là cố gắng mấy thì chồng cũng sẽ không hài lòng.

Bạn cứ làm gương trong lối sống của mình, có khi tự sắp xếp cho cô ấy gọn gàng (tức là làm gương bằng hành động chứ không rình để phê phán, giáo huấn hay bực tức không thèm nói gì). Cô ấy sẽ cảm động và tự thấy mình cần cố gắng. Trong mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng đều yêu nhau vì “giá trị cốt lõi” nào đó. Hãy để cho nó lớn lên và chịu đựng bỏ qua cho nhau để được hạnh phúc.


No comments:

Post a Comment