Wednesday, 2 March 2022

Putin trong cơn tuyệt vọng

 Nguyễn Đức Thành  28/02/2022

image.pngMột điều hy hữu trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, là chưa đầy một tuần, hay có lẽ chính xác hơn là chưa đầy 100 giờ đồng hồ, cuộc chiến do môt cường quốc quân sự (tôi xin không gọi là Nga là siêu cường quân sự nữa) phát động với một nước láng giềng nhỏ bé hơn nhiều lần, đã thấy được kết cục thảm bại nghiêng về phía quân xâm lăng.
Tôi có thể khẳng định việc chiến thắng là không thể, khi Nga đã mất toàn bộ quán tính và động năng cho cuộc chiến. Trong khi đó, toàn bộ phần phía Tây của Ukraine vẫn hoàn toàn tự do. Và đây là phần trực tiếp kết nối với lãnh thổ các nước láng giềng thân thiện. Họ đã mở toang biên giới để người tỵ nạn Ukraine di chuyển sang như không hề có đường biên giới. Đồng thời, theo chiều ngược lại, vũ khí của các nước NATO và Mỹ đi qua biên giới để vào Ukraine, với số lượng sẽ không còn giới hạn nào nữa. Điều này cho thấy hai đặc điểm quan trọng lúc này của cuộc chiến:
1. Ukraine có một hậu phương coi như vô hạn về phía Tây, trong khi đó, phía Đông chỉ đóng vai trò như mặt trận, mà quân Nga còn chưa làm chủ được.
2. Ukraine giờ đây không khác gì một nước quasi-NATO rồi. Tức là một nửa đã là NATO. Chỉ có người lính là người Ukraine (những người thiện chiến nhất Châu Âu), còn toàn bộ khí tài và nguồn lực cho cuộc chiến đã đồng nhất với NATO, chưa kể tới toàn bộ thế giới văn minh.
Với lý do này, Nga sẽ không còn cơ hội chiến thắng. Cứ thêm một ngày giao tranh, với chiến thuật như hiện nay, Nga sẽ mất thêm khoảng 1.000 quân và vô số khí tài quân sự. Đây là thiệt hại mà không một cường quốc hay siêu cường nào có thể chấp nhận được quá một tuần liên tục. Mà nếu chấp nhận được thì đó là sự lựa chọn hoàn toàn mất lý trí. Mà kẻ mất lý trí thì làm sao có cơ hội chiến thắng một đối thủ có lý trí?
Vấn đề của Putin bây giờ là làm sao rút được quân khỏi Ukraine, và làm sao GIẢM THIỂU thiệt hại về người và của mà thôi.
Trong cơn tuyệt vọng, Putin ra lệnh chuẩn bị sử dụng vũ khí nguyên tử. Đó thực sự là mất lý trí. Thứ nhất, cuộc chiến của Putin phát động tưng bừng ban đầu là với lý do lật đổ chính quyền "không được lòng dân". Thế thì nhẽ ra nhân dân phải đồng lòng với Putin để lật đổ chính quyền. Cớ gì bây giờ lại phải dùng bom nguyên tử, để thảm sát nhân dân mà chưa chắc đã tiêu diệt được chính quyền đó.
Thứ hai, vũ khí hạt nhân theo quy định quốc tế là chỉ dùng để tự vệ, chứ không phải dùng để tấn công. Giả sử Putin có ngông cuồng phá vỡ quy ước này – ừ thì cũng không sao nếu muốn – thì phải đem sử dụng với những cường quốc hoặc siêu cường đối chọi chứ. Ai lại bây giờ cuồng loạn đem sử dụng với một nước nhỏ, hết sức gần gũi về lịch sử, mà lại đang được Putin "giải phóng" theo đúng như lời Putin nói.
Thôi thì nói một đằng làm một nẻo, vứt các cam kết quá khứ vào sọt rác, lừa dối nhân dân, vi phạm luật pháp quốc tế v.v... là chuyện mà chính trị gia khát máu hay cuồng điên với cuồng lực nào cũng có thể làm. Nhưng làm một cách không còn lý trí, tức là bản thân mình đã tự mất kiểm soát về ý thức, thì cá nhân ấy làm sao còn tồn tại được nữa? Nói gì đến đánh giá đúng hay sai, đạo đức hay vô đạo đức.
Thêm một lựa chọn mang tính tuyệt vọng nữa, là Putin muốn lôi kéo Belarus vào cuộc chiến với Ukraine. Một nước Nga hùng hậu về dân số và quân sự đến như vậy, và nước Belarus thì cho đến giờ có khác gì một tỉnh của Nga đâu, bảo gì nghe nấy, thì giờ đây muốn họ tuyên chiến với Ukraine thì được ích gì trên chiến trường? Có thay đổi được gì đâu nếu trên thực tế Belarus vẫn là một lãnh thổ mà Putin tùy nghi sử dụng cho các hoạt động quân sự của ông ta?
Lợi ích như vậy không khác là bao. Nhưng chi phí thì lại to lớn vô cùng. Đơn giản là nếu Tổng thống Lukashenko của Belarus, cái anh chàng to béo làm con bù nhìn cho Putin, đồng ý tuyên chiến với Ukraine, chính người dân Belarus có thể phẫn nộ mất hết giới hạn mà lật đổ ông ta. Vì bản chất ở cấp độ nhân dân, người dân Belarus, người Ukraine, người Nga, đều hòa bình, thân thiện, yêu quý nhau từ bao đời nay. Giờ đây lại đẩy họ đến đường tiêu diệt nhau, thì làm sao họ nhẫn nhịn mãi được.
Với kịch bản này, Putin có thể gặp rủi ro là mất luôn cả Belarus. Như những gì đã diễn ra vào năm 2014 ở Ukraine, khi vị tổng thống thân Nga bị người dân lật đổ (và xây dựng đất nước Ukraine mới cho tới hôm nay).
Một tính toán mà lợi ích không thêm được bao nhiêu, mà chi phí thì tăng lên đáng kể, thì không nên thực hiện. Nhưng vẫn cố thực hiện, thì không còn lý trí nữa.
Tóm lại, mọi hành động của Putin sau chưa đầy 100 giờ đồng hồ phát động cuộc chiến, cho thấy ông đã hoàn toàn tuyệt vọng và mất lý trí.
Bi kịch của những nhà độc tài hoặc bạo chúa là như vậy. Trong suốt lịch sử loài người từ khi có sử, từ Đông sang Tây, Nam chí Bắc, là tên bạo chúa đều chết một mình, vì chính sai lầm của mình. Lý do đơn giản là những người có thể nói chuyện được với họ về lý trí, luận bàn những việc đúng sai, để giúp cho tên bạo chúa một chút gì đó tốt đẹp hơn, đều đã bị hắn giết chết rồi.

No comments:

Post a Comment