Trước khi gặp anh, tôi chỉ được nghe dân ngoại
khoa đồn rằng, đó là một người Mỹ gốc Việt và là một “hàng khủng”
có tiếng trong làng ngoại nhi thế giới. Điều đó khiến tôi tò
mò và thật bất ngờ trong lần đầu gặp mặt anh xuất hiện với dáng
vẻ rất ấn tượng: đầu húi cua, kính cận, da rám nắng, quần jean,
áo pull, cùng một nụ cười hiền khô... Người đàn ông có vẻ ngoài
phóng khoáng ấy chính bác sĩ Nguyễn Xuân Nam, Trưởng khoa Ngoại-
Bệnh viện Nhi Los Angeles (Mỹ).
Nổi tiếng cả ở sự giản dị
Lần đầu tiên, Bệnh viện Nhi trung ương đăng cai tổ chức Hội nghị
khoa học ngoại nhi Đông Nam Á lần thứ 4 với đông đảo những anh
tài của các nước ASEAN và thế giới. Tất nhiên, một người không
thể thiếu đó là BS Nguyễn Xuân Nam, tên thân mật đồng nghiệp
thường gọi là Nam Nguyễn. Sau màn chào hỏi với những đồng nghiệp
Á, Âu... anh bảo tôi: “Bây giờ anh đi thăm bệnh nhân với tôi luôn
nhé? Chiều nay tôi sẽ mổ trình diễn 2 ca bệnh cho các chuyên gia
xem”. Hai ca Bệnh viện Nhi dành cho BS Nam bị chứng phình
đại tràng bẩm sinh dạng phức tạp. Chỉ định phẫu thuật là
biện pháp duy nhất cứu sống bệnh nhân, nhưng phẫu thuật như thế
nào để đạt kết quả tốt nhất mới là điều đáng bàn. Dù đang khóc
ngằn ngặt trên tay mẹ, nhưng cậu bé 4 tháng tuổi trở nên ngoan
ngoãn và nhoẻn miệng cười đáp lại BS Nam khi anh khéo léo dỗ dành
để khám cho cháu bé.
Tại Hội trường J của Bệnh viện Nhi trung ương,
ca phẫu thuật do BS Nam chủ trì được truyền hình trực tiếp từ
phòng mổ. Các thao tác xử trí của anh như có ma thuật thu hút sự
chăm chú của các chuyên gia, rất nhiều sắc thái biểu cảm khác
nhau trên mỗi khuôn mặt: họ mở to mắt, cau mày... rồi quay sang
nhìn nhau gật gù tâm đắc. Sang ngày hôm sau, tôi không biết BS
Nam tận hưởng sự rảnh rang của mình như thế nào, chỉ biết ngay
khi ban tổ chức giới thiệu anh lên trình bày các nghiên cứu khoa
học mới của mình về nội soi nhi khoa đã được cả hội trường Sông
Hồng II - Khách sạn Sheraton nhiệt liệt tán thưởng.
Khác với cách nói chuyện hồn nhiên, đôi khi
rất ngẫu hứng, lúc trình bày nghiên cứu khoa học anh lại rất sắc
sảo và logic, các chứng cứ xác thực, chặt chẽ, dễ hiểu, hình
ảnh sinh động. Cả hội trường im phắc lắng nghe và rồi từng tràng
pháo tay vỡ òa không dứt khi bài giảng kết thúc. Tôi nói rằng khi
viết bài sẽ gọi anh là “siêu bác sĩ”, anh bảo:“Anh nên dành nhiều
lời khen cho các bác sĩ Việt Nam. Ở Mỹ, tôi có mọi điều kiện tốt
nhất để làm việc, ở nhà mình còn nhiều thiếu thốn nhưng họ đã làm
việc thật tuyệt vời. Sau vài năm trở lại Bệnh viện Nhi thấy trình
độ của các bác sĩ tiến bộ rất nhiều. Nhất là GS Nguyễn Thanh
Liêm, tôi quen từ những hội nghị khoa học quốc tế, nhiều nghiên
cứu của ông đã làm tôi bất ngờ và cảm phục..”.
Con người tài năng ấy không chỉ có sự khiêm
tốn mà còn có một lối sống vô cùng giản dị. Tôi hỏi có phải anh
vẫn đi làm bằng chiếc xe ô tô cũ kỹ không? Câu trả lời là: thì nó
vẫn đi được mà, sao lại phải bỏ đi.
Tuổi thơ giông bão:
Ít ai biết rằng BS Nguyễn Xuân Nam đã từng trải qua một “tuổi thơ
dữ dội”. Gia đình anh vốn làm nghề đánh cá ở Hòn Khói- Nha Trang-
Khánh Hòa. Lời ru của mẹ và tiếng sóng biển rì rào đã vỗ về anh
lớn lên. Mỗi buổi sáng, cậu bé Nam lại tíu tít dậy sớm theo mẹ ra
biển ngồi gác bình minh đón cha trở về.
Nhưng điều ngọt ngào ấy đã tắt lịm khi
anh lên 4 tuổi thì người mẹ qua đời. Thương cuộc sống côi
cút của 3 cha con anh, một người phụ nữ tốt bụng đã chấp nhận làm
mẹ của anh. Phải vật lộn nuôi gia đình với 8 đứa con thực sự quá
sức với cha mẹ. Vì thế lên lớp 6, nhà nghèo khó, cậu học trò sáng
dạ Nguyễn Xuân Nam đã phải nghỉ học để cùng cha lênh đênh trên
biển đánh cá nuôi sống gia đình. Nhưng rồi hạnh phúc giản
dị của gia đình nghèo khó ấy cũng chẳng được bao lâu, bệnh tật
lại lần lượt cướp đi của anh mẹ kế và hai đứa em.
Trong trái tim đau khổ lúc bấy giờ của anh
bỗng cháy lên ước mơ trở thành một bác sĩ chữa bệnh cho người
nghèo. Tuổi thơ nghèo khó đong đầy nỗi đau, những năm tháng sống
trên biển lúc yên bình, lúc gào thét của giông bão đã rèn cho anh
nghị lực phi thường, thân hình vạm vỡ của người thủy thủ và một
tâm hồn khoáng đạt. Anh bảo đến tận bây giờ những giấc mơ vẫn đưa
anh trở về ngày xưa, có những khi choàng dậy giật mình vì được
gặp mẹ, được để chân trần chạy theo mẹ trên cát như ngày nào, dù
hình ảnh thật chập chờn, mơ hồ...
Khát vọng bất tận:
Chàng trai của Hòn Khói đặt chân lên đất Mỹ xa lạ khi anh 19
tuổi, trách nhiệm của Nam lúc này là lao động nuôi sống gia đình.
Dù khó khăn, Nguyễn Xuân Nam vẫn quyết tâm xin theo học tiếp phổ
thông tại thành phố Lincoln. Lúc đó anh chỉ mong rằng mình học
làm sao nói được tiếng Anh, cố gắng tốt nghiệp trung học kiếm một
việc làm ổn định để nuôi các em ăn học chứ không có mong ước gì
hơn. Để có tiền ăn học, Nguyễn Xuân Nam đã phải làm rất
nhiều công việc, làm ở hiệu bánh mì, làm gia sư, làm lao công
trong trường với đủ thứ công việc cực nhọc trong cái lạnh giá của
mùa đông Nebraska. Năm 1983, anh tốt nghiệp trung học tại trường
Norris High School với số điểm xuất sắc.
Con đường học bắt đầu mở ra trước mắt Nam, anh
quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ nhưng đây lại chính
là ngành học khó nhất ở Mỹ. Để có thể học y, bất kỳ ai cũng phải
có bằng đại học. Với khả năng của mình, anh tốt nghiệp cử nhân
Toán và Hóa ở Đại học Creighton, TP.Omaha, bang Nebraska một cách
dễ dàng, rồi tiếp tục trải qua 4 năm bác sĩ y khoa tại trường y
của đại học Creighton.
Trong quá trình học y, ngoại khoa cuốn hút anh
kỳ lạ và cảm thấy đây là thế giới anh có thể phát huy nhiều nhất
khả năng của mình vì thế anh học tiếp 6 năm phẫu thuật tổng quát
tại đây và Đại học New Mexico. Anh tiếp tục vượt qua hàng trăm
bác sĩ đã tốt nghiệp ngoại tổng quát để trở thành một trong 27
học viên toàn Bắc Mỹ lúc bấy giờ đỗ vào chuyên ngành ngoại nhi
tại Đại học Pittsburgh, bang Pennsylvania.
Anh bảo, có một thứ anh không phải học, không
phải thi chỉ cần rất chân thành mà có được đó là tình yêu của cô
bác sĩ gây mê, vợ anh. Người cho anh một mái ấm gia đình thực sự
và niềm an ủi lớn trong cuộc đời.
Từ khi bước chân vào đại học đến lúc tốt
nghiệp chương trình ngoại nhi, BS Nam đã trải qua 16 năm học tập
liên tục. Năm 1999, BS Nguyễn Xuân Nam được Đại học California,
Irvine mời về làm Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi, tham gia giảng dạy
tại trường Đại học nổi tiếng ở miền nam California này đồng thời
là Trưởng khoa Ngoại- Bệnh viện Nhi Los Angeles.
Giờ đây cái tên Nguyễn Xuân Nam đã trở nên nổi
tiếng trong giới ngoại nhi bởi nhiều công trình nghiên cứu, nhiều
bài giảng, nhiều giải thưởng và cả cách thuyết giảng hấp dẫn của
anh. BS Nam cũng là một trong những người đi đầu về nội soi
ổ bụng, thành công mới nhất của anh là mổ nội soi chỉ qua một lỗ
thay bằng ba lỗ như trước đây. Anh mong muốn chuyển giao sớm kỹ
thuật này đến tất cả các đồng nghiệp trên thế giới, đặc biệt là ở
Việt Nam.
Từ một cậu bé mồ côi trở thành một chuyên gia
xuất sắc thế giới về ngoại khoa là một chặng đường gian khổ nhưng
đáng khâm phục của BS Nguyễn Xuân Nam. Với chàng trai Hòn Khói
phóng khoáng như biển ấy những khát vọng về cuộc sống, về khoa
học là bất tận.
|
No comments:
Post a Comment