Sau nhiều lần
dự định không thành, cuối cùng thì tôi cũng đã thực hiện được chuyến đi Miên,
Siêm Rệp- Angkor 4 ngày 3 đêm với công ty tour du lịch Văn Hoá Việt. Từ Sài Gòn
gần như hằng ngày đều có những tour đi Miên, chính xác hơn là vào các ngày thứ
ba, thứ năm, thứ Bảy, riêng Saigontourist còn có cả tour Miên ngày Chúa Nhật, còn
tour Miên Văn Hoá Việt chỉ tổ chức ngày Thứ Năm hàng tuần, những ngày khác Văn
Hoá Việt không có tour đi Miên.
Tôi đã chọn
tour Miên của công ty du lịch Văn Hoá Việt chỉ vì lý do là Văn Hoá Việt có văn
phòng đại diện tại Úc Châu, cho nên tôi có thể mua vé và làm thủ tục đi tour Miên
từ văn phòng đại diện của Văn Hoá Việt tại Footscray, Melbourne. Giá tour đi Miên
từ Saigon của các công ty du lịch Việt Nam cũng tương đương nhau, cao thấp chút
đỉnh tùy ngày, tùy mùa, tùy khách sạn , tuỳ nhà hàng ăn uống... Tôi mua vé tour
Miên 4 ngày 3 đêm của VHV giá 190 AUD/ người/ twin share/ + 25 AUD tiền Visa Miên,
tổng cộng là 215 AUD, nếu tính thêm tiền tip Tài xế, hướng dẫn viên Miên Việt cho
4 ngày nữa là 227 AUD.
Trường hợp bạn
không có visa vào ra VN nhiều lần thì bạn phải tốn thêm tiền visa tái nhập cảnh
VN rất đắc, khoảng 1 triệu đồng VN! Cho nên, nếu bạn có dự định về VN rồi đi Miên,
hoặc đi thêm quốc gia nào khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật
Bổn....thì bạn nên xin loại Visa nhiều lần, loại Visa nhiều lần hiệu lực 5 năm
chỉ mắc hơn loại Visa 1 lần có 10 AUD mà thôi, cho nên bạn nên xin loại Visa nầy,
cái khó là bạn cần có giấy tờ chứng minh bạn là người gốc Việt Nam, bạn co thể
dùng Visa nhập cảnh Úc lần đầu từ trại tị nạn, cái nầy thì gần như người Việt tị
nạn nào cũng có, còn vợ chồng con cái bạn tại Úc thì cần có giấy tờ hôn thú,
khai sanh chứng minh mối lien hệ.
Tour Miên –
Angkor Watt có 2 tuyến ngược chiều nhau, tuyến đi Phnom Phenh trước, và tuyến đi
Siêm Rệp trước, tour Miên của VHV đi Siêm Rệp trước, đoạn đường đi dài hơn đoạn
đường về nên tôi phải khởi hành rất sớm, công ty hẹn 4.30 am phải có mặt tại công
ty, nghiã là 4 am đã phải lên xe taxi, nghiã là mới 3.30 am đã phải thức dậy, còn
hành lý thì đã phải chuẩn bị sẵn mọi thứ từ đầu hôm! Nhưng xe thì khởi hành đúng
5 am! Trạm dừng chân ăn sáng là Trảng Bàng, Tây Ninh với món điểm tâm được quảng
cáo xôm tụ là món bánh canh Trảng Bàng, nhưng thực ra thì món ăn nầy cũng chẳng
có gì là đặc biệt cả, chỉ là một tô bánh canh rất bình dân, rất bình thường! chỉ
có mấy miếng bún và mấy miếng thịt giò heo! Kinh nghiệm là đừng bao giờ tin
nghe những lời quảng cáo!
Trạm dừng kế
tiếp là cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, ở đây bạn phải xuống xe, trình passport,
visa xuất cảnh Việt, visa nhập cảnh Miên, trạm kiểm soát nhập cảnh Miên sẽ giữ
Passport của bạn lại cho đến khi bạn trở về ! nghiã là trên đất Miên bạn không
cần mang theo thứ giấy tờ gì cả, kể cả khi bạn thuê mướn Hotel ở Miên, không như
ở Việt Nam, bạn luôn luôn phải mang theo passport, và khi ở Hotel thì bạn phải
nộp Passport cho họ cất giữ! Ngay cả khi bạn đã giao passport cho khách sạn cất
giữ, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bị công an khám xét phòng ốc, giấy tờ của bạn!
Những điều phiền
hà như vậy đối với du khách không hề xảy ra trên đất Miên, ở Miên họ có chủ trương
dành mọi dễ dãi, ưu tiên cho du khách với châm ngôn “Du khách là Thượng Đế”, bởi
vì du khách là nguồn lợi tài chánh thường xuyên và lớn lao hằng ngày của Miên,
khác với nhiều lời than phiền của du khách đến Việt Nam, kể cả du khách Việt Kiều,
nhiều người không muốn đi du lịch Việt Nam, nhiều người khôngmuốn trở lại Việt
nam, hậu quả là hiện nay các tour Viet Nam ế thê thảm, nhiều chỗ du lịch ở Việt
Nam vắng ngắt như chùa bà Đanh, khu du lịch nhiều tốn kém “Đại nam văn Hiến” chắc
phải đóng cửa!.
Cửa khẩu Mộc
Bài, Tây Ninh, hàng ngày có cả mấy ngàn người qua lại, dĩ nhiên phần lớn là người
Việt Nam, người trong nước và những Việt Kiều từ khắp nơi về VN rồi đi tour Miên,
cũng có du khách nước ngoài đến VN rồi đi tour Miên như Việt Kiều. Cổng cửa khẩu
Mộc Bài bên phía VN thì xây cất đơn sơ, giản dị, nhưng cổng bên phiá Miên thì
khác hẳn! Cổng cửa khẩu Mộc bài của Miên thì to lớn, đặc thù, đặc sắc, mang nét
văn hoá, kiến trúc Miên với những hình mái ngói cung như những cung đình, chùa
tháp Miên, phải nói là rất đẹp! Còn nhân viên cửa khẩu phía Miên thì sao đông đảo
quá, họ ăn mặc sắc phục lễ của quân đội Miên, thật nghiêm chỉnh, thật đẹp, nhưng
đáng nói là họ cười nói vui vẻ, cởi mở... chớ không phải là những vẽ mặt đăm đăm,
soi mói khó khăn như những nhân viên hải quan bên phiá VN!
Liền ngay bên
cạnh cửa khẩu Mộc Bài về phía Miên là những toà cao ốc, dinh thự to lớn, khang
trang... đó là những sòng bài Casino, Hotel, nhà hàng, siêu thị....rất nhiều khách
qua cửa Mộc Bài Tây Ninh là khách của những sòng bài Casino nầy ! Nghiã là Miên
xây những sòng bài ở cửa khẩu Mộc Bài là để lượm tiền của ngưpời Việt Nam, hậu
quả thê thảm là đã có bao nhiêu người Việt Nam mang tiền qua Miên nạp cho mấy sòng
bài Casino nầy, nhiều người tán gia, bại sản, nhiều người phạm tôi lâm vòng lao
lý, nhiều gia đình tan nát, vợ chồng ly dị, chia lià! tất cả cũng vì những sòng
bài Casino của Miên! Việt Nam sợ người dân thua bài nên cấm không cho xây
casino, nhưng Việt Nam lại không cấm được người dân đi qua Miên đánh bài, rốt
cuộc người Việt vẫn thua bài, mà Việt Nam không thâu được tiền thuế từ những sòng
bài casino!
Đường từ cửa
khẩu Mộc Bài đến Siêm Riệp (Siam Reap ) còn rất xa, hơn 400 km, cho nên xe phải
chạy 9-10 tiếng đồng hồ nữa mới tới! Con dường dài thăm thẳm, hai bên là những
cánh đồng đất khô khan, những cánh đồng nầy biểu tượng sự nghèo khó của dân Miên,
nhưng nó cũng gợi nhớ tựa đề của một cuốn phim có tên là “Cánh đồng chết!” (The
killing field), trong đó có nhân vật đóng vai chánh là một người Miên, một Bác
Sĩ Y Khoa, từng là nạn nhân của chế độ Pol Pot, cuốn phim nầy ghi lại rất nhiều
những câu chuyện, hình ảnh thương tâm của người dân Miên, những tội ác diệt chủng
man rợ của Pol Pot và Tổ chức Khmer Đỏ đối với người dân và đất nước Miên,
trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi của họ tại Miên, từ 1975- 1979.
Những câu
chuyện thật được kể lại bằng mắt thấy tai nghe của người Miên hướng dẫn viên càng
thêm phần thực tế, rùng rợn, không thể nào tưởng tượng nổi về những tội ác của
con người có thể đối xử với con người, dù là người cùng chủng tộc Miên, cùng quốc
gia Miên! Kẻ tội ác hàng đầu là Pol Pot thì đã chết vì bệnh tật trong rừng sâu,
nhưng những kẻ tay chân, bộ hạ của y, những kẻ cũng nhuốm đầy tội ác sát nhân
diệt chủng dân Miên, thì vẫn chưa bị xét xử, chưa bị trừng phạt thích đáng, thật
là đáng tiếc!
Hình ảnh tiêu
biểu của xứ Miên là những cây thốt lốt mọc rải rác trên những cánh đồng khô, hình
ảnh nầy rất khác với những cánh đồng bên Việt Nam, đâu đâu cũng là những ruộng
lúa xanh rì, hoặc những vườn cây trái xanh um! Người Miên chỉ trông đợi con nước
nổi của sông Mekong để trồng lúa, mỗi năm chỉ có một mùa luá nổi, lợi tức không
bao nhiêu, cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy dọc bên đường rải rác mới
có những căn nhà người Miên, mà căn nhà nào cũng nhỏ bé, đơn sơ, nghèo nàn, rách
nát, không đáng gọi là những căn nhà, có thể gọi đó là những căn chòi, hay những
túp lều!
Người Miên
phần đông đều rất nghèo, nhưng nếu có tiền thì họ sẽ đem đi cúng chùa! Người Miên
coi Chùa mới là nơi quan trọng, có thể nói
Chùa mới nhà thực sự của họ, khi nhỏ họ vào chùa để học đạo, học chữ, khi về già
họ vào chùa để tu hành, dưỡng lão, còn nhà chỉ là nơi họ ở tạm trong khoảng tuổi
trung niên! Người đàn ông Miên muốn cưới vợ phải có giấy chứng đã qua thời gian
tu học ở chùa, do nhà sư cấp, nếu không có giấy chứng đi tu nầy thì không ai chịu
gã con, thậm chí muốn tìm việc làm cũng khó, muốn làm việc gì cũng khó! Mà khi
từ nhỏ đã được học triết lý Phật Giáo, coi đời là cõi tạm, mọi sự giai không,
thì rất nhiều người sẽ rời bỏ gia đình qui y thí phát, hoặc chán nản mọi thứ,
không còn muốn có vợ con, gia đình, tiền tài, sự nghiệp gì hết!
Tuy xa nhưng
rồi cuối cùng thì chúng tôi cũng đã tới Siêm Riệp, hay Siam Reap, địa điểm du lịch
chánh của chuyến du lịch nầy, cũng như của hầu hết các đoàn du lịch Miên, vì nơi
đây có các di tích đền tháp Angkor Vat, Angkor Thom. Mấy trăm năm trước Thái
Lan đã từng đánh chiếm nơi nầy, và đặt thành một tỉnh lỵ của Thái với tên gọi là
Siam Nakhon, có nghiã là Tỉnh Thành của Siam, tức là tỉnh thành của Thái, khi
Miên đánh đuổi được quân Thái, lấy lại tỉnh thành nầy thì người Miên lại đặt tên
là Siam Reap, có nghiã là quân Thái bị đánh bại! Siam Reap từng là Thủ Đô của
Miên, nhưng vì nó chỉ cách biên giới Thái có 100 km, rất dễ dàng và rất thường
xuyên bị quân đội Thái tấn công, cho nên cuối cùng thì Miên phải xây dựng thủ đô
mới là Thành Phố Phnom Phenh bây giờ.
Siam Reap
tuy không phải là Thủ Đô Miên nhưng có thể nói Siam Reap là Thủ Đô du lịch của
Miên, vì hàng ngày có khoảng 10.000 du khách đến Siam Reap! Du khách đông đến nổi
chúng ta có thể đặt tên Siêm Riệp là Thành Phố của du khách! ăn theo du lịch là
hệ thống khách sạn, nhà hàng, market, hàng hoá...., gần như con đường nào cũng
mọc lên khách sạn, hình dáng, kiểu mẫu, giá cả khác biệt nhau, có khách sạn giá
2000 USD, có khách sạn chỉ vài chục USD, chúng tôi ở khách sạn có tên Tara
Angkor Hotel, Hotel 4 sao, có hồ bơi, giá 80 USD/ twin room/ night, có buffet sáng.
Siam Reap đặc
biệt có một rạp hát rất lớn, mỗi đêm đều đặn có 2 xuất hát, cùng một vở kịch
“Smiling Angkor”, nhưng lúc nào cũng đông nghẹt không còn chỗ trống, nếu mua vé
trễ sẽ không còn vé ! Vé có 2 hạng, hạng 48 USD và hạng 38 USD, bạn có thể nhờ Hướng dẫn Viên mua với giá 25
USD, hoặc 30 USD, nhưng nếu bạn không vào xem thì thiệt là đáng tiếc! Vì chương
trình biểu diễn của họ quả thật là quá xuất sắc! Qua đó bạn có thể coi cả quá trình
lập quốc của Miên, đặc biệt là những nét văn hoá Miên, những phong tục, tập quán,
tín ngưỡng, và nhất là công trình xây dựng Angkor Vat, Angkor Thom...., được dàn
dựng, trinh bày kỹ thuật công phu bằng màn ảnh nổi 3 chiều, ánh sang laser, cùng
các diễn viên người thật! bạn coi xong chương trinh nầy rồi mới đi xem Angkor
Thom, Angkor Vat thì bạn sẽ thấy thú vị hơn, hiểu rõ hơn về công trinh xây dựng,
tính chất, ý nghiã... của hai ngôi đền nầy.
Hôm sau chúng
tôi phải mất trọn 1 ngày để đi thăm 2 ngôi đền Đế Thiên, Đế Thích, muốn vào thăm
đền dĩ nhiên là bạn phải mua vé, vé bán
rất đắt, mỗi vé có giá trị 1 ngày, để đi xem mọi nơi, muốn vào nơi nào kể cả nơi
vệ sinh, tiêu tiểu, bạn cũng phải trinh vé, trên vé có ghi rõ tên họ và cả hình
ảnh của bạn, tuy là ở đâu cũng có người kiểm soát vé, nhưng tất cả những nhan
viên nầy đều rất mực lễ độ, nhã nhặn, khiến cho bạn hoàn toàn không có ý than
phiền, bất mãn họ.
Nếu chỉ nghe
tên gọi là Đế Thiên, Đế Thích mà thôi, thì chắc chắn bạn sẽ dễ lầm tưởng đây là
hai ngôi đền của 2 ông Vua, hay là hai nơi thờ phượng 2 ông Vua Đế Thiên và Đế
Thích. Sự thật thì không phải vậy, Đế Thiên còn gọi là Angkor Vat, còn Đế Thích
là Angkor Thom, từ ngữ Angkor có nghiã là Kinh Thành, hay đô thị, còn Vat là Chùa
Chiền, nơi thờ tự, chỗ tu hành, còn Thom là to lớn, hay gọi cho rõ nghiã hơn thì
Angkor Vat là “Đền Thờ”, còn Angkor Thom là “Đền Vua”, tức là nơi Vua ở, tức là
Hoàng Cung, nơi dàh cho mọi ông Vua Miên tại vị chớ không phải của riêng 1 ông
vua có tên là Đế Thích, không có ông Vua Miên nào có tên là Đế Thích cả như tên
gọi và cách nghĩ của chúng ta!.
Nói cách khác
thì Đế Thiên là đền thờ Thần Linh, khởi đầu là các vị Thần của Ấn Độ Giáo, hay đạo
Hindu, cụ thể là thờ vị Thần Hindu có tên là Vishnou, vì các vị Vua Miên đầu tiên
xây dựng ngôi đền nầy theo đạo Hindu của Ấn Độ. Nhưng công trình xây dựng ngôi
đền Đế Thiên Angkor Vat keó dài rất nhiều năm, riêng công trinh đá thôi đã mất
40 năm, còn công trinh khác tạc thì kéo dài tới 4 thế kỷ , từ thế kỹ 12 đến thế
kỹ 16 mới hoàn thành, trải qua nhiều triều đại Vua Chúa Miên khác nhau, những vị
vua Miên nầy theo những tôn giáo tín ngưỡng khác nhau.
Sau cùng thì
Đền thờ thần linh Angkor Vat pha trộn cả 2 tôn giáo khác biệt nhau là đạo Hindu
và Phật Giáo, nhưng Phật Giáo ngự trị sau cùng ở Miên từ thế kỷ 15 đến nay, cho
nên ngày nay chúng ta mới thấy hình ảnh chính của đền Angkor Vat là ngôi đền thờ
Phật Thích Ca, với hình ảnh đức Phật Thích Ca to lớn ngự trị trên đỉnh đền
Angkor Vat.
Nói là tượng
Phật nhưng mà đây là pho tượng Phật Thích Ca độc đáo nhất trên thế giới, vì nó
là pho tượng Phật Thích Ca bằng đá tảng nguyên khối lớn nhất thế giới, tượng Phật
bằng đá tảng có vị thế cao nhất thế giới, ngự trị trên một ngôi đền xây dựng thuần
đá nguyên chất duy nhất trên thế giới, đặc biệt nhất là Tượng Phật Thích Ca nầy
có tới 4 mặt xoay quanh bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, mỗi mặt Phật một hướng khác
nhau. Ngoài ý nghiã thông thường của tượng Phật 4 mặt là Đức Phật có mặt ở tứ
phương, nghiã là nơi nào ở trần gian nầy cũng có Phật, Hướng dẫn Viên giải thích
là Tượng Phật 4 mặt tượng trưng cho bốn đức tính của Phật: “Giác Ngộ- Từ Bi - Hỉ
Xả - Công Bình”.
Chỉ duy nhất
ở đất Miên nầy, chúng ta mới thấy hình ảnh Phật 4 mặt, và quả thật đây là lần đầu
tiên tôi mới được nghe thấy biết chuyện tượng Phật 4 mặt tượng trưng cho 4 đức
tính cao qúi của Phật là “Công bình – Giác Ngộ- Từ Bi - Hỉ Xả”. Sau đó thì tôi
thấy trong khách sạn, nhà hàng, và gần như là đâu đâu ở Miên, cũng thấy có những
tượng Phật 4 mặt, nhưng không biết người Miên có học được 4 đức tính cao qúi nầy
của Đức Phật hay không?
Hàng ngày có
tới cả hàng chục ngàn du khách thuộc đủ sắc tộc, màu da, từ khắp nơi trên thế
giới tới đây chiêm ngưỡng tượng Phật 4 mặt, nhưng không biết có ai chịu suy nghĩ
và học hỏi về 4 đức tính cao qúi của Đức Phật là “ Công bình – Hỉ xả - Từ Bi – Giác Ngộ”!? Nếu
không thì thực rất uổng phí cho công sức lặn lội tới đây chỉ để nhìn xem ngôi Đền
tháp Angkor Vat làm bằng những viên đá tảng nay đã rêu phong, đổ nát, hoang tàn!
Nếu đây thuần túy chỉ là những khối đá, dù là những khối đá to lớn, xây dựng công
phu, thì nó cũng thực không đáng để được xem là một kỳ quan thế giới!
Theo tôi thì
Angkor Vat chỉ có thể đáng gọi là kỳ quan thế giới là vì nó đã sừng sững bao năm
để nêu cao 4 đức tính cao qúi của Đức Phật Thích ca “Giác Ngộ- Từ Bi - Hỉ xả -
Công Bằng”, nếu không nếu cao được những triết lý cao qúi nầy thì nó sẽ chẳng
những không đáng gọi là Kỳ quan mà nó còn rất đáng bị lên án! Là bởi vì để có
thể xây dựng nên ngôi đền đá Angkor Vat, cũng như những ngôi đền đá lớn nhỏ khác
ở đây, các vị vua chúa Miên đã cưỡng bách công sức, tiền của của hàng triệu người
dân Miên, kể cả bao nhiêu xương máu, sinh mạng của người dân Miên vô tội đã phải
hy sinh cho những công trinh vô bổ nầy, những quan niệm tôn giáo của những ông
vua Miên nầy, trong suốt mấy trăm năm!.
Sáng sớm hôm
sau, chúng tôi rời Siam Reap đi Phnom Phenh, thủ đô Miên, chủ yếu du lịch Phnom
Phenh chỉ là đi thăm Hoàng Cung, nơi Vua Miên ở, ngôi chùa Vua Miên tu, nhất là
ngôi chùa nổi tiếng là Chùa vàng, chùa bạc, thực ra thì không phải là ngôi chùa
xây bằng vang hay bạc, mà chỉ là ngôi chùa có những vật dụng chén bát, bình lọ,
tượng Phật bằng vàng, bạc nguyên chất, nhưng qua thời gian, biến cố lịch sử,
nay nó chỉ còn lại một ít vật dụng bằng vang thật, được cất giữ trong tủ kính,
du khách vào xem như một viện bảo tàng vậy thôi, không có gì khác, và không có
ich lợi gì, còn Hoàng Cung của vua Miên thì cũng thật là nhỏ bé, khiêm nhường,
không có gì đáng kể.
Sáng sớm ngày
thứ 4 của cuộc hành trình, sau khi ăn sang ở Hotel, chúng tôi đi chợ Miên, sau đó
thì ăn Buffet trưa rồi lên xe về lại sài Gòn, đến 5.30 pm, xe mới về đến điểm Sài
gòn, kết thúc chuyến đi Miên 4 ngày 3 đêm, tốn phí tổng cộng khoảng 300 USD mỗi
người, bao gồm xe cộ, khách sạn, ăn uống, visa, tip... kể cũng khá rẻ so với túi
tiền của một du khách, dù là du khách Việt kiều Úc, và quan trọng là tôi đã có
dịp học được nhiều bài học rất là đáng qúi, những bài học sai lầm của những ông
Vua Miên khi xây dựng những đền đài vô bổ cho đất nước, nhân dân Miên, cũng như
những sai lầm sát nhân diệt chủng của Pol Pot và Khmer Đỏ, suýt nữa đã hủy diệt
đất nước, nhân dân Miên.
Không những là
người dân Miên, mà mọi con người trên toàn thế giới cũng đều nên học hỏi những
lời dạy của Đức Phật Thích Ca là: “ Công Bình - Hỉ Xả - Từ Bi – Giác Ngộ”, chỉ
có những điều nầy mới mang lại hạnh phúc bình an cho con người, chớ không phải
là những lăng tẩm, đền đài, cung điện....dù chắc chắn thế nào, dù tráng lệ tới đâu,
dù nguy nga tới đâu, dù lộng lẫy tới đâu!
Thái Tấn Truyền (Tháng 1/ 2013)
No comments:
Post a Comment